Thứ bảy, 27 Tháng 9 2014 00:00

Tổng quan về chuyển dịch cơ cấu ngành trong tăng trưởng kinh tế

Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Các khái niệm về cơ cấu ngành của nền kinh tế (sau đây gọi tắt là cơ cấu ngành), chuyển dịch cơ cấu ngành và tăng trưởng kinh tế là những khái niệm nhận được nhiều quan tâm trong kinh tế học, được nghiên cứu từ lâu và cũng đã có sự thống nhất ở mức độ nhất định. Trong khuôn khổ chuyên đề này, để tập trung vào phân tích ảnh hưởng của chuyển dịch cơ cấu ngành tới tăng trưởng kinh tế, đồng thời kế thừa và sử dụng các khái niệm đã được thừa nhận về cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành, chuyển dịch cơ cấu ngành và tăng trưởng kinh tế để làm nền tảng phân tích tác động này.

1. Chuyển dịch cơ cấu ngành của nền kinh tế

a) Khái niệm

Cơ cấu kinh tế được hiểu là “nội dung, cách thức liên kết, phối hợp giữa các phần tử cấu thành hệ thống kinh tế; biểu hiện quan hệ tỷ lệ cả về mặt lượng và chất của các phần tử hợp thành hệ thống” .

Ngành là tổng thể các đơn vị kinh tế cùng thực hiện một chức năng trong hệ thống phân công lao động xã hội. Cơ cấu ngành của nền kinh tế là “Quan hệ tỷ lệ của tập hợp tất cả các ngành hình thành nên nền kinh tế và các mối quan hệ tương đối ổn định giữa chúng”. Cơ cấu ngành là một chỉnh thể liên kết các ngành kinh tế theo một kiểu cấu trúc nhất định, tạo ra những thuộc tính mới, chất lượng mới của hệ thống mà những thuộc tính này không thể có ở từng bộ phận riêng rẽ hợp thành hệ thống.

Chuyển dịch cơ cấu ngành của nền kinh tế được hiểu là quá trình thay đổi trạng thái cơ cấu từ trạng thái này sang trạng thái khác.  Như vậy, chuyển dịch cơ cấu ngành có thể tạo ra tác động thúc đẩy tăng trưởng - nếu sự chuyển dịch là hợp lý, hay kìm hãm tăng trưởng - nếu sự chuyển dịch là bất hợp lý. Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu ngành là một quá trình nên cần một khoảng thời gian nhất định mới có thể thấy rõ kết quả của sự chuyển dịch, suy cho cùng là kết quả của sự phát triển khác nhau của các ngành đã làm thay đổi mối quan hệ tương đối ổn định vốn có của chúng ở thời điểm trước đó.

b) Các chỉ tiêu phản ánh kết quả chuyển dịch cơ cấu ngành

Đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành, những chỉ tiêu cơ bản phản ánh sự chuyển dịch bao gồm:

b.1. Mức độ thay đổi của cơ cấu GDP

Mặc dù có những khiếm khuyết nhất định nhưng khoa học kinh tế hiện đại đã sử dụng chỉ tiêu GDP như một trong những thước đo khái quát nhất, phổ biến nhất để đo lường, đánh giá về tốc độ tăng trưởng, trạng thái và xu hướng chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế.

Trong đánh giá quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu GDP giữa các ngành kinh tế là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất phản ánh xu hướng vận động và mức độ thành công của công nghiệp hóa. Phân tích sự thay đổi tỷ lệ phần trăm GDP của các ngành cấp I (khu vực nông nghiệp, công nghiệp, và dịch vụ) là một trong những tiêu chí đầu tiên thường được dùng để đánh giá quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành. Chằng hạn theo UNIDO (1985), công thức chung nhất là đo chuyển dịch tuyệt đối cơ cấu trong một thời kỳ bằng trung bình cộng của thay đổi tuyệt đối tỷ lệ cơ cấu các ngành trong kỳ. Cũng có thể đo lường phức tạp hơn sự chuyển dịch cơ cấu trong một thời kỳ như là “góc” giữa hai véc tơ cơ cấu ngành của hai thời điểm đầu và cuối thời kỳ đang xem xét. Trong quá trình công nghiệp hóa, mối tương quan này có xu hướng chung là khu vực nông nghiệp có tỷ lệ ngày càng giảm, còn khu vực phi nông nghiệp (công nghiệp và dịch vụ) ngày càng tăng lên.

Để đánh giá sát thực hơn sự chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc phân tích cơ cấu các phân ngành (cấp II, cấp III…) có một ý nghĩa rất quan trọng. Thông thường, cơ cấu phân ngành phản ánh sát hơn khía cạnh chất lượng và mức độ hiện đại hóa của nền kinh tế. Ví dụ, trong khu vực công nghiệp, những ngành công nghiệp chế tạo đòi hỏi tay nghề kỹ thuật cao, vốn lớn hay công nghệ hiện đại như cơ khí chế tạo, điện tử công nghiệp, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… chiếm tỷ trọng cao sẽ chứng tỏ nền kinh tế đạt mức độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cao hơn so với những lĩnh vực công nghiệp khai khoáng, sơ chế nông sản, công nghiệp lắp ráp…Trong khu vực dịch vụ, những lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao, gắn với công nghệ hiện đại như bảo hiểm, ngân hàng, tư vấn, viễn thông, hàng không vv…chiếm tỷ lệ cao sẽ rất khác với những lĩnh vực dịch vụ phục vụ sinh hoạt dân sự với công nghệ thủ công hoặc trình độ thấp, quy mô nhỏ lẻ...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành