Thứ sáu, 19 Tháng 7 2024 04:34

Phân tích đánh giá tiến trình hiện đại hóa của các nước chuyển đổi thể chế kinh tế

Các quốc gia chuyển đổi mô hình được đề cập ở đây là chỉ các nước trước đây đã từng xây dựng thể chế kinh tế kế hoạch trong thời gian dài nhưng đã hoặc đang chuyển sang thể chế kinh tế thị trường, chủ yếu bao gồm Liên Xô, các nước Đông Âu và Trung Quốc đại lục. Bài viết này sẽ trình bày sự hình thành, đặc trưng của thể chế kinh tế kế hoạch và sự khác biệt chủ yếu trong phương thức chuyển đổi mô hình kinh tế của các nước này. Nói một cách đơn giản, do điều kiện lịch sử và tình hình trong nước không giống nhau giữa Liên Xô, Đông Âu và Trung Quốc nên thể chế kinh tế kế hoạch của các nước này có sự khác biệt, cuối cùng đi những con đường chuyển đổi mô hình cũng khác nhau. Đi vào phân tích cụ thể, có thể xem xét ở các khía cạnh sau:

1. Quá trình hiện đại hóa của các nước chuyển đổi thể chế kinh tế thế: Công nghiệp hóa và kinh tế kế hoạch

Trước hết, nhìn lại quá trình hình thành thể chế kinh tế kế hoạch của Liên Xô, Đông Âu và Trung Quốc, trên cơ sở đó tổng kết đặc trưng và khiếm khuyết của các thể chế kinh tế kế hoạch của các nước này.

Thứ nhất, về chính trị, thành lập chính quyền thông qua cách mạng, về kinh tế, thực hiện bắt buộc công nghiệp hóa

Nửa đầu thế kỷ XX, lấy Đông Âu và châu Á làm trung tâm, nhiều nơi trên thế giới lần lượt thành lập các quốc gia xã hội chủ nghĩa. Xét về thời gian, chính quyền xã hội chủ nghĩa thành lập sớm nhất là Liên Xô. Đa số các nước xã hội chủ nghĩa khác được thành lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hơn nữa việc thành lập những chính quyền xã hội chủ nghĩa này ít nhiều đều chịu ảnh hưởng hoặc bắt nguồn từ Liên Xô. Ảnh hưởng từ mô hình Liên Xô, những nước xã hội chủ nghĩa trong một thời gian dài sau khi thành lập đều áp dụng thể chế kinh tế kế hoạch, nhưng sau đó ngoại trừ một số ít nước như Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, đa số các nước khác đều tiến hành chuyển đổi mô hình sang thể chế kinh tế thị trường. Vì vậy, có thể gọi tắt các nước này là các nước chuyển đổi mô hình.

Trong lịch sử, sự hình thành nền kinh tế thị trường thông thường là kết quả của sự biến đổi dần dần về chế độ, có thể coi là một loại thể chế kinh tế hàng hóa cao cấp hình thành tự nhiên theo sự phát triển của nền kinh tế. Điều hình thành sự so sánh rõ rệt với thể chế này là, việc thiết lập thể chế kinh tế kế hoạch ở các nước chuyển đổi mô hình thường không phải là kết quả của sự thay đổi kiểu tiệm tiến về chế độ ở nước đó, mà là một loại thế chế kinh tế được hình thành sau khi chính quyền xã hội chủ nghĩa được thành lập thông qua bạo lực cách mạng hoặc can thiệp từ bên ngoài, thực hiện theo phương thức can thiệp chính trị bắt buộc. Sở dĩ Liên Xô và các nước chuyển đổi mô hình khác sẽ lựa chọn thể chế kinh tế kế hoạch Trung ương, một mặt là vì về lý luận, lý luận chủ nghĩa Mác mà chính quyền các nước này dựa vào dự báo chủ nghĩa xã hội sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản, và kinh tế kế hoạch cũng sẽ thay thế kinh tế thị trường; mặt khác là do trong thực tiễn, khủng hoảng kinh tế xảy ra nhiều lần và chiến tranh thế giới khiến lãnh đạo các nước chuyển đổi mô hình càng tin tưởng rằng chủ nghĩa tư bản và thể chế thị trường kèm theo nó đã có xu hướng suy tàn.

Xét về hình thái kinh tế, đa số quốc gia chuyển đổi mô hình đều thành lập chính quyền xã hội chủ nghĩa trên nền tảng xã hội nông nghiệp, tức là nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nền kinh tế quốc dân, và chưa trải qua công nghiệp hóa đầy đủ. Vì vậy, sau khi thành lập chính quyền xã hội chủ nghĩa, chính phủ một số nước tự phát hiện ra rằng cơ sở công nghiệp nước mình quá yếu kém, vừa không có lợi cho phát triển kinh tế, vừa không có lợi cho việc thực hiện thể chế kinh tế kế hoạch Trung ương. Vì vậy, đồng thời với việc hình thành thể chế kinh tế kế hoạch, các nước chuyển đổi mô hình này thường còn áp dụng biện pháp bắt buộc công nghiệp hóa để tăng tốc phát triển của công nghiệp. Những biện pháp này tuy khiến cho nhiều quốc gia chuyển đổi mô hình trong thời gian rất ngắn đã cùng cổ vững chắc nền tảng công nghiệp, tạo nền móng tốt đẹp cho sự sinh tồn và phát triển của chính phủ và quốc gia theo mô hình mới.

Song, ở mức độ nhất định cũng đã làm tổn hại đến ngành nông nghiệp của nước đó, một số nước đã tạo ra hậu quả bất lợi như nạn đói nảy sinh.

Như vậy, sự hình thành chế độ xã hội chủ nghĩa có thể khái quát đơn giản thành cách mạng về chính trị, bắt buộc về kinh tế nhằm thực hiện công nghiệp hóa và thể chế kế hoạch. Đương nhiên, việc hình thành chế độ xã hội chủ nghĩa của các nước xã hội chủ nghĩa khác nhau có đặc điểm không giống nhau, Dưới đây là ba ví dụ điển hình gồm Liên Xô, Đông Âu và Trung Quốc đại lục.

Đối với quá trình hình thành thể chế kinh tế kế hoạch của Liên Xô

Sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, Liên Xô đã thành lập nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên. Thời kỳ đầu mới thành lập, trước áp lực của thế lực phản đối trong và ngoài nước cũng như những khó khăn trong nội bộ, Liên Xô đã thực hiện chính sách cộng sản chủ nghĩa thời chiến trong một thời gian, bao gồm chế độ thu gom lương thực thừa, quốc hữu hóa doanh nghiệp, chế độ phân phối hiện vật và chế độ nghĩa vụ lao động. Những chính sách này ở mức độ nhất định đã tác động đến tính tích cực trong sản xuất của người dân, gây tổn hại lớn đến nền kinh tế của Liên Xô. Nhằm phục hồi kinh tế, năm 1921, chính quyền Xô-viết do Lênin lãnh đạo quyết định thực hiện Chính sách kinh tế mới (NEP), nội dung chủ yếu gồm: về nông nghiệp, thay thế chế độ trưng thu lương thực thửa bằng thu thuế lương thực, đồng thời cho phép tự do giao dịch lương thực thừa; về công nghiệp, cho phép một số doanh nghiệp nhà nước chuyển sang chế độ tự hạch toán kinh tế, khuyến khích tư bản nước ngoài đầu tư kinh doanh ở Liên Xô và khuyến khích doanh nghiệp tư nhân hoạt động; thực hiện giao dịch tự do trong lưu thông hàng hóa, thừa nhận vai trò của thị trường. Những biện pháp này đã tăng cường mạnh mẽ sức sống cho nền kinh tế, làm cho nền kinh tế Liên Xô được phục hồi. Liên Xô do Xtalin lãnh đạo tuy vẫn thực hiện Chính sách kinh tế mới trong một thời gian, song đã từng bước bắt đầu thiết lập hệ thống kinh tế kế hoạch tập quyền Trung ương, nội dung chủ yếu có thể khái quát đơn giản là: về chiến lược phát triển kinh tế, đấy nhanh công nghiệp hóa, tập thể hóa nông nghiệp và quốc hữu hóa doanh nghiệp; về phân phối tài nguyên, sử dụng mệnh lệnh kế hoạch thay thế thị trường. Việc hoàn thành Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất năm 1929-1933 đánh dấu sự hình thành chính thức của thể chế kinh tế kế hoạch Trung ương, thể chế kinh tế này đã duy trì được tính ổn định tương đối trong hơn 50 năm sau đó.

Đối với quá trình hình thành thể chế kinh tế kế hoạch của các nước Đông Âu

Việc thiết lập thể chế chính trị và kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu chịu ảnh hưởng rất lớn từ Liên Xô. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc trên chiến trường châu Âu, quân đội Liên Xô chiếm lĩnh các nước Đông Âu như Đông Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hunggari, Bungari, Anbani và giúp đỡ các nước này thành lập chính quyền xã hội chủ nghĩa sau chiến tranh. Do sự đối lập về hình thái ý thức giữa phe tư bản chủ nghĩa và phe xã hội chủ nghĩa, các nước này tuy có chủ quyền của mình song đều dựa vào Liên Xô về quân sự, thể chế chính trị và chính sách ngoại giao cơ bản là giống nhau, gần như rập khuôn về thể chế kinh tế, từng bước xây dựng thể chế kinh tế kế hoạch Trung ương giống như Liên Xô. Mô hình kinh tế chính trị thống nhất này thường được gọi là mô hình Xtalin. Biểu hiện của nó là: về chính trị, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô “buộc” các nước Đông Âu phải quá độ từ thể chế liên hợp đa đảng thời kỳ đầu sau chiến tranh sang chính quyền chế độ một đảng cộng sản, đạt được mục đích tăng cường kiểm soát, chi phối các đảng cộng sản ở các nước Đông Âu; về kinh tế, năm 1949 Liên Xô thành lập “Hội đồng Tương trợ kinh tế", thông qua điều tiết mục tiêu và kế hoạch của các nước, mở rộng thể chế kinh tế kế hoạch của Liên Xô sang các nước Đông Âu. Đồng thời, thông qua các biện pháp như điều tiết phân công quốc tế, kiểm soát cung cấp nguyên vật liệu, thành lập tổ chức kinh tế xuyên biên giới,... để tăng cường kiểm soát kinh tế của các nước Đông Âu.

Trong quá trình thể chế kinh tế kế hoạch chuyển dịch từ Liên Xô sang Đông Âu, phần lớn các nước Đông Âu đều trải qua quá trình quốc hữu hóa công nghiệp trước, đến năm 1949 hoặc 1950 mới bắt đầu thực hiện kế hoạch 5 năm, thiết lập thể chế quản lý tầng tầng lớp lớp từ Trung ương tới địa phương. Trong khi phát triển công nghiệp các nước Đông Âu, Liên Xô thường không quan tâm đến tình hình cụ thể của các nước khác nhau, mà buộc các nước này phải theo cách làm ưu tiên phát triển công nghiệp nặng của Liên Xô, đồng thời tiến hành hợp tác hóa và tập thể hóa trong nông nghiệp. Trong đó, một số biện pháp do xa rời tình hình cụ thể trong nước nên đã gây ra một số hậu quả xấu và vấp phải sự chống đối của một số nước. Ví dụ, năm 1956, Ba Lan quyết định trả một số đất đai đã tập thể hóa cho cá thể trồng trọt.

Đối với quá trình hình thành thể chế kinh tế kế hoạch của Trung Quốc

Giống như các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, chế độ kinh tế và chính trị xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng từ Liên Xô. Việc hình thành thể chế kinh tế kế hoạch đã tham khảo, thậm chí bắt chước rất nhiều kinh nghiệm và việc thiết lập chế độ của Liên Xô. Song so với rất nhiều nước Đông Âu, chế độ kinh tế - xã hội của Trung Quốc thể hiện tính độc lập rõ hơn.

Trước hết, Liên Xô không trực tiếp thông qua vũ trang để giúp đỡ Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập chính quyền xã hội chủ nghĩa, điều này khiến cho mức độ phụ thuộc của Chính phủ Trung Quốc vào Liên Xô ít hơn so với các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Hơn nữa, tình hình trong nước của Trung Quốc và Liên Xô rất khác nhau, ví dụ như dân số của Trung Quốc lớn hơn rất nhiều các nước chuyển đổi mô hình khác, trình độ công nghiệp hóa và phát triển kinh tế cũng lạc hậu hơn. Những đặc điểm này khiến cho thể chế kinh tế cụ thể mà Trung Quốc áp dụng có sự khác biệt lớn so với Liên Xô.

Năm 1949, sau khi nước Trung Quốc mới thành lập, việc hình thành thể chế kinh tế kế hoạch của Trung Quốc đại thể trải qua hai giai đoạn. Từ tháng 10/1949 đến tháng 8/1952 là giai đoạn chuẩn bị của thể chế kinh tế kế hoạch. Trong giai đoạn này, Chính phủ Trung Quốc thông qua tịch thu tư bản bằng mệnh lệnh hành chính để bước đầu xây dựng nền công nghiệp quốc hữu, song vẫn áp dụng chính sách thừa nhận và bảo hộ tư bản tư nhân. Từ tháng 8/1952 đến tháng 12/1956 là giai đoạn hình thành của thể chế kinh tế kế hoạch. Trong giai đoạn này, thông qua cải tạo nông nghiệp và công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa, về cơ bản Trung Quốc đã hoàn thành thay đổi chế độ sở hữu lấy chế độ công hữu thay thế cho chế độ tư hữu ở cấp độ quốc gia. Đồng thời, trong Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã bước đầu hình thành được thể chế kinh tế mệnh lệnh kế hoạch. Do dân số đông, quản lý khó khăn nên một đặc điểm khác giữa thể chế kế hoạch của Trung Quốc và Liên Xô là quyền lực kinh tế không tập trung toàn bộ vào Trung ương, mà chia một phần quyền lực xuống địa phương để động viên tốt hơn tính tích cục của địa phương. Do trình độ của lực lượng sản xuất tương đổi lạc hậu, thể chế kinh tế kế hoạch của Trung Quốc trong khi nhấn mạnh quản lý kế hoạch là chủ yếu vẫn coi trọng quản lý của thị trường hóa, phát huy thích đáng vai trò của cơ chế thị trường và quy luật giá trị, ví dụ như cho phép cá nhân kinh doanh tạp hóa thường ngày và thực phẩm như rau quả bằng hình thức mở cửa hàng nhỏ.

2. Đặc trưng cơ bản của thể chế kinh tế ở các nước chuyển đổi mô hình

Thể chế kinh tế cụ thể của các nước chuyển đổi mô hình tuy có sự khác biệt, song đều lấy mô hình Xtalin làm khung cơ bản, đặc trưng cơ bản thống nhất với nhau.

Thứ nhất, nhà hoạch định kế hoạch xã hội (chính phủ Trung ương) có vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế của đất nước. Các chủ thể kinh tế khác như cá nhân, doanh nghiệp, v.v. đều tiến hành các hoạt động kinh tế dưới sự chỉ đạo của nhà hoạch định kế hoạch xã hội.

Thứ hai, về chế độ sở hữu, các nước chuyển đổi mô hình lấy chế độ công hữu (sở hữu nhà nước) làm chính, các thành phần chế độ sở hữu khác chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Trong chủ thể kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước chiếm địa vị chủ đạo, ở khu vực nông thôn còn có một bộ phận chủ thể kinh tế tập thể.

Thứ ba, về phân phối tài nguyên, chủ yếu áp dụng kế hoạch và mệnh lệnh từ trên xuống dưới để điều tiết hoạt động kinh tế, quyền quyết sách kinh tế tập trung cao độ. Đồng thời, vai trò của thị trường và giá cả trong phân phối tài nguyên bị khống chế rõ ràng.

Thứ tư, về phân phối thu nhập, lấy phân phối theo lao động làm chính, các phương thức phân phối khác hỗ trợ. So với phương thức phân phối thị trường truyền thống, thu nhập (bao gồm lợi nhuận, lợi tức, thuế đất) từ vốn và tài nguyên (đất đai, v.v.) bị hạn chế rất lớn.

3. Khiếm khuyết nội tại của thể chế kinh tế kế hoạch

Ý định ban đầu khi hình thành thể chế kinh tế kế hoạch là khắc phục một số khuyết điểm tiềm tàng của kinh tế thị trường, như khủng hoảng kinh tế mang tính chu kỳ do chênh lệch giàu nghèo lớn và sản xuất quá phân tán đem lại. Trong từng giai đoạn lịch sử, thể chế kinh tế kế hoạch có lợi cho nhà nước trong việc điều động và tập trung nhân lực, vật lực, thực hiện tích lũy nhanh về kinh tế và công nghiệp hóa trong thời gian ngắn. Song bản thân thể chế kinh tế kế hoạch cũng tồn tại một số khiếm khuyết nghiêm trọng, chủ yếu ở những phương diện sau:

Thứ nhất, tính phức tạp và không khả thi của kế hoạch. Trong kinh tế thị trường, mỗi một nhà máy và người tiêu dùng đều quyết định số lượng sản xuất và tiêu dùng, việc sản xuất và phân phối sản phẩm do giá cả điều chỉnh. Ý tưởng ban đầu của thể chế kinh tế kế hoạch là dùng phương thức kế hoạch của nhà nước để xác định sản xuất và phân phối trong nền kinh tế: Mỗi loại sản phẩm do nhà nào sản xuất, số lượng sản xuất lần lượt là bao nhiêu, quá trình sản xuất cần tiêu hao bao nhiêu yếu tố sản xuất, sản phẩm phân phối cho mỗi người tiêu dùng là bao nhiêu, việc định giá mỗi loại sản phẩm và tiền lương của mỗi công nhân như thế nào, v.v.. Song, tổng lượng sản phẩm của một quốc gia là vô cùng lớn, mà việc sản xuất và phân phối các loại sản phẩm và yếu tố sản xuất là một chỉnh thể cần có sự điều tiết lẫn nhau, muốn dùng phương pháp kế hoạch để thực hiện sản xuất và phân phối là một việc vô cùng phức tạp, thậm chí không có khả năng thực hiện. Ngoài ra, tính phức tạp của kế hoạch còn khiến cho nền kinh tế kế hoạch khi đối diện với những tác động từ bên ngoài sẽ khó có thể điều chỉnh nhanh chóng, mà chỉ có thông qua quá trình tương đối chậm chạp để hoạch định lại kế hoạch sản xuất và phân phối.

Thứ hai, thiếu cơ chế khuyến khích đầy đủ. Vấn đề thường bị chỉ trích của kinh tế thị trường là kinh tế thị trường thường dẫn đến khoảng cách giàu nghèo quá lớn, trong khi đó, một đặc điểm của thể chế kinh tế kế hoạch là chênh lệch giàu nghèo tương đổi nhỏ. Song đồng thời, sự tưởng chừng như công bằng này lại phải trả giá rất đắt, mức thu nhập quá quân bình đã tác động mạnh mẽ đến động cơ nỗ lực của cá nhân, nói cách khác, thiếu sự khích lệ đầy đủ nhằm khuyến khích mọi người tạo ra tài sản. Điều này dẫn đến năng suất lao động, số lượng đầu tư tư nhân, sức sáng tạo, v.v. trong kinh tế kế hoạch tương đối thấp, gây tổn hại nghiêm trọng đến hiệu quả và sức sống của nền kinh tế, cản trở kinh tế phát triển.

Thứ ba, thể chế kinh tế kế hoạch khó có thể phân phối tài nguyên có hiệu quả, dễ tạo nên sự mất cân bằng cung cầu, đặc biệt là sự thiếu hụt. Xét về lý luận, thị trường và kế hoạch đều là phương thức phân phối tài nguyên (bao gồm yếu tố sản xuất và sản phẩm). Trong đó, thị trường phân phối tài nguyên theo giá cả, mỗi một chủ thể kinh tế đều quyết định thu mua hoặc cung cấp bao nhiêu yếu tố sản xuất và sản phẩm theo giá cả quy định sẵn. Còn kế hoạch lại thông qua mệnh lệnh để điều chỉnh tài nguyên, kế hoạch do chính phủ thông qua trước đó quyết định số lượng yếu tố sản xuất và sản phẩm của mỗi doanh nghiệp cũng như số lượng tiêu dùng của mỗi gia đình. Thông thường, thị trường là phương thức phân phối tài nguyên khá hiệu quả, cho dù cục bộ có thể xảy ra tình trạng cung cầu tạm thời không cân bằng (tương đối phổ biến là khi khủng hoảng kinh tế thường tồn tại tình trạng cầu không đủ, hay sản phẩm dư thừa), cũng có thể nhanh chóng thông qua điều chỉnh giá cả để cân bằng lại cung cầu và phân phối hợp lý tài nguyên. Song phương thức phân phối tài nguyên của kế hoạch lại thường dẫn đến mất cân bằng cung cầu, đặc biệt là dễ tạo nên tình trạng sản lượng sản phẩm ít hơn nhu cầu, tức là thiếu hụt. Trước cải cách mở cửa, Trung Quốc thường sử dụng tem thu mua phân phối sản phẩm như phiếu lương thực là một ví dụ của sự thiếu hụt,

Về nguyên nhân dẫn tới thiếu hụt của nền kinh tế kế hoạch, các nhà kinh tế học thường đưa ra ba cách lý giải khác nhau. Cách giải thích đầu tiên là, sự khuyến khích sản xuất và phân phối đã nêu ở trên không đủ, dẫn đến số lượng sản phẩm sản xuất thực tế có thể sẽ ít hơn với kế hoạch sản xuất ban đầu, từ đó mà ít hơn nhu cầu xã hội và tạo nên sự thiếu hụt. Vấn đề của cách giải thích này là, tuy nó có thể nói rõ vì sao sản phẩm bị thiếu hụt tạm thời, song không thể giải thích hiện tượng thiếu hụt duy trì trong thời gian dài, bởi nhà hoạch định kế hoạch Trung ương, sau khi quan sát thấy hiện tượng thiếu hụt, hoàn toàn có thể tăng cường cung cấp sản phẩm đầy đủ nhằm bổ sung cho nhu cầu bị thiếu hụt trong kế hoạch sản xuất sau đó. Cách giải thích thứ hai là, khi xây dựng đất nước theo thể chế kinh tế kế hoạch, cơ sở công nghiệp hóa hầu hết tương đối yếu kém, vì vậy để tích lũy công nghiệp nhanh hơn, người ta đã hạ thấp tỷ lệ của hàng tiêu dùng trong kế hoạch sản xuất, từ đó dẫn đến thiếu hụt sản phẩm tiêu dùng. Hạn chế của cách giải thích này là không thể giải thích được vì sao sau khi một nước kinh tế kế hoạch đã hoàn thành công nghiệp hóa vẫn sẽ có hiện tượng thiếu hụt. Cách giải thích thứ ba do học giả người Hungari Kornai đưa ra, ông cho rằng hiện tượng thiếu hụt trong kinh tế kế hoạch là do ràng buộc mềm thường có trong dự toán của doanh nghiệp công hữu dẫn đến. Cuối cùng, kinh tế kế hoạch dẫn đến đơn nhất hóa sản phẩm. Một đặc trưng của kinh tế thị trường là cạnh tranh thị trường đầy đủ, một loại sản phẩm thường do rất nhiều nhà máy khác nhau cùng tiến hành sản xuất. Những nhà máy này nhằm tránh cạnh tranh quá khốc liệt sẽ cố gắng làm cho sản phẩm của mình có đặc sắc khác với những sản phẩm khác. Điều này thúc đẩy đa dạng hóa sản phẩm, tăng thêm lựa chọn và quyền lợi cho người tiêu dùng, đồng thời nâng cao mức độ phúc lợi của người tiêu dùng. So với kinh tế thị trường, trong thể chế kinh tế kế hoạch, nhà máy chỉ tiếp nhận mệnh lệnh để sản xuất một số sản phẩm nào đó, hơn nữa do sản phẩm thường xuyên thiếu hụt, nên không có đủ động lực để nghiên cứu sản phẩm đặc sắc. Điều này dẫn đến khiếm khuyết đơn nhất hóa sản phẩm trong kinh tế kẽ hoạch.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành