Thứ ba, 23 Tháng 7 2024 08:33

Phân tích vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong mục tiêu phát triển bền vững từ bài học của các nước trên thế giới

1. Kinh nghiệm của Nhật Bản trong ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Quan điểm của Chính phủ Nhật Bản về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) được thể hiện trong nội dung của Lộ trình khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thực hiện SDG của Nhật Bản.

Lộ trình này được Chính phủ Nhật Bản xây dựng vào năm 2019. Lộ trình chỉ rõ Chính phủ Nhật Bản coi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những lĩnh vực ưu tiên nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ Nhật Bản sẽ sử dụng hiệu quả khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để thực hiện một loạt các biện pháp liên quan, bao gồm tăng cường hợp tác quốc tế và giải quyết các vấn đề mới nổi một cách nhanh chóng và linh hoạt.

Chính phủ cũng sẽ tăng cường công tác phân tích khoa học và dựa trên thực chứng trong việc thiết lập và giám sát các chỉ số phù hợp để đạt được SDG, phân tích hiệu quả tổng hợp và bù đắp giữa các biện pháp đã thực hiện và thực hiện các hành động dựa trên phân tích khoa học trong quá trình theo dõi và đánh giá. Để làm được điều này, chính phủ sẽ thúc đẩy hợp tác và hợp tác có hệ thống với cộng đồng khoa học tại Nhật Bản cũng như các sáng kiến quốc tế.

Nhật Bản xây dựng hệ sinh thái để triển khai mục tiêu phát triển bền vững bao gồm các cơ quan của Chính phủ; các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu; khu vực tư nhân; các thành phần khác.

Nhật Bản xây dựng lộ trình về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thực hiện các mục tiêu SDG. Lộ trình này gồm các nội dung như sau:

- Rà soát các cơ chế mà Nhật Bản đã và đang thực hiện nhằm hiện thực hoá các mục tiêu SDG, bao gồm cả các hoạt động trong nước và các hoạt động tầm quốc tế. Các hoạt động trong nước như các hội nghị bàn tròn về SDG; các hoạt động tầm quốc tế như tham dự diễn đàn cấp cao của Liên hợp quốc về phát triển bền vững; tham dự Diễn đàn khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Liên hợp quốc, các sự kiện quốc tế do Nhật Bản đăng cai.

- Xây dựng các kế hoạch hành động:

+ Kế hoạch hành động vì sự phát triển bền vững;

+ Xây dựng chiến lược đổi mới sáng tạo;

+ Hỗ trợ xây dựng xã hội 5.0;

+ Xây dựng kế hoạch cấp quốc gia: rà soát các chương trình, kế hoạch cấp quốc gia đang thực hiện và xây dựng các chiến lược, kế hoạch, chương trình mới về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo 17 mục tiêu phát triển bền vững.

2. Kinh nghiệm của một số quốc gia khác

2.1. Kinh nghiệm của Chile, Peru, Ai Cập, Latvia và Nam Phi

Kinh nghiệm của Chile, Ai Cập, Latvia, Nam Phi cho thấy việc giảm nhanh chi phí của một số công nghệ mới và công nghệ mới nổi có thể mở ra cơ hội cho các quốc gia đang phát triển có thể nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Hơn nữa, các công nghệ mới và mới nổi có thể tạo điều kiện cho những hướng đi mới nhằm mục đích phát triển bền vững liên quan tới các khía cạnh xã hội và môi trường hay nói cách khác là phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, nếu không có các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp, công nghệ mới hay cũ đều khó có thể mang lại sự tiến triển trong thực hiện chương trình nghị sự 2030. Những tiến bộ như vậy đòi hỏi một môi trường khuyến khích học tập và đổi mới sáng tạo để xây dựng và quản lý hệ thống đổi mới sáng tạo hiệu quả. Sau đây là kinh nghiệm cụ thể của các quốc gia này:

a. Chile

Chile đã đề ra các dự án đầy tham vọng để phát triển mạng cáp quang bao trùm toàn bộ đất nước và đã triển khai thành công các dự án này thông qua hình thức hợp tác công tư. Năm 2016, Chile đã triển khai dự án cáp quang lớn Fibra Óptica Austral nhằm mục tiêu đưa Internet cáp quang phủ sóng khắp Chile, từ thị trấn phía Bắc của Puerto Montt đến Puerto Williams ở miền Nam. Dự án được thực hiện thông qua hợp tác công tư từ năm 2017 đến năm 2020[1].

Chile xây dựng chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tập trung vào các công nghệ cụ thể nhằm thúc đẩy các chương trình nghị sự kinh tế và phát triển quốc gia. Quốc gia này đã sử dụng lợi thế so sánh của mình là nơi đặt đài quan sát thiên văn lớn nhất thế giới để phát triển năng lực nội sinh, bao gồm cả nhân lực và vật chất. Dựa trên các năng lực hiện có về thiên văn học, quốc gia này hiện đang tìm kiếm các cơ hội để phát triển năng lực phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.

Chile đã đưa ra một số sáng kiến về chính sách để tận dụng hiệu quả sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Mục đích của các chương trình này là xây dựng năng lực nội sinh để giải quyết các ưu tiên phát triển quốc gia như biến đổi khí hậu, dân số giả và chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra. Theo đó, Chile tìm kiếm các cơ hội sử dụng vị trí đặc biệt của mình trong thiên văn học để phát triển năng lực trong phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Nhờ điều kiện khí quyền độc đáo, Chile đang lưu trữ khoảng 50% công suất đã lắp đặt tại các đài quan sát thiên văn trên thế giới (con số này dự kiến sẽ đạt 75% vào đầu thập kỷ tới).

Đối với các cơ sở sản xuất một lượng lớn dữ liệu, việc quản lý và phân tích đòi hỏi các kỹ năng liên ngành, bao gồm các kỹ năng về mô hình toán học và thuật toán. Chính phủ Chile nhìn thấy cơ hội trong các cơ sở quan sát thiên văn để xây dựng năng lực phân tích dữ liệu lớn và tạo ra một không gian đặc biệt để thúc đẩy trí tuệ nhân tạo. Mặt khác, vì nhiều đài thiên văn của Chile được điều hành bởi các đối tác quốc tế như các nước châu Âu, Canada, Nhật Bản và Hoa Kỳ, sự hợp tác quốc tế và ngoại giao khoa học quan trọng trong thiên văn học cũng được thực hiện ở Chile[2].

b. Ai Cập

Ai Cập đã thực hiện các bước tạo ra một môi trường lập pháp trung thực để bắt kịp sự thay đổi công nghệ nhanh chóng. Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Ai Cập mở rộng việc sử dụng mạng lưới kết nối trên nền tảng công nghệ thông tin. Để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghệ thông tin và truyền thông, Ai Cập tập trung vào việc tạo ra một môi trường lập pháp nghiêm minh thông qua các biện pháp như sửa đổi một số luật viễn thông, chữ ký điện tử và hợp tác công - tư trong các dự án cơ sở hạ tầng, tổng hợp các dự thảo luật về tự do thông tin. Luật Thương mại điện tử là một trong những khởi đầu quan trọng mà quốc gia này đã cùng hợp tác với Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc. Chiến lược thương mại điện tử góp phần tăng cường thương mại nội bộ ở Ai Cập, tăng cường xuất khẩu của đất nước và tạo việc làm cho thanh niên, đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo và kỹ năng khởi nghiệp.

c. Latvia

Latvia hỗ trợ những nhu cầu về công nghệ bền vững thông qua mua sắm công xanh. Mua sắm công xanh thúc đẩy việc sử dụng các công nghệ thân thiện với môi trường, các công nghệ đổi mới sáng tạo và bền vững trong sản xuất hàng hóa. Ở Latvia, mua sắm công xanh được khuyến khích bằng một khung pháp lý là Luật Mua sắm công, cụ thể là các quy định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về các yêu cầu đối với mua sắm công xanh và quy trình ứng dụng, thiết lập các yêu cầu và tiêu chí đối với các nhóm sản phẩm và dịch vụ nhất định, dựa trên các giải pháp và cách tiếp cận công nghệ đổi mới sáng tạo và thân thiện với môi trường. Việc áp dụng các nguyên tắc này là nhằm vào tất cả các nhóm xã hội.

d. Nam Phi

Nam Phi có một số sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo công nghệ trong các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ. Nam Phi đang đầu tư vào một loạt các chương trình củng cố và thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như một yếu tố chủ chốt của phát triển kinh tế. Hoạt động này bao gồm các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải thiện khả năng cạnh tranh trong các lĩnh vực công nghiệp hiện có và giúp xây dựng các ngành công nghiệp trong tương lai. Chính phủ Nam Phi đã hỗ trợ hơn 3000 doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ thông qua việc tạo điều kiện tiếp cận cơ sở hạ tầng và chuyên gia tầm cỡ thế giới cho các bên liên quan để tiến hành đổi mới công nghệ. Quốc gia này cũng có những sáng kiến đặc thù theo ngành, ví dụ như xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh học tập trung vào sự phát triển và thí nghiệm công nghệ nhiên liệu sinh học hoặc khu khai thác mỏ Mandela để hỗ trợ đổi mới sáng tạo địa phương trong ngành khai thác mỏ của Nam Phi.

Để hỗ trợ các nhà đổi mới có cơ hội tiếp cận nguồn tài chính, Cơ quan Đổi mới sáng tạo Công nghệ (TIA) quản lý các quỹ khác nhau để phát triển và thương mại hóa các công nghệ triển vọng. Các quỹ này bao gồm Quỹ hạt giống, Quỹ phát triển Công nghệ, Quỹ hỗ trợ thương mại hóa, và một quỹ đặc biệt cho các nhà đổi mới sáng tạo trẻ là Đổi mới sáng tạo công nghệ trẻ.

Ngoài ra, kinh nghiệm của các quốc gia này còn cho thấy để đạt được hiệu quả, các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần phải nhất quán trong nội bộ, phù hợp với các ưu tiên quốc gia và kế hoạch phát triển. Đường lối cũ có thể được thúc đẩy thông qua việc thiết kế và phát triển các chiến lược và công cụ chính sách ở mức độ phù hợp nhất, đồng thời những cái mới đòi hỏi quan điểm “toàn bộ chính phủ" (the whole government), tạo điều kiện hợp tác giữa các Bộ và các cơ quan công quyền khác trong các lĩnh vực chính sách khác nhau. Cần có sự gắn kết giữa các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và các chính sách khác như: chính sách công nghiệp, thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài (vì chuyển giao tri thức và công nghệ thông qua thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài), giáo dục và cạnh tranh.

2.2. Kinh nghiệm của Hoa Kỳ

Hoa Kỳ áp dụng các chính sách thúc đẩy vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững như áp dụng các quy định và tiêu chuẩn về môi trường, y tế; các công cụ kinh tế và tài chính như thuế quan đầu vào hoặc xóa bỏ trợ cấp cho các hoạt động không bền vững; hỗ trợ nhu cầu thông qua mua sắm công; chính sách giáo dục và đào tạo, hỗ trợ hòa nhập và học tập dài hạn; hoặc xây dựng năng lực và chia sẻ thông tin cả trong nước và quốc tế[3].

Quốc gia này áp dụng cách tiếp cận “chạm nhẹ” tới các công nghệ mới nổi. Cụ thể là cách tiếp cận chính sách đa chiều đối với các công nghệ mới nổi. Đầu tiên, là đánh giá sự đầy đủ của các quy định và chính sách hiện hành trước khi thiết lập các quy định mới và tránh mọi phương pháp tiếp cận theo quy định trước đây có thể kìm hãm sự đổi mới sáng tạo hoặc làm xấu các công nghệ mới. Thứ hai, khuyến khích sự tham gia của nhiều bên liên quan trong phát triển công nghệ và kết hợp đầu vào từ các bên phí chính phủ liên quan (ví dụ: khu vực tư nhân). Thứ ba, tìm cách thúc đẩy nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Mỹ, một phần thông qua hợp tác quốc tế và xóa bỏ rào cản đối với đổi mới sáng tạo, còn lại chủ yếu bằng cách chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm. Ngoài ra, quốc gia này hỗ trợ các quan hệ đối tác công - tư thúc đẩy chuyển giao công nghệ tự nguyện và theo các quy định thỏa thuận lẫn nhau và tạo ra giá trị cho người dân.

Hoa Kỳ có cách tiếp cận toàn diện để đổi mới sáng tạo, cung cấp nhiều hình thức hỗ trợ. Ví dụ, Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) hỗ trợ các Trung tâm Nghiên cứu Hợp tác Công nghiệp - Đại học giúp xây dựng mối quan hệ đối tác lâu dài giữa ngành Công nghiệp, học viện và chính phủ. Quốc gia này cũng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ phát triển các công nghệ thế hệ tiếp theo thông qua các chương trình như Nghiên cứu Đổi mới sáng tạo Doanh nghiệp nhỏ và Chuyển giao Công nghệ Doanh nghiệp nhỏ. Các chương trình này cung cấp kinh phí cho nghiên cứu và phát triển giai đoạn đầu trên nhiều lĩnh vực nhiệm vụ, từ y tế đến nông nghiệp đến năng lượng, thúc đẩy thương mại hóa các khoản đầu tư của liên bang vào nghiên cứu và phát triển. Chính phủ đang tìm kiếm các cơ hội để áp dụng các công nghệ tiên phong trên một số lĩnh vực dịch vụ công. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đang nghiên cứu các công nghệ mới nổi như blockchain như một cơ chế trao đổi dữ liệu để truy cập ngay lập tức thông tin về bệnh nhân, vật tư, và ứng phó với khủng hoảng trong trường hợp khẩn cấp về y tế công cộng. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hợp tác với khu vực tư nhân tìm kiếm các giải pháp blockchain cho các thách thức về quyền của người lao động. Văn phòng Công nghệ mới nổi của Cục Quản lý Dịch vụ Tổng hợp (GSA), ra mắt năm 2016, được dành riêng cho việc hợp tác giữa chính phủ, ngành Công nghiệp và tổ chức nghiên cứu giúp các chương trình tận dụng các cải tiến công nghệ mới nổi để cải thiện dịch vụ công cộng ngày nay. Các công nghệ đầu mối cho GSA bao gồm trí tuệ nhân tạo, robot blockchain, phương tiện truyền thông xã hội và thực tế ảo và thực tế tăng cường.

2.3. Kinh nghiệm của Canada

Tại Canada, Kế hoạch Đổi mới sáng tạo và Kỹ năng là một trong những thành phần của các nỗ lực chính phủ nhằm thúc đẩy các cơ hội của các công nghệ tiên phong. Kế hoạch được ban hành vào năm 2017, cung cấp một loạt các biện pháp mới lấy khách hàng làm trung tâm để hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong thời đại kỹ thuật số và củng cố hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Canada. Kế hoạch được triển khai trên cơ sở hợp tác với khu vực tư nhân, các tổ chức nghiên cứu, các trường cao đẳng đại học và các tổ chức khác. Kế hoạch tập trung vào các kỹ năng nghiên cứu, công nghệ và thương mại hóa. Trong khuôn khổ của Kế hoạch này đã hình thành các chương trình sáng kiến như “Kết nối với Đổi mới sáng tạo” và “Kết nối với các hộ gia đình” đảm bảo Internet tốc độ cao có sẵn và giá cả có thể chấp nhận được đối với nhiều người. Chương trình CanCode và trao đổi kiến thức kỹ thuật số dự định đào tạo kỹ thuật số với trọng tâm là người Canada vốn thuộc thiểu số trước đây. Chương trình “Máy tính cho các trường học” và “Sự phát triển công nghệ dễ tiếp cận” thúc đẩy sự bao trùm trong việc tiếp cận công nghệ cho phép tham gia vào nền kinh tế kỹ thuật số. Ngoài ra, Ban tư vấn dữ liệu và kỹ thuật số quốc gia Canada được thành lập vào tháng 6 năm 2018 là những bước tiếp theo của Kế hoạch đổi mới sáng tạo và kỹ năng nhằm thúc đẩy hơn nữa một nền kinh tế kỹ thuật số toàn diện. Các cuộc tham vấn tìm kiếm ý tưởng và đề xuất từ người dân trong ba lĩnh vực chính: tương lai của việc làm, tự do hóa đổi mới sáng tạo, niềm tin và sự riêng tư. Hơn nữa, Chiến lược Trí tuệ nhân tạo Pan Canada đang xây dựng tư tưởng lãnh đạo toàn cầu về kinh tế, đạo đức, chính sách và pháp lý liên quan đến những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo.

Để chống lại bạo lực mạng và lạm dụng phụ nữ và trẻ em gái, Canada đã phát triển một cuốn sổ hướng dẫn (Playbook) về Bình đẳng giới trong kỷ nguyên số (Playbook). Cuốn sổ hướng dẫn này tạo ra một tập hợp các cách thức tốt nhất trong cách tiếp cận các bên liên quan nhằm đảm bảo một môi trường số tích cực và trao quyền cho tất cả mọi người. Cuốn sổ bao gồm bốn lĩnh vực rộng lớn, đó là quyền truy cập, văn hóa, giáo dục và quốc tế.

2.4. Kinh nghiệm của một số quốc gia khác

Columbia: Columbia là quốc gia đã có nhiều nỗ lực trong thúc đẩy các chính sách đổi mới sáng tạo theo hướng phát triển bền vững thông qua tích hợp các thách thức xã hội vào các kế hoạch phát triển chính[4]. Sự khác biệt giữa khu vực đô thị công nghiệp hóa và vùng nông thôn ngày càng tăng và rõ nét, như sự chênh lệch về thu nhập, y tế và giáo dục đòi hỏi Chính phủ các nước cần nỗ lực giảm thiểu bất bình đẳng vùng thông qua đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo[5]. Chính vì vậy, Colombia đã đưa ra các điều kiện nhằm xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế vùng/khu vực).

Một số quốc gia châu Á - Thái Bình Dương: Một số quốc gia trong khu vực hâu Á - Thái Bình Dương đã phát triển các chính sách cho các công nghệ tiên phong cụ thể. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã phát triển các chiến lược về trị tuệ nhân tạo và Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới đánh thuế đối với robot. Các quốc gia bao gồm Úc, Án Độ, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Hàn Quốc và Singapore đang phát triển các lộ trình, kế hoạch và tiêu chuẩn cho Internet vạn vật[6].

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là ngay cả khi các quốc gia xây dựng chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hay xây dựng các chiến lược cụ thể hơn về công nghệ, việc triển khai các chiến lược và chính sách này trên thực tế thông qua các chương trình, dự án cụ thể giải quyết các thách thức phát triển là một vấn đề quan trọng. Ví dụ, hầu hết các nước Ả Rập đã có chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Ai Cập, Jordan, Maroc, Saudi Arabia, United Arab Emirates). Ngoài ra, Maroc và Tunisia đã phát triển các chiến lược kỹ thuật số chuyên biệt hơn, Qatar và Sudan có các chiến lược thông minh, United Arab Emirates có chiến lược về trí tuệ nhân tạo và một số quốc gia trong khu vực đã đưa ra các sáng kiến dữ liệu mở (Bahrain, Jordan, Maroc, Oman, Qatar, Saudi Arabia, Tunisia và United Arab Emirates). Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế và Xã hội ở Tây Á, các quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức trong việc thực hiện các chiến lược này, do thiếu khả năng tiếp thu; nguồn tài chính và phi tài chính không đầy đủ, mức độ quan liêu cao; cơ sở hạ tầng hạn chế và thiếu thiết bị tiên tiến; thiếu nền móng sở hữu trí tuệ phù hợp và các chính sách và pháp luật điều chỉnh; chảy máu chất xám; mức đầu tư trực tiếp nước ngoài thấp do nhiều lý do bao gồm bất ổn chính trị; sự tham gia của khu vực tư nhân vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo yếu; pháp luật liên quan đến bảo mật, quyền riêng tư và tính toàn vẹn của dữ liệu còn thiếu....

Đổi mới sáng tạo phi chính thức cũng đang được chú ý như là một nguồn sinh kế[7]. Các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp thủ công phi chính thức có thể đóng vai trò chính trong việc điều chỉnh các đổi mới sáng tạo bên ngoài phù hợp với điều kiện địa phương và lấp đầy khoảng trống khi hệ thống sản xuất thay đổi[8]. Các kiến thức không chính thống của y tế địa phương có thể trở thành lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong bối cảnh này, các cộng đồng cổ gắng nắm bắt một số lợi ích cho chính họ. Ví dụ về những nỗ lực của chính phủ Australia trong việc công nhận và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các cộng đồng bản địa. Các chính sách quốc gia có thể tạo ra không gian cho các nhà đổi mới sáng tạo phi chính thức mặc dù họ thường hoạt động không theo các quy định tiêu chuẩn và để bảo vệ các ý tưởng mới của họ khỏi bị lợi dụng. Các trường đại học có thể chia sẻ năng lực kỹ thuật của mình cho các doanh nghiệp này thông qua các dịch vụ khuyến khích[9].

3. Bài học cho Việt Nam

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những động cơ chính thúc đẩy thành tựu của các mục tiêu phát triển bền vững nếu các quốc gia chủ động quan tâm và thực hiện một số vấn đề sau đây:

- Xây dựng kế hoạch hành động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Trong các kế hoạch hành động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo này, Chính phủ tập trung vào việc tạo ra môi trường thực thi cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua chính sách và tài trợ đa ngành về đổi mới sáng tạo, trao quyền cho lực lượng lao động tri thức thông qua các tổ chức giáo dục chất lượng cao và thiết lập cơ sở hạ tầng cần thiết để tạo nền tảng vững chắc cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Để xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của các nước và khu vực, cần đặc biệt lưu ý tới các vấn đề sau:

Thứ nhất, cần rà soát cơ chế đã và đang thực hiện nhằm hiện thực hóa SDG, rà soát các chương trình, kế hoạch cấp quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đang thực hiện và xây dựng các chiến lược, kế hoạch, chương trình mới theo 17 mục tiêu phát triển bền vững;

Thứ hai, các bên liên quan tham gia tích cực dựa trên nền tảng năng lực tốt về tạo ra công nghệ cũng như học hỏi, tiếp nhận và truyền bá công nghệ, tri thức sẵn có phục vụ phát triển bền vững;

Thứ ba, cần chú ý tới công tác dữ liệu, các phương pháp thống kê, giám sát thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

- Thành lập cơ quan đóng vai trò “trung tâm kiểm soát - control tower” nhằm thúc đẩy quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành và cơ quan chính phủ có liên quan và để lãnh đạo việc thực hiện một cách toàn diện và hiệu quả các biện pháp liên quan tới phát triển bền vững.

- Xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin như thông tin về kinh nghiệm thành công và tư vấn chính sách giữa các quốc gia, các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân, cộng đồng khoa học thông qua hình thức Diễn đàn khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Nhóm chuyên gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho phát triển bền vững; Nền tảng trực tuyến (Online Platform).

- Coi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như một thành phần cốt lõi trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững bằng cách tăng cường vai trò của chính phủ trong việc xác định, triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đảm bảo việc thực thi các mục tiêu phát triển bền vững; thực hiện các hoạt động dự báo công nghệ tương lai thường xuyên để hỗ trợ thông tin cho các kế hoạch hành động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững; thể chế hóa việc báo cáo thường xuyên về các chỉ số khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và giám sát chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các bộ ban ngành; và thể chế hóa việc báo cáo, đánh giá tác động xã hội và môi trường của các hoạt động và đầu tư của khu vực tư nhân (ngắn hạn).

- Đặt nền móng cho sự phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua các tổ chức và cơ sở hạ tầng chất lượng cao bằng cách tăng chất lượng cơ sở hạ tầng và vật chất (phòng thí nghiệm, trung tâm đổi mới sáng tạo, khu khoa học, không gian cho sản xuất và cơ sở hạ tầng Internet) (dài hạn); tận dụng các công nghệ giáo dục như học từ xa (trung hạn); hướng tới các tiêu chuẩn nghiên cứu được quốc tế công nhận (dài hạn); đảm bảo việc thực thi các thể chế và quy định, bao gồm luật doanh nghiệp và sở hữu trí tuệ (trung hạn); và cung cấp dịch vụ hỗ trợ chất lượng cao cho các doanh nghiệp (lập kế hoạch kinh doanh, quản lý tài chính, quản lý rủi ro, tư vấn pháp lý và tiếp thị) (trung hạn). 

- Cam kết tài trợ và khuyến khích đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo bằng cách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có các hoạt động góp phần giải quyết các thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (kinh tế, xã hội và môi trường), thông qua các chính sách mua sắm công, các ngân sách tài trợ đối ứng và ưu đãi thuế; và khuyến khích đầu tư vì lợi ích xã hội và môi trường cũng như lợi nhuận kinh tế (trung hạn).

- Xây dựng nền kinh tế tri thức mở, mang tính hợp tác và toàn diện/bao trùm bằng cách tham khảo ý kiến của tất cả các bên liên quan trong việc chuẩn bị các chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt để đảm bảo các thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường được tích hợp (ngắn hạn); cam kết một hệ sinh thái có sự chia sẻ kiến thức mở để thúc đẩy sự hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo liên ngành thông qua cơ sở vật chất và hạ tầng ào để chia sẻ kiến thức (trung hạn); áp dụng các cách tiếp cận mở và toàn diện nhằm đổi mới sáng tạo bằng cách thu hút các tầng lớp tham gia đa dạng, bao gồm phụ nữ, người nghèo và người bản địa (trung hạn); mở rộng khoa học thông qua các trường đại học mở, chương trình truy cập quốc tế, thư viện số và chương trình đào tạo trực tuyến để kiến thức và sáng tạo di chuyển dễ dàng vươn ra ngoài biên giới địa lý; thúc đẩy chia sẻ kiến thức kỹ thuật giữa các quốc gia và cung cấp các khuyến khích, ưu đãi để thúc đẩy hợp tác, phát triển, thương mại và chuyển giao công nghệ liên quốc gia (trung hạn); hình thành các quỹ cho nghiên cứu và phát triển và quỹ đầu tư vào doanh nghiệp giai đoạn đầu.

- Việc giảm nhanh chi phí của một số công nghệ mới và công nghệ mới nổi có thể mở ra cơ hội cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Hơn nữa, các công nghệ mới và mới nổi có thể tạo điều kiện cho những hướng đi mới nhằm mục đích phát triển bền vững liên quan tới các khía cạnh xã hội và môi trường. Tuy nhiên, nếu không có các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp, công nghệ - mới hay cũ - đều khó có thể mang lại sự tiến triển trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Những tiến bộ như vậy đòi hỏi một môi trường khuyến khích học tập và đổi mới sáng tạo để xây dựng và quản lý hệ thống đổi mới sáng tạo hiệu quả.

 


[1] Subsecretaría de Telecomunicaciones de Chile, 2018.

[2] Rodriguez Garcia-Huidobro, 2017.

[3] UNCTAD, 2018.

[4] UNCTAD, 2018

[5] Djeflat and Cummings, 2015

[6] Ủy ban Kinh tế Xã hội Châu Á Thái Bình Dương, 2018

[7] Cozzens và Sutz, 2014; Kraemer- Mbula và Wunsch-Vincent, 2016

[8] Kraemer-Mbula và Wunsch-Vincent, 2016

[9] Mytelka và Farinelli, 2000

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành