Thứ bảy, 26 Tháng 7 2014 00:00

Quy trình và tổ chức bộ máy kiểm toán ngân sách Nhà nước

1. Bản chất tổ chức kiểm toán ngân sách nhà nước

Thuật ngữ “tổ chức” có nhiều cách hiểu khác nhau. Theo Từ điển tiếng Việt thì: “Tổ chức là tập hợp người được tổ chức lại, hoạt động vì những quyền lợi chung, nhằm mục đích chung”. Theo Từ điển điện tử Bách khoa toàn thư Việt Nam: “Tổ chức là hình thức tập hợp, liên kết các thành viên trong xã hội (cá nhân, tập thể) nhằm đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng, lợi ích của các thành viên; cùng nhau hành động vì mục tiêu chung”. Trong một số trường hợp, đôi khi thuật ngữ này vẫn được sử dụng lẫn lộn với thuật ngữ về “công tác tổ chức” với phạm vi hẹp, hàm ý là một quá trình hành động để tạo ra tổ chức. Các cách hiểu như vậy mới chỉ bao quát được phần nào về bản chất của tổ chức và chỉ đề cập đến khía cạnh tổ chức nhân sự, bộ máy với những mục tiêu hoạt động chung, hoặc chỉ đề cập đến công tác tổ chức, chưa đề cập đến sự liên hệ giữa các thành phần, các yếu tố trong hệ thống tổ chức.

Trong  nghiên  cứu  và  ứng  dụng  thực  tế  nói  chung,  thuật  ngữ  “tổ  chức” thường được sử dụng với ý nghĩa rộng, tổ chức nói chung là mối liên hệ giữa các yếu tố trong một hệ thống. Chính vì vậy, tổ chức đối với một tổng thể là vô cùng quan trọng, mỗi bộ phận cấu thành nên tổ chức (cá nhân hay tập thể) phải biết làm gì và với mục tiêu nào, cách thức tiến hành ra sao để đạt được mục tiêu định trước. Bản thân một hệ thống phức tạp với các mối quan hệ đan xen nhiều chiều với các mục đích khác nhau tạo ra các vấn đề về tổ chức phải giải quyết như quan hệ giữa các cá nhân và sự sắp xếp của tổ chức, lập kế hoạch và thực hiện, phân cấp quản lý.

Tổ chức có những đặc điểm chung rất cơ bản là: mọi tổ chức đều mang tính mục đích và có mối liên hệ giữa các yếu tố trong hệ thống chung; mọi tổ chức đều là những đơn vị xã hội bao gồm nhiều người (tập thể) có chức năng nhất định trong hoạt động của tổ chức, có liên hệ trong những hình thái cơ cấu nhất định; mọi tổ chức đều phải hoạt động theo những cách thức nhất định để đạt mục đích; mọi tổ chức phải thu hút các nguồn lực và phân bổ các nguồn lực cần thiết để đạt mục đích của mình…Như vậy, tổ chức là một yếu tố cần thiết của xã hội loài người, vì tổ chức thực hiện những việc mà các cá nhân không thể làm được. Ở góc độ hẹp, khái niệm này có thể được áp dụng như là một phương thức mà một cá nhân tự tổ chức công việc của mình, ở phạm vi rộng hơn, khái niệm này có thể áp dụng khi có nhiều người tham gia trong mối liên hệ nhất định trên cơ sở áp dụng các quy trình công việc vì mục tiêu chung, công việc chung.

Liên hệ các khái niệm “tổ chức” nêu ở trên với kiểm toán: Kiểm toán là hoạt động xác minh và bày tỏ ý kiến về đối tượng kiểm toán do các kiểm toán viên (KTV) có trình độ nghiệp vụ tương xứng thực hiện trên cơ sở hệ thống pháp lý có hiệu lực, khái niệm “tổ chức” nên được hiểu với ý nghĩa là tập hợp các mối liên hệ nhất định, gắn với chức năng đặc thù của kiểm toán là xác minh và bày tỏ ý kiến trên cơ sở hệ thống quy định có hiệu lực. Các yếu tố của xác minh và bày tỏ ý kiến là kiểm toán cân đối, đối chiếu lôgíc, đối chiếu trực tiếp, kiểm kê, thực nghiệm và điều tra…Các yếu tố này cần được kết hợp theo một trình tự khoa học phù hợp với đối tượng cụ thể ở một khách thể kiểm toán nhất định nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu của tổ chức kiểm toán. Có nhiều cách kết hợp cụ thể khác nhau và mang lại hiệu quả khác nhau. Tổ chức kiểm toán cũng cần và có thể khái quát các cách kết hợp theo các trình tự khoa học chung giữa các yếu tố trong thực tiễn kiểm toán. Mục tiêu của tổ chức là tạo ra mối liên hệ theo một trật tự xác định. Trong kiểm toán, trật tự này được xác định khác nhau do quan hệ giữa các mục tiêu kiểm toán khác nhau với các khách thể kiểm toán khác nhau. Nội dung tổ chức kiểm toán có thể phân chia thành hai nội dung cơ bản là tổ chức công tác kiểm toán và tổ chức bộ máy kiểm toán.

Từ những phân tích trên, có thể khái quát, tổ chức kiểm toán ngân sách nhà nước (NSNN) là hệ thống các mối liên hệ có chức năng xác minh và bày tỏ ý kiến về thực trạng NSNN hoặc về sự kiện, thông tin liên quan đến sử dụng, điều hành NSNN…do các kiểm toán viên có kỹ năng phù hợp thực hiện trên cơ sở pháp lý hiện hành. Tổ chức kiểm toán NSNN cũng phù hợp với tổ chức kiểm toán nói chung được vận dụng vào lĩnh vực kiểm toán cụ thể là NSNN và bao gồm tổ chức công tác kiểm toán NSNN và tổ chức bộ máy kiểm toán NSNN.

Mục tiêu của tổ chức công tác kiểm toán NSNN hướng tới việc tạo ra mối liên hệ giữa các phương pháp kỹ thuật kiểm toán dùng để xác minh và bày tỏ ý kiến về đối tượng kiểm toán NSNN. Mối liên hệ này xuất phát từ yêu cầu thực hiện chức năng kiểm toán theo từng đối tượng, loại hình, khách thể…cụ thể của kiểm toán NSNN. Trong quá trình kiểm toán, KTV phải hiểu biết đầy đủ về các phương pháp kỹ thuật kiểm toán để áp dụng trong từng trường hợp cụ thể và được thực hiện theo quy trình nhất định. Cũng giống như tổ chức công tác kiểm toán nói chung, tổ chức công tác kiểm toán NSNN là một trong những vấn đề cơ bản của tổ chức kiểm toán NSNN, quyết định sự thành công và tính hiệu quả đối với từng cuộc kiểm toán NSNN theo những mục tiêu và đối tượng kiểm toán cụ thể nhất định. Việc tổ chức công tác kiểm toán NSNN chính là việc xác định rõ mục tiêu, phạm vi, đối tượng kiểm toán trong từng cuộc kiểm toán NSNN để kết hợp khéo léo, linh hoạt và sáng tạo các phương pháp kỹ thuật theo một trình tự logic, khoa học trong cơ sở những khuôn khổ pháp lý nhất định. Đây chính là quá trình diễn ra các hoạt động của các KTV nhằm thu thập các bằng chứng kiểm toán làm cơ sở cho việc đưa ra các đánh giá và kết luận về đối tượng kiểm toán NSNN nhằm lập báo cáo kiểm toán.

Khi đã khẳng định các yếu tố cấu thành hệ thống phương pháp kiểm toán bao gồm cả kiểm toán chứng từ và kiểm toán ngoài chứng từ, những yếu tố này phải trở thành nhận thức và cả kinh nghiệm trong con người và trở thành cơ chế hoạt động của các phương tiện cấu thành bộ máy kiểm toán. Tổ chức bộ máy kiểm toán với những mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động linh hoạt nhằm thích ứng với đặc điểm của đối tượng và khách thể kiểm toán trong các cuộc kiểm toán cụ thể và hướng tới việc thực hiện chức năng xác minh và bày tỏ ý kiến của kiểm toán. Tổ chức bộ máy kiểm toán gồm cả con người và phương tiện chứa đựng các yếu tố của kiểm toán để thực hiện chức năng kiểm toán.

Lý thuyết hệ thống cũng chỉ rõ mối liên hệ logic giữa yếu tố, phân hệ và hệ thống. Đó là mối liên hệ giữa cái riêng và cái chung và chúng có thể chuyển hoá cho nhau song sự bao gồm của cái riêng trong cái chung vẫn phải được tôn trọng trong tổ chức bộ máy kiểm toán nói riêng cũng như trong mọi hệ thống tổ chức nói chung. Ngoài ra, bộ máy kiểm toán cũng có thể được tổ chức theo phương thức trực tuyến-tham mưu hoặc phương thức chức năng và có thể chọn loại hình tập trung hay phân tán. Do đặc thù của hoạt động kiểm toán là một loại hình kiểm tra, kiểm soát đặc biệt, bộ máy kiểm toán không theo một khuôn mẫu thống nhất mà tuỳ thuộc vào mối liên hệ giữa với các cấp quản lý, ảnh hưởng của đặc điểm chính trị, kinh tế và hình thức sở hữu…Hơn nữa, khi nói đến yếu tố con người là nói tới quan hệ xã hội, đến truyền thống văn hoá cụ thể. Nguyên tắc tổ chức bộ máy kiểm toán là phải xây dựng được đội ngũ KTV đủ về số lượng và bảo đảm yêu cầu chất lượng phù hợp với từng bộ máy kiểm toán. Đồng thời, hệ thống bộ máy kiểm toán phải bao gồm các phân hệ chứa đựng các mối liên hệ trong - ngoài khác nhau phù hợp với nguyên tắc chung của lý thuyết tổ chức và phù hợp với quy luật của phép biện chứng về liên hệ. Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy kiểm toán phải quán triệt nguyên tắc chung của mọi hệ thống tổ chức bộ máy: tập trung, dân chủ, thích ứng với từng bộ phận kiểm toán.

Tính khoa học của tổ chức bộ máy đòi hỏi phải tạo ra những mối liên hệ giữa các yếu tố, các phân hệ với hệ thống; giữa bản thân hệ thống kiểm toán với các yếu tố khác và cả với môi trường hoạt động của hệ thống này. Trong khi đó, tính nghệ thuật của tổ chức đòi hỏi phải xử lý mối liên hệ này thật mềm dẻo để duy trì biên độ tổ chức ở mức cao nhất thích ứng với từng điều kiện cụ thể về nhân viên, thiết bị và môi trường  thực hiện….

Thông qua việc phân tích trên, đề cập đến việc tổ chức bộ máy kiểm toán NSNN là nói đến việc tập hợp, sắp xếp một số đối tượng nhất định trong mối liên hệ, phân công, phân nhiệm rõ ràng để thực hiện chức năng kiểm toán trong lĩnh vực NSNN. Việc tổ chức bộ máy kiểm toán NSNN phải gắn liền với việc thực hiện chức năng của KTNN trong kiểm toán NSNN và việc xác định đối tượng kiểm toán trong mối liên hệ giữa chủ thể và khách thể kiểm toán NSNN. Đồng thời gắn với việc xác định các loại hình kiểm toán và mục tiêu kiểm toán đối với từng đối tượng kiểm toán NSNN để xác định việc phân công, phân nhiệm trong từng bộ phận tổ chức kiểm toán NSNN.

Chủ thể liên quan trực tiếp và chủ yếu đến kiểm toán NSNN là cơ quan KTNN với hệ thống các KTV thực hiện nhiệm vụ kiểm toán. KTNN là cơ quan công quyền thuộc hệ thống bộ máy chuyên môn của nhà nước thực hiện các chức năng kiểm toán về ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, trong đó chủ yếu là NSNN. KTNN sẽ đánh giá việc quản lý, điều hành, sử dụng NSNN với vai trò là một cơ quan độc lập từ bên ngoài đối với NSNN và hình thức pháp lý để thực hiện nghĩa vụ kiểm toán chủ yếu mang tính bắt buộc. Đối tượng chủ yếu của kiểm toán NSNN do KTNN thực hiện không chỉ bao gồm các báo cáo quyết toán, các bản khai tài chính, các khoản mục thu chi ngân sách, dự toán NSNN mà còn là các hoạt động liên quan đến quản lý, điều hành, sử dụng NSNN, thực trạng tài chính cùng hiệu quả, hiệu năng của các nghiệp vụ hay dự án, chương trình cụ thể. Tuỳ theo đối tượng kiểm toán NSNN cụ thể để xác định khách thể kiểm toán NSNN phù hợp. Nói chung, khách thể kiểm toán NSNN là tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị có quản lý và sử dụng các nguồn lực NSNN. Luận án sẽ đi sâu phân tích về đối tượng và khách thể kiểm toán NSNN trong phần tổ chức công tác kiểm toán NSNN.

Ngoài ra, do tính chất đan xen trong quản lý và mối liên hệ chặt chẽ giữa các yếu tố trong hệ thống quản lý, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của KTNN đối với kiểm toán NSNN rất cần một môi trường thích hợp. Môi trường này chính là các quy định về mặt pháp lý đối với tổ chức và hoạt động kiểm toán NSNN, quan điểm của những người đứng đầu bộ máy nhà nước đối với sự cần thiết nâng cao vai trò, vị trí của cơ quan KTNN, một cơ quan kiểm tra độc lập từ bên ngoài đối với việc quản lý, điều hành NSNN của chính phủ và những yếu tố khác như nâng cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ, tính minh bạch, công khai của NSNN...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành