Thứ năm, 11 Tháng 4 2024 10:12

Phân tích khái quát về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán

1. Khái niệm

Trong khoa học pháp lý, trách nhiệm pháp lý là một khái niệm cơ bản thuộc phạm trù lý luận về Nhà nước và pháp luật và cho đến nay nhận thức về khái niệm trách nhiệm pháp lý dường như vẫn chưa có sự thống nhất bởi nhiều cách tiếp cận khác nhau từ các học giả. Trách nhiệm pháp lý luôn là đề tài được bàn luận khá sôi nổi trên các tạp chí chuyên ngành về khoa học pháp lý[1] với nhiều quan điểm khác nhau khi bàn về khái niệm tưởng chừng như rất cơ bản này của lý luận.

Khi nghiên cứu về hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung, việc lựa chọn hướng tiếp cận nghiên cứu dưới góc độ luật kinh tế nên không phân tích chuyên sâu, đồng thời không khái quát hóa khái niệm về trách nhiệm pháp lý về mặt lý luận học thuật. Trong bài viết này chỉ lựa chọn hướng tiếp cận khái niệm “trách nhiệm pháp lý" nào là phù hợp và tương thích với nội dung nghiên cứu hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung Việt Nam. Bởi đây là hành vi bị cấm theo quy định của Luật Chứng khoán nên việc lựa chọn tiếp cận khái niệm trách nhiệm pháp lý theo hướng gắn với hành vi vi phạm pháp luật, đó là sự bắt buộc chủ thể phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi về vật chất hoặc tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật[2] được thể hiện bằng những hình thức cưỡng chế pháp lý quy định trong bộ phận chế tài của các quy phạm pháp luật tương ứng”[3].

Đối với khái niệm về “trách nhiệm pháp lý đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung”, hiện vẫn chưa có khái niệm cụ thể mà chỉ có khái niệm về “trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán". Về mặt bản chất, hành vi thao túng giá cổ phiếu thuộc hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung nên có quan điểm đồng tình một cách tương đối và thừa nhận quan điểm của khái niệm trên khi xem đây là một loại quan hệ pháp luật giữa Nhà nước với chủ thể thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung, trong đó, Nhà nước thực hiện quyền lực thông qua hành động áp dụng các biện pháp cưỡng chế pháp lý được pháp luật quy định đối với chủ thể có hành vi vi phạm và tất yếu chủ thể này bắt buộc phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi do hành vi của mình gây ra bằng sự cưỡng chế thi hành của quyền lực nhà nước.

Khi luận giải về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung từ sự khái quát hóa tinh thần lý luận cơ bản về trách nhiệm pháp lý và nội dung của khái niệm về “hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung".

Như vậy, nội dung của khái niệm được rút ra như sau:

Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung là những hậu quả pháp lý mang tính bất lợi mà chủ thể thực hiện hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung bắt buộc phải gánh chịu dưới hình thức cưỡng chế pháp lý trong bộ phận chế tài của các quy phạm pháp luật tương ứng với mức độ của hành vi vi phạm pháp luật và được bảo đảm thực hiện bằng quyền lực nhà nước.

2. Đặc điểm

Về mặt lý luận, trách nhiệm pháp lý đã mang trong nó một đặc trưng rất cơ bản, trong khi với đặc thù của lĩnh vực chứng khoán thì hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung cũng có những dấu hiệu nhận diện rất riêng. Do đó, trách nhiệm pháp lý đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung sẽ có các đặc điểm như sau:

Thứ nhất, gắn với hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung (hành vi bị cấm): Chỉ khi có hành vi thao túng giá cổ phiếu xảy ra trên thị trường chứng khoán tập trung, xâm phạm đến các thiết chế vận hành của thị trường chứng khoán được pháp luật bảo vệ thì mới phát sinh trách nhiệm pháp lý. Các quan hệ pháp luật bị xâm phạm là những nguyên tắc, trật tự giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung, các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, các chủ thể khác có liên quan tham gia thị trường. Tuỳ vào mức độ của hành vi mà đối tượng vi phạm có thể bị áp dụng các hình thức trách nhiệm pháp lý khác nhau (hoặc kết hợp) như: trách nhiệm hành chính (xử phạt vi phạm hành chính), truy cứu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự (trách nhiệm bồi thường thiệt hại).

Thứ hai, thái độ biểu hiện, sự phản ứng của Nhà nước đối với chủ thể thực hiện hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung: Trong tư cách duy trì và bảo vệ trật tự thị trường chứng khoán, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và chủ thể khác có liên quan trên thị trường chứng khoán, Nhà nước buộc phải xây dựng (đặt ra) các biện pháp, chế tài hữu hiệu nhằm ngăn chặn, kiểm soát, xử lý và trừng phạt chủ thể có hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường, vì hành vi này gây ra thiệt hại cho chủ thể khác trên thị trường, đe doạ đến sự phát triển ổn định của thị trường chứng khoán và nền kinh tế quốc gia.

Ở một khía cạnh biểu hiện khác, có thể xem đây là sự phản ứng rất chủ động của Nhà nước với chủ thể trên để hạn chế những tác động mang tính tiêu cực, tiềm ẩn rủi ro gây nguy hại có thể xảy ra cho các thiết chế của thị trường chứng khoán được Nhà nước bảo đảm vận hành ổn định, thông suốt để điều tiết các vấn đề kinh tế vĩ mô của quốc gia trong tổng thể các nguyên tắc của quản lý nhà nước.

Thứ ba, xét về tính bất lợi đối với chủ thể thực hiện hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung: Chủ thể thực hiện hành vi thao túng giá cổ phiếu - thuộc phạm trù các hành vi giao dịch chứng khoán bị nghiêm cấm theo Luật Chứng khoán nên chủ thể này chắc chắn và bắt buộc phải gánh chịu một hậu quả (nghĩa vụ) pháp lý bất lợi. Đó là một thiệt hại nhất định về vật chất hoặc tinh thần thể hiện bằng các chế tài như: một khoản tiền, quyền quản lý và điều hành doanh nghiệp, quyền kinh doanh, quyền giao dịch cổ phiếu, quyền chào mua cổ phiếu, án phạt tù,...

Như vậy, hậu quả pháp lý bất lợi này như một sự răn đe, một rào cản vô hình mà chủ thể có thể nhìn thấy trước được, thông qua các chế tài trong các quy phạm pháp luật để đấu tranh và ngăn ngừa các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán tập trung.

Thứ tư, nghĩa vụ pháp lý đặc biệt: Chủ thể chịu trách nhiệm pháp lý buộc phải thực hiện những hình phạt, các yêu cầu hoặc một cách xử sự nhất định trước một chủ thể khác là Nhà nước hoặc cá nhân, tổ chức bị chủ thể xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp thông qua hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung[4].

Thứ năm, được bảo đảm thực hiện bởi quyền lực nhà nước: Đó là sự bắt buộc chủ thể thực hiện hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung phải nghiêm chỉnh chấp hành hình thức trách nhiệm pháp lý mà pháp luật quy định, nếu không thực hiện thì sẽ bị cưỡng chế thi hành bằng quyền lực nhà nước.

Trong các đặc điểm nêu trên, 03 (ba) đặc điểm đầu tiên là thể hiện rõ nhất đặc trưng của trách nhiệm pháp lý đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung. Chỉ khi có hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung bị xem là nghiêm cấm theo quy định của pháp luật chứng khoán thì mới phải đặt ra các vấn đề về trách nhiệm pháp lý và những nghĩa vụ pháp lý mà đối tượng thao túng giá cổ phiếu phải gánh chịu cũng sẽ có nhiều điểm khác biệt so với các hành vi vi phạm pháp luật khác. Mức độ của hậu quả pháp lý bất lợi chính là các chế tài tương ứng với sự phản ứng của Nhà nước lên các chủ thể thực hiện hành vi vi phạm trên cơ sở đối chiếu với mức độ thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung.

3. Vai trò của các quy định trách nhiệm pháp lý đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu trong việc bảo đảm sự trong sạch và ổn định của thị trường chứng khoán tập trung

Ngăn ngừa, kiểm soát và xử lý kịp thời các hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung được xem như giải pháp để giúp thị trường chứng khoán tập trung vận hành ổn định và phát triển bền vững trong tương lai. Thị trường sẽ không thể phát triển nếu thiếu niềm tin của nhà đầu tư, còn niềm tin của nhà đầu tư sẽ bị xói mòn nếu các nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch không được bảo đảm nếu như các hành vi thao túng giá cổ phiếu cứ tiếp tục diễn ra. Do đó, các quy định trách nhiệm pháp lý đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung giữ một vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng, được thể hiện ở các phương diện sau:

Thứ nhất, hậu quả pháp lý bất lợi của trách nhiệm pháp lý là những biện pháp, chế tài mang tính trừng phạt, răn đe đối với các chủ thể thực hiện hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung gây ra sự nguy hại cho nhà đầu tư, thị trường và nền kinh tế. Cấu trúc chế tài được xây dựng hiệu quả sẽ giúp thúc đẩy quá trình kiểm soát, ngăn ngừa và đấu tranh hiệu quả để chống lại các hành vi này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, bảo vệ thiết chế vận hành của thị trường, giúp cho thị trường được trong sạch và lành mạnh bảo đảm sự phát triển đúng định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của quốc gia.

Thứ hai, là tiền đề pháp lý quan trọng để hình thành nên các cơ chế giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền vận dụng, thực thi trong quá trình kiểm soát, thanh tra, giám sát và xử lý các hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung.

Thứ ba, là cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự, giải quyết các tranh chấp phát sinh trên thực tiễn.

Nhìn chung, trách nhiệm pháp lý đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung là các quy định cần thiết và quan trọng trong hệ thống pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Các quy định này vừa là một phần của thiết chế thị trường vừa là nhân tố không thể thiếu trong việc bảo vệ các thiết chế của thị trường chứng khoán trước những hành vi tiêu cực nhằm mục đích trục lợi đã và đang diễn ra trên thị trường chứng khoán tập trung tại các quốc gia.

Thực tiễn đã chứng minh hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung luôn thường trực, nếu không được kiểm soát hiệu quả bởi những công cụ chính sách, pháp luật sẽ gây những hệ lụy to lớn cho hệ thống tài chính và kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Pháp luật ở các quốc gia có thị trường chứng khoán lâu đời và phát triển trên thế giới như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Xingapo đã xây dựng khung pháp lý về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi này từ rất sớm nhằm bảo đảm cho một thị trường chứng khoán trong sạch, minh bạch và ổn định phát triển; giúp cho thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn tối ưu cho nền kinh tế, là kênh đầu tư đáng tin cậy cho cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

Pháp luật Việt Nam cũng không ngoại lệ khi ngay tại khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2019 đã khẳng định thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán là hành vi bị nghiêm cấm[5]; trách nhiệm pháp lý đối với hành vi này được ghi nhận tại các văn bản pháp luật liên quan như: Luật Chứng khoán năm 2019, Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, dường như là các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành chưa đáp ứng khả năng kiểm soát, ngăn ngừa hiệu quả đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Bởi lẽ, trên thực tế công tác xử lý hành vi này của cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế; một số quy định về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi này phát sinh nhiều điểm bất cập, vướng mắc gây ra một số khó khăn, lúng túng trong việc nhận diện hành vi, điều tra và truy cứu trách nhiệm pháp lý.

4. Các hình thức trách nhiệm pháp lý

Trên thực tế, hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung có thể xâm phạm đến một hoặc nhiều khách thể khác nhau được Nhà nước bảo vệ[6]. Vì vậy, căn cứ vào từng vi phạm cụ thể mà chủ thể thực hiện hành vi này có thể bị áp dụng một hoặc kết hợp các hình thức trách nhiệm pháp lý khác nhau.

Trách nhiệm pháp lý được đặt ra như là một hoạt động thể hiện bản chất của quyền lực nhà nước thông qua sự hành động của các cơ quan nhà nước được trao thẩm quyền nhằm cá biệt hóa bộ phận chế tài trong các quy phạm pháp luật đối với hành vi này.

Cơ sở pháp lý quy định các hình thức trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể thực hiện hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung là khoản 1 Điều 132 Luật Chứng khoán năm 2019. Theo đó, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán thì tuỳ vào tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật.

Trong ba hình thức trách nhiệm pháp lý trên, thì trách nhiệm dân sự là trách nhiệm mà chủ thể thực hiện hành vi thao túng giá cổ phiếu phải chịu trước chủ thể khác, còn trách nhiệm hình sự và trách nhiệm hành chính là trách nhiệm trước Nhà nước. Một hành vi vi phạm tại một thời điểm nhất định thì chủ thể thực hiện chỉ phải chịu một hình thức trách nhiệm trước Nhà nước nên chủ thể đã chịu trách nhiệm hình sự thì không phải chịu trách nhiệm hành chính và ngược lại[7].

Tuy nhiên, đối với trách nhiệm dân sự thì chủ thể có thể bị áp dụng đồng thời với trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm hành chính. Nghĩa là, ở một mức độ hậu quả pháp lý bất lợi nhất thì chủ thể thực hiện hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung có thể phải đồng thời thực hiện trách nhiệm trước chủ thể khác (trách nhiệm dân sự) và trách nhiệm trước Nhà nước (trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự).

Để tạo sự nhất quán trong quá trình truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi này và tránh trường hợp một hành vi thao túng giá cổ phiếu phải chịu đồng thời cả trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự, Điều 7 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định: Người có thẩm quyền phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự theo quy định khi phát hiện hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung. Trong trường hợp không có quyết định khởi tố thì trả lại hồ sơ để xử phạt hành chính; nếu khởi tố vụ án hình sự thì thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật tố tụng hình sự.

5. Kết luận

Khi nói đến trách nhiệm pháp lý đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tập trung là tìm đến sự kết hợp và giao thoa giữa các nguồn luật thuộc các lĩnh vực chuyên ngành khác nhau bao gồm: chứng khoán, hành chính, dân sự và hình sự. Do đó, việc nghiên cứu hoặc áp dụng pháp luật trong các trường hợp này phải hết sức cẩn trọng bởi mỗi luật chuyên ngành sẽ có cách tiếp cận khác nhau và chắc chắn mỗi nguồn luật sẽ chứa đựng rất nhiều các văn bản hướng dẫn, nghiệp vụ liên ngành. Hành vi thao túng giá cổ phiếu là một hành vi khá phức tạp nên để tiếp cận hiệu quả nguồn luật chứng khoán thì việc nghiên cứu thấu đáo trên cả phương diện tài chính lẫn phương diện cấu thành hành vi theo quy định pháp luật là yếu tố tiên quyết giúp cho việc kiến thiết thị trường chứng khoán phát triển ổn định và bền vững luôn là mong muốn của nhiều quốc gia theo định hướng kinh tế thị trường.

Với cấu trúc đặc biệt của một thị trường mở, thị trường chứng khoán luôn chứa đựng rất nhiều môi quan hệ phức tạp, đa chiều, khó kiểm soát và tiềm ẩn nhiều rủi ro khó dự báo. Trong khi đó, bất kỳ sự rủi ro, nguy hại nào phát sinh từ thị trường đều sẽ gây tác động tiêu cực rất lớn đến nhà đầu tư, các tổ chức niêm yết, hệ thống tài chính và kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Một trong những nguy hại tiềm ẩn đe dọa trực tiếp đến sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán đó là các hành vi thao túng, làm lũng đoạn thị trường. Nhận thức được điều đó, các quốc gia luôn thúc đẩy hoạt động xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật nhằm kiểm soát, ngăn ngừa và xử lý các hành vi này nhằm bảo vệ trật tự thị trường, bảo vệ nhà đầu tư. Tuy vậy, đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng với các quốc gia, nhất là với những quốc gia có thị trường chứng khoán còn khá non trẻ như Việt Nam.

 


[1] Nguyễn Văn Quân: Góp phần nhận thức lại về trách nhiệm pháp lý dưới góc độ lý luận, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Luật học, 2018, tập 34, số 01, tr. 1-7; Hoàng Thị Kim Quế: Một số suy nghĩ về trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm đạo đức, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, 2000, số 3; Nguyễn Sinh Hiền: Vấn đề lý luận về quy phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lý trong quy định của pháp luật Việt Nam, Tạp chí Khoa học - Đại học Cần Thơ, 2013, số 25, tr. 24-29.

[2] Trường Đại học Luật Hà Nội: Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2020, tr.429.

[3] Hoàng Thị Kim Quế: Giáo trình Lý luận Nhà nước và Pháp luật, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2020, tr.397.

[4] Trường Đại học Luật Hà Nội: Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, Sđd, tr.430.

[5] Khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định: "Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán".

[6] Cuốn sách nghiên cứu theo hướng xâm phạm đến quyền lợi của nhà đầu tư và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan trên thị trường chứng khoán tập trung; phạm vi cuốn sách không đặt ra nghiên cứu đối với trách nhiệm kỷ luật nhà nước.

[7] Trường Đại học Luật Hà Nội: Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, Sđd, tr.431.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành