Thứ ba, 23 Tháng 9 2014 00:00

Một số vấn đề cần góp ý dự án luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

I. Một số vấn đề trong dự thảo Luật Tài nguyên, Môi trường Biển và Hải đảo:

Ở nước ta, phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển, hải đảo đã là phương thức được áp dụng từ năm 2009. Tuy nhiên, thực tiễn công tác này cho thấy còn một số vấn đề tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý tổng hợp, thống nhất đặt ra. Cụ thể như: Luật Biển Việt Nam chỉ có một chương quy định về phát triển kinh tế biển nhưng mới chỉ đề cập đến một số nội dung liên quan đến quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển, nhiều nội dung quy định còn thiếu, chưa đầy đủ và đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai thực hiện phương thức quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên, môi trường biển và hải đảo dựa trên tiếp cận hệ sinh thái.

Thêm vào đó, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ở vùng bờ vùng đất ven biển và vùng biển ven bờ do thiếu các quy định và công cụ hiệu quả để triển khai quản lý tổng hợp vùng bờ Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, Chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ,… nên dẫn đến tình trạng một số chức năng của vùng bờ bị khai thác quá mức, đồng thời ảnh hưởng tới các chức năng khác của vùng biển, làm cho tài nguyên biển và hải đảo dần bị suy thoái, tình trạng ô nhiễm môi trường biển tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều hệ sinh thái quan trọng như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn... bị tổn thương, dẫn tới sự nghèo nàn của nguồn lợi thủy sản...

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, việc sửa đổi và nâng tầm pháp lý những quy định hiện hành về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo, đồng thời bổ sung các quy định còn thiếu để xây dựng và ban hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là cần thiết và là yêu cầu thực tiễn khách quan. Quy định rõ trách nhiệm quản lý, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo. Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo có 89 điều thể hiện trong 10 chương quy định về quản lý tổng hợp, thống nhất các hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong phạm vi vùng bờ, vùng biển Việt Nam và các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong quản lý tổng hợp, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Các nội dung được quy định trong dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã bảo đảm nguyên tắc không chồng chéo với các quy định có liên quan trong các luật chuyên ngành và đều là những vấn đề cốt yếu, là công cụ quan trọng để triển khai có hiệu quả công tác quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Các nội dung được quy định trong dự thảo lần này phần lớn đều đã có thực tiễn thực hiện trong thời gian qua.

Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo dự kiến gồm 10 chương, gồm Chương I: Những quy định chung; Chương II: Quản lý hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học biển và hải đảo; Chương III: Chiến lược, quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo; Chương IV: Quản lý hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo; Chương V: Bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Chương VI: Nguồn lực quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển và hải đảo; Chương VII: Hợp tác quốc tế về tài nguyên và môi trường biển và hải đảo; Chương VIII: Trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường biển và hải đảo; Chương IX: Kiểm tra, giám sát các hoạt động điều tra cơ bản, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Chương X: Điều khoản thi hành.

Phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật cơ bản đã xác định được ranh giới giữa Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các luật chuyên ngành khác. Theo đó, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tập trung quy định các công cụ, phương pháp, cơ chế điều phối, phối hợp trong hoạt động quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Với mối quan hệ đan xen trong hệ thống pháp luật điều chỉnh liên quan đến tài nguyên, môi trường biển, hải đảo cần tiếp tục rà soát kỹ những nội dung của dự thảo Luật này với các Luật khác có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cụ thể hơn trong Luật này các quy định mang tính nguyên tắc của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 để thuận lợi cho việc áp dụng trong điều kiện thực tiễn ở Việt Nam.

Hiện nay, công tác quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực biển và hải đảo được phân chia theo từng lĩnh vực chuyên ngành và giao cho các bộ, ngành quản lý dựa trên khía cạnh khai thác tiềm năng, lợi thế về kinh tế của biển. Thực trạng quản lý này đưa đến những bất cập chủ yếu như: Tính phân tán trong hoạt động quản lý nhà nước về biển, thiếu sự quản lý tập trung, thống nhất. Đồng thời, xuất hiện tình trạng “cát cứ” của từng bộ, ngành khi được giao nhiệm vụ quản lý chuyên ngành liên quan đến khai thác từng khía cạnh kinh tế của tài nguyên biển; không quy định rõ phạm vi, nội dung quản lý chuyên ngành về tài nguyên biển, hải đảo giữa các bộ, ngành với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có bờ biển; chưa xác lập được cơ chế pháp lý thống nhất, đồng bộ nhằm phối, kết hợp hoạt động quản lý nhà nước về tài nguyên biển, hải đảo giữa các bộ, ngành và các địa phương...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Sửa đổi lần cuối Thứ hai, 24 Tháng 11 2014 09:13

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành