In trang này
Thứ hai, 27 Tháng 10 2014 00:00

Tổng quan về xét xử sơ thẩm vụ án hành chính

Ảnh minh họa Ảnh minh họa

I. VỤ ÁN HÀNH CHÍNH

1. Khái niệm

Quản lý hành chính nhà nước là một hoạt động của Nhà nước được thực hiện trước hết và chủ yếu bởi các cơ quan hành chính nhà nước, có nội dung là bảo đảm sự chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan quyền lực nhà nước, nhằm tổ chức thực hiện pháp luật đối với các cá nhân, cơ quan, tổ chức trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội và hành chính – chính trị. Hoạt động này được thực thi trên cơ sở pháp luật, đảm bảo các quyền và lợi ích chung của Nhà nước và xã hội. Bởi vậy, trong quá trình thực hiện quản lý hành chính nhà nước khó có thể tránh khỏi sự xung đột hay tranh chấp về lợi ích, quan điểm áp dụng pháp luật giữa chủ thể quản lý hành chính nhà nước và đối tượng quản lý hành chính nhà nước. Những xung đột, tranh chấp này chủ yếu xuất phát từ việc chủ thể quản lý hành chính nhà nước đơn phương áp đặt ý chí của mình gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng quản lý hành chính nhà nước. Khi những xung đột, tranh chấp này bị đẩy lên cao, các bên phải đưa ra Tòa án có thẩm quyền để giải quyết thì sẽ phát sinh vụ án hành chính (VAHC). Vì vậy có thể khái quát về VAHC là vụ việc phát sinh trên cơ sở tranh chấp trong các lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước.

Hiện nay khái niệm VAHC chưa được quy định cụ thể trong một văn bản quy phạm pháp luật nào. Tuy nhiên, khi đề cập đến khái niệm này, ta có thể hiểu như sau :

 “Vụ án hành chính là vụ việc tranh chấp hành chính phát sinh do cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức  khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc do Viện kiểm sát khởi tố theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính”.

Việc khái niệm về VAHC chưa được quy định trong một điều luật cụ thể thì sẽ ít nhiều gây khó khăn cho cả người khởi kiện và Tòa án khi giải quyết, chúng ta cần phải sớm khắc phục vấn đề này.

2. Đặc điểm  

VAHC chỉ có thể phát sinh khi có tranh chấp giữa chủ thể và đối tượng quản lý hành chính nhà nước. Nhà nước trao quyền cho đối tượng quản lý hành chính được khởi kiện VAHC khi có sự xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Căn cứ vào khái niệm của vụ án hành chính có thể đưa ra một số đặc điểm cụ thể như sau:

Thứ nhất :  Vụ án hành chính chỉ phát sinh khi có yêu cầu khởi kiện vụ án hành chính của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.

Điều 1 PLTTGQCVAHC đã quy định:

 “Cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức theo thủ tục do pháp luật quy định có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.

   Điều 5 Luật TTHC quy định :

   “Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật này”.

Với quy định trên như trên, VAHC chỉ có thể phát sinh khi có tranh chấp giữa chủ thể và đối tượng quản lý hành chính nhà nước. Nhà nước trao quyền cho đối tượng quản lý hành chính được khởi kiện VAHC khi có sự xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nguyên nhân của sự xâm hại này là xuất phát từ việc các cơ quan nhà nước và những người có thẩm quyền trong các cơ quan này ban hành các QĐHC hoặc thực hiện các HVHC không tuân thủ theo quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, cơ quan, tổ chức đó. Nội dung và mức độ gay gắt của việc khởi kiện này phụ thuộc vào nội dung và mức độ xâm hại các quyền, lợi ích từ phía các chủ thể quản lý hành chính nhà nước. VAHC xuất phát từ việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của  QĐHC, HVHC hay quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

Thứ hai :  Vụ án hành chính phát sinh khi được Tòa án thụ lý.

Đặc điểm này cho thấy, VAHC muốn phát sinh cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định. Việc quy định cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp hành chính không có nghĩa là VAHC đương nhiên phát sinh khi có đơn khởi kiện vụ án. Có thể xem, đặc điểm thứ nhất là điều kiện cần thì đặc điểm này chính là điều kiện đủ của việc phát sinh VAHC tại Tòa án. Việc thụ lý VAHC sẽ làm phát sinh trách nhiệm và quyền hạn của Tòa án trong việc giải quyết VAHC. Bởi lẽ, mỗi cấp Tòa án được giao nhiệm vụ giải quyết những tranh chấp thuộc thẩm quyền của mình theo quy định pháp luật, nhằm tránh tình trạng tranh chấp thẩm quyền giữa các cấp Tòa án gây cản trở cho quá trình xét xử. Tòa án chỉ có nhiệm vụ giải quyết VAHC theo yêu cầu khởi kiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, nếu vụ án đó đã được thụ lí. Việc thụ lí VAHC không chỉ chính thức làm phát sinh trách nhiệm của tòa án trong việc giải quyết VAHC mà còn giúp cho tòa án có những nhận định ban đầu cần thiết về tình trạng tranh chấp hành chính, phương hướng giải quyết vụ việc và hạn chế tình trạng tranh chấp về thẩm quyền có thể xảy ra. Việc thụ lí vụ án còn làm phát sinh những quyền hạn cụ thể của tòa án trong xét xử hành chính. Khi đơn kiện đã được thụ lí thì VAHC đã phát sinh và vụ án đó phải được giải quyết bằng bản án hay quyết định của tòa án.

Một điểm đáng lưu ý, đó là theo quy định của PLTTGQCVAHC, VAHC còn có đặc điểm phát sinh sau giai đoạn tiền tố tụng hành chính. Đây là giai đoạn khiếu nại và giải quyết khiếu nại theo thủ tục hành chính trước khi Tòa án giải quyết vụ việc theo trình tự tố tụng hành chính.

Bàn về quy định thủ tục tiền tố tụng đối với việc khởi kiện VAHC đã có nhiều ý kiến khác nhau :

Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định thủ tục “tiền tố tụng hành chính” - giai đoạn khiếu nại ở cơ quan hành chính là bắt buộc đã hạn chế khả năng tiếp cận với toà hành chính của công dân. Bởi lẽ, khi người dân gửi đơn khiếu nại lên cơ quan hành chính, nếu trường hợp cơ quan này không giải quyết đúng thời hạn luật định nhưng cũng không phản hồi, sẽ dẫn đến tình trạng người khiếu kiện bức xức trong chờ đợi. Đến khi quá thời hạn khởi kiện, người dân cũng không thể kiện ra toà. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

việc quy định thủ tục tiền tố tụng hành chính là bắt buộc (trừ một số loại việc) cũng sẽ làm giảm bớt số lượng các vụ kiện hành chính tại tòa án. Giải quyết các tranh chấp hành chính bằng con đường khiếu nại hành chính cũng có những ưu điểm vốn có và nếu giải quyết được thành công bằng con đường này sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí và thời gian so với giải quyết bằng con đường xét xử hành chính.

Tuy nhiên, Luật TTHC đã hủy bỏ quy định về giai đoạn tiền tố tụng hành chính nói trên. Theo đó, công dân không phải thực hiện thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính. Điểm mới này sẽ khắc phục được phần nào những khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục tiền tố tụng theo quy định cũ...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm.