In trang này
Thứ năm, 08 Tháng 8 2024 01:59

Một số vấn đề chung về khung chính sách pháp lý cho tiền ảo, tiền mã hóa tại Nhật Bản

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự ra đời và phát triển của tiền ảo, tiền mã hóa, nhiều nước trên thế giới đã kịp thởi nắm bắt xu thế phát triển và tiến hành các hoạt động nghiên cứu, phát triển và hợp pháp hóa tiền ảo thông qua các công cụ pháp luật. Song song với sự phát triển của thế giới, thị trường tiền ảo, tiền mã hóa ở Việt Nam cũng đang rất sôi động với các giao dịch tiền ảo diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, pháp luật Việt Nam gần như chưa có quy định về kiểm soát và quản lý một cách trực tiếp và hiệu quả đối với tiền ảo[1]. Điều này tạo ra một rủi ro tương đối lớn cho những người đầu tư, kinh doanh tiền ảo, tạo sự mất ổn định cho thị trường[2]. Trong khi đó, cùng ở khu vực châu Á như Việt Nam nhưng Nhật Bản là một trong những quốc gia có thị trường tiền ảo phát triển mạnh mẽ và lớn nhất trên thế giới. Đây cũng là quốc gia đã có sự hợp pháp hóa đối với tiền ảo thông qua việc ghi nhận chính thức tiền ảo là một trong các công cụ thanh toán. Do vậy, việc nghiên cứu pháp luật về tiền ảo tại Nhật Bản cũng như thực tiễn sử dụng tiền ảo tại quốc gia này có ý nghĩa rất lớn cho Việt Nam rút ra những kinh nghiệm, từ đó có chiến lược, chính sách phù hợp để xây dựng thị trường cũng như khung pháp lý tiền ảo.

1. Khái quát chung pháp luật hiện hành về tiền ảo tại Nhật Bản

Trước khi được thừa nhận là công cụ thanh toán tại Nhật Bản, tiền ảo như Bitcoin không được thừa nhận là đồng tiền. Theo đó, mục 402.1 và 402.2 Bộ luật Dân sự Nhật Bản quy định: “Tiền tệ có nghĩa là đồng tiền có tính thanh khoản bắt buộc và ngân hàng của Nhật Bản ghi chú trong đó thanh toán là hợp lệ”. Như vậy, theo quy định của Bộ luật Dân sự Nhật Bản, thì đồng tiền Bitcoin không phải là tiền tệ do không có thanh khoản bắt buộc hoặc khoản thanh toán chỉ có giá trị nếu được người nhận thanh toán đồng ý[3].

Ngoài ra, Điều 6.1 Luật Ngoại hối của Nhật Bản tại quy định: “Tiền tệ có nghĩa là tiền do ngân hàng phát hành có tính thanh khoản bắt buộc, các dạng giấy tờ của chính phủ hoặc tiền xu”[4]. Do đó, Bitcoin không phải là tiền tệ bởi vì nó không có thanh khoản được yêu cầu hoặc không phải là giấy bạc ngân hàng hoặc do chính phủ phát hành; còn “Đồng tiền Nhật Bản” được định nghĩa là đồng tiền bằng đồng Yên Nhật. Như vậy, Bitcoin không phải là một đồng tiền Nhật vì nó không phải là đồng Yên Nhật; Bitcoin không phải là ngoại tệ vì nó không phải là tiền tệ.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Ngân hàng Nhật Bản, việc xử lý Bitcoin không thuộc về hoạt động của ngân hàng. Điều này có nghĩa: việc sử dụng và xử lý tiền ảo không phải là hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng như giao dịch và xử lý tiền tệ; việc xử lý Bitcoin không yêu cầu giấy phép hoạt động ngân hàng.

Theo quy định của pháp luật Nhật Bản thì đối với giao dịch chứng khoán thì kinh doanh Bitcoin không thuộc phạm vi của “giao dịch chứng khoán" theo công cụ tài chính và Luật Giao dịch của Nhật Bản. Điều này có nghĩa kinh doanh Bitcoin không phải tuân theo các quy định về chứng khoán.

Như vậy, qua phân tích trên có thể thấy, Bộ luật Dân sự, Luật Ngân hàng, Luật Giao dịch chứng khoán của Nhật Bản đều không thừa nhận tiền ảo là công cụ thanh toán chính thức. Tuy vậy, hệ thống pháp luật Nhật Bản không cấm người dùng sử dụng Bitcoin để kinh doanh; do đó, mọi người có thể sử dụng tiền ảo để thanh toán hàng hoá và dịch vụ, điều này phụ thuộc vào sự chấp thuận của bên nhận thanh toán.

Trên thực tế, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của tiền ảo cùng với sự bất ổn của thị trường tài chính dẫn tới Chính phủ Nhật Bản cần phải quan tâm để chính thức ghi nhận tiền ảo là công cụ thanh toán tại quốc gia này. Theo đó, một trong các sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn nhất khiến Nhật Bản phải thay đổi quan niệm truyền thống về tiền tệ để chính thức thừa nhận tiền ảo đó là “sự kiện Mt. Gox”. Chủ tịch của Mt. Gox bị bắt giữ vào tháng 8/2015 với cáo buộc làm giả dữ liệu trong hệ thống giao dịch của công ty và đánh cắp 341 triệu Yên của khách hàng bằng cách chuyển tiền từ tài khoản của Công ty vào tài khoản ngân hàng cá nhân. Mt. Gox được thành lập vào năm 2011 ở Nhật Bản và có thời điểm đây là Công ty giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới, xử lý 80% số giao dịch Bitcoin toàn cầu. Tuy nhiên, vào tháng 02/2014, Mt. Gox đột ngột đóng cửa tất cả các giao dịch, gây ra tình trạng hỗn đoàn trong nhóm khách hàng. Công ty sau đó đã tuyên bố phá sản sau khi mất khoảng 850.000 Bitcoin, trị giá trên thị trường khoảng 48 tỷ Yên vào thời điểm đó. Mt. Gox cho rằng đây là kết quả của một vụ tấn công mạng. Tháng 4/2014, Mt. Gox đệ đơn phá sản lên Tòa án tại Tokyo. Vụ việc đã làm gia tăng quan ngại về tính ổn định của tiền ảo và tác động mạnh vào thị trường Bitcoin toàn cầu[5]. Sự sụp đổ của Mt. Gox và cuộc điều tra tội phạm vào hoạt động của công ty làm nổi bật sự cần thiết để bảo vệ người sử dụng tiền tệ ảo bằng cách bảo đảm rằng các giao dịch là minh bạch và an toàn. Tại thời điểm xảy ra vụ việc này, Nhật Bản hiện không có luật điều chỉnh tiền tệ ảo. Trong quyết định Nội các tháng 3/2014, Chính phủ đã cho rằng Bitcoin là một sản phẩm thị trường phi kim loại như kim loại quý, và không được quy định trong các quy định về tài chính. Nhật Bản đã cho sửa đổi luật để bảo vệ người dùng tiền ảo tốt hơn và ngăn chặn việc dùng loại tiền này hỗ trợ cho các hoạt động khủng bố và rửa tiền[6].

Trong những năm qua, Chính phủ Nhật Bản đã dành hai năm để xây dựng quy định về tiền ảo và một năm để dự thảo có hiệu lực. Trong quá trình xây dựng quy định về tiền ảo, Chính phủ Nhật Bản đã tiến hành nhiều phiên họp thảo luận quan trọng liên quản đến tiền ảo như sau:

Ngày 07/3/2014: Chính phủ Nhật Bản trả lời cho các câu hỏi về các vấn đề pháp lý của Bitcoin;

- Ngày 18/4/2014: Chính phủ Nhật Bản thảo luận lần hai cho các vấn đề pháp lý của Bitcoin;

Ngày 19/6/2014: Ủy ban Chiến lược về công nghệ thông tin (Tiểu ban Thanh toán) công bố “Báo cáo tạm thời về Tài sản Kỹ thuật số như Bitcoin";

- Ngày 12/12/2014: Cơ quan Tài chính kỹ thuật số Nhật Bản được thành lập;

- Ngày 08/6/2015: tại Hội nghị G7, Đạo luật Dịch vụ thanh toán Nhật Bản (The Payment Services Act) cũng được giới thiệu các quy định về việc đăng ký cho các giao dịch kinh doanh đối với tiền ảo.

- Ngày 28/6/2015: FATF “Hướng dẫn về cách tiếp cận dựa trên rủi ro đối với tiền tệ ảo”;

- Tháng 01/2016: IMF “Tiền ảo và giới hạn không kiểm soát”,

- Ngày 08/02/2016: Tiểu ban Tài chính FSA lần thứ 24 “Bảo cáo của nhóm làm việc về việc tăng cường kinh doanh thanh toán của Nhật Bản";

- Ngày 23/02/2016: Chính phủ Nhật Bản trả lời cho các câu hỏi về tình trạng hiện tại của đồng tiền ảo;

- Ngày 04/3/2016: “Cải cách Luật Ngân hàng nhằm đáp ứng với thay đổi môi trường trong thông tin không gian công nghệ" trình lên Hạ viện Nhật Bản;

- Ngày 28/4/2016: Dự thảo được thông qua bởi Hạ viện.

Như vậy có thể thấy, Nhật Bản đã rất chú trọng đến tiền ảo cũng như pháp luật điều chỉnh về loại tiền này. Chính vì vậy, Chính phủ Nhật Bản đã tiến hành nhiều cuộc họp cũng như các nghiên cứu để làm cơ sở xây dựng hành lang pháp lý cho tiền ảo. Việc chính thức hợp pháp hóa tiền ảo là một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình lập pháp của Nhật Bản.

2. Một số nội dung cơ bản của pháp luật Nhật Bản về tiền ảo

Chính phủ Nhật Bản đã thống nhất và đưa ra định nghĩa về tiền ảo và công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán hợp pháp. Ngày 01/4/2017, tiền ảo đã chính thức được Chính phủ Nhật Bản công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Nhật Bản. Như vậy, điều này đã dẫn tới việc gia tăng khiến cho giá trị đồng tiền này tăng chóng mặt, cũng như xuất hiện thêm nhiều sàn giao dịch tiền ảo ở Nhật. Chính phủ Nhật Bản sẽ ban hành những pháp lệnh liên quan đến các loại tiền kỹ thuật số, cũng như các sàn giao dịch tiền tệ kỹ thuật số tại mước này.

Nhật Bản cũng đã bổ sung vào Đạo Luật Ngân hàng Mục 3 và đặt tên là “Tiền ảo”, trong đó đã định nghĩa các loại tiền tệ kỹ thuật số, tiền ảo, tiền mã hóa bao gồm Bitcoin lần đầu tiên được công nhận như một hình thức thanh toán hợp pháp. Cũng giống như nhiều quốc gia trên thế giới, Nhật Bản cũng chưa thừa nhận tiền ảo là một trong các loại tiền tệ của quốc gia này mà mới chỉ dừng ở bước thừa nhận tiền ảo là một trong các “phương thức thanh toán hợp pháp”. Còn việc những ngân hàng, doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân nào triển khai các dịch vụ thanh toán bằng tiền ảo thì phụ thuộc vào chính sách cũng như hoạt động của chính những chủ thể này.

Bên cạnh đó, một phần của Đạo luật Ngân hàng là Mục về Dịch vụ thanh toán, đã định nghĩa tiền tệ kỹ thuật số là một “tài sản có giá trị” và có thể sử dụng để thanh toán hoặc mua bán đối với bất kì cá nhân, tổ chức nào. Công ty luật này cũng giải thích những khác biệt giữa “tiền tệ kỹ thuật số” và “đồng tiền truyền thống dưới hình thức tiền điện tử tồn tại trong không gian kỹ thuật số”. Theo đó, “tiền tệ kỹ thuật số” hoàn toàn khác biệt với “tiền điện tử bởi vì nó không được bất cứ cá nhân hay tổ chức nào phát hành[7]. Với sự hợp pháp hóa tiền ảo của Chính phủ Nhật Bản thì động thái này là nguyên nhân chính khiến thị trường Bitcoin tại Nhật Bản tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng kèm theo đó là hảng loạt thách thức được đặt ra cho doanh nghiệp và những tổ chức kinh doanh tiền ảo tại Nhật Bản.

Trong quá trình xây dựng định nghĩa về tiền ảo, vấn đề buộc Chính phủ Nhật Bản phải xem xét đó là việc nên “coi Bitcoin như một tài sản ảo hay như một loại tiền tệ”. Sau một thời gian dài nghiên cứu thì Đạo luật Tiền tệ đã định nghĩa Bitcoin và các loại tiền ảo khác là một phương thức thanh toán mà không phải là một loại tiền tệ hợp pháp (tiền tệ theo quy định của Nhật Bản là đồng Yên và các ngoại tệ như USD, bảng Anh...). Như vậy, luật pháp Nhật Bản coi Bitcoin là một tài sản trừ khi có những sửa đổi hoặc chỉ thị trong tương lai đối với luật thuế Nhật Bản[8].

Như vậy, khái niệm “tiền ảo” theo quy định của Luật Tiền ảo Nhật Bản có hiệu lực từ ngày 01/4/2017 được ghi nhận tại khoản 5 Điều 2, bao gồm hai nhóm như sau.

Thứ nhất, tiền ảo loại một: Tiền ảo loại này được ghi nhận là giá trị tài sản (được ghi lại bởi các cách thức điện tử trong các phương tiện điện tử..., không bao gồm bất kỳ loại tiền tệ nào được cho phép (của Nhật Bản hoặc các quốc gia khác) và các tài sản được xác định là các đơn vị tiền tệ đó) được sử dụng để thanh toán giá trị hàng hóa khi thực hiện hoạt động mua bán, thuê hoặc các dịch vụ khác cho một hoặc nhiều đối tượng không cụ thể.

Bên cạnh đó, tiền ảo loại một còn được thừa nhận là phương tiện thanh toán không chỉ với một người xác định cụ thể mà có thể là bất kỳ ai thông qua mạng internet. Điều kiện này đã khẳng định, tiền ảo phải có tính thanh khoản. Do đó, tiền tệ dùng nội bộ trong các công ty (Intra-company coins), tiền điện tử chỉ có giá trị cho các cửa hàng thành viên (Electronic money only available for member shops), tiền trong trò chơi, điểm thưởng... không được công nhận là tiền ảo[9]. Tiền ảo loại một bao gồm Bitcoin, Litecoin và các loại tiền ảo khác sử dụng như phương tiện thanh toán.

Thứ hai, tiền ảo loại hai: Ở đây, tiền ảo loại hai được coi là giá trị tài sản (được ghi lại bởi các cách thức điện tử trong các phương tiện điện tử..., không bao gồm bất kỳ loại tiền tệ nào được cho phép (của Nhật Bản hoặc các quốc gia khác) và các tài sản được xác định là các đơn vị tiền tệ đó), tiền ảo loại hai này có thể đem đi trao đổi đối với một hoặc nhiều đối tượng không cụ thể, với các giá trị tài sản được đưa ra ở đoạn một nêu trên và có thể được chuyển giao thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử.

Như vậy, có thể thấy rằng tiền ảo loại hai là loại tiền tệ có khả năng tương tác với các bộ phận tiền ảo loại một đối với những người không xác định và cũng được thực hiện thông qua mạng internet. Tiền ảo loại hai bao gồm Ethereum và các loại tiền ảo khác không được sử dụng như phương tiện thanh toán ở thời điểm hiện tại nhưng có thể trao đổi sang Bitcoin.

Xem xét chính sách pháp luật của Nhật Bản đối với tiền ảo, tiền mã hóa, có thể nói, Nhật Bản là một trong số ít các quốc gia trên thế giới đã đưa định nghĩa chính thức về tiền ảo trong luật. Theo phân tích ở trên, để được đáp ứng là tiền ảo, tiền mã hóa tại Nhật Bản thì phải thỏa mãn các yếu tố sau đây[10]:

Thứ nhất, tiền ảo, tiền mã hóa là phương thức thanh toán với bất cứ một tổ chức, cá nhân nào. Điều này có nghĩa, chủ thể nào cũng được quyền dùng tiền ảo là phương tiện thanh toán. Theo quy định của pháp luật thì tiền ảo, tiền mã hóa có giá trị đối với mọi người mà không mang tính cá biệt hóa hay không chỉ được sử dụng bởi những chủ thể nhất định (đây là điều tạo nên sự khác biệt giữa tiền ảo và giấy tờ có giá);

Thứ hai, tiền ảo, tiền mã hóa có giá trị thanh khoản cao. Điều này thể hiện ở việc tiền ảo có thể làm phương tiện thanh toán trong việc trao đổi với tiền truyền thống (như đồng Yên Nhật) hay sử dụng để chi trả cho các hàng hóa và các dịch vụ. Hơn thế nữa, tiền ảo, tiền mã hóa được sử dụng rộng rãi, được chấp nhận bởi bất kỳ một chủ thể nào mà không có giới hạn đặt ra (đây là điểm hoàn toàn giống với các loại tiền truyền thống); Ba là, có thể chuyển nhượng được thông qua mạng máy tính, internet (đây là điểm đặc thù của tiền ảo so với các loại tiền truyền thống khác).

Ngoài ra, Đạo luật Dịch vụ thanh toán sửa đổi, tiền áo có đầy đủ các yếu tố sau đây: Là một tài sản có giá trị; có thể được thanh toán bởi bất cứ một chủ thể nào (tính không bó buộc về phạm vì chủ thể sử dụng tiền ảo); được mua và bán bởi bất cứ một chủ thể nào (tính thanh khoản cao); và được chuyển nhượng bằng thiết bị xử lý điện tử.

Mặt khác, Đạo luật còn đặt ra yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tiền ảo phải có sự tách bạch rõ ràng tiền ảo của khách hàng mà họ là chủ thể quản lý. Các công ty này phải được kiểm toán bởi các kế toán công lập hoặc công ty kế toán được công nhận (Điều 63-11). Giao dịch tiền tệ ảo phải có hợp đồng với một trung tâm giải quyết tranh chấp được chỉ định có chuyên môn về trao đổi tiền tệ ảo (Điều 63-12). Ủy ban Tài chính Nhật Bản - Finacial Services Agency (FSA) sẽ được ủy quyền kiểm tra giao dịch tiền ảo và ra lệnh cải tiến thực tiễn của họ (Điều 63-15 và 63-16).

Như vậy, có thể thấy rằng, việc chính thức hợp pháp hóa tiền ảo, tiền mã là công cụ thanh toán ở Nhật nhằm giải quyết các lỗ hồng pháp lý trước đó, hạn chế tối đa các vụ việc khách hàng bị mất tiền tại các sàn giao dịch tiền ảo cũng như các ví tiền ảo. Hơn thế nữa, việc luật hóa tiền ảo, tiền mã hóa còn có ý nghĩa quan trọng để xây dựng các quy định về chống rửa tiền và chống hoạt động tài trợ khủng bố khi đối tượng giao dịch là tiền ảo, tiền mã hóa. Không những Nhật Bản, mà nhiều quốc gia khác trên thế giới hợp pháp hóa tiền ảo, tiền mã hóa cũng bao gồm cả các mục đích liên quan đến phòng chống rửa tiền cũng như tài trợ khủng bố, trong đó điển hình có Singapore. Sở dĩ việc rửa tiền và tài trợ khủng bố thường được thực hiện thông qua các giao dịch tiền ảo bởi đây là những giao dịch rất khó kiểm soát, tính bảo mật với chi phí thực hiện thấp hơn rất nhiều so với các giao dịch chuyển tiền truyền thống khác. Với sự thừa nhận tiền ảo là công cụ thanh toán chính thức tại Nhật Bản đã giúp quốc gia này kiểm soát các giao dịch liên quan đến tiền ảo, tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số nhằm tránh các rủi ro pháp lý như đã xảy ra trong quá khứ. Đồng thời, với việc nỗ lực xây dựng Đạo luật Tiền ảo Chính phủ Nhật Bản thể hiện quan điểm về ngăn ngừa, phòng chống vấn nạn rửa tiền và tài trợ cho khủng bố tại Nhật Bản cũng như từ Nhật Bản sang các quốc gia khác và ngược lại.

Đối với chính sách pháp lý về hoạt động kinh doanh tiền ảo, tiền mã hóa thì Chính Phủ Nhật Bản cũng có những quy định pháp lý liên quan đến vấn đề này. Theo đó, các hoạt động kinh doanh tiền ảo được công nhận ở Nhật Bản bao gồm:

Thứ nhất, mua bán tiền ảo (như trao đổi giữa tiền ào và một loại tiền tệ) hoặc trao đổi tiền ảo sang một loại tiền ảo khác. Có thể nói, đây là giao dịch phổ biến nhất trên thị trường tiền ảo thế giới nói chung và thị trường tiền ảo tại Nhật Bản nói riêng. Các giao dịch này bao gồm như:

Một là, giao dịch trao đổi giữa tiền ảo và một loại tiền tệ (các đồng tiền truyền thống như Yên Nhật, USD...). Trong thời gian qua, thị trường thế giới chứng kiến sự biến động “không tưởng" của tỷ giá tiền ảo, có thời điểm, tỷ giá giao dịch của đồng Bitcoin đạt ngưỡng 20.000 USD. Đối với thị trường Nhật Bản, đồng Yên Nhật được dùng để trao đổi phổ biến với tiền ảo (Trên trang bitflyer.jp, tỷ giá trao đổi giữa đồng Yên Nhật và tiền ảo như sau, mua Bitcoin là 1.962.201 Yên Nhật; bán Bitcoin là 1.856.727 Yên Nhật)[11].

Hai là, giao dịch trao đổi giữa tiền ảo với tiền ảo: Bên cạnh việc thừa nhận giao dịch giữa tiền ảo và tiền truyền thống, pháp luật Nhật Bản còn công nhận giao dịch trao đổi giữa tiền ảo và tiền ảo. Ví dụ: Giao dịch trao đổi giữa đồng Bitcoin và đồng Onecoin. Tỷ giá trao đổi giữa các đồng tiền ảo được xác định thông qua việc quy đổi là một đơn vị tiền truyền thống trung gian (như Yên Nhật, quyền sử dụng đất...).

Thứ hai, dịch vụ môi giới, trung gian đối với các hoạt động mô tả tại điểm thứ nhất nêu trên.

Theo quy định của pháp luật Nhật Bản, dịch vụ môi giới, trung gian đối với các hoạt động mua bán tiền ảo không phải là hoạt động các chủ thể tiến hành trực tiếp trao đổi tiền ảo (giữa tiền ảo với tiền truyền thống, tiền ảo với tiền ảo). Trên thực tế, đây là các hoạt động tạo điều kiện, tạo nền tảng cho sự phát triển của các giao dịch trao đổi tiền ảo. Phổ biến trong nhóm kinh doanh này là việc thành lập các sản giao dịch tiền ảo của các tổ chức kinh doanh. Một trong các sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất tại Nhật Bản là sàn giao dịch bitFlyer. Sàn giao dịch bitFlyer ra đời vào năm 2014 tại Nhật Bản đã đạt được những thành công nhất định tại Nhật Bản, nơi mà giao dịch Bitcoin đã vô cùng bùng nổ trong năm 2017. Theo báo cáo State of the blockchain gần đây của CoinDesk, giao dịch giữa Bitcoin và đồng Yên Nhật cao hơn giao dịch với bất kỳ loại tiền tệ nào khác. Một số nhà đầu tư tổ chức đã giao dịch trên nền tảng của bitFlyer tại Nhật Bản. Bằng cách xâm nhập thị trường Mỹ, nền tảng này sẽ cung cấp thanh khoản lớn, do đó hấp dẫn các nhà đầu tư tổ chức tại quốc gia này tham gia vào giao dịch Bitcoin. Giám đốc điều hành của bitFlyer USA cho biết: “Việc mở rộng và kinh doanh đa quốc gia sắp tới của chúng tôi sẽ đáp ứng nhu cầu khổng lồ của các nhà đầu tư ở Mỹ[12].

Thứ ba, quản lý (chăm sóc) một loại tiền tệ hoặc tiền ảo thay mặt người sử dụng/người tiếp nhận trong mối quan hệ với các hoạt động mô tả tại điểm thứ nhất và thứ hai.

Ngoài ra, các giao dịch tiền ảo đồng thời phải tuân theo Đạo luật sửa đổi về việc ngăn chặn chuyển tiền với mục đích phi pháp (Act No. 22 of 2007, as amended, the Amended AML Act). Các giao dịch tiền ảo cần thiết phải bảo đảm yếu tố “know-your-customer procedures” (biết được quy trình của khách hàng) của khách hàng và lưu giữ các hồ sơ về khách hàng và các giao dịch theo yêu cầu của Đạo luật AML sửa đổi. Các giao dịch về tiền ảo phải được báo cáo lên các cơ quan quản lý nếu như có bất cứ một sự nghi ngờ nào liên quan đến số tiền ảo cũng như mục đích giao dịch liên quan đến các hành vi phạm tội nhất định[13].

3. Tính thuế đối với thu nhập phát sinh từ tiền ảo

Trước ngày 01/7/2017, lợi nhuận đến từ hoạt động Bitcoin cũng như các đồng tiền ảo khác tại Nhật Bản phải chịu mức thuế thu nhập là 8%. Điều này xuất phát từ lý do, thời điểm trước đây Nhật Bản chưa chính thức ghi nhận, hợp pháp hóa tiền ảo là công cụ thanh toán. Do đó, các hoạt động kinh doanh tiền ảo tạo ra lợi nhuận được xác định là thu nhập phải chịu thuế (bởi lẽ tại thời điểm trước đây khi Nhật Bản chưa chính thức thừa nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán nhưng cũng không cấm các hoạt động kinh doanh tiền ảo. Thực chất đó là cơ chế thả nổi tiền ảo trên thị trường).

Xuất phát từ sự thay đổi về Đạo luật Tiền tệ, trong đó quan trọng nhất là thừa nhận tiền ảo là công cụ thanh toán hợp pháp, được bảo hộ tại Nhật Bản nên Chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch đề xuất cải cách thuế trong năm tài chính 2017, trong đó các hoạt động trao đổi tiền tệ kỹ thuật số sẽ được miễn thuế tiêu thụ kể từ ngày 01/7/2017. Những quy định mới được đưa ra trong nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản nhằm cải cách các vấn đề liên quan tới thuế.

Tương tự, ở Châu Âu các nước thành viên EU nơi các quốc gia thành viên EU đã miễn các loại thuế từ tiền tệ ảo như là kết quả của phán quyết của Tòa án Công lý Liên mình châu Âu vào ngày 22/10/2015, nói rằng việc trao đổi đồng tiền truyền thống cho Bitcoin - đồng tiền ảo (và ngược lại) được miễn thuế giá trị gia tăng ở EU. Sau khi Lệnh thi hành có hiệu lực, trao đổi tiền mặt và tiền ảo sẽ được xử lý thuế ở Nhật Bản tương tự như ở các nước thành viên EU[14]. Lợi nhuận từ kinh doanh Bitcoin có thể được coi là “thu nhập từ hoạt động kinh doanh hoặc thu nhập khác”.

Vì được coi là một loại tài sản, nên ở Nhật Bản Bitcoin cũng phải chịu thuế thu nhập tại Nhật Bản. Tuy nhiên, việc mua bán Bitcoin và các loại tiền tệ kỹ thuật số khác sẽ không phải chịu thuế tiêu thụ 8% của Nhật Bản, bắt đầu từ ngày 01/7/2017. Quy định này là kết quả của một nỗ lực riêng biệt của Chính phủ Nhật Bản nhằm cải cách hóa đơn thuế. Những đề xuất cho kế hoạch cải cách thuế năm tài chính 2017 được Chính phủ Nhật Bản thông qua vào ngày 27/3/2017 bao gồm một khoản miễn thuế tiêu dùng cho việc chuyển tiền tệ số, có hiệu lực vào ngày 01/7/2017. Song, theo quy định của pháp luật Nhật Bản trong khi trao đổi giữa tiền mặt và tiền ảo được miễn thuế tiêu thụ thì việc trao đổi đồng tiền ảo cho tài sản hoặc dịch vụ (ví dụ khi ai đó trả tiền ảo cho người bán tài sản hoặc dịch vụ) vẫn phải chịu thuế tiêu thụ theo cùng một cách như các giao địch được thanh toán bằng tiền tệ truyền thống. Tuy nhiên, việc mở tài khoản giao dịch Bitcoin tại Nhật Bản không dễ dàng mặc dù doanh số bán và mua Bitcoin được miễn thuế tiêu thụ. Lý do là theo quy định của Luật sửa đổi Đạo luật về việc ngăn chặn chuyển tiền với mục đích phi pháp yêu cầu việc mở tài khoản để trao đổi tiền ảo được thực hiện nghiêm ngặt hơn. Khách hàng phải trả lời một danh sách các câu hỏi chưa từng được hỏi về giao dịch Bitcoin, ví dụ như nghiệp vụ của khách hàng và mục đích kinh doanh. Họ cũng phải tải lên tài liệu nhận dạng và đợi cho các cuộc trao đổi để xử lý chúng, có thể mất vài ngày. Mặt khác, các trao đổi sẽ gửi bưu thiếp tới địa chỉ đã đăng ký của khách hàng mới, với mã xác minh cần được nhập trực tuyến trước khi tài khoản có thể được sử dụng. Ngoài ra, người mở tài khoản phải chứng minh rằng họ có một chương trình quản lý hệ thống công nghệ thông tin đầy đủ, với các biện pháp nhằm ngăn chặn sự rò rỉ, mất mát và thiệt hại của quỹ và thông tin cá nhân. Hơn nữa, mỗi giao dịch cũng phải tiết lộ thông tin chi tiết cho người dùng, bao gồm tên thương mại và địa chỉ của họ, số đăng ký, nội dung giao dịch, cũng như tiết lộ tất cả các khoản phí và chi phí cho người dùng. Họ phải thiết lập một hệ thống nội bộ để đào tạo nhân viên và hướng dẫn cho các khách hàng ngoài. Họ cũng phải tách biệt tiền mặt và tiền tệ của người dùng khỏi quỹ của chính họ, cũng như trải qua kiểm toán thường xuyên về tình trạng quản lý tách biệt bởi một kế toán công chứng hoặc công ty kiểm toán được công nhận ít nhất mỗi năm một lần[15].

Hiện tại, hầu hết các dịch vụ giao dịch tiền mặt của Bitcoin có tại Nhật được điều hành bởi các công ty Nhật Bản. Tuy nhiên, với sự ra đời của Đạo luật sửa đổi đã là cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ ngoại hối tiền mặt nước ngoài mở rộng kinh doanh sang Nhật Bản, bởi vì hệ thống đăng ký mới cũng mở cho các tổ chức nước ngoài.

Như vậy, việc Đạo luật Tiền ảo được chính thức thông qua và có hiệu lực đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống tiền ảo tại Nhật Bản. Các loại tiền ảo ngày càng gia tăng ở Nhật Bản, cụ thể lượng lưu thông của các đồng tiền điện tử bao gồm Bitcoin, Litecoin và Ripple cũng như các loại tiền kỹ thuật số khác đã lên tới 185 tỷ Yên, tương đương 1,67 tỷ USD, trong năm tài chính 2015 - 2016. Dự kiến tới năm 2030 lượng lưu thông của các loại tiền ảo, tiền mã hóa sẽ lên tới 5.000 tỷ Yên, Đồng thời với việc kiểm soát tiền ảo thông qua các cơ chế đăng ký, kiểm toán đã hạn chế thấp nhất các rủi ro xảy ra đối với nhà đầu tư tiền ảo tại Nhật Bản (vụ việc Mt.Gox), kiểm soát các hoạt động rửa tiền và chống hỗ trợ khủng bố thông qua các giao dịch tiền ảo.

 


[1] Cho đến thời điểm hiện nay, Việt Nam chưa có văn bản pháp luật nào điều chính trực tiếp về tiền ảo mà việc điều chỉnh và xử lý đối với các hoạt động liên quan đến tiền ảo hiện nay chỉ được hiểu gián tiếp thông qua các văn bản điều chỉnh về phương tiện thanh toán. Cụ thể, khoản 6, 7 Điều 4 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016) quy định về phương tiện thanh toán như sau:

“6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chỉ, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện không thuộc quy định tại khoản 6 Điều này”.

[2] Theo các quy định của pháp luật đã dẫn ở trên, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; Ngân hàng Nhà nước tuyên bố rằng việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam và sẽ bị xử lý hành chính theo Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng. Đồng thời, từ ngày 01/01/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

[3] Masakazu Masujima, "New Virtual Currency Regulation in Japan", https://www.slideshare.net/masamasujima/japans-virtual-currency-regulations- ver10-61591050 (truy cập ngày 15/8/2018).

[4]Currency" means bank notes with mandated liquidity, governmental bill or coins.

[5] http://www.bbc.com/news/technology-40561420

[6] Theo TTXVN, Xét xử nhà sáng lập công ty giao dịch tiền ảo một thời đứng đầu toàn cầu, thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2017-07-11/xet-xu- nha-sang-lap-cong-ty-giao-dich-tien-ao-mot-thoi-dung-dau-toan-cau-45350.aspx (truy cập ngày 20/9/2018).

[7] Bitcoin Viet Nam News, Nhật Bản chính thức hợp pháp hóa Bitcoin kể từ ngày 01/4/2017, https://bitcoinvietnamnews.com/2017/04/nhat-ban-chinh-thuc- hop-phap-hoa-bitcoin-ke-tu-ngay-01-04-2017.html (truy cập ngày 20/9/2018).

[8] The Virtual Currency Act explained: "Is Bitcoin an asset or a currency?The new law defines bitcoin and other virtual currency as a form of payment method, not a legally-recognized currency. Bitcoin will continue to be treated as an asset unless there are future revisions or directives to Japanese tax law", https://bitflyer.jp/en/virtual-currency-act (truy cập ngày 15/8/2017). Virtual Currency Act Act on Financial Transactions, Article 2, Section 5 Virtual currency as described in this Act refers to:

“1. Asset-like values (limited to those items electronically recorded by electronic or other equipment and excluding Japanese currency, foreign currency, and currency-denominated assets; the same applies to the item below) usable as payment to indefinite parties for the cost of purchase or rent of items or receipt of services and which can be transferred by means of electronic data processing systems;

2. Asset-like values that can be used in exchange with indefinite parties for those items described in the preceding item and which can be transferred by means of electronic data processing systems”.

[9] Masakazu Masujima, "New Virtual Currency Regulation in Japan", https://www.slideshare.net/masamasujima/japans-virtual-currency-regulations- ver10-61591050 (truy cập ngày 15/9/2018).

[10] Japan exempts virtual currencies from consumption tax: "The amended Payment Services Act defines a virtual currency as (i) property of value, (ii) usable for payment to unspecified persons, (iii) purchasable from and sellable to unspecified persons and (iv) transferable by electronic processing devices", https://www.dlapiper.com/en/uk/insights/publications/2017/03/global-tax-news-mar-2017/japan-exempts-virtual-currencies/ (truy cập ngày 15/8/2017).

[11] Let's buy Bitcoin, Market Hours: 24 hours a day, 365 days a year Support Hours: 9am - 7pm, https://bitflyer.jp (Lưu ý: Giá Bitcoin thay đổi theo ngày) (truy cập ngày 25/9/2018).

[12] Hoàng Quân, Sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất Nhật Bản chính thức gia nhập thị chinh-thuc-gia-nhap-thi-truong-my-20171129095858822.htm (truy cập ngày 25/9/2018)

[13] Bitcoin regulation overhaul in Japan: "VC Exchangers are also subject to the amended Act on Prevention of Transfer of Criminal Proceeds (Act No. 22 of 2007, as amended, the Amended AML Act). VC Exchangers must conduct necessary "know-your-customer procedures" at customer intake and keep records on such customers and transactions as required under the Amended AML Act. VC Exchangers are further required to make a report to the regulators on any transactions that are suspected of involving assets related to criminal proceeds or customers' involvement in certain criminal acts", https://bravenewcoin.com/news/gulftech-is-the-next-big-thing/ (truy cập ngày 17/9/2018).

[14]http://www.investopedia.com/news/japan-finally-recognizes-bitcoin-after-long-battle/ (truy cập ngày 17/8/2018). Japan Finally Recognizes Bitcoin After Long Battle, “Japan exempts virtual currencies from consumption tax”, https://www.dlapiper.com/en/abudhabi/insights/publications/2017/03/global-tax- news-mar-2017/japan-exempts-virtual-currencies/ (truy cập ngày 18/6/2017).

[15] Phương Anh, “Nhật Bản công nhận tiền ảo là một phương thức thanh toán”, https://thanhnien.vn/kinh-doanh/nhat-ban-cong-nhan-tien-ao-la-mot-phuong-thuc-thanh-toan-821974.html (truy cập ngày 20/9/2018).