Thứ tư, 24 Tháng 9 2014 00:00

Đánh giá thực trạng hệ thống bảo hiểm hưu trí ở Việt Nam

I. Thực trạng về hệ thống Bảo hiểm hưu trí:

Về mặt xã hội, chế độ hưu trí dành cho những người không còn tham gia vào quan hệ lao động nữa vì vậy chế độ này rất cần thiết và không thể thiếu được vì người lao động nào cũng đến lúc hết tuổi lao động nhưng họ vẫn có nhu cầu đảm bảo cuộc sống lúc này lương hưu là nguồn thu nhập chính của họ. Được hưởng trợ cấp lương hưu là nguồn động lực cơ bản để người lao động tham gia vào quan hệ bảo hiểm xã hội.

Hệ thống hưu trí Việt Nam bắt đầu hình thành từ năm 1962. Ngày 27/12/1961, Nghị định 218/CP về ban hành điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân viên chức nhà nước được ban hành, nghị định này được coi là văn bản gốc về bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước, gồm có 06 chế độ và quy định Quỹ bảo hiểm xã hội nằm trong ngân sách nhà nước, do các cơ quan, đơn vị đóng góp. Chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân viên chức nhà nước là chế độ có mức hưởng được xác định trước.

Giai đoạn từ 2007 đến nay, Luật bảo hiểm xã hội được thông qua và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2007 đối với BHXH bắt buộc; từ ngày 01/01/2008 đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện; từ 01/01/2009 đối với Bảo hiểm thất nghiệp. Các quy định của Luật bảo hiểm xã hội về chế độ hưu trí được kế thừa từ các quy định trước đây; có phát triển, mở rộng về đối tượng, loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện… Các chế độ bảo hiểm xã hội được quy định cụ thể có lợi hơn cho người lao động như quy định chặt chẽ về quản lý, sử dụng, đầu tư tăng trưởng Quỹ bảo hiểm xã hội, trách nhiệm của các bên tham gia bảo hiểm xã hội, quản lý, giám sát việc quản lý và Quỹ bảo hiểm xã hội công khai, minh bạch, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Chế độ bảo hiểm xã hội trước 1995: chỉ có lao động của khu vực nhà nước tham gia hệ thống và được nhiều cơ quan chức năng như Tổng Liên đoàn Lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý dưới sự giám sát của Chính phủ. Trong hệ thống đó, mức hưởng hưu trí được xác định dựa trên số năm đóng góp và thu nhập cơ sở thường là mức lương vào thời điểm nghỉ hưu. Khoản hưởng lợi được chi trả từ quỹ bảo hiểm xã hội - quỹ được hình thành từ khoản đóng góp của người sử dụng lao động một phần của quỹ lương và từ trợ cấp của Chính phủ. Quỹ bảo hiểm do Chính phủ quản lý và bảo trợ và là một bộ phận của ngân sách nhà nước. Trên thực tế, từ sau năm 1995, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận trách nhiệm chi trả toàn bộ cho số người được hưởng lợi của hệ thống trước năm 1995 và sau đó nhận khoản thanh toán từ Chính phủ thông qua Bộ Tài chính.

Từ sau 1995, việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bắt buộc đã tăng thêm nhiều thành phần tham gia. Cụ thể có các đối tượng sau: lao động trong khu vực nhà nước, bao gồm những người làm việc trong chính phủ, các tổ chức của Đảng và lực lượng vũ trang; lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước ; và các doanh nghiệp tư nhân có số lao động trên 10 người, bao gồm các doanh nghiệp nước ngoài, đại diện của các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và khu chế xuất và các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, hoặc người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, các đối tượng không có hợp đồng lao động vẫn có thể tham gia đóng góp vào các chương trình bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Trước tình trạng già hóa dân số, tỷ lệ người đóng bảo hiểm xã hội trên số người hưởng lương hưu đang có xu hướng giảm nghiêm trọng, từ 217 người đóng cho 1 người hưởng lương hưu vào năm 1996 thì đến nay, chỉ còn 9 người đóng cho 1 người hưởng. Trong khi đó, tuổi nghỉ hưu thực tế bình quân chỉ là 53,2 tuổi. Theo tính toán, mỗi cá nhân có 31 năm đóng BHXH và chỉ đủ để quỹ bảo hiểm trả lương hưu trong vòng gần 13 năm. Song tuổi thọ bình quân của người Việt Nam ngày càng cao và độ dài thời gian hưởng lương hưu bình quân hiện nay là 19,5 năm.

Hệ thống hưu trí PAYG với mức hưởng được xác định trước trong điều kiện dân số già hoá và tỉ lệ tham gia hệ thống chưa cao cũng có nghĩa là các thế hệ trẻ hiện nay và tương lai sẽ phải chịu gánh nặng lớn hơn mới có thể trang trải được chi phí cho hệ thống. Gánh nặng lớn hơn này có thể được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau, ví dụ như tỷ lệ đóng góp tăng lên liên tục, độ tuổi nghỉ hưu được kéo dài, nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội khiến quyền lợi hưu trí trong tương lai của lực lượng lao động hiện tại và tương lai không được bảo đảm.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam được tổ chức theo cơ cấu chiều dọc với các chi nhánh ở cấp huyện và các chi nhánh ở địa phương chịu trách nhiệm cả thu và chi. Việc phân cấp quản lý theo hình thức này giúp việc tiếp cận người tham gia hệ thống ở địa phương trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, hình thức này cũng dẫn đến sự gia tăng chi phí hành chính và có thể dẫn đến những vấn đề tiêu cực trong quá trình thu, chi thực hiện phân tán tại địa phương. Hơn nữa, sự hợp tác trong quản lý giữa bảo hiểm xã hội Việt nam và các Bộ khác, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư với chức năng quản lý các loại hình doanh nghiệp trong cả nước, vẫn chưa thực sự chặt chẽ nên việc nợ bảo hiểm xã hội vẫn còn phổ biến, đặc biệt là khu vực tư nhân. Theo số liệu thống kê của bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ năm 1995 cho đến 2011, hàng năm số thu cho Quỹ Hưu trí đều lớn hơn số chi tỷ lệ sử dụng chi/thu là 76,3%; ước năm 2011 cân đối thu - chi trong năm còn dư là 11.551 tỷ đồng, tỷ lệ sử dụng chi/thu là 77%, nên đảm bảo chi trả và có kết dư.

Tuy nhiên, trong tương lai dự báo với mức đóng góp và mức hưởng chế độ như quy định hiện hành thì Quỹ bảo hiểm xã hội sẽ đứng trước nguy cơ mất cân đối nghiêm trọng: Đến năm 2023 số thu bằng số chi. Từ năm 2024 trở đi để đảm bảo chi chế độ hưu trí, tử tuất, ngoài số thu trong năm phải trích sử dụng thêm kết dư của thu các năm trước mới đảm bảo đủ chi; Đến năm 2037, nếu không có chính sách hoặc biện pháp tăng thu hoặc giảm chi thì số thu bảo hiểm xã hội trong năm và số tồn tích bắt đầu không đảm bảo khả năng chi trả. Các năm sau đó số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu trong năm.

Sự bền vững về mặt tài chính của hệ thống hưu trí Việt Nam chịu tác động của rất nhiều nhân tố. Thứ nhất, tỷ lệ phụ thuộc dân số của hệ thống đang có xu hướng gia tăng nhanh. Thứ hai, tỷ lệ đóng góp hiện tại thấp hơn so với tỷ lệ đóng góp bền vững - hay còn gọi là tỷ lệ chi phí PAYG – và vì thế mà quỹ có thể bị cạn kiệt. Thứ ba, tỷ lệ tham gia có xu hướng giảm xuống do: sự thu hẹp của khu vực nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước; sự dịch chuyển của các đối tượng lao động sắp xếp lại từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân nhưng lại không đăng ký tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội, và tỷ lệ tham gia của khu vực tư nhân còn quá thấp. Thứ tư, mức hưởng được chỉ số hoá theo mức lương tối thiểu vẫn còn lớn, gắn liền với thời gian hưởng dài do người hưởng lợi nghỉ hưu sớm và tuổi thọ có xu hướng tăng lên.

Tất cả những nhân tố kể trên khiến cho hệ thống hưu trí Việt Nam đối mặt với nhiều vấn đề và có thể rơi vào khủng hoảng trong tương lai. Việc ổn định tài chính và duy trì sự công bằng giữa các thế hệ trong hệ thống hưu trí PAYG trước sức ép dân số già hoá nhanh chóng là những câu hỏi chính sách hóc búa nhất đối với bất kỳ nền kinh tế nào. Do vậy, Việt Nam cần nhanh chóng có những chính sách phù hợp với những điều kiện kinh tế - xã hội nhằm chủ động đối phó với những thách thức của hệ thống hưu trí trong dài hạn.

Vẫn biết các chế độ bảo hiểm xã hội nhằm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động và thân nhân của họ khi ốm đau, tai nạn lao động, thai sản, khi hết tuổi lao động hay khi không may từ trần; nguyên tắc bảo hiểm xã hội là có đóng - có hưởng; mức hưởng được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và độ tuổi của người lao động. Tuy nhiên, nhìn vào cách tính hưởng chế độ hưu trí mới thấy sự bất công bằng giữa những người lao động trong lực lượng vũ trang, trong khu vực hành chính - sự nghiệp với người lao động trong khu vực sản xuất kinh doanh, nhất là người lao động trong khu vực tư nhân. Nhiều trường hợp người lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp tư nhân có mức lương hưu dưới 2 triệu đồng/tháng, có người chỉ được hưởng lương hưu tại thời điểm tính cao hơn một chút so với mức lương cơ sở do Chính phủ quy định....

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành