Thứ sáu, 19 Tháng 4 2024 02:03

Phân tích khái quát về cơ sở lý luận của hoạt động đầu tư vốn của ngân hàng thương mại

1. Khái niệm về hoạt động đầu tư vốn của ngân hàng thương mại

Hoạt động cấp tín dụng và thanh toán, hoạt động đầu tư vốn của ngân hàng thương mại đóng vai trò rất quan trọng trong tạo lập nguồn thu của ngân hàng. Trong cuốn Từ điển Black's Law, hoạt động ngân hàng đầu tư hay nghiệp vụ ngân hàng đầu tư (investment banking) được xác định là hoạt động bảo lãnh phát hành hoặc mua bán chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu[1]. Các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cũng xác định hoạt động đầu tư của ngân hàng là nhóm hoạt động bao gồm bảo lãnh phát hành chứng khoán (cổ phiếu và trái phiếu) và cung cấp dịch vụ tư vấn[2].

Có quan điểm cho rằng, mô hình ngân hàng đầu tư trong đó có mô hình ngân hàng đầu tư tổng hợp có đề cập khái niệm “nghiệp vụ đầu tư”, trong đó xác định gồm “môi giới và đầu tư”, môi giới chủ yếu áp dụng cho sản phẩm chứng khoán niêm yết, đầu tư bao gồm nghiệp vụ đầu tư cho khách hàng và hoạt động tự doanh. Cách tiếp cận này thường gắn với các nghiên cứu đề cập mô hình ngân hàng đầu tư (investment bank) - định chế tài chính lấy hoạt động kinh doanh chứng khoán làm nòng cốt[3]. Tại nghiên cứu khác, hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại theo phương pháp liệt kê với phạm vi tương đồng với khái niệm về hoạt động đầu tư, không có sự phân biệt về thời hạn nắm giữ công cụ đầu tư, theo đó “hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại bao gồm: đầu tư phát triển như đầu tư trang thiết bị, hạ tầng cơ sở, mua sắm tài sản để cho thuê tài chính, và đầu tư tài chính như cho vay, đầu tư chứng khoán Chính phủ”[4].

Ngoài ra, cũng có quan điểm cho rằng, bên cạnh các nghiệp vụ cho vay, huy động vốn của ngân hàng thương mại, theo đó “Nghiệp vụ đầu tư (hay còn gọi là nghiệp vụ chứng khoán) là nghiệp vụ sinh lời của ngân hàng thương mại. Trong nghiệp vụ này, ngân hàng thương mại tham gia vốn vào hai loại chứng khoán, thứ nhất là đầu tư vào các chứng khoán nhà nước, thứ hai là đầu tư vào các chứng khoán xí nghiệp”[5]. Đồng thời, hoạt động ngân hàng thương mại, tập trung vào hoạt động đầu tư theo dự án có đưa ra quan điểm về hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại. Như vậy, mỗi ngân hàng thương mại đều có một chính sách đầu tư và hoạt động đầu tư của ngân hàng được điều hành rất chặt chẽ nhằm bảo đảm thu được lợi nhuận và an toàn vốn của người ký thác.

Hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại ngày càng đa dạng và phong phú, sức mạnh biến tiết kiệm thành đầu tư của ngân hàng thương mại được thực hiện chủ yếu thông qua các hoạt động như tham gia các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán; đầu tư vào các công ty con và công ty liên kết; hoạt động tín dụng thuê mua (tín dụng thuê mua là hoạt động cho thuê động sản và bất động sản, trong đó người thuê lựa chọn tài sản cần thiết cho mình và đề nghị người cho thuê mua tài sản đó); thực hiện tài trợ các dự án đầu tư của doanh nghiệp. Đầu tư theo dự án là một hoạt động phổ biến của ngân hàng thương mại trong thời kỳ đầu của nền kinh tế thị trường. Đây là hoạt động tín dụng trung - dài hạn nhằm tăng năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp[6].

Như vậy, hoạt động đầu tư vốn của ngân hàng thương mại được hiểu như sau: “Hoạt động đầu tư vốn của ngân hàng thương mại là việc ngân hàng thương mại trực tiếp bỏ vốn, tài sản để góp vốn thành lập doanh nghiệp, mua bán các công cụ đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu và các loại chứng khoán khác hoặc ủy thác cho bên thứ ba thực hiện các hoạt động đầu tư vốn nhằm tìm kiếm lợi nhuận".

Ngân hàng thương mại hoạt động đầu tư kinh doanh dưới các hình thức nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán. Đối với hoạt động cấp tín dụng và thanh toán ngân hàng thương mại có thể sử dụng vốn chủ sở hữu, nguồn vốn vay nợ để thực hiện hoạt động kinh doanh, riêng đối với hoạt động đầu tư vốn ngân hàng thương mại chỉ được phép sử dụng vốn chủ sở hữu để thực hiện hoạt động đầu tư. Đây là một trong những quy định bảo đảm sự an toàn cho hệ thống ngân hàng.

2. Đặc điểm hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại

Thứ nhất, hoạt động đầu tư vốn của ngân hàng thương mại chứa đựng rủi ro cao. Hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại có thể có tác động đến sự an toàn và lành mạnh của ngân hàng thương mại và cả hệ thống. Ngân hàng thương mại luôn được xác định là chủ thể có tiềm lực tài chính mạnh và tầm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Việc ngân hàng thương mại tham gia vào hoạt động đầu tư (thường có tính chất dài hạn và chứa đựng rủi ro nhất định) sẽ tác động đến quản lý dòng tiền ngân hàng thương mại và việc bảo đảm khả năng thanh toán cũng như tính thanh khoản[7]. Bên cạnh đó, sự tham gia của ngân hàng thương mại vào các hoạt động tài chính, hoạt động khác trong nền kinh tế thông qua việc góp vốn, mua cổ phần, thành lập mới công ty con, công ty trực thuộc có thể tạo nên mạng lưới và nguy cơ tác động đến nền kinh tế nếu hoạt động ngân hàng hay tập đoàn không được bảo đảm. Trong trường hợp này, đặt ra gánh nặng với Chính phủ trong bảo đảm an toàn hệ thống và phải thực hiện các can thiệp tài chính.

Thứ hai, nguồn vốn để tiến hành đầu tư của ngân hàng thương mại được xác lập khác nhau trong các lĩnh vực đầu tư. Nguồn vốn để sử dụng đầu tư kinh doanh của các ngân hàng thương mại tùy thuộc vào từng lĩnh vực đầu tư, bao gồm vốn điều lệ, lợi nhuận chưa chia và quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại (vốn chủ sở hữu). Đối với hoạt động góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại trong hoạt động góp vốn mua cổ phần để thành lập công ty con, công ty liên kết ngân hàng thương mại chỉ được dùng vốn điều lệ[8] và quỹ dự trữ để đầu tư góp vốn mua cổ phần của các doanh nghiệp khác. Hiện nay, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại phải đáp ứng được bằng mức vốn tối thiểu do Ngân hàng Nhà nước ấn định. Mức vốn pháp định này theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 3.000 tỷ đồng[9]. Vốn điều lệ của mỗi ngân hàng thương mại được hình thành do tính chất sở hữu của ngân hàng thương mại quyết định, tức là nguồn vốn này có thể do Nhà nước cấp hoặc huy động từ các cá nhân trong xã hội.

Các quỹ được quy định tại Nghị định số 93/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước bao gồm: Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ; Quỹ đầu tư phát triển; Quỹ dự phòng tài chính.

Đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại: Theo quy định tại khoản 1 Điều 128 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 thì tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Hạn mức đầu tư trái phiếu mức độ an toàn cao hơn các hình thức đầu tư khác. Xét về bản chất, hoạt động đầu tư trái phiếu được xem là hoạt động cấp tín dụng (nên tỷ lệ đầu tư này có mức độ rủi ro quy định như đối với hoạt động cấp tín dụng khác như cho vay, bảo lãnh...).

Đối với hoạt động đầu tư trái phiếu Chính phủ: Theo khoản 5 Điều 16 Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 08/2020/TT-NHNN ngày 14/8/2020 và Thông tư số 26/2022/TT-NHNN ngày 31/12/2022 (Thông tư số 22/2019/TT-NHNN) giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng nước ngoài thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình:

Từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30/9/2021: 40%; từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022: 37%; từ ngày 01/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023: 34%; từ ngày 01/10/2023: 30%. Như vậy, nguồn vốn mà các ngân hàng thương mại dùng để mua trái phiếu Chính phủ là nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng thương mại và hạn mức tùy thuộc vào ngân hàng thương mại nhà nước hay ngân hàng thương mại cổ phần.

Về nguyên tắc, các doanh nghiệp có thể huy động mọi nguồn vốn để đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đối với các ngân hàng thương mại cần phải tuân theo những quy định rất khắt khe về nguồn vốn được sử dụng để đầu tư so với doanh nghiệp khác trong từng hình thức, lĩnh vực đầu tư khác nhau. Đây là một đặc tính pháp lý rất riêng biệt của các ngân hàng thương mại so với các doanh nghiệp nói chung. Với các quy định này cho thấy được sự chặt chẽ trong việc quản lý sử dụng các nguồn vốn của các ngân hàng thương mại. Mỗi nguồn vốn đều có mục đích sử dụng riêng, các ngân hàng thương mại không thể tùy tiện sử dụng sai nguyên tắc về phân bổ nguồn vốn dành cho các khoản đầu tư khác nhau, chẳng hạn không thể lấy tiền từ vốn điều lệ đi mua trái phiếu Chính phủ. Mỗi nguồn tiền đều được quy định sử dụng cho các danh mục đầu tư vốn khác nhau. Ngân hàng thương mại không thể sử dụng tiền gửi của khách hàng để mở các công ty để thu lợi nhuận, việc này dễ gây ra tình trạng mất cán cân thanh toán và tạo ra khủng hoảng tiền tệ, mất khả năng thanh toán của các ngân hàng thương mại. Che ngân hàng thương mại sử dụng các nguồn vốn này phải đáp ứng các điều kiện về giới hạn của nguồn vốn, quy định về hạn mức cấp tín dụng cho một khách hàng, tổng mức đầu tư vào một công ty, và tỷ lệ phần trăm nhất định so với vốn điều lệ của công ty nhận góp vốn[10].

Thứ ba, lĩnh vực đầu tư vốn của ngân hàng thương mại bị hạn chế. Ngân hàng thương mại được đầu tư vốn vào rất nhiều lĩnh vực như: chứng khoán, bảo hiểm, ngoại tệ, kinh doanh vàng... Tuy nhiên, khi ngân hàng thương mại muốn bỏ vốn đầu tư vào các ngành, nghề này đều phải chịu sự chi phối, điều chỉnh của pháp luật, có những lĩnh vực đầu tư đòi hỏi cần phải có ý kiến chấp thuận của phía Ngân hàng Nhà nước thì ngân hàng thương mại mới được tiến hành hoạt động đầu tư.

Trong khi đó, đối với các ngành, nghề, lĩnh vực được kinh doanh của doanh nghiệp thì không bị khống chế phạm vi và giới hạn đầu tư. Theo các khoản 1, 2, 3 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã thể hiện rất rõ quyền của doanh nghiệp: tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm, tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghế, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô, lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn. Đồng thời, theo khoản 1 Điều 5 Luật Đầu tư năm 2020, sửa đổi, bổ sung năm 2022 (Luật Đầu tư năm 2020) cũng khẳng định: Nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật Đầu tư năm 2020 không cấm. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đây là cơ sở rất quan trọng để các doanh nghiệp lựa chọn ngành, nghề kinh doanh phù hợp mà pháp luật không cấm. Do đó, các ngành, nghề về cơ bản được chia thành ba nhóm: ngành, nghề kinh doanh bị cấm; ngành nghề có điều kiện và ngành nghề được tự do kinh doanh. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội từng thời điểm mà Luật quy định cụ thể các lĩnh vực bị cấm và khuyến khích kinh doanh.

"Hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng có đối tượng là những tài sản, tài chính, tiền tệ (nguồn vốn, giấy tờ có giá, ngoại tệ vàng) và cung cấp trong dịch vụ lĩnh vực tài chính, tiền tệ. Chính sự khác biệt về đối tượng kinh doanh nên lĩnh vực hoạt động ngân hàng luôn hàm chứa nhiều rủi ro"[11]. Đây là đặc điểm cơ bản nhất để phân biệt lĩnh vực kinh doanh của ngân hàng thương mại với các lĩnh vực kinh doanh khác của doanh nghiệp. Nếu như hoạt động đầu tư vốn của các doanh nghiệp nói chung có thể trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: bất động sản, nông nghiệp, thủy sản,... thì các ngân hàng thương mại thực hiện các hoạt động đầu tư vốn vào các lĩnh vực đó rất hạn chế và có những quy định riêng biệt. Hoạt động của ngân hàng thương mại vào các lĩnh vực truyền thống của ngân hàng thương mại được pháp luật kiểm soát rất chặt chẽ, nên việc ngân hàng thương mại mở rộng các ngành, nghề kinh doanh đòi hỏi phải bảo đảm về điều kiện rất khắt khe.

Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích việc các ngân hàng thương mại đầu tư vốn vào các ngành, nghề không phải là thế mạnh và lĩnh vực truyền thống của ngân hàng thương mại. Vì việc đầu tư dàn trải trên nhiều lĩnh vực có thể làm cho ngân hàng thương mại không có khả năng quản lý các danh mục đầu tư, đầu tư không hiệu quả dẫn đến việc kinh doanh thua lỗ của ngân hàng thương mại sẽ ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Với xu thế hiện nay, nếu các ngân hàng thương mại chỉ đơn thuần hoạt động về tín dụng thì sẽ không có khả năng cạnh tranh với các ngân hàng thương mại và quỹ đầu tư khác. Do đó, một số ngân hàng thương mại có tiềm lực tài chính, đủ điều kiện được kinh doanh thêm các ngành nghề vẫn được phép hoạt động đầu tư vốn. Nhưng hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại chịu sự chi phối rất lớn bởi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Khi các ngân hàng thương mại đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau thì tùy trường hợp luật bắt buộc ngân hàng thương mại phải thành lập công ty con, hay công ty liên kết, đây là điều khác biệt đối với các doanh nghiệp thông thường. Các doanh nghiệp khi có điều kiện và nhu cầu muốn kinh doanh thêm các ngành, nghề khác chỉ “phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh", để được bổ sung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp mà không phải đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới. Chẳng hạn, khi ngân hàng thương mại muốn đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán thì phải thành lập công ty con dưới dạng một tư cách pháp nhân khác, mục đích của việc này là để dễ dàng kiểm soát hoạt động, vì ngân hàng thương mại chịu sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước còn công ty chứng khoán chịu sự kiểm soát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Điều này nhằm giúp tách bạch các hoạt động và đồng thời bảo đảm quản lý tốt rủi ro. Ngân hàng thương mại là tổ chức nhận tiền gửi nên có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tài chính, khi các ngân hàng thương mại đổ vốn đầu tư vào các công cụ tài chính đem lại lợi nhuận cao thì đồng thời cũng mang lại rủi ro cao. Đây cũng là lý do vì sao ngân hàng thương mại có thể đầu tư vốn nhưng phải chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật.

Ngoài ra, do vai trò và chức năng của ngân hàng thương mại nên không được trực tiếp đầu tư kinh doanh bất động sản theo Điều 132 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.

Thứ tư, giới hạn đầu tư của ngân hàng thương mại. Khi tiến hành đầu tư vốn, tùy theo hoạt động đầu tư, ngân hàng thương mại phải tuân thủ các quy định về hạn mức đầu tư vốn khác nhau theo quy định của pháp luật. Ngân hàng thương mại phải tuân thủ nghiêm các giới hạn về đầu tư, ngân hàng thương mại không thể bỏ vốn ra để mua 100% vốn của một doanh nghiệp khác, mà phải xét đến lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó sẽ có tổng mức vốn được mua và hạn mức vốn doanh nghiệp được nhận. Hay việc mua trái phiếu Chính phủ, ngân hàng thương mại không được sử dụng hết vốn ngắn hạn để thực hiện đầu tư trái phiếu, ngân hàng thương mại chỉ được đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp trong một giới hạn do luật quy định[12].

Ngân hàng thương mại không được phép sử dụng hết nguồn vốn để đầu tư vào một hình thức nhất định, mỗi hình thức, ngành, nghề luật đều có hạn mức vốn đối với hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại. Chẳng hạn, theo khoản 2 Điều 129 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Thông tư số 22/2019/TT-NHNN thì tổng số vốn dùng để đầu tư vào góp vốn mua cổ phẩn không vượt quá 40% vốn điều lệ và các nguồn quỹ dự trữ. Trong đó, đối với trường hợp góp vốn, mua cổ phần vào “một doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực quy định tại khoản 4 Điều 103 Luật Các tổ chức tín dụng không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp” và khoản 5 Điều 129 Luật Các tổ chức tín dụng, hạn chế sở hữu chứng khoán của các tổ chức tín dụng khác theo quy định tại Điều 129 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.

Trong khi đó đối với doanh nghiệp thì không có hạn mức về vấn đề đầu tư của mình, nếu có cũng chỉ là hạn mức do chính doanh nghiệp đặt ra cho mình. Về nguyên tắc doanh nghiệp có thể sử dụng 100% vốn của mình để thực hiện các hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp cũng có thể huy động vốn từ nhiều kênh khác nhau để đầu tư kinh doanh, nguồn vốn đó có thể là vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Việc quy định về tỷ lệ đầu tư vốn nhất định đối với từng hình thức, ngành, nghề khác nhau cũng giúp chính các ngân hàng thương mại phân tán được các rủi ro hoạt động đầu tư.

3. Phân loại hoạt động đầu tư vốn của ngân hàng thương mại

Thứ nhất, căn cứ thời hạn đầu tư. Căn cứ vào thời hạn đầu tư là tiêu chí phân loại các khoản đầu tư được các ngân hàng thương mại sử dụng trong báo cáo tài chính nhằm phân định và đánh giá nguồn vốn đầu tư của ngân hàng thương mại và tóm tắt các chính sách kế toán chủ yếu, đồng thời là cơ sở để đặt ra các quy định quản lý nguồn vốn của ngân hàng. Theo tiêu chí này, hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại được xác định bao gồm:

Một là, hoạt động đầu tư trung và dài hạn. Bao gồm các hoạt động đầu tư do các ngân hàng thực hiện với thời hạn xác định từ 12 tháng (thời hạn đầu tư từ trên 12 tháng đến 60 tháng được xác định là đầu tư trung hạn và trên 60 tháng là đầu tư dài hạn). Do tính chất đặc biệt của chủ thể thực hiện hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại, việc xếp loại các khoản mục đầu tư có tính chất trung và dài hạn có ý nghĩa lớn trong quản lý nguồn vốn. Quy định về kế toán tài chính và biện pháp bảo đảm an toàn đặt ra yêu cầu đối với các ngân hàng thương mại nói riêng và tổ chức tín dụng nói chung phải thực hiện dự phòng giảm giá đầu tư đối với các khoản đầu tư dài hạn này. Khoản dự phòng giảm giá đầu tư tài chính được dùng để bù đắp số tổn thất của các khoản đầu tư dài hạn thực tế xảy ra do các nguyên nhân như bên đầu tư bị phá sản, thiên tai dẫn đến khoản đầu tư không có khả năng thu hồi hoặc thu hồi thấp hơn giá gốc của khoản đầu tư.

Các hoạt động đầu tư trung và dài hạn có thể được phân thành hai loại:

(i) Hoạt động đầu tư thành lập các công ty có liên hệ về vốn (Affiliates): Thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong luật các quốc gia liên quan đến thành lập các công ty là "Affiliates". "Affiliates” được định nghĩa theo Từ điển Cambridge là một tổ chức có mối liên hệ hoặc bị kiểm soát bởi một tổ chức có quy mô lớn hơn[13]. Đạo luật Ngân hàng Canada có định nghĩa "Affiliates" là tổ chức có mối quan hệ mang tính chất kiểm soát bởi một tổ chức khác hoặc cả hai bị kiểm soát bởi cùng một tổ chức hoặc pháp nhân[14].

Hiện nay, việc thành lập công ty trực thuộc, công ty liên doanh là hình thức đầu tư phổ biến của các ngân hàng thực hiện. Hình thức đầu tư này đặc biệt có vai trò quan trọng hơn tại các quốc gia theo mô hình ngân hàng đa năng bán phần như Việt Nam, Nhật Bản. Theo mô hình này, các ngân hàng thương mại khi muốn thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh vào một số hoạt động tài chính khác như bảo hiểm, chứng khoán bắt buộc phải thành lập các công ty trực thuộc.

Tại Việt Nam, hoạt động thành lập các công ty có mỗi liên hệ về vốn được chia thành ba trường hợp: thành lập công ty con, công ty liên kết và công ty liên doanh.

Theo quan niệm phổ biến, đầu tư vào công ty con là khi nhà đầu tư nắm giữ trên 50% vốn chủ sở hữu hoặc vốn cổ phần biểu quyết và có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động của doanh nghiệp nhằm thu được lợi ích kinh tế từ các hoạt động của doanh nghiệp đó.

Đầu tư vào công ty liên kết là hoạt động đầu tư mà ngân hàng đầu tư và nắm giữ một tỷ lệ nhất định vốn điều lệ hoặc có phân biểu quyết nhất định nhưng không đến mức chi phối[15]. Tại Việt Nam, tỷ lệ này hiện nay được quy định là trên 11%.

Cuối cùng, đầu tư vào công ty liên doanh là việc ngân hàng thực hiện góp vốn, thành lập doanh nghiệp trên cơ sở hợp đồng liên doanh giữa ngân hàng và các bên, theo đó ngân hàng và các bên góp vốn sẽ có vai trò đồng sở hữu, kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp được thành lập.

Hoạt động góp vốn, đầu tư dài hạn khác: Hoạt động góp vốn, đầu tư dài hạn khác của ngân hàng được xác định gồm các khoản đầu tư dài hạn khác bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ không bao gồm các khoản đầu tư vào công ty con, vốn góp vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát, đầu tư vào công ty liên kết. Khoản đầu tư này được xác định trong kế toán gồm các khoản đầu tư chúng khoản vốn (chưa niêm yết) và các khoản góp vốn theo hợp đồng và không niêm yết trên thị trường.

Hai là, hoạt động đầu tư ngắn hạn bao gồm hoạt động đầu tư vào các chứng khoán nợ hoặc chứng khoán vẫn trong thời hạn dưới 01 năm nhằm mục tiêu kinh doanh. Các khoản mục đầu tư này thường là đầu tư thương mại, đầu tư trên thị trường tiền tệ, thị trường liên ngân hàng, mua tín phiếu kho bạc. Đầu tư ngắn hạn có ưu điểm là thu hồi vốn nhanh, tốc độ quay vòng vốn lớn, mức độ rủi ro nhìn chung thấp hơn so với các khoản đầu tư dài hạn hoặc không xác định thời hạn.

Ba là, hoạt động đầu tư không xác định thời hạn: Chủ yếu là các khoản đầu tư vào các loại giấy tờ có giá, trong đó phân định thành hai dạng: sẵn sàng để bán và đến ngày đáo hạn. Các khoản mục đầu tư này không xác định thời hạn, việc nắm giữ các giấy tờ có giá phụ thuộc vào nhu cầu vốn và kế hoạch kinh doanh của ngân hàng.

Thứ hai, căn cứ theo phương thức thực hiện hoạt động đầu tư. Hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại nếu xét trên phương thức thực hiện bao gồm các nhóm hoạt động như: hoạt động góp vốn, mua cổ phần; hoạt động đầu tư chứng khoán; hoạt động ủy thác đầu tư. Do tính chất đặc thù của chủ thể thực hiện hoạt động đầu tư - ngân hàng thương mại, mỗi phương thức ngân hàng thương mại thực hiện đầu tư, sử dụng vốn đều có đặc trưng và độ rủi ro khác nhau. Do đó, việc xác định và phân loại cụ thể các phương thức thực hiện hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại tạo cơ sở xây dựng cơ chế điều chỉnh phù hợp với mỗi nhóm hoạt động đầu tư, bảo đảm hiệu quả quản lý, giảm thiểu rủi ro hoạt động và hệ thống.

Một là, hoạt động góp vốn, mua cổ phần.

Hoạt động góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại là hoạt động đầu tư có tính chất dài hạn, theo đó ngân hàng thương mại thực hiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế. Hệ quả pháp lý của hoạt động góp vốn, mua cổ phẩn là hình thành các công ty có liên hệ về vốn (Affiliates) với ngân hàng, có thể là công ty con, công ty liên kết hoặc ngân hàng thương mại trở thành cổ đông của tổ chức kinh tế do nắm giữ cổ phần. Đây là nhóm hoạt động chịu sự giới hạn lớn từ nguồn vốn đầu tư, lĩnh vực đầu tư, quan hệ vốn giữa công ty tiếp nhận vốn và ngân hàng mẹ[16].

Hai là, hoạt động đầu tư chứng khoán.

Trước hết, về phạm vi sự tham gia của ngân hàng thương mại vào hoạt động chứng khoán trên thế giới, xét trong quan điểm hoạt động chứng khoán nói chung. sự tham gia của ngân hàng thương mại vào hoạt động này trên thế giới được xác lập qua hai mô hình, cụ thể:

- Mô hình ngân hàng đa năng hoàn toàn: Với mô hình ngân hàng đa năng hoàn toàn không có sự tách bạch giữa hoạt động ngân hàng và chứng khoán. Ngân hàng thương mại vừa hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ vừa tham gia trong lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm. Mô hình này được áp dụng ở các nước Bắc Âu, Hà Lan, Thuỵ Sĩ, Áo, tại châu Á có Ấn Độ, Philíppin[17].

- Mô hình đa năng một phần: Pháp luật một số quốc gia như Anh, Ôxtrâylia, Canada hay Nhật Bản và Việt Nam quy định các ngân hàng bắt buộc phải thành lập công ty con là công ty chứng khoán, hoạt động độc lập để thực hiện các hoạt động kinh doanh chứng khoán. Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại đa dạng hóa hoạt động, các ngân hàng thương mại cũng có thể thực hiện một số giao dịch chứng khoán trực tiếp một cách hạn chế[18].

Về phạm vi hoạt động chứng khoán của ngân hàng, các nghiên cứu hiện nay trên thế giới và pháp luật ngân hàng thường tiếp cận trên phạm vi tương đối rộng. Tại Hoa Kỳ, Đạo luật Glass-Steagall năm 1933 khi đặt ra các quy định hạn chế hoạt động chứng khoán của ngân hàng cũng đề cập các hoạt động chứng khoán ngân hàng tham gia, bao gồm “phát hành, bảo lãnh, mua bán hoặc phân phối cổ phiếu, trái phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và các loại chứng khoán khác"[19]. Pháp luật ngân hàng Nhật Bản ghi nhận một số hoạt động kinh doanh chứng khoán các ngân hàng được thực hiện bao gồm tự doanh, bảo lãnh phát hành[20]. Tác giả Arnold W.Sametx trong cuốn sách “Hoạt động chứng khoán của ngân hàng thương mại" (Securities Acivities of Commercial Banks) cũng đề cập các hoạt động chứng khoán chủ yếu của ngân hàng thương mại bao gồm phát hành, tự doanh, bảo lãnh, môi giới chứng khoán. Các nghiên cứu và tiếp cận này thường đề cập và liên hệ đến mô hình ngân hàng đầu tư với hoạt động chứng khoán làm nòng cốt, trong đó, nhiều hoạt động mang tính chất phục vụ khách hàng nhằm thu phí dịch vụ không thể hiện rõ “tính chất đầu tư của hoạt động[21].

Ba là, hoạt động ủy thác đầu tư. Ủy thác đầu tư được hiểu là việc ngân hàng thương mại giao vốn bằng tiền cho bên thứ ba thực hiện một số hoạt động đầu tư. Ngân hàng thương mại chịu mọi rủi ro đối với hoạt động ủy thác do mình thực hiện[22].

Với vai trò và tính chất nguồn vốn kinh doanh đặc biệt, ngân hàng thương mại khi thực hiện ủy thác nguồn vốn cho chủ thể khác chịu sự quản lý chặt chẽ. Tại nhiều quốc gia, đạo luật chuyên ngành điều chỉnh cụ thể đối với hoạt động ủy thác nói chung và ủy thác được thực hiện bởi các ngân hàng. Sự điều chỉnh này là hết sức cần thiết nhằm quản lý nguồn vốn đầu tư hiệu quả, hạn chế các hành vi lợi dụng ủy thác nhằm tránh các quy định bảo đảm an toàn trong tín dụng đầu tư hoặc trung chuyển vốn thiếu kiểm soát[23].

Ngoài tiêu chí và cách phân loại như trên, hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại có thể được phân loại thành đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp (căn cứ theo quan hệ quản lý). Đầu tư trực tiếp: ngân hàng thương mại thực hiện nắm quyền quản trị kinh doanh, người đầu tư vốn, đồng thời quyết định sử dụng vốn. Đầu tư gián tiếp: là hình thức đầu tư ngân hàng thương mại không trực tiếp tham gia quản lý, điều hành quá trình thực hiện và sử dụng các nguồn lực đầu tư. Phân loại dựa vào quan hệ quản lý có ý nghĩa trong xác định mối quan hệ của ngân hàng với đối tượng tiếp nhận vốn. Xét từ phía cơ quan quản lý, đây là cơ sở xác định cơ chế quản lý nguồn vốn, quản lý hoạt động phù hợp nhằm giảm rủi ro cho hoạt động ngân hàng, đồng thời xác lập các quy định nhằm quản lý hoạt động đầu tư của ngân hàng theo định hướng đề ra.

4. Vai trò của hoạt động đầu tư vốn của ngân hàng thương mại

Thứ nhất, việc đầu tư giúp các ngân hàng thương mại đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh. Ngoài các hoạt động truyền thống là nhận tiền gửi, cấp tín dụng và cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản, ngân hàng thương mại sẽ thực hiện thêm các hoạt động kinh doanh khác. Theo quy định của pháp luật hiện hành, có những hoạt động ngân hàng thương mại có thể trực tiếp kinh doanh nhưng cũng có những hoạt động nếu ngân hàng thương mại muốn tiến hành kinh doanh thì bắt buộc phải thông qua các công ty con, công ty liên kết, điều này giúp các ngân hàng thương mại mở rộng hơn các mảng kinh doanh của mình. Có một số lĩnh vực như: kinh doanh vàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, tư vấn tài chính, môi giới tiền tệ thì các ngân hàng thương mại thực hiện các hoạt động kinh doanh khác thông qua hệ thống các công ty con, công ty liên kết. Việc mở rộng hoạt động kinh doanh giúp các ngân hàng thương mại có thể phát huy lợi thế của mình.

Khi các ngân hàng thương mại thành lập thêm các công ty hoạt động trên lĩnh vực chứng khoán thì các công ty này sẽ phát huy tốt được lợi thế của mình như kinh nghiệm trong công tác quản lý, hỗ trợ nhà đầu tư, cấp tín dụng cho nhà đầu tư; đây là những lợi thế mà các công ty chứng khoán khác không thuộc các ngân hàng thương mại có được.

Thứ hai, việc đầu tư còn giúp các ngân hàng thương mại sử dụng nguồn vốn huy động được một cách hiệu quả. Các ngân hàng thương mại có thể thông qua việc góp vốn mua cổ phẩn và đầu tư chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ để giải ngân nguồn vốn, đầu tư trong nhiều lĩnh vực khác nhau để tìm kiếm lợi nhuận. Trong tình hình tín dụng tăng trưởng thấp, ngân hàng thương mại có thể sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để mua trái phiếu Chính phủ. Ngân hàng thương mại có được lợi nhuận từ hoạt động đầu tư vốn sẽ góp phần bổ sung nguồn vốn để ngân hàng thương mại thực hiện các nghiệp vụ truyền thống của ngân hàng[24].

Thứ ba, việc đầu tư thành lập các công ty con, công ty liên kết cũng góp phần giúp các ngân hàng thương mại tăng khả năng huy động vốn và khả năng chống chịu các rủi ro trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại. Thông qua nguồn vốn được huy động từ các công ty con, công ty liên kết, các ngân hàng thương mại có thể bảo đảm thanh khoản hoặc cho vay khi việc huy động vốn của ngân hàng thương mại gặp khó khăn.

Thứ tư, từ việc đầu tư cũng giúp các ngân hàng thương mại sử dụng có hiệu quả các nguồn lực vốn có (như là vốn, cơ sở vật chất - kỹ thuật, nhân lực) để phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh. Đồng thời, khi thành lập các công ty con, công ty liên kết để kinh doanh trong các lĩnh vực cụ thể cũng giúp cho việc kinh doanh đạt hiệu quả hơn so với việc ngân hàng thương mại phải trực tiếp quản lý và tiến hành nhiều hoạt động kinh doanh cùng lúc.

 


[1] Xem Bryan A. Garner: Black's Law Dictionary, Publisher by Thomson Reuters; 11th edition (June 10, 2019).

[2] Xem Thomas M. Hoenig và Charless S. Morris: Restructuring the banking system to improve safety and soundness, 2012.

[3] Xem Mạc Quang Huy: Cẩm nang ngân hàng đầu tư, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2009

[4] Lê Thị Hương: Nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư của các ngân hàng thương mại Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2003.

[5] . Ngô Thị Liên Hương: Đa dạng hóa dịch vụ tại ngân hàng thương mại Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2011.

[6] Xem Hoàng Ngọc Hải: Năng lực của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong thực hiện cam kết gia nhập WTO, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2012.

[7] Xem Đinh Thị Thùy Nga: Pháp luật về các biện pháp hạn chế rủi ro trong hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010.

[8] Khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020, sửa đổi, bổ sung năm 2022 (Luật Doanh nghiệp năm 2020): Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bản hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.

[9] Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 86/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

[10] Xem Nguyễn Ngọc Lương: Pháp luật điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2017, tr.25.

[11] Lê Thị Thu Thủy: Giáo trình Luật Ngân hàng Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2005, tr.27.

[12] Xem Trịnh Thị Bích Diệp: Pháp luật về giới hạn cấp tín dụng để bảo đảm an toàn hoạt động của Ngân hàng Thương mại cổ phần tại Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2016, tr.35.

[13] https://dictionary.cambridge.org/vil.

[14] Xem Blair W. Keefe & Stephane J. Fournier. Canada Adopts Major Revisions to Its Financial Institution Legislation, 8 LAW & BUS. REV. AM. 237 (2002). 3. Xem Nguyễn Thị Dung: Luật Kinh tế, Nxb. Lao động. Hà Nội, 2017, tr.47.

[15] Xem Đào Thị Thu Hằng Pháp luật về chủ thể kinh doanh, Mah. Đại lục Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr.26.

[16] Xem Doãn Hồng Nhung, Nguyễn Thị Lan Anh: Pháp luật về góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2012, tr.32.

[17] Xem Nguyễn Kiên Bích Tuyền: “Pháp luật về hoạt động sử dụng vốn của ngân hàng thương mại Việt Nam thông qua hoạt động đầu tư, Tạp chí Tòa án, số 17/2017.

[18] Xem Nguyễn Kiên Bích Tuyền: “Pháp luật về hoạt động sử dụng vốn của ngân hàng thương mại Việt Nam thông qua hoạt động đầu tư", Tldd.

[19] Đạo luật Glass-Steagall 1933 phần 16; Arnold WSametz (1981), Securities Activities of Commercial Banks.

[20] Luật Ngân hàng Nhật Bản (Banking Act 1981), Điều 10.2.; https://www.fsa.go.jp/en/news/2008/20080627-4/01.pdf.

[21] Xem Arnold W. Sametz, Michael Keenan, Ernest Bloch, and Lawrence Goldberg: Securities Activities of Commercial Banks: An Evaluation of Current Developments and Regulatory Issues, 2 U. Pa. J. Int'l L. 155.

[22] Xem Trịnh Hải Yến: Giáo trình Luật đầu tư quốc tế, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr.16.

[23] Xem Trịnh Thế Cường: "Huy động vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam", Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2018, tr.43.

[24] Xem Nguyễn Kiên Bích Tuyền: Pháp luật về hoạt động sử dụng vốn của ngân hàng thương mại Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr.35.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành