Chủ nhật, 26 Tháng 10 2014 00:00

Tổng quan về lao động xuất khẩu

1. Người đi xuất khẩu lao động và hoạt động xuất khẩu lao động

1.1. Các khái niệm của quốc tế về người đi xuất khẩu lao động:

Người đi xuất khẩu lao động - thường được gọi bằng thuật ngữ "lao động di cư – migrant worker" không phải vấn đề mới nảy sinh mà đã xuất hiện từ lâu và gắn liền với lịch sử phát triển của loài người, đặc biệt là di cư lao động quốc tế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng di cư lao động quốc tế, nhưng lý do kinh tế vẫn là nguyên nhân chủ yếu. Di cư lao động quốc tế thường được thể hiện ở hai hình thức là di cư tự do và di cư có tổ chức. Điểm mới trong di cư lao động quốc tế thời kỳ hiện đại là hình thức di cư có tổ chức, hoặc gọi là người đi XKLĐ, có sự can thiệp và quản lý của Chính phủ các quốc gia.

Hiện tượng quốc tế hoá sản xuất và đầu tư bùng nổ vào những thập kỷ gần đây đi đôi với việc quốc tế hoá thị trường sức lao động. Di cư lao động quốc tế trở thành một bộ phận không thể tách khỏi của hệ thống kinh tế thế giới hiện nay.  Theo thống kê của Tổ chức di cư thế giới (IOM), trong những năm đầu của thập kỷ 80 của thế kỷ XX, số người di cư mới đạt đến 25 triệu người thì đến nay có khoảng 192 triệu người đang làm việc ở nhiều nước khác nhau, chiếm 3% tổng dân cư trên toàn thế giới. Ước tính của ILO, trung bình cứ 25 người trên thế giới thì có 1 người đang làm việc ở nước ngoài. Như vậy số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài là rất lớn và gia tăng nhanh chóng, số nước tiếp nhận lao động cũng ngày càng nhiều.

Theo định nghĩa của Liên hợp quốc, thuật ngữ "lao động di cư" được dùng cho bất cứ ai làm việc bên ngoài đất nước của họ.Thuật ngữ này cũng có thể được sử dụng để mô tả một ngườidi chuyểntrong một nước, để theo đuổi công việc nhưcông việc thời vụ. Tuy nhiên ở đây chúng ta chỉ nghiên cứu hiện tượng lao động làm việc bên ngoài đất nước của họ.

Theo định nghĩa tại Điều 2 công ước của Liên hợp quốc về quyền của NLĐ di cư và các thành viên trong gia đình họ, thì: " Lao động di cư là một người đã, đang và sẽ làm một công việc có hưởng lương tại một quốc gia mà người đó không phải là công dân".

Xét về nghề nghiệp, phạm vi những đối tượng được coi là LĐ di cư khá rộng, bao gồm 8 dạng sau đây:

- "Nhân công vùng biên" - chỉ những LĐ di cư thường trú tại một nước láng giềng nơi họ thường trở về hàng ngày hoặc ít nhất mỗi tuần một lần;

- "Nhân công theo mùa" - chỉ những LĐ di cư làm những công việc có tính chất thời vụ và chỉ làm một thời gian nhất định trong năm;

- "Người đi biển" - chỉ những LĐ di cư được tuyển dụng làm việc trên một chiếc tàu đăng ký tại một quốc gia mà họ không phải là công dân, bao gồm cả ngư dân;

- "Công nhân làm việc tại một công trình trên biển" - chỉ những LĐ di cư được tuyển dụng làm việc trên một công trình trên biển thuộc quyền tài phán của một quốc gia mà họ không phải là công dân";

-"Công nhân lưu động" - chỉ những LĐ di cư sống thường trú ở một nước phải đi đến một hoặc nhiều nước khác nhau trong những khoảng thời gian do tính chất công việc của người đó;

- "Công nhân theo dự án" - chỉ những LĐ di cư được nhận vào quốc gia nơi có việc làm trong một thời gian nhất định để chuyên làm việc cho một dự án cụ thể đang được người sử dụng LĐ của mình thực hiện tại quốc gia đó;

- "Nhân công lao động chuyên dụng" - chỉ những LĐ di cư mà được người sử dụng LĐ của mình cử đến quốc gia nơi có việc làm trong một khoảng thời gian hạn chế nhất định để đảm nhiệm một công việc hoặc nhiệm vụ cụ thể mang tính chuyên môn kỹ thuật ở quốc gia nơi có việc làm;

- "Nhân công tự chủ" – chỉ những lao động di trú tham gia làm một công việc có hưởng lương không phải dưới dạng hợp đồng lao động (hĐLĐ) mà thường là bằng cách làm việc độc lập hoặc cùng với các thành viên gia đình của mình, hoặc dưới các hình thức khác mà được coi là nhân công tự chủ theo pháp luật của quốc gia nơi có việc làm hoặc theo các hiệp định song phương và đa phương.

Điều 3, Công ước nêu trên cũng liệt kê những đối tượng không được coi là LĐ di cư (dựa trên tiêu chí nghề nghiệp), bao gồm:

- những người được cử hoặc tuyển dụng bởi các cơ quan và tổ chức quốc tế, hoặc bởi một nước sang một nước khác để thực hiện các chức năng chính thức;

- Những người được cử hoặc tuyển dụng bởi một nước hoặc người thay mặt cho nước đó ở nước ngoài tham gia các chương trình phát triển và các chương trình hợp tác khác;

- Những người sống thường trú ở một nước không phải quốc gia xuất xứ để làm việc như những nhà đầu tư;

- Những người tị nạn và không có quốc tịch;

- Sinh viên và học viên;

- Những người đi biển hay người làm việc trên các công trình trên biển không được nhận vào để cư trú và tham gia vào một công việc có hưởng lương ở quốc gia nơi có việc làm...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Sửa đổi lần cuối Thứ tư, 26 Tháng 11 2014 04:07

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành