Thứ ba, 18 Tháng 10 2016 03:13

Kiến nghị giải pháp đầu tư công hiện nay

1. Quan điểm sử dụng vốn

Chủ trương, chính sách huy động, sử dụng nguồn lực nói chung, nguồn vốn nói riêng trong suốt quá trình xây dựng, phát triển đất nước từ Đại hội VI đến nay là minh chứng thể hiện bước tiến dài trong đổi mới tư duy lý luận về một lĩnh vực then chốt của sự phát triển. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng khẳng định: “Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện các hình thức đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài”. Do đó, để sử dụng nguồn vốn có hiệu quả trong thời gian tới gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và thực hiện các đột phá ưu tiên trong quá trình chuyển đổi không phải là nhiệm vụ dễ dàng, nhất là khi nền kinh tế với cách thức hoạt động dựa trên “đồng tiền dễ dãi” trong một thời gian dài đã làm suy giảm động lực nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, trong khi lực cản từ nhóm lợi ích đối với quá trình này còn hữu hiệu. Như vậy, trong thời gian tới Đảng và Nhà nước ta xác định:

- Nguồn vốn trong nước đóng vai trò quyết định đối với phát triển, do đó nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn trong nước kết hợp với nguồn vốn nước ngoài có vai trò quan trọng nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phát triển kinh tế.

- Sử dụng nguồn vốn gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hợp lý, trước hết là phục vụ cho tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng, tổ chức phân vùng lãnh thổ...

- Phân bổ sử dụng nguồn vốn theo cơ chế thị trường dựa trên quy luật cung - cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật giá trị, quy luật tỷ suất lợi nhuận..., đưa nguồn vốn tới nơi hoạt động có hiệu quả. Đồng thời triển khai thực hiện quá trình phân bổ nguồn vốn theo kế hoạch của nhà nước nhằm thực hiện quản lý theo mục tiêu.

- Cân đối phát triển nguồn vốn phục vụ cho phát triển kinh tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội, nâng cao mức sống của dân cư. 

Tuy nhiên, thực trạng mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm qua dựa nhiều vào tăng vốn đầu tư mà phần lớn là từ ngân sách nhà nước, từ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2014 đạt 1.220,7 nghìn tỉ đồng, bằng 31% GDP. Trong đó, vốn của khu vực ngoài Nhà nước đạt 468,5 nghìn tỉ đồng, chiếm 38,4%; vốn của khu vực có đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 264,4 nghìn tỉ đồng, chiếm 21,7%. Năm 2015, tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế trong đó có tái cơ cấu đầu tư đi đôi với tiếp tục giảm dần đầu tư công, giảm tỷ trọng và nâng cao hiệu quả sử dụng vôn Nhà nước, hoàn thiện thể chế về đầu tư nhằm huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển. Theo đó, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 1.367,2 nghìn tỉ đồng, bằng 32% GDP; vốn ở khu vực Nhà nước đạt 519,5 nghìn tỉ, chiếm 38%; vốn ở khu vực ngoài Nhà nước đạt 529,6 nghìn tỉ, chiếm 38,7%; vốn ở khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 318,1 tỉ đồng, chiếm 23,3%...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Sửa đổi lần cuối Thứ tư, 28 Tháng 12 2016 03:18

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành