Thứ hai, 22 Tháng 12 2014 00:00

Một số lý thuyết về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng và bài học kinh nghiệm của một số nước

Ảnh minh họa Ảnh minh họa

1. Các lý thuyết tranh luận về tự do hóa tài chính để hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng

Trong những năm gần đây, sự phát triển kinh tế của các quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào chính sách cũng như cơ cấu hệ thống tài chính của mỗi nước. Với nhiều sự biến động thăng, trầm và thậm chí là khủng hoảng tại một số quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế Đông Á - một thời được coi là tồn tại sự phát triển bền vững - đã gây ra nhiều tranh luận về hệ thống quản lý tài chính của quốc gia. Tuy nhiên, một xu thế - được coi là một hướng đi thích hợp trong bối cảnh hiện nay và được nhiều quốc gia thực hiện – đó là từng bước tiến hành tự do hóa hệ thống tài chính của đất nước.

Xu thế tự do hóa tài chính đã và đang trở thành xu thế lớn của kinh tế học hiện đại và được thể hiện trên thực tiễn qua nhiều khía cạnh, theo một đánh giá của Tổng giám đốc Hiệp hội ngân hàng Pháp thì: “từ hơn 30 năm nay, một số lượng lớn các nước đang dấn thân vào con đường tự do hóa hệ thống tài chính của quốc gia; nhưng với những biến động trong thời gian gần đây, câu hỏi được đặt ra là nên tự do hóa như thế nào còn chưa có câu trả lời cụ thể và do đó, rất cần có những tổng kết, kinh nghiệm để đúc kết thành những bài học có tính chất nguyên tắc chung” (Landau, 2001).

Tự do hóa tài chính là một khái niệm rộng và đa đạng, tuy nhiên có thể hình dung được vấn đề qua khái niệm sau đây:

 Thứ nhất, tự do hóa tài chính đó là sự xóa bỏ đi các hạn chế, định hướng hay ràng buộc trong quá trình phân bổ nguồn lực tín dụng. Mọi điều tiết trong quá trình phân bổ này được đặt trên nền tảng cơ chế giá; nghĩa là các tổ chức tài chính được quyền tự do xác định lãi suất – tiền gửi và cho vay. Điều này cũng bao hàm việc xóa bỏ mức trần lãi suất cũng như các ràng buộc khác trong việc sử dụng nguồn vốn huy động được (ví dụ như các khoản tín dụng ưu đãi).

Thứ hai, tự do hóa tài chính cũng đồng nghĩa với việc mở rộng cạnh tranh trong các hoạt động tài chính mang tính chất trung gian, điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt sự phân biệt đối xử về pháp lý giữa những loại hình hoạt động khác nhau.

Các tranh luận về lý thuyết:

Trên khía cạnh lý thuyết, tự do hóa tài chính dựa trên quan điểm về sự đóng góp của hệ thống tài chính vào việc tăng trưởng kinh tế là một vấn đề hiện đang được tranh cãi. Hiện nay có hai quan điểm lớn đang tồn tại và chúng đối lập với nhau:

Quan điểm 1: Quan điểm này cho rằng hệ thống tài chính có vai trò rất nhỏ bé trong sự phát triển kinh tế “thực”. Nó chỉ đơn thuần cung cấp cho khu vực tư nhân cơ hội hợp pháp để tạo ra hoặc/ và đánh mất tiền. Điều này ngụ ý rằng Chính phủ có thể bỏ qua việc phát triển hệ thống tài chính một cách an toàn (nghĩa là không gây tác hại gì cho nền kinh tế), thậm chí phát triển khu vực tài chính còn gây bất lợi cho sự tăng trưởng và phân phối thu nhập. Kitchen, sau khi nghiên cứu trường hợp của Nigieria đã viết: “Nói chung, hệ thống tài chính nên phát triển sau hơn là đi trước việc phát triển kinh tế. Sự độc lập về chính trị và thiết lập Ngân hàng Trung ương không có tính cách là nền tảng cho sự phát triển. Xu hướng chính của sự phát triển được xác định trên sự thịnh vượng của thị trường xuất khẩu, trên dòng vốn nước ngoài, trên những chính sách về ngân sách và trên những sự kiện chính trị. Hệ thống tài chính đóng vai trò quan trọng cho việc cổ vũ cho các ảnh hưởng đó”. (Kitchen, 1986).

Quan điểm 2: Ngược lại với quan điểm trên, quan điểm này (thường được gọi là quan điểm tự do mới – Neo liberal view) cho rằng hệ thống tài chính phát triển sẽ có tác động tích cực đến việc tăng trưởng kinh tế, do đó nó giữ một vai trò quan trọng trong việc kích thích nền kinh tế tăng trưởng. Theo quan điểm này, thì việc thiếu một hệ thống tài chính phát triển sẽ hạn chế tăng trưởng, vì thế, các chính sách của Chính phủ cần phải hướng đến việc khuyến khích hệ thống tài chính phát triển.

Lý thuyết của trường phái Keynes về đầu tư, tiết kiệm và tăng trưởng

Lý thuyết của trường phái Keynes về đầu tư, tiết kiệm và tăng trưởng là nền tảng của quan điểm thứ nhất. Theo lý thuyết này, tăng trưởng kinh tế cao luôn đi kèm với lạm phát do đầu tư – xét trong một thời điểm, không nhất thiết phải tiết kiệm. Chính phủ có thể chủ động tác động đến tỷ lệ tăng trưởng bằng cách theo đuổi một chính sách tài chính gây lạm phát (Inflationnary finance) bắt buộc người dân phải tiết kiệm, gọi là tiết kiệm bắt buộc (forced savings) để bù đắp vào sự thiếu hụt giữa đầu tư và tiết kiệm. Do đó, hệ thống tài chính đóng vai trò thụ động trong cuộc huy động tiết kiệm và phân bổ nguồn lực.

Bằng việc phân chia các cá nhân thành hai loại: (i) loại thứ nhất có thu nhập trên tiền lương và (ii) loại thứ hai có thu nhập trên lợi nhuận; lý thuyết Keynes cho rằng một chính sách lạm phát cao và lãi suất thực giảm sẽ hấp dẫn hơn đối với các cá nhân thuộc loại hai và do đó họ có động cơ tiết kiệm để đầu tư và giảm tiêu dùng. Loại thứ nhất sẽ chịu sự giảm xuống về thu nhập thực, điều này khuyến khích họ tiêu dùng hơn là tiết kiệm. Như vậy xu hướng tiết kiệm trên lợi nhuận tăng và xu hướng tiết kiệm trên tiền lương giảm. Hệ thống tài chính có nhiệm vụ nhận ký thác các khoản tiết kiệm từ loại cá nhân thứ hai cho đến khi họ đủ nguồn lực để đầu tư mới.

Như vậy, hệ thống tài chính có vai trò rất thụ động và nó chỉ phát triển sau nếu như nền kinh tế phát triển bền vững. Nhưng chính sách tăng trưởng dựa trên lạm phát bị chỉ trích về nhiều mặt: “Có những hiểm họa không thể tránh được liên quan đến chính sách tăng trưởng dựa trên lạm phát. Đe dọa lớn nhất từ cán cân thanh toán nếu ngoại tệ là khan hiếm. Lạm phát cao sẽ khiến cán cân thanh toán của quốc gia chịu áp lực nặng nề và cần thiết phải có chính sách thay thế nhập khẩu hay kiểm soát ngoại hối mà điều này dẫn đến sự phân bổ nguồn lực không hiệu quả. Mối de dọa đến đầu tư có thể là khi lạm phát quá cao, đầu tư vào máy móc thiết bị trở thành không hấp dẫn so với đầu tư dưới dạng đầu cơ (speculative investment) vào hàng tồn kho, các tài sản ở nước ngoài hay bất động sản… Nếu lãi suất thực âm, điều này có thể gây nên yêu sách lên các nguồn lực thực và không sử dụng chúng.” (Thirdwall, 1994).

 Lý thuyết của Shaw và McKinnon về một hệ thống tài chính bị kìm hãm

Đối lập với lý thuyết của trường phái Keynes về vai trò thụ động của hệ thống tài chính trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các lý thuyết cổ vũ cho quan điểm hệ thống tài chính có vai trò tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đều có chung các giả định rằng hệ thống tài chính là người phân bổ tốt nhất các nguồn lực tài chính thông qua cơ chế chia sẻ rủi ro và chuyển giao có thời hạn (maturity transformation) và trong điều kiện vốn đầu tư là tương đối khan hiếm nhất là tại các nước nghèo có thu nhập thấp thì một hệ thống tài chính được tự do hóa sẽ phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả nhất. Năm 1973 trong tác phẩm “Tiền tệ và vốn trong phát triển kinh tế”, McKinnon, dựa trên quan điểm của Shaw, đã đưa ra lý thuyết về kìm hãm và tự do hóa tài chính. Trọng tâm của lý thyết này là chính phủ không nên can thiệp vào hệ thống tài chính mà để chúng vận động trên cơ sở thị trường tự do. Như vậy nguyên tắc hiệu quả sẽ được tôn trọng và nguồn lực tài chính sẽ được phân bổ một cách tốt nhất.

Lý thuyết của McKinnon dựa trên giả định: đầu tư và tiết kiệm đều phụ thuộc vào lãi suất, trong đó:

-             Lãi suất cao làm tăng tiết kiệm (sự phụ thuộc đồng biến). Ngoài ra tiết kiệm cũng phụ thuộc vào thu nhập.

-             Đầu tư phụ thuộc nghịch biến vào lãi suất. (Một số đầu tư của chính phủ với mục tiêu phúc lợi công cộng không được xem xét trong lý thuyết này).

McKinnon cũng chỉ ra rằng tại hầu hết các nước đang phát triển, Chính phủ thường thích can thiệp vào hệ thống tài chính nước đó nhằm giữ một mức lãi suất thực thấp hơn mức cạnh tranh, làm cho hệ thống tài chính bị kìm hãm và không phát triển được. Khi lãi suất bị kìm hãm ở dưới mức cân bằng thì sẽ không có sự phân bổ nguồn lực, vì một số dự án sinh lợi nhiều hơn có thể không nhận được vốn đầu tư làm hiệu quả trung bình của đầu tư giảm sút. Như vậy, nền kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng chậm hơn các kết quả đạt được khi tháo bỏ một phần việc kiểm soát lãi suất.

Lý giải cho việc giữ lãi suất ở dưới mức cân bằng, chính phủ các nước này thường cho rằng điều này sẽ cải thiện được đầu tư vì các dự án sẽ dễ sinh lợi hơn nhưng các phân tích của lý thuyết McKinnon chứng minh rằng khi hệ thống tài chính bị kìm hãm (financial repression) đầu tư sẽ giảm và sự can thiệp của chính phủ thường không mang lại hiệu quả kinh tế. Trên cơ sở đó, McKinnon khuyến nghị Chính phủ ở các nước đang phát triển không nên can thiệp vào hệ thống tài chính của nước họ và nên để cho chúng hoạt động theo quy luật thị trường hay nói cách khác là nên để cho hệ thống tài chính tự do (financial liberalization).

Như vậy, theo lý thuyết này hệ thống tài chính nên phát triển trước để cổ vũ cho việc tăng trưởng kinh tế chứ không phải là sản phẩm của sự phát triển. Ngày nay, lý thuyết này đã được ít nhiều chấp nhận tại các quốc gia đang phát triển và trong hai thập kỷ 1970 – 1989 một số nước đã tiến hành cải cách khu vực tài chính theo hướng nới lỏng sự can thiệp của chính phủ vào hệ thống tài chính...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành