Thứ bảy, 25 Tháng 10 2014 00:00

Một số yêu cầu đăt ra đối với chất lượng nguồn nhân lực xuất khẩu

Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) được Đảng và Nhà nước ta xác định là lĩnh vực kinh tế đối ngoại quan trọng, một bộ phận của chính sách giải quyết việc làm, chỉ tiêu XKLĐ được Quốc hội đưa vào kế hoạch hàng năm. Chủ trương này đã được thể hiện cụ thể ở Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng là:“ Tiếp tục thực hiện chương trình XKLĐ, tăng tỷ lệ lao động xuất khẩu đã qua đào tạo, quản lý chặt chẽ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động”. Trong những năm qua hoạt động XKLĐ đã thu được một số kết quả khả quan, góp phần tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người lao động và gia đình họ. Một bộ phận lao động đã tiếp thu kinh nghiệm,  kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất của nước bạn. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có trên 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài (tại hơn 46 quốc gia và vùng lãnh thổ) với nhiều loại ngành nghề và trình độ khác nhau. Hằng năm số lao động này chuyển về nước gần 2 tỷ USD, nâng cao thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội, tăng nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất. So với một số ngành khác, thu nhập của người lao động đi làm việc ở nước ngoài có hiệu quả cao, vốn đầu tư ít, đem lại lợi ích nhiều mặt… Tuy nhiên lực lượng lao động (LLLĐ) Việt Nam đi XKLĐ phần lớn xuất thân là nông dân. Họ được gọi là những lao động “3 không” : không nghề, không ngoại ngữ, không tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động. Cho đến những năm gần đây, dù đã có chuyển biến nhưng tỷ lệ người đi XKLĐ có nghề vẫn rất thấp so với yêu cầu thực tế, hơn nữa tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động, cũng như hiểu biết về phong tục tập quán và pháp luật của nước sở tại còn rất kém, tỷ lệ lao động vi phạm kỷ luật và phải về trước thời hạn thường cao hơn so với các nước phái cử khác, ví dụ như sự việc hơn 200 công nhân nữ ngành may của Việt Nam đình công không đúng quy định ở Jordan năm 2008, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ hợp đồng ra ngoài làm ăn cư trú bất hợp pháp ở một số thị trường còn tương đối cao như Đài Loan hơn 10%, Nhật Bản có lúc lên đến hơn 50%, Hàn Quốc có thời điểm hơn 30%....

Trong những năm tới, nền kinh tế thế giới phục hồi sau khủng hoảng, xu hướng nhập khẩu lao động của các nước trên thế giới vẫn rất cao, đặc biệt là những nước khu vực Trung Đông, các nước khu vực châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... . các thị trường đều có nhu cầu về lao động có tay nghề, ngay cả những nước nhận nhiều lao động như Malaysia, Đài Loan, Trung Đông... Nhất là, những thị trường có thu nhập cao và nhiều tiềm năng (Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Australia, Đông Âu) thì ngoài có tay nghề người lao động còn phải có một trình độ ngoại ngữ nhất định.

Nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam tại thị trường nước ngoài cũng đang có chiều hướng tăng, nhất là lao động chất lượng cao. Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế, mở rộng thị phần và tăng thu nhập cho người lao động. Trong khi đó chất lượng nguồn nhân lực (NNL) của Việt Nam còn thấp - Đó là thách thức lớn nhất đối với công tác XKLĐ trong thời gian tới.

Tại khoản 5 Điều 5 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nêu rõ: “ Khuyến khích đưa nhiều người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, đưa người lao động đi làm việc ở thị trường có thu nhập cao…”. Mục tiêu đưa người lao động (NLĐ) có nghề đi làm việc ở nước ngoài là 95 %  vào năm 2015 và 100% vào năm 2020. Để thực hiện quy định của  Luật và mục tiêu trên cần có sự chuẩn bị và phải có chiến lược nâng cao chất lượng NNL nói chung – đó cũng là nguồn cho XKLĐ. Chính vì vậy, cần nghiên cứu tới yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực theo hướng sau:

1. Chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu  xuất khẩu lao động

Theo phân tích các khái niệm về NNL, người đi XKLĐ và chất lượng NNL, theo tác giả có thể khái quát về chất lượng NNL đáp ứng nhu cầu XKLĐ như sau.

Chất lượng NNL đáp ứng nhu cầu XKLĐ  là trạng thái nhất định của NNL thể hiện mối quan hệ giữa các yếu tố cấu thành nên bản chất bên trong của NNL, bao gồm:

- Yếu tố về thể lực;

- Yếu tố về giáo dục – đào tạo;

- Yếu tố về ý thức xã hội

Đồng thời phải thoả mãn các điều kiện của nước phái cử lao động và nước tiếp nhận lao động.

- Điều kiện của nước phái cử. Ví dụ, ở Việt Nam, theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người đi XKLĐ khi có đủ các điều kiện sau đây: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài; Có ý thức chấp hành pháp luật, tư cách đạo đức tốt; Đủ sức khoẻ theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của nước tiếp nhận người lao động; Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, kỹ thuật và các điều kiện khác theo yêu cầu của nước tiếp nhận lao động; Được cấp chứng chỉ về bồi dưỡng kiến thức cần thiết và không thuộc trường hợp cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành