Thứ sáu, 19 Tháng 7 2024 02:40

Phân tích vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong việc thực hiện chương trình nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững của Việt Nam

Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở quốc gia hoá các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu đã nêu trong chương trình nghị sự 2030. Chính vì vậy, vai trò khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong Kế hoạch hành động quốc gia về cơ bản cũng được đánh giá và coi trọng như trong Chương trình nghị sự 2030 ở các khía cạnh sau:

Thứ nhất, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính cho phép và thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế thịnh vượng, bao trùm và bền vững với môi trường;

Thứ hai, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững;

Thứ ba, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cung cấp giải pháp giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội, môi trường đối với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững;

Thứ tư, khoa học hỗ trợ quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia.

Khi nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính cho phép và thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế thịnh vượng, bao trùm và bền vững với môi trường, cần xác định vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được đề cập trong nội dung về Quan điểm trong Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Trong quan điểm của Kế hoạch hành động quốc gia đã nêu: “Khoa học và công nghệ là nền tảng, là động lực cho phát triển bền vững đất nước. Công nghệ hiện đại, sạch và thân thiện với môi trường cần được ưu tiên sử dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất".

Khi nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (hai yếu tố khác là tài chính, thể chế) cần căn cứ vào Mục tiêu 17, trong đó chỉ rõ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là công cụ then chốt để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững bên cạnh đầu tư nguồn lực tài chính, môi trường thể chế. Mục tiêu này cũng nêu rõ rằng hợp tác quốc tế về tiếp cận khoa học, công nghệ và đổi mới là trọng tâm của hợp tác quốc tế nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế bền vững. Sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là tiền đề cho tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua việc nâng cao năng lực sản xuất và gia tăng năng suất lao động, phát triển các ngành thâm dụng vốn và lao động ít nhưng tạo ra giá trị gia tăng cao. Điều này đã được thể hiện trong Kế hoạch hành động quốc gia khi cụm từ “khoa học, công nghệ”, “công nghệ” được nhắc tới ở 27/115 mục tiêu cụ thể của Kế hoạch hành động. Cụ thể như sau:

- Mục tiêu 8: Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người.

+ Nhằm đạt được Mục tiêu 8.1: “Duy trì tăng trưởng GDP bình quân đầu người 4 - 4,5% và GDP hằng năm trung bình từ 5 - 6%", tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ đã được xác định là một trong các nhiệm vụ ưu tiên.

+ Mục tiêu 8.2 nêu rõ tăng năng suất lao động thông qua nâng cấp và đổi mới công nghệ, tập trung vào các ngành tạo giá trị tăng cao và sử dụng nhiều lao động.

Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tăng trưởng kinh tế bền vững được đặc biệt nhấn mạnh ở Mục tiêu 9, 10. Mục tiêu 9 về cơ sở hạ tầng, công nghiệp hóa và đổi mới nhấn mạnh rõ ràng vai trò thúc đẩy đổi mới và tiến bộ công nghệ để thúc đẩy phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững.

Mục tiêu 9.2: Đến năm 2030, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững; nâng cấp kết cấu hạ tầng và các ngành Công nghiệp hỗ trợ hướng tới sự bền vững, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực và áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất sạch và thân thiện với môi trường; tăng đáng kể tỷ lệ việc làm và tổng sản phẩm quốc nội của ngành Công nghiệp (Mục tiêu 9.2 và Mục tiêu 9.4 toàn cầu).

Duy trì tăng trưởng công nghiệp bền vững, xây dựng nền “công nghiệp xanh".

- Từng bước điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp từ chủ yếu dựa trên số lượng sang dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp.

Thực hiện tái cơ cấu ngành Công nghiệp theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển và chuyển giao công nghệ đối với các ngành, các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh và công nghệ hiện đại, tiên tiến. Điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp hợp lý nhằm phát huy sức mạnh liên kết giữa các ngành, vùng, địa phương để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là nhóm sản phẩm cơ khí, hóa chất, điện tử viễn thông phục vụ sản xuất công nghiệp, đồng thời tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu.

- Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại nhằm tạo sự đột phá về công nghệ trong sản xuất đối với những ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ.

Xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật môi trường, áp dụng rộng rãi quy trình sản xuất sạch.

Mục tiêu 9.4: Tăng cường nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực công nghệ của các ngành Công nghiệp; khuyến khích sáng chế phát minh; đến năm 2030 tăng đáng kể tỷ lệ người làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và triển khai; tăng đầu tư cho nghiên cứu và triển khai (Mục tiêu 9.5 toàn cầu).

- Sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy cung - cầu công nghệ.

- Tăng cường đầu tư cho khoa học, công nghệ; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) để có thể tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo một số sản phẩm công nghệ cao.

- Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại nhằm tạo sự đột phá về công nghệ trong sản xuất đối với những ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn và công nghiệp ưu tiên.

- Tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ có đủ năng lực tiếp thu làm chủ công nghệ mới, sáng tạo công nghệ phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên.

- Áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến; thực hiện chính sách giá năng lượng, tài nguyên, công lao động và các chi phí sản xuất khác thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

- Xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ, đặc biệt là nhóm chuyên gia đầu ngành có trình độ chuyên môn - kỹ thuật tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, có đủ năng lực nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao và đề xuất những giải pháp khoa học, công nghệ, giải quyết về cơ bản những vấn đề phát triển của đất nước.

Cần xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cung cấp giải pháp giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội, môi trường đối với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế mà còn là tiềm năng mạnh mẽ đóng góp vào thành tựu của hầu hết tất cả các mục tiêu phát triển bền vững khác, và là một trong rất nhiều công cụ khác nhau để thực thi 90 mục tiêu phát triển bền vững cụ thể còn lại của Việt Nam như xoá đói, xoá nghèo, cải thiện an ninh lương thực, dinh dưỡng và phát triển nông nghiệp; thúc đẩy tiếp cận và hiệu quả của năng lượng; thúc đẩy bình đẳng xã hội theo nguyên tắc “không ai bị bỏ lại phía sau"; phòng ngừa bệnh tật và cải thiện sức khoẻ; thúc đẩy tiếp cận và cá nhân hoá giáo dục. Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thể hiện cụ thể trong các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam như sau:

+ Mục tiêu xoá nghèo: Đến năm 2030 cần phải có các công nghệ mới phù hợp cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo và người dễ bị tổn thương (VSDG1).

Mục tiêu 1.3: Đến năm 2030, bảo đảm tất cả mọi người, đặc biệt những người nghèo và người dễ bị tổn thương... tiếp cận các dịch vụ cơ bản, công nghệ mới phù hợp và các dịch vụ tài chính, bao gồm tài chính vi mô.

+ Mục tiêu xoá đói: Ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm tạo ra các phương thức sản xuất mới, có khả năng tăng năng suất và sản lượng, duy trì hệ sinh thái, tăng cường khả năng thích ứng, chọn tạo, sản xuất và cung ứng đủ giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao, đặc biệt các giống cây trồng có khả năng chống chịu với điều kiện không thuận lợi như kháng mặn, hạn, chịu ngập, nghiên cứu nhằm duy trì đa dạng di truyền của các giống cây trồng, vật nuôi (VSDG2).

Mục tiêu 2.3: Đến năm 2030, tăng gấp 1,5 lần năng suất lao động trong nông nghiệp và thu nhập của lao động nông nghiệp.

Mục tiêu 2.4: Đến năm 2030,... áp dụng những phương thức sản xuất nông nghiệp có khả năng chống chịu giúp tăng năng suất và sản lượng, duy trì hệ sinh thái, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và các thảm họa khác và dần dần cải tạo chất lượng đất đai.

Mục tiêu 2.5: Đến năm 2020, duy trì đa dạng di truyền của các giống cây trồng, vật nuôi.

+ Mục tiêu cuộc sống mạnh khỏe: Công nghệ nâng cao hiệu quả khám sàng lọc trước sinh nhằm hạ thấp tỷ lệ sơ sinh dị tật; giám định tử vong mẹ, nghiên cứu, ứng dụng vắc xin sản xuất trong nước, điều trị các bệnh dịch AIDS, lao, sốt rét và các bệnh nhiệt đới bị lãng quên; phòng chống bệnh viêm gan, các dịch bệnh do nguồn nước và các bệnh truyền nhiễm khác,... Tăng cường việc áp dụng công nghệ trong kiềm chế và giảm tai nạn giao thông. Cải thiện công nghệ trong việc giảm số ca mắc bệnh và tử vong do các hóa chất độc hại và ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất (VSDG3).

Mục tiêu 3.1: Đến năm 2030, giảm tỷ suất tử vong mẹ xuống dưới 45/100000 trẻ đẻ sống; giảm tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi xuống dưới 10 ca trên 1000 trẻ đẻ sống và tỷ suất từ vong trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 15 ca trên 1000 trẻ đẻ sống.

Mục tiêu 3.2: Đến năm 2030, chấm dứt các bệnh dịch AIDS, lao, sốt rét và các bệnh nhiệt đới bị lãng quên; phòng chống bệnh viêm gan, các dịch bệnh do nguồn nước và các bệnh truyền nhiễm khác.

Mục tiêu 3.3: Đến năm 2030, giảm 20 - 25% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh không lây nhiễm (NCDs) thông qua dự phòng và điều trị, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất.

Mục tiêu 3.5: Đến năm 2030, hằng năm tiếp tục kiểm chế và giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí, số vụ, số người chết và số người bị thương.

Mục tiêu 3.8: Đến năm 2030, giảm đáng kể số ca mắc bệnh và tử vong do các hóa chất độc hại và ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất.

+ Mục tiêu bình đẳng giới: Công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông góp phần thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ (VSDG5).

Mục tiêu 5.8: Nâng cao việc sử dụng các công nghệ tạo thuận lợi, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông để thúc đẩy việc trao quyền cho phụ nữ.

Mục tiêu 5.8: Tạo điều kiện cho phụ nữ được tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.

+ Mục tiêu nước sạch: Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong cấp nước an toàn và dịch vụ vệ sinh cho tất cả mọi người, đặc biệt là người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em gái; công nghệ góp phần vào cải thiện chất lượng nước, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm; xử lý nước thải và tái sử dụng nước an toàn; khai thác và sử dụng các nguồn nước ngọt (VSDG6).

+ Mục tiêu năng lượng sạch và giá cả hợp lý: Công nghệ góp phần đạt mục tiêu tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp quốc gia, đạt 31% vào năm 2020 và 32,3% vào năm 2030; giúp tăng khả năng của toàn dân trong tiếp cận với điện và các dịch vụ năng lượng; cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm tiêu thụ điện 10% so với kịch bán cơ sở; cung cấp dịch vụ năng lượng hiện đại và bền vững cho tất cả mọi người, cung cấp dịch vụ năng lượng cho các chng kém phát triển, vùng sâu, vùng xa, vùng núi và hải đảo (VSDG7).

+ Mục tiêu tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững: Nâng cấp và đổi mới công nghệ giúp tăng năng suất lao động đặc biệt ở các ngành giá trị tăng cao và sử dụng nhiều lao động; tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn lực trong sản xuất và tiêu thụ (VSDG8).

+ Mục tiêu công nghiệp, đổi mới sáng tạo và cơ sở hạ tầng: Công nghệ góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững; cải thiện công nghệ giúp xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, chất lượng, đáng tin cậy, có khả năng chống chịu và bền vững. Vai trò khoa học và công nghệ thể hiện ở vai trò của chính sách khoa học và công nghệ trong tăng cường năng lực khoa học và công nghệ ở các mặt như: năng lực nghiên cứu, tăng chất lượng nguồn nhân lực, tăng đầu tư cho khoa học và công nghệ. Vai trò của công nghệ thông tin trong việc phát triển hạ tầng, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (VSDG9).

+ Mục tiêu đô thị và cộng đồng bền vững: Công nghệ giúp làm tăng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ cơ bản và dịch vụ nhà ở an toàn trong khả năng chi trả. Tăng cường áp dụng công nghệ trong giảm tác động có hại của môi trường tới con người tại các đô thị (công nghệ thu gom, xử lý nước thải, chất thải trong các đô thị (VSDG11).

+ Mục tiêu tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm: Áp dụng công nghệ làm giảm chất thải lương thực tính theo đầu người, giảm tổn thất lương thực trong chuỗi sản xuất và cung ứng (bao gồm cả ở các công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế tạo máy nông nghiệp....); giảm đáng kể lượng chất thải phát sinh; giúp tái chế và tái sử dụng, thu hồi năng lượng từ xử lý chất thải (VSDG 12).

+ Hành động, ứng phó với biến đổi khí hậu: Nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng công nghệ nhằm tăng cường khả năng chống chịu và thích nghi với rủi ro liên quan tới biển đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai và các thảm họa tự nhiên khác. Công nghệ cung cấp phương tiện để nâng cao năng lực trong cảnh báo sớm, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai (ví dụ như hệ thống giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hệ thống quan trắc và công nghệ dự báo khí tượng thủy văn (VSDG13).

+ Tài nguyên nước: Hợp tác về khoa học và công nghệ giúp giảm thiểu và xử lý tác động của axit hóa đại dương; nghiên cứu khoa học trong bảo vệ và kiểm soát môi trường biển và hải đảo. Công nghệ góp phần vào ngăn ngừa, giảm, ứng phó nhanh và hiệu quả các loại ô nhiễm biển (chất thải rắn, nước thải, ô nhiễm chất hữu cơ,...) (VSDG14).

+ Tài nguyên đất: Nghiên cứu khoa học về bảo tồn, phục hồi và sử dụng bền vững các hệ sinh thái (ví dụ trong điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế, thực trạng và xu hướng diễn biến của các nguồn tài nguyên quốc gia, nghiên cứu triển khai thí điểm bồi hoàn đa dạng sinh học). Sử dụng công nghệ nhằm phòng, chống sa mạc hóa, khôi phục đất thoái hóa (các công nghệ phục hồi và tăng độ phì của đất bị hoang hóa, công nghệ bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng, tài nguyên đất, nguồn nước phục vụ phòng, chống sa mạc hóa...) (VSDG15).

+ Hòa bình công bằng và thể chế vững mạnh: Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong áp dụng, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử (VSDG16).

Ngoài ra, cần xác định khoa học sẽ hỗ trợ quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia. So với công nghệ, vai trò của khoa học không thể hiện trực tiếp trong các mục tiêu phát triển bền vững, cụ thể là cụm từ “khoa học” không được nhắc đến trong Kế hoạch hành động quốc gia. Tuy nhiên, vẫn thấy được vai trò của khoa học xuyên suốt nội dung của Kế hoạch hành động quốc gia, cụ thể là:

+ Khoa học, bao gồm cả khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, đóng vai trò không thể thiếu trong việc xác định các thách thức đối với phát triển bền vững, xây dựng các chỉ số đo lường và thực hiện các phân tích để theo dõi tiến độ cũng như giúp xây dựng kịch bản và gợi suy chính sách để hướng tới các mục tiêu phát triển của đất nước.

+ Khoa học không chỉ đóng vai trò nền tảng giúp các nước thực hiện được các Mục tiêu phát triển bền vững mà còn có thể giúp đánh giá quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, từ đó giải quyết các vấn đề như xã hội bao trùm, giảm thiểu khí thải carbon của các nền kinh tế, hay các vấn đề về giới và công bằng xã hội.

+ Khoa học giúp phối hợp và giải quyết các lựa chọn khó khăn trong phối hợp giữa các mục tiêu, hiện thực hóa nhiều lợi ích cũng như tránh các rào cản và xung đột trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Như vậy, vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững không chỉ được khẳng định trong kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam mà còn thể hiện trong thực tế phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam hiện nay, trong đó một số bộ, ngành đã xây dựng Kế hoạch hành động của bộ, ngành mình nhằm thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia đồng thời cũng được thể hiện là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà các bộ được phân công thực hiện.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành