Thứ sáu, 26 Tháng 9 2014 00:00

Một số yêu cầu của chuyển dịch cơ cấu ngành trong phát triển kinh tế thời kỳ 2011-2020

Trên thực tế, chuyển dịch cơ cấu ngành trong phát triển, tăng trưởng kinh tế ở các nước phát triển có ảnh hưởng rất nhỏ vì những nước này đã hoàn thành quá trình công nghiệp hóa. Ở các nước đang phát triển, nhất là những nước ở đầu thời kỳ công nghiệp hóa như Việt Nam, chuyển dịch cơ cấu ngành có ảnh hưởng rất mạnh tới tăng trưởng năng suất và do đó tới thu nhập của người dân và tăng trưởng kinh tế. Trong điều kiện bình thường, chừng nào còn có chênh lệch năng suất giữa các ngành, lĩnh vực chừng đó, sự chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng hợp lý còn có ảnh hưởng tích cực tới tăng trưởng kinh tế và ngược lại. Điều này có nghĩa, với tỷ trọng lao động nông nghiệp trong nền kinh tế còn cao như hiện nay, việc có được hệ thống cơ chế chính sách tốt phát huy được quan hệ giữa chuyển dịch cơ cấu ngành và tăng trưởng đồng thời đẩy nhanh được tốc độ chuyển dịch được cơ cấu lao động theo hướng việc làm bền vững sẽ có ý nghĩa quyết định tới khả năng đạt được tăng trưởng kinh tế cao bền vững trong nhiều năm tới.

Không phải ngẫu nhiên, cơ cấu ngành của nước ta có xu hướng chuyển dịch còn hướng tới một cơ cấu đơn giản, giá trị gia tăng thấp dựa trên thâm dụng lao động ít kỹ năng, hàm lượng công nghệ thấp, và đã xuất hiện ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng năng suất và tăng trưởng kinh tế. Hành động thực tế của các chủ thể phát triển: Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới kết quả trên. Do đó, muốn cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ tới, cần phải khắc phục được những hạn chế trong hoạt động của các lực lượng phát triển này. Để nghiên cứu cụ thể vào mục tiêu, yêu cầu về chuyển dịch cơ cấu ngành nhằm tăng cường ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng kinh tế giai đoạn từ 2011-2020 cần xem xét ở một số góc độ sau”

1. Bối cảnh lịch sử phát triển kinh tế

Thời kỳ 2011-2020 sẽ là một thời kỳ có ý nghĩa rất đặc biệt đối với lịch sử phát triển kinh tế Việt Nam bởi vì đây là thời kỳ có nhiệm vụ phải giải quyết quyết liệt đồng thời ba vấn đề: cải thiện vị thế nước đang phát triển đến mức nào, có hoàn tất được quá trình đổi mới không và có hội nhập được thành công không. Nếu như đầu những năm 1990 khi bắt đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội lần thứ nhất, nước ta là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, thì sau 2 kỳ Chiến lược, nước ta đã gia nhập nhóm nước thu nhập trung bình (thấp). Tuy nhiên, kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, mặc dù việc gia nhập vào nhóm nước thu nhập trung bình là không dễ dàng, việc thoát ra khỏi nhóm nước này – tức thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” – vươn tới vị trí của nhóm nước thu nhập cao là việc còn khó hơn rất nhiều lần. Để không bị tắc nghẽn trong “bẫy thu nhập trung bình”, không còn con đường nào khác ngoài con đường phải cải tiến cấu trúc nền kinh tế theo hướng tăng trưởng dựa trên năng suất ngày càng cao trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, tri thức ngày càng nhiều, tham gia ngày càng sâu hơn, chủ động hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hơn thế, với những yếu kém mang tính cơ cấu trong nội tại nền kinh tế Việt Nam, yêu cầu chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng năng suất, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao hơn đã trở thành yêu cầu cấp thiết, bắt buộc. Từ những bức thiết của thực tiễn, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam thời kỳ 2011-2020 đã đề ra mục tiêu tổng quát là “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, đồng thuận, dân chủ, kỷ cương; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau”. Bên cạnh đó, một số mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu ngành cũng được nêu ra là: “Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân hàng năm đạt 7 - 8%. GDP năm 2020 theo giá so sánh bằng khoảng 2,2 lần so với năm 2010; theo giá thực tế bằng khoảng 3 lần, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.000 - 3.200 đô la Mỹ vào năm 2020; Cơ cấu kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ hiện đại, hiệu quả; tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 85% trong GDP; giá trị sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 45% trong tổng GDP, giá trị sản phẩm công nghiệp chế tạo chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Nền sản xuất nông nghiệp bền vững, có giá trị gia tăng cao; tỷ lệ lao động nông nghiệp khoảng 30% lao động xã hội. Yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đạt ít nhất 35%, giảm bình quân tiêu hao năng lượng trên GDP 2,5 - 3%/năm.”.

Trong khi mục tiêu phát triển của cả thời kỳ 2011-2020 là không đổi, trong giai đoạn 2011-2015, mục tiêu tổng quát đã được Hội nghị lần thứ 3, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 quyết định là “Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì tăng trưởng hợp lý gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh…”. Trong tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng nhất là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành