Thứ ba, 23 Tháng 12 2014 00:00

Hệ thống quan điểm về hoạt động giám sát của quốc hội đối với tập đoàn kinh tế Nhà nước

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội giám sát về môi trường- Ảnh IE Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội giám sát về môi trường- Ảnh IE

1. Phương hướng phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước trong giai đoạn 2011- 2020

Xây dựng những Tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKTNN) mạnh, đa sở hữu, trong đó sở hữu nhà nước chiếm tỷ trọng chi phối, trên cơ sở các tổng công ty nhà nước, hoạt động trong một số lĩnh vực quan trọng, có điều kiện, có thế mạnh, có khả năng phát triển  để cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời là công cụ quan trọng để nhà nước thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề xuất phát từ yêu cầu khách quan của tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước khi đồng thời thành lập thí điểm các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Thực tế sau khoảng thời gian 5 năm thực hiện thí điểm, với mô hình thí điểm mới mẻ được áp dụng ở nước ta vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục rút kinh nghiệm và dần hoàn thiện, trong bối cảnh gắn liền với quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, chủ trương tổ chức thí điểm hình thành một số tập đoàn kinh tế với phương châm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa bổ sung hoàn chỉnh các quy định pháp luật về mô hình này trong thời gian qua là phù hợp với thực tiễn, đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 và Trung ương 9 khóa IX. Việc hình thành các tập đoàn kinh tế đã khắc phục cơ bản những hạn chế, yếu kém của mô hình tổng công ty nhà nước trước đây, tạo điều kiện giải phóng năng lực sản xuất, các tập đoàn được giao quyền tự chủ kinh doanh theo quan hệ cung cầu của thị trường và trong khuôn khổ pháp luật, tăng thêm quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trên cơ sở chiến lược, kế hoạch phát triển được phê duyệt, các cơ quan hành chính nhà nước không can thiệp trực tiếp, cụ thể vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các TĐKTNN  đang hoạt động, một số các tập đoàn đều làm ăn có hiệu quả, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010, thể hiện vai trò là lực lượng nòng cốt, có vị trí then chốt, làm công cụ vật chất để nhà nước định hướng và điều tiết kinh tế vĩ mô nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và tạo nền tảng cho cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI khẳng định: Khẩn trương cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh của các Tập đoàn kinh tế và các tổng công ty nhà nước, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XI nêu rõ: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty. Sớm hoàn thiện thể chế quản lý hoạt động của các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước. Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; xây dựng một số tập đoàn kinh tế mạnh, đa sở hữu, trong đó sở hữu nhà nước giữ vai trò chi phối...khuyến khích tư nhân góp vốn vào các Tập đoàn kinh tế nhà nước.

Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011- 2015 ban hành tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII tiếp tục khẳng định: Sẽ thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và từng địa phương, đơn vị cơ sở, sản phẩm chủ yếu, với tầm nhìn dài hạn và có lộ trình cụ thể. Cần tập trung thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong 3 lĩnh vực quan trọng là cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính; cơ cấu lại doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngay từ năm 2012 chuẩn bị các điều kiện để từ năm 2013 đến năm 2015 ạo được chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản, có hiệu quả rõ rệt.

Với ý nghĩa trên, các cơ quan quản lý có chủ trương tiếp tục kiện toàn các tập đoàn kinh tế nhà nước giai đoạn 2011-2015, có tính đến năm 2020. Hiện tất cả các tập đoàn kinh tế nhà nước đang hoạt động đều đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015. Nội dung của các  Đề  án  đều  tuân  theo  các  quy  định  tại  Quyết  định  số  929/QĐ-TTg  ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”, với một số nhiệm vụ cụ thể như sau:

Thứ nhất, thực hiện cơ cấu lại ngành, nghề kinh doanh, chiến lược phát triển, tổ chức sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển và lao động.

Xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2015, có tính đến năm 2020 phù hợp với chiến lược phát triển ngành, vị trí, vai trò của tập đoàn trong nền kinh tế, nhu cầu của thị trường, ngành, nghề kinh doanh chính và các nguồn lực phát triển, năng lực quản lý của mình.

Xây dựng phương án tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, triển khai tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên để tập trung vào các ngành, nghề kinh doanh chính của tập đoàn; thực hiện chuyên môn hóa, phân công, hợp tác, không dàn trải, phân tán nguồn lực, không cạnh tranh nội bộ theo hướng sáp nhập, hợp nhất các doanh nghiệp thành viên kinh doanh cùng ngành nghề.

Xây dựng kế hoạch đầu tư phù hợp với chiến lược phát triển và phương án tổ chức sản xuất mới. Xác định và sắp xếp, điều chỉnh cơ cấu lao động trong tập đoàn phù hợp với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và chiến lược phát triển.

Thứ hai, đẩy mạnh đa dạng hóa sở hữu đối với các Tập đoàn kinh tế nhà nước, theo đó, sẽ tiến hành phân loại doanh nghiệp thành viên theo vị trí và tầm quan trọng trong chiến lược phát triển chung của tập đoàn để đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên mà tập đoàn không cần nắm giữ 100% vốn, bán bớt phần vốn tại các doanh nghiệp mà tập đoàn không cần nắm giữ vốn ở mức chi phối hoặc không cần nắm giữ vốn.

Thứ ba, xử lý dứt điểm đối với những tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp thành viên có khó khăn, làm ăn thua lỗ.

Thứ tư, thực hiện đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách để thúc đẩy cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế, giúp cho các đơn vị này nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế quốc dân.

Thứ năm, đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong tập đoàn kinh tế...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành