Thứ sáu, 19 Tháng 7 2024 09:08

Khái quát chung về thực tế hoạt động liên quan tới đầu tư, kinh doanh tiền ảo ở nước ta

Ở Việt Nam, theo thống kê thì lượng người quan tâm truy cập vào các sàn giao dịch tiền ảo quốc tế nhiều nhất thế giới, vượt qua cả Mỹ, Malaysia, Trung Quốc... chiếm 88,79% lượt truy cập[1]. Đối với hình thức ủy thác đầu tư tiền ảo, lượng truy cập từ Việt Nam luôn đứng thứ nhất hoặc thứ hai. Cụ thể, người Việt Nam đứng vị trí đầu tiên ở trang thống kê các đồng tiền ảo thực hiện ủy thác đầu tư ICOreview.site với 35% trong tổng số lượng truy cập. Với đồng Bitconnect (BCC), người Việt Nam đứng thứ ba trong tổng số nhà đầu tư các nước truy cập vào trang web của BCC. Chính vì lượng truy cập cao của người Việt Nam nên trang web này đã hỗ trợ bằng tiếng Việt để nhà đầu tư dễ theo dõi. Một đồng tiền ảo khác như Hextracoin thì người Việt Nam đứng đầu bảng với lượng theo dõi chiếm tỷ lệ 40%[2]... Như vậy, cũng giống như người dân ở các quốc gia trên thế giới, người Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến các giao dịch tiền ảo.

1. Nhập khẩu máy, công cụ “đào” tiền ảo

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ tính từ năm 2017 nửa đầu năm 2018, cả nước nhập khoảng 15.600 máy “đào” tiền ảo, gồm máy xử lý dữ liệu Bitcoin, dữ liệu Bitmain, máy xử lý thuật toán, thiết bị xử lý dữ liệu thuật toàn, máy xử lý dữ liệu tự động và máy xử lý dữ liệu tự động dùng cho hệ thống quản lý điều khiển từ xa, nội bộ. Riêng trong 04 tháng đầu năm 2018, lượng máy “đào” tiền ảo nhập về Việt Nam đã lên con số hơn 6.300 bộ, tập trung chủ yếu ở 02 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh nhập 2.009 bộ, Hà Nội nhập hơn 4.300 bộ[3]. Theo phân tích các quy định liên quan ở trên, việc nhập và sử dụng các máy “đào” tiền ảo không nằm trong danh mục các hàng cấm nhập khẩu, việc sử dụng các máy này để “đào” tiền ảo cũng không phải là hành vi bị cấm theo pháp luật Việt Nam. Do đó, việc nhập các loại máy phân tích và “đào” tiền ảo có sự gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp của các hoạt động liên quan đến tiền ảo (ví dụ như lợi dụng tiền ảo để sử dụng như tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán, lừa đảo qua mô hình đầu tư tiền ảo như iFan, Pincoin...) Bộ Tài chính đã đề xuất tạm dừng nhập khẩu đối với các loại máy “đào” tiền ảo này.

Trước thực trạng gia tăng số lượng máy “đào” tiền áo và những người tham gia vào việc “đào” tiền áo, Bộ Công thương đã có công văn hướng dẫn giá bán điện cho hoạt động giải mã, khai thác đồng tiền mã hoá. Theo đó, hoạt động “đào” Bitcoin sẽ được tính giá điện kinh doanh. Bởi vì hoạt động giải mã, khai thác đồng tiền ảo như Bitcoin, Litecoin, Ethereum và một số loại tiền điện tử tương tự khác thông qua phần mềm đã được lập trình sẵn trên hệ thống máy tính xử lý dữ liệu tự động mang tính chất làm dịch vụ thông qua việc giải thuật toán để xác minh giao dịch mua bán trên mạng[4].

2. Thực tế sử dụng tiền ảo ở Việt Nam thời gian qua

Cho đến thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo (cụ thể là đồng Bitcoin). Có thể kể đến một số trường hợp được các trang mạng xã hội đưa tin như sau:

Một số quán cà phê sử dụng Bitcoin để thanh toán:

Năm 2014, một quán cà phê ở Hà Nội trở thành điểm kinh doanh đồ uống đầu tiên tại Việt Nam chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền ảo Bitcoin[5].Tiếp sau đó, nhiều quán cà phê tại thành phố Hồ Chí Minh cũng chấp nhận việc thanh toán bằng Bitcoin. Khảo sát của VnExpress cũng ghi nhận một quán cà phê tại thành phố Hồ Chí Minh cho khách thanh toán tiền cà phê, pizza bằng Bitcoin một cách công khai. Một nhân viên ở quán cho biết, chỉ cần khách có mã code bằng Bitcoin là có thể thanh toán. Theo đánh giá của người sử dụng, việc chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin “rất tiện” vì vừa không phải chịu phí ngân hàng (thanh toán thẻ), vừa không bị truy thu thuế nên rất có lợi cho doanh nghiệp. Giá cả thì ở đây tính theo giá Bitcoin hiện hành[6].

Hệ thống trường Đại học FPT chấp nhận thu học phí bằng Bitcoin[7]:

Trong một thông báo trên mạng xã hội tối ngày 26/10/2017, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT cho biết, Trường “chấp nhận cho sinh viên nộp học phí bằng Bitcoin, trước mắt áp dụng cho sinh viên nước ngoài”. Trong khi một số ý kiến ủng hộ cho rằng, Bitcoin là một sản phẩm công nghệ và Đại học FPT có một bước đột phá mới thì ngược lại, có không ít ý kiến tranh luận trực tiếp bày tỏ lo ngại việc cho phép sử dụng Bitcoin để nộp học phí có thể do đây là đồng tiền “ảo”, chưa có quy định quản lý của Nhà nước. Theo đó, Trường sẽ bắt đầu thử nghiệm thu học phí bằng Bitcoin vì đây là giải pháp khả thi đối với rất nhiều sinh viên nước ngoài đang học tập tại Đại học FPT. Đó là những sinh viên châu Phi, đặc biệt là từ Nigeria, họ rất khó khăn trong việc chuyển tiền ra nước ngoài để đóng học phí. Ông Chủ tịch chia sẻ thêm: “Bitcoin là một sản phẩm công nghệ. Chúng tôi muốn thử nghiệm thu học phí, sử dụng đồng Bitcoin như một dạng giao dịch của Cách mạng công nghiệp 4.0, là một Trường Đại học đào tạo về công nghệ, chúng tôi thấy rất nên tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm những vấn đề mới mẻ của công nghệ, gắn nó với thực tiễn cuộc sống, điều mà hoàn toàn có thể xảy ra trong thời đại 4.0”.

Ngoài các thông tin trên, còn nhiều thông tin cho thấy việc sử dụng đồng Bitcoin làm phương tiện thanh toán trong các giao dịch hàng ngày giữa các chủ thể diễn ra ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, xét về mặt pháp lý thì việc sử dụng Bitcoin và các đồng tiền ảo làm phương tiện thanh toán ở Việt Nam bị coi là bất hợp pháp. Như vậy, người sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán có thể bị xứ phạt vi phạm hành chính tới 200 triệu đồng, thậm chí có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Song thực tế, chúng ta chưa có một con số cụ thể nào về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán. Trong khi đó, việc sử dụng Bitcoin làm phương tiện thanh toán vẫn diễn ra hàng ngày ở một số cơ sở tại Việt Nam.

3. Một số sàn giao dịch tiền ảo đang hoạt động Việt Nam

Cho đến thời điểm hiện nay, nhiều sàn giao dịch về tiền áo đã được thành lập ở Việt Nam, trong đó các sàn giao dịch tiền ảo hàng đầu gồm có[8]:

Sàn giao dịch Remitano

Sàn giao dịch Remitano do Công ty Bit Giga Pte.Ltd.Singapore, Remitano vận hành. Đây là một sàn giao dịch trung gian giữa người bán và người mua Bitcoin, hiện nay đã cung cấp thêm Ethereum. Sàn giao dịch Remitano cũng đang triển khai mở rộng sang các nước khác như: Mỹ, Úc, Malaysia, Nigeria, Campuchia, Trung Quốc... Sàn giao dịch Remitano được cộng đồng đánh giá là sàn an toàn, nhà đầu tư có thể tự do lựa chọn đối tượng đề mua bán, sàn hoàn toàn không tích trữ vốn để thu mua Bitcoin của nhà đầu tư, sàn chỉ thu phí giao dịch.

Sàn giao dịch Bitcoin Santienao

Sàn Bitcoin Santienao một trong những sàn giao dịch mua bán Bitcoin lớn tại Việt Nam. Tại đây, quá trình giao dịch mua bán là hoàn toàn tự động và hệ thống có dự trữ một lượng lớn tài sản có thể mua lại Bitcoin của nhà đầu tư.

Sàn Fiahub.com

Đây là sàn giao dịch Bitcoin, Ethereum tự động có trụ sở tại Singapore. Các giao dịch mua và bán được thực hiện theo thời gian thực, khá giống với cách hoạt động của Santienao.com và Binance. Khi nào giao dịch thì các lệnh mua bán sẽ khớp ngay lập tức, không phải đợi hai bên xác thực như trên sàn Remitano. Phí giao dịch cũng khá rẻ, chỉ bằng khoảng 1/3 so với phí giao dịch trên sàn Remitano mà tốc độ rất nhanh.

Như vậy, hoạt động giao dịch tiền ảo qua các sàn giao dịch đã hình thành và phát triển mạnh không chỉ trên thế giới mà còn cả ở Việt Nam. Các sàn giao dịch tiền ảo hoạt động và thu được những khoản lợi nhuận lớn thông qua việc thu phí giao dịch tiền ảo. Tiền ảo đang là xu hướng của thế giới và dĩ nhiên, người dùng cần tới những sàn tiền ảo để thực hiện các giao dịch. Giống như sàn giao dịch chứng khoán, với tiền áo, đặc sản giao dịch cũng có thể kiếm được những khoản lợi nhuận kếch xù. Thống kê mới được Bloomberg đăng tải, với khối lượng giao dịch lớn như hiện nay, Top 10 sản tiền ảo lớn nhất thế giới có thể kiếm được tổng cộng khoảng 3 triệu USD mỗi ngày và tính theo năm là hơn 1 tỷ USD[9].

Ở Việt Nam hiện nay, hoạt động của các sàn giao dịch tiền ảo không bị quản lý và chủ sở hữu các sàn giao dịch này không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ gì đối với Nhà nước từ hoạt động của mình. Theo những phân tích của tác giả ở phần trên, Việt Nam chưa có bất cứ quy định nào về tiền ảo và các hoạt động liên quan đến tiền ảo, tại Thông cáo báo chí của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng thể hiện rõ điều này: “Việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ”[10].

4. Về vụ kiện thu thuế tiền ảo

Trên thực tế, vào năm 2017, nhiều thông tin liên quan đến vụ việc Chi cục thuế thành phố Bến Tre đã bị khởi kiện liên quan đến quyết định truy thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động kinh doanh tiền điện tử[11].

Theo hồ sơ vụ án, giữa năm 2008 đến tháng 9/2013, ông Nguyễn Văn C tham gia trao đổi tiền điện tử (Bitcoin) qua mạng internet. Qua tin báo tố giác tội phạm về hành vi rửa tiền và kinh doanh trái phép, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bến Tre kết luận trường hợp kinh doanh của ông C không phải là hành vi phạm tội. Tuy nhiên, ngày 19/10/2015, cơ quan này lại chuyển hồ sơ qua Chi cục Thuế thành phố Bến Tre đề nghị xử lý hành chính đối với hành vi mua bán tiền điện tử.

Ngày 12/5/2016, Chi cục Thuế thành phố Bến Tre đã ra Quyết định số 714 “Về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả” và buộc ông C phải nộp hơn 981 triệu đồng tiền thuế giá trị gia tăng và hơn 1,6 tỷ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân, tổng cộng hơn 2,6 tỷ đồng. Chi cục Thuế không xử phạt vi phạm hành chính đối với ông C do hình thức kinh doanh mua bán tiền kỹ thuật số trên mạng internet là một loại hình mới phát sinh, các văn bản hướng dẫn áp dụng thu thuế còn chậm.

Ngày 10/8/2016, ông C khiếu nại, yêu cầu Chi cục Thuế thành phố Bến Tre thu hồi Quyết định số 714. Ông cho rằng hình thức kinh doanh này không vi phạm pháp luật Việt Nam, kể cả pháp luật về thuế chưa có quy định điều chỉnh. Do loại hình kinh doanh tiền điện tử không được coi là hàng hóa để đăng ký kinh doanh thương mại theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử nên ông không thể đăng ký được tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Do đó, ông không thực hiện được chế độ chứng từ, hóa đơn, cũng như kê khai nộp thuế vì hình thức kinh doanh chưa có tên và chưa có mã số ngành nghề trong hệ thống ngành nghề kinh doanh tại Việt Nam. Hơn nữa, Chi cục Thuế thành phố Bến Tre áp dụng văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính không phải là văn bản pháp quy để áp dụng truy thu thuế.

Ngày 07/9/2016, Chi cục Thuế thành phố Bến Tre đã ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và bác đơn của ông C. Chi cục Thuế thành phố Bến Tre cho rằng: “... Hành vi mua bán tiền kỹ thuật số không phải là hành vi bị cấm. Người sở hữu tiền kỹ thuật số, có quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự nên thuộc “quyền tài sản” theo Điều 181 Bộ luật Dân sự... Do vậy, tiền kỹ thuật số là “tài sản” theo Điều 163 Bộ luật Dân sự và là “hàng hóa” động sản theo Điều 3 Luật Thương mại... Hoạt động mua, bán tiền kỹ thuật số là hoạt động mua, bán hàng hóa và xếp vào loại hình hoạt động kinh doanh thương mại"...

Tuy nhiên, ông C tiếp tục khiếu nại. Ngày 18/5/2017, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bến Tre ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Theo đó, cho rằng hoạt động mua bán tiền kỹ thuật số là hoạt động mua bán hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều 3 và không thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng; cá nhân kinh doanh tiền kỹ thuật số thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân. Do đó, ông C có trách nhiệm thực hiện theo các quyết định của Chi cục Thuế thành phố Bến Tre, tức là phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.

Sau khi được Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre thụ lý vụ án hành chính, ông C còn cung cấp Công văn số 47 ngày 04/8/2017 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre có nội dung từ chối đơn xin đăng ký kinh doanh mua bán tiền điện tử (Bitcoin, Webmoney) của ông. Công văn từ chối này căn cứ Công văn số 761 ngày 28/7/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bến Tre xác định việc đăng ký kinh doanh mua, bán tiền điện tử, tiền ảo nói chung không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Chiều ngày 21/9/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre tuyên hủy Quyết định số 714 của Chi cục trưởng Chi cục Thuế thành phố Bến Tre về việc buộc ông Nguyễn Văn C phải nộp hơn 2,6 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân về hành vi kính doanh mua bán tiền kỹ thuật số trên mạng internet[12].

Có thể thấy rằng, việc Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre hủy Quyết định số 714 của Chi cục trưởng Chi cục Thuế thành phố Bến Tre là có căn cứ. Theo quy định, tiền ảo không phải là một loại tài sản theo pháp luật Việt Nam hiện hành, nên không thể coi là hàng hoá, dịch vụ. Do đó, việc kinh doanh tiền ảo không thể bị đánh thuế theo các quy định của các luật thuế hiện hành. Đồng thời, theo Thông cáo báo chí của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào ngày 27/02/2017 cho thấy, “việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ”. Việc không có cơ chế pháp lý để thừa nhận và bảo hộ các hoạt động kinh doanh tiền ảo mà lại đánh thuế đối với hoạt động kinh doanh này là không phù hợp. Hơn nữa, theo Hội đồng xét xử, hiện chưa có văn bản pháp quy nào công nhận tiền điện tử Bitcoin là hàng hoá, việc cơ quan thuế ra quyết định truy thu thuế trong trường hợp này là mặc nhiên công nhận loại tiền này là hàng hoá trong khi đề án về khung pháp lý để quản lý, xử lý loại tiền này chỉ mới đang được xây dựng. Việc truy thu thuế không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động quản lý tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tạo điều kiện để chuyển tiền bất hợp pháp, thanh toán chuyển tiền cho các giao dịch bất hợp pháp[13].

Từ vụ việc này có thể nhận thấy rõ rằng, sự thất thu của các loại thuế về tiền ảo là thực tế mà chúng ta đang phải chấp nhận. Ngoài ra, các hệ lụy khác có thể sẽ phát sinh mà Nhà nước không thể kiểm soát và quản lý được. Thực tế này vẫn sẽ tiếp tục diễn ra cho đến khi chúng ta có một khung pháp lý hoàn chỉnh về tiền ảo. Tất cả những nghiên cứu, những trích dẫn đưa ra đều hướng tới việc khẳng định vai trò và sự cấp thiết của việc ban hành khung pháp lý hoàn chỉnh về tiền ảo.

Thực tế các vụ lừa đảo liên quan tới hoạt động tiền ảo

Việc không có quy định quản lý các hoạt động liên quan đến tiền ảo và việc ham lợi nhuận cao của những người chơi khiến cho các mô hình hoạt động nhằm mục đích lừa đảo diễn ra rất nhiều ở Việt Nam trong những năm gần đây. Thiệt hại trước hết là đối với những người tham gia vào hoạt động mua bán, trao đổi, đầu tư về tiền ảo. Có thể trích dẫn một số tài liệu liên quan đến các hoạt động lừa đảo về tiền ảo như sau:

Tại Hội nghị blockchain năm 2018 do Vietstock và FundYourselfNow tổ chức ngày 28/01/2018, Phó Tổng Giám đốc Capital cho biết “quá nhiều mô hình tiền ảo đa cấp tại Việt Nam”[14]. Trong đó nhấn mạnh rằng việc tăng giá mạnh của các đồng tiền ảo trong năm 2017 đã kéo theo lượng người đổ xô đầu tư với mong muốn thu lợi khủng trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên tại thị trường Việt Nam, mô hình đa cấp quá nhiều, thường chi phí phát hành rất cao và hứa hẹn mức lợi nhuận rất lớn. Đầu tháng 01/2018, trên website của báo Tuổi Trẻ đã phản ánh tình trạng hàng loạt người đầu tư vào đồng tiền ảo Bitconnect tại Việt Nam đã vô cùng hoảng loạn khi sàn giao dịch tiền ảo theo mô hình lending đa cấp Bitconnect đóng cửa sau khi các cơ quan chức năng tại Texas và Bắc Carolina (Mỹ) yêu cầu ngừng hoạt động. Từ mức giá trên 400 USD, đồng Bitconnect đã “rơi tự do " và có thời điểm chỉ còn 27, 19USD. Khác với những đồng tiền kỹ thuật số khác nhà đầu tư mua đi bán lại để kiếm lời, tại Việt Nam, người đầu tư vào Bitconnect chủ yếu là gửi lấy lãi. Mức lãi suất được đưa ra rất cao, lên đến 30 - 40%/tháng (trung bình trên dưới 1%/ngày). Chính vì ham lãi cao, nhiều người đã tham gia bất chấp rủi ro.[15]

Ngày 19/1/2018 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ Trịnh Ngọc T, trú tại thành phố Thanh Hóa để điều tra về hành vi “lừa đảo, chiếm đoạt tài sin" Theo điều tra ban đầu của Công an tỉnh Thanh Hóa, từ tháng 2/2017 Trịnh Ngọc T cấu kết với một số đối tượng ở Hà Nội và Thanh Hóa thành lập một website có địa chỉ là: Aigbtboss.net, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia góp vốn để được hưởng lãi suất cao, dưới hình thức đầu tư Bitcoin và các dự án bất động sản. Để tạo niềm tin, thu hút nhiều người tham gia, nhóm của Trịnh Ngọc T đã liên tục tổ chức các sự kiện, các buổi hội thảo, đưa ra nhiều gói đầu tư có giá trị từ 500 đến 5.000 USD. Các gói đầu tư càng cao thì lợi nhuận càng hấp dẫn, có thể lên đến 50%. Bên cạnh đó, nhóm này còn trích 10% hoa hồng cho những thành viên giới thiệu được thành viên mới theo hình thức đa cấp. Bằng chiêu thức này, từ tháng 02/2017 đến khi bị bắt, nhóm này đã lừa đảo hàng chục người dân trên địa bàn Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An... với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Làm việc với cơ quan Công an, ban đầu Trịnh Ngọc T khai nhận huy động được 15 người tham gia đầu tư. Với số tiền của các bị hại, hơn 50% tổng số tiền được các đối tượng chia nhau tiêu xài, gần 50% số tiền còn lại các đối tượng dùng để trả lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án và kêu gọi các nạn nhân của nhóm này đến cung cấp tin tức và phối hợp xử lý, giải quyết.

Vụ việc lừa đảo về tiền ảo lên đến 15 nghìn tỷ đồng:

Theo một số thông tin báo chí đã phản ánh, Công ty Modern Tech có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh bị tố cáo “lừa đảo” hàng nghìn người mua hai đồng tiền ảo là iFan và Pincoin. Báo VietnamNet mô tả “... Bộ Công an đã vào cuộc điều tra về đường dây huy động vốn dạng phát hành tiền ảo có tên là iFan gây xôn xao khi có 32 nghìn nạn nhân “sập bẫy”, số tiền chiếm đoạt lên đến 15 ngàn tỷ đồng”[16].

Thông tin về vụ việc này cũng được phản ánh trên nhiều website báo điện tử của nhiều tờ báo uy tín tại Việt Nam như: “Sáng 13/4, một số người đại diện cho hàng nghìn người bị hại đã mang gần 200 lá đơn tố cáo đường dây tiền ảo iFan đến cơ quan điều tra Công an quận 1 (thành phố Hồ Chí Minh[17]; Đường dây lừa đảo bằng tiền ảo hơn 15 nghìn tỷ đồng: Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo công an điều tra”[18].

Để đưa ra những khuyến nghị phù hợp, việc nghiên cứu, rà soát, đánh giá pháp luật và thực tiễn liên quan đến tiền ảo ở Việt Nam là cần thiết.

Qua nghiên cứu các quy định của các văn bản pháp luật có thể thấy rằng Tiền ảo cũng không được coi là tài sản theo Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015. Điều này dẫn đến khó khăn, thách thức trong việc áp dụng pháp luật dân sự cũng như các văn bản pháp luật khác có điều chỉnh về quan hệ tài sản; Hoạt động “đào”, trao đổi, kinh doanh, đầu tư tiền ảo không bị cấm tại Việt Nam; Các giao dịch, hoạt động kinh doanh đối với tiền ảo tại Việt Nam không bị đánh thuế do không có cơ sở pháp lý; Trách nhiệm hình sự đối với các tội liên quan đến tiền ảo rất khó xác định và áp dụng do tiền ảo chưa được công nhận là tài sản.

 


[1] Thanh Xuân, “Mê tiền ảo hàng đầu thế giới, người Việt thiệt hại nặng", https://thanhnien.vn/kinh-doanh/me-tien-ao-hang-dau-the-gioi-nguoi-viet-thiet- hai-nang-925772.html (truy cập ngày 15/9/2018).

[2] Thanh Xuân, “Mê tiền ảo hàng đầu thế giới, người Việt thiệt hại nặng", https://thanhnien.vn/kinh-doanh/me-tien-ao-hang-dau-the-gioi-nguoi-viet-thiet- hai-nang-925772.html (truy cập ngày 15/9/2018).

[3] Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ tính từ năm 2017 đến nửa tháng 4/2018, cả nước nhập khoảng 15.600 máy "đào" tiền ảo, gồm máy xử lý dữ liệu Bitcoin

[4] Bitcoin new, "Hoạt động đào Bitcoin ở Việt Nam sẽ bị áp giả điện kinh doanh", https://bitcoin-news.vn/hoat-dong-dao-bitcoin-o-viet-nam-se-bi-ap-gia- dien-kinh-doanh/ (truy cập ngày 11/9/2018)

[5] Hải Sơn, “Đột nhập quán cà phê Hà Nội thanh toán bằng Bitcoin", https://baomoi.com/dot-nhap-quan-ca-phe-ha-noi-thanh-toan-bang- bitcoin/c/13175338.epi (truy cập ngày 11/9/2018).

[6] Thanh Lê, “Một số quán cà phê, nhà hàng ở Sài Gòn chấp nhận thanh toán Bitcoin", https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/ebank/thanh-toan-dien-tu/mot- so-quan-ca-phe-nha-hang-o-sai-gon-chap-nhan-thanh-toan-bitcoin-3686920.html (truy cập ngày 11/9/2018).

[7] Minh Thư, “Chủ tịch HĐQT Đại học FPT xác nhận chấp thuận thu học phí bằng Bitcoin", http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/chu-tich-hdqt-dai-hoc- fpt-xac-nhan-chap-thuan-thu-hoc-phi-bang-bitcoin-a206864.html (truy cập ngày 20/9/2018).

[8] Coin tiền ảo, “5 sàn giao dịch tiền ảo hàng đầu tại Việt Nam và trên thế giới", https://cointienao.com/5-san-giao-dich-tien-ao-hang-dau-tai-viet-nam-va-tren- gioi (truy cập ngày 10/9/2018).

[9] Khánh Huy, “Nhờ tiền ảo, các sàn giao dịch thu lợi nhuận kếch xử", https://vietnammoi.vn/nho-tien-ao-cac-san-giao-dich-thu-loi-nhuan-kech-xu- 85921.html (truy cập ngày 12/9/2018).

[10] Thùy Duyên, “Ngân hàng Nhà nước cảnh báo về tiền ảo Bitcoin", http://vneconomy.vn/tai-chinh/ngan-hang-nha-nuoc-canh-bao-ve-tien-ao-bitcoin-20140227080458879.htm (truy cập ngày 20/9/2018).

[11] Phương Loan, “Vụ kiện đầu tiên về truy thu thuế tiền điện tử Bitcoin", http://plo.vn/phap-luat/vu-kien-dau-tien-ve-truy-thu-thue-tien-dien-tu-bitcoin-728153.html (truy cập ngày 12/9/2018).

[12] Phương Nam - Phan Thương, “Chi cục Thuế Bến Tre thua kiện vì 'đánh thuế' kinh doanh tiền điện tử”, http://www.nhadautu.vn/chi-cuc-thue-ben-tre-thua- kien-vi-danh-thue-kinh-doanh-tien-dien-tu-d3100.html (truy cập ngày 12/9/2018).

[13] Phương Loan, Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, “Tòa tuyên án vụ thu thuế tiền điện tử Bitcoin", http://cafef.vn/toa-tuyen-an-vu-thu-thue-tien-dien-tu-bitcoin-20170922134614789.chn (truy cập ngày 12/6/2018).

[14] Trần Xuân Anh, Báo Tập đoàn kinh tế, “Quá nhiều mô hình tiền ảo đa cấp tại Việt Nam", https://www.economygroup.vn/qua-nhieu-mo-hinh-tien-ao-da-cap- tai-viet-nam-2383.egm (truy cập ngày 12/9/2018).

[15] Trần Xuân Anh, Báo Tập đoàn kinh tế, “Quá nhiều mô hình tiền ảo đa cấp tại Việt Nam", https://www.economygroup.vn/qua-nhieu-mo-hinh-tien-ao-da-cap- tai-viet-nam-2383.egm (truy cập ngày 12/9/2018).,

[16] Thái Dương - Phạm Dũng, “Công ty bị tố lừa đảo 15.000 tỷ đồng từ tiền ảo iFan do ai lập?", https://www.bbc.com/vietnamese/business-43754321 (truy cập ngày 12/9/2018).

[17] Xuân Hinh, “Vụ công ty tiền ảo bị tố lừa 15 nghìn tỷ đồng: Gần 200 người gửi đơn tố cáo", http://dantri.com.vn/kinh-doanh/vu-cong-ty-tien-ao-bi-to-lua- 15-nghin-ty-dong-gan-200-nguoi-gui-don-to-cao-20180413151238779.htm cập ngày 12/9/2018)

[18] Huy Hùng - VietnamFinance, “Đường dây lừa đảo bằng tiền ảo hơn 15 nghìn tỷ đồng: Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo công an điều tra, https://baomoi.com/duong-day-lua-dao-bang-tien-ao-hon-15-nghin-ty-dong-tp- hcm-chi-dao-cong-an-dieu-tra/c/25625107.epi (truy cập ngày 12/9/2018

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành