Thứ bảy, 27 Tháng 9 2014 00:00

Những vấn đề cơ bản trong quá trình cân đối ngân sách Nhà nước

1. Kỷ luật tài khóa tổng thể, phân bổ và sử dụng  nguồn lực hiệu quả

Thiết lập, tôn trọng kỷ luật tài khóa tổng thể và phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả  là 2 vấn đề rất quan trọng đối với việc  giải quyết mối quan hệ tương quan giữa thu, chi NSNN.

- Thiết lập, tôn trọng kỷ luật tài khoá tổng  thể

Đối với một nền kinh tế, nguồn  lực tài chính cung ứng để thỏa mãn các nhu cầu  là có giới  hạn, nếu để chi tiêu ngân sách gia tăng quá mức cho phép  sẽ dẫn đến những hậu quả: (i) gia tăng gánh nặng nợ của nền kinh tế trong tương lai; (ii) gia tăng gánh nặng về thuế; (iii) phá  vỡ cân bằng kinh tế, đó là cân  bằng   về tiết kiệm – đầu tư, cân bằng cán cân thanh toán, từ đó ảnh hưởng   xấu  đến  tăng  trưởng kinh tế. Vì vậy, khi cân đối NSNN cần phải thiết lập và tôn trọng kỷ luật tài khóa tổng thể để ổn định kinh tế vĩ mô.

Kỷ luật tài khóa tổng thể trước hết yêu cầu giới hạn tổng chi tiêu phải được thiết lập dựa vào các chỉ tiêu tổng thể vĩ mô như: quy mô GDP; tỷ suất  thu/GDP; sự  gia tăng  chi hàng  năm  trong tổng  GDP; tỷ  lệ  nợ/GDP; tỷ lệ  tiết   kiệm  đầu tư/GDP; mức độ thâm hụt cán cân thanh toán…. Giới hạn tổng chi tiêu ngân sách phải được tăng cường trong suốt quá trình thực hiện ngân sách và được duy trì, giữ vững  ổn định trong trung hạn. Muốn vậy, phải đánh giá và động  viên  hợp lý các nguồn tài chính vào NSNN. Bởi vì NSNN là  một thể thống nhất, thu và chi ảnh hưởng  và có quan hệ mật thiết với nhau. Nguồn thu chủ yếu của NSNN là thuế và nguồn thu này bị ảnh hưởng  trực tiếp bởi tình hình kinh tế trong nước. Thật vậy,  từ công  thức của mô hình Harrod – Domar là gy = (I/Y)/ICOR. Biến đổi công thức này ta có t = (ICOR* gy  – s + a)/(1 - s). Trong đó: t là tỷ suất  thu thuế/GDP; a là tỷ lệ chi thường xuyên ngân sách nhà nước/GDP;  s là tỷ lệ tiết kiệm của khu vực tư nhân. Như vậy,  nếu các yếu tố ICOR, a, s không đổi, khi GDP tăng lên thì có thể tăng  tỷ suất  thu thuế; nhưng nếu GDP không tăng, thì việc tăng  tỷ suất thu thuế  sẽ kéo theo sự sụt giảm về tiết kiệm – đầu tư của khu vực tư nhân. Kết quả là sẽ làm giảm tỉ lệ  tăng trưởng kinh tế trong tương lai của đất nước.  Do vậy, ngay từ khâu lập dự toán, thu NSNN phải được xác định trên cơ sở tăng  trưởng kinh tế và các qui định của pháp luật về thu ngân sách cũng như trong mối quan hệ mật thiết với nhu cầu chi tiêu.  Nếu ước lượng các khoản  thu vượt quá tiềm năng thì khi chấp hành ngân sách sẽ bị thiếu hụt hoặc mức thiếu hụt xảy ra sẽ nghiêm trọng hơn số đã dự  đoán.  Ngược lại, ước  lượng các  khoản thu thấp  hơn tiềm năng  sẽ không khuyến khích khai thác nguồn thu, và số thực thu có thể sẽ cao hơn số ước lượng. Kết quả là việc  chi tiêu những khoản thu vượt kế hoạch này có thể không  được cân nhắc  kỹ càng,  và nó có thể là nguồn gốc cho những thiếu hụt trong những  tài khóa sau. Như ở  Pháp “vào năm 1878 những   số dư ngân  sách  đã đưa đến chính sách giảm thuế không hợp lý… năm  1932 khoản thặng dư ngân  sách  đã được quốc hội biểu quyết  cho việc tăng lương cựu chiến binh, những  năm ngân sách tiếp theo lương của cựu  binh lại  trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước” [4, tr.115]. Sau khi đánh giá hợp lý khả  năng   thu NSNN, cần phải tổ chức khai thác hiệu quả nguồn thu cho NSNN trên cơ sở hoàn thiện các công cụ sử dụng động viên nguồn thu cho ngân sách và hoàn thiện công tác hành thu.

Thứ đến,  kỷ luật tài khóa tổng thể yêu cầu chi ngân sách phải được thiết lập một cách độc lập và trước khi ra quyết định chi tiêu từng phần (từng khoản mục chi tiêu ngân sách). Việc xây dựng khuôn  khổ tài khóa luôn luôn là trách nhiệm của các cơ quan trung ương. Trần chi tiêu tài khóa tổng thể nên đưa vào trong các cuộc thảo luận của nội các chính phủ để phân tích tính hợp lý của chính sách tài chính trong những năm ngân sách tiếp theo. Trong quá trình lập kế hoạch, mức trần có thể được điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tiễn kinh tế xã hội,  nhưng sự điều chỉnh được kiềm chế ở mức tối thiểu  để đảm bảo tính minh bạch.

- Phân  bổ và sử dụng  nguồn  lực tài chính hiệu quả

Đối với một nền kinh tế, do nguồn lực tài chính là có giới hạn, cho nên sau khi đã thiết  lập kỷ luật tài chính tổng thể, vấn đề quan trọng khi cân đối NSNN là phải phân  bổ và sử dụng nguồn  lực tài chính hiệu quả.

Muốn vậy, khi lập kế hoạch ngân sách chính phủ cần phải đánh  đổi và lựa chọn giữa các mục tiêu chiến lược trong từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội. Thử thách ở đây là cấu trúc sắp xếp thể chế như thế nào để tạo ra động lực cho sự phân bổ nguồn  lực theo các ưu tiên chiến lược chặt chẽ và nâng cao chất lượng thông tin cần thiết để thực hiện  điều  đó có hiệu quả. Có thể nói, thực hiện chiến lược này là rất khó,  bởi vì hầu như nó còn tùy  thuộc vào việc chính phủ có đưa ra được các luận  cứ khoa học cho các quyết định chiến lược và đánh giá nguồn  tài chính trong suốt thời gian thực hiện chính sách  đó hay không. Điều quan trọng ở đây  là chính phủ phải xây dựng các thể chế  để hỗ trợ cho việc hoạch định chính sách chiến lược hợp lý.

Một khi bộ phận hành pháp soạn lập xong ngân sách, thì những giải pháp chọn lựa chính sách để thực hiện ngân sách phải được trình bày trước cơ quan lập pháp nhằm  tăng  tính giám  sát và hiệu  lực. Một sự ràng buộc quan trọng nữa đối với những  người  hoạch định chính sách  là yêu  cầu  họ  phải  tổng  hợp tất  cả những khoản chi tiêu thực tế vào ngân  sách trong suốt  quá trình chấp hành ngân sách và công khai khi kết thúc năm ngân sách. Tính toàn  diện  và minh bạch là những   điều  kiện cần thiết  để cho kỷ luật tài chính tổng thể được tôn trọng và sử dụng nguồn lực có hiệu quả. Một công trình nghiên  cứu gần đây về 20 quốc gia Mỹ Latin cho thấy rằng nâng cao tính minh bạch và toàn diện trong quản   lý tài  chính công  sẽ kéo  theo sự thiếu hụt  ngân sách  thấp hơn. Bản nghiên  cứu cho thấy những quốc gia có tính minh bạch kém và kiểm soát chi tiêu  tổng  thể lỏng lẻo thì thiếu hụt  ngân sách trung bình đạt 1,8% GDP, trong khi những quốc gia với tính minh bạch được liên kết với những  cơ chế kiểm soát tổng thể cao nhất thì có sự thặng  dư ngân sách trung bình 1,7% GDP...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành