Thứ hai, 06 Tháng 7 2015 00:00

Nguyên tắc nhân đạo trong chế định hình phạt của bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung

(Ảnh minh họa) (Ảnh minh họa)

1. Đặt vấn đề

Nhà nước ta thực hiện chủ trương cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội toàn quốc lầng thứ X của Đảng và các Nghị quyết của Bộ Chính trị như: Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới; Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Trong các nghị quyết này Đảng ta chỉ rõ cần phải “coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hương chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm. Khắc phục tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm. Quy định là tội phạm đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế”. Đồng thời, “xử lý nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Người có chức vụ càng cao mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn phạm tội thì càng phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cho người khác. Như vậy, theo tinh thần của các nghị quyết trên, việc nghiên cứu hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp là rất cần thiết, mặc dù các quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999 hiện hành đã khắc phục được khá nhiều khiếm khuyết so với những quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1985. Tuy nhiên, do điều kiện phát triển kinh tế xã hội và yêu cầu hội nhập toàn cầu nên những quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999 vẫn còn nhiều nhược điểm, hạn chế vốn là hậu quả của nhận thức chưa thống nhất về nguyên tắc của luật hình sự trong đó có nguyên tắc nhân đạo và được thể hiện ở chế định hình phạt.

Thực tiễn áp dụng các quy định trong Bộ luật hình sự 1999 trong những năm qua cho thấy tính thống nhất, toàn diện của các nguyên tắc, chế định chung của chính sách hình sự đã hình sự hóa được khá nhiều hành vi nguy hiểm cho xã hội và xác định hệ thống hình phạt khá toàn diện, khoa học. Bộ luật hình sự năm 1999 đã thể hiện được vai trò quan trọng và là công cụ pháp lý quan trọng, góp phần tích cực vào việc đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm; kiểm soát và kìm chế tình hình tội phạm nhằm bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hôi; từng bước đáp ứng yêu cầu bảo đảm dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, thúc đầy sự phát triển kinh tế xã hội và phù hợp với yêu cầu hội nhập hiện nay.

Bộ luật hình sự năm 1999 cũng thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân đạo xã hội chủ nghĩa trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; thể chế hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tội phạm theo phương châm răn đe, giáo dục nhằm thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc áp dụng pháp luật hình sự cũng còn nhiều vấn đề hạn chế. Theo báo cáo thống kê của Tòa án cho thấy, một số hình phạt mặc dù được quy định trong Bộ luật hình sự nhưng hầu như không được áp dụng hoặc áp dụng rất ít trong thực tiễn. Các nguyên tắc nhân đạo trong Bộ luật hình sự chưa có cách hiểu thống nhất dẫn đến tình trạng xử nặng quá hoặc nhẹ quá, áp dụng các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không đúng, áp dụng án treo một cách tùy tiện. Một trong những đặc trưng cơ bản của chính sách hình sự là các biện pháp tác động của nó thể hiện tính nghiêm khắc cao và khi áp dụng sẽ tác động đến quyền và lợi ích của người phạm tội. Việc giảm bớt trách nhiệm hình sự, hình phạt đối với người phạm tội là cần thiết nhằm tạo điều kiện cho họ nhanh chóng cải tạo để trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội và ngăn ngừa họ phạm tội mới. Tuy nhiên, việc giảm bớt trách nhiệm hình sự, hình phạt đối với người phạm tội vẫn phải đảm bảo tính chịu trách nhiệm trước pháp luật và công bằng xã hội.

Nguyên tắc nhân đạo trong Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung đòi hỏi phải thể hiện tính nhân đạo trong từng quy định cụ thể, đặc biệt trong các quy định về đường lối xử lý hình sự, về trách nhiệm hình sự, về hình phạt và các quy định về quyết định hình phạt. Tính nhân đạo luôn được thể hiện xuyên suốt trong các quy định của Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung đặc biệt là các quy định về trách nhiệm hình sự, hình phạt đối với tội cố ý và tội vô ý; mối tương quan của các loại hình phạt chính được quy định đối với các tội phạm; hiệu ứng trái chiều của xu hướng tăng mức tổng hợp hình phạt tù; cơ sở của việc giảm hình phạt tử hình... chỉ ra những hạn chế của việc thể hiện nguyên tắc nhân đạo chỉ trong các quy định của BLHS năm 1999 về hình phạt và quyết định hình phạt nhằm góp ý kiến cho việc chuẩn bị sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả của nó đối với việc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. 

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Sửa đổi lần cuối Thứ hai, 12 Tháng 10 2015 02:39

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành