Thứ sáu, 29 Tháng 3 2024 16:01

Những khó khăn và thuận lợi trong thực hiện các cam kết sở hữu trí tuệ đối với các Hiệp định thương mại của Liên minh Châu Âu (EU)

Theo quy định của khoản 2 Điều 216 TFEU (Hiệp ước về chức năng của Liên minh Châu Âu), các hiệp định do EU ký kết có giá trị ràng buộc với các định chế pháp lý của EU và các quốc gia thành viên. Theo đó, các hiệp định quốc tế là một cấu phần không thể tách rời của hệ thống pháp luật EU; tuy nhiên, giá trị ràng buộc của các hiệp định đối với các định chế pháp lý EU, bao gồm cơ quan lập pháp EU, không có nghĩa là các hiệp định có thể được các cá nhân viện dẫn trước tòa trong khuôn khổ EU. Do vậy, việc thực thi có ý nghĩa quan trọng vì hai lý do: Thứ nhất, luật quốc tế yêu cầu phải thực thi và nếu EU không thực thi hiệp định, EU sẽ vi phạm các nghĩa vụ quốc tế phát sinh từ các hiệp định đó. Thứ hai, việc thực thi có ý nghĩa từ khía cạnh nội bộ; nếu không thực thi, sẽ không có gì đảm bảo các thiết chế của EU và các quốc gia thành viên sẽ áp dụng nội luật phù hợp với các hiệp định đó.

Về mặt lý luận, theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 207 TFEU (Hiệp ước về chức năng của Liên minh châu Âu), Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu “chịu trách nhiệm đảm bảo các hiệp định đang được đàm phán phù hợp với các chính sách và quy tắc nội bộ của Liên minh”. Mặc dù khoản 2, khoản 3 Điều 207 TFEU chỉ liên quan đến các hiệp định “đàm phán”, điều khoản này không ngăn cản EU thực thi các hiệp định dẫn đến yêu cầu sửa đổi luật EU hiện hành. Thay vào đó, điều khoản này nhấn mạnh yêu cầu sự phù hợp của các luật EU với các hiệp định phải được đảm bảo và theo quy định của pháp luật quốc tế, EU sẽ phải thay đổi nội luật nếu như nội luật đó xung đột với nội dung của các hiệp định đã ký kết.

Liên quan đến các quy tắc cụ thể về sở hữu trí tuệ, EU thường hướng đến mục tiêu biến các quy tắc nội luật của mình thành tiêu chuẩn của các hiệp định thương mại song phương. Điều này đặc biệt đúng trong các lĩnh vực mà TRIPS (Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ) chỉ quy định các quy tắc rất chung chung, nhưng luật ở EU lại có cách tiếp cận rất cụ thể, tiêu biểu như trong lĩnh vực chỉ dẫn địa lý và các biện pháp thực thi[1][2]. Chính vì vậy, với tư cách là những nền tài phán có truyền thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, là quốc gia “xuất khẩu” các quy định về sở hữu trí tuệ, EU ở vị trí rất thuận lợi và không cần phải nỗ lực nhiêu để thực thi các cam kết về sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do.

Về mặt nguyên tắc cơ bản, các hiệp định thương mại tự do này không đưa ra các nghĩa vụ thực thi vượt quá phạm vị, mức độ và đối tượng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vốn đã được ghi nhận ở châu Âu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngoại lệ điển hình dưới đây, các thách thức về hoàn thiện pháp luật cũng được đặt ra đối với Ủy ban châu Âu để thực thi các cam kết liên quan đến các vấn đề chưa được ghi nhận trong hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ nội khối.

1. Bảo vệ nguồn gen, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian

Có thể thấy rằng, các quốc gia thành viên Ủy ban châu Âu có lịch sử bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ lâu đời, nên hầu như họ không gặp vấn đề về tiêu chuẩn bảo hộ các loại tài sản trí tuệ truyền thống. Tuy nhiên, một số hiệp định thương mại tự do cũng thiết lập các đối tượng bảo hộ vượt ra khỏi đối tượng bảo hộ truyền thống của pháp luật sở hữu trí tuệ châu Âu, trong đó đặc biệt phải kể đến lĩnh vực bảo vệ nguồn gen (tài nguyên di truyền), kiến thức truyền thống và văn hóa dân gian.

Suốt một khoảng thời gian dài, các cộng đồng bản địa đã luôn đưa ra yêu sách đòi hỏi sự thừa nhận quyền của cộng đồng mình đối với việc kiểm soát giá trị nền văn hóa của họ, trong đó trọng tâm là yêu cầu thừa nhận quyền đối với tri thức truyền thống liên quan đến đa dạng sinh học, y học và nông nghiệp[3]. Từ góc độ pháp luật tài sản, hầu hết các tri thức này đều được xem là một phần sở hữu của công chúng. Các cộng đồng bản địa, trước đây, thông thường không chú ý đến việc xác lập quyền đối với tri thức truyền thống và ngay cả trong trường hợp họ có ý thức xác lập quyền thì các tri thức truyền thống này chưa chắc đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để được bảo hộ. Tuy nhiên, việc không trao quyền cho cộng đồng bản địa đối với tri thức truyền thống, đã dẫn đến việc có thể xác lập độc quyền sở hữu trí tuệ và thương mại hóa không công bằng các tri thức truyền thống này. Cụ thể, các công ty lớn, xuyên quốc gia đã sử dụng các tri thức truyền thống này như nguồn tri thức đầu vào quan trọng để tạo ra các đối tượng mới được tư hữu hóa thông qua cơ chế bảo hộ sáng chế hay quyền tác giả. Quá trình đó đã biến các tri thức truyền thống từ “tài sản chung” của cộng đồng bản địa thành “tài sản riêng” của các công ty đó và do đó các thành viên của cộng đồng bản địa không còn được phép tiếp tục sử dụng các tài sản. Thêm vào đó, các lợi ích về tài chính thu được từ việc thương mại hóa các tài sản đó hiếm khi được chia sẻ với các cộng đồng người bản địa[4].

Đứng trước tình hình này, ở một số quốc gia đang phát triển, đã tồn tại một hệ thống bảo hộ đặc biệt đối với nguồn gen, kiến thức truyền thống và văn hóa dân gian, trong khi đó, EU không có hệ thống bảo hộ tương tự như vậy. Vì vậy, trong các hiệp định thương mại như EU-Cariforum, hay EU. Hàn Quốc, EU - Côlômbia và Pêru, hay Hiệp định thương mại Việt Nam - EU gần đây đều có quy định một điều khoản cụ thể để bảo hộ đối tượng này (Từ khía cạnh thực tiễn, các điều khoản về các chủ đề này trong Hiệp định Thương mại với Côlômbia và Pêru là rất đáng lưu ý bởi vì đây là các quốc gia nằm trong số các quốc gia phong phú nhất trên thế giới về nguồn gen, tài nguyên di truyền). Về mặt kỹ thuật, các điều khoản này chỉ liệt kê các nguyên tắc bảo hộ phụ thuộc vào luật quốc gia và ghi nhận tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp bổ sung. Một số hiệp định như Hiệp định Hợp tác với Trung Mỹ còn có cách tiếp cần thận trọng hơn nữa (Hiệp định này chỉ đơn thuần bảo vệ quyền chủ quyền của các bên ký kết đối với việc tiếp cận nguồn gen phù hợp với Công ước về Đa dạng sinh học (CBS) và ghi nhận vai trò quan trọng của việc bảo vệ các kiến thức của người thiểu số liên quan đến nguồn gen), cho dù một quốc gia thành viên của hiệp định này là Côxta Rica là một trong số các quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa ra một cơ chế đặc biệt về tiếp cận và chia sẻ lợi ích liên quan đến nguồn gen[5].

Mặc dù bao gồm các đối tượng mới vượt quá đối tượng bảo hộ truyền thống của pháp luật sở hữu trí tuệ ở châu Âu, tuy nhiên, trên thực tế các hiệp định thương mại tự do nêu trên không tạo ra nghĩa vụ thật sự rõ ràng cho EU trong việc bảo hộ nguồn gen, các kiến thức truyền thống và văn hóa dân gian. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận một thực tế là các hiệp định đó ra đời trong bối cảnh chung là vẫn có nhiều tranh luận về các tiêu chuẩn được quốc tế thừa nhận đối với việc bảo hộ các nguồn gen và chia sẻ lợi ích. Vì vậy, với việc thông qua Nghị định thư Nagoya của Công ước về Đa dạng sinh học (CBD) về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích phát sinh từ nguồn gen (Nghị định thư ABS), EU và các quốc gia thành viên giờ đây sẽ phải thực thi văn kiện đa phương này.

Liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, một trong những cơ chế hiệu quả nhất - được các nước đang phát triển vận động - để ngăn chặn việc sử dụng, khai thác các nguồn gen, kiến thức truyền thống trái phép và không có sự chia sẻ hợp lý, công bằng nào về những lợi ích thu được chính là cơ chế yêu cầu công bố bắt buộc về nguồn gen và quốc gia xuất xứ của các nguồn gen[6]. Trên thực tế, luật sáng chế có thể yêu cầu người nộp đơn xin cấp văn bằng sáng chế, chẳng hạn như cho một dược phẩm, bộc lộ nguồn gốc của thông tin di truyền cơ bản như là một điều kiện (bổ sung) cho việc cấp văn bằng sáng chế. ...

Từ góc độ cân bằng lợi ích, việc quyền tiếp cận và chia sẻ hay quy định về thông tin sáng chế ở các nước đang phát triển vốn là quốc gia giàu có về nguồn di truyền là không hợp lý, bởi lẽ hầu hết thu nhập từ nguồn gen đó lại được tạo ra ở các thị trường nước ngoài của các nước phát triển. Điều khoản quan trọng nhất của Nghị định thư Nagoya có lẽ là Điều 15 quy định nghĩa vụ của tất cả các bên của Nghị định thư đảm bảo tôn trọng các quy tắc tiếp cận và chia sẻ bất kể khi nào các nguồn tài nguyên di truyền được sử dụng trong phạm vi thẩm quyền của các bên đó (Theo xu thế này, trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022 (Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005), Điều 96 đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định trực tiếp việc không bộc lộ hoặc bộc lộ chính xác về nguồn gốc của nguồn gen trong đơn có thể dẫn tới hậu quả pháp lý là hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ: “1. Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực trong các trường hợp sau đây: c) Đơn đăng ký sáng chế đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen nhưng không bộc lỗ hoặc bộc lộ không chính xác về nguồn gốc của nguồn gen hoặc trì thức truyền thống về nguồn gen có trong đơn đó.” Bên cạnh đó, Điều 100 (Yêu cầu chung đối với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp) cũng được sửa đổi, theo đó bổ sung điểm đ1 khoản 1 về tài liệu thuyết minh về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen trong đơn đăng ký sáng chế, nếu sáng chế liên quan đến nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen.

Tuy nhiên, Điều 15 Nghị định thư Nagoya không trực tiếp yêu cầu các bên sử dụng luật sáng chế để thực thi các quy tắc tiếp cận và chia sẻ của các bên khác. Chính vì vậy, ngoại trừ một số quốc gia thành viên tự nguyện đi theo hướng này, chẳng hạn như Đức, thì các quy định của hiệp định thương mại tự do và Nghị định thư Nagoya cũng chỉ đóng vai trò mang khuyến nghị mà không buộc EU phải chịu ràng buộc vào nghĩa vụ đó[7].

Tóm lại, các hiệp định thương mại tự do nêu trên và Nghị định thư Nagoya có thể được coi là những công cụ quốc tế hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau để bảo vệ nguồn gen. Thực thi những cam kết này, EU đã ban hành nhiều văn bản hướng tới bảo vệ nguồn gen và chia sẻ lợi ích phát sinh từ nguồn gen, tiêu biểu là Đạo luật về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích năm 2015[8].

Tuy nhiên, các hiệp định thương mại tự do trên chỉ hướng tới khuyến nghị hơn là tạo ra nghĩa vụ rõ ràng cho EU trong việc bảo hộ tài nguyên di truyền bằng quy định của pháp luật sáng chế. Ngay cả khi được kết hợp với Nghị định thư Nagoya, các hiệp định này không thể được giải thích là áp đặt nghĩa vụ lên EU trong việc thực hiện các biện pháp chế tài cho phép hủy bỏ hiệu lực của bằng sáng chế trong trường hợp vi phạm các quy tắc tiếp cận và chia sẻ tại quốc gia xuất xứ của vật liệu sinh học.

2. Chuyển giao công nghệ

Mối quan hệ giữa bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và hoạt động chuyển giao công nghệ trong các hiệp định thương mại luôn là vấn đề gây tranh luận. Về lý thuyết, có thể hình dung hai cách tiếp cận đối lập nhau:

Cách tiếp cận thứ nhất nhấn mạnh càng tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ càng khuyến khích và thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ bởi lẽ từ góc độ chủ thể quyền, việc bảo hộ ở mức độ cao tạo ra sự yên tâm và bảo đảm pháp lý cho họ, nhất là đối với công nghệ dễ bị sao chép;

Cách tiếp cận ngược lại cho rằng càng ít quyền sở hữu trí tuệ càng khuyến khích hoạt động chuyển giao công nghệ, bởi lẽ từ góc độ người sử dụng ở các nước đang phát triển, họ sẽ khó khăn trong đàm phán tiếp cận công nghệ hơn vì quyền sở hữu trí tuệ giúp chủ thể quyền định giá rất cao, thậm chí áp đặt mức giá độc quyền đối với công nghệ chuyển giao[9].

Từ góc nhìn của các quốc gia đang phát triển, một số tác gia nhận định rằng việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo TRIPS (Hiệp định thương mại liên quan đến sở hữu trí tuệ), thực tế, làm giảm hoạt động chuyển giao công nghệ quốc tế, bởi lẽ việc bảo hộ này làm gia tăng đáng kể sức mạnh thị trường của chủ sở hữu quyền đến mức họ có thể thực hiện các hành vi độc quyền hay lạm quyền[10]. Tuy nhiên một số tác giả khác lại có quan điểm dung hòa hơn, chẳng hạn như Kim Linsu có quan điểm ôn hoà hơn khi cho rằng việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở mức độ cao như Hiệp định TRIPS đúng là có xu hưởng cản trở tiếp cận công nghệ trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hoá; tuy nhiên một khi quốc gia đó đã tích luỹ đủ cơ sở hạ tầng cần thiết thì việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là yếu tố nền tảng để thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ[11]. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, ngay Điều 7 TRIPS đã tuyên bố rõ ràng “việc bảo hộ và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ phải góp phần thúc đẩy việc đổi mới, chuyển giao và phổ biến công nghệ...” Điều 8 TRIPS: “Trong việc ban hành hoặc sửa đổi các luật và quy định pháp luật của mình, các thành viên có thể thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm vấn đề y tế và dinh dưỡng cho nhân dân và thúc đẩy lợi ích công cộng trong những lĩnh vực có tầm quan trọng sống còn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và công nghệ của mình, với điều kiện là các biện pháp đó không được trái với các quy định của Hiệp định này. Và trên thực tế Hiệp định đã xây dựng nhiều quy định chung hướng tới thúc đẩy chuyển giao công nghệ, chẳng hạn quy định tại các điều 13; 17; khoản 2 Điều 26, Điều 30 về các ngoại lệ hay giới hạn đối với quyền sở hữu trí tuệ, hay quy định tại Điều 31 về bắt buộc chuyên giao quyền sử dụng sáng chế[12].

Trên cơ sở tinh thần chung của TRIPS, một số hiệp định thương mại tự do giữa EU và các quốc gia đang phát triển đã xây dựng quy định chi tiết và mạnh mẽ hơn để thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ. Quy định rõ ràng nhất và sớm nhất về chuyển giao công nghệ trong các hiệp định thương mại tự do của EU là quy định tại Điều 142 Hiệp định Cariforum-EC. Khoản 2 Điều 142 Hiệp định này nhấn mạnh:

“EC và các quốc gia Cariforum sẽ phải thực hiện các biện pháp, nếu thích hợp, để ngăn chặn hoặc kiểm soát các hoạt động lixăng hoặc các điều kiện liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ có thể ảnh hưởng xấu đến việc chuyển giao công nghệ (quốc tế) và dẫn đến việc lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền hoặc lạm dụng sự bất cân xứng thông tin trong việc thương lượng các điều khoản lixăng[13].

Mặc dù, quy định này dựa trên tinh thần của khoản 2 Điều 40 TRIPS; tuy nhiên, không giống như khoản 2 Điều 40 TRIPS:

“Không một quy định nào trong Hiệp định này cấm các thành viên không được cụ thể hóa trong luật pháp quốc gia của mình các hoạt động hoặc các điều kiện cấp lixăng có thể bị coi là lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ, gây ảnh hưởng xấu cho hoạt động cạnh tranh trên thị trường tương ứng trong những trường hợp nhất định”. Như quy định ở trên, thành viên có thể áp dụng các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa hoặc khống chế các hoạt động trên, trong đó có thể bao gồm điều kiện cấp ngược (buộc bên nhận cấp cho bên giao) lixăng độc quyền, điều kiện nhằm ngăn cấm việc không thừa nhận hiệu lực và việc cấp lixăng trọn gói, phù hợp với các quy định của Thoả ước này, và phù hợp với luật pháp tương ứng của Thành viên đó, quy định này không chỉ ủy quyền cho các bên ký kết kiểm soát các thỏa thuận lixăng mà còn thiết lập nghĩa vụ võ điều kiện lên các bên phải kiểm soát các thoả thuận lixăng. Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng vì các quốc gia Cariforum là các quốc gia nhận chuyển giao công nghệ, nên điều khoản này, trước hết đặt ra nghĩa vụ thực thi đối với EU. Như một số nhà bình luận đã chỉ rõ đây thực sự như một cuộc cách mạng pháp lý từ góc độ pháp luật cạnh tranh”[14], bởi lẽ, chiểu theo khoản 2 Điều 142, việc EU có nghĩa vụ kiểm soát các thỏa thuận cấp lixăng giữa bên chuyển giao ở EU và bên nhận chuyển giao ở các quốc gia Cariforum sẽ dẫn đến việc EU sẽ phải áp dụng luật cạnh tranh của mình ra ngoài lãnh thổ châu Âu (extraterritorial application). Điều này vượt ra khỏi cả nội dung của khoản 1 Điều 101 TFEU (Khoản 1 Điều 101 TFEU nghiêm cấm các thỏa thuận giữa các cam kết làm đối tượng hoặc có tác dụng hạn chế, ngăn chặn hoặc bóp méo cạnh tranh trong EU). Điều cấm này có liên quan đến tất cả các thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều cam kết bất kể chúng có phải là đối thủ cạnh tranh hay không. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng nếu có tác động tiêu cực đến thương mại giữa các quốc gia thành viên EU) và nguyên tắc cơ bản của luật cạnh tranh là luật này chỉ bảo vệ cạnh tranh trên thị trường nội địa chứ không bảo vệ cạnh tranh ở thị trường nước ngoài. Vì vậy, có thể cho rằng đây là một thành công đáng kể trong quá trình đàm phán của các quốc gia Cariforum, và đặt ra nghĩa vụ thực thi cho EU.

Bên cạnh đó, không chỉ Hiệp định Cariforum bao hàm quy định này, mà hiệp định thương mại tự do giữa EU và Hàn Quốc và Hiệp định giữa EU và Hiệp hội Trung Mỹ cũng có các điều khoản buộc cả hai bên phải hành động chống lại các hành vi hạn chế cạnh tranh ảnh hưởng tiêu cực đến việc chuyển giao công nghệ quốc tế. Như vậy, các quy định về chuyển giao công nghệ là một minh chứng rất đáng lưu ý về việc EU, ít nhất là trong một số hiệp định song phương, đã chấp nhận một nghĩa vụ quốc tế liên quan đến việc áp dụng pháp luật cạnh tranh của riêng mình vượt ra ngoài những gì cho đến nay được công nhận là tiêu chuẩn EU[15].

Tóm lại, khi so sánh nội dung các hiệp định thương mại tự do giữa các nước phát triển với nhau và các hiệp định thương mại tự do giữa các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển, Peter Yu đã có một nhận định như sau:

“Khi các quốc gia đối tác có sức mạnh đàm phán ngang nhau, mục tiêu của các thỏa thuận giữa họ là hài hòa hóa pháp luật, chính sách và tiêu chuẩn hoặc thúc đẩy lập trường chính sách chung giữa các nước tham gia. (...) Tuy nhiên, khi các đối tác đàm phán có sức mạnh thương lượng bất cân xứng (unequal bargaining strength), chẳng hạn như trong các FTA Bắc - Nam và EPA giữa các nước phát triển và đang phát triển, mục tiêu của các hiệp định này là cung cấp những “cây gậy và củ cà rốt” cần thiết để lôi kéo các nước đang phát triển hơn để thay đổi pháp luật, chính sách và tiêu chuẩn của họ. Thông thường, các thỏa thuận sẽ dẫn đến việc “cấy ghép” pháp luật, chính sách và tiêu chuẩn từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển”[16].

Nhận định này hoàn toàn thuyết phục và phù hợp khi đối chiếu với các quy định về sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do giữa EU và các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Từ việc phân tích chính sách pháp lý về sở hữu trí tuệ của EU và thực tiễn ký kết và thực thi các hiệp định thương mại giữa EU và các quốc gia đang phát triển, có thể rút ra một nhận xét chung là các chương về sở hữu trí tuệ trong các hiệp định này thường có ba đặc điểm: (1) có xu hướng quy định rất chi tiết; (2) yêu cầu áp dụng mức độ bảo hộ cao theo tiêu chuẩn của EU hoặc các điều ước đa phương mà EU là thành viên; (3) luôn bao hàm những dự liệu về chế tài mạnh mẽ để thuyết phục hoặc răn đe nếu không thực thi các cam kết đó. Vì vậy, hậu quả tất yếu là sau khi ký kết các hiệp định này, các quốc gia đang phát triển luôn phải nỗ lực thực thi các cam kết đó nếu không muốn gánh chịu chế tài mạnh mẽ từ EU. Về mặt kỹ thuật pháp lý thực thi các cam kết đó từ phía các quốc gia đang phát triển, thông thương có thể hình dung hai dạng thức cơ bản đó là các quốc gia này phải tích cực rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, từ đó hưởng tới cải cách pháp luật theo hướng nâng mức bảo hộ hiện có lên mức độ bảo vệ theo những tiêu chuẩn cao của EU và phải gia nhập theo lộ trình xác định các điều ước, hiệp định quốc tế mà EU đã là thành viên.

Việc thực thi này từ phía EU, về nguyên tắc, sẽ không thực sự đặt ra nhiều trở ngại bởi lẽ khung pháp lý của họ đương nhiên phù hợp với các cam kết và họ cũng đã là thành viên của các điều ước này. Tuy nhiên, như trên đã phân tích, trong một số trường hợp hiếm hoi, chẳng hạn liên quan đến bảo vệ nguồn gen, tri thức truyền thống và chuyển giao công nghệ, các quốc gia đang phát triển cũng có “tiếng nói” nhất định trong đàm phán và nó đặt ra yêu cầu bổ sung cho EU để thực thi các cam kết này. Mặc dù vậy, phải khẳng định rằng, ngay cả trong các trường hợp này, các yêu cầu bổ sung nhiều khi chỉ dừng lại ở mức độ các khuyến nghị, chứ không phải là các nghĩa vụ ràng buộc các bên, và như vậy việc thực thì nó phụ thuộc trước hết là thiện chí và tính toán chiến lược của EU, hơn là cơ chế buộc thi hành xuất phát từ các nước đang phát triển.

 


[1] Xem Engelhardt, Tim: Geographical indications under recent EU trade agreements, IIC-International Review of Intellectual Property and Competition Law 46.7, 201

[2] Xem Jaeger, Thomas: IP enforcement provisions in EU economic partnership agreements in EU Bilateral Trade Agreements and Intellectual Property: For Better or Worse?, Springer, Berlin, Heidelberg, 2014

[3] Erica-Irene Daes: Intellectual Property and Indigenous Peoples, 95 AM. Soc'y Int'l L. Proc, 2001

[4] Graham Dutfield: Trips-Related Aspects of Traditional Knowledge, 33 Case W. Res. J. Int'l L., 2001

[5] Medaglia JC, Costa Rica in Lewis- Lettington (eds): Case studies on acess and benefit-sharing, International Plant Genetic Resources Institute

[6] Gulati, C: The "Tragedy of the Commons" in Plant Genetic Resources: The Need for a New International Regime Centered Around an International Biotechnology Patent Office, 4 Yale Hum. Rts. & Dev. L.J. 2011; Hammond, E.: Sovereignty and patents at the fore in debate over MERS virus.SUNS, #7595, TWN Info Service on Health Issues, May13/10, Third World Network, available from https://www.twn.my/ title2/health.info/2013/health130510.htm

[7] Drexl, Josef: Intellectual property and implementation of recent bilateral trade agreements in the EU, in EU Bilateral Trade Agreements and Intellectual Property: For Better or Worse?, Springer, Berlin, Heidelberg, 2014

[8] Regulation (Eu) No 511/2014 of the European Parliament and of the Council of 16 April 2014 on compliance measures for users from the Nagoya Protocol on Access to Genetic Resources and the Fair and Equytable Sharing of Benefits Arising from their Utilization in the Union https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=CELEX%3A32014 R0511

[9] Nguyễn Thanh Tú: Pháp luật cạnh tranh chuyển giao công nghệ và Hiệp định TRIPS - kinh nghiệm cho Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010

[10] Carlos Correa: Can the TRIPS agreement foster technology transfer to developing countries in Markus and Reichman, "International Public goods and transfer of technology under a globalized intellectual property", Cambridge University Press

[11] Kim Linsu: Technology Transfer and intellectual property rights: the Korean experience UNCTAD 2003

[12] Nguyễn Thanh Tú: Pháp luật cạnh tranh chuyển giao công nghệ và Hiệp định TRIPS - kinh nghiệm cho Việt Nam, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010

[13] Economic partnership agreement between the Cariforum States, of the one part, and the European Community and its Member States, of the other part, https://eurlex.europa.eu/LexUriServ/LexUriServ.do? uri=OJ%3AL%3A2008%3A289%3A0003%3A1955%3AEN%3APDF

[14] Drexl, Josef: Intellectual property and implementation of recent bilateral trade agreements in the EU, EU Bilateral Trade Agreements and Intellectual Property: For Better or Worse?, Springer, Berlin, Heidelberg, 2014

[15] Drexl, Josef: "Intellectual property and implementation of recent bilateral trade agreements in the EU". EU Bilateral Trade Agreements and Intellectual Property: For Better or Worse?,

[16] Yu, Peter K: Sinic trade agreements, UC Davis L. Rev. 44, 2010

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành