Thứ năm, 25 Tháng 4 2024 09:11

Hoàn thiện khung chính sách về sở hữu trí tuệ theo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới

Với sự phát triển chưa đồng đều, chưa có đường lối thống nhất như Liên minh châu Âu; mỗi quốc gia ở châu Á khi tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do đều có những mục tiêu riêng, song song với đó là chiến lược khác biệt dành cho mỗi đối tác. Chính bởi vậy, nội dung các FTA (Hiệp định thương mại tự do) ở khu vực này rất đa dạng. Mặc dù đa dạng và phức tạp nhưng đa phần các quốc gia đều cần có những định hướng nhất định về hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ trong nước để hài hòa và phù hợp với các FTA đã ký kết. Mặc dù, một số quốc gia có những sự chuẩn bị, điều chỉnh pháp lý trước khi tham gia đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do, nhưng diễn biến của thị trường và kết quả của các cuộc đàm phán là những điều khó đoán trước. Do vậy, dù ít hay nhiều, sau khi ký kết các FTA song phương hay đa phương các quốc gia đều cần hoàn thiện thêm hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ của mình nhằm đáp ứng những yêu cầu trong các FTA đã ký kết. Tại châu Á một số quốc gia tham gia ký kết các FTA từ sớm và đến nay đã tham gia rất nhiều các FTA song phương và khu vực và có thể cung cấp những kinh nghiệm về hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ. Có thể kể đến một số quốc gia điển hình như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, v.v… Quá trình hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ của các quốc gia này hướng tới thực thi các cam kết trong các FTA nhìn chung có thể chia làm hai giai đoạn: (1) giai đoạn chuẩn bị ký kết và (2) sau khi hiệp định đã được ký kết. Theo đó, mỗi giai đoạn, mỗi quốc gia đều có sự chuẩn bị và có sự điều chỉnh nhất định đối với hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng như hệ thống thực thi quyền. Ngoài ra, theo xu hướng toàn cầu hóa với sự phức tạp của tự do thương mại, các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ có xu hướng mở rộng với nhiều đối tượng phi truyền thống; kèm theo đó là các biện pháp thực thi cũng có nhiều biến đổi với sự phát triển của nền tảng số và tự do thông tin hiện nay.

Mặc dù các quốc gia đều có những cách hoàn thiện hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ riêng biệt nhằm đáp ứng việc thực thi các cam kết trong các FTA, nhưng về cơ bản vẫn có những điểm chung nhất định. Để hiểu rõ hơn về kinh nghiệm hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ của một số quốc gia châu Á hướng tới thực thi cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, ở đây sẽ nghiên cứu theo hướng mà một số quốc gia tiêu biểu đã thực hiện và đạt được kết quả, bao gồm thay đổi hướng tiếp cận liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ trước khi tham gia các FTA; sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ cho phù hợp với các yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới theo hướng mở rộng đối tượng và nâng cao mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường các biện pháp thực thí; chú ý tới trách nhiệm của các ISP (nhà cung cấp dịch vụ Internet).

1. Thay đổi hướng tiếp cận liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ trước khi tham gia các FTA (cách tiếp cận và chiến lược phát triển pháp luật sở hữu trí tuệ)

Việc thay đổi cách tiếp cận và chiến lược phát triển pháp luật về sở hữu trí tuệ trước khi tham gia ký kết các FTA là một trong những định hướng có tầm nhìn chiến lược hết sức rõ ràng với quyết tâm đổi mới cao ở một số quốc gia châu Á mà điển hình là Trung Quốc[1] và Nhật Bản. Cả hai quốc gia này đều có các chiến lược phát triển sở hữu trí tuệ theo từng giai đoạn và đều xác định được định hướng phát triển của đất nước dựa trên nền kinh tế tri thức với căn bản là sự phát triển của khoa học và công nghệ. Điểm chung của cả hai quốc gia này là sự thiếu thốn về nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chính bởi vậy, ngay từ những năm 1970 cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đặt ra mục tiêu phát triển quốc gia dựa trên khoa học và công nghệ. Chính bởi Chiến lược và mục tiêu đó đã khiến cả hai quốc gia này rất chú trọng tới sự phát triển luật sở hữu trí tuệ cũng như tham gia các hiệp ước đa phương về sở hữu trí tuệ; nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ trong nước mà trước tiên là đáp ứng các tiêu chuẩn của Hiệp định TRIPS (Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ), Công ước Paris, Thỏa ước Madrid, Công ước Bern... sau đó là các tiêu chuẩn nâng cao hướng tới mục tiêu hoàn thiện tối đa tiêu chuẩn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ quốc tế. Mặc dù cùng có chiến lược phát triển kinh tế dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ nhưng các bước đi của Trung Quốc và Nhật Bản không hoàn toàn trùng khớp. Mỗi quốc gia đã có những thách thức thực hiện khá khác biệt do đặc điểm riêng về văn hóa và chính trị.

Trung Quốc là một quốc gia có diện tích lớn, dân số đông nhưng lại rất ít tài nguyên thiên nhiên. Bởi vậy, ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào những năm 1970 kèm theo là sự ảnh hưởng của các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ và các quốc gia châu Âu; Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu và chiến lược phát triển nền kinh tế dựa trên tri thức với nền tảng là phát triển khoa học và công nghệ. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc cần tiến hành mở cửa và tìm kiếm các đối tác có thể mang lại các nguồn nguyên liệu, năng lượng mà Trung Quốc cần[2]. Trên hết, với một nền kinh tế tri thức thì hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là vô cùng quan trọng. Nhận thức được tầm quan trọng và tính cấp thiết của vấn đề, vào cuối những năm 1970, Trung Quốc bắt đầu hiện đại hóa hệ thống pháp luật cơ bản để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Nỗ lực này đã dẫn đến một loạt các quy định, bao gồm Luật Nhãn hiệu năm 1982; Luật Sáng chế năm 1984[3]; Luật Bản quyền năm 1990; Quy chế bảo vệ phần mềm năm 1991[4]; Luật Chống cạnh tranh không lành mạnh năm 1993;... Cùng thời gian này, Trung Quốc đã tham gia gần như tất cả các điều ước quốc tế quan trọng về bảo hộ sở hữu trí tuệ, bao gồm Công ước thành lập Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (Công ước WIPO năm 1967), Công ước Paris, Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu năm 1989 (sau đây viết là Thỏa ước Madrid), Công ước Berne và Hiệp ước PCT. Để giải quyết xung đột giữa luật trong nước và những quy định của các hiệp ước quốc tế, Trung Quốc đã ban hành một Đạo luật về những nguyên tắc chung của pháp luật dân sự năm 1986 (Điều 142). Theo đó, mọi quy định trong các điều ước quốc tế mà Trung Quốc là thành viên sẽ được ưu tiên áp dụng so với pháp luật nội địa của Trung Quốc[5]. Có quan điểm cũng cho rằng với quy định tại Điều 142 như vậy, bất kỳ điều ước quốc tế nào cũng có thể trở thành “pháp luật nội địa của Trung Quốc nếu Trung Quốc là một bên ký kết hoặc tham gia”. Từ những bộ luật đầu tiên về sở hữu trí tuệ, Trung Quốc đã trải qua nhiều thay đổi trong hệ thống quyền sở hữu trí tuệ của mình, mặc dù những cải cách tích cực này vẫn chưa thực sự mang lại sự bảo vệ lớn như mong muốn của nhiều quốc gia, đặc biệt là Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cần ghi nhận sự nhanh chóng của Trung Quốc, khi chỉ mất một thập kỷ để hoàn thành nhiệm vụ pháp lý kéo dài vài thập kỷ (hoặc thậm chí hàng thế kỷ) ở hầu hết các nước phát triển. Rõ ràng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã trở thành ưu tiên trong chính sách quốc gia của Trung Quốc. Quá trình xây dựng khuôn khổ pháp lý về bảo hộ bản quyền phù hợp với yêu cầu của WTO của Trung Quốc trải qua hai giai đoạn: (1) thập kỷ 80-90, từng bước hình thành hệ thống luật pháp về bảo hộ bản quyền và sở hữu trí tuệ; ban hành Luật về thương hiệu, Luật về bản quyền; (2) từ năm 2000 đến nay, đã hoàn thiện toàn diện thể chế về bảo hộ bản quyền và sở hữu trí tuệ; hai đặc điểm nổi bật là bảo hộ bản quyền trong nước và bảo hộ bản quyền theo WTO. Trong thời gian từ năm 2000 đến 2007, Trung Quốc chủ yếu sửa đổi các đạo luật nhằm tương thích với TRIPS, từ sau năm 2008 được xem là thời kỳ “hậu “TRIPS”.

Không chỉ quan tâm tới sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Trung Quốc còn có những chính sách hết sức khắt khe trong hoạt động thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ. Trung Quốc áp dụng giám sát hằng ngày và giám sát theo chuyên để đối với vi phạm bảo hộ bản quyền và sở hữu trí tuệ[6]. Thống nhất chỉ đạo bảo hộ bản quyền, sở hữu trí tuệ trong cả nước. Trung Quốc thành lập Ban Chỉ đạo về vấn đề này do một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban. Một số vi phạm liên quan đến bản quyền có thể bị xử lý về mặt hình sự[7].

Mặc dù cũng xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế dựa trên sở hữu trí tuệ, song Nhật Bản với những khác biệt về văn hóa, chính trị và tự nhiên đã có bước đặt nền móng cho chiến lược phát triển khoa học và công nghệ cũng như nến tảng pháp luật về sở hữu trí tuệ khác hẳn Trung Quốc. Năm 1997, Chính phủ Nhật Bản đã công bố một báo cáo về chiến lược quốc gia nhằm vực dậy nền kinh tế[8]. Kể từ đó, Nhật Bản đã quyết tâm trở thành một “quốc gia được xây dựng dựa trên sở hữu trí tuệ” bằng cách áp dụng chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ. Để thực hiện mục tiêu này, Nhật Bản đã ban hành Luật cơ bản về sở hữu trí tuệ và bắt đầu để đại tu hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ của mình. Cuộc đại tu này bao gồm việc xem xét lại không chỉ luật sở hữu trí tuệ và cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ mà còn cả hệ thống giáo dục về sở hữu trí tuệ.

Với khẩu hiệu biến Nhật Bản thành “quốc gia dựa trên sở hữu trí tuệ”[9], Nhật Bản đã thành lập một Văn phòng ban hành chính sách về sở hữu trí tuệ thuộc Nghị viên. Luật cơ bản về sở hữu trí tuệ được ban hành vào tháng 11/2002 và có hiệu lực vào tháng 3/2003 không giống như các luật sở hữu trí tuệ hiện hành, Luật cơ bản về sở hữu trí tuệ này không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các bên[10]. Thay vào đó, luật đưa ra định hướng cho chính sách sở hữu trí tuệ bằng cách đặt ra một sứ mệnh cơ bản đối với chiến lược quốc gia của Nhật Bản³. Luật này cũng quy định vai trò của chính phủ, ngành công nghiệp và giới học giả trong việc thực thi chiến lược, đồng thời liệt kê các biện pháp cần thiết để hoàn thành các nhóm nhiệm vụ đề ra. Việc ban hành chính sách pháp luật một cách có hệ thống, đồng nhất này giúp cho Nhật Bản có thể đồng bộ hệ thống chính sách liên quan tới sở hữu trí tuệ mà không bị vướng do sự tranh giành quyền lực giữa các bộ, ngành. Không chỉ quan tâm tới bảo hộ quyền, chính sách pháp luật sở hữu trí tuệ của Nhật Bản còn rất quan tâm tới giáo dục về sở hữu trí tuệ. Theo đó, pháp luật về sở hữu trí tuệ được đưa vào cả chương trình học từ cấp tiểu học tới các cấp chuyên sâu khác. Theo đó, mỗi cấp lại có những chương trình và mục tiêu khácnhau phù hợp với đối tượng được hướng tới. Có lẽ đây cũng là một phân lý giải cho sự thực thì sở hữu trí tuệ nghiêm túc ở quốc gia này.

Bên cạnh đó, đối với các khía cạnh sở hữu trí tuệ trong các FTA, hầu hết các chương sở hữu trí tuệ trong các FTA mà Nhật Bản tham gia đều kết hợp các điều khoản TRIPS PLUS dựa trên ba nguyên tắc: (1) đơn giản hóa và tăng tính minh bạch của thủ tục cấp bằng sáng chế và các thủ tục hành chính khác; (2) để tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; và (3) tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Một điều đáng chú ý ở đây là trong hầu hết các FTA mà Nhật Bản ký kết hầu như không có điều khoản TRIPS PLUS nào yêu cầu thay đổi luật sở hữu trí tuệ ở quốc gia này. Ngay cả trong Hiệp định FTA Nhật Bản - Thụy Sỹ, TRIPS PLUS cũng chỉ đi cùng mức độ với luật sở hữu trí tuệ quốc gia của Nhật Bản. Nói cách khác, mục tiêu quan trọng của chương sở hữu trí tuệ trong FTA là phổ biến các điều khoản TRIPS PLUS của luật sở hữu trí tuệ quốc gia Nhật Bản, hay xét về khía cạnh sở hữu trí tuệ, Nhật Bản đã và đang sử dụng các FTA để đạt được TRIPS PLUS trong phạm vi được cung cấp bởi luật sở hữu trí tuệ quốc gia Nhật Bản.

Như vậy, có thể thấy cả Trung Quốc và Nhật Bản đều rất cương quyết trên con đường đưa quốc gia đi lên bằng sở hữu trí tuệ. Chính bởi vậy, pháp luật về sở hữu trí tuệ ở cả hai quốc gia này đều khá tương thích với yêu cầu đặt ra trong các FTA mà hai quốc gia này đã tham gia ký kết. Nói cách khác, pháp luật về sở hữu trí tuệ ở hai quốc gia này đáp ứng căn bản với tiêu chuẩn của các quốc gia phát triển. Mặc dù có điểm chung về chiến lược nhưng bước đi của hai quốc gia này để đạt được mục tiêu đặt ra lại khá khác nhau. Trong khi Trung Quốc dường như cởi mở hơn khi hướng tới hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước theo các điều ước quốc tế mà Trung Quốc ký kết thì Nhật Bản lại có định hướng phát triển một cách chủ động khi đi từ chiến lược phát triển quốc gia, có định hướng chính sách rõ ràng với hệ thống cơ quan ban hành chính sách riêng biệt, không bị phụ thuộc hay ảnh hưởng từ các cơ quan khác. Hệ thống thực thi cũng được chú trong khi ngay từ cấp tiểu học đã có chương trình giảng dạy về sở hữu trí tuệ. Mỗi hướng đi đều có những ưu điểm riêng, nhưng cả hai quốc gia này đều thể hiện đã có những thành công nổi bật trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách cũng như hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ trước khi tham gia các FTA.

2. Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ cho phù hợp với các yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới theo hướng mở rộng đối tượng và nâng cao mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Sau khi tham gia các FTA, yêu cầu đặt ra về sửa đổi, hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ quốc gia cho phù hợp với các tiêu chuẩn, quy định trong hiệp định là một việc làm cấp thiết. Trong khi hầu hết các hiệp định đều đưa ra một khoảng thời gian khá dài để các quốc gia có thời gian hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ; thì đối với một số FTA thời gian để các quốc gia hoàn thiện các yêu cầu lại rất ngắn. Ví dụ như trường hợp Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ngay sau khi tham gia Hiệp định thương mại tự do Hoa Kỳ - Singapore (USSFTA) vào năm 2003, năm 2004, Singapore đã ban hành Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi nhằm đáp ứng các yêu cầu mới về tiêu chuẩn bảo hộ các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, mức độ bảo hộ và tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong USSFTA. Ngoài ra, cũng trong năm 2004, Singapore đã ban hành bổ sung Đạo luật Bảo hộ giống cây trồng và sửa đổi Luật về Sáng chế. Tiếp theo đó, liên quan đến việc bắt buộc cấp phép bản quyền, Singapore đã sửa đổi các điều khoản không tương thích vào năm 2005. Tương tự Singapore, Hàn Quốc đã có rất nhiều lần chỉnh sửa Đạo luật Bản quyền cho phù hợp với yêu cầu trong các hiệp định thương mại tự do. Các lần sửa đổi luật bản quyền của Hàn Quốc có thể kể đến như: Đạo luật sửa đổi năm 2001, sau đó là năm 2003 (nhằm thực hiện Hiệp ước WCT (Hiệp ước Bản quyền WIPO - Hiệp định đặc biệt theo Công ước Berne liên quan đến việc bảo vệ các tác phẩm và quyền của các tác giả của chúng trong môi trường kỹ thuật số) và Hiệp ước WPPT (Hiệp ước biểu diễn và bản ghi âm)). Hàn Quốc cũng ban hành Đạo luật về Bảo vệ chương trình máy tính (CPPA) năm 1999 và năm 2003 khi khái niệm “các biện pháp công nghệ” xuất hiện lần đầu trên phạm vi quốc tế trong WCT và WPPT[11]. Theo đó, rất nhiều nội dung khác liên quan tới bản quyền và trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) cũng được sửa đổi và bổ sung. Năm 2001, Luật Bản quyền đã được sửa đổi toàn diện nhất. Đầu tiên, và quan trọng nhất là việc mở rộng quyền của người biểu diễn. Hàn Quốc đã chuẩn bị cho việc gia nhập WPPT thông qua sửa đổi này. Đạo luật Bản quyền đã được sửa đổi vào tháng 5/2003 để thực hiện Hiệp ước WCT và Hiệp ước WPPT tái lập môi trường kỹ thuật số trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan. Ngoài ra, Sau khi Korus FTA được ban hành ở cả Hàn Quốc và Hoa Kỳ vào năm 2011 thì Hàn Quốc đã sửa đổi Đạo luật Bản quyền, và có hiệu lực vào cùng ngày Korus FTA có hiệu lực và gần đây nhất là sự sửa đổi Đạo luật Bản quyền năm 2017.

Nhật Bản mặc dù có chiến lược phát triển lâu dài với hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ ổn định, đáp ứng được các tiêu chuẩn cao so với một số quốc gia phát triển và các FTA mà Nhật Bản tham gia. Tuy nhiên, trước yêu cầu của thị trường thì Nhật Bản buộc phải thay đổi luật sở hữu trí tuệ của mình khi tham gia các FTA với các quốc gia ngoài phạm vi khu vực, đặc biệt là các đối tác châu Âu. Gần đây nhất, sau các FTA Nhật Bản - EU được ký kết vào năm 2018 và có hiệu lực vào tháng 02/2019. Nhật Bản đã buộc phải sửa đổi luật sở hữu trí tuệ của mình. Các sửa đổi gần đây nhất, có hiệu lực vào ngày 01/4/2020.

Về cơ bản, việc hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ của các quốc gia nêu trên có những điểm chính như sau: hoàn thiện các quy định một cách toàn diện về điều kiện, tiêu chuẩn bảo hộ, phạm vi bảo hộ, thời gian bảo hộ đối với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, thời gian hoàn thiện rất khẩn trương (có thể chuẩn bị song hành cùng quá trình đàm phán, ký kết các điều ước có liên quan). Những đặc điểm này có thể được mô tả chi tiết như sau:

2.1. Hoàn thiện quy định pháp luật về điều kiện, tiêu chuẩn bảo hộ đối tượng quyền sở hữu trí tuệ

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, ngày càng nhiều đối tượng sở hữu trí tuệ mới xuất hiện, kèm theo đó là các yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn bảo hộ đối với các đối tượng mới và cân bằng tiêu chuẩn bảo hộ đối với các đối tượng cũ cho phù hợp là điều hoàn toàn có thể xảy ra và nhìn thấy được. Trong khi có sự phát triển mạnh mẽ về đối tượng bảo hộ như vậy ở các quốc gia phát triển, thì khi tham gia các FTA với các quốc gia này, các quốc gia ở khu vực kém phát triển hơn cần phải làm gì để đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn bảo hộ mà các đối tác đặt ra. Singapore là một trường hợp khá điển hình trong việc sửa đổi luật sở hữu trí tuệ liên quan tới tiêu chuẩn này.

Vấn đề đầu tiên trong pháp luật sở hữu trí tuệ của Singapore bị ảnh hưởng bởi Chương sở hữu trí tuệ trong USSFTA liên quan đến các đối tượng không thể nhận biết bằng mắt thường. Chẳng hạn như dấu hiệu mùi và dấu hiệu âm thanh trong tên thương mại/nhãn hiệu. Trước khi tham gia Hiệp định này, Singapore không cho phép đăng ký các dấu hiệu khó xác định như vậy. Điều khoản trong Chương sở hữu trí tuệ của Hiệp định không chỉ cấm áp đặt khả năng cảm nhận bằng mắt như một điều kiện để đăng ký nhãn hiệu mà còn bao gồm tuyên bố mà các bên phải nỗ lực hết sức để đăng ký nhãn hiệu mùi hương. Năm 2004, Singapore đã xóa bỏ yêu cầu về khả năng cảm nhận bằng mắt trong Luật Nhãn hiệu của mình. Do đó, ngày nay, các đối tượng không nhận biết được bằng mắt thường được xem xét giống như trường hợp các đối tượng có thể nhận biết bằng mắt. Điều này có nghĩa là các điều kiện đăng ký với các đối tượng có thể nhận biết bằng mắt thường áp dụng như nhau đối với các dấu hiệu không thể nhìn thấy bằng mắt thường, chẳng hạn như điều kiện là dấu hiệu đó phải có khả năng biểu diễn bằng hình ảnh và phải có tính phân biệt. Những điều kiện này không dễ dàng thỏa mãn trong trường hợp các dấu hiệu không thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Vấn đề thứ hai của Singapore liên quan đến việc bảo hộ cho các nhãn hiệu nổi tiếng. Trước đây, Singapore đã quan điểm rằng loại nhãn hiệu đặc biệt này phải được bảo vệ chống lại việc sử dụng trái phép liên quan đến bất kỳ hàng hóa/dịch vụ nào nếu việc sử dụng trái phép có thể gây nhầm lẫn cho công chúng mua hàng. Một số quốc gia khác bảo vệ các nhãn hiệu nổi tiếng ở mức độ cao hơn, cụ thể là chống lại việc “làm loãng” danh tiếng của nhãn hiệu mà nổi tiếng, có thể xảy ra ngay cả khi không có bất kỳ khả năng nhầm lẫn nào. Điều khoản trong Chương sở hữu trí tuệ của Hiệp định yêu cầu việc áp dụng quyền chống pha loãng như được nêu trong Khuyến nghị chung về bảo hộ của WIPO cho nhãn hiệu nổi tiếng. Năm 2004, Singapore đã ban hành quy định về quyền chống pha loãng. Trong Luật Nhãn hiệu sửa đổi, áp dụng đối với các nhãn hiệu được công chúng biết đến rộng rãi ở Singapore.

2.2. Hoàn thiện các tiêu chuẩn về phạm vi bảo hộ đổi với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ

Phạm vi bảo hộ các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được xét trên nhiều khía cạnh: có thể là phạm vi về không gian, phạm vi về thời gian, phạm vi về nội dung bảo hộ quyền, v.v... Trong phần này, các tác giả phân tích dựa trên thực tiễn hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ ở Hàn Quốc và Singapore về những hoàn thiện liên quan đến nội dung bảo hộ quyền.

Với trường hợp của Singapore, Hiệp định USSFTA để cập việc xác định rõ hoặc mở rộng độc quyền để tính đến những thách thức mà chủ thể quyền phải đối mặt trong môi trường kỹ thuật số. Vì vậy, Singapore đã sửa đổi Luật Bản quyền năm 1999. Theo đó, phạm vi quyền sao chép đã được sửa đổi để bao gồm việc tạo bản sao tạm thời tác phẩm của tác giả trên bất kỳ phương tiện nào bằng phương tiện điện tử và việc bảo vệ hệ thống thông tin quản lý quyền (RMI) cũng đã được đưa vào. Nhưng các sửa đổi năm 1999 không đưa ra bất kỳ biện pháp bảo vệ nào đối với các biện pháp chống gian lận, cũng chưa quy định quyền nào cho phép thực hiện hành vi đặc biệt (ở thời điểm đó) là phổ biến các tác phẩm trên internet. Đến năm 2005, mức độ bảo vệ này đối với RMI và các biện pháp chống gian lận đã được áp dụng ở Singapore. Đồng thời, quyền “công bố tới công chúng” cũng được quy định để làm rõ rằng chủ thể quyền có quyền kiểm soát việc phổ biến tác phẩm của họ trên internet.

Về nhập khẩu song song, Singapore trước đây đã áp dụng nguyên tắc cạn quyền quốc tế đối với tất cả các sản phẩm bằng sáng chế. Theo đó, việc nhập khẩu và bán sản phẩm được cấp bằng sáng chế được cho phép (tức không bị coi là xâm phạm quyền đối với sáng chế) nếu sản phẩm đó được sản xuất bởi chính chủ sở hữu bằng sáng chế hoặc với sự đồng ý của chủ sở hữu bằng sáng chế ở tại Singapore hoặc ở nước ngoài. Dưới áp lực của Hoa Kỳ, theo USSFTA, Singapore phải giới hạn phạm vi của quy định này đối với các sản phẩm được cấp bằng sáng chế là dược phẩm mà trước đây chưa được bán và phân phối tại Singapore theo Điều 16.7.2 Hiệp định. Năm 2004, Singapore thực hiện những thay đổi cần thiết đổi với Luật Bằng sáng chế của mình để thực hiện nghĩa vụ này theo USSFTA (thể hiện ở khoản g Điều 66.2 Luật Sáng chế sửa đổi).

Vấn đề thứ ba liên quan đến cấp phép bắt buộc. Trước khi tham gia Hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ, sau khi hết hạn 3 năm kể từ ngày cấp bằng sáng chế, Tòa án cấp cao tại Singapore có thể cấp giấy phép bắt buộc khi có những điều kiện hợp lý về thị trường của sáng chế đó ở Singapore. Điều này được cho phép bởi Hiệp định TRIPS, nhưng đã phải điều chỉnh sau khi tham gia USSFTA. Chương Sở hữu trí tuệ của USSFTA đặt ra các điều kiện phải tuân theo nếu giấy phép bắt buộc được cấp và không chỉ rõ các trường hợp ngoại lệ cho việc cấp giấy phép bắt buộc.

Bên cạnh đó, các quy định trong Chương Sở hữu trí tuệ chỉ cho phép cấp giấy phép bắt buộc cho bên thứ ba (không bao gồm Chính phủ) trong trường hợp cần thiết để khắc phục hành vi phản cạnh tranh (nhằm chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh). Năm 2004, Singapore đã sửa đổi căn bản quy định liên quan tới cấp phép bắt buộc trong Luật

Bằng sáng chế sửa đổi để hạn chế việc áp dụng (bằng cách quy định các điều kiện áp dụng) và quy định đối với những trường hợp liên quan đến các hành vi phản cạnh tranh. Ví dụ như, sẽ áp dụng cấp phép bắt buộc với điều kiện khi chủ sở hữu bằng sáng chế từ chối cung cấp cho thị trường sản phẩm sáng chế đã được cấp bằng sáng chế ở Singapore mà không có lý do chính đáng, hoặc chỉ cấp phép bắt buộc để sử dụng cho các mục đích phi thương mại trong những tình huống khẩn cấp.

Với trường hợp Hàn Quốc, lịch sử hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ của nước này có liên quan mật thiết đến các yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ từ Hoa Kỳ. Trong quá trình đàm phán Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ vào đầu thập niên 2000, Hàn Quốc đã sửa đổi Đạo luật Bản quyền nhằm thúc đẩy sự phát triển trong môi trường kỹ thuật số và ngăn chặn vi phạm bản quyền trên internet. Đạo luật sửa đổi năm 2001 đã mở rộng quyền của chủ sở hữu bản quyền để bảo vệ các lợi ích trực tuyến. Đạo luật đã quy định bổ sung một quyền mới là chủ sở hữu bản quyền có độc quyền cung cấp các tác phẩm cho công chúng theo cách mà các thành viên của công chúng có thể truy cập tác phẩm từ địa điểm và tại thời điểm do người dùng lựa chọn một cách độc lập[12] v.v... Đạo luật mở rộng độc quyền này cho các chủ sở hữu “quyền liên quan” thông qua một sửa đổi năm 2003.

Tiếp đó là sửa đổi liên quan đến cung cấp sự bảo vệ cho thông tin quản lý quyền. Điều 124 Đạo luật sửa đổi năm 2003 quy định rằng hành vi cố ý loại bỏ, thay đổi hoặc bổ sung sai quyền thông tin quản lý dưới dạng điện tử và hành động phân phối, biểu diễn công khai, truyền tải công khai hoặc nhập khẩu với mục đích phân phối bản gốc hoặc bản sao của tác phẩm, v.v. với hiểu biết về thực tế là thông tin quản lý quyền trong điện tử định dạng đã bị loại bỏ, thay đổi hoặc thêm sai được coi là vi phạm bản quyền. Đạo luật Bản quyền Hàn Quốc năm 1957, sửa đổi năm 2011 để thực hiện Korus FTA đã xóa các từ “ở định dạng điện tử”, do đó mở rộng phạm vì bảo hộ đối với thông tin quản lý quyền.

2.3. Hoàn thiện các tiêu chuẩn về thời gian bảo hộ đối với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ

Thời hạn bảo hộ đối tượng quyền sở hữu trí tuệ là một quyền cơ bản dành cho chủ sở hữu các quyền sở hữu trí tuệ. Khi hết thời hạn bảo hộ, các đối tượng sở hữu trí tuệ sẽ được sử dụng công khai, rộng rãi mà không mất chi phí bản quyền cho chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Thời hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phụ thuộc vào đối tượng quyền sở hữu trí tuệ và ít nhất cần tuân theo quy định của Hiệp định TRIPS, Công ước Berne, v.v., thời gian bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có sự thay đổi cho phù hợp với tiêu chuẩn của hai bên (cụ thể là nâng cao tiêu chuẩn theo mức của các quốc gia phát triển).

Với việc đáp ứng yêu cầu cao về thời hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đa phần thời hạn bảo hộ các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do đều gia tăng thời hạn bảo hộ các đối tượng quyền. Với trường hợp Singapore liên quan đến thời hạn bảo hộ đối với tác phẩm, bản ghi âm và biểu diễn của tác giả trong USSFTA. Ở Singapore trước đây, các tác phẩm của tác giả đã xuất bản (không bao gồm ảnh) được bảo hộ trong 50 năm sau khi tác giả qua đời; ảnh, bản ghi âm và ghi hình trong 50 năm kể từ lần đầu tiên công bố; và các buổi biểu diễn trong 50 năm kể từ khi tạo ra. Tuy nhiên USSFTA đã thay đổi quan điểm này bằng cách yêu cầu thêm 20 năm bảo vệ. Mức tăng này được thực hiện ở Singapore vào năm 2004. So với tiêu chuẩn TRIPS, mức tăng này thể hiện sự gia tăng 20 năm đối với các tác phẩm của tác giả (không bao gồm ảnh), phono-gram và phim, tăng 45 năm đối với ảnh.

Đối với sáng chế cũng không ngoại lệ, trước đây, ở Singapore không thể gia hạn thời hạn sử dụng bằng sáng chế sau 20 năm (tính từ ngày đăng ký). Chương sở hữu trí tuệ của Hiệp định USSFTA yêu cầu kéo dài thời hạn tối thiểu để bù đắp cho sự chậm trễ bất hợp lý xảy ra trong việc cấp bằng sáng chế và trong trường hợp sản phẩm dược phẩm, để bù đắp cho việc cắt giảm thời hạn bằng sáng chế không hợp lý do kết quả của quá trình phê duyệt. Năm 2004, Luật về bằng sáng chế của Singapore đã được sửa đổi để phù hợp với yêu cầu này.

Khác với Singapore, Hàn Quốc đã mất rất nhiều thời gian để đàm phán các điều khoản liên quan tới bản quyền và thời gian bảo hộ. Hàn Quốc đã phải rất cân nhắc khi đàm phán với Hoa Kỳ bởi lo ngại về chi phí bản quyền. Theo Đạo luật bản quyền năm 1994, các tập hợp dữ liệu cũng được bảo hộ nếu việc lựa chọn hoặc sắp xếp nội dung của chúng tạo thành sự sáng tạo trí tuệ, thời hạn của các quyền liên quan được gia hạn từ 20 lên 50 năm và quyền cho thuê được công nhận đối với bản ghi âm và chương trình máy tính. Sau khi tham gia Hiệp định TRIPS cũng như Công ước Berne, Luật sửa đổi đã cung cấp sự bảo hộ có hiệu lực hồi tố đối với các tác phẩm của các tác giả nước ngoài theo Công ước Berne, quy định việc bảo hộ các tác phẩm chưa thuộc phạm vi công cộng ở nước xuất xứ khi hết thời hạn bảo hộ (Điều 18.1 Công ước Berne). Đạo luật Bản quyền cung cấp cho người biểu diễn độc quyền cho phép trình diễn các buổi biểu diễn của họ.

Có thể thấy, hầu hết các quốc gia đều phải sửa đổi pháp luật về sở hữu trí tuệ trong quá trình đàm phán hoặc khi tham gia các FTA (đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển). Việc sửa đổi càng được thực hiện sớm thì càng đáp ứng được các yêu cầu về thực thi trong các FTA mà các quốc gia đã ký kết. Việc sửa đổi pháp luật như vậy cũng một phần có tác động từ chiến lược phát triển chung của mỗi quốc gia. Chẳng hạn như khi quốc gia xác định tham gia đàm phán một FTA nào thì đã phải lường trước được những nội dung cần chuẩn bị sửa đổi trong luật sở hữu trí tuệ trong nước cho phù hợp.

 


[1] Naigen Zhang: Intellectual Property Law Enforcement in China: Trade Issues, Policies and practices; Fordham Intellectual Property, Media and Entertainment Law Journal, Artical 5, Volume 8, Issue 1, 1997, p. 63. 204

[2] Christoph Antons, Reto M. Hilty Editors (Biên tập): Interlectual prperty and Free trade agreement in the Asian Pacific region, MPI Studies on Intellectual Property and Competition Law, Volume 24, Springer, 2015, ISBN 978-3-642-30888-8 (eBook), p. 252. ade Naigen Zhang: Intellectual Property Law Enforcement in China: Trade Issues, Policies and practices

[3] Luật Sáng chế Trung Quốc năm 1984, sửa đổi năm 1992

[4] Quy chế bảo vệ các chương trình máy tính đã được thông qua vào ngày 14/5/1991

[5] Naigen Zhang: Intellectual Property Law Enforcement in China: Trade Issues, Policies and practice

[6] Naigen Zhang: Intellectual Property Law Enforcement in China: Trade Issues, Policies and Practices; Fordham Intellectual Property, Media and Entertainment Law Journal, Artical 5, Volume 8, Issue 1, 1995, p.65

[7] Jie Hong, Jakob Edlder và Silvia Massini: Evolution of the Chinese Intellectual Property Rights System: IFR Law Revisions and Enforcement, Management and Organization Review, Volume 18 Issue 4

[8] Common on intellectual prop.in the twenty-first century, toward the era of intellectual property creation: challenges for breakthrough, http://www.jpo.go.jp/shiryou_e/toushin_e/kenkyukai_e/2lcene.htm

[9] Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ: https://japan.kantei.go.jp/ policy/titeki/kettei/020703taikou_e.html

[10] Luật cơ bản về sở hữu trí tuệ

[11] Christoph Antons, Reto M. Hilty Editors (Biên tập): Interlectual prperty and Free trade agreement in the Asian Pacific region, MPI Studies on Intellectual Property and Competition Law, Volume 24 Springer, 2015, ISBN 978-3-642-30888-8 (eBook), p.361.

[12] Mục 2 và mục 18, mục 30 Đạo luật Bản quyền Hàn Quốc năm 1957, sửa đổi năm 2001.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành