Thứ hai, 25 Tháng 11 2013 00:00

Khái quát lịch sử về vai trò của nhà nước thời kỳ MALAYSIA trong quá trình công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu

Ảnh minh họa Ảnh minh họa

1. Giai đoạn 1957 - 1970

1.1. Bối cảnh kinh tế - xã hội

- Về điều kiện tự nhiên: Liên bang Malaixia thuộc khu vực Đông Nam Á với diện tích lãnh thổ khoảng 330.000 km2. Malaixia có địa hình khá đa dạng, là nước giàu tài nguyên khoáng sản, trong đó có nhiều loại quý hiếm. Trữ lượng thiếc của Malaixia ước tính khoảng 1,5 triệu tấn, cung cấp khoảng 33,1% sản lượng thiếc trên thị trường thế giới; các mỏ sắt lớn có trữ lượng khoảng 70 triệu tấn; bô xít có trữ lượng khoảng 10 triệu tấn; dầu mỏ trữ lượng ước tính khoảng 332 triệu tấn; khí đốt ước khoảng 566 tỷ m3; Malaixia còn có nhiều loại khoáng sản khác như đồng, vàng, mangan, cao lanh, antimon, niken, thuỷ ngân. Nguồn nguyên liệu phong phú với trữ lượng lớn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các ngành công nghiệp.

- Về điều kiện xã hội: Malaixia là một quốc gia đa sắc tộc. Vào giữa năm 2006, dân số của Malaixia là 26,9 triệu người. Malaixia đứng hàng thứ 3 khu vực Đông Nam Á về mức độ đô thị hoá với dân số thành thị là 62% năm 2006. Vào những năm 1950, phong trào giải phóng dân tộc bùng nổ trên dải đất Á, Phi, Mỹ Latinh đánh dấu sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa kiểu cũ. Cũng như hàng loạt các nước thuộc địa khác, ngày 31/8/1957, Malaixia đã giành được độc lập.

- Về kinh tế: Khi giành được độc lập dân tộc, nền kinh tế Malaixia mang tính chất của một nền kinh tế nửa thuộc địa nửa phong kiến. Trong cơ cấu ngành kinh tế, năm 1955, nông nghiệp chiếm tới 40,2%; dịch vụ chiếm 42,3%; công nghiệp khai khoáng chiếm 6,3%; xây dựng chiếm 3% và công nghiệp chỉ chiếm 8,2% trong cơ cấu GDP. Malaixia là một nước xuất khẩu nguyên liệu truyền thống với hai mặt hàng là cao su và thiếc. Tỷ trọng xuất khẩu của hai sản phẩm này là 83,9% năm 1947 và 85,1% năm 1955. Tuy nhiên, vào cuối thập kỷ 1950, kim ngạch xuất khẩu hai sản phẩm chủ lực này của Malaixia đã bị giảm mạnh do sự ra đời của kỹ thuật sản xuất cao su nhân tạo và giá thiếc trên thị trường thế giới sụt giảm. Nguồn ngoại tệ thu được từ hoạt động xuất khẩu giảm sút là nguyên nhân đưa nền kinh tế Malaixia vào tình trạng trì trệ.

Thực tế cho thấy, sau ngày giành độc lập dân tộc, Malaixia phải gánh chịu nhiều hậu quả kinh tế - xã hội mà chủ nghĩa thực dân đô hộ để lại. Cũng như nhiều nước đang phát triển sau ngày giành độc lập, muốn thoát khỏi sự ràng buộc về kinh tế chính trị với chủ nghĩa tư bản phương Tây, Malaixia đã lựa chọn chiến lược công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu nhằm thực hiện mục tiêu độc lập tự chủ về kinh tế.

1.2. Vai trò của nhà nước trong công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu

Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội đất nước gặp nhiều khó khăn, nhà nước Malaixia đặt ra nhiệm vụ hàng đầu là phục hồi kinh tế, khắc phục tình trạng mất cân đối giữa các ngành kinh tế. Do vậy, mục tiêu công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu của Malaixia là tập trung phát triển nông nghiệp, đồng thời xúc tiến phát triển công nghiệp, trọng tâm là các ngành công nghiệp chế tạo để giảm dần sự phụ thuộc vào nước ngoài. Khác với nhiều nước trong khu vực, Malaixia đặt trọng tâm của chiến lược phát triển trong giai đoạn sau độc lập là tập trung phát triển nông nghiệp và nông thôn, trong khi đó một số nước đang phát triển lại đi vào con đường phát triển công nghiệp, chú trọng công nghiệp nặng nhằm tạo sự tăng tốc cho toàn bộ nền kinh tế.

* Chính sách phát triển nông nghiệp

Ngay những năm đầu giành độc lập, Malaixia đã thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện khu vực nông nghiệp và nông thôn, thực hiện “cách mạng xanh” trong nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phục vụ công nghiệp hoá.

- Nhà nước Malaixia đã thiết lập các cơ quan chức năng: Cơ quan phát triển đất liên bang (FELDA) năm 1956, Uỷ ban thị trường nông nghiệp liên bang (FAMA) năm 1965, Ngân hàng nông nghiệp năm 1969. Các cơ quan này đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện các chương trình khai hoang, mở rộng diện tích đất canh tác và cung cấp tín dụng cho nông nghiệp.

- Ngân sách nhà nước dành cho phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 24% chi tiêu của ngân sách, trong giai đoạn 1966 - 1970. Chủ trương của nhà nước Malaixia nhằm mục tiêu mở rộng diện tích đất đai qua khai hoang để tăng sản lượng lương thực và cây trồng xuất khẩu tiến tới giảm nhập khẩu và tự túc lương thực.

- Nhà nước Malaixia đã có biện pháp tích cực điều tiết giá cả thị trường nông sản và trợ cấp cho một số loại sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước như gạo, rau quả. Nhà nước không đánh thuế nhập khẩu máy móc nông nghiệp nhằm khuyến khích nông dân sử dụng máy móc trong sản xuất.

Với các chính sách và biện pháp trên, nông nghiệp phát triển đã có đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ đầu thực hiện công nghiệp hoá. Một mặt, nó đáp ứng các nhu cầu công ăn việc làm cho đại bộ phận lao động ở Malaixia. Mặt khác, nó còn đóng vai trò cung cấp lương thực, thực phẩm và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến phục vụ xuất khẩu. Việc phát triển nông nghiệp và nông thôn còn góp phần tạo sự ổn định kinh tế - xã hội nông thôn.

* Chính sách phát triển công nghiệp

Năm 1958, nhà nước Malaixia thực hiện bước đi đầu tiên nhằm khuyến khích phát triển công nghiệp bằng việc ban hành "Sắc lệnh các ngành công nghiệp tiên phong" mở đầu cho việc thực hiện chiến lược công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu. Các ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển trong thời kỳ này là công nghiệp chế biến thực phẩm, rau quả, thuốc lá; công nghiệp chế biến cao su, gỗ; công nghiệp hoá chất, công nghiệp dệt may, công nghiệp cơ khí, luyện kim và công nghiệp chế tạo máy móc điện tử và đồ gia dụng.

- Chính sách huy động vốn cho đầu tư phát triển công nghiệp.

Do nguồn thu ngân sách có hạn nên ngân sách đầu tư của nhà nước cho phát triển công nghiệp ở Malaixia rất ít, chỉ chiếm 3% trong tổng chi tiêu ngân sách giai đoạn 1966 – 1970. Do vậy, nhà nước Malaixia đã có một số chính sách, biện pháp nhằm khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp.

+ Nhà nước Malaixia vừa khuyến khích đầu tư trong nước, vừa khuyến khích thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong thu hút nguồn vốn FDI, Malaixia đã quy định những dự án có trên 70% là sở hữu của nước ngoài thì phần còn lại phải giành cho người bản địa Malaixia. Nếu sở hữu nước ngoài dưới 70% thì 30% còn lại phải dành cho người bản địa và phần còn lại mới giành cho những người Malaixia khác gốc Hoa, Ấn Độ…. Điều đó cho thấy, nhà nước Malaixia rất chú trọng đến quyền lợi của người bản địa với việc tích cực nâng cao tỷ lệ sở hữu của họ trong các dự án có vốn nước ngoài.

Nhà nước đã đưa ra những biện pháp ưu đãi thể hiện trong nội dung của các Luật thuế thu nhập (1967), Luật khuyến khích đầu tư (1968). Các chính sách khuyến khích đầu tư được thực hiện theo nguyên tắc không xoá bỏ các ưu đãi đã được công bố trong thời gian quy định và áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp đầu tư ở Malaixia. Đồng thời, nhà nước còn miễn thuế thu nhập 3 năm cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ 100.000 - 250.000  RM  và  miễn  5  năm  cho  các  doanh  nghiệp  có  vốn  đầu  tư  trên 250.000  RM.  Thời  gian  sau,  để khuyến  khích  đầu tư hơn  nữa,  nhà  nước Malaixia quy định thời gian miễn thuế được kéo dài thêm 1 năm đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ 250.000 - 500.000 RM, 2 năm cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ 500.000  - 1.000.000 RM và trên 5 năm cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 1 triệu RM.

Mặt khác, nhà nước Malaixia khuyến khích xây dựng xí nghiệp hỗn hợp (tư bản trong và ngoài nước), đảm bảo không quốc hữu hoá những xí nghiệp đó, trường hợp bị quốc hữu hoá sẽ được đền bù xứng đáng. Tư bản nước ngoài có quyền tự do hồi hương lợi nhuận. Các chế độ bảo hiểm và tái bảo hiểm cho người nước ngoài được quy định rõ ràng. Vì thế, các công ty độc quyền Anh, Mỹ, Nhật, Tây Âu ... đã thành lập hàng loạt những xí nghiệp mới tại Malaixia trong những năm 1963 - 1965.

+ Năm 1960, Uỷ ban tài chính phát triển công nghiệp Malaixia  được thành lập với nhiệm vụ cung cấp tài chính cho công nghiệp, đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, điện nước, nhà xưởng v.v... tạo môi trường thuận lợi cho phát triển công nghiệp. Chi tiêu ngân sách nhà nước cho các ngành vận tải, viễn thông và phục vụ công cộng chiếm 33%.

- Thành lập các KCN

Nhà nước Malaixia đã thành lập các KCN để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Năm 1970, ở miền Tây Malaixia đã có các KCN chính như Mark Madin (bang Plinang), Kamunting và Tasek (bang Perak), Tanah Puteh (bang Pahang), Petaling Jaya và Batu Tiga (bang Selangor), Senawang (bang Legeri Sembilan), Lakkin và Tampol (bang Johor). Các KCN này thu hút phần lớn lao động ở Malaixia. Trong giai đoạn 1965-1970, 25.000 việc làm mới đã được tạo ra trong ngành công nghiệp. Ở các KCN đã thành lập các nhà máy mới sản xuất sản phẩm thay thế nhập khẩu.

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được hướng vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước.

* Chính sách ngoại thương

Nhà nước Malaixia đã tiến hành hàng loạt các biện pháp bảo hộ thị trường nội địa và nhiều ưu đãi tài chính nhằm khuyến khích sản xuất trong nước thay thế hàng nhập khẩu. Năm 1961, Uỷ ban tư vấn về thuế quan đã được thành lập (sau đổi thành Hội đồng tư vấn thuế quan (1963) và Cơ quan phát triển công nghiệp liên bang (1966)) nhằm giúp chính phủ phê chuẩn các dự án được bảo hộ bằng thuế quan có hiệu quả. Năm 1965, chính phủ thành lập Uỷ ban hành động về thuế quan và phát triển công nghiệp để bảo hộ và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp nội địa mới hình thành. Nhà nước đã nâng thuế nhập khẩu với tỷ lệ bảo hộ có hiệu quả ở mức bình quân chung trong các ngành từ 25% năm 1962 lên 50% năm 1966 và 65% năm 1969.

So với các nước ASEAN khác, Malaixia có chính sách bảo hộ công nghiệp ở mức ôn hoà hơn, nhà nước sớm có chính sách tự do hoá đối với đầu tư nước ngoài. Đó cũng là lý do mà Malaixia chuyển sang chiến lược công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu sớm hơn. Đồng thời, ngay trong giai đoạn thực hiện công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu, Malaixia vẫn tranh thủ được nguồn vốn đầu tư nước ngoài...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành