Thứ năm, 13 Tháng 6 2024 03:12

Bài học kinh nghiệm về mở cửa dọc theo ven biển biên giới của Trung Quốc

Nhìn lại chặng đường cải cách mở cửa của Trung Quốc trong gần 40 năm qua, sự hình thành và phát triển của các đặc khu kinh tế không chỉ là nhu cầu về địa - chính trị mà còn thể hiện chiến lược phát triển kinh tế vùng của Trung Quốc. Với việc thực hiện tiệm tiến quá trình mở cửa đối ngoại của xã hội Trung Quốc với các hình thức như thành lập đặc khu kinh tế, mở cửa dọc theo ven biển, dọc theo ven sông và mở cửa dọc theo biên giới, bản đồ mới về phát triển kinh tế khu vực của Trung Quốc ngày càng được định hình rõ ràng hơn, cục diện mở cửa toàn diện, rộng khắp, đa tầng nấc cũng từng bước được hình thành theo chiến lược từ mở cửa dọc theo ven biển đến mở cửa dọc theo biên giới, đồng thời cũng đem đến bản đồ mới về sự phát triển kinh tế khu vực của xã hội Trung Quốc và cục diện hoàn toàn mới của toàn bộ nền kinh tế nước này.

1. Quá trình mở cửa dọc theo ven biển biên giới

Nhìn từ lịch sử cải cách mở cửa của Trung Quốc, quá trình mở cửa của Trung Quốc bắt đầu từ 4 đặc khu. Theo suy nghĩ lúc bấy giờ, trong quá trình mở cửa tương lai của Trung Quốc, sẽ có 3 khu vực hỗ trợ kinh tế chính là đồng bằng sông Trường Giang, đồng bằng sông Châu Giang và vành đai Bột Hải. Thực tế đã chứng minh rằng quyết định thành lập các đặc khu kinh tế là sáng suốt và đúng đắn, không chỉ thúc đẩy sự hình thành phổ quát hệ thống kinh tế thị trường, mang lại sự phát triển và thịnh vượng cho một thành phố hay một vùng, mà còn hình thành nên sự bất cân bằng hiệu quả giữa các vùng theo định hướng của chiến lược phát triển không cân bằng, tức là chủ động mở rộng sự khác biệt về chính sách giữa các vùng để hình thành lợi ích tiềm năng của các vùng đặc biệt, thu hút hiệu quả vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý cho các vùng tăng trưởng kinh tế cao được xây dựng bằng các chính sách đặc biệt, nâng cao mức độ phồn thịnh và mức độ hiệu quả của kinh tế khu vực đó, hình thành sự mất cân bằng và sự khác biệt về hiệu quả rõ rệt giữa các vùng, sau đó chuyển ngược sự chênh lệch về hiệu quả này vào trong nội địa, từ đó thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế - xã hội[1]. Có thể nói, đây chính là ý định ban đầu khi thành lập đặc khu kinh tế, đồng thời cũng là chức năng quan trọng của đặc khu kinh tế.

Với sự phát triển của các đặc khu kinh tế, quá trình cải cách đồng bộ, tổng hợp ở các thành phố của Trung Quốc cũng bắt đầu lẳng lặng cất bước. Vòng đầu tiên thí điểm cải cách đồng bộ, tổng hợp thành phố bắt đầu vào năm 1981 khi Quốc vụ viện phê duyệt thành phố Sa Thị, tỉnh Hồ Bắc là thành phố thí điểm, và kéo dài đến hết thập niên 1980. Đến năm 1987, sau khi được Quốc vụ viện trực tiếp xác nhận trong một đợt duy nhất, đã có 72 thành phố thí điểm được các tỉnh và khu tự trị phê duyệt. Trong thời kỳ này, mặc dù đã xác định được những mục tiêu lớn của cải cách mở cửa, nhưng mục tiêu cải cách xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa vẫn chưa được đặt ra rõ ràng, vì vậy nhiệm vụ chính của cải cách là phá bỏ hệ thống cũ và chuẩn bị cho những đổi mới.

Vòng thứ hai thí điểm cải cách đồng bộ, tổng hợp thành phố bắt đầu với việc Ủy ban Cải cách Kinh tế nhà nước phê chuẩn Thường Châu là thành phố thí điểm thực hiện vòng cải cách đồng bộ, tổng hợp mới vào năm 1992, và thực hiện trong suốt những năm 1990. Đến năm 1998, số thành phố thí điểm tổng hợp toàn Trung Quốc là 55 thành phố. Trong thời kỳ này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra rõ ràng mục tiêu cải cách là xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, các thành phố thí điểm lấy việc chuyển đổi thể chế kinh tế vi mô làm trung tâm, đã giành được nhiều thành tựu tương đối lớn trong cải cách doanh nghiệp, phát triển hệ thống thị trường, chuyển đổi chức năng chính phủ, xây dựng hệ thống an sinh xã hội theo mô hình mới, thể hiện tương đối tốt vai trò làm mẫu, thúc đẩy quá trình đổi mới của khu vực và đất nước.

Vòng thí điểm cải cách đồng bộ, tổng hợp thành phố lần thứ ba bắt đầu vào tháng 6/2005 khi Quốc vụ viện phê duyệt khu mới Phố Đông (Thượng Hải) là khu thí điểm cải cách đồng bộ, tổng hợp cấp quốc gia. Trong giai đoạn này, Trung ương tập trung vào những vấn đề nổi cộm như chạy theo tốc độ tăng trưởng một chiều, phương thức tăng trưởng thô và mâu thuẫn trong đời sống xã hội dân sinh, đề xuất tư duy chiến lược phát triển khoa học và xây dựng xã hội hài hòa. Nhiệm vụ chính của đợt thí điểm này là hai chủ đề phát triển khoa học và xã hội hài hòa[2].

Từ thí điểm cải cách đồng bộ, tổng hợp thành phố đến thí điểm cải cách đồng bộ, tổng hợp quốc gia, rồi đến các khu thí điểm cải cách đồng bộ, tổng hợp quốc gia, không chỉ đánh dấu sự hình thành của nền tảng hệ thống kinh tế thị trường, mà còn thể hiện mức độ sâu rộng của cải cách và đánh dấu sự hình thành của ý tưởng lớn về phát triển toàn diện, hài hòa. Do đó, kể từ năm 2005, khu vực thí điểm cải cách đồng bộ, tổng hợp quốc gia với vai trò là vòng thứ ba của thí điểm cải cách đồng bộ, tổng hợp về thành phố đã có sự thay đổi thực chất trong nội hàm về mặt thời gian và lôgích. Nếu các thí điểm cải cách đồng bộ, tổng hợp thành phố trước đó vẫn lấy việc công kích các trói buộc của thể chế truyền thống, xây dựng thể chế kinh tế thị trường và thúc đẩy xây dựng nền kinh tế thị trường trên cả nước làm mục tiêu thì khu thí điểm cải cách đồng bộ, tổng hợp quốc gia càng tập trung vào mục tiêu đổi mới thể chế nhiều hơn. Tức là gắn kết việc giải quyết những vấn đề phát triển thực tế tồn tại trong khu vực với những vấn đề khó tồn tại trong thực tế quá trình cải cách mở cửa của Trung Quốc, dựa vào lợi thế khu vực để bứt phá “nút thắt" cải cách và phát triển, tìm ra mô hình hoặc đường lối có thể mở rộng ra cả nước nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, ứng phó với thách thức của nền kinh tế toàn cầu, thực hiện phát triển khoa học.

Sau thí điểm cải cách đồng bộ, tổng hợp thành phố, khu thủ nghiệm cải cách đồng bộ, tổng hợp quốc gia của Trung Quốc, Quốc vụ viện đã liên tiếp phê duyệt một loạt quy hoạch khu vực cấp quốc gia kể từ năm 2009. Có thể nói, các quy hoạch chấn hưng vùng cấp quốc gia liên tiếp được ban hành đã bao trùm hầu hết các vùng kinh tế trong cả nước Trung Quốc. Đến nay, bố cục phát triển khu vực tổng thể của vùng từ đặc khu kinh tế, mở cửa vùng ven biển, mở cửa ven sông đến mở cửa dọc biên giới cũng đã được thể hiện đầy đủ.

2. Đặc điểm của khu thí điểm cải cách đồng bộ, tổng hợp

Cốt lõi của khu vực thí điểm cải cách đồng bộ, tổng hợp nằm ở “đồng bộ, tổng hợp", mục đích của nó là thay đổi quan điểm phát triển một chiều vốn chỉ đơn giản nhấn mạnh đến tăng trưởng kinh tế đã hình thành trong nhiều năm. Cần đẩy mạnh cải cách trên nhiều phương diện, lĩnh vực như phát triển kinh tế, xây dựng xã hội, quan hệ thành thị - nông thôn, khai thác, phát triển đất đai, bảo vệ môi trường và phúc lợi xã hội, hình thành thể chế quản lý và cơ chế điều hành thúc đẩy và hỗ trợ lẫn nhau, thực sự làm được để một bộ phận người, bộ phận khu vực, vùng miền giàu lên trước, để cùng đi tới sự thịnh vượng chung và phát triển khoa học. Vì thế, với vai trò là một sự sắp xếp chế độ đi sâu cải cách theo chiều dọc xã hội Trung Quốc, khu thí điểm cải cách đồng bộ, tổng hợp quốc gia của Trung Quốc thể hiện rõ bốn đặc điểm sau[3]:

Thứ nhất, do sự hình thành phổ biến của hệ thống kinh tế thị trường và tích lũy thành tựu vật chất và tinh thần của công cuộc cải cách mở cửa, chủ đề của khu thí điểm cải cách đồng bộ, tổng hợp quốc gia vẫn là sứ mệnh và nhiệm vụ của khu thí điểm đều trở nên rõ ràng hơn. Ví dụ, khu tập trung đô thị Vũ Hán và cụm thành phố Trường Sa - Chu Châu - Tương Đàm có sứ mệnh là khu thí điểm cải cách trong việc xây dựng một xã hội tiết kiệm tài nguyên và thân thiện với môi trường của đất nước, tìm tòi và đổi mới các thể chế, cơ chế có lợi cho việc tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường sinh thái.

Thứ hai, kinh nghiệm thành công và bài học sâu sắc của đặc khu cũ, đặc biệt là Đặc khu kinh tế Thâm Quyến, đều đã giúp giảm chi phí thử nghiệm và sai sót trong cải cách mở cửa của Trung Quốc. Do đó, khu thí điểm cải cách đồng bộ, tổng hợp quốc gia là có thể và có điều kiện để thay đổi từ một bước đột phá trong cải cách ban đầu của một thành phố sang chú trọng hơn vào việc thúc đẩy phát triển vùng nhịp nhàng, hài hòa. Ví dụ, khu mới Phố Đông (Thượng Hải), Thâm Quyến, khu mới Tân Hải (Thiên Tân) chủ yếu thử nghiệm cải cách tại một thành phố hoặc khu vực đặc biệt, trong khi Vũ Hán là một khu tập trung đô thị với Vũ Hán là trung tâm và ba thành phố khác là Trường Sa, Chu Châu và Tương Đàm, cùng hình thành nên khu vực hình mẫu nhóm thành phố, Thành Đô và Trùng Khánh thực tế là “dải Tứ Xuyên - Trùng Khánh"

Thứ ba, do ý tưởng phát triển nhịp nhàng, hài hòa ngày càng rõ ràng và khoảng cách giữa các vùng từng bước được thu hẹp, nên khu thí điểm cải cách đồng bộ, tổng hợp quốc gia trong việc lựa chọn đã chú trọng hơn đến các điều kiện cơ bản, tức là bắt đầu chuyển từ chỗ chú trọng vị trí của vùng sang cơ sở thí điểm của kinh tế thị trường của vùng. Nếu nói Phố Đông (Thượng Hải), Thâm Quyến và khu mới Tân Hải (Thiên Tân) chủ yếu được hưởng lợi từ lợi thế vị trí, thì khu tập trung đô thị Vũ Hán, cụm thành phố Trường Sa - Chu Châu - Tương Đàm, Thành Đô và Trùng Khánh chủ yếu lại dựa vào nền tảng thí nghiệm của cải cách. Tất nhiên, điều này là tương đối vì cho dù là Phố Đông (Thượng Hải) hay Thâm Quyến, khu Tân Hải (Thiên Tân) đều không chỉ có lợi thế về vị trí, mà còn có nền tảng cải cách vững chắc đã được tích lũy qua nhiều năm.

Thứ tư, do sự thay đổi trong quan niệm và chức năng cầm quyền của chính quyền Trung ương, sự hỗ trợ của nhà nước đối với khu thí điểm cải cách đồng bộ, tổng hợp cũng chuyển từ trao cho chính sách ưu đãi sang trao quyền tự chủ. Ví dụ, trước đây nhà nước chú trọng ưu đãi về tài chính, thuế cho các khu thí điểm cải cách thì nay chú trọng hơn đến việc trao đặc quyền tự chủ cải cách cho các khu vực này, khuyến khích các khu thí điểm mạnh dạn đổi mới, khám phá thực tiễn, phương án thí điểm do từng khu vực tự xây dựng sau đó trình Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia. Điều này giúp các địa phương chủ động tìm tòi con đường phát triển tùy theo tình hình thực tế của mình. Có thể nói, việc trao quyền tự chủ, lựa chọn là tiền đề cơ bản và quan trọng nhất để huy động tâm huyết và sức sáng tạo của các chủ thể kinh tế, trong đó có chính quyền địa phương. Đây là sự điều chỉnh quan niệm chính sách quốc gia và cũng thể hiện sự chuyển đổi và quy phạm chức năng của chính phủ. Về cơ bản, nếu có tự do, sẽ có phát triển. Tự do là điều kiện tiên quyết của phát triển và là nội dung của chính sự phát triển vì thể chế kinh tế tự do là linh hồn của nền kinh tế thị trường.

Công cuộc cải cách tổng hợp quốc gia là sự chuyển đổi từ những nỗ lực tiên phong đi trước, thử nghiệm trước của các thành phố phát triển ven biển sang việc thúc đẩy các đột phá cải cách mang tính toàn Trung Quốc. Ba khu thí điểm cải cách là Thâm Quyến, Phố Đông (Thượng Hải) và khu mới Tân Hải (Thiên Tân) đi trước thử nghiệm đều nằm ở khu vực ven biển miền Đông với sứ mệnh chính là dẫn dắt khu vực ven biển miền Đông Trung Quốc đi trước phát triển. Trong khi đó, việc thành lập các khu thí điểm cải cách đồng bộ và xác định rõ sứ mệnh phát triển của các khu vực ở miền Trung và miền Tây đã chứng tỏ khả năng mà sự hình thành rộng khắp của nền kinh tế thị trường có thể đem lại cho sự phát triển nhịp nhàng, hài hòa và toàn diện của đất nước Trung Quốc, phát triển khoa học vừa là sự phát triển đồng bộ, toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, vừa là sự phát triển toàn diện trên khắp lãnh thổ Trung Quốc. Sự hình thành khu thí điểm tổng hợp quốc gia và mở rộng chiến lược phát triển quốc gia sang miền Trung và miền Tây không chỉ là sự lựa chọn về lý luận mà còn là sự lựa chọn của hiện thực. Không có nền tảng của hiện thực - sự hình thành rộng khắp của nền kinh tế thị trường, thì sự mở rộng chiến lược phát triển sang miền Trung, miền Tây của Trung Quốc không thể thực hiện được.

3. Ý nghĩa của việc mở rộng chiến lược mở cửa của Trung Quốc

Từ mở cửa dọc theo ven biển đến mở cửa dọc theo biên giới là một ý tưởng chiến lược lớn nhằm thiết lập và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trên mảnh đất Trung Quốc; là một biện pháp lớn để xã hội Trung Quốc thực hiện phát triển nhịp nhàng, hài hòa; là sự tích cực tìm kiếm con đường mở cửa toàn diện; là một thực tiễn vĩ đại của phát triển khoa học; là một sự sắp xếp chỉnh thể để thực hiện hiện đại hóa toàn diện. Nó không chỉ hoạch định một kế hoạch tổng thể cho sự phát triển toàn diện của xã hội Trung Quốc từ góc độ chiến lược, mà còn thúc đẩy sự bố trí hợp lý về cơ cấu ngành nghề giữa các khu vực, hình thành và phát huy hiệu quả các lợi thế so sánh bao gồm các yếu tố ưu đãi giữa các khu vực khác nhau; mở rộng sức lan tỏa ra bên ngoài của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, từ đó mở ra thị trường quốc tế rộng lớn hơn; giảm thiểu tác động trực diện của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đối với mô hình tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế có xu hướng xuất khẩu là chủ đạo, tạo dựng sức mạnh phát triển kinh tế nội sinh ổn định, bền vững với không gian ngày càng phát triển; cộng đồng kinh tế được hình thành trong phạm vi toàn Trung Quốc có đặc trưng là giữa các khu vực phối hợp và bổ sung cho nhau, từng bước hướng tới sự phát triển cân bằng và thịnh vượng chung. Do đó, nó sẽ có tác động sâu sắc và lâu dài đến sự phát triển trong tương lai của Trung Quốc, đồng thời cũng có ý nghĩa chiến lược rất sâu rộng và to lớn.

Xét về tính độc đáo của sự phát triển kinh tế và chính trị của các thành phố hoặc vùng khác nhau trong sự phát triển nhịp nhàng, hài hòa của cả nước sẽ được phát huy một cách hiệu quả để tạo thành lợi thế so sánh về vị trí địa lý và yếu tố ưu đãi không chỉ có thể dẫn dắt sự khởi bước và cất cánh của nền kinh tế của một bên mà còn có thể thúc đẩy sự phát triển bền vững của toàn bộ nền kinh tế. Ví dụ: "Ý kiến liên quan đến việc ủng hộ Phúc Kiến đẩy nhanh việc xây dựng Khu kinh tế hai bờ eo biển Đài Loan” tiên phong thử nghiệm trước, thực hiện trước giao lưu nhân dân giữa hai bờ eo biển, định hướng thiết lập một kênh tổng hợp mở cửa đối ngoại mới phục vụ các khu vực xung quanh và xác định mục tiêu xây dựng cơ sở quan trọng của các ngành nghề chế tạo tiên tiến và trung tâm du lịch tự nhiên và văn hóa ở khu vực dọc theo ven biển miền Đông; "Quy hoạch phát triển Vành đai kinh tế ven biển Liêu Ninh" được xác định trở thành khu vực chiến lược khai thác, phát triển, mở cửa kinh tế nội địa Trung Quốc, với mục tiêu xây dựng thành một cơ sở nông nghiệp công nghệ cao hiện đại toàn Trung Quốc và một địa danh lịch sử và văn hóa mang dấu ấn văn minh Hoa Hạ nổi bật; “Quy hoạch kinh tế sinh thái hồ Phàn Dương" với mục tiêu xây dựng thành vùng an ninh sinh thái nước và nền tảng hợp tác kinh tế sinh thái quốc tế ở trung và hạ lưu sông Trường Giang..., chuyển hóa các lợi thế so sánh về vùng và yếu tố ưu đãi thành "lợi thế bẩm sinh" của sự phát triển chung của đất nước trong tổng thể quy hoạch quốc gia.

Xét về lợi thế về nguồn lực chính trị của “thể chế cử quốc" đã thúc đẩy hiệu quả việc điều chỉnh cơ cấu ngành nghề và bố trí ngày càng hợp lý các khu vực ngành nghề. Quy hoạch phát triển kinh tế khu vực là tiêu chí đánh giá sự mở rộng của chiến lược mở cửa, đã giải quyết hoặc đang giải quyết những vấn đề lớn tồn đọng trong lịch sử của nền kinh tế nhị nguyên và sự bất cân bằng trong phát triển kinh tế khu vực. Vì vậy, việc mở rộng chiến lược mở cửa không chỉ tính đến toàn cục mà còn phản ánh đầy đủ các đặc điểm, nhu cầu khác nhau của phát triển ngành nghề giữa các vùng; vừa tránh được xu hướng cục bộ hóa quy hoạch vùng, vừa tránh được những tồn tại, hạn chế của quy hoạch toàn Trung Quốc "một con dao pha", không chỉ phù hợp với tình hình thực tế phát triển kinh tế vùng, mà còn rất thuận lợi cho việc điều chỉnh và chuyển dịch cơ cấu ngành nghề trong phạm vi cả nước, nhất là bố trí hợp lý các vùng miền Đông, miền Trung và miền Tây. Kể từ năm 2008, tốc độ tăng trưởng của các khu vực miền Trung, miền Tây và Đông Bắc Trung Quốc đã vượt qua tốc độ tăng trưởng của khu vực miền Đông, điều này được hưởng lợi rất nhiều từ việc thực hiện và hiệu quả chiến lược mở cửa lớn từ dọc theo ven biển đến dọc theo biên giới.

Xét về sự mở rộng sức lan tỏa ra bên ngoài của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, từ đó đã mở ra thị trường quốc tế rộng lớn hơn; giảm thiểu tác động trực diện của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đối với mô hình tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế có xu hướng xuất khẩu là chủ đạo. Công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc bắt đầu từ khu vực ven biển phía Đông Nam. Châu Âu và Mỹ không chỉ là những khách hàng chính của ngành sản xuất Trung Quốc mà còn là thị trường quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất đối với hoạt động ngoại thương của Trung Quốc. Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu không chỉ khiến Trung Quốc phải thực sự suy nghĩ về những vấn đề và lúng túng mà xã hội gặp phải do phụ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế hướng ngoại, mà còn phải suy nghĩ về tính cấp thiết, tất yếu của việc mở cửa thị trường quốc tế đa phương rộng lớn hơn. “Quy hoạch phát triển khu vực ven biển Giang Tô" với việc xây dựng Đầu cầu lục địa Á - Âu mới là một trong những mục tiêu chính; "Khung quy hoạch phát triển hợp tác khu vực sông Đồ Môn Trung Quốc" để trở thành một cửa ngõ mở quan trọng hướng ra khu vực Đông Bắc Á; việc phê duyệt Đặc khu kinh tế Kashgar Tân Cương "năm cửa ô liên thông tám nước, một tuyến đường kết nối Á - Âu" thể hiện chiến lược mở rộng mở cửa, đồng thời góp phần phát triển nền kinh tế - xã hội của Trung Quốc, đặc biệt là cải thiện và hợp lý hóa cơ cấu ngành nghề; giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan về phát triển nảy sinh sau khi không còn lợi thế giá nhân công thấp, tạo ra hiệu ứng đôi bên cùng có lợi tương tự như trong giai đoạn đầu của quá trình cải cách mở của xã hội của Trung Quốc, tiếp tục đổi mới cơ cấu ngành nghề của bốn con rồng châu Á.

Xét về sự tạo dựng sức mạnh phát triển kinh tế nội sinh ổn định, bền vững với không gian ngày càng phát triển; cộng đồng kinh tế được hình thành trong phạm vi toàn Trung Quốc có đặc trưng là giữa các khu vực phối hợp và bổ sung cho nhau từng bước hướng tới sự phát triển cân bằng và thịnh vượng chung. Cốt lõi của mọi quy hoạch phát triển đều là phát triển con người, và mục đích của mọi tăng trưởng kinh tế đều là nâng cao giá trị kinh tế của con người. Chìa khóa để hàng trăm triệu người Trung Quốc cùng được thụ hưởng thành quả của cải cách mở cửa là tăng thu nhập khả dụng. Vì vậy, để nhân dân có khả năng tiêu dùng, để nhân dân sống có tôn nghiêm, để nhân dân tạo ra của cải và giá trị hạnh phúc mới là mục tiêu cao cả nhất và giản dị nhất của cải cách mở cửa. Làm cho nhân dân giàu có, sung túc là chủ đề muôn thuở của nhân loại tiến bộ. Đặc biệt, cần nhấn mạnh rằng sự phát triển nhịp nhàng, hài hòa và thịnh vượng chung của nền kinh tế khu vực còn có thể trong quá trình dân xóa nhòa khoảng cách khu vực, giải quyết mâu thuẫn nhị nguyên giữa thành thị và nông thôn, giảm thiểu sự bất bình đẳng về thu nhập cũng như dưới sự thúc đẩy tư duy lớn “không tranh luận" của Đặng Tiểu Bình, làm sâu sắc hơn quá trình cải cách và hoàn thành việc thay đổi thể chế, từ đó thực hiện được mục tiêu lớn là xây dựng một đất nước hiện đại, thịnh vượng về kinh tế và thể chế văn minh.

4. Chức năng và so sánh giữa đặc khu kinh tế mới và đặc khu kinh tế cũ

Việc thành lập khu thí điểm cải cách đồng bộ, tổng hợp quốc gia là một biện pháp hoàn toàn mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội mới, dưới sự định hướng của quan điểm phát triển khoa học và chính quyền địa phương được trao quyền tự chủ trong phát triển. Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói chúng là các “đặc khu mới” ra đời sau các “đặc khu cũ" như Thâm Quyến. Là "đặc khu mới", khu thí điểm cải cách đồng bộ, tổng hợp có một số đặc điểm khác với “đặc khu cũ". Sự hình thành của những đặc điểm này không chỉ bắt nguồn từ sự thay đổi của chiến lược phát triển đất nước, mà còn phản ánh những thay đổi do quá trình cải cách mở cửa của Trung Quốc mang lại, đồng thời cũng thể hiện đầy đủ nhu cầu khách quan của việc hoàn thiện nền kinh tế thị trường và những yêu cầu nội tại trong việc thay đổi thể chế xã hội.

Xét về bối cảnh và mục đích thành lập, đặc khu cũ được thành lập trong bối cảnh nền kinh tế kế hoạch, có thể được mô tả như một ốc đảo bắt mắt trong đại dương bao la của kinh tế kế hoạch. Mục đích của việc thành lập đặc khu cũ là hoàn thành quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường và tìm tòi con đường phát triển thiết thực, khả thi từ nghèo đói phổ biến sang thịnh vượng chung. Đặc khu mới được thành lập trong bối cảnh nền kinh tế thị trường cơ bản đã hình thành, có mục đích chính là đổi mới thể chế để hoàn thiện hệ thống kinh tế thị trường.

Nhiệm vụ và phương pháp phát triển của các đặc khu được thành lập là khác nhau. Nhiệm vụ chính của đặc khu cũ là giải quyết các vấn đề cải cách trong nước và mở cửa đối ngoại, thu hút vốn đầu tư nước ngoài là một phương pháp phát triển quan trọng của đặc khu cũ. Nhiệm vụ của đặc khu mới là giải quyết toàn diện những mâu thuẫn về thể chế trong phát triển kinh tế, và đổi mới thể chế là phương pháp quan trọng để phát triển mô hình đặc khu này.

Sự lựa chọn các khu vực và mô hình của các đặc khu cũng khác nhau. Sự lựa chọn của đặc khu cũ chủ yếu tập trung vào các thành phố hoặc khu vực có nền kinh tế kế hoạch tương đối yếu dọc theo bờ biển, như vậy một mặt sẽ giành được ưu tiên phát triển với chi phí thấp hơn cùng gánh nặng kinh tế kế hoạch nhẹ hơn và chịu ít ràng buộc về tư tưởng truyền thống hơn; mặt khác, dựa vào lợi thế của khu vực dọc theo bờ biển, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, lấy việc thay thế xuất khẩu để nhanh chóng mở cánh cửa của đất nước đã bị đóng chặt trong gần nửa thế kỷ, mở cánh cửa hội nhập cho xã hội Trung Quốc và bắc nhịp cầu nổi nền kinh tế thị trường và xã hội quốc tế vì sự phát triển, sung túc và sự tôn nghiêm của dân tộc. Đặc khu mới xuất phát từ chiến lược tổng thể phát triển khu vực quốc gia, tìm tòi các điều kiện lịch sử mới và mô hình mới cho khu vực phát triển nhịp nhàng, hài hòa trong tiến trình phát triển, từ đó thực hiện và chứng minh tính khả thi, tính đúng đắn của con đường Trung Quốc.

Ở một khía cạnh nào đó, Đặc khu kinh tế Kashgar không chỉ khác đặc khu cũ, mà ở một số khía cạnh còn khác với đặc trưng của khu thí điểm cải cách đồng bộ, tổng hợp quốc gia. Nó không có vốn chính trị để đi đầu trong cải cách mở cửa bằng đặc khu cũ, cũng không có nền tảng là kinh tế thị trường bên trong và bên ngoài vốn có ưu việt gần như “bẩm sinh" như các thành phố mở ven biển, chẳng hạn như Thâm Quyến tiếp giáp với các khu vực kinh tế thị trường tự do nhất thế giới là Hồng Kông hay Thượng Hải, cho dù trong thời đại kinh tế kế hoạch thì đó cũng vẫn là khu vực có mức độ phát triển kinh tế tương đối cao. Đồng thời, Đặc khu kinh tế Kashgar không phải nơi tập trung kinh nghiệm cải cách và phát triển xã hội tốt bằng một số thành phố, vùng đô thị và khu vực trong khu thí điểm cải cách đồng bộ, tổng hợp quốc gia, những nền tảng phát triển xã hội này bao gồm cơ sở hạ tầng, giáo dục, chất lượng dân số và các cơ sở công ích xã hội, hệ thống phúc lợi xã hội và các nguồn vốn, tài nguyên và thể chế khác của xã hội. Tuy nhiên, là một đặc khu kinh tế mới với những đặc thù riêng, Kashgar có điều kiện phát triển “mình có mà người khác không có", có không gian phát triển diện rộng, hệ thống chịu trách nhiệm triển khai chiến lược quốc gia. Cụ thể, có ba đặc điểm:

Thứ nhất, là một đặc khu mới, Kashgar bắt đầu xây dựng và phát triển "trên vai người khổng lồ". Đứng "trên vai người khổng lồ" nghĩa là không chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ mạnh mẽ của đất nước, mà còn nhận được sự giúp đỡ về nhân lực, vật lực từ các vùng, tỉnh, thành phố có kinh tế phát triển. Những điều này tạo nên những điều kiện phát triển chính trị và chính sách riêng “mang tình phụ tử” cho sự phát triển của Đặc khu kinh tế Kashgar mà các thành phố và khu vực khác không có được.

Thứ hai, đặc khu kinh tế Kashgar là một thực tiễn cải cách mở cửa trong gần 40 năm qua của xã hội Trung Quốc, hệ thống kinh tế thị trường đã được xác lập phổ biến, quy luật xã hội từng bước được hoàn thiện, tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm phát triển, khẳng định được một số đường lối tăng trưởng, thành tích và tồn tại, sự kiên trì và từ bỏ, phương hướng và mục tiêu đều đã được xây dựng trong bối cảnh ngày càng rõ ràng hơn. Mặc dù cũng giống như các đặc khu khác hoặc các khu thí điểm cải cách đồng bộ, tổng hợp khác là tất yếu sẽ phải đối mặt với việc tự xác lập và lựa chọn định hướng, phương thức và con đường phát triển của riêng mình, nhưng sự khởi đầu và phát triển của nó đã có những bài học kinh nghiệm về vết xe đổ trong quá khứ và kế hoạch giáo dục trả giá cho sự phát triển, kinh nghiệm và bài học về sai lầm trong lựa chọn đã minh chứng về những thành công và kết quả của quan điểm phát triển đúng đắn. Vì thế, việc phát triển Đặc khu kinh tế Kashgar là hoàn toàn có thể xảy ra và cũng cần xuất phát điểm cao hơn để thu được nhiều lợi ích phát triển đáng kể hơn với chi phí thử nghiệm và sai lầm thấp hơn,

Thứ ba, đặc khu kinh tế Kashgar có đặc điểm phát triển “điểm yếu là không gian". Điều kiện tự nhiên nghèo nàn, nguồn lực sản xuất tương đối thiếu thốn, nền tảng công nghiệp tương đối mỏng và trình độ kinh tế thị trường tương đối lạc hậu chắc chắn đã dẫn đến những bất cập trong quá trình phát triển của Đặc khu kinh tế Kashgar, nhưng Đặc khu kinh tế Kashgar có thể sử dụng một mô hình phát triển mà cả nước có thể học hỏi để "tận dụng tình hình" xây dựng kế hoạch phát triển, thậm chí thay đổi khuyết điểm thành đặc sắc, sắp xếp cơ cấu ngành nghề hợp lý, tạo nét độc đáo cho sự phát triển trong tăng trưởng công nghiệp Kashgar, để Kashgar thực sự mở ra một con đường phát triển đặc sắc Kashgar. Giống như đã biểu đạt trong Quy hoạch phát triển của Đặc khu kinh tế Kashgar: Khu khai thác phát triển kinh tế Kashgar cần phải mở ra một con đường phát triển đô thị phi truyền thống, chỉ có đột phá mô hình phát triển cố hữu phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư để thúc đẩy phát triển thành phố mới, đi theo con đường phát triển bền vững, sinh thái, các bon thấp mới tạo cho Kashgar một động lực phát triển nội sinh không ngừng nghỉ.

Văn kiện số 33 năm 2010 của Quốc vụ viện đã xác định rõ vị trí của Kashgar, một là, cần phát huy hết lợi thế khu vực của Kashgar trong việc mở cửa đối ngoại, xây dựng Kashgar thành cửa ngõ quan trọng để Trung Quốc mở cửa về phía Tây và thúc đẩy hình thành cục diện mới mở cửa đối ngoại song trùng “mở cửa trên đất liền” và “mở cửa trên biển" của Trung Quốc. Hai là, thu hút vốn, công nghệ, nhân tài trong và ngoài nước, thực hiện chuyển dịch ngành nghề từ điểm xuất phát cao, thúc đẩy phát triển ngành nghề tập trung, xây dựng hệ thống ngành nghề hiện đại, xây dựng Kashgar trở thành điểm tăng trưởng kinh tế mới phát triển theo kiểu nhảy vọt của Tân Cương.

Như vậy, trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển trên, Đặc khu kinh tế Kashgar cần lưu ý những vấn đề sau trong thực tiễn phát triển:

- Mặc dù phát triển và tăng trưởng kinh tế vẫn là nhiệm vụ hàng đầu mà Đặc khu kinh tế Kashgar phải đối mặt, nhưng Đặc khu kinh tế Kashgar cũng phải nghiêm túc tiếp thu và ghi nhớ những vấn đề mà GDP và mục tiêu tăng trưởng kinh tế thuần túy đã đưa lại cho nền kinh tế - xã hội của chúng ta. Phát triển là đạo lý cứng, cải cách là tiền đề lớn, đồi mới về thể chế là căn bản, Sự tăng trưởng GDP gia tăng đồng thời với hạnh phúc quốc dân mới là sự tăng trưởng lành mạnh, còn tốc độ tăng trưởng tăng cao cùng với mức độ phúc lợi của người dân mới là tốc độ tăng trưởng có ý nghĩa và nội hàm thực sự, phát triển kinh tế đi kèm với bảo vệ hiệu quả và sử dụng thân thiện môi trường mới là sự phát triển bền vững thực sự. Đứng ở một điểm xuất phát tương đối cao và kế thừa kinh nghiệm cũng như bài học của gần 40 năm cải cách mở cửa của Trung Quốc, sự cất bước và phát triển của Đặc khu kinh tế Kashgar sẽ giảm thiểu được cái giá phải trả cho sự mù quáng và cuồng tín, đồng thời có những cân nhắc hợp lý, thực tế và khoa học hơn.

- Mặc dù sứ mệnh chính của Đặc khu kinh tế Kashgar là hoàn thiện nền kinh tế thị trường, từ đó dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế Tân Cương, nhưng quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường tuyệt đối không phải là một quá trình xây dựng kinh tế đơn thuần, mà là một quá trình phát triển xã hội tổng thể. Tôi cho rằng, đối với Đặc khu kinh tế Kashgar, trước hết, phát triển giáo dục và nâng cao toàn diện kỹ năng, kiến thức và trình độ văn hóa của người lao động để hình thành nguồn nhân lực thực tế và tiềm năng là điều kiện nội tại để bảo đảm sự tăng trưởng nhanh chóng và phát triển bền vững của Đặc khu kinh tế Kashgar. Thứ nữa, việc đổi mới quan niệm là tiền đề tư tưởng cho sự phát triển của Đặc khu kinh tế Kashgar. Quan niệm không thể trực tiếp thay đổi xã hội, nhưng quan niệm có thể thay đổi con người, mà con người lại có thể thay đổi xã hội. Với tư cách là một lực lượng sản xuất vô hình, quan niệm sau khi đổi mới có sức mạnh thúc đẩy mạnh mẽ, sâu xa cao hơn cả vốn, vượt lên khỏi tầm vật chất đối với sự phát triển kinh tế và thay đổi xã hội.

- Là một đặc khu mới của vùng dân tộc, sự phát triển của Kashgar phải tôn trọng, duy trì và tận dụng các di sản và sức hấp dẫn riêng có của văn hóa dân tộc. Hiện đại hóa phải là một quá trình hiện đại hóa các nền văn hóa khác nhau theo những cách khác nhau, chứ không phải là một quá trình đồng hoá các nền văn hóa khác nhau với hiện đại hóa. Tôi tin rằng dù phát triển như thế nào thì Đặc khu kinh tế Kashgar cũng phải và cần phải là một đặc khu mang đậm nét văn hóa dân tộc, là một đặc khu tỏa sáng văn hóa dân tộc, đặc khu mang đặc trưng dân tộc.

- Việc hỗ trợ xây dựng các khu vực hoặc thành phố phát triển là chính sách “viện trợ" của chính quyền Trung ương dành cho Đặc khu kinh tế Kashgar, khác với các đặc khu kinh tế khác, nó cũng đã giúp Đặc khu kinh tế Kashgar đạt được sự phát triển nhanh chóng và cất bước nhanh chóng. Viện trợ để xây dựng các thành phố, vùng hoặc tỉnh đã thực sự mang lại vốn, nhân tài, các quan niệm quản lý và mô hình hoạt động hành chính từ các vùng phát triển đến cho Kashgar, đặc biệt đã ảnh hưởng đến hành vi và quan điểm cầm quyền của chính quyền địa phương, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi chức năng của chính phủ. Nhưng về cơ bản, viện trợ xây dựng chỉ là ngoại lực, sự phát triển thực sự và lâu dài vẫn phải phụ thuộc vào Đặc khu kinh tế Kashgar. Nói một cách chính xác, đó chính là năng lực nhận thức, quan điểm phát triển, trình độ quản lý và tầm nhìn xa của chính quyền địa phương.

Việc phát triển các đặc khu kinh tế của Trung Quốc là một bước tiến quan trọng trong công cuộc cải cách mở cửa nói chung của Trung Quốc, cũng là một cách để tìm tòi con đường phát triển kinh tế khu vực của Trung Quốc. Tuy nhiên, không có mô hình phát triển đặc khu sẵn có nào có thể dập khuôn được và Đặc khu kinh tế Thâm Quyến không phải là một “nhà bán buôn kinh nghiệm". Sự phát triển kinh tế khu vực ở các cấp độ và giai đoạn khác nhau tất yếu sẽ thể hiện sự đa dạng về đường lối, phương thức và nội hàm phát triển. Chúng ta không cần xây dựng một Thâm Quyến khác ở Kashgar (Kashgar là viện trợ đổi ứng của Thâm Quyến), mà cần xây dựng Kashgar ngày nay thành một Kashgar mới hiện đại hóa.

 


[1] Trương Huy Huy: Lý luận kinh tế khu vực và phát triển kinh tế khu vực, Nxb. Kế hoạch Trung quốc, Bắc Kinh, 1999, tr.86.

[2] Tô Đông Bân, Trung Nhược Ngu: Giới thiệu đặc khu kinh tế Trung Quốc, Thương vụ Ấn Thư quán, Bắc Kinh, 2010, tr.325-334.

[3] Hồ Lợi Dân, Thôi Mỹ Vinh: “Xu hướng mới trong việc kiểm tra khu thí điểm cải cách đồng bộ, tổng hợp cấp quốc gia”, Diễn đàn Trung Quốc ngày nay, kỳ 1, 2009.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành