Thứ tư, 26 Tháng 11 2014 00:00

Một số vấn đề về tương trợ tư pháp và thi hành án trong hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng

Ảnh minh họa Ảnh minh họa

I. Quy định về Dẫn độ và Tương trợ tư pháp trong Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng:

1. Dẫn độ:

Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng dành riêng Điều 44 quy định nguyên tắc chung về dẫn độ người phạm tọi tham nhũng. Theo đó, các quốc gia thành viên cần tiến hành dẫn độ người phạm tội tham nhũng căn cứ vào các quy định của Công ước và theo trình tự, thủ tục được quy định trong pháp luật quốc gia.

Khi người là đối tượng của yêu cầu dẫn độ có mặt trên lãnh thổ của quốc gia được yêu cầu, với điều kiện tội phạm làm nảy sinh yeu cầu dẫn độ là tội phạm mà cả quốc gia yêu cầu và quốc gia được yêu cầu đều quy định hình phạt. Nếu một quốc gia thành viên có quy định việc dẫn độ phải dựa trên hiệp định dẫn độ được yêu cầu dẫn độ từ quốc gia mà giữa hai bên không có hiệp định dẫn độ, các bên có thể coi Công ước là căn cứ pháp lý cho việc dẫn độ đối với các tội phạm thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 44 Công ước.

Về điều kiện dẫn độ, Công ước khẳng định việc dẫn độ phải phụ thuộc các điều kiện do pháp luật quốc gia hoặc do hiệp định dẫn độ đặt ra, trong đó phải bao gồm điều kiện về yêu cầu hình phạt tối thiểu và những căn cứ mà quốc gia được yêu cầu có thể từ chối việc dẫn độ. Để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện các quy định Điều 44 Công ước, Điều 45 Công ước khuyến nghị các quốc gia thành viên xem xét việc ký các thỏa thuận song phương hoặc đa phương về việc chuyển người bị kết án tù hoặc các hình thức tước quyền tự do khác đến lãnh thổ của các bên để họ có thể chấp hành bản án ở nơi chuyển đến.

2. Tương trợ tư pháp:

Công ước dành riêng Điều 46 quy định về tương tợ tư pháp. Khoản 1 Điều 46 Công ước quy định: Các quốc gia thành viên của Công ước dành cho nhau biện pháp tương trợ tư pháp rộng rãi nhất trong điều tra, truy tố và xét xử những loại tội phạm quy định tại Công ước này. Theo quy định của Công ước, trong trường hợp giữa các quốc gia hữu quan không có Hiệp định tương trợ tư pháp, Điều 46 Công ước được áp dụng để điều chỉnh vấn đề tương trợ tư pháp giữa các quốc gia đó. Nếu có Hiệp định tương trợ tư pháp, các nội dung tương ứng phải được áp dụng, trừ khi các quốc gia thành viên đồng ý áp dụng các quy được của Công ước được thay thế.

Công ước khuyến khích mạnh mẽ các quốc gia thành viên của Công ước áp dụng khoản này nếu chúng tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác. Tại khoản 13 Điều 46, Công ước quy định các quốc gia thành viên phải chỉnh định một cơ quan trung ương có trách nhiệm và quyền hạn tiếp nhận các yêu cầu tương trợ tư pháp, thực hiện hoặc chuyển các yêu cầu sang cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Các yêu cầu tương trợ tư pháp và mọi liên lạc có liên quan phải được chuyển đến cơ quan trung ương được chỉ định nói trên.

Về hình thức của yêu cầu tương trợ tư pháp, khoản 14 Điều 46 Công ước quy định yêu cầu tương trợ tư pháp phải được lập thành văn bản, hoặc nếu có thể, bằng các hình thức có thể tạo ra văn bản, bằng ngôn ngữ mà quốc gia được yêu cầu chấp thuận. Các quốc gia thành viên phải thông báo cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các ngôn ngữ mà quốc gia đó chấp thuận trong yêu cầu tương trợ tư pháp tại thời điểm gửi lưu văn kiện phê chuẩn, chấp nhân, thông qua hoặc gia nhập Công ước.

   Để tạo cơ sở pháp lý vững chắc, tăng cường và đảm bảo hoạt động tương trợ tư pháp đạt hiệu quả trong điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm tham nhũng theo Công ước, khoản 30 khuyến khích các quốc gia ký kết các hiệp định hoặc thỏa thuận song phương hoặc đa phương phục vụ cho các mục đích của các quy định tại Điều 46 hoặc đảm bảo hiệu lực thực tế hay củng cố các quy định đó...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành