Thứ tư, 24 Tháng 9 2014 00:00

Luật tổ chức Chính phủ những hạn chế và kiến nghị giải pháp hoàn thiện

I. Tổng quan về Luật tổ chức Chính phủ của Việt Nam:

1. Một số thành tựu:

Cải cách bộ máy nhà nước theo hướng tăng cường tính pháp quyền mà trọng tâm là cải cách Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước được chính thức đề ra tại Nghị quyết Đại hội VII của Đảng. Đến nay, sau hơn 20 năm, công cuộc cải cách Chính phủ theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều mặt. Trong đó, có một số thành tựu cần được phân tích, đánh giá khách quan, đầy đủ, để có thể kế thừa và phát huy trong việc tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính đồng bộ với cải cách lập pháp, cải cách tư pháp, cũng như đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị nói chung.

Thành tựu quan trọng nhất về mặt thể chế là những quy định mới của Hiến pháp năm 1992 đã được sửa, bổ sung đổi năm 2001 về vị trí, vai trò của Chính phủ, đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc thúc đẩy cải cách Chính phủ theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bước vào thực hiện cơ chế thị trường, yêu cầu về nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý hành chính nhà nước đối với mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội trở nên ngày càng đa dạng và phức tạp, đòi hỏi phải phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động, sáng tạo của Chính phủ. Cơ quan hành pháp phải có đủ quyền lực và có khả năng sử dụng quyền lực một cách linh hoạt, nhanh nhạy để đối phó có hiệu quả với diễn biến của tình hình thực tế.

Một trong những thay đổi quan trọng nhất của Hiến pháp năm 2001 là đổi mới cơ chế hoạt động của Chính phủ. Cụ thể hoá nguyên tắc tập trung dân chủ, Hiến pháp năm 2001 và Luật Tổ chức Chính phủ đã định ra ba nguyên tắc then chốt cho hoạt động của Chính phủ phù hợp với quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đó là các nguyên tắc: Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ phải được thảo luận tập thể và quyết định theo đa số; Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo công tác của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp; Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực, ngành mình phụ trách trong phạm vi cả nước.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2001 và Luật Tổ chức Chính phủ, về nguyên tắc, Chính phủ có hai cơ chế hoạt động khác nhau: cơ chế lãnh đạo của tập thể Chính phủ đối với những vấn đề mang tính chất chính sách và những loại nhiệm vụ quan trọng đã được quy định bởi Hiến pháp và luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ mà Tập thể Chính phủ quyết định theo đa số; và cơ chế thủ trưởng, bảo đảm vai trò chỉ đạo điều hành chung và thống nhất của Thủ tướng Chính phủ đối với hoạt động của hệ thống hành pháp và hành chính nhà nước, để thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội và các quyết định của Chính phủ. Thủ tướng có toàn quyền quyết định đối với những vấn đề được Hiến pháp và pháp luật quy định thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng không phụ thuộc vào Tập thể Chính phủ. Hai cơ chế này có mối quan hệ tác động qua lại, liên quan chặt chẽ với nhau làm cho hoạt động của Chính phủ trở nên linh hoạt, mềm dẻo, nhanh nhạy hơn, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, có hiệu lực, hiệu quả, nhưng vẫn bảo đảm trật tự hiến pháp: Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.

Các nguyên tắc nói trên đã tạo cơ sở cho việc phân định và tách bạch giữa chức năng xây dựng, hoạch định chính sách với chức năng tổ chức thực hiện chính sách trong hoạt động quản lý nhà nước của hệ thống hành chính. Theo đó, chức năng của Chính phủ là hoạch định và điều hành các chính sách quốc gia theo định hướng chính trị được đề ra trong các nghị quyết của Đảng, phù hợp với các quy định của Hiến pháp và các đạo luật, còn việc tổ chức thực hiện chính sách, thể chế sẽ do các bộ và chính quyền địa phương đảm nhiệm. Bộ trở thành cơ quan điều hành, cơ quan chính thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước của Chính phủ và trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc quyết định những vấn đề thuộc chức năng, thẩm quyền của bộ được tăng cường. Bộ trưởng trở thành người đứng đầu bộ máy hành chính về lĩnh vực mà ngành mình phụ trách. Còn Thủ tướng là người lãnh đạo và điều phối các hoạt động của Chính phủ, là người bảo đảm sự thống nhất trong tổ chức thực thi quyền hành pháp và hành chính nhà nước, bảo đảm trật tự, kỷ cương, tính thông suốt trong hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở.

Phù hợp với quá trình chuyển đổi phương thức quản lý từ trực tiếp vi mô, chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính sang quản lý gián tiếp vĩ mô bằng hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật đồng bộ, pháp luật ngày càng trở thành công cụ quản lý, điều hành chủ yếu, quan trọng nhất trong việc thực hiện chức năng, thẩm quyền quản lý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong bối cảnh này, hoạt động quan trọng nhất đối với cơ quan hành chính nhà nước là tạo dựng và duy trì khuôn khổ chính sách, pháp luật cho các hoạt động của công dân, tổ chức. Thực tế cho thấy, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế ngày càng trở nên quan trọng và đã thực sự trở thành hoạt động cơ bản, chủ yếu của Chính phủ và bộ máy hành chính ở trung ương. Công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ đang trở thành nhiệm vụ trung tâm, được ưu tiên hàng đầu trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Việc xem xét, thông qua các dự án tại các phiên họp của Chính phủ cũng đã được cải tiến. Số lượng các dự án luật, pháp lệnh Chính phủ cho ý kiến, trình Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội những năm gần đây tăng nhanh đáng kể: Năm 2001 là 22 dự án, bao gồm 11 luật, 10 pháp lệnh, 01 nghị quyết; Năm 2002 là 6 dự án,bao gồm 04 luật, 02 pháp lệnh; Năm 2003 là 34 dự án, bao gồm 20 luật, 14 pháp lệnh; Năm 2004 là 36 dự án, Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 24 dự án; Năm 2005 là 38 dự án, Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 33 dự án; Năm 2006 là 23 dự án; Năm 2007 là 17 dự án; Năm 2008 là 36 dự án trong đó, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 2 nghị quyết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua 8 pháp lệnh.

Số lượng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những năm qua ngày càng tăng và có tiến bộ về chất lượng, cụ thể: năm 2001 là 347; năm 2002 là 337; năm 2003 là 488; năm 2004 là 494; năm 2005 là 566; năm 2006 là 526; năm 2007 là 481; năm 2008 là 374 văn bản. Từ năm 2000 đến 2008, hàng năm, trung bình Chính phủ ban hành gần 150 nghị định, thông qua đó đã tạo lập cơ sở vững chắc cho cải cách thể chế, thực hiện sự kết hợp giữa cải cách lập pháp và cải cách hành chính. Một loạt các luật được Chính phủ soạn thảo và trình Quốc hội ban hành như Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp nhà nước, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Phá sản, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Hải quan, Luật Thương mại, Luật Điện lực… đã kịp thời khắc phục tình trạng thiếu luật để điều chỉnh các quan hệ kinh tế trong nhiều lĩnh vực, tạo sự an tâm và tin tưởng vào chính sách của Đảng và nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế. Điều cần nhấn mạnh là, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao để thể hiện trong các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tinh thần và quan điểm cải cách hành chính. Các luật đã ban hành thể hiện rõ các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế, tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước, thông qua đó giảm thiểu đáng kể sự can thiệp bằng các biện pháp hành chính của các cơ quan nhà nước vào các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng, giảm thiểu cơ chế xin - cho.

Một trong những kết quả quan trọng nhất của cải cách hành chính trong hơn 10 năm qua, nhất là kể từ khi thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 theo Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là đã từng bước điều chỉnh, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ và của từng cơ quan trong hệ thống hành chính, khắc phục những chồng chéo, trùng lắp, lẫn lộn chức năng, nhiệm vụ trong hoạt động của bộ máy hành chính. Nhiều loại công việc trước đây do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết, quyết định nay đã được chuyển cho các bộ, ngành hoặc phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện. Quá trình xây dựng và ban hành đầy đủ các nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã mang lại các kết quả quan trọng, như: khắc phục được sự chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm được nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan thực hiện và phân cấp mạnh và đồng bộ cho chính quyền địa phương các cấp. Trên thực tế, Chính phủ đã thực hiện bước điều chỉnh lớn và quan trọng về thẩm quyền giữa các cấp hành chính cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo đó, chính quyền địa phương được phân cấp, tự chủ nhiều hơn, nhất là trong các lĩnh vực ngân sách, tài chính, đầu tư, đất đai, y tế, giáo dục…

Tiếp tục từng bước xoá bỏ cơ chế chủ quản đối với doanh nghiệp, loại bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp của bộ, cơ quan ngang bộ. Kết quả quan trọng trong việc làm rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính nhà nước là bước đầu phân biệt, tách bạch hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước với hoạt động của đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công, từng bước trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện cho các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công. Đây là điểm hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh tổ chức bộ máy hành chính ở nước ta còn nhiều tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công trực thuộc các bộ và chính quyền địa phương các cấp, mà cơ chế quản lý trước đây chưa có sự phân biệt rõ cho từng loại hình tổ chức.

Nhìn tổng thể có thể thấy, hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ và các bộ đã tập trung chủ yếu vào thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo pháp luật trong phạm vi cả nước trên tất cả các ngành, lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội; tập trung thời gian và nguồn lực vào việc thực hiện chức năng, thẩm quyền đích thực của mình là xây dựng, hoàn thiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát việc thực hiện.

Việc điều chỉnh, sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy của Chính phủ được thực hiện theo nguyên tắc bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Trong vòng 8 năm, tổng số các đầu mối của Chính phủ từ 48 cơ quan đến năm 2007 chỉ còn 30 cơ quan, bao gồm 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ. Đến năm 2007, không còn loại cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Chức năng quản lý nhà nước đối các ngành, lĩnh vực được tập trung về các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện. Cơ cấu bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ cũng được điều chỉnh, sắp xếp tương đối phù hợp theo hướng xác định rõ tính chất, chức năng của từng loại cơ cấu tổ chức trực thuộc, loại bỏ những cơ cấu trung gian, phân biệt rõ các đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước với các tổ chức sự nghiệp cung cấp dịch vụ công.

Phương thức ra quyết định của Chính phủ được quy định và thực hiện một cách linh hoạt. Không phải tất cả các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ đều được Chính phủ quyết định theo nguyên tắc thảo luận tập thể và quyết định theo đa số. Chỉ có một số vấn đề quan trọng theo quy định của Luật tổ chức Chính phủ mới được giải quyết theo nguyên tắc này. Mặt khác, không ít vấn đề thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, nhưng để tham khảo thêm ý kiến các thành viên Chính phủ, Thủ tướng có thể đưa ra thảo luận tại phiên họp Chính phủ trước khi quyết định.

Chính phủ, Thủ tướng đều sử dụng pháp luật làm công cụ quản lý, điều hành. Đây là điểm khác biệt cơ bản so với phương thức quản lý, điều hành của Chính phủ trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp. Tư tưởng xuyên suốt các bản quy chế làm việc của Chính phủ đã được ban hành từ năm 1992 đến nay là xác định ngày càng rõ hơn trách nhiệm của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các Thành viên Chính phủ trong việc giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngoài trách nhiệm quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực được phân công, Bộ trưởng với tư cách là Thành viên Chính phủ dưới nhiều hình thức tham gia tích cực và có trách nhiệm hơn vào các công việc chung của Chính phủ, thay mặt Chính phủ giải quyết những công việc thuộc trách nhiệm của Chính phủ khi được Tập thể Chính phủ hoặc Thủ tướng phân công...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Sửa đổi lần cuối Thứ hai, 24 Tháng 11 2014 08:55

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành