Thứ năm, 28 Tháng 3 2024 15:48

Đánh giá về hình thức xử lý trách nhiệm dân sự đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán

Với đặc trưng của thị trường, các quan hệ chịu sự chi phối và điều tiết của thị trường nên ưu tiên và tạo cơ chế để thực thi trách nhiệm dân sự vừa bảo vệ được quyền lợi của nhà đầu tư vừa củng cố niềm tin cho nhà đầu tư và đảm bảo sự ổn định của thị trường. Hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán sẽ xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của một bên trong quan hệ giao dịch, về mặt lý thuyết sẽ dẫn đến sự vô hiệu của hợp đồng đó. Luật Chứng khoán các quốc gia quy định rõ nghĩa vụ bồi thường cho từng loại hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán gây thiệt hại, đi kèm với cách thức xác định khoản bồi thường đối với các hành vi cụ thể. Điều 15, Điều 197 Luật Chứng khoán Hàn Quốc quy định trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sai sót hồ sơ, trách nhiệm bồi thường của kiểm toán viên...

Luật Chứng khoán năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành của nước ta đã quy định trách nhiệm bồi thường trong lĩnh vực chứng khoán, đó là “Điều 132. Bồi thường thiệt hại: 1. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc tổn thất do hành vi vi phạm quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan có quyền tự mình hoặc cùng với tổ chức, cá nhân bị thiệt hại khác tiến hành khởi kiện để yêu cầu tổ chức, cá nhân gây ra thiệt hại phải bồi thường. 2. Việc xác định giá trị thiệt hại hoặc giá trị tổn thất, thủ tục bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật".

Như vậy, pháp luật Việt Nam hiện hành lựa chọn giải pháp không đưa ra quy định cụ thể về việc xác định giá trị khoản bồi thường trong trường hợp thực hiện hành vi giao dịch bất hợp pháp mà dựa trên quy định chung của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005. Luật Thương mại năm 2005 quy định: bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên vi phạm, trong đó giá trị bồi thường thiệt hại được xác định trên cơ sở tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản trực tiếp mà bên bị thiệt hại đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Do đặc thù của hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán việc xác định căn cứ trên cơ sở quy định trên rất khó trong việc xác định được mức thiệt hại để bồi thường trên thị trường chứng khoán.

Thực tiễn về yêu cầu bồi thường và áp dụng trách nhiệm dân sự đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán Việt Nam rất ít. Trường hợp đòi bồi thường thiệt hại của ông Ngô Văn Tăng P về hợp đồng dịch vụ với Công ty SV. Theo đó, Công ty SV phải bồi thường cho ông P gần 700 triệu đồng gồm cả vốn lẫn lãi. Tháng 6-2008, Công ty SV và ông P ký hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán. Để phục vụ cho việc giao dịch mua bán chứng khoán, ông P đã mở tài khoản tại một ngân hàng. Thời gian đầu, việc mua bán chứng khoán của ông P tại sàn giao dịch của Công ty SV diễn ra bình thường. Nhưng từ giữa tháng 3-2010 đến ngày 20-5-2010, Công ty SV đã tự ý sử dụng tài khoản cá nhân của ông P để đặt lệnh mua bán chứng khoán khi chưa có sự đồng ý của ông P và gây thiệt hại. Sau nhiều lần yêu cầu Công ty SV giải quyết không có kết quả, ông P đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận H để yêu cầu bồi thường 580 triệu đồng kèm lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, vụ việc xét xử cả ở hai cấp. Ở phiên toà sơ thẩm Công ty SV không đồng ý bồi thường cho rằng ông P đã xác lập thư xác nhận sử dụng dịch vụ ủy quyền cho công ty, chấp nhận việc trực tiếp điện thoại đặt lệnh mua, bán chứng khoán mà không yêu cầu phải xác nhận bằng phiếu lệnh kèm theo chữ ký của ông trước khi thực hiện. Tòa án nhân dân quận H đã bác lập luận này, buộc Công ty SV bồi thường. Sau đó, Công ty SV kháng cáo, công ty còn cho rằng sau mỗi giao dịch mua, bán chứng khoán khớp lệnh, tổng đài công ty đều gửi tin nhắn xác nhận vào điện thoại cho ông P... Theo tòa phúc thẩm, việc Công ty SV cho rằng ông P đã xác lập thư xác nhận sử dụng dịch vụ ủy quyền cho công ty, chấp nhận việc trực tiếp điện thoại đặt lệnh mua, bán chứng khoán mà không yêu cầu phải xác nhận bằng phiếu lệnh kèm theo chữ ký của ông trước khi thực hiện là vi phạm hợp đồng đã ký giữa hai bên.

Đồng thời, công ty cũng đã vi phạm Điều 33 Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính (về việc các công ty chứng khoán phải lưu giữ các phiếu lệnh của khách hàng theo quy định của pháp luật). Đối với lệnh nhận qua điện thoại, fax, công ty chứng khoán phải bảo đảm nguyên tắc trước khi nhập lệnh vào hệ thống giao dịch, lưu giữ bằng chứng chứng minh việc đặt lệnh của khách hàng. Trong trường hợp này, công ty đã thực hiện việc đặt lệnh mua, bán chứng khoán không thể hiện ý chí của ông P, vi phạm hợp đồng, vi phạm quy định về giao dịch chứng khoán gây thiệt hại cho ông P nên phải bồi thường là thỏa đáng.

Ví dụ như, nhà đầu tư A ký hợp đồng dịch vụ môi giới với công ty chứng khoán B. Ngày 01-3-2014, nhà đầu tư đặt lệnh bán 10.000 cổ phiếu XXX với giá 120.000 đồng/cổ phiếu, nhưng công ty chứng khoán B đã nhận lệnh mua 10.000 cổ phiếu với giá 130.000 đồng/cổ phiếu. Khi lệnh được khớp, giá cổ phiếu XXX có xu hướng bị giảm mạnh, nhà đầu tư A thấy bị thiệt hại, vào ngày 04-3-2014 nhà đầu tư này đã kiện công ty chứng khoán B, khi này giá cổ phiếu XXX là 100.000 đồng/cổ phiếu. Ngày 04-4-2014, Tòa án kết luận công ty chứng khoán B có hành vi vi phạm, gây thiệt hại và phải bồi thường cho nhà đầu tư A, lúc này giá cổ phiếu là 110.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, cơ sở nào để xác định mức bồi thường hợp lý nhất? Trong khi xét về mặt giao dịch chứng khoán trên thì công ty B gây thiệt hại cho nhà đầu tư là không bán được chứng khoán với giá tốt và mua phải chứng khoán với giá cao, như vậy, công ty chứng khoán B phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư A một khoản xác định bằng tổng thiệt hại trên cơ sở chênh lệch giá? Và nếu xác định như vậy thì thiệt hại được xác định trên cơ sở chênh lệch giữa giá trị đã giao dịch và giá thị trường được tính tại thời điểm khởi kiện hay thời điểm để Tòa án đưa ra quyết định?

Bên cạnh đó, các thiệt hại do hành vi giao dịch nội gián, thao túng thị trường gây ra thì cơ sở nào để xác định thiệt hại cho nhà đầu tư và nhà đầu tư được hưởng trong trường hợp rõ ràng ảnh hưởng đến giá thị trường chúng khoán biến động và ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của nhà đầu tư. Việc xử lý các vụ việc vi phạm hành chính, vi phạm hình sự xảy ra trên thị trường chứng khoán thời gian qua ở Việt Nam mới chỉ áp dụng đối với bên vi phạm còn chưa có căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư bị thiệt hại.

Thực tế cho thấy, các giao dịch của thị trường chứng khoán vận hành theo quy luật riêng, việc xác định thiệt hại và chứng minh thiệt hại đối với người bị thiệt hại xảy ra trên thị trường chứng khoán là một điều rất khó, tiêu chí để xác định mức bồi thường thiệt hại trong trách nhiệm dân sự chưa có cơ sở rõ ràng để xác định. Bên cạnh đó, các giao dịch lại thực hiện trên cơ sở hệ thống giao dịch điện tử đòi hỏi phải xây dựng tiêu chí để xác định mức bồi thường cũng như chủ thể bị thiệt hại trong quan hệ này.

Tuy nhiên, trong quy định của pháp luật hiện hành chưa có quy định chế tài áp dụng đối với thành viên Hội đồng quản trị cũng như những người điều hành công ty. Chỉ khi nào vi phạm này ở mức can thiệp của cơ quan công quyền thì mới áp dụng trách nhiệm hành chính hay trách nhiệm hình sự.

Thực tế cho thấy, việc nhận diện và áp dụng trách nhiệm pháp lý đối với hành vi này rất khó xác định. Trong hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư với các quan hệ đa phương của các chủ thể đầu tư, các chủ thể đặt lệnh mua, bán chứng khoán với số lượng lớn trước khi thông tin được công bố khó có cơ sở chứng minh và kết luận rằng họ đã sử dụng các thông tin nội bộ do các đổi tượng như tổ chức phát hành, thành viên chủ chốt, cổ đông lớn, kiểm toán viên hay cán bộ trong ngành chứng khoán cung cấp.

Thực tế thời gian qua, trên thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra một số vụ điển hình đó là: trường hợp Công ty chứng khoán T (thành lập năm 2007), chủ tịch của công ty là ông Nguyễn Thiên H (phó giám đốc một công ty hàng đầu Việt Nam), Phạm Kim L là tổng giám đốc công ty (một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính). Do vậy, cổ phiếu của công ty chưa niêm yết nhưng được các nhà đầu tư quan tâm và “săn lùng”.

Đặc biệt, từ khi Ban Giám đốc công ty chứng khoán T đưa ra thông tin là họ đã ký hợp đồng liên doanh với Goldman Sachs, một tập đoàn tài chính hàng đầu của Mỹ, thậm chí T còn đưa ra bản thỏa thuận hợp tác với chữ ký của Chủ tịch Goldman Sachs và T với các phương tiện thông tin đại chúng, thế nên giá cổ phiếu của T tăng rất nhanh, gấp nhiều lần so với giá niêm yết.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau các phương tiện thông tin đại chúng đã cung cấp thông tin rằng Goldman Sachs từ chối hợp tác với T: "Edward Naylor, Giám đốc bộ phận truyền thông của Goldman Sachs ở châu Á, trong email gửi cơ quan thông tấn Việt Nam, đã nhấn mạnh rằng Goldman Sachs không liên kết với công ty chứng khoán T. Khi được hỏi về bản thỏa thuận hợp tác với chữ ký của cả hai bên mà T đã đưa ra cho các phương tiện thông tin đại chúng, ông Naylor nói rằng Goldman Sachs đôi khi ký những thỏa thuận tương tự với những công ty chứng khoán tư nhân khi tập đoàn đang tìm kiếm các cơ hội kinh doanh ở Việt Nam, để Goldman Sachs có thể thâm nhập được vào thị trường Việt Nam. Thỏa thuận đó không thể được coi là bằng chứng về một sự liên kết của hai công ty”. Thêm vào đó, ông Phạm Kinh L cũng cho biết ông chưa hề ký hợp đồng làm việc cho T. Như vậy, công ty chứng khoán T đã đưa ra thông tin không rõ, không chính xác gây sự nhầm tưởng ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư và gây thiệt hại cho nhà đầu tư trong việc cố tình cung cấp các thông tin sai sự thật này xuất phát từ mục đích của chính doanh nghiệp.

Đối với những doanh nghiệp có hành vi công bố thông tin sai lệch tác động đến thị trường chứng khoán thì áp dụng hình thức thu hồi giấy phép hoạt động kinh doanh, hạn chế việc niêm yết chứng khoán, chào bán chứng khoán trên thị trường trong một thời gian nhất định. Trong trường hợp này nếu có sự thông đồng từ phía các cơ quan đơn vị chuyên ngành khác thì cũng liên đới chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình như công ty kiểm toán, công ty chứng khoán...

Theo khoản 1, khoản 2 Điều 9, Luật Chứng khoán năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2010, những hành vì gây thiệt hại cho doanh nghiệp do tung tin thất thiệt thuộc các hành vi bị cấm gồm: “1. Trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện các hành vi gian lận, lừa đảo, tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc bỏ sót thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, dịch vụ về chứng khoán và thị trường chứng khoán. 2. Công bố thông tin sai lệch nhằm lôi kéo, xúi giục mua, bán chứng khoán hoặc công bố thông tin không kịp thời, đây đủ về các sự việc xảy ra có ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán trên thị trường". Những hành vi này nhằm vào các doanh nghiệp, các chủ thể đầu tư khác trên thị trường có thể xem đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh chứng khoán.

Đối với hành vi giao dịch rửa tiền thực tế đã có quy định để xử lý đối với hành vi này. Việc áp dụng trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch rửa tiền dưới góc độ của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ là trực tiếp đối với việc theo dõi, giám sát và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, còn chủ thể thực hiện hành vi rửa tiền hoặc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ tiếp tay tham gia hành vi này thì quy định trong cơ chế áp dụng trách nhiệm hình sự.

Như vậy, yêu cầu hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán là yêu cầu cần thiết và xuất phát trên các cơ sở sau:

Một là, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Hai là, nhu cầu bảo vệ bằng pháp luật của các chủ thể tham gia trong quan hệ giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ba là, sự thay đổi và phát triển của hệ thống pháp luật điều chỉnh về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung ở Việt Nam. qup mộn thê

Bốn là, thực tiễn điều hành phòng, chống hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung trong thời gian qua tại Việt Nam và thế giới.

Xuất phát từ các cơ sở chính trị, kinh tế, pháp luật và thực tiễn cũng như đặc thù của hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung ở Việt Nam, kế thừa các quan điểm pháp luật hiện hành, theo tác giả việc hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung ở Việt Nam hiện nay trong thời gian tới cần đảm bảo các yêu cầu sau:

Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp phải phù hợp với quan hệ pháp luật liên quan trên cơ sở các chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong quản trị điều hành công ty, chuẩn mực kế toán quốc tế, chuẩn mực kiểm toán quốc tế.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập sâu rộng với thị trường chứng khoán khu vực và thế giới, nhằm mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài đòi hỏi các quy định về các chủ thể tham gia trên thị trường chứng khoán phải đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng cơ chế pháp lý phù hợp để bảo đảm sự an toàn, bình đẳng, công bằng và khả năng thực thi. Quản trị công ty là tập hợp các quy trình, thông lệ, chính sách, quy tắc và thể chế điều chỉnh cách thức điều hành, quản lý và kiểm soát một công ty. Quản trị công ty có liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của các bên trong một công ty (đó là ban lãnh đạo công ty: Hội đồng quản trị, ban điều hành, ban kiểm soát; các cổ đông; những người có quyền lợi liên quan; người liên quan). Quản trị công ty nhằm đảm bảo một cơ cấu quản trị hiệu quả, bảo đảm quyền lợi của cổ đông, đối xử công bằng với các cổ đông, bảo đảm vai trò của những người có liên quan đến công ty, minh bạch trong hoạt động của công ty, Hội đồng quản trị và ban kiểm soát lãnh đạo và kiểm soát công ty có hiệu quả. Hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm pháp lý trên cơ sở yêu cầu này sẽ bảo đảm quyền của cổ đông về đối xử công bằng với cổ đông, đảm bảo vai trò của các bên có liên quan, minh bạch trong công bố thông tin và đảm bảo trách nhiệm của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, đặc biệt khi tham gia vào thị trường chứng khoán quốc tế và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Bảo đảm thực thi các chế tài xử phạt đối với các công ty không tuân thủ nguyên tắc quản trị công ty, xử phạt đối với Hội đồng quản trị và các thành viên lãnh đạo khi xảy ra sai phạm, nâng cao vai trò của các tổ chức, hiệp hội trong việc bảo vệ quyền lợi cho các bên tham gia trong giao dịch chứng khoán và trong công ty. Việc đáp ứng yêu cầu trong chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế bảo đảm theo xu hướng hội nhập và xác định ràng buộc trách nhiệm pháp lý đối với các bên này khi tham gia trong các quan hệ trên thị trường chứng khoán.

Thứ hai, hệ thống trách nhiệm pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất đáp ứng yêu cầu khi truy cứu và áp dụng trách nhiệm pháp lý trên cơ sở kết hợp trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự, kinh tế. Áp dụng phù hợp trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự. Hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung vừa xâm hại đến trật tự thị trường vừa xâm hại đến quyền, lợi ích của các nhà đầu tư khi tham gia trong quan hệ mua, bán chứng khoán, xâm phạm đến quyền, lợi ích của công ty mà trực tiếp đó là quyền, lợi ích của các chủ sở hữu của công ty nên khi xây dựng và áp dụng trách nhiệm pháp lý phải phối kết hợp trách nhiệm hành chính hay trách nhiệm hình sự với trách nhiệm dân sự. Hoàn thiện trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trong mối quan hệ tương quan giữa các loại trách nhiệm pháp lý bảo đảm ranh giới giữa các loại trách nhiệm pháp lý này.

Các mức trách nhiệm pháp lý đủ sức răn đe, ngăn chặn các hành vi đang diễn ra phổ biến trên thị trường. Thị trường chứng khoán là thị trường mở, với những biến động phát triển của thị trường cũng như mức lợi nhuận thu được trong quan hệ đầu tư trên thị trường chứng khoán, do vậy, việc hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm pháp lý cần đáp ứng tính phù hợp, tính hiệu quả và tính khả thi trên thực tế.

Bảo đảm sự hài hòa giữa các trách nhiệm được quy định trong Luật Chứng khoán với các trách nhiệm được quy định trong các văn bản pháp luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Kế toán, Luật Các tổ chức tín dụng...

Thứ ba, theo lộ trình cụ thể, chắc chắn thận trọng đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và sự an toàn của hệ thống tài chính.

Để bảo đảm tính thực thi của pháp luật, một trong những yếu tố then chốt là việc ban hành và áp dụng phải bảo đảm lộ trình, phù hợp với thực tiễn. Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm pháp lý đôi với hành vi giao dịch bất hợp pháp phải tính đến mức độ phát triển trong từng giai đoạn của thị trường, các quan hệ và hành vì mới nảy sinh để xây dựng cơ chế thực thi phù hợp, hiệu quả, mang tính khả thi.

Thứ tư, bảo đảm điều kiện cho sự phát triển của thị trường chứng khoán. Xây dựng và áp dụng trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể thực hiện hành vi giao dịch bắt hợp pháp trên thị trường chứng khoán với nguyên tắc không "kìm hãm” sự phát triển của thị trường. Xuất phát từ mục tiêu và định hướng của thị trường trong từng giai đoạn và chiến lược phát triển chung của thị trường cũng như các yếu tố khách quan và chủ quan chi phối để định hướng trong việc xây dựng các quy chế pháp lý bảo đảm cho sự vận hành hiệu quả và đáp ứng mục tiêu xây dựng hệ thống tài chính vững mạnh là kênh huy động và cung cấp vốn hữu hiệu cho nền kinh tế.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành