Thứ tư, 23 Tháng 7 2014 00:00

Phân tích yêu cầu tái cơ cấu để phục hồi tăng trưởng

I. Những thách thức phát triển phía trước và yêu cầu của việc tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng:

1. Thách thức phục hồi tốc độ tăng trưởng:

Trong báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 đã nêu rõ: phấn đấu đến năm 2020, GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 USD. Muốn đạt mức này, GDP năm 2020 theo giá so sánh phải bằng khoảng 2,2 lần so với năm 2010 và tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước GDP bình quân 7 - 8%/năm 2011 - 2020. Hai năm qua, tốc độ tăng GDP đề đã thấp hơn so với mục tiêu kế hoạch: năm 2011 đạt 5,9%, năm 2012 chỉ đạt 5,03% thấp hơn kế hoạch: 6-6,5% và kế hoạch năm 2013 là khoảng 5,5%. Tại Hội nghị Nhóm tư vấn Các nhà Tài trợ cho Việt Nam 2012 họp tại Hà Nội ngày 10 tháng 12 năm 2012, Ngân hàng Thế giới đã cho rằng: xu hướng tăng trưởng tiếp tục giảm xuống trong những năm qua - năm nay là tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1999 - cho thấy nền kinh tế đang mất đi một số động lực mà những cản trở về cơ cấu đã và đang làm ảnh hưởng đến tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong khi đó, những nước xung quanh ta về cơ bản vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, kể cả Lào và Campuchia, khiến cho nguy cơ bị tụt hậu trở thành áp lực lớn.

Như vậy, nếu trong một vài năm tới, tốc độ tăng trưởng kinh tế không được phục hồi trở lại ở mức bình quân khoảng 7,5%/năm trong giai đoạn 2 thập kỷ 1991-2010 vừa qua, thì việc đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nữa cho những năm sau đó đến 2020 để bù đắp cho những năm tăng trưởng giảm đi hiện nay, sẽ là một thách thức không nhỏ. Vì vậy, cần có những nghiên cứu khẩn cấp về chuyển đổi mô hình tăng trưởng để đề ra được những chính sách rất cụ thể, khả thi và hữu hiệu trong tình hình hiện nay.

2. Đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu chiến lược:

Để đẩy nhanh tốc độ thực hiện hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nền kinh tế phải có khả năng thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, trong đó đặc biệt là nguồn vốn đầu tư. Để duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức khoảng 7,5% như thời gian vừa qua, nền kinh tế đã phải duy trì mức đầu tư cao tới trên 35% GDP, cá biệt có năm lên tới trên 40% GDP. Trong khi đó, do khả năng tích lũy, tiết kiệm để đầu tư từ trong nước có hạn, chúng ta đã phải dựa một phần vào FDI, một phần vào vốn vay. Tình hình đó nếu cứ tiếp tục kéo dài, có thể sẽ ảnh hưởng không tốt đến khả năng đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện nay, do Việt Nam đã bước vào nhóm nước có mức thu nhập trung bình, nhưng điều đó cũng có nghĩa là những khoản vốn vay ưu đãi sẽ thu hẹp dần lại. Vì vậy, đã đến lúc cần phải có những thay đổi kể cả từ nhận thức đến hành động chính sách về việc đảm bảo những cân đối lớn trong nền kinh tế, đặc biệt là cân đối giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa tiết kiệm và đầu tư, thu hút được các nhà đầu tư tốt cho phát triển.

3. Thách thức duy trì ổn định kinh tế vĩ mô:

Trong thời điểm hiện tại, tuy tình hình ổn định kinh tế vĩ mô đã được cố gắng giải quyết và đã đạt được một số kết quả quan trọng: lạm phát đã được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, nhiều lĩnh vực sản xuất, dịch vụ tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm… Nhưng, như Thông báo của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI đã chỉ rõ: Nền kinh tế nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định; kết quả kiềm chế lạm phát chưa vững chắc. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là khó vay vốn tín dụng, hàng tồn kho cao. Nợ xấu cao và có xu hướng tăng. Giải quyết việc làm khó khăn. Thị trường bất động sản đình trệ chưa có khả năng phục hồi, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn…. Thời gian tới, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, rủi ro; thương mại toàn cầu ít có khả năng được cải thiện, tăng trưởng không cao hơn nhiều so với những năm trước. Ở trong nước, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Vì vậy, cần khẩn trương nghiên cứu những chính sách để nền kinh tế nhanh chóng vượt qua tình trạng kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, làm cơ sở cho việc tập trung nguồn lực, thực hiện thật tốt ba đột phá chiến lược mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra.

4. Thách thức chuyển giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa:

Các nghiên cứu phân đoạn về trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của kinh tế Việt Nam cho thấy, cho đến nay, Việt Nam vẫn còn ở bước sơ khởi của quá trình công nghiệp hóa. Một nghiên cứu của K. Ohno giúp nhận diện khá rõ thực trạng này. Việc xếp kinh tế Việt Nam hiện nay ở vào giai đoạn 1 trong tiến trình phát triển 4 nấc thang về công nghiệp hóa của K. Ohno cũng trùng hợp với quan điểm của Jungho Yoo ở KDI School of Public Policy and Management, Korea, 2008, khi chỉ dựa trên một tiêu chí duy nhất là coi thời điểm bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa ở một nền kinh tế khi tỷ trọng lao động nông nghiệp chiếm 50% tổng lao động xã hội và kết thúc khi tỷ trọng lao động nông nghiệp chỉ còn 20% tổng lao động xã hội; vì hiện nay lao động trong khu vực nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn chiếm khoảng 50% tổng số lao động xã hội. Thông thường, tại thời điểm diễn các bước chuyển, các điểm ngoặt của sự phát triển, ngoài sự tăng tiến về lượng, còn đòi hỏi phải có sự trưởng thành về chất. Ở giai đoạn này, nhiều nước đã không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, mức phân hóa giàu nghèo gia tăng... Chính điều này cũng đặt ra như một thách thức không nhỏ đối với các nghiên cứu chính sách kinh tế ở Việt Nam trong thời điểm hiện nay.

Tuy đạt tốc độ tăng trưởng khá cao trong gần suốt cả thời kỳ đổi mới vừa qua, nhưng việc định hình mô hình tăng trưởng kinh tế tiếp theo vẫn còn chưa thực sự rõ ràng, đặc biệt là xét từ góc độ phát triển bền vững. Tính chưa định hình của mô hình tăng trưởng, một mặt thể hiện ở tình trạng tăng trưởng còn dựa quá nhiều vào nguồn vốn đầu tư, trong khi với một nước nghèo như Việt Nam, vốn đầu tư luôn là một nguồn lực khan hiếm. Mặt khác, sau gần 30 năm đổi mới, chuyển sang nền kinh tế thị trường và mở cửa, hội nhập; nhưng đến nay, tiến trình chuyển sang kinh tế thị trường vẫn chưa hoàn tất, việcmở cửa, hội nhập vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhất là nhìn từ góc độ hài hòa hóa các quy định trong nước với thông lệ kinh doanh quốc tế. Trong cam kết khi gia nhập WTO, thời điểm hoàn tất các quy định để được xem xét công nhận nền kinh tế thị trường là năm 2018.

Ngoài ra, xét về xu hướng, tương quan đầu tư - tăng trưởng cũng cho thấy, mức tăng đầu tư liên tục và khá nóng, nhưng mức tăng trưởng lại không tăng tương ứng, đã phát ra tín hiệu hiệu quả đầu tư chẳng những chưa cao mà còn có dấu hiệu đi xuống. Ở góc độ kinh tế và dài hạn, xu hướng trên không thể kéo dài mãi. Vì vậy, nếu không có các giải pháp khắc phục, sự trục trặc chỉ còn là vấn đề thời điểm và cách thức diễn ra như thế nào mà thôi.

Tình trạng hiệu suất đầu tư thấp còn biểu hiện qua mức đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP thấp. Những tài liệu về TFP tuy có sự khác nhau nhất định, nhưng đại thể thì cho rằng, đóng góp vào tăng trưởng Việt Nam lớn nhất là từ tăng vốn đầu tư khoảng 50%, từ lao động khảng 30% và cuối cùng là từ TFP chỉ khoảng 20%.

Năng suất lao động thấp và mức cải thiện chậm có nhiều nguyên nhân. Trong số đó, thông thường các nhà kinh tế nghĩ ngay đến nguyên nhân từ giáo dục và đào tạo. Và thực tế chứng minh rằng, cách tư duy truy tìm nguyên nhân của các nhà kinh tế là có lý. Theo một báo cáo của Công ty Quacquarelli Symonds công bố bảng xếp hạng các trường đại học châu Á cho năm 2010, Việt Nam không hề có một trường Đại học nào tổng số 200 trường Đại học hàng đầu châu Á. Trong khi đó, trong số 200 trường hàng đầu châu Á, Nhật Bản có 56 trường, Hàn Quốc 42, Trung Quốc 40, Đài Loan 17, Hồng Kông 7. Các nước Đông Nam Á có tên trong bảng 200 trường hàng đầu là Indonesia 7, Thái Lan 7, Malaysia 6, Philippines 4 và Singapore 2. Kết quả xếp hạng này tuy không nhất thiết là đã đánh giá được hết mọi khía cạnh của giáo dục, nhưng cũng có ý nghĩa tham khảo nhất định. Điều quan tâm ở đây là, sự vắng mặt các trường Đại học Việt Nam trong số 200 trường hàng đầu châu Á phần nào cho thấy hệ thống giáo dục và đào tạo của Việt Nam hiện nay khó đáp ứng được nguồn nhân lực cho kỷ nguyên kinh tế hội nhập toàn cầu.

Về nợ công, mặc dù hiện nay Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước có tỷ lệ nợ công trung bình, nhưng đang có xu hướng tăng lên, với một số đặc điểm đáng lưu ý là: Tốc độ tăng nợ công cao hơn nhiều so với tốc độ tăng GDP tính bằng USD theo giá thực tế. Ước tính năm 2010, GDP của nước ta đạt khoảng 100,8 nghìn tỷ USD, gấp 3,1 lần năm 2001, tăng bình quân mỗi năm 13,4%; trong khi đó nợ công năm 2010 gấp gần 5,7 lần năm 2001, tăng bình quân mỗi năm 21,2%; Tỷ lệ nợ công so với GDP của nước ta đã cao hơn tỷ lệ nợ công phổ biến 30-40% GDP của các nước đang phát triển và cao hơn tỷ lệ nợ công của một số nước trong khu vực, tại thời điểm tháng 10/2010, tỷ lệ nợ công của Thái Lan bằng 48,6% GDP; In-đô-nê-xi-a bằng 26,5% GDP; Trung Quốc bằng 17,4% GDP; Nợ công tăng lên, trong khi ngân sách lại thâm hụt ngày càng lớn, chứng tỏ khả năng trả nợ chưa vững chắc. Vì vậy, những tranh luận về độ an toàn của mức nợ và thâm hụt ngân sách hiện cũng đang là chủ đề thời sự thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Khối lượng xuất nhập khẩu tăng nhanh nhưng mức nhập siêu lớn. Các số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam rất hiếm khi có xuất siêu, và mức nhập siêu thì ngày càng tăng. Chỉ trừ năm 1992 có mức xuất siêu 40 triệu USD, còn lại từ năm 2002 đến nay, mức nhập siêu tăng rất nhanh. Đáng chú ý là, trong lúc Việt Nam nhập siêu, hầu hết các nước trong khu vực đang có xuất siêu, thậm chí xuất siêu lớn. Trong số những nước nhập siêu, tỷ lệ nhập siêu/GDP của Việt Nam là khá lớn.

Trong cơ cấu xuất - nhập khẩu của Việt Nam, các mặt hàng thô hoặc mới sơ chế có mức xuất siêu, còn các mặt hàng chế biến hoặc đã tinh chế, trong đó có máy móc, phương tiện vận tải và phụ tùng nhập siêu. Nhìn qua, đúng là cơ cấu này đã ủng hộ cho lập luận nhập siêu để công nghiệp hóa. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là, giá trị tuyệt đối của xuất siêu sản phẩm thô hoặc mới sơ chế cũng tăng nhanh, trong lúc nhập khẩu máy móc thiết bị chỉ chiếm khoảng 2/3 mức nhập siêu. Một xu hướng cho thấy tình hình công nghệ và trình độ công nghiệp hóa được cải thiện chậm. Hơn nữa, trong lúc toàn bộ nền kinh tế nhập siêu thì với các nước OPEC, xuất nhập bằng nhau; với EU, Mỹ, Nhật Bản và Úc, Việt Nam luôn có xuất siêu, nhất là với Mỹ, EU và Úc. Riêng với Nhật Bản, mức xuất siêu có ít hơn và có năm nhập siêu chút ít từ nước này. Trong khi đó, Việt Nam lại nhập siêu rất lớn từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Hàn Quốc. Như vậy, những nước Việt Nam nhập siêu không phải là nước có công nghệ nguồn. Vì vậy, lập luận nhập siêu để đổi lấy công nghiệp hóa ở Việt Nam thời gian qua chưa thuyết phục.

Như vậy, nhập siêu ở Việt Nam có thể chịu tác động bởi nhân tố FDI, nhưng khó có thể khẳng định chủ yếu là do FDI gây ra. Trên thực tế, cũng không ít nước có FDI lớn vẫn không nhập siêu, thậm chí xuất siêu lớn. Ví dụ điển hình là Trung Quốc láng giềng. Còn một lập luận khác nữa lại cho rằng, nhập siêu ở Việt Nam là do tác động của giá cả thế giới vừa qua tăng cao, rằng VN phải nhập khẩu lạm phát của thế giới. Về lý thuyết chung cũng đúng. Khi giá cả thế giới tăng lên, một nền kinh tế có độ mở cao, gắn bó chặt chẽ với kinh tế thế giới và hội nhập sâu, dĩ nhiên cũng sẽ ảnh hưởng đến giá cả trong nước.

Về lạm phát: Có thể nói, mức lạm phát của Việt Nam thuộc loại cao so với rất nhiều nước khác. Những năm trước đổi mới, chỉ số giá tiêu dùng CPI từ 1981-1985 lần lượt tăng là: 70%, 95%, 50%, 65% và 92%. Năm đầu tiên đổi mới - 1986, lạm phát lên tới 775%, và mặc dù sau đó giảm nhanh, nhưng nhìn chung, mức lạm phát thường lớn hơn mức tăng trưởng. Trong giai đoạn 1996 - 2012, Việt Nam có 13 năm lạm phát trên 2 con số, trong đó đáng kể nhất là từ 1986 - 1992 với mức lạm phát bình quân 225%/năm; 2007 - 2008 với 16,3% năm và 2010 - 2011 với 15%/năm. Gần đây nhất, thời kỳ, 2008-2012 tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là gần 5,9% năm, và lạm phát là 12,6%; còn Trung Quốc tương ứng là 9,3%/năm và 3,3%/năm. Trong 20 năm 1991 - 2010, Việt Nam tăng trưởng bình quân năm khoảng 7,4%, lạm phát gần 11%; thì Trung Quốc tương ứng là 10,5% và 4,8%. Đồng thời, Xu hướng biến thiên của đường lạm phát rất phức tạp, biến động mạnh, đỉnh nhọn, biên độ lớn. Điều đó cho thấy kiểm soát lạm phát ở Việt Nam chưa bền vững; sự bất ổn của tiền tệ và kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn lớn...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Sửa đổi lần cuối Thứ hai, 17 Tháng 11 2014 02:23

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành