Thứ sáu, 14 Tháng 6 2024 09:25

Định hướng xây dựng môi trường thuận lợi cho phát triển công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam

Phát triển công nghiệp công nghệ cao là một quá trình đòi hỏi phải có môi trường thuận lợi để phát huy được các tiềm năng trong nước và cơ hội ngoài nước.

Công nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực được Chính phủ Việt Nam tập trung phát triển trong những năm gần đây nên mới đang trong quá trình hình thành và phát triển. Vì vậy, những thành tựu phát triển công nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam mới chỉ là những thành quả ban đầu. Trong những năm qua, công nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam phát triển vừa tự giác, vừa tự phát, có kế hoạch gắn liền với sự định hướng phát triển của Chính phủ, từ đó hình thành nên một số doanh nghiệp, dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao và cung ứng dịch vụ công nghệ cao.

Về số lượng: Số lượng doanh nghiệp, dự án tham gia sản xuất sản phẩm công nghệ cao và cung ứng dịch vụ công nghệ cao ở Việt Nam có sự gia tăng, trong đó, số lượng các doanh nghiệp, dự án, viện nghiên cứu, trường đại học tham gia sản xuất sản phẩm công nghệ cao và cung ứng dịch vụ công nghệ cao ở Việt Nam.

Theo lý thuyết, muốn phát triển thành công công nghiệp công nghệ cao, các quốc gia đều phải tạo dựng được môi trường trong nước và quốc tế thuận lợi, trong đó đề ra hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách trong phát triển công nghiệp công nghệ cao là hết sức quan trọng; trong đó, nhà nước có vai trò như là người đỡ đầu, kích thích những ý tưởng được phát triển, được hiện thực hóa bằng các cơ chế ưu đãi, khuyến khích thực chất bằng đòn bẩy tài chính là đầu tư ban đầu cho phát triển công nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, nhà nước có chính sách ưu tiên phát triển dài hạn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp ở các vùng, miền, không chỉ tập trung tại các đô thị lớn.

Muốn phát triển công nghiệp công nghệ cao thành công thì các cơ chế, chính sách ban hành phải tạo dựng môi trường thuận lợi và phù hợp, có sức sống lâu dài. Hàn Quốc là một ví dụ điển hình bởi Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng một hệ thống chính sách, pháp luật đầy đủ để thúc đẩy sự phát triển, trong đó chú trọng xây dựng luật cho từng lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao cụ thể. Năm 2004, Chính phủ Hàn Quốc ban hành Luật Thúc đẩy phát triển công nghệ nanô tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện Chương trình công nghệ nanô quốc gia và đẩy mạnh công nghiệp hóa với mục tiêu nằm vào top 5 trên thế giới về tính cạnh tranh công nghệ nanô vào năm 2010. Ở Việt Nam, mới chỉ có Luật Công nghệ cao năm 2008 được ban hành mà chưa xây dựng được luật cho từng lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao cụ thể.

Điều đáng chú ý là các văn bản pháp luật của Hàn Quốc không chỉ xuất hiện kịp thời, mà đó còn là kết quả nghiên cứu sâu sắc thực tiễn nghiên cứu khoa học, công nghệ và sản xuất, kinh doanh, những dự báo tương đối chính xác về triển vọng và nhu cầu các ngành công nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, nó thường có sức sống lâu dài và tạo ra môi trường pháp lý tương đối ổn định.

Sự đúng đắn của bài học này đã được kiểm nghiệm trong phát triển công nghiệp công nghệ cao của một số địa phương ở Việt Nam như Bắc Ninh hoặc Thành phố Hồ Chí Minh. Địa phương nào tạo ra được môi trường thuận lợi cho phát triển công nghiệp công nghệ cao thì sẽ thành công.

Tỉnh Bắc Ninh đã chủ động tạo dựng môi trường thuận lợi cho công nghiệp công nghệ cao phát triển. Nhờ sự định hướng đúng đắn của tỉnh quyết tâm phát triển công nghiệp công nghệ cao nên cả hệ thống chính trị, toàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã có sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Từ đó, tạo sự thống nhất nhận thức cao trong hệ thống chính trị và toàn dân, tạo động lực thúc đẩy và môi trường thuận lợi cho công nghiệp công nghệ cao phát triển. Chính nhờ điều này, mà các hoạt động huy động nguồn lực, thu hút nhà đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật... cho phát triển công nghiệp công nghệ cao đã tiến hành nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu ban đầu về phát triển công nghiệp công nghệ cao bởi địa phương đã tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi nhờ ban hành các cơ chế, chính sách hợp lý, trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh đang chủ trương xây dựng cơ chế đột phá nhưng vẫn nằm trong thể chế thống nhất của cả nước nhằm giúp cho Thành phố phát triển đủ mạnh trước tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thành phố Hồ Chí Minh đang hướng đến điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế theo hướng đột phá, thay đổi mô hình tăng trưởng và đảm bảo tính bền vững cho toàn bộ nền kinh tế, tăng cường sự liên kết trong vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ.

Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện các giải pháp tạo bước đột phá trong phát triển hạ tầng và chính sách để tạo sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển công nghiệp công nghệ cao. Bằng việc tiến hành hàng loạt các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy nhanh hơn tiến độ đầu tư hạ tầng cho phát triển công nghiệp công nghệ cao, thu hút mạnh mẽ các dự án đích thực công nghệ cao như hỗ trợ cho các doanh nghiệp làm chủ công nghệ nguồn, thúc đẩy hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đặc biệt chú ý đến giá trị cốt lõi từ việc nghiên cứu phát triển làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp công nghệ cao. Ví dụ: Thành phố đã ban hành các chính sách về thuế, đất đai... và chính sách thu hút nhân lực công nghệ cao. Nhằm thu hút các thương hiệu lớn mang tính toàn cầu, tập hợp các doanh nghiệp công nghệ cao hàng đầu thế giới và các doanh nghiệp công nghệ cao trong nước có công nghệ nguồn, cuối năm 2014, Thành phố đã ban hành Quy chế thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ vào làm việc tại bốn đơn vị: Khu công nghệ cao, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán và Trung tâm Công nghệ Sinh học.

Mặt khác, môi trường phát triển công nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế như:

Chính sách phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam trong những năm vừa qua còn nhiều bất cập. Nguyên nhân này đã được chỉ ra ở Nghị quyết số 23 - NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đó là: Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp còn thiếu tổng thể, đồng bộ; chính sách huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho phát triển công nghiệp thiếu hiệu quả, chưa có bước đột phá; chính sách phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa đáp ứng được yêu cầu; chính sách khoa học và công nghệ chưa trở thành động lực quan trọng nhất cho phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp; chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chậm được đổi mới...

Theo các chuyên gia, chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời gian vừa qua “mang hình hài của quả mít”, rất nhiều mũi nhọn như nhau nên không biết được đâu là ưu tiên, đâu là đột phá. Cùng một thời điểm có nhiều chương trình quốc gia trọng điểm về phát triển công nghiệp nên một doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao có thể tham gia chương trình khác không phải Chương trình phát triển công nghệ cao quốc gia mà vẫn nhận được ưu đãi, hỗ trợ. Ví dụ trong những năm vừa qua, Chính phủ đề ra hai chương trình cùng tồn tại: Chương trình sản phẩm quốc gia và Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao thì các sản phẩm cơ khí ứng dụng công nghệ cao đều có thể theo một trong hai chương trình này. Chính vì vậy, sản phẩm đủ tiêu chuẩn để được công nhận là sản phẩm công nghệ cao nhưng không cần chứng nhận của Bộ Khoa học và Công nghệ mà vẫn được ưu đãi như là sản phẩm công nghệ cao.

Các dự án tham gia sản xuất sản phẩm công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục trong quá trình thẩm định dự án, vì thẩm định công nghệ cao thuộc về Bộ Khoa học và Công nghệ, nhưng thẩm định về sản phẩm công nghệ cao lại thuộc về Bộ Công Thương nên khi thực hiện đôi khi không thuận lợi. Nếu gặp vướng mắc nhiều khi không biết cơ quan quản lý nhà nước nào đứng ra giải quyết. Đặc biệt, Chương trình phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao còn gặp nhiều vướng mắc, đến nay chưa có phương hướng giải quyết.

Cơ chế, chính sách phát triển khoa học và công nghệ còn tồn tại nhiều bất cập, trình độ khoa học và công nghệ còn thấp. Theo Báo cáo số 261/BC - CP ngày 11/8/2016 của Chính phủ về “hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hóa giai đoạn 2005 - 2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo” cho thấy, năng lực sáng tạo giảm bởi việc triển khai các quy định mới về cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học, công nghệ chậm do chưa đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan; nguồn lực phát triển cho khoa học - công nghệ chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước do các cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi chưa thực sự hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư cho khoa học, công nghệ... Báo cáo cũng cho thấy: Các viện nghiên cứu, trường đại học còn phân bố bất hợp lý giữa các vùng, miền, chưa tạo thành một mạng lưới mạnh theo quy hoạch, còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; số lượng viện nghiên cứu, trường đại học đạt trình độ quốc tế, kể cả trong khu vực ASEAN còn ít...; ở Việt Nam hiện nay vẫn thiếu các nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư có trình độ cao và đủ năng lực chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng quy mô quốc gia và quốc tế... Chính vì vậy, chất lượng hoạt động R&D ở trong nước còn thấp, số lượng công nghệ cao được chuyển giao vào sản xuất sản phẩm công nghệ cao và cung ứng dịch vụ công nghệ cao còn hạn chế.

Từ bài học kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, công nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam muốn phát triển nhanh, cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, cần thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực thể chế hỗ trợ phát triển công nghiệp công nghệ cao. Theo đó, cần tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước; nâng cao chất lượng cán bộ và điều chỉnh bổ sung các cơ chế, chính sách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Các tổ chức và cán bộ chính quyền các cấp của mỗi địa phương cần tích cực quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ, nhanh chóng và nghiêm túc những chủ trương, chính sách và quy định thống nhất của Đảng và Chính phủ trong phát triển công nghiệp công nghệ cao cho toàn quốc nói chung, cũng như ở mỗi địa phương nói riêng.

Cần xây dựng một hệ thống chính sách, hệ thống pháp luật đầy đủ, trong đó cần chú trọng sớm xây dựng luật cho từng lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao ưu tiên phát triển hiện nay. Cần tiếp tục ban hành các tài liệu hướng dẫn về các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao ưu tiên phát triển hiện nay, trong đó cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê về công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ công nghệ cao. Sớm nghiên cứu, ban hành kịp thời các văn bản quy định thống nhất từ Trung ương đến các địa phương liên quan đến lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao như: khái niệm dịch vụ công nghệ cao mà trong Luật công nghệ cao năm 2008 chưa đưa ra; tiêu chí đánh giá chung cho sản phẩm công nghệ cao và ngành công nghiệp công nghệ cao... nhằm tránh tình trạng có sự khác nhau về công nhận doanh nghiệp công nghệ cao giữa cơ quan quản lý ở Trung ương và cơ quan quản lý ở địa phương.

Đồng thời, mỗi địa phương cần chủ động nghiên cứu và đề xuất các kiến nghị với Trung ương nhằm hoàn thiện chính sách và quy định pháp lý từ Trung ương và đề xuất những cơ chế, chính sách pháp lý đặc thù vận dụng linh hoạt đối với mỗi địa phương trong phát triển công nghiệp công nghệ cao. Chính phủ cho phép và mỗi địa phương có thể ban hành những cơ chế, chính sách riêng, đặc thù của địa phương mình trong phát triển công nghiệp công nghệ cao hoặc khu công nghệ cao. Yêu cầu tính tự chủ, sáng tạo, chủ động của mỗi địa phương theo kinh nghiệm của thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) trong phát triển công nghiệp công nghệ cao nhằm thiết lập một hệ thống môi trường bảo hộ pháp luật, dựa trên nguyên tắc “mạnh dạn đổi mới trong các lĩnh vực mà pháp luật không cấm”.

Sở Công Thương ở mỗi địa phương cần sớm xây dựng quy trình và cơ chế hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp đang sản xuất hoặc đăng ký phát triển các sản phẩm công nghệ cao chủ lực. Theo đó, tích cực hướng dẫn thủ tục và quy trình cho các doanh nghiệp này về mức hỗ trợ cụ thể về đất đai, mặt bằng sản xuất, tài chính, đào tạo... nhằm thực sự tạo bước đột phá phát triển các sản phẩm công nghệ cao chủ lực ở mỗi địa phương.

Hai là, Chính phủ cần tiếp tục tăng mức đầu tư cho R&D nhằm nâng cao trình độ khoa học và công nghệ. Thực hiện các dự án R&D cho cả khu vực công và tư nhân; đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu và phát triển trình độ cao.

Hoạt động nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ ở Việt Nam cần gắn với sản xuất, hướng đến lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Theo đó, cần ưu tiên những lĩnh vực công nghệ cao thiết thực, hiệu quả mang tính thương mại cao; chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp; khuyến khích các nhà nghiên cứu thuộc khu vực nhà nước và các trường đại học tham gia vào các hoạt động phát triển công nghiệp công nghệ cao phục vụ cho các doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần tăng cường sự kết hợp giữa Nhà nước và tư nhân tham gia hoạt động R&D. Theo đó, Chính phủ Việt Nam cần ban hành các chính sách hỗ trợ cho các cơ sở tư nhân làm nghiên cứu khoa học - công nghệ. Cần có những cơ chế, chính sách đối xử với những tổ chức tư nhân tham gia R&D một cách bình đẳng như các đơn vị công lập... Ngay cả trong một đơn vị công lập, cũng có thể khuyến khích thành lập các tổ cơ sở nghiên cứu tư nhân. Đồng thời, cần hướng đến các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn ở Việt Nam với việc sớm đưa ra và triển khai các chính sách thúc đẩy công nghệ và coi các tập đoàn lớn này là động lực chính trong việc triển khai các sáng kiến công nghệ, Vấn đề này là rất cần thiết và phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam hiện nay.

Ba là, tăng cường hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghệ cao ở các doanh nghiệp có quy mô lớn. Chính phủ Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, đó là ban hành các chính sách bảo hộ cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao trong nước. Một số sản phẩm công nghệ cao là sản phẩm xuất hiện lần đầu trên thị trường ở Việt Nam nhưng lại có tiềm năng phát triển. Vì vậy, cần ban hành chính sách và biện pháp hỗ trợ những sản phẩm này. Theo đó, cần thực hiện các giải pháp cụ thể như: Xác định tiêu chí cụ thể cho từng danh mục sản phẩm công nghệ cao; có chính sách hỗ trợ đối với các sản phẩm công nghệ cao mới hình thành hoặc đang trong quá trình phát triển, mặc dù lúc đầu quy mô còn nhỏ, thị phần thấp; có các giải pháp hỗ trợ nhằm nuôi dưỡng và phát huy sản phẩm công nghệ cao tiềm năng, có khả năng cạnh tranh trong tương lai. Theo đó, Chính phủ cần khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sản xuất sản phẩm công nghệ cao và ban hành nhiều chính sách bảo vệ thị trường trong nước, tránh sự cạnh tranh của nước ngoài nhằm tạo điều kiện cho các công ty này hoạt động. Chính sách bảo hộ này cần hướng đến việc giúp đỡ cho các doanh nghiệp cả về tài chính cũng như hỗ trợ mua công nghệ của nước ngoài. Chính sách cần được áp dụng từ khi thành lập các công ty, doanh nghiệp cho đến khi có đủ năng lực và sẵn sàng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tùy theo từng giai đoạn phát triển mà Chính phủ đưa ra chính sách bảo hộ cho phù hợp.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới công nghệ của công nghiệp.

Tiếp tục đổi mới cơ chế tổ chức, quản lý, các chương trình đề tài, cơ chế tài chính cho khoa học và công nghệ, gắn kết hoạt động khoa học và công nghệ với sản xuất kinh doanh. Đổi mới phương thức tổ chức thực hiện các chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ theo hướng tăng cường tính dân chủ, công khai, công bằng và nghiêm túc trong quá trình triển khai.

Cần đề ra những chính sách hữu hiệu tạo động lực đối với cán bộ khoa học và công nghệ và chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài nhằm khuyến khích cán bộ khoa học và công nghệ toàn tâm nghiên cứu, khắc phục nguy cơ chảy máu chất xám. Đồng thời, đề ra các giải pháp, chính sách mạnh mẽ trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ nhằm tạo được sự đột phá trong những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế, từ đó hình thành các lĩnh vực khoa học và công nghệ mũi nhọn, đạt trình độ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh bình đẳng trong khu vực và trên thế giới. Đối với mỗi địa phương, cần để ra chính sách đột phá, có thể riêng để phát triển khoa học và công nghệ của địa phương, đó là xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho hoạt động nghiên cứu một số công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao phù hợp với thực tiễn ở địa phương.

Năm là, có cơ chế, chính sách phù hợp phát triển các khu công nghệ cao. Cần có sự phối hợp giữa Trung ương và các địa phương dựa trên nguyên tắc cả hai bên cùng tham gia đóng góp. Chính phủ căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và nhu cầu đầu tư của mỗi tỉnh, thành phố và xác định lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao nào đang cần ưu tiên để cấp duyệt kinh phí cho các dự án. Cần ban hành cơ chế xét duyệt kinh phí hoạt động của các khu công nghệ cao. Theo đó, cơ chế này cần phải tạo được sự cạnh tranh giữa các khu công nghệ cao ở mỗi địa phương. Các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình thực tiễn ở địa phương, tiến hành việc điều tra, nghiên cứu, lên kế hoạch phát triển khu công nghệ cao và đệ trình kinh phí hằng năm lên cơ quan bộ. Chính phủ căn cứ vào kết quả hoạt động của từng khu công nghệ cao, nhu cầu đặc thù của từng địa phương và ngành công nghiệp tại địa phương đó mà cấp nguồn kinh phí hằng năm.

Đồng thời, mỗi địa phương cần chủ động ban hành chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào khu công nghệ cao.

Chính sách phát triển khu công nghệ cao ở mỗi địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương. Theo đó, chính sách không chỉ đề ra ở Trung ương mà các chính sách đó cần có sự phối hợp với chính quyền tỉnh, thành phố; trong đó, Chính phủ đề ra các điều luật, quy định bảo vệ cho khu công nghệ cao, còn chính quyền mỗi tỉnh, thành phố đề ra dự án, kế hoạch phát triển khu công nghệ cao và chính sách phát triển, thậm chí là chính sách đặc thù, vượt trội.

Sáu là, cần có chính sách đột phá trong việc thu hút đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ có năng lực và nhiệt tình cống hiến, tham gia vào đội ngũ quản lý và trực tiếp làm công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ, trong đó nguồn lực chất xám của người Việt Nam ở nước ngoài là hết sức quan trọng. Cụ thể: Nhà nước cần tạo môi trường thuận lợi để họ phát huy trí tuệ và được cống hiến; chia sẻ động lực để khuyến khích những người nghiên cứu khoa học, công nghệ trong các doanh nghiệp tư nhân; có chính sách ưu đãi về xuất - nhập cảnh, cư trú gắn với điều kiện, trình tự thủ tục đơn giản đối với trường hợp các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ nước ngoài tới làm việc tại các doanh nghiệp ở nước ta; các địa phương có thể ban hành những cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nguồn nhân lực cho công nghiệp công nghệ cao như: điều kiện ưu đãi đối với người nước ngoài về thị thực; giấy chứng nhận thường trú và phúc lợi kinh tế địa phương.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành