Thứ hai, 26 Tháng 4 2021 02:03

Một số vấn đề về phát triển bền vững, thách thức ở Việt Nam và định hướng kế hoạch hành động quốc gia đến năm 2030

1. Quan niệm và thước đo về phát triển bền vững 

Từ thế kỷ XX, trước sức ép gia tăng dân số, nhu cầu tiêu thụ và xung đột vũ trang, các dân tộc, quốc gia trên thế giới phải lao vào cuộc tranh đua dường như không có hồi kết về khai thác tài nguyên thiên nhiên và đẩy mạnh phát triển kinh tế, quốc phòng.

Hệ lụy từ các hoạt động trên đã và đang làm cho thế giới đối mặt với các vấn đề môi trường toàn cầu nghiêm trọng chưa từng xảy ra trong quá khứ: 

Suy giảm các hệ sinh thái tự nhiên và tài nguyên sinh vật, đặc biệt là tài nguyên rừng và biển vùng nhiệt đới, do xâm lấn, phá hoại nơi cư trú, khai thác quá mức và ô nhiễm môi trường. Hậu quả của suy giảm tài nguyên sinh vật không chỉ dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học mà còn gây suy giảm tài nguyên nước, đất, không khí, cảnh quan, ảnh hưởng xấu đến kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội, nhất là ở các vùng nghèo, gia tăng các thiên tai và thảm họa tự nhiên, biến đối khí hậu. 

Suy giảm tài nguyên nước ngọt, nước dưới đất cả về lưu lượng và chất lượng, dẫn đến ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của một bộ phận lớn dân chúng, nhất là ở các nước nghèo.

 Ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí do khí thải, ô nhiễm sông hồ, đại dương, nước dưới đất và đất do các loại chất thải và nước mưa chảy tràn qua các khu công nghiệp, đô thị, nông nghiệp, công trường xây dựng. Hậu quả của ô nhiễm môi trường là tác hại sức khỏe, đời sống sinh vật và phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

 Biến đổi khí hậu do hiện tượng trái đất nóng lên do hiệu ứng nhà kính được tạo ra do gia tăng nồng độ các khí nhà kính (CO2, và các khí khác) và các nguyên nhân khác. Hậu quả của biến đổi khí hậu dẫn tới gia tăng tai biến tự nhiên: bão, lũ, nước biển dâng, xâm nhập mặn, khô hạn; suy thoái chất lượng môi trường và tác hại phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

Mưa axít do tăn g nồng độ các khí SO, NÓ, trong không khí do phát thải từ sử dụng khối lượng lớn nhiên liệu hóa thạch. Hậu quả của mưa axít là tác hại sinh thái, công trình xây dựng và phát triển kinh tế. 

Sa mạc hóa, thoái hóa đất do mất thảm thực vật và suy giảm nguồn nước mặt và nước dưới đất, dẫn tới tác hại tài nguyên đất, nước, khí hậu và phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Các vấn đề môi trường toàn cầu nêu trên cũng đang diễn ra ở Việt Nam, gây ảnh hưởng xấu đến tài nguyên thiên nhiên; sức khỏe con người; gây bất bình đẳng ngày càng lớn về thu nhập, quyền lợi giữa các tầng lớp, dân tộc, địa phương, dẫn tới cản trở phát triển kinh tế, an sinh xã hội của nước ta. Các vấn đề trên đang và sẽ tiếp tục nghiêm trọng hơn trên quy mô toàn cầu nhưng đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các nước nghèo, các tầng lớp có thu nhập thấp, tiềm năng tài chính, khoa học công nghệ hạn chế. Việt Nam và nhiều quốc gia đang phát triển có nền kinh tế phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên trong khi nguồn lực đảm bảo phát triển hạn chế, càng dễ bị tác động do suy thoái môi trường. Vì vậy, việc gắn kết phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là nhu cầu sống còn.

1.1 Phát triển bền vững: sự lựa chọn của nhân loại

Định nghĩa về phát triển bền vững:

Ủy ban Môi trường và Phát triển thế giới (WCED, 1987) lần đầu tiên nêu định nghĩa “Phát triển bền vững”: “Là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai".

Ở nước ta, phát triển bền vững đã được tiếp nhận như là định hướng quan trọng trong các chiến lược phát triển đất nước. Khoản 4 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2018, 2019 định nghĩa “Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường”. 

Năm 1992, tại Rio de Janeiro (Cộng hòa Liên bang Braxin), các đại biểu tham gia Hội nghị về môi trường và phát triển của Liên hợp quốc đã xác nhận lại khái niệm phát triển bền vững và đã yêu cầu Chính phủ tất cả các quốc gia đẩy mạnh sự hòa hợp về phát triển kinh tế gắn kết đảm bảo an sinh xã hội cùng với bảo vệ môi trường. 

Năm 2002, Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững họp tại Johanesburg (Cộng hòa Nam Phi) đã tổng kết Kế hoạch hành động về phát triển bền vững sau 10 năm.

 Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững:

Ngày 25/9/2015, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 (Agenda 2030) vì sự phát triển bền vững (Transforming our World: the 2030 Agenda for Sustainable Development). Đây là một văn kiện lịch sử, là kế hoạch hành động vì con người, hành tinh và sự thịnh vượng, giúp tăng cường hòa bình trên toàn thế giới, xóa đói giảm nghèo dưới mọi hình thức và mọi khía cạnh. Đây là yêu cầu bức thiết cho sự phát triển bền vững. Năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Agenda 2030.

Tầm nhìn và các nguyên tắc:

Agenda 2030 vì sự phát triển bền vững có độ bao phủ chính sách phổ quát, rộng lớn, toàn diện, vì lợi ích của người dân trên toàn thế giới, cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Chương trình nghị sự đã đề ra tầm nhìn chiến lược mới, phản ánh khát vọng chung của toàn nhân loại được sống trong một thế giới hòa bình, an toàn, công bằng, tạo khuôn khổ và định hướng mới cho mọi quốc gia trong việc ứng phó các thách thức chung về kinh tế, xã hội và môi trường.

Các định hướng phát triển bền vững của Agenda 2030:

Các định hướng chung về phát triển bền vững trong 15 năm tới ở các lĩnh vực quan trọng đối với con người và xã hội được xác định như sau:

Về con người: Chấm dứt nghèo đói dưới mọi hình thức và mọi khía cạnh, phát huy tiềm năng, nhân phẩm của con người và tăng cường bình đẳng.

Về hành tinh: Bảo vệ hành tinh khỏi sự suy thoái, thông qua việc thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất bền vững, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và có những hành động cần thiết trong ứng phó với biến đổi khí hậu, từ đó có thể đáp ứng những nhu cầu cho hiện tại và các thế hệ trong tương lai. 

Về thịnh vượng: Đảm bảo tất cả mọi người sẽ được sống một cuộc sống đầy đủ và thịnh vượng, sự phát triển của kinh tế - xã hội và công nghệ sẽ hài hòa với môi trường tự nhiên.

Về hòa bình: Thúc đẩy xã hội hòa bình, công bằng và rộng mở, không còn sợ hãi và bạo lực. Không thể phát triển bền vững nếu không có hòa bình, và ngược lại nếu không có hòa bình thì không thể phát triển bền vững. 

Về hợp tác: Huy động các phương tiện cần thiết để thực hiện Chương trình nghị sự này thông qua quan hệ đối tác toàn cầu mới vì sự phát triển bền vững, dựa trên tinh thần đoàn kết, với sự tham gia của tất cả các quốc gia, tất cả các bên liên quan và tất cả mọi người.

Các mục tiêu phát triển bền vững của Agenda 2030:

Agenda 2030 đã nêu 17 mục tiêu chung phát triển bền vững và 169 mục tiêu cụ thế nhằm đảm bảo cho quá trình hội nhập và liên kết giữa các quốc gia, vì lợi ích chung của mọi người dân, cho thế hệ hôm nay và mai sau. 17 mục tiêu này đã được đưa vào Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017.

1.2 Các thước đo đánh giá phát triển bền vững

Đánh giá tính bền vững của sự phát triển của một xã hội là việc hết sức khó khăn vì phát triển liên quan đến nhiều mặt của xã hội. Sự bền vững về phát triển của một xã hội có thể được đánh giá bằng những chỉ thị (indicator), chỉ số (index) nhất định trên ba phương diện: kinh tế, xã hội và môi trường và các chỉ số tổng hợp cả ba phương diện trên.

Bền vững về kinh tế:

Tính bền vững về kinh tế có thể được thể hiện qua các chỉ số về phát triển kinh tế phổ biến: Tổng sản phẩm trong nước: GDP (Gross Domestic Product); Tổng thu nhập quốc gia: GNI (Gross National Income); GDP hay GNI bình quân đầu người/năm;

Tăng trưởng của GDP (%/năm); Sức mua tương đương: PPP (Purchasing Power Parity) và PPP/người/năm.

Một quốc gia bền vững về mặt kinh tế phải đạt yêu cầu sau:

Tăng trưởng GDP khá và ổn định; có GDP/người, GNI/người hoặc PPP/người cao.

Có cơ cấu GDP phù hợp nhằm đảm bảo cho tăng trưởng GDP ổn định lâu dài.

Trong phạm vi quốc gia sự đánh giá tính bền vững về kinh tế của một tỉnh/thành phố cũng có thể dựa vào các chỉ tiêu nói trên (thường được gọi là GRDP và GRDP/người).

Theo Ngân hàng Thế giới (7/2019): vào năm 2018 trên thế giới có 23 quốc gia, vùng lãnh thổ cực giàu với GDP/người trên 40.000 USD/năm: cao nhất là Lúcxămbua: 114.341 USD; Macao: 86.365 USD, Thụy Sĩ: 82.839 USD, Nauy: 81.807 USD... Trong 10 quốc gia này có Xingapo: 64.582 USD (đứng thứ 9/183), Hoa Kỳ: 62.641 USD (đứng thứ 10/183 quốc gia/vùng lãnh thổ có thống kê). Trong khi đó có 25 quốc gia, vùng lãnh thổ cực nghèo có giá trị GDP/người dưới 1.000 USD như Burundi 275 USD (183/183), Malauy: 389 USD (182/183), Mađagátxca: 461 USD (180/183), Xômali: 499 USD (178/183), Apganixtan: 521 USD (176/183), Tátgikixtan: 827 USD (164/183) ...

Việt Nam dù có tốc độ tăng trưởng cao (trên 6,5% liên tục trong 10 năm gần đây) nhưng do xuất phát điểm thấp nên đến năm 2018 giá trị GDP/người và PPP/người chỉ mới đạt tương ứng là 2.564 USD (đứng thứ 128/183 quốc gia) và 6.775 USD (đứng thứ 124/183 quốc gia, vùng lãnh thổ), thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp.

Đánh giá bền vững về xã hội:

Tính bền vững về phát triển xã hội của các quốc gia cũng thường được đánh giá qua một số tiêu chí như: chỉ số phát triển con người HDI; hệ số bình đẳng thu nhập (GINI); các tiêu chí về giáo dục, dịch vụ y tế, hoạt động văn hóa, trong đó HDI là chỉ số tổng hợp nhất.

Chỉ số phát triển con người: 

Năm 1990, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đưa ra “Chỉ số phát triển về con người" (Human Development Index - HDI). HDI là chỉ số tổng hợp phản ánh sự phát triển của con người trên các phương diện thu nhập (thể hiện qua tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người), tri thức (thể hiện qua chỉ số học vấn) và sức khỏe (thể hiện qua tuổi thọ bình quân tính từ lúc sinh). Do vậy, HDI là chỉ số quan trọng và tổng hợp nhất để tự đánh giá và so sánh mức độ phát triển kinh tế, an sinh xã hội giữa các quốc gia.

HDI có giá trị từ 0 đến 1. HDI càng gần 1 có nghĩa là mức độ phát triển con người càng cao, trái lại càng gần 0 nghĩa là mức độ phát triển con người càng thấp. Dựa vào HDI có thể nhận ra một quốc gia nào đó có mức độ phát triển con người rất cao, cao, trung bình hay thấp, không phụ thuộc vào quốc gia đó theo hệ thống chính trị nào.

Từ số liệu của UNDP, cập nhật ngày 14/9/2018 có thể thấy: vào năm 2018 các nước phát triển ở Bắc Âu, Tây Âu, Mỹ, Canađa, Öxtrâylia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Xingapo... là các nước có chỉ số HDI rất cao (trên 0,900); phần lớn các nước Đông Âu (Ba Lan, Xlôvakia, Nga, Bêlarút, Xécbia, Crôatia..) có chỉ số HDI trên 0,800; phần lớn các quốc gia thuộc khu vực Mỹ Latinh; một số quốc gia khu vực Đông Nam Á (Malaixia, Thái Lan), một số nước châu Phi (Ai Cập, Nam Phi, Angiêri) có chỉ số HDI trên 0,7 (Cao). Phần lớn các nước nghèo ở Đông Phi, Tây Phi, một số nước Tây và Nam Á có mức độ phát triển con người thuộc nhóm thấp (dưới 0,555). 

Chỉ số HDI của Việt Nam dù có tăng hơn vài năm trước nhưng mới đạt 0,694 (thuộc nhóm trung bình, đứng thứ 116/189 quốc gia/vùng lãnh thổ).

Chỉ số về sự bình đẳng về thu nhập (GINI):

GINI có thể xác định sự bình đẳng về thu nhập của các hộ gia đình ở các quốc gia có các nền kinh tế và hệ thống chính trị khác nhau. Hệ số GINI có giá trị giữa 0 và 1. Giá trị GINI càng cao (trên 0,450 và càng gần 1) có nghĩa là sự bất bình đẳng về thu nhập càng lớn. Ngược lại, GINI càng thấp (dưới 0,300 và càng gần 0) thì càng bình đẳng về thu nhập. Từ số liệu của CIA (2018) có thể nhận xét: các nước Bắc Âu có sự bình đẳng về thu nhập cao nhất: Hệ số GINI của Phần Lan: 0,272, Thụy Điển: 0,249, Nauy: 0,258. Sau đó là một số nước Tây Âu như Đức (0,270), Pháp (0,293), Thụy Sĩ (0,295), Hà Lan (0,303)... Trong khi đó một số nước nghèo ở châu Phi, khu vực Mỹ Latinh lại có mức độ bất bình đẳng về thu nhập cao nhất: Lêxôthô (0,632), Nam Phi (0,625), Ruanđa (0,504), Dămbia (0,571), Trung Phi (0,562), Goatêmala (0,530)... Trung Quốc (0,465) và Mỹ (0,450) cũng có sự bất bình đẳng khá cao về thu nhập. 

Mức độ bình đẳng về thu nhập của Việt Nam (0,348, năm 2015) bình đẳng hơn Indônêxia (0,368), Philíppin (0,401), Nga (0,412), Thái Lan (0,445), Malaixia (0,462), Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.

Chỉ số về giáo dục và đào tạo:

Thường dựa trên những số liệu cụ thể, tỷ lệ người biết chữ trong Nhân dân ở một độ tuổi nhất định; tỷ lệ người được học các bậc tiếu học, trung, đại học trong những lứa tuổi nhất định, số sinh viên trên 10.000 dân; số học sinh/giáo viên; ngân sách nhà nước chi cho giáo dục bằng tổng % tổng ngân sách, hoặc % tổng GDP.

Chỉ số về dịch vụ y tế:

Các chỉ số này thường được cụ thể hóa bằng: số trẻ sơ sinh bị chết trên 1.000 em; tuổi thọ trung bình; số bác sĩ trên 1.000 dân; số giường bệnh cho 1.000 dân; tỷ lệ % dân hưởng dịch vụ y tế xã hội; tỷ lệ % người dân tiếp cận nước sạch; ngân sách nhà nước chi cho dịch vụ xã hội y tế bằng tổng % ngân sách, hoặc tổng GDP.

Đánh giá bền vững về môi trường:

Môi trường là tập hợp các yếu tố tự nhiên và nhân sinh cùng tồn tại trong một không gian, cùng thời điểm. Môi trường tự nhiên bao gồm môi trường vật lý (môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí) và môi trường sinh học. Đối với từng cá thể con người cũng như cả loài người và thế giới sinh vật, môi trường tự nhiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng do có ba chức năng chính dưới đây (một số tài liệu tách thành 5 chức năng).

Môi trường là không gian sinh tồn của con người và sinh vật, bao gồm cả nơi cư trú, phát triển, tạo cảnh quan, lưu trữ, truyền đạt thông tin%;

Môi trường là nơi cung cấp nguồn tài nguyên, kể cả vật liệu, năng lượng, cần thiết cho cuộc sống và hoạt động của con người;

Môi trường là nơi tiếp nhận, đồng hóa và phân hủy phế thải do con người và sinh vật tạo ra. 

Môi trường bền vững là môi trường luôn luôn thay đổi nhưng vẫn làm tròn cả ba chức năng nêu trên. Có nhiều chỉ số đánh giá môi trường như: tỷ lệ che phủ rừng trên diện tích tự nhiên (%), diện tích rừng hoặc cây xanh/người, diện tích cây xanh ở đô thị/người (m²), các chỉ số về độ đa dạng sinh học; lưu lượng nước ngọt/đầu người (m³), các chỉ số chất lượng không khí (AQI), chất lượng nước (WQI), các chỉ số về ô nhiễm, các chỉ số đánh giá tỷ lệ xử lý chất thải đạt tiêu/quy chuẩn (%)...  

 Đánh giá tổng hợp mức độ phát triển bền vững:

Nhằm đánh giá tổng hợp mức độ phát triển bền vững cấp quốc gia, Ủy ban Phát triển bền vững (CSD) của Liên hợp quốc đã lập Bộ chỉ tiêu phát triển bền vững (Set of Sustainable Development Indicators). Trong các năm 1994-2001, Bộ chỉ tiêu này gồm 134 chỉ tiêu (indicators) và 22 quốc gia đã tự nguyện áp dụng bộ chỉ tiêu này. Năm 2006, Bộ chỉ tiêu được điều chỉnh còn 50 chỉ tiêu cốt lõi (core indicators) theo ba lĩnh vực: xã hội, môi trường và kinh tế, trong đó có lĩnh vực xã hội có 5 chủ đề (theme) với 15 chỉ tiêu; lĩnh vực môi trường có 5 chủ đề với 17 chỉ tiêu, lĩnh vực kinh tế có 4 chủ đề với 16 chỉ tiêu cốt lõi.

Các chủ đề (theme) trong lĩnh vực xã hội là: (i) Nghèo; (ii) Điều hành; (iii) Sức khỏe; (iv) Giáo dục; (v) Dân số. Các chủ đề trong lĩnh vực môi trường là: (i) Tai biến thiên nhiên; (ii) Khí quyển; (iii) Đất; (iv) Đại dương, biển, bờ biển; (v) Nước ngọt; (vi) Đa dạng sinh học. Các chủ đề trong lĩnh vực kinh tế là: (i) Phát triển kinh tế; (ii) Đối tác kinh tế toàn cầu; (iii) Tiêu dùng và đối tác sản xuất.

Ở Việt Nam, năm 1999, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu ban hành Bộ chỉ số quốc gia về phát triển bền vững với 29 chỉ số, trong đó có 4 chỉ số về kinh tế, 15 chỉ số về xã hội và 10 chỉ số về môi trường. Năm 2004, trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Viện Môi trường và Phát triển bền vững cũng đã nghiên cứu lập Bộ Chỉ số quốc gia về phát triển bền vững với 21 chỉ số, trong đó có 4 chỉ số về kinh tế, 8 chỉ số về xã hội, 6 chỉ số về môi trường và 3 chỉ số về thể chế. Tuy nhiên cho đến nay, các Bộ chỉ số quốc gia về phát triến bền vững của nước ta vẫn chưa được xem xét, điều chỉnh, ban hành và sử dụng.

2. Phát triển bền vững ở Việt Nam và các thách thức

2.1 Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam và một số kết quả ban đầu

Quan điểm phát triển:

Quan điểm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, an sinh xã hội đã được nêu trong các nghị quyết, chỉ thị, chương trình của Đảng và Nhà nước. Để chỉ đạo thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đã đưa ra một trong các mục tiêu tổng quát của phát triển là:

“Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”. Nghị quyết cũng nêu các chỉ tiêu quan trọng đảm bảo phát triển bền vững.

Thực hiện các nghị quyết của Hội nghị thượng đỉnh Rio (1992) và Johanesburg (2002) về phát triển bền vững, ngày 17/8/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg “Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam” (còn gọi là Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam). Định hướng đã nêu bật những vấn đề đang đặt ra trong ba lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường, những thách thức mà nước ta đang phải đối phó. Chiến lược đã tạo lập mối quan hệ tương hỗ giữa các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; đã xác định khung thời gian để thực hiện và gắn trách nhiệm của các ngành, các địa phương, các tổ chức và các nhóm xã hội.... Chính phủ cũng đã thành lập Hội đồng Phát triển bền vững Quốc gia để tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giám sát việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra. Gần đây thuật ngữ “Phát triển bao trùm” được nêu ra ở nhiều hội nghị trong nước và quốc tế. Bản chất của phát triển bao trùm là gắn kết phát triển toàn diện các mặt kinh tế, an sinh xã hội và môi trường nên thực chất cũng là “Phát triển bền vững” theo quan điểm đã nêu và không ngoài các nội dung về Phát triển bền vững của “Chương trình nghị sự 2030” của Liên hợp quốc.

 Một số kết quả ban đầu:

Qua gần 15 năm thực hiện chiến lược phát triển bền vững, nước ta đã đạt được một số kết quả khả quan, tạo điều kiện thuận lợi cho các bước tiếp theo.  Có thể nêu một số nét nổi bật qua đánh giá thành tựu 10 tháng đầu năm 2018 trong phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XII vào ngày 06/10/2018 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như sau: “Dự báo đến cuối năm 2018, có thể hoàn thành 12 bộ chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Nổi bật là: tốc độ tăng trưởng tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt 6,6 - 6,8%, quy mô GDP khoảng 240,5 tỷ đôla Mỹ. Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng duy trì ở mức dưới 4%. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm;.. bội chi ngân sách ở mức 3,67% GDP; nợ công có xu hướng giảm và ngày càng thấp xa hơn mức trần do Quốc hội quy định. Thị trường tiền tệ ổn định; cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục được cải thiện. Xuất khẩu ước đạt 238 tỷ đôla, tăng 11,2% so với năm 2017; xuất siêu hơn 3 tỷ đôla Mỹ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc duy trì ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở cả thành thị và nông thôn được cải thiện rõ rệt. Phong trào xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực... Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm xuống còn 5,2 - 5,7%... Sự nghiệp y tế, thể dục, thể thao, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; đổi mới giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng con người; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học và công nghệ, phong trào khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo đạt được nhiều kết quả tích cực".

2.2 Các thách thức phát triển bền vững của Việt Nam

Mặc dù trong thời gian qua Việt Nam đã đạt nhiều thành tưu về phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên so với các tiêu chí đánh giá mức độ phát triển bền vững nêu trên, nước ta vẫn còn là quốc gia còn nhiều hạn chế về tăng trưởng kinh tế gắn kết bảo vệ tài nguyên, môi trường và an sinh xã hội. So với nhiều quốc gia Đông Nam Á và thế giới, mức độ phát triển theo cả ba nền tảng: kinh tế, xã hội và môi trường của nước ta còn ở mức khá thấp. Khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng về thu nhập, hưởng thụ dịch vụ y tế, giáo dục, tiếp cận thông tin giữa các tầng lớp, vùng miền, dân tộc chưa được khắc phục hoàn toàn. Tài nguyên thiên nhiên và chất lượng các thành phần môi trường đang bị suy giảm rõ rệt, chưa được cải thiện đáng kể. Như vậy, vào thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa được xem là quốc gia phát triển bền vững. Cụ thể từng mặt được tóm tắt như sau.

Thách thức về kinh tế:

Bên cạnh những thành quả lớn, nền kinh tế nước ta vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm; năng suất lao động thấp. Một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng thấp. Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, môi trường do vậy kinh tế của một số tỉnh, thành bị ảnh hưởng rõ rệt mỗi khi có tai biến thiên nhiên (bão, lũ, xâm nhập mặn...) nghiêm trọng.

Từ năm 2018, dù tăng trưởng kinh tế khá cao (6,7%) nhưng GDP và PPP/đầu người nước ta chỉ thuộc nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Các chỉ số này của nước ta đứng thứ 128/183 quốc gia/vùng lãnh thổ được thống kê. Nếu so với các quốc gia ASEAN giá trị GDP/người của Việt Nam vào năm 2019 chỉ hơn Campuchia (1.512 USD) và Mianma (1.326 USD) nhưng thấp xa Xingapo, Malaixia (11.239 USD), Thái Lan (7.274 USD), kém Inđônêxia (3.894 USD), Philíppin (3.103 USD) và chỉ tương đương Lào (2.568 USD). Theo dự báo của ADB: trong các năm tới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của phần lớn các quốc gia ASEAN đều trên 5%, vì vậy khả năng GDP/người và PPP/người của Việt Nam theo kịp Philíppin, Inđônêxia là không dễ và càng khó bằng Thái Lan, Malaixia trong vòng 30 năm tới, nếu không có đột biến.

Thách thức về xã hội:

Báo cáo Việt Nam 2035 của Chính phủ và Ngân hàng Thế giới cho thấy: Tuy đã đạt những bước tiến lớn về nâng cao mức sống nhưng một số nhóm đối tượng vẫn bị thiệt thòi; đang có khoảng cách lớn về cơ hội phát triển giữa con em các hộ nghèo, trẻ em vùng nông thôn và con em các gia đình khá giả, vùng đô thị. Trẻ em dưới một tuổi người dân tộc thiếu số có xác suất tử vong cao gấp bốn lần trẻ em người Kinh. Tình trạng bất bình đẳng về tiếp cận thông tin, dịch vụ y tế, giáo dục, công nghệ giữa nhóm thu nhập thấp với nhóm thu nhập cao ngày càng cao. Trong thập kỷ vừa qua, mặc dù số triệu phú (USD) người Việt Nam đã tăng gấp ba lần song phần lớn các triệu phú giàu lên nhờ kinh doanh đất đai, bất động sản hoặc thương mại; ít người giàu nhờ phát triển công nghệ cao. Tỷ lệ số hộ nghèo còn cao, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số;...

Dân số nước ta từ trên 30 triệu người vào năm 1960 đã tăng hơn 97 triệu người vào năm 2019. Đây là sức ép rất lớn đến tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, tài nguyên và môi trường cả nước và đặc biệt ở Tây Nguyên - nơi có số dân tăng gần 4,33 lần sau 35 năm...

Chỉ số HDI của Việt Nam còn khá thấp (0,694), bằng Inđônêxia (0,694), tương đương Philíppin (0,699), hơn Lào (0,601), Campuchia (0,582), Mianma (0,578), Ấn Độ (0,640), nhưng thấp hơn Trung Quốc (0,752), Thái Lan (0,755), kém xa Malaixia (0,802), Xingapo (0,932) và nhiều quốc gia khác.

Thách thức về môi trường:

Báo cáo Việt Nam 2035 của Chính phủ và Ngân hàng Thế giới cho thấy: Sức ép môi trường cũng đe dọa tăng trưởng bền vững trong dài hạn của Việt Nam. Tăng trưởng trong 25 năm qua phần nào có được với cái giá phải trả về môi trường khá lớn. Tài nguyên cạn kiệt nhanh chóng. Ô nhiễm môi trường từ nước thải công nghiệp và đô thị dẫn đến những nguy cơ nghiêm trọng về sinh thái và sức khỏe tại các địa bàn ở các đô thị lớn. Ô nhiễm không khí ở Hà Nội thuộc loại cao so với các thành phố trên thế giới. Trong tương lai, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, trong đó trên 20 triệu dân và hoạt động kinh tế tại đồng bằng sông Cửu Long phải chịu rủi ro cao nhất. 

Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Việt Nam vốn là một trong những nước hàng đầu thế giới về đa dạng các hệ sinh thái, đa dạng về giống loài và đa dạng gen, nhưng đa dạng sinh học ở nước ta đang bị suy giảm nghiêm trọng. Diện tích rừng tăng hằng năm nhưng chủ yếu là rừng trồng ít có giá trị đa dạng sinh học và môi trường. Rừng tự nhiên trên núi cao tiếp tục suy giảm cả về diện tích và chất lượng do các hoạt động kinh tế, khai thác trái phép và phát triển công trình phục vụ du lịch. Các hệ sinh thái rừng ngập mặn, rạn san hô và thảm cỏ biển đang bị tàn phá, khả năng phục hồi rất hạn chế. Số lượng loài bị đe dọa và mức độ đe dọa của các sinh vật hoang dã tiếp tục tăng. Biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, phức tạp hơn so với dự báo, tác động nhiều mặt lên môi trường nước ta, đồng thời đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống Nhân dân và nhiều ngành kinh tế, là nguy cơ hiện hữu ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển bền vững. Các vấn đề môi trường xuyên biên giới ngày càng phức tạp, khó lường, đặt ra các yêu cầu ngày càng cao đối với công tác bảo vệ môi trường.

3. Định hướng kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững

3.1 Mục tiêu tổng quát cho giai đoạn 2016-2021

Thực hiện nhiệm vụ phát triến kinh tế - xã hội trong giai đoạn này, Chính phủ đặt ra mục tiêu tổng quát: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đối khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường... Trong đó, phấn đấu đạt được một số mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII như sau:

- Về kinh tế:  Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP khoảng 85%...

- Về xã hội: Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65 - 70%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; có 9 - 10 bác sĩ và 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0 - 1,5%/năm.

- Về môi trường: 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 85% chất thải nguy hại, 95 - 100% chất thải y tế được xử lý; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

2.2 Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững

Nhằm thực hiện có hiệu quả Văn kiện “Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9 năm 2015, ngày 10 tháng 5 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 622/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Kế hoạch hành động có các nội dung quan trọng dưới đây:

Các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam:

Mục tiêu tổng quát:

Duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững. 

Thực hiện có hiệu quả 17 mục tiêu về phát triển bền vững đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9 năm 2015 trong Văn kiện “Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”. 

Các mục tiêu cụ thể:

Các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam bao gồm 115 mục tiêu cụ mục tiêu thế, tương ứng với các phát triển bền vững toàn cầu theo Văn kiện “Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững".

Các nhiệm vụ chủ yếu và phân kỳ thực hiện: 

Các nhiệm vụ chủ yếu thực hiện trong giai đoạn 2021-2030:

Triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch hành động để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030.

Tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tập trung nguồn lực nhằm giải quyết những vướng mắc, các lĩnh vực gặp khó khăn trong quá trình thực hiện Kế hoạch hành động.

Hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu các mục tiêu phát triển bền vững, cơ chế thu thập thông tin dữ liệu phục vụ giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững.

Tiếp tục phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước theo các mục tiêu phát triển bền vững...

Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Chú trọng phát triển công nghệ môi trường, công nghệ sạch, công nghệ năng lượng mới.

  Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác giám sát, đánh giá, báo cáo tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đến năm 2030, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững kết hợp với đánh giá kết quả thực hiện Báo cáo Việt Nam 2035 và chuẩn bị xây dựng các mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ tiếp theo.

Kết luận:

Trên toàn cầu: hậu quả của tăng trưởng nhanh về kinh tế, dân số, tiêu dùng, khai thác tài nguyên không kiểm soát dẫn đến suy thoái môi trường, các hệ sinh thái tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, tác hại sức khỏe cộng đồng và an sinh xã hội. Vì vậy, nhân loại đã chọn con đường phát triển đúng đắn nhất: phát triển bền vững. Ở nước ta, phát triển bền vững đã được tiếp nhận như là định hướng chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội trong hiện tại và tương lai. 

Trong nhiều năm qua nước ta đã đạt nhiều thành tựu lớn trong phát triển kinh tế - xã hội: tăng trưởng GDP liên tục nhiều năm ở mức khá cao, kinh tế vĩ mô ổn định, an sinh xã hội ngày càng tiến bộ. Tuy nhiên, nước ta đang đối mặt nhiều thách thức về phát triển bền vững: nền kinh tế chưa vững mạnh; các chỉ số GDP, PPP/đầu người và HDI còn thấp so với nhiều quốc gia khu vực Đông Nam Á và thế giới; tài nguyên và môi trường ngày càng suy thoái; bất bình đẳng về thu nhập, cơ hội phát triển giữa các tầng lớp, vùng, dân tộc ngày càng gia tăng. Vì vậy, định hướng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” vẫn còn là mục tiêu lâu dài chúng ta phải phấn đấu kiên trì và quyết liệt bằng các chiến lược, chính sách, kế hoạch, biện pháp bứt phá; phát huy lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, tính dân chủ trong tư duy, hành động sáng tạo và hội nhập thời đại hiệu quả. Để từng bước vượt qua các thách thức này lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và mỗi người dân cần thực hiện có hiệu quả cao các chiến lược phát triển quốc gia đến năm 2030, trong đó có "Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững" của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành