Thứ tư, 17 Tháng 4 2024 09:15

Tăng cường các biện pháp thực thi nhằm hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ ở một số nước châu Á

  1. 1.Các biện pháp tăng cường nhằm thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ

Tiêu chuẩn bảo hộ các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ cao hơn, phạm vi bảo hộ rộng hơn, đối tượng bảo hộ ngày càng mới và phức tạp đã đặt ra nhiều thách thức cho hoạt động thực thi quyền. Nếu các biện pháp thực thi không hiệu quả thì các tiêu chuẩn đặt ra chỉ là hình thức và như vậy có nghĩa rằng khó có thể đạt được các yêu cầu đặt ra trong cam kết của các FTA (Hiệp định thương mại tự do).

Nhằm mục đích nâng cao hiệu quả thực thi luật bản quyền, Hàn Quốc đã tăng mức độ hình phạt đối với các hành vi xâm phạm các quyền kinh tế như: nâng hình phạt từ từ 3 năm lên 5 năm và nâng mức tiền phạt lên gần gấp đôi (từ 30 triệu USD lên tới 50 triệu USD)[1] đối với các xâm phạm liên quan tới các quyền kinh tế. Đạo luật Bản quyền năm 1957, sửa đổi năm 2003; Đạo luật Bản quyền năm 1957, sửa đổi năm 2017 gần đây nhất của Hàn Quốc còn gắn liền với mục đích thực hiện Hiệp ước WCT (Hiệp định đặc biệt theo Công ước Berne liên quan đến việc bảo vệ các tác phẩm và quyền của các tác giả của chúng trong môi trường kỹ thuật số) và Hiệp ước WPPT (Hiệp ước biểu diễn và bản ghi âm)[2]. Trong khi bảo vệ quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số còn chưa được các quốc gia chú trọng thì Hàn Quốc đã có những quy định hết sức cập nhật như: nghiêm cấm hành động cung cấp, sản xuất, nhập khẩu, chuyển giao, cho vay hoặc truyền tải tương tác các công nghệ, dịch vụ, sản phẩm, thiết bị hoặc các bộ phận quan trọng của chúng với mục đích chính vô hiệu hóa các biện pháp bảo vệ công nghệ đối với bản quyền hoặc các quyền khác được bảo vệ theo Đạo luật này như loại bỏ, sửa đổi hoặc bỏ qua chúng mà không có quyền hợp pháp. Người vi phạm bản quyền có thể bị truy tố hình sự mà không có khiếu nại của chủ sở hữu bản quyền nếu người đó thường xuyên vi phạm bản quyền vì mục đích lợi nhuận.

Với Singapore, trong USSFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Hoa Kỳ-Singapore), nhiều quy định của các chế định sở hữu trí tuệ liên quan đến việc thực thi quyền, với các điều khoản giải quyết các thủ tục và biện pháp khắc phục hậu quả trong tố tụng dân sự, hình sự và hành chính. Tình trạng này (có nhiều quy định về thực thi quyền), vì những thách thức trên thực tế mà các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ phải đối mặt khi tác phẩm của họ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, ở thời điểm đó cũng đang trở nên cấp bách và vấn đề đặt ra là làm thế nào để thực thi có hiệu quả quyền của các chủ sở hữu theo luật nội địa. Đây cũng là nguồn gốc của nhiều sự bất bình của các chủ sở hữu quyền đối với những quy định quá chung trong Hiệp định TRIPS (Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ) về việc thực thi quyền. Một vài ví dụ dưới đây sẽ minh họa bản chất TRIPS PLUS của các điều khoản thực thi về sở hữu trí tuệ trong USSFTA[3]:

Trong các thủ tục tố tụng dân sự đối với hành vi xâm phạm nhãn hiệu, bản quyền và các quyền liên quan, các quốc gia là thành viên của WTO có toàn quyền đưa ra các khoản bởi thường thiệt hại đã được thiết lập trước; nhưng theo Điều 16.9.21 Chương sở hữu trí tuệ trong USSFTA mức thiệt hại được yêu cầu phải ở mức cao, để ngăn chặn các hành vi vị phạm trong tương lai (Điều 16.9).

Các quốc gia là thành viên của WTO được yêu cấu hình sự hóa “vi phạm bản quyền và quyền liên quan ở quy mô thương mại", nhưng USSFTA lại mở rộng phạm vi của cụm tử này khi “vi phạm bản quyền và quyền liên quan ở quy mô thương mại” sẽ bao gồm cả “hành vi vi phạm cố ý đáng kể dù không có động cơ trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm thu lợi tài chính” và “hành vi cố ý vi phạm mục đích lợi nhuận trong thương mại hoặc lợi nhuận tài chính”. Các quốc gia thành viên của WTO được yêu cầu áp dụng các thủ tục để cho phép các chủ thể có quyền khiếu nại để bắt đầu các biện pháp cưỡng chế biên giới, nhưng theo Chương về sở hữu trí tuệ trong USSFTA thì các cơ quan hải quan phải có quyền thực hiện các biện pháp này mà không cần thông qua các thủ tục xin phép chính thức hoặc khi có khiếu nại từ chủ sở hữu quyền (Điều 16.9).

Một điểm đáng lưu ý là các tiêu chuẩn TRIPS PLUS (Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ mở rộng) này có hiệu lực tại Singapore vào năm 2004 (đối với nhãn hiệu) và vào năm 2005 (đối với bản quyền). Có thể thấy những quyết tâm hội nhập cũng như điều chỉnh các quy định về sở hữu trí tuệ để tăng cường và mở rộng khả năng phát triển kinh tế thông qua các FTA của Singapore rất mạnh mẽ.

Ngoài Hiệp định USSFTA là Hiệp định được xem là căn bản đánh dấu bước chuyển mình của pháp luật sở hữu trí tuệ Singapore, gần đây nhất, năm 2020, Singapore đã tiếp tục tham gia ký kết Hiệp định bảo hộ thương mại và đầu tư với EU (EU Singapore FTA)[4]. Theo những cam kết trong Hiệp định này. Singapore đã tiếp tục tăng cường chế độ bảo vệ chỉ dẫn địa lý (GI) hiện tại của mình bằng cách tạo lập một hệ thống cho phép đăng ký GI. Theo thỏa thuận, Singapore cam kết sẽ bảo hộ 196 chỉ dẫn địa lý của châu Âu với các mức độ bảo vệ giống như ở Liên minh châu Âu. Tính đến ngày 01/02/2020, tổng cộng 139 chỉ dẫn địa lý châu Âu (chủ yếu bao gồm rượu vang, rượu mạnh, thực phẩm và nông sản) đã được đăng ký tại Singapore Liên quan đến việc thực thi biên giới, các công ty của EU có thể yêu cầu hải quan Singapore thu giữ hàng giả nhãn hiệu thương mại và hàng vi phạm bản quyền. Trong vòng ba năm kể từ khi hiệp định thương mại có hiệu lực, chủ sở hữu cũng có thể yêu cầu hải quan Singapore thu giữ hàng hóa chỉ dẫn địa lý giả mạo và hàng hóa có thiết kế vi phạm bản quyền khi chúng được nhập khẩu hoặc xuất khẩu. Singapore và EU cũng cam kết, các cơ quan có thẩm quyền có thể chủ động ra quyết định đình chỉ khi phát hiện hàng hóa giả mạo nhân hiệu, hàng hóa vi phạm bản quyền và hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý. Đối với hàng giả chỉ dẫn địa lý, Singapore sẽ thực hiện cam kết này trong vòng 3 năm kể từ khi hiệp định thương mại có hiệu lực[5].

Ở Trung Quốc và Nhật Bản, các biện pháp thực thi quyền được phân định với rất nhiều hình thức, trong đó có 4 hình thức thực thi pháp lý cơ bản như: biện pháp hành chính, biện pháp tư pháp, biện pháp dân sự và các biện pháp trừng phạt hải quan. Trung Quốc áp dụng giám sát hằng ngày và giám sát theo chuyên đề đối với vi phạm bảo hộ bản quyền và sở hữu trí tuệ. Trung Quốc cũng thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia nhằm thống nhất chỉ đạo về bảo hộ bản quyền, sở hữu trí tuệ trong cả nước, do một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban. Trung Quốc đã thành lập 50 trung tâm khiếu kiện về bản quyền trên toàn quốc. Hằng năm cơ quan chức năng cũng công bố các điển hình về vi phạm bản quyền.

Đối với Nhật Bản, với một số chỉnh sửa gần đây nhất vào năm 2020 hướng tới đảm bảo cho chủ sở hữu bằng sáng chế được bồi thường thiệt hại đầy đủ với cơ chế bồi thường rất chi tiết. Theo đoạn 1 Điều 102 Đạo luật Sáng chế năm 2020, chủ sở hữu bằng sáng chế được quyền bồi thường thiệt hại bằng số tiền lãi trên một đơn vị sản phẩm của chủ sở hữu bằng sáng chế, nhân với số lượng sản phẩm vi phạm đã bán, trong phạm vi không vượt quá số sản phẩm mà bên vi phạm đã bán được[6]. Cùng với đó, để xác định mức tiền bản quyền hợp lý, tòa án có thể sử dụng tiền bản quyền giả định mà các bên đã thỏa thuận sau khi đã xác định rằng bằng sáng chế đã bị vi phạm. Một sửa đổi khác, trong Đạo luật sửa đổi này có hiệu lực vào ngày 1/10/2021, quy định một phương pháp thu thập bằng chứng mới, đó là kiểm tra bởi một thanh tra trung lập (Điều 105.2). Theo yêu cầu của một bên, tòa án có thể chi định một thanh tra viên trung lập để kiểm tra các tài liệu, thiết bị hoặc các vật liệu khác mà bên kia sở hữu, thương là các thiết bị và phương tiện vi phạm được lắp đặt tại nhà máy của bị đơn và nộp báo cáo kiểm tra cho tòa án. Lệnh thanh tra chỉ có thể được ban hành khi đáp ứng các điều kiện nhất định, bao gồm điều kiện có đủ cơ sở để nghi ngờ rằng bằng sáng chế bị vi phạm và người khởi kiện không thể tiếp cận được các phương tiện đó.

2. Tăng cường trách nhiệm của các ISP (nhà cung cấp dịch vụ Internet)

Nói tới quy định về trách nhiệm của các ISP ở một số quốc gia châu Á thì có lẽ Hàn Quốc là một trong những quốc gia khá điển hình. Với định hướng phát triển dựa trên nền tảng số và những quy định rất nghiêm ngặt về vấn đề bản quyền, quyền tác giả, Hàn Quốc đã có rất nhiều lần sửa đổi quy định về trách nhiệm của các ISP. Một điểm đáng chú ý trong sửa đổi Luật Bản quyền của Hàn Quốc liên quan tới các biện pháp công nghệ kiểm soát truy cập quyền và sự bảo vệ cho thông tin quản lý quyền. Giới hạn trách nhiệm đối với các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) cũng được quy định trong đạo luật sửa đổi này. Năm 2006, Đạo luật Bản quyền Hàn Quốc đã được sửa đổi để chuẩn bị gia nhập WPPT, theo đó, luật đã quy định quyền nhân thân cho người biểu diễn, mở rộng quyền kiểm soát trong hành vi truyền tải âm thanh kỹ thuật số, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ truyền tải âm thanh kỹ thuật số trả thù lao cho người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm. Đến Đạo luật Bản quyền năm 1957, sửa đổi năm 2011, với mục tiêu tham gia Hiệp định thương mại tự do Korus FTAs (Hiệp định Thương mại Tự do Hoa Kỳ–Hàn Quốc), Hàn Quốc đã tiếp tục chỉnh sửa rất nhiều điều khoản trong Đạo luật Bản quyền của mình để đáp ứng với các thỏa thuận trong Korus FTA[7]. Theo đó, một số quyền tác giả được tăng cường và bảo vệ nhưng cũng đáp ứng nguyên tắc về cân bằng lợi ích của chủ sở hữu quyền và các chủ thể khác. So với quy định ở Luật Bản quyền năm 2003 liên quan tới “hành vi cố ý loại bỏ, thay đổi hoặc bổ sung sai quyền thông tin quản lý dưới dạng điện tử và hành động phân phối, biểu diễn công khai, truyền tải công khai hoặc nhập khẩu với mục đích phân phối bản gốc hoặc sao chép của tác phẩm, v.v. định dạng đã bị loại bỏ, thay đổi hoặc thêm sai được coi là vi phạm bản quyền”; thì đến Đạo luật bản quyền năm 1957, sửa đổi năm 2011 đã xóa các từ “ở định dạng điện tử”, nghĩa là đã mở rộng phạm vi bảo hộ đối với thông tin quản lý quyền. Trách nhiệm pháp lý của các ISP cũng được miễn trừ trong các trường hợp: “ISP cố gắng ngăn chặn hoặc ngừng truyền tải lại hoặc tương tác các tài liệu khi biết rằng bản quyền sẽ bị vi phạm do đối với việc sao chép hoặc truyền tải tương tác các tài liệu bởi những người khác”. Cuối cùng, Đạo luật Bản quyền sửa đổi đã cung cấp thông báo và thủ tục gỡ xuống mà theo đó ISP được miễn trừ trách nhiệm đối với chủ sở hữu bản quyền hoặc người gửi tài liệu nếu nó đáp ứng các yêu cầu về thủ tục.

Cũng theo pháp luật sở hữu trí tuệ Hàn Quốc, để ngăn chặn vi phạm bản quyền thông qua mạng P2P (mạng đồng đăng), Đạo luật sửa đổi yêu cầu các nhà cung cấp mạng (ISP) đặc biệt (chẳng hạn như nhà cung cấp dịch vụ P2P) thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truyền tải/ tương tác bất hợp pháp đối với các tác phẩm”. Điều khoản này được hình thành dựa trên một vụ án có thật đã được xét xử ở Hoa Kỳ (vụ án Grokster). Trong trường hợp này, để xác định xem bị đơn có lôi kéo bên thứ ba vi phạm bản quyền hay không, thì việc bị đơn cố gắng phát triển các công cụ thu hút hoặc các cơ chế khác để hạn chế hoạt động của vi phạm là một yếu tố rất quan trọng. Ngoài ra, Đạo luật sửa đổi năm 2006; và cho tới gần đây nhất là Đạo luật sửa đổi năm 2017 đã mở rộng bản quyền kiểm soát việc truyền tải âm thanh kỹ thuật số và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ truyền tải âm thanh kỹ thuật số trả thù lao cho người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm[8].

Các vấn đề liên quan đến giới hạn trách nhiệm của ISP trong quá trình đàm phán là liệu Hàn Quốc có áp dụng một quy định về việc vi phạm, có thể nhanh chóng nhận được từ nhà cung cấp dịch vụ thông tin xác định người bị cáo buộc vì phạm (Điều 18.10.30 (b) (xi)). Các quy định về bến cảng an toàn (Safe Harbor); Quy tắc nhằm bảo vệ cho một chủ thể khỏi các trách nhiệm pháp lý cho các ISP (các trường hợp miễn trừ trách nhiệm) và liệu các ISP có phải chịu trách nhiệm cung cấp thông tin nhận dạng của người bị cáo buộc vi phạm cho chủ sở hữu bản quyền hay không và làm thế nào để dung hòa giữa lợi ích của chủ sở hữu bản quyền và thông tin cá nhân của người bị cáo buộc vi phạm. Theo Korus FTAs, các ISP được miễn trừ trách nhiệm theo bốn điều khoản về bến cảng an toàn và họ cần đáp ứng các yêu cầu về các biện pháp phòng ngừa (Điều 18.10.30). Đạo luật Bản quyền Hoa Kỳ loại trừ trách nhiệm pháp lý của ISP theo bốn nhóm điều khoản về bến cảng an toàn, bao gồm: bộ truyền thông mạng kỹ thuật số tạm thời; bộ nhớ đệm hệ thống, thông tin cư trú trên hệ thống theo hướng của người sử dụng, và các công cụ định vị thông tin. Mặt khác, Korus FTAs quy định rằng các ISP áp dụng và thực hiện hợp lý một chính sách quy định việc chấm dứt tài khoản của những người vi phạm nhiều lần trong các trường hợp thích hợp (Điều 18.10.30 (b) (vi) (A)). Đây là một yêu cầu đối với các ISP để đáp ứng cho việc miễn trừ trách nhiệm. Tuy nhiên, các ISP không bắt buộc phải thực hiện việc giám sát dịch vụ của mình hoặc chứng minh hoạt động vi phạm (Điều 18.10.30 (b) (vii)). Trong Korus FTAs quy định rằng một thủ tục hành chính hoặc tư pháp sẽ được thiết lập để cho phép các chủ sở hữu bản quyền đã đưa ra thông báo có hiệu lực về việc vi phạm, có thể nhanh chóng nhận được từ nhà cung cấp dịch vụ thông tin xác định người bị cáo buộc vi phạm (Điều 18.10.30(xi)). Để loai bỏ lo ngại rằng thông tin cá nhân được cung cấp cho chủ sở hữu bản quyền có thể bị tiết lộ, Đạo luật Bản quyền Hàn Quốc hiện quy định rằng chủ sở hữu bản quyền đã cung cấp thông tin nhận dạng của người bị cáo buộc vi phạm chỉ được sử dụng thông tin đó cho mục bảo vệ quyền bản quyền của họ.

3. Tăng cường thực hiện các biện pháp công nghệ kiểm soát truy cập

Kiểm soát truy cập có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc cho phép phân biệt giá cả cũng như bảo vệ bản quyền. Các giới hạn và ngoại lệ đối với chống gian lận khác với các giới hạn đối với vi phạm bản quyền và không thể áp dụng sử dụng hợp pháp đối với hành vi chống gian lận, hạn chế quyền truy cập của công chúng vào tác phẩm có bản quyền. Kiểm soát tiếp cận cũng là chủ đề chính được đàm phán trong quá trình xây dựng Korus FTAs. Trong quá trình đàm phán cho Korus FTAs, các vấn đề gây tranh cãi nhất về các biện pháp công nghệ là liệu có nên cấm việc kiểm soát truy cập chống gian lận hay không, liệu việc vi phạm điều khoản chống gian lận có cần thiết hay không và liệu các giới hạn hoặc ngoại lệ đối với vi phạm bản quyền có được áp dụng cho lệnh cấm chống gian lận?

Thứ nhất, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã đạt được một thỏa hiệp để cho phép chủ sở hữu bản quyền kiểm soát hiệu quả quyền truy cập vào các tác phẩm có bản quyền, tạo ra một quyền độc quyền mới (Theo quy định tại Điều 103 Đạo luật Bản quyền Hàn Quốc năm 1957, sửa đổi năm 2011, 2017).

Thứ hai, một yêu cầu bổ sung về kiểm soát truy cập cần được đáp ứng, đó là người vi phạm biết hoặc lẽ ra phải biết rằng họ trốn tránh bất kỳ biện pháp công nghệ hiệu quả biết mà không có cơ quan có thẩm quyền (Điều 18.4.7 (0) Korus FTAs). Bên cạnh đó, theo yêu cầu của Hoa Kỳ, Korus FTAs quy định rằng những người vi phạm quy định về các biện pháp công nghệ để kiểm soát truy cập phải chịu các biện pháp tạm thời, án phí và phí luật sư, đồng thời tiêu hủy các thiết bị và sản phẩm bị phát hiện có liên quan đến hoạt động bị cấm.

Thứ ba, các giới hạn hoặc ngoại lệ đối với điều khoản chống gian lận hoàn toàn khác với các điều khoản vi phạm bản quyền. Vấn đề này liên quan đến việc liệu ngoại lệ sử dụng hợp pháp có được áp dụng cho việc phá vỡ các biện pháp công nghệ để kiểm soát truy cập hay không. Theo các tòa án Hoa Kỳ, luật về bản quyền hoàn toàn khác với luật về các biện pháp công nghệ, và do đó, các giới hạn và ngoại lệ đối với vi phạm bản quyền cũng khác với luật về hành vi gian lận các biện pháp công nghệ. Đạo luật Bản quyền Hoa Kỳ đưa ra các giới hạn chỉ áp dụng cho vi phạm điều khoản chống gian lận. Theo cách tiếp cận này, Korus FTA cung cấp các ngoại lệ riêng biệt đối với việc vi phạm điều khoản chống gian lận giống như Đạo luật Bản quyền Hoa Kỳ quy định[9].

Tóm lại, mặc dù với những định hướng phát triển khác nhau, những nền tảng khác nhau nhưng hầu hết các quốc gia nhà hướng tới hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế nói chung và các yêu cầu trong ứng FTA nói riêng. Các tiêu chuẩn đó được hoàn thiện vào cánh hệ thống pháp luật và chính sách pháp luật về sở hữu trí tuệ của mỗi quốc gia. Có những quốc gia có sự chuẩn bị kỹ cảng từ sớm với chiến lược phát triển quốc gia dựa trên sở hữu trí tuệ như Trung Quốc và Nhật Bản, thì cũng có những quốc gia sau khi tham gia các FTA đầu tiên mới bắt đầu hướng tới thay đổi hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ của mình cho phù hợp và làm nền tảng cho rất nhiều những FTA về sau. Tuy nhiên, dù là sự thay đổi từ trước khi tham gia các FTA hay sau khi đàm phán, tham gia chúng thì một điều vô cùng quan trọng là sự chủ động của mỗi quốc gia. Đó là sự chủ động về chính sách phát triển, sự chủ động tìm kiếm các FTA phù hợp với định hướng phát triển nền kinh tế và hơn nữa là sự mạnh dạn thay đổi một cách nhanh chóng hệ thống pháp luật trong nước nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn mà các FTA mình đã tham gia. Thông thường, các khu vực của các quốc gia phát triển sẽ có những tiêu chuẩn chung (ví dụ như Liên minh châu Âu). Và do đó, các quốc gia có trình độ phát triển thấp hơn có thể tham khảo trước để dự phòng các khả năng điều chỉnh pháp luật khi cần.

 


[1] Điều 1361 Đạo luật Bản quyền Hàn Quốc năm 1957, sửa đổi năm 2017

[2] Điều 124 Đạo luật Bản quyền Hàn Quốc năm 1957, sửa đổi năm 2003; Điều 104-2 Đạo luật Bản quyền Hàn Quốc năm 1957, sửa đổi năm 2017

[3] . Christoph Antons, Reto M. Hilty Editors (Biên tập): Interlectual orperty and Free trade agreement in the Asian - Pacific region, MPI Studies on Intellectual Property and Competition Law, Volume 24, Springer, 2015, ISBN 978-3-642-30888-8 (eBook), p. 348

[4] Điều 10.49 Chương 10 Hiệp định thương mại tự do EU-Singapore, https://www.enterprisesg.gov.sg/-/media/esg/files/non-financial-assistance/ for-companies/free-trade-agreements/eusfta/EUSFTA_Chap_10.pdf. 225

[5] https://trade.ec.europa.eu/access-to-markets/en/content/eu-singapore- free-trade-agreemen

[6] . Nobuto Shirane: The Intellectual Property Review: Japan, The Law review, review/japan. https://thelawreviews.co.uk/title/the-intellectual-property-

[7] Điều 1041, Điều 103 Đạo luật Bản quyền Hàn Quốc năm 1957, sửa đổi năm 2011, 2017

[8] Metro-Goldwyn-Mayer Studios, Inc v Grokster Ltd, 545 US 913 (2005) 4. Các điều 18, 76, 83 Đạo luật Bản quyền Hàn Quốc năm 1957, sửa đổi năm 2003, 2011, 2017

[9] Christoph Antons, Reto M. Hilty Editors (Biên tập): Interlectual prperty and Free trade agreement in the Asian - Pacific region, MPI Studies on Intellectual Property and Competition Law, Volume 24, Springer, 2015, ISBN 978-3-642-30888-8 (eBook), p. 370

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành