Thứ hai, 22 Tháng 7 2024 04:31

Phân tích khái quát sự phát triển theo hướng hiện đại hóa của các nước có nền kinh tế mới nổi

1. Quá trình hiện đại hóa của Ấn Độ

Ấn Độ là một nước lớn đang phát triển có lịch sử phát triển văn minh hàng nghìn năm. Thập niên 40 thế kỷ XX, sau khi giành được độc lập về chính trị, Ấn Độ tập trung phát triển kinh tế bản địa. Là nước thành viên của khối Liên hiệp Anh và thành viên của nhóm BRICS, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ khiến cả thế giới ngưỡng mộ, là một trong những nước phát triển nhanh nhất trên thế giới hiện nay. Sau nửa thế kỷ nỗ lực, Ấn Độ đã thực hiện quá độ từ kinh tế thị trường kém phát triển sang kinh tế thị trường tương đối phát triển. Nói theo một ý nghĩa nào đó, Ấn Độ là hình mẫu về phát triển hiện đại hóa trong số các nền kinh tế mới nổi.

Nhìn từ quá trình lịch sử chung hướng tới hiện đại hóa của Ấn Độ có thể thấy, tiến trình hiện đại hóa của nước này bắt đầu từ thời kỳ thống trị của thực dân Anh vào giữa thế kỷ XIX. Sự thống trị thực dân của Anh đã vén bức màn hiện đại hóa của Ấn Độ, khiến cho công cuộc hiện đại hóa của Ấn Độ được khởi động trong thế bị động, về khách quan đã đem lại cho Ấn Độ một sự thay đổi xã hội sâu sắc, kéo Ấn Độ đi vào quỹ đạo hiện đại hóa. Việc Ấn Độ giành được độc lập, thoát khỏi sự thống trị của thực dân Anh vào năm 1947 đã tạo tiền đề cho quốc gia này hướng tới hiện đại hóa độc lập, tự chủ. Song khi đó, do trình độ của lực lượng sản xuất tổng thể của Ấn Độ khá thấp, vì vậy Ấn Độ không thể thoát khỏi nhân tố lực lượng sản xuất hiện thực khi lựa chọn mô hình phát triển trong quá trình xây dựng hiện đại hóa. Lúc đó thế giới có hai mô hình phát triển là mô hình kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và mô hình kinh tế kế hoạch mệnh lệnh của Liên Xô. Ấn Độ không cự tuyệt con đường phương Tây, rập khuôn mô hình Liên Xô như hầu hết các nước đang phát triển khác. Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ là Nehru đã thử đi “con đường thứ ba" với mục tiêu là thiết lập mô hình quốc gia chuẩn xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ, trong đó, nhà nước và tư nhân cùng vận hành kinh doanh. Năm 1948, chính phủ của Đảng Quốc đại đã dựa vào chính sách kinh tế kế hoạch và kinh tế hỗn hợp để ra quyết nghị về chính sách công nghiệp, từ đó đặt nền móng cho mô hình hiện đại hóa của Ấn Độ. Thông qua ba kế hoạch 5 năm, chính phủ của Thủ tướng Nehru đã bãi bỏ hệ thống thu thuế nông nghiệp trung gian Zamindar (Zamindar System), thúc đẩy sự phát triển nhân tố tư bản nông nghiệp. Việc Chính phủ Ấn Độ mở rộng chiến lược công nghiệp hóa thành phần kinh tế công cũng đạt được những hiệu quả ban đầu, công nghiệp cơ bản phát triển nhanh chóng, hình thành một hệ thống kinh tế quốc doanh có thực lực tương đối mạnh.

Sau khi Nehru mất, Ấn Độ tiếp tục bảo lưu mô hình kinh tế hỗn hợp của Nehru, nhưng bắt đầu nhấn mạnh vai trò của kinh tế thị trường, đồng thời bắt đầu dựa vào kỹ thuật để phát triển kinh tế. Dù trong giai đoạn này Ấn Độ tiếp tục duy trì sự nghiệp hiện đại hóa của Nehru và giành được những hiệu quả nhất định, nhưng thành tích tổng thể không mấy lý tưởng. Đầu những năm 90 thế kỷ XX, Ấn Độ dần thoát khỏi mô hình cũ thực hiện từ sau khi giành được độc lập của Nehru, chuyển sang mô hình kinh tế hỗn hợp tự do. Trong quá trình chuyển đổi này, Chính phủ Ấn Độ đã bãi bỏ đa số chế độ giấy phép công nghiệp, đem lại một môi trường cạnh tranh tốt hơn cho các doanh nghiệp: sửa đổi luật về độc quyền, thu hẹp đáng kể phạm vi kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục thu hút cơ chế cạnh tranh tự do, mở rộng phạm vi kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân; mở cửa mạnh mẽ với bên ngoài, làm cho mô hình kinh tế hướng nội từng bước chuyển đổi sang hướng ngoại, cải cách, điều chỉnh chính sách và thể chế ngoại thương, nâng cao tiêu chuẩn quốc tế hóa của kinh tế Ấn Độ. Cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, Ấn Độ bắt kịp trào lưu kinh tế tri thức của thế giới, lấy công nghiệp thông tin làm trọng tâm để phát triển kinh tế mới, trò thành một trong các quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới.

2. Sự phát triển theo hướng hiện đại hóa của Hàn Quốc

Trong lịch sử cận đại, Hàn Quốc từng bị Nhật Bản xâm chiếm và đô hộ trong thời gian dài, kinh tế không những phát triển yếu kém, mà bố trí cơ cấu ngành nghề tại các địa phương cũng bất hợp lý. Từ những năm 60 thế kỷ XX đến nay, Hàn Quốc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế với "mô hình xuất khẩu chủ đạo", thúc đẩy kinh tế của Hàn Quốc phát triển với tốc độ cao, tạo ra "kỳ tích Hán giang" được thế giới chú ý.

Năm 1961 là năm mang ý nghĩa đánh dấu và là cột mốc lớn đối với hiện đại hóa của Hàn Quốc, trong năm này Hàn Quốc bắt đầu tiến hành "kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm". Mấu chốt của Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của Hàn Quốc là lấy tự do doanh nghiệp làm cơ sở, chính phủ trực tiếp tham gia và cung cấp đầu vào cho các lĩnh vực công nghiệp quan trọng. Nguồn vốn nước ngoài cộng với đầu tư của chính phủ đã giúp “kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm" của Hàn Quốc thành công, thúc đẩy kinh tế phát triển. Những sản phẩm của Hàn Quốc như dầu tinh luyện, xi măng, phân bón, điện tử và y dược đã liên tục xuất hiện trên thị trường nội địa. Các sản phẩm công nghiệp còn đem tới tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu đáng kinh ngạc. Trong thời kỳ Kế hoạch 5 năm lần thứ hai, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của Hàn Quốc tăng mạnh, thu hút sự quan tâm của thế giới. Tại thời kỳ Kế hoạch 5 năm lần thứ ba, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nổ ra, đem tới những thách thức vô cùng lớn đối với sự phát triên kinh tế của Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc đã sử dụng các khoản vay dài hạn để mua sắm các trang thiết bị máy móc tiên tiến cần thiết, hình thành sức sản xuất lớn để có thể nhanh chóng giải tỏa gánh nặng trả nợ khoản vay. Trong khi các quốc gia châu Á đang phải chịu tác động đau thương của cuộc khủng hoảng dầu mỏ, thì chiến lược kinh tế cấp tiến đã giúp kinh tế Hàn Quốc tiếp tục phát triển mạnh. Nội dung cốt lõi của Kế hoạch 5 năm lần thứ tư của Hàn Quốc là mở rộng xuất khẩu dựa vào công nghiệp nặng, công nghiệp hóa học và công nghiệp điện tử. Vì vậy, Chính phủ Hàn Quốc đã kêu gọi "Hàn Quốc hóa" máy móc công nghiệp, lấy chất lượng sản phẩm để cải thiện vị trí cạnh tranh quốc tế cho các sản phẩm của Hàn Quốc.

Bốn lần kế hoạch 5 năm đã đem lại "kỳ tích Hán giang" cho Hàn Quốc, để một quốc gia có nền kinh tế yếu kém đã nhanh chóng trở thành một trong “bốn con rồng châu Á" chỉ vẻn vẹn trong 20 năm.

Trong quá trình phát triển hiện đại hóa của Hàn Quốc, sự thay đổi trong thể chế kinh tế của Hàn Quốc đã trải qua hai giai đoạn “chủ đạo” sau[1].

Một là, từ thể chế kinh tế thị trường buông lỏng tự do chuyển sang thể chế kinh tế thị trường do nhà nước đóng vai trò chủ đạo. “Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm” của Hàn Quốc đã quy định nghiêm ngặt về quy phạm và tác dụng ràng buộc của chỉnh phủ trong thể chế kinh tế thị trường, qua đó duy trì trật tự thuận lợi cho việc bảo đảm phát triển kinh tế, và duy trì trật tự thị trường tài chính tín dụng thuận lợi để bảo vệ việc phát triển công nghiệp và ngành sản xuất mới. Trên phương diện thu hút sự hỗ trợ kỹ thuật và quản lý, giám sát tài chính tư bản, Hàn Quốc đã xây dựng và hoàn thiện chế độ thẩm định, phê duyệt, thành lập các cơ quan chuyên trách để cung cấp một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác các thông tin tư vấn. Chức năng thu hút kỹ thuật, giám sát quản lý tư bản, thu thập và tổng hợp thông tin tình báo liên quan do chính phủ đảm nhiệm, mục tiêu là nhằm đề phòng, ngăn chặn phát sinh các hiện tượng như thu hút mù quáng, thu hút trùng lặp hoặc thu hút với giá thành quá cao trong thời kỳ đầu phát triển xã hội, đồng thời cung cấp trật tự tài chính tín dụng tốt, bảo đảm cho kinh tế phát triển lành mạnh, thuận lợi. Ngoài công nghiệp, Chính phủ Hàn Quốc còn đề ra nhiều chính sách đối với phát triển nông nghiệp như thu mua lương thực với giá thành cao, các ngành nghề khác cũng cung cấp nhiều việc làm cho nông dân, chính phủ cung cấp nhiều hỗ trợ cho nông dân, nhằm bảo đảm lợi ích lâu dài, tăng thu nhập cho nông dân.

Hai là, sự chuyển đổi từ mô hình thể chế kinh tế thị trường do nhà nước đóng vai trò chủ đạo sang thể chế kinh tế thị trường với chủ nghĩa kinh tế tự do mới đóng vai trò chủ đạo. Trải qua thời gian dài phát triển kinh tế, Hàn Quốc đã lọt vào danh sách các quốc gia công nghiệp mới nổi, tích cực tham gia sự phân công của toàn cầu hóa kinh tế. Đồng thời, Chính phủ Hàn Quốc cũng nhận thức được rằng, toàn cầu hóa kinh tế đòi hỏi các cơ quan của chính phủ phải giảm thiểu sự can thiệp vào hoạt động kinh tế của chủ thể thị trường, và cần căn cứ theo các quy định quốc tế của thể chế thương mại đa phương để thực hiện thể chế kinh tế thị trường, thực hiện sự phát triển tự do của thể chế kinh tế trong môi trường lớn. Vì vậy, Chính phủ Hàn Quốc đã giao nhiều chức năng điều tiết kinh tế của chính phủ cho thể chế kinh tế thị trường tự hoàn thiện, xây dựng trật tự kinh tế và cơ cấu ngành nghề tự do cạnh tranh. Thể chế chủ đạo của Hàn Quốc đã có hiệu quả trong việc thúc đẩy kinh tế Hàn Quốc duy trì sự phát triển nhanh, nâng cao thực lực tổng hợp của quốc gia.

Từ sau thập niên 90 thế kỷ XX, cùng với việc điều chỉnh cơ cấu ngành nghề, một mặt các ngành nghề tập trung lao động kỹ thuật cao và kỹ thuật mũi nhọn của Hàn Quốc phát triển nhanh chóng, mặt khác, điều kiện cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như doanh nghiệp lớn ngày càng thành thục. Qua điều chỉnh cơ cấu ngành nghề, trình độ tích lũy tư bản và khai thác, phát triển kỹ thuật của các doanh nghiệp Hàn Quốc không ngừng tăng lên mạnh mẽ, các ngành nghề từng bước chuyển hóa từ ngành nghề vốn cố định cao sang ngành nghề tin học hóa, kỹ thuật cao, khiến cho Hàn Quốc nhanh chóng trở thành nước công nghiệp hóa mới nổi.

3. Sự phát triển theo hướng hiện đại hóa của Braxin

Tiến trình hiện đại hóa của Braxin bắt đầu từ sự sụp đổ của chế độ quân chủ và kết thúc của chế độ nô lệ vào cuối thập niên 80 thế kỷ XIX. Từ cuối thập niên 80 thế kỷ XIX đến thập niên 30 thế kỷ XX có thể coi là giai đoạn của phong trào Tây hóa. Phong trào Tây hóa chủ yếu thể hiện ở bốn phương diện: Một là, Braxin tham khảo chủ yếu từ Hiến pháp Mỹ để soạn thảo và công bố Hiến pháp mới năm 1891, thiết lập chế độ cộng hòa liên bang; hai là, theo đuổi chủ nghĩa tự do kinh tế, đẩy nhanh sự vận hành của mô hình xuất khẩu sản phẩm thô; ba là, mô phỏng mô hình công nghiệp hóa của Âu - Mỹ, thiết lập các doanh nghiệp kiểu phương Tây; bốn là, nỗ lực khuyến khích di dân sang các nước châu Âu. Phong trào Tây hóa là một sự nỗ lực của Braxin mong muốn thông qua mô phỏng chế độ chính trị và chế độ kinh tế của các nước phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ, đưa Braxin đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, để Braxin được đứng vào hàng ngũ các nước công nghiệp hóa, phong trào này đã đẩy nhanh tốc độ phát triển hiện đại hóa của Braxin.

Braxin thực sự phát triển thành quốc gia công nghiệp hóa mới nổi từ thập niên 60-70 thế kỷ XX. Trong thời gian này, quân đội Braxin phát động đảo chính quân sự, lật đổ chính phủ Goulart cấp tiến, thiết lập chính quyền quân sự. Trong thời gian quân đội nắm chính quyền, Braxin giương cao ngọn cờ “phát triển", với mục tiêu chủ yếu là thực hiện hiện đại hóa kinh tế, đề ra khẩu hiệu “đầu tư cao, tăng trưởng cao", "xuất khẩu là lối thoát", trên cơ sở Tây hóa, đưa công cuộc hiện đại hóa của Braxin lên một giai đoạn phát triển cao hơn, sâu sắc hơn. Về kinh tế, Braxin thực hiện "chuyên gia quản trị đất nước", tiếp tục đi theo con đường nhập khẩu thay thế công nghiệp hóa, tiến hành sự thay thế phức tạp các sản phẩm tiêu dùng tuổi thọ cao, sản phẩm trung gian và tư liệu sản xuất, tương đối chú trọng lợi dụng thị trường bên ngoài, khiến cho kinh tế Braxin xuất hiện tăng trưởng tốc độ cao và “kỳ tích kinh tế". Về chính trị, xây dựng chế độ tập quyền Trung ương cao độ, tạo môi trường chính trị, xã hội tương đối ổn định cho hiện đại hóa. Về chính sách xã hội, đề ra rõ ràng một loạt chính sách phúc lợi xã hội như lấy cải tạo đời sống cư dân làm mục tiêu, thực hiện chỉ số hóa vật giá, định kỳ điều chỉnh chế độ tiền lương tối thiểu... Về ngoại giao, từng bước chuyển từ chính sách ngoại giao truyền thống "tự động liên minh" với Mỹ sang phát triển ngoại giao đa nguyên. Thời kỳ này là giai đoạn nhảy vọt của phong trào Tây hóa của Braxin, trong đó, những năm 1968-1973 tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm của tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) vượt mức 10%, phá vỡ kỷ lục lịch sử của Braxin, cao hơn tốc độ phát triển của các nước khác trên thế giới lúc đó, được gọi là "kỳ tích Braxin".

Cuối thập niên 80 thế kỷ XX, việc ban hành Hiến pháp mới của Braxin đã xác lập chế độ dân chủ lấy chính sách công bằng xã hội làm chiến lược ưu tiên quản lý đất nước, Braxin bắt đầu tập trung vào giải quyết các vấn đề như phân phối thu nhập trong nước không công bằng và tội phạm bạo lực. Việc thực hiện kế hoạch Real (đơn vị tiền tệ của Braxin - ND) làm cho tình trạng lạm phát nghiêm trọng của Braxin được cải thiện rất lớn và đã hạ thấp được đỉnh cao của hệ số Gini, từng bước hình thành xã hội hình oval với tầng lớp trung lưu làm chủ đạo, đặt nền móng vững chắc cho Braxin trở thành thành viên nhóm BRICS sau này. Đồng thời, Braxin cũng chú trọng đầu tư và khai thác, phát triển lĩnh vực kỹ thuật sinh học và kỹ thuật năng lượng mới, coi trọng củng cố thị trường chung phía Nam, tăng cường quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Sự kết hợp của nhiều yếu tố đã tạo nên cục diện tốt đẹp cho sự phát triển hiện đại hóa của Braxin. Sau năm 2011, GDP của Braxin đã vượt Nga, trở thành nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới, là một trong những nước phát triển nhanh nhất toàn cầu và là nền kinh tế mới nổi toàn cầu.

4. Sự phát triển theo hướng đại hóa của Nam Phi

Hiện đại hóa của Nam Phi bắt đầu từ thập niên 60-80 thế kỷ XIX, đến đầu thế kỷ XXI đã trải qua lịch sử hơn 100 năm, Nam Phi trở thành nước có kinh tế phát triển nhất ở đại lục châu Phi.

Hiện đại hóa của Nam Phi thuộc loại hiện đại hóa với động lực là tài nguyên khoáng sản. Tiến trình công nghiệp hóa của Nam Phi bắt đầu từ việc phát hiện và khai thác kím cương, vàng vào nửa cuối thế kỷ XIX. Thông qua việc khai thác và xuất khẩu, tài nguyên khoáng sản quan trọng như kim cương, vàng, Nam Phi đã có được tích lũy nguyên thủy về vốn và lực lượng kỹ thuật nhất định, từng bước tiến tới công nghiệp hóa và hiện đại hóa toàn diện.

Trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai, nhằm đáp ứng nhu cầu của phe Đồng minh, Chính phủ Nam Phi nỗ lực phát triển công nghiệp quân nhu, kéo theo sự phát triển của lĩnh vực dân dụng như vật liệu xây dựng, hóa phẩm, máy móc, điện khí và dệt may. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ngành chế tạo của Nam Phi tiếp tục duy trì mức phát triển cao. Từ năm 1945 đến 1949, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm của ngành chế tạo Nam Phi là 9,1%. Đến năm 1960, tỷ trọng GDP của ngành chế tạo trong tổng mức GDP đã tăng lên 21%. Sau thập niên 60 thế kỳ XX, Nam Phi bắt đầu chú trọng vào phát triển ngành công nghiệp nặng như sản xuất ô tô, lọc dầu, thiết bị khai thác quặng, chế tạo máy móc và công nghiệp vũ khí, đồng thời cũng chú trọng đến công nghiệp kỹ thuật cao như máy tính, điện tử và năng lượng nguyên tử. Giữa thập niên 70 thế kỷ XX, thiết bị kỹ thuật công nghiệp của Nam Phi từ chỗ chủ yếu dựa vào nhập khẩu đã chuyển sang tự chế tạo và còn xuất khẩu ra bên ngoài, bao gồm thiết bị kỹ thuật của các lĩnh vực công trình, khai thác quặng, công nghiệp điện tử và công nghiệp hóa đầu. Giá trị sản phẩm công nghiệp chiếm hơn 36% GDP, đã hình thành hệ thống ngành công nghiệp hiện đại tương đối phát triển, có ngành sản xuất thứ ba và công nghiệp cơ bản tương đối hoàn thiện, trình độ phát triển của Nam Phi đứng vào hàng ngũ các nước phát triển trung bình thế giới..

Bước vào thập niên 80 thế kỷ XX, chế độ kinh tế nhị nguyên của Nam Phi (tức kinh tế công nghiệp hiện đại của người da trắng và kinh tế nông nghiệp chăn nuôi lạc hậu của người da màu) và chính sách chia rẽ dân tộc được thực hiện trong thời gian dài nhằm bảo vệ chế độ kinh tế nhị nguyên dẫn đến việc phải chiu những trừng phạt quốc tế ngày càng nghiêm trọng, khiến cho nền kinh tế Nam Phi chuyển từ phát triển sang đình trệ.

Những năm 90 thế kỷ XX, nước Nam Phi mới được thành lập là một điểm mốc quan trọng mang tính lịch sử trong tiến trình hiện đại hóa của Nam Phi. Cùng với việc nước Nam Phi mới được thành lập, cộng đồng quốc tế đã hủy bỏ cấm vận kinh tế với Nam Phi, đối kháng giữa Nam Phi với một bộ phận các quốc gia phía nam châu Phi cũng được loại bỏ, Nam Phi dần trở thành một thị trường mới nổi được cộng đồng quốc tế quan tâm rộng rãi. Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela và những người kế nhiệm đã lấy chấn hưng kinh tế làm mục tiêu, từng bước hình thành chiến lược trụ vững ở châu Phi, nhanh chóng hội nhập với sự phát triển quốc tế hóa toàn cầu, còn được gọi là chiến lược “mô hình bươm bướm”. Dưới sự chỉ đạo của chiến lược này, Nam Phi đã thông qua việc xây dựng cộng đồng phát triển (của) các nước phía Nam châu Phi và đề xướng “Kế hoạch phát triển đối tác châu Phi mới” (NEPAD) để thúc đẩy hợp tác về cơ sở hạ tầng các nước phía nam châu Phi cũng như toàn bộ lục địa châu Phi. Nam Phi đã thông qua đầu tư của các tổ chức tín dụng và khoáng sản lớn của Nam Phi để tăng cường tham gia sâu hơn vào lĩnh vực dịch vụ tín dụng và khai khoáng của châu Phi, tạo ra nhiều tác động tích cực, có tác dụng dẫn dắt sự phát triển của châu Phi[2]. Trong những năm gần đây, kinh tế Nam Phi dần xuất hiện các khó khăn như tình trạng tăng trưởng chậm, tỷ lệ thất nghiệp cao, hố ngăn cách giàu nghèo tăng, đồng thời phải đổi mặt với những vẫn đề như kết cấu cung cầu lao động mất cân bằng, kết cấu sản xuất phát triển bất cân đối, đầu tư nước ngoài không phù hợp với thâm hụt tài khoản vãng lai, và đã xuất hiện yêu cầu chuyển đổi mô hình kinh tế - xã hội. Nhưng về tổng thể, trong 20 năm thực hiện các thay đổi chính trị tại Nam Phi, kinh tế vĩ mô vẫn duy trì được thế mạnh tăng trưởng, kinh tế. xã hội đạt được các bước phát triển có tính cấu trúc, đồng thời thành công tham gia nhóm các nước BRICS, có địa vị quan trọng trong nền kinh tế thế giới, và địa vị quốc tế của Nam Phi cũng ngày càng được nâng cao.

5. Bài học kinh nghiệm và sự gợi ý từ con đường hiện đại hóa của các quốc gia mới nổi

Con đường hiện đại hóa của Ấn Độ, Hàn Quốc, Braxin và Nam Phi là bốn mô hình thực hiện hiện đại hóa điển hình của các quốc gia phát triển sau, kinh nghiệm và bài học trong quá trình tìm tòi hiện đại hóa của các quốc gia này đã đem đến những gọi ý cho việc hiện đại hóa phát triển của Trung Quốc như sau:

Thứ nhất về tăng cường ưu thế phát triển sau, khắc phục các bất lợi của phát triển sau, thúc đẩy kinh tế hiện đại hóa và cất cánh

Ưu thế phát triển sau là chỉ quá trình thực hiện hiện đại hóa của các nước đang phát triển, do có được “hình mẫu” từ bài học hiện đại hóa phát triển thành công của các quốc gia đi trước, cũng như có thể tận dụng các thành quả khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý kinh tế của các quốc gia đi trước, các quốc gia phát triển sau có ưu thế so với các nước phát triển trước trong thực hiện hiện đại hóa, tốc độ phát triển cũng sẽ nhanh hơn. Thực tiễn chứng minh, bốn quốc gia thị trường mới nổi đều kịp thời nắm bắt cơ hội hiện đại hóa, tự tin phát huy ưu thế của quốc gia phát triển sau, khắc phục các khó khăn của phát triển sau, thúc đẩy kinh tế hiện đại hóa và cất cánh. Đồng thời, bốn quốc gia thị trường mới nổi trong quá trình nắm chắc ưu thế phát triển sau cũng xuất hiện các đặc điểm khác nhau, như: quá trình hiện đại hóa của Ấn Độ lấy tư tưởng xã hội chủ nghĩa của “mô hình Nehru" làm cơ sở, chia làm ba giai đoạn, không ngừng mở rộng tự do hóa kinh tế và cải cách thành phần kinh tế nhà nước, không ngừng phát triển kinh tế tư nhân; Hàn Quốc nhấn mạnh vị trí cốt lôi của kinh tế trong quá trình phát triển đất nước, cho rằng việc lấy “chủ nghĩa kinh tế là số 1” là nguyên tắc cao nhất trong xây dụng kinh tế của đại bộ phận các quốc gia khu vực Đông Á, đồng thời cũng bảo đảm quỹ đạo nhảy vọt của hiện đại hóa Hàn Quốc; Braxin từng trải qua quá trình phát triển với các động thái chuyến từ xã hội truyền thống khép kín và bảo thủ sang dựa vào các nước phát triển phương Tây sau khi mở của đất nước, sau đó phát triển lên từ sự phụ thuộc, cuối cùng là đạt tới sự tự chủ trong phát triển, mở cửa; quá trình hiện đại hóa của Nam Phi cũng cho thấy sự chuyển đổi từ phụ thuộc sang tự chủ phát triển, trong đó, quá trình phát triển này có mối liên hệ rất lớn với yếu tổ nội lực và đặc trưng văn hóa của Nam Phi.

Thứ hai, cần tận dụng tối đa hai thị trường và hai nguồn tài nguyên quốc tế và quốc nội, thúc đẩy hiện đại hóa kinh tế bản địa vì hiện đại hóa kinh tế hướng ngoại cùng phát triển

Điểm mấu chốt để bốn quốc gia thị trường mới nổi phát triển được không chỉ ở chỗ họ có thể tìm ra và tận dụng các nguồn tài nguyên tiềm năng của chính mình, mà còn do họ có khả năng tìm tòi và tận dụng các nguồn tài nguyên quốc tế, cũng như từng bước hướng tới việc dựa vào vốn và kỹ thuật để tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới. Trong quy trình phát triển công nghiệp hóa, họ đã sử dụng tốt hai thị trường và hai nguồn tài nguyên quốc tế và quốc nội, cố gắng tránh phương thức phát triển dựa hoàn toàn vào nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình để tận dụng vốn quốc tế.

Đồng thời, bốn quốc gia thị trường mới nổi đều rất quan tâm tới việc đồng thời phát triển hiện đại hóa kinh tế bản địa và hiện đại hóa kinh tế hướng ngoại. Hiện đại hóa kinh tế bản địa là xương sống của kinh tế quốc gia và khu vực. Nếu không có sự hiện đại hóa mạnh mẽ nền kinh tế bản địa thì trong môi trường hiện đại hóa kinh tế nhiều biến động của thế giới sẽ không có cơ sở để phát triển hiện đại hóa kinh tế nội sinh của đất nước hoặc khu vực. Đồng thời, nếu như không mở cửa đối ngoại sẽ không thu hút được kỹ thuật tiên tiến, trang bị của nước ngoài, cũng như không tận dụng được nguồn vốn nước ngoài, dẫn tới việc hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân không thể thực hiện tăng trưởng tốc độ cao, cũng như không có lợi cho việc phát triển mạnh hiện đại hóa kinh tế bản địa.

Việc học hỏi kinh nghiệm của bốn quốc gia thị trường mới nổi, nắm chắc quan hệ của cả hai thị trường quốc tế và quốc nội, tận dụng tốt hai nguồn tài nguyên quốc tế và quốc nội, dưới tiền đề kiên trì độc lập và tự chủ, nắm chắc mạch phát triển của thời đại, tăng cường mở cửa hợp tác quốc tế, nhanh chóng thực hiện hiện đại hóa tốc độ cao.

Thứ ba, Chính phủ tiến hành can thiệp một cách khoa học, hợp lý đối với tiến trình hiện đại hóa

Bốn quốc gia thị trường mới nổi trong quá trình hiện đại hóa đều chú trọng phát huy vai trò của nhà nước, tăng cường và tối ưu hóa chức năng can thiệp vào nền kinh tế của nhà nước, quy hoạch và chỉ đạo đối với toàn bộ quá trình hiện đại hóa của đất nước. Ví dụ, Chính phủ Ấn Độ thành lập Ủy ban kế hoạch nhà nước năm 1950, từ năm 1951 bắt đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ nhất. Trong mỗi kế hoạch 5 năm, Chính phủ Ấn Độ đều định ra mục tiêu cơ bản trong phát triển kinh tế - xã hội và chỉ tiêu cụ thể của phát triển kinh tế. Nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và chỉ tiêu phát triển kinh tế, Chính phủ Ấn Độ thực hiện kế hoạch mang tính mệnh lệnh đối với các bộ, ngành kinh tế công hữu, thực thi kế hoạch mang tỉnh chỉ đạo đối với kinh tế tư doanh có tổ chức, thực hiện điều tiết thị trường đối với kinh tế tư doanh khác. Từ thập niên 50 thế kỷ XX, Hàn Quốc bắt đầu liên tục hoạch định các kế hoạch phát triển với các thời hạn khác nhau, đồng thời xác định các ngành nghề được ưu tiên phát triển ở các thời kỳ khác nhau, định hướng đầu tư cho nguồn vốn tư nhân. Đầu thập niên 60 thế kỷ XX, Hàn Quốc đưa ra mục tiêu công nghiệp hóa, thực hiện chiến lược “xuất khẩu hàng đầu". Thập niên 70 thế kỷ XX, Hàn Quốc lại căn cứ vào sự thay đổi của tỉnh hình để thực hiện từng bước chiến lược công nghiệp nặng hóa[3]. Braxin cũng hoạch định quy hoạch 5 năm, khung phát triển và kế hoạch phát triển ngành nghề.

Đồng thời, chính phủ bốn nước mới nổi đã định hướng phân bố nguồn lực thông qua các biện pháp chính sách. Chính phủ thường dùng chính sách ngành nghề rõ ràng để chỉ đạo định hướng phân bố nguồn lực, đồng thời thông qua các biện pháp chính sách kinh tế vĩ mô khác và pháp luật, pháp lệnh khác để điều tiết và bảo đảm mô hình phát triển vốn có. Ví dụ, thập niên 60 thế kỷ XX, sau khi kinh tế Đông Á chuyển sang giai đoạn hướng tới xuất khẩu, Chính phủ Hàn Quốc cung cấp khoản vay và thu thuế ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu, thông qua điều chỉnh tỷ giá hối đoái để kích thích xuất khẩu, đồng thời xây dựng và thông qua Luật doanh nghiệp vửa và nhỏ, Luật hạn chế độc quyền, Luật quản lý ngoại hối, Luật đầu tư nước ngoài, v.v. để bảo đảm, duy trì sự vận hành bình thường của thị trường. Braxin thông qua chính sách bảo hộ thuế quan và quản lý ngoại hối để hạn chế nhập khẩu thành phẩm của nước ngoài có tính cạnh tranh với sản phẩm trong nước, chính sách ưu đãi và tỷ giá hối đoái nhập khẩu đặc thù để khuyến khích các ngành nhập khẩu thay thế nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu và sản phẩm trung gian.

Nhìn chung về sự lớn mạnh và trưởng thành của các nền kinh tế mới nổi thì tất cả các nước này thực hiện hiện đại hóa kinh tế tương đối thành công, ít phải đi đường vòng nhờ đã hoạch định được kế hoạch phát triển phù hợp với tình hình trong nước. Muốn thực hiện mục tiêu phát triển, hiện đại hóa thì cũng cần phải hoạch định quy hoạch phát triển, hiện đại hóa theo từng giai đoạn một cách khoa học, phù hợp với tình hình trong nước, hoàn thành sứ mệnh lịch sử hiện đại hóa theo từng giai đoạn, từng bước. Đồng thời, phải làm tốt hơn sự tham gia của chính phủ đối với tiến trình hiện đại hóa, giải quyết tốt mối quan hệ giữa chính phủ và doanh nghiệp, chính phủ và thị trường, chính phủ và xã hội, chuyển đổi chức năng chính phủ, nỗ lực bồi dưỡng và phát triển thị trường, thực sự phát huy vai trò quyết định của thị trường trong phân bổ nguồn lực, tích cực thúc đẩy nâng cấp cơ cấu ngành nghề. Sự can thiệp của chính phủ đối với các nhân tố phi kinh tế cần phải nhằm đúng lĩnh vực và đổi tượng trọng điểm, nắm bắt những vấn đề quan trọng lâu dài và liên quan đến toàn cục, đặc biệt là cần chú trọng phát triển giáo dục và khoa học kỹ thuật, bồi dưỡng tư duy và năng lực đổi mới, sáng tạo cho người dân. Tăng cường xây dựng chính phủ, tạo ra môi trường tốt đẹp, trong sạch, công bằng cho phát triển kinh tế thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội.

Thứ tư, cần phát huy vai trò tích cực của văn hóa truyền thống đối với hiện đại hóa

Tổng quan tiến trình hiện đại hóa của Ấn Độ, Hàn Quốc, Braxin và Nam Phi cho thấy, văn hóa truyền thống có ảnh hưởng sâu sắc đối với con đường hiện đại hóa của các nước này. Ấn Độ thuộc vòng văn hóa Phật giáo điển hình châu Á, Hàn Quốc thuộc vòng văn hóa Nho giáo điển hình châu Á, Braxin thuộc vòng văn hóa Cơ đốc giáo điển hình Mỹ Latinh, còn Nam Phi lại thuộc vòng văn hóa châu Phi tiếp nhận tương đối đây đủ ảnh hưởng văn hóa phương Tây. Bốn quốc gia tuy thuộc bốn vòng văn hóa khác nhau, song bối cảnh văn hóa này lại có sức ảnh hưởng giống nhau đối với sự phát triển của các nước. Một là tính luân lý, mở rộng quy phạm luân lý gia đình sang lĩnh vục chính trị, kinh tế, để quyền lợi, nghĩa vụ thông qua văn hóa truyền thống mà tạo dựng một quy phạm phổ biến cho quan hệ xã hội. Quy phạm luân lý này có lợi cho sự hài hòa, ổn định của xã hội; hai là tính đa dạng. Bốn nước đều có tín ngưỡng tôn giáo và truyền thống văn hóa của riêng mình, giúp ích cho việc các nước này lựa chọn mô hình hiện đại hóa phù hợp với tình hình trong nước; ba là tính hòa nhập, bốn nền văn hóa có tính hòa nhập rất lớn, mỗi lần dân tộc ngoại lai xâm nhập đều đem lại những thành phần khác nhau cho bốn nền văn hóa này, văn hóa bên ngoài và văn hóa bản địa hòa vào một, làm cho nó không ngừng phong phú, sáng tạo[4].

Cần có sự kết hợp giữa các thành phần ưu tú trong văn hóa truyền thống với văn hóa tiên tiến sẽ kích thích hiệu quả sức sống và sức sáng tạo của dân tộc, làm cho văn hóa truyền thống trở thành lực lượng nền tảng trong phát triển hiện đại hóa đất nước.

 


[1] Nghê Hợp Kim: “Đặc trưng phát triển kinh tế của Hàn Quốc vàn những gợi ý”, Tạp chí Đại học Công nghiệp An Huy (Bản Khoa học xã hội), kỳ 4, 2007.

[2] Dương Lập Hoa: “Kinh tế Nam Phi- hướng mắt tới Châu Phi để mưu cầu phát triển”, Tạp chí Tây Á- Phi Châu, kỳ 6, 2005.

[3] Trác Niên Tường, Hạng Quang Cần: "Vai trò chủ đạo của chính phủ trong tiến trình hiện đại hóa của các nước phát triển sau", Học báo Đại học Ân Huy (Bản Khoa học xã hội triết học), kỳ 1, 2008.

[4] Vương Hồng Bân: "So sánh và học tập: Tìm tòi mô hình hiện đại hóa của các nước đang phát triển”, Tạp chí Hiện đại hóa quản lý, số 51/2005.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành