Thứ sáu, 26 Tháng 7 2024 02:37

Khái quát chung về tiền ảo

1. Khái niệm tiền ảo

Với xu thế phát triển của khoa học công nghệ, kinh tế-xã hội, tiền ảo đã ra đời theo đó các quan điểm, phân tích đặc điểm các loại tiền ảo cũng đã dần xuất hiện và ngày càng được hoàn thiện trên thế giới. Về mặt lý luận, định nghĩa về tiền ảo cũng đã được các nhà nghiên cứu kinh tế xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau.

Từ đầu những năm của thế kỷ 21, Châu Âu đã đưa ra một khái niệm chung về tiền ảo, theo đó có thể thấy tiền ảo (virtual money) có thể được coi là một loại tiền kỹ thuật số (digital money), không do Ngân hàng trung ương điều chỉnh và quản lý; do các nhà phát triển xác lập và ban hành và được sử dụng trong một cộng đồng ảo nhất định.[1]

Đây có thể được coi là một trong những định nghĩa đầu tiên thể hiện tương đối đầy đủ về bản chất của tiền ảo, theo đó, tiền ảo sẽ có đặc tính, đầu tiên đó là một dạng tiền kỹ thuật số.

Có thể nói, đây là giải thích đầu tiên đã đưa ra một nội hàm tương đối đầy đủ về tiền ảo. Theo nghiên cứu này thì tiền ảo có các đặc tính: (1) là một dạng tiền kỹ thuật số tồn tại trong môi trường mạng, sử dụng thông qua công cụ là các thiết bị điện tử; (2) không được điều chỉnh bởi ngân hàng trung ương hay nói cách khác, không phải là một loại tiền tệ hợp pháp như tiền giấy, tiền xu hoặc tiền điện tử của một quốc gia; (3) được ban hành và kiểm soát bởi nhà phát triển; và (4) được sử dụng và chấp nhận giữa các thành viên của cộng đồng mạng nhất định.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu cho rằng khái niệm tiền ảo còn có thể được coi là một đại diện có giá trị số không do Ngân hàng trung ương hoặc tổ chức tài chính nào phát hành và có thể được sử dụng tương đương hoặc thay thế tiền thật[2]. Với định nghĩa này, có thể thấy ngân hàng trung ương Châu Âu đã hoàn thiện thêm khái niệm về tiền ảo so với trước đây. Điều này thể hiện ở chỗ:

Một là, tiền ảo đã tiến dần lên một bước, được coi là đại diện tiền kỹ thuật số mang tính giá trị. Như vậy, ngân hàng trung ương Châu Âu đã xác định vai trò của tiền ảo là có giá trị và có thể được trao đổi hoặc định giá tài sản, hàng hóa.

Hai là, ngày nay cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, tiền ảo ra đời với nhiều loại khác nhau và với những cách thức kiểm soát khác nhau, được kiểm soát dưới dạng tập trung hoặc phi tập trung hoặc do bản thân cộng đồng người sử dụng quyết định.

Ba là, theo định nghĩa trên, thì tiền ảo đã có thể sử dụng để thay thế tiền thật thay thế cho việc “được cộng đồng mạng chấp nhận và sử dụng”. Như vậy, có thể thấy rằng Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) đã thay đổi quan niệm cho rằng tiền ảo được sử dụng trong một cộng đồng mạng nhất định đã có thể sử dụng trong cộng đồng thật và xác nhận rằng các dạng tiền kỹ thuật số có thể dùng để trao đổi, thanh toán trong cộng đồng mạng và cộng đồng thật dù đó là tiền ảo.

Có thể thấy, tiền ảo có một số đặc tính cơ bản như là một đại diện của công nghệ kỹ thuật số có giá trị nhất định; không phải là tiền do ngân hàng trung ương hay cơ quan tổ chức phát hành và có thể được sử dụng song song hoặc thay thế tiền thật.

Năm 2013, Cục Phòng chống tội phạm tài chính Mỹ (FinCEN) đã xác định tiền thật là “đồng xu và tiền giấy của Mỹ hoặc bất kỳ nước nào khác mà được thừa nhận là hợp pháp, đang lưu hành và thông thường được sử dụng và được chấp nhận như một phương tiện trao đổi trong nước phát hành nó”, còn tiền ảo được định nghĩa là một phương tiện trao đổi mà hoạt động như tiền thật trong một số môi trường, nhưng không có tất cả các thuộc tính của tiền thật[3]. FinCEN cho rằng: “Tiền ảo là một kiểu trao đổi hoạt động giống như đồng tiền trong một số môi trường, nhưng không có tất cả các thuộc tính của đồng tiền thực. Vì vậy, theo Đạo luật Bảo mật ngân hàng, tiền tệ ảo không đáp ứng các tiêu chí để được coi là tiền tệ. Tuy nhiên, nó hoạt động như một công cụ thay thế cho đồng tiền thật và có thể đổi sang tiền thật. Các đồng tiền ảo được gọi là các khoản tín dụng, có nghĩa là chúng không có giá trị nội tại (chúng không được định giá bởi vàng, bạc, dầu, lúa mì, hoặc các mặt hàng khác), và giá trị của chúng được xác định bởi sự quyết định của các tổ chức hoặc giá thị trường”[4]. Như vậy, theo định nghĩa này của FinCEN thì tiền ảo cũng được khẳng định là phải mang các đặc tính sau: (1) không phải là tiền thật được phát hành bởi ngân hàng trung ương; (2) có thể là công cụ thay thế tiền thật trong thanh toán; (3) không được bảo hộ giá trị nội tại bởi nhà phát hành mà giá trị được quyết định bởi các tổ chức hoặc người phát hành.

Tiếp sau đó, năm 2014, một cơ quan khác của Mỹ là Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ (United States Gorverment Accountability Office (GAO)) trong một nghiên cứu của mình có đưa ra định nghĩa: tiền ảo là một đơn vị trao đổi số hóa, không được bảo đảm bởi một đồng tiền chính thức do chính phủ phát hành. Tiền ảo có thể được sử dụng rộng rãi trong một nền kinh tế ảo (là nền kinh tế được định nghĩa bao gồm các hoạt động kinh tế giữa các nhóm cộng đồng, tương tác với nhau thông qua các thiếp lập ảo) hoặc có thể được sử dụng thay cho đồng tiền chính phủ để mua bán hàng hóa, dịch vụ trong một nền kinh tế thực[5]. Như vậy, có thể thấy, định nghĩa về tiền ảo của GAO khá tương đồng với định nghĩa về tiền ảo của ECB, tức là tiền ảo không phải là tiền chính thức do chính phủ phát hành nhưng có thể sử dụng rộng rãi và có thể thay thế đồng tiền thật để mua bán hàng hoá trong đời sống thực.

Ngân hàng Trung ương Thụy Điển nhận định: “Tiền ảo là một giá trị thanh toán tồn tại dưới dạng hình thức một đơn vị giá trị số. Nó được sử dụng để thanh toán trong một cộng đồng mạng cụ thể, chẳng hạn như một trang web cụ thể hoặc mạng người dùng có phần mềm đặc biệt để quản lý tiền ảo và thanh toán. Loại cộng đồng mạng này có thể được so sánh với một thỏa thuận đơn giản để sử dụng làm phương tiện thanh toán”[6]. Định nghĩa về tiền ảo của Thụy Điển cũng thể hiện tiền ảo mang một số đặc tính giống với định nghĩa được đưa ra của ECB và Mỹ. Tuy nhiên, định nghĩa này chưa thật đầy đủ vì không khẳng định tiền ảo có loại trừ tiền do ngân hàng trung ương phát hành hay không và cũng không thể hiện rõ việc tiền ảo sử dụng trong cả cộng đồng thật thì có được coi là tiền ảo hay không.

Ở Châu Á, Nhật Bản, một quốc gia đi tiên phong trong việc ban hành văn bản pháp luật riêng điều chỉnh về tiền ảo cũng đưa ra khái niệm tiền ảo làm cơ sở cho việc áp dụng và điều chỉnh. Theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật Tiền ảo Nhật Bản có hiệu lực từ ngày 01/4/2017[7], tiền ảo được hiểu là:

Thứ nhất, giá trị giống như tài sản (được ghi lại bởi các cách thức điện tử trong các phương tiện điện tử..., không bao gồm bất kỳ loại tiền tệ nào được cho phép, của Nhật Bản hoặc các quốc gia khác, và các tài sản được xác định là các đơn vị tiền tệ đó) được sử dụng để thanh toán giá trị hàng hóa khi mua bán, thuê hoặc các dịch vụ khác cho một hoặc nhiều đối tượng không cụ thể (“Tiền ảo loại I”);

Thứ hai, giá trị giống như tài sản được dùng để trao đổi đối với một hoặc nhiều chủ thể không xác định, với các giá trị tài sản được đưa ra ở đoạn (i) nêu trên và có thể được chuyển giao thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử (“Tiền ảo loại II”).

Các loại tiền ảo được đưa ra trong pháp luật Nhật Bản khá cụ thể và cũng bao gồm các đặc tính tương tự như định nghĩa được đưa ra bởi ECB. Theo đó thì các đồng tiền ảo này cũng phải thoả mãn các điều kiện: có giá trị như tài sản; không là đồng tiền pháp định do chính phủ ban hành; có thể được dùng để trao đổi, mua bán đối với tài sản, hàng hoá trong thế giới thực.

Như vậy, có thể thấy, đến thời điểm hiện nay đã tồn tại khá nhiều định nghĩa khác nhau về tiền ảo. Tuy nhiên, qua các định nghĩa trên có thể đưa ra một cách hiểu chung nhất về tiền ảo như sau: Tiền ảo là một sản phẩm có giá trị tồn tại dưới hình thức kỹ thuật số được phát hành bởi một cả nhân hoặc tổ chức, không phải là đồng tiền pháp định do chính phủ của một quốc gia phát hành, có giá trị sử dụng trong cộng đồng mạng hoặc có thể được sử dụng để thực hiện việc trao đổi, thanh toán với các loại hàng hoá, dịch vụ khác.

2. Đặc điểm của tiền ảo

Như trên đã phân tích, có nhiều định nghĩa khác nhau về tiền ảo và mỗi định nghĩa đều đưa ra một số nét đặc trưng riêng của tiền ảo. Tuy nhiên, qua các định nghĩa đó thì có thể nhận thấy tiền ảo có một số đặc điểm nổi bật sau đây:

Một là, tiền ảo là một sản phẩm tồn tại trên internet, trong môi trường kỹ thuật số, được lưu giữ và chuyển nhượng trong môi trường kỹ thuật số. Tất cả các định nghĩa nêu ra đều thể hiện đặc điểm này của tiền ảo. Tiền ảo được tạo ra, sử dụng gắn liền với “thế giới mạng” chứ không tồn tại vật chất trong đời sống xã hội. Thực tế, tiền ảo nằm trong sự quản lý, nắm giữ của các chủ thể thông qua mạng internet.

Hai là, tiền ảo là một sản phẩm kỹ thuật số có giá trị. Có thể nói, ngoài việc công nhận nó có giá trị hoặc có giá trị như tài sản thì việc thừa nhận tiền ảo được sử dụng để trao đổi hoặc thanh toán với tài sản, hàng hoá của đời sống thực của phần lớn các khái niệm nêu trên đã chứng tỏ rằng tiền ảo được công nhận là một sản phẩm số có giá trị và giá trị của tiền ảo được biểu hiện thông qua các loại tài sản mà nó được sử dụng để trao đổi hoặc thanh toán. Giá trị của tiền ảo cũng được quyết định bởi một tổ chức, của cộng đồng người sử dụng hoặc bởi giá thị trường.

Ba là, tiền ảo có thể được phát hành bởi bất cứ cá nhân hay tổ chức nào, tuy nhiên, tiền ảo không thể được phát hành bởi ngân hàng trung ương của một nhà nước. Trên thực tế, hầu hết các loại tiền kỹ thuật số hiện nay không do các ngân hàng nhà nước hay bất kỳ một cơ quan nhà nước nào ban hành và bảo hộ mà là sản phẩm được tạo ra bởi một tổ chức, cá nhân nhất định và được quyết định giá trị bởi thị trường và những người tham gia giao dịch.

Có thể nói, việc xem xét đồng tiền do chính phủ của một quốc gia phát hành không phải là tiền ảo là rất hợp lý. Bởi lẽ, dưới góc độ pháp lý, tiền pháp định được bảo hộ bởi các quốc gia đã được điều chỉnh bởi chính sách tiền tệ và luật ngân hàng của từng quốc gia, do đó, không nên coi là tiền ảo để điều chỉnh như các loại tiền ảo khác, mặc dù nó cũng tồn tại trên môi trường kỹ thuật số và được sử dụng để trao đổi với các loại tài sản, hàng hoá trong cộng đồng mạng và thật giống các đồng tiền ảo khác.

Bốn là, khi tạo ra đồng tiền ảo, các chủ thể phát hành có thể kiểm soát hoặc không kiểm soát chúng mà để mặc cho thị trường và cộng đồng người sử dụng kiểm soát và quyết định. Thường được tạo ra trên công nghệ blockchain, các loại tiền ảo được tạo ra và đưa lên mạng để người dùng tự quyết định. Tuy nhiên, có một số đồng tiền (như đồng tiền mật mã Onecoin hoặc đồng Linden Dollar[8] của trò chơi trực tuyến Second life) thì chủ thể phát hành có thể kiểm soát chúng. Việc kiểm soát hay không kiểm soát đồng tiền ảo không phải là yếu tố quyết định được giá trị của tiền ảo đó trên thực tế.

Năm là, tiền ảo có thể được sử dụng như là một công cụ thanh toán và trao đổi trong cộng đồng mạng hoặc có thể được sử dụng ở thế giới thật. Không như các sản phẩm khác được tạo ra trên mạng internet như tên miền, các website, các dịch vụ giải trí... để phục vụ nhu cầu cung cấp thông tin, giải trí... của con người, tiền ảo được tạo ra với mục đích sử dụng làm công cụ thanh toán trên cộng đồng mạng và vươn xa hơn có thể ra cả thế giới thật. Hiện nay, nhiều đồng tiền ảo như Bitcoin, Litecoin, Ethereum... đã được chấp nhận trao đổi hoặc thanh toán bởi nhiều cá nhân, cửa hàng, doanh nghiệp, trường học... trên toàn thế giới.

Sáu là, giá trị của hầu hết các đồng tiền ảo không được bảo đảm bởi một giá trị vật chất nào. Thông thường, với tiền thật hoặc các phương tiện thanh toán khác thường được bảo đảm bằng một loại tài sản có giá trị bởi tổ chức phát hành như vàng, lúa mì, kim cương... thì tiền ảo không mang đặc tính trên. Giá trị của tiền ảo do cộng đồng người sử dụng quyết định qua quá trình sử dụng và phát triển của chúng.

3. Phân loại tiền ảo

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và sự quan tâm của người sử dụng, sự thuận tiện và dễ dàng trong việc tạo ra một đồng tiền ảo mà các loại tiền ảo xuất hiện ngày càng nhiều và phổ biến, tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau. Để cho việc tiếp cận được thuận lợi cũng như tạo điều kiện cho việc tìm hiểu và ban hành khung pháp lý điều chỉnh đối với tiền ảo phù hợp, việc phân loại tiền ảo là cần thiết. Việc phân loại tiền ảo thành các loại khác nhau phụ thuộc vào các tiêu chí khác nhau. Dưới đây là một số cách phân loại phổ biến.

2.1 Phân loại tiền ảo dựa vào khả năng tương tác với nền kinh tế thật[9]

Đây là tiêu chí quan trọng mà ECB đã sử dụng để phân loại tiền ảo vào năm 2012. Dựa vào tiêu chí này, tiền ảo được phân thành 03 loại sau đây:

Tiền ảo khép kín (Closed virtual currency schemes):

Các loại tiền này không có liên kết đến các nền kinh tế thực và đôi khi chỉ tồn tại trong các trò chơi trực tuyến. Đối với loại tiền ảo này, người dùng thường phải trả một khoản phí thuê bao và sau đó kiếm được tiền ảo dựa trên hoạt động trực tuyến của họ. Các loại tiền ảo này chỉ có thể được chi tiêu bằng cách mua hàng hóa và dịch vụ được cung cấp trong cộng đồng ảo và ít nhất là về mặt lý thuyết, nó không thể được giao dịch ra bên ngoài cộng đồng ảo.

Tiền ảo một chiều (Virtual currency schemes with unidirectional flow):

Là loại tiền tệ ảo có thể được mua trực tiếp bằng việc sử dụng tiền thật theo một tỷ giá xác định, nhưng nó không thể được trao đổi ngược trở lại đồng tiền gốc. Điều kiện chuyển đổi được thiết lập bởi các chủ đề án của loại tiền ảo này. Loại tiền này được sử dụng để mua hàng hoá và dịch vụ ảo, nhưng trong một số trường hợp cũng có thể cho phép sử dụng để mua hàng hoá, dịch vụ thực. Ví dụ điển hình cho loại tiền này là đồng tiền được sử dụng trong trò chơi điện tử trực tuyến (game online) có tên là World of Warcraft. Người chơi có thể mua tiền ảo trong trò chơi bằng tiền thật (hay còn gọi là nạp tiền), sau đó sử dụng số lượng tiền đó để giao dịch mua bán các hàng hóa ảo trong trò chơi. Tiền ảo hay các hàng hóa ảo trong trò chơi điện tử này đều không thể quy đổi ngược lại thành tiền thật.

Tiền ảo hai chiều (Virtual currency schemes with bidirectional flow):

Là loại tiền ảo mà người dùng có thể mua và bán theo tỷ giá với đồng tiền thật. Loại tiền ảo này tương tự như bất kỳ đồng tiền nào khác và có khả năng tương tác với thế giới thực, có thể được sử dụng để mua bán cả hàng hoá hay dịch vụ ảo và thật. Điển hình của đồng tiền ảo này là các loại tiền mật mã phổ biến hiện nay như Bitcoin, Litecoin, Ethereum...

Việc phân loại tiền ảo này sẽ giúp các quốc gia lưu ý khi muốn khoanh vùng phạm vi cũng như đưa ra cơ chế pháp lý điều chỉnh đối với tiền ảo. Đối với các tiền ảo khép kín không tương tác với nền kinh tế thật thì thường không nằm trong phạm vi điều chỉnh của pháp luật chuyên biệt về tiền ảo của các nước.

2.2 Phân loại tiền ảo dựa trên tiêu chí khả năng chuyển đổi của đồng tiền

Theo tiêu chí này, tiền ảo có thể được chia làm 02 loại: tiền ảo không có khả năng chuyển đổi và tiền ảo có khả năng chuyển đổi.

Tiền ảo không có khả năng chuyển đổi (nonconvertible virtual currency): Là các đồng tiền ảo chỉ sử dụng trong cộng đồng mạng internet nhất định (cộng đồng ảo) mà theo các điều khoản và điều kiện của cộng đồng này thì đồng tiền ảo không được phép chuyển đổi sang tiền thực. Ví dụ như các đồng tiền/vàng được sử dụng trong một số trò chơi điện từ như Mario, đào vàng, Candy Crush...

Tiền ảo có khả năng chuyển đổi (convertible virtual currency):

Là các đồng tiền ảo có giá trị tương đương với tiền thực và có khả năng chuyển đổi thành tiền thực hoặc trao đổi để lấy hàng hóa, dịch vụ thực. Các đồng tiền ảo có khả năng chuyển đổi bao gồm: Bitcoin, Litecoin, Ripple...

Tương tự như cách phân loại dựa vào khả năng tương tác với nền kinh tế thật, cách phân loại này cũng có ý nghĩa trong việc ghi nhận phạm vi điều chỉnh đối với tiền ảo. Tuy nhiên, mỗi quốc gia khác nhau sẽ lựa chọn cách phân loại và thuật ngữ khác nhau. Thông thường, tiền ảo có khả năng chuyển đổi mới có ảnh hưởng nhiều tới đời sống thực tế và mới được điều chỉnh bởi pháp luật.

2.3 Phân loại tiền ảo dựa theo tiêu chí khả năng kiểm soát

Theo tiêu chí này, tiền ảo có thể được chia thành 02 loại chính: tiền ảo tập trung và tiền ảo phi tập trung.

Tiền ảo tập trung (centralized virtual currency): Là tiền ảo do một tổ chức hoặc một cá nhân quản trị kiểm soát toàn bộ nền kinh tế ảo, bao gồm từ việc phát hành tiền ảo, xác thực giao dịch, quyết định lượng cung tiền ảo đến việc đưa ra các quy định hoạt động trong một nền kinh tế ảo. Ví dụ điển hình về loại tiền ảo này là đồng Linden Dollar.

Tiền ảo phi tập trung (decentralized currency): Là tiền ảo không bị kiểm soát bởi một nhà quản trị cụ thể. Các đơn vị tiền ảo được tạo ra, được lưu hành trên môi trường mạng internet thông qua hoạt động “khai thác” (mining) và được kiểm tra, quản lý bởi các người dùng thông qua công cụ kỹ thuật phức tạp. Đồng tiền ảo phi tập trung đầu tiên được phát minh ra là đồng Bitcoin. Hiện nay, tiền ảo phi tập trung đã trở nên đa dạng với nhiều loại khác nhau như Litecoin, Swisscoin, Ripple, Ethereum, Bitcoin cash...

Cách phân loại này giúp người sử dụng và nhà đầu tư đánh giá được khả năng kiểm soát và rủi ro đối với tiền ảo để cân nhắc trước khi đầu tư. Đồng thời, việc xác định được chủ thể ban hành và kiểm soát đối với đồng tiền ảo cũng giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra chính sách quản lý phù hợp hơn.

2.4 Phân loại tiền ảo theo tiêu chí cách thức hình thành

Theo cách thức hình thành, tiền ảo được chia làm 02 loại: tiền ảo mật mã (crypto currency) và tiền ảo thông thường.

Tiền ảo mật mã hay còn gọi là tiền thuật toán là một loại tiền tệ kỹ thuật số, được tạo ra bởi các thuật toán mã hóa phức tạp dựa trên các phần mềm mã nguồn mở. Tiền mã hóa được thiết kế để thực hiện các giao dịch (mua bán, trao đổi) bằng cách sử dụng mật mã để bảo đảm các giao dịch, kiểm soát việc tạo ra các đơn vị bổ sung và để xác minh việc chuyển giao tài sản. Tiền thuật toán được giao dịch mua bán hoàn toàn trên môi trường internet dựa trên giao thức mạng ngang hàng và không chịu sự quản lý của bất cứ cá nhân, tổ chức hay quốc gia nào[10]. Để sử dụng tiền thuật toán, người dùng phải có một “ví điện tử” với địa chỉ là một dãy mật mã xác định và được bảo mật về danh tính của mình.

Hiện nay, trên thế giới đang có khoảng 2.042 loại tiền ảo mật mã được lưu hành[11]. Trong đó nổi bật nhất là Bitcoin (BTC) còn tất cả những đồng tiền còn lại có tên gọi chung là Altcoin được tạo ra bởi các thuật toán khác nhau nhưng vẫn dựa trên nền tảng chính là Bitcoin. Một số đồng tiền kỹ thuật số phổ biến như Ethereum (ETH), Ripple (XRP), Litecoin (LTC), Monero (XMR), DASH, Ethereum Classic (ETC)...

Tiền ảo thông thường là tiền ảo được quản lý bằng các phần mềm, công nghệ máy tính. Thay vì dùng “ví điện tử”, người dùng sẽ mở những tài khoản mang thông tin cá nhân chi tiết để thực hiện các giao dịch mua bán, sử dụng các đồng tiền ảo này[12].

Việc phân loại này giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định được cách thức lưu thông, giao dịch các loại tiền ảo để từ đó đưa ra được các chính sách quản lý, điều chỉnh đối với từng loại. Hiện nay, tiền ảo mật mã là loại tiền ảo chủ đạo, phổ biến nhất mang đến thách thức đối với việc điều chỉnh bằng pháp luật.

2.5 Phân loại tiền ảo theo tiêu chí chức năng và mục đích sử dụng

Theo tiêu chí này, tiền ảo được chia làm nhiều loại khác nhau: tiền ảo giá trị trả trước, tiền ảo trong game, tiền ảo lưu hành, tiền ảo huy động vốn[13]...

Tiền ảo giá trị trả trước là các đồng tiền ảo trong các tài khoản trả trước, trong đó đồng tiền này được dùng giống như một sản phẩm, hàng hóa. Ví dụ điển hình cho loại tiền ảo này là air miles, được dùng trong các tài khoản trả trước Airtime. Người dùng sẽ thiết lập tài khoản và nạp tiền vào tài khoản đó (tiền thật). Khoản tiền này sẽ chuyển thành một loại tiền ảo. Tiền ảo sẽ được sử dụng để chuyển tiền, trả tiền thuê bao trong phạm vi mạng viễn thông mà người dùng sử dụng.

Tiền ảo trong game là các đồng tiền ảo được sử dụng chức năng tiền tệ trong các trò chơi, đặc biệt là các trò chơi trực tuyến như: đồng WoW gold trong trò chơi Word of Warcraft, đồng Vcoin trong trò chơi Audition, các thỏi vàng trong trò chơi Candy Crush...

Tiền ảo lưu hành là các đồng tiền ảo được tạo ra với mục đích làm phương tiện thanh toán, trao đổi và có tính tương tác giữa môi trường thực và ảo. Tiền ảo lưu hành có thể chia làm 03 loại gồm: tiền ảo lưu hành trong các ứng dụng internet (ví dụ như đồng TYM được dùng trong ứng dụng storevn; tiền ảo sử dụng cho hoạt động quảng cáo là tiền thưởng cho một cá nhân/tổ chức khi tham gia vào hoạt động quảng cáo nào đó như: hoàn thành một điều tra xã hội học hoặc tải một ứng dụng về máy tính/điện thoại... (các loại tiền ảo này có thể kể đến đồng Junocredits trong Bamboo Wallet); và tiền ảo có giá trị mã hóa là các đồng tiền được mô phỏng và có các chức năng tương tự tiền thật, được sử dụng rộng rãi trong nhiều giao dịch khác nhau và ít giới hạn bởi các môi trường xác định (ví dụ như đồng Bitcoin, Second life, Litecoin...).

Tiền ảo huy động vốn (còn được dùng với thuật ngữ token): Token là đồng tiền mã hóa được phát hành trong các đợt ICO (Initial Coin Offering - phát hành coin ra công chúng lần đầu). Do khái niệm ICO có thể nhầm sang là phát hành coin nên một số dự án chuyển sang dùng khái niệm ITO (Initial Token Offering). Token được phát hành dựa trên một nền tảng của coin nào đó. Ví dụ: Đa số token hiện tại được phát hành trên nền tảng Ethereum; một số token khác dựa trên nền tảng NEO, WAVES, STELLAR...

Như vậy, có thể thấy rằng, hiện nay tiền ảo ngày càng phát triển và ngày càng được đa dạng hóa. Các cách phân loại này có ý nghĩa trong việc xác định từng loại tiền ảo được tạo ra với mục đích khác nhau thì sẽ được thừa nhận với vai trò khác nhau. Tóm lại, mục đích phân loại tiền ảo được tạo ra nhằm thanh toán là phương tiện thanh toán hoặc công nhận tiền ảo huy động vốn như là chứng khoán.

 


[1] Ngân hàng Trung ương Châu Âu, "Virtual Currency Schemes", 10/2012, https://www.ecb.europa.eu/pub/pdf/other/virtualcurrencyschemes201210en.pdf (truy cập ngày 08/8/2018)

[2] Ngân hàng Trung ương Châu Âu, European Central Bank, "Virtual currency - chemes a futher analysis", 02/2015, https://www.ecb.europa.eu/pub/pdf/ ther/virtualcurrencyschemesen.pdf (truy cập ngày 08/8/2018).

[3] Cục Phòng chống tội phạm tài chính Mỹ - FinCEN, “Application of FinCEN's Regulations to Persons Administering, Exchanging, or Using Virtual Currencies", Financial Crimes Enforcement Network, 18 March 2013, p.1, https://www.fincen.gov/sites/default/files/shared/FIN-2013-G001.pdf (truy cập ngày 01/6/2018).

[4] Cục Phòng chống tội phạm tài chính Mỹ - FinCEN, "Application of FinCEN's Regulations to Persons Administering, Exchanging, or Using Virtual Currencies", Financial Crimes Enforcement Network, 18 March 2013, p. 1, https://www.fincen.gov/sites/default/files/shared/FIN-2013-G001.pdf (truy cập ngày 01/6/2018).

[5] Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ - GAO, Virtual currencies: Emerging Regulatory, Law Enforcement, and Consumer Protection Challenges, May 2014, https://www.gao.gov/assets/670/663678.pdf (truy cập ngày 01/8/2018).

[6] Economic commentaries, “Have virtual currencies affected the retail payments market?”, No.2.2014, p.1, http://archive.riksbank.se/Documents/Rapporter/Ekonomiska_kommentarer/2014/rap_ek_kom_nr02_140617_eng.pdf (truy cập ngày 01/10/2018)

[7] Virtual Currency Act of Japan Act on Financial Transactions, Article 2, Section 5 Virtual currency as described in this Act refers to:

“1. Asset-like values (limited to those items electronically recorded by electronic or other equipment and excluding Japanese currency, foreign currency, and currency - denominated assets; the same applies to the item below) usable as payment to indefinite parties for the cost of purchase or rent of items or receipt of services and which can be transferred by means of electronic data processing systems;

2. Asset-like values that can be used in exchange with indefinite parties for those items described in the preceding item and which can be transferred by means of electronic data processing systems”.

[8] Tiến sĩ Ruja Ignatova, Học cách thành công trong kinh doanh, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2014.

[9] Ngân hàng Trung ương châu Âu, "Virtual Currency Schemes", 10/2012. P.13 P.14, https://www.ecb.europa.eu/pub/pdf/other/virtualcurrencyschemes201210 en.pdf (truy cập ngày 01/10/2018)

[10] Đình Thanh Tùng, Khái niệm, phân loại và đặc điểm tiền mã hoá, Kỷ yếu Hội thảo: Tiền ảo - Các khía cạnh pháp lý, pháp luật một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, 4/2018.

[11] Tính đến thời điểm ngày 08/10/2018, https://coinmarketcap.com/all/views/all/ (truy cập ngày 08/10/2018).

[12] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nghiên cứu về tiền ảo Bitcoin và các khuyến nghị quản lý tiền ảo ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên tham gia xét giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam" năm 2014 dành cho sinh viên, 2014

[13] Văn phòng Quốc hội (Thư viện Quốc hội), Tổng quan về tiền ảo và các đồng tiền áo phổ biến trên thế giới, tháng 5/2017

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành