Thứ ba, 23 Tháng 12 2014 00:00

Một số vấn đề về thị trường trái phiếu và kinh nghiệm của các nước trên thế giới

Ảnh minh họa Ảnh minh họa

I. HOẠT ĐỘNG CƠ BẢN TRÊN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU

1. Hoạt động phát hành trái phiếu

1.1. Bảo lãnh phát hành trái phiếu

Bảo lãnh phát hành là việc tổ chức bảo lãnh giúp tổ chức phát hành thực hiện các thủ tục trước khi phát hành trái phiếu ra thị trường chứng khoán, phân phối trái phiếu cho các nhà đầu tư, nhận mua trái phiếu để bán lại hoặc mua số trái phiếu còn lại chưa phân phối hết. Trái phiếu do các tổ chức bảo lãnh phát hành được bán theo hình thức chiết khấu và ngang mệnh giá. Dưới đây là một số phương thức bảo lãnh:

+ Bảo lãnh với cam kết chắc chắn (bảo lãnh toàn phần): là phương thức, trong đó tổ chức bảo lãnh cam kết sẽ mua toàn bộ trái phiếu của nhà phát hành cho dù trong trường hợp không phân phối hết. Hay nói một cách khác, tổ chức bảo lãnh phát hành phải cam kết thanh toán đầy đủ số tiền bán trái phiếu cho nhà phát hành kể cả có bán được hết hay không.

+ Bảo lãnh từng phần: là phương thức mà tổ chức bảo lãnh nhận mua một phần (được quy định trong hợp đồng) số trái phiếu của nhà phát hành nếu phân phối không hết.

+ Bảo lãnh với cố gắng cao nhất: là hình thức trong đó, tổ chức bảo lãnh hoạt động như một đại lý cho nhà phát hành; tổ chức bảo lãnh sẽ nỗ lực tối đa nhưng không cam kết trong việc phân phối trái phiếu cho các nhà đầu tư. Trong trường hợp nếu không bán hết, tổ chức bảo lãnh sẽ được quyền hoàn trả số trái phiếu còn lại cho nhà phát hành mà không bị chịu phạt và đây là hình thức được các tổ chức bảo lãnh hay áp dụng nhất.

+ Bảo lãnh theo phương thức bán tất cả hoặc không: là hình thức mà tổ chức bảo lãnh cũng phải cố gắng tối đa để bán hết số chứng khoán do tổ chức phát hành yêu cầu. Trường hợp không bán hết, đợt phát hành sẽ bị huỷ bỏ và tổ chức bảo lãnh sẽ không được nhận bất kỳ một khoản hoa hồng nào và số tiền đã bán trái phiếu sẽ được hoàn trả cho các nhà đầu tư.

+ Bảo lãnh theo phương thức tối thiểu – tối đa: đây là phương thức mà tổ chức phát hành yêu cầu tổ chức bảo lãnh phải phân phối một tỷ lệ tối thiểu nhất định trái phiếu phát hành. Nếu không đạt được được tỷ lệ đó thì toàn bộ đợt phát hành bị huỷ bỏ và tổ chức bảo lãnh sẽ không được nhận bất kỳ một khoản hoa hồng nào.

1.2. Đấu thầu

Hình thức đấu thầu trái phiếu là việc bán trái phiếu cho các tổ chức, cá nhân tham gia đấu thầu, đáp ứng đủ các yêu cầu và có mức lãi suất đặt thầu thấp nhất (hay giá đặt thầu cao nhất). Việc đấu thầu trái phiếu có thể được thực hiện tại nơi phát hành, có thể đấu thầu thông qua các tổ chức trung gian tài chính hoặc có thể được thực hiện qua Sở giao dịch chứng khoán (các đối tượng tham gia tại SGDCK phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật). Các nhà đầu tư nhỏ tham gia đấu thầu trái phiếu thông qua các thành viên đấu thầu.

Việc xác định khối lượng và lãi suất trúng thầu căn cứ vào khối lượng và lãi suất đặt thầu của các thành viên, khối lượng vốn cần huy động và lãi suất chỉ đạo (nếu có). Khối lượng trúng thầu được chọn bắt đầu từ mức lãi suất đặt thầu thấp nhất đến mức lãi suất chỉ đạo (nếu có). Tại mức lãi suất đặt thầu mà khối lượng đặt thầu vượt quá khối lượng vốn cần huy động thì khối lượng trúng thầu được phân chia cho mỗi phiếu đặt thầu theo tỷ lệ thuận giữa khối lượng vốn cần huy động còn lại và khối lượng đặt thầu của từng phiếu tại mức lãi suất đó. Trên thế giới hiện nay thường áp dụng 2 phương thức đấu giá theo kiểu Hà Lan và Mỹ. Nếu đấu giá theo kiểu Hà Lan (Dutch Auction) thì lãi suất trúng thầu cao nhất sẽ là lãi suất áp dụng chung cho mọi đối tượng trúng thầu; nếu đấu giá theo kiểu Mỹ (American Auction) thì các thành viên trúng thầu sẽ mua trái phiếu có lãi suất đúng bằng lãi suất họ đã đặt thầu.

Trái phiếu đấu thầu qua thị trường chứng khoán tập trung được bán theo các hình thức: bán chiết khấu; bán ngang mệnh giá; bán cao hoặc thấp hơn mệnh giá.

1.3. Đại lý phát hành

Hình thức đại lý phát hành trái phiếu là việc tổ chức được phép làm đại lý phát hành trái phiếu thoả thuận với tổ chức phát hành nhận bán trái phiếu. Trường hợp không bán hết, tổ chức đại lý phát hành được phép hoàn trả lại số trái phiếu cho tổ chức phát hành mà không có trách nhiệm phải mua lại số trái phiếu không bán hết đó và các tổ chức này sẽ được hưởng một khoản phí nhất định theo mức thoả thuận với nhà phát hành.

Đại lý thanh toán trái phiếu là tổ chức được nhà phát hành uỷ quyền thanh toán gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn phải thanh toán. Các đại lý này cũng sẽ được hưởng một khoản phí thanh toán nhất định theo mức thoả thuận với nhà phát hành.

Trái phiếu do các tổ chức làm đại lý phát hành được bán theo hình thức giống như các tổ chức bảo lãnh phát hành.

1.4. Phát hành qua tổ hợp ngân hàng đầu tư

Hình thức này áp dụng khi cơ quan phát hành uỷ thác việc phát hành trái phiếu cho Ngân hàng Trung ương. Phương thức tiến hành là một tổ hợp ngân hàng đầu tư lớn sẽ đứng ra thảo luận mức lãi suất với ngân hàng Trung ương. Sau đó, toàn bộ khối lượng trái phiếu phát hành sẽ được tổ hợp đảm nhận mua và phân phối.

- Bán lẻ

Với hình thức này, nhà phát hành tiến hành tự tổ chức phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư mà không thông qua bất cứ một tổ chức trung gian nào. Hình thức phát hành này phù hợp khi huy động với khối lượng vốn không lớn. Ưu điểm là chi phí phát hành tương đối thấp. Tuy nhiên, có thể việc huy động sẽ bị kéo dài và khối lượng huy động không đảm bảo theo kế hoạch vì phạm vi thị trường thường nhỏ hẹp.

Tại nhiều nước trên thế giới thường kết hợp các hình thức phát hành như đấu thầu (theo giá hoặc theo lãi suất) kết hợp với phát hành qua tổ hợp ngân hàng đầu tư và hình thức phát hành trực tiếp. Việc kết hợp này nhằm mục tiêu thực hiện chính sách tài chính – tiền tệ, Chính Phủ thường định kỳ phát hành nhằm tránh tác động tiêu cực tới thị trường tài chính và cung cấp lãi suất chuẩn cho thị trường. Hoạt động phát hành TPCP không phải xin phép UBCKNN. Thông qua nhu cầu và kế hoạch phát hành được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Chính Phủ thực hiện việc phát hành trái phiếu thông qua các hình thức: đấu thầu (đấu giá theo giá, theo lãi suất); phát hành qua tổ hợp các ngân hàng đầu tư và bán lẻ qua hệ thống Kho bạc. Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp khác với TPCP là đều phải xin phép và được sự đồng ý của UBCKNN; khi tiến hành phát hành, các doanh nghiệp phải tuân thủ theo đúng các thủ tục và quy trình do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định. Phát hành trái phiếu doanh nghiệp thường thông qua hình thức sau: phát hành riêng lẻ (đây là hình thức phát hành trong phạm vi hẹp, không tiến hành bán rộng rãi ra công chúng. Do vậy, việc phát hành này chịu sự điều chỉnh của Luật DN và không phải là đối tượng quy định pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán); phát ra công chúng với các phương thức tự phát hành, thông qua đại lý và bảo lãnh...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành