1. Quan niệm về hàng nông sản
Theo Tổ chức Thương mại Thế giới, quan niệm về hàng nông sản được nêu trong Hiệp định về nông nghiệp bao gồm tất cả các sản phẩm liệt kê từ chương I đến chương XXIV và một số sản phẩm cụ thể thuộc các chương khác theo Hệ thống mô tả hài hoà chi tiết sản phẩm HS, trừ cá và các sản phẩm cá. Cụ thể, hàng nông sản được chia làm hai loại các sản phẩm nông nghiệp cơ bản (như ngũ cốc, động vật, thực vật tươi sống), các sản phẩm phái sinh (như bánh mỳ, bơ, sữa, dầu ăn...) và các sản phẩm được chế biến từ sản phẩm nông nghiệp (như bánh, kẹo, sản phẩm từ sữa, thực phẩm, rượu, bia, đồ uống bông xơ, da động vật thô…). Trong quan niệm này, WTO đã nêu phạm vi các hàng hoá có nguồn gốc từ hoạt động nông nghiệp, do vậy các hàng hoá còn lại thuộc nhóm hàng phi nông sản.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) định nghĩa mặt hàng nông sản là bất kỳ sản phẩm, hàng hoá thô hoặc đã chế biến được trao đổi mua bán trên thị trường phục vụ nhu cầu tiêu dùng của con người (ngoại trừ: nước, muối và các phụ gia khác) hoặc làm thức ăn chăn nuôi.
Theo Luật Nông nghiệp của Hoa Kỳ (năm 1926) tại khoản 451 Chương 18 đưa ra khái niệm về sản phẩm nông nghiệp hay hàng nông sản là các hàng nông nghiệp, trồngtrọt, các sản phẩm sữa, chăn nuôi và các sản phẩm của chúng, các sản phẩm của gia cầm và nuôi ong, các sản phẩm ăn được của lâm nghiệp, và bất kỳ hay tất cả các sản phẩm được nuôi hoặc sản xuất tại các trang trại, các sản phẩm chế biến hoặc sản xuất của chúng, được vận chuyển hoặc dự định được vận chuyển trong liên bang và/hoặc thương mại nước ngoài.
Tại Việt Nam, quan niệm về hàng nông sản được quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: “Nông sản là sản phẩm của các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, diêm nghiệp”. Đối với quan niệm của Việt Nam, các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản được phân loại vào nhóm ngành công nghiệp.
Cho đến nay, hầu hết các nước đều áp dụng quan niệm về hàng nông sản theo Hiệp định về nông nghiệp của WTO, vì đây là căn cứ quan trọng trong quản lý hoạt động thương mại hàng nông sản tại thị trường thế giới. Trong hoạt động thương mại thế giới, hàng nông sản có thể được phân loại gồm nhóm nông sản nhiệt đới thuộc vùng phía Nam bán cầu, nhóm nông sản ôn đới thuộc vùng phía Bắc bán cầu và nhóm nông sản cạnh tranh do có khả năng sản xuất ở cả hai khu vực. Trong đó, nhóm nông sản nhiệt đới ngầm hiểu là các loại đồ uống như chè, cà phê, ca cao, bông và các loại sợi tự nhiên, các loại quả. Với phân loại như vậy, nhóm nông sản nhiệt đới chủ yếu được sản xuất tạicác nước đang phát triển. Do vậy, hàng nông sản Việt Nam khi tham gia vào thị trường thương mại toàn cầu cần thực hiện theo Hiệp định về nông nghiệp của WTO, cụ thể đáp ứng các quy định quốc tế đối với các nhóm hàng nông sản được phân loại theo hiệp định này.
Ngoài những đặc điểm chung, hàng nông sản của Việt Nam cho thấy mức độ nhạy cảm cao so với các nhóm hàng phi nông sản nói chung và các quốc gia khác như sau:
Thứ nhất, phúc lợi đối với nông dân, hiệu quả và chất lượng của hàng nông sản chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng trong sản xuất và xuất khẩu. So với các nước có nền nông nghiệp phát triển, Việt Nam có tỷ lệ hiệu quả trong việc sử dụng các yếu tố sản xuất (như đất nông nghiệp, lao động, nước) còn thấp. Thu nhập trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp có chênh lệch ngày càng tăng, người nông dân có cuộc sống bấp bênh do tình trạng mất giá vì mùa vụ hoặc biến động giá trên thị trường thế giới. Về chất lượng hàng nông sản chưa được bảo đảm về mặt an toàn thực phẩm, bên cạnh đó các mặt hàng nông sản xuất khẩu còn thua kém về trình độ chế biến so với các nước khác.
Thứ hai, tăng trưởng sản xuất nông nghiệp của Việt Nam chưa bền vững do phụ thuộc phần lớn và tăng trưởng dựa vào quy mô, tận dụng các yếu tố đầu vào từ nguồn lực tự nhiên. Phần lớn tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam bằng cách mở rộng đất canh tác trong khi quỹ đất nông nghiệp đã dần hạn chế, chưa kể đến sự xói mòn chất lượngđất nông nghiệp do thói quen canh tác của người nông dân. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng vượt mức phân bón và các hoá chất khác đã đem đến những tác động xấu tới môi trường.
Thứ ba, hàng nông sản Việt Nam đang gặp thách thức do cạnh tranh trực tiếp về lao động, đất đai với các ngành công nghiệp và dịch vụ, xuất phát từ quá trình đô thị hoá nhanh. Ngành nông nghiệp đang dần bị thiếu hụt lao động do sự dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị, hoặc dịch chuyển sang các ngành sản xuất phi nông nghiệp và chi phí nhân công có xu hướng tăng lên gây bất lợi cho ngành. Trong khi đó, các vấn đề về môi trường là yếu tố cản trở lớn đến quá trình tăng năng suất lao động của ngành nông nghiệp.
Các đặc điểm hàng nông sản Việt Nam được phân tích trên cho thấy tính không bền vững trong sản xuất nông nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến hàng nông sản sản xuất trong nước và hàng nông sản xuất - nhập khẩu, cũng như thách thức về năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững nông nghiệp trong dài hạn.
2. Các nhân tố tác động đến nhập khẩu hàng nông sản
Phản ứng của nhập khẩu đối với tác động của các biện pháp thuộc về chính sách thương mại như thuế quan và phi thuế quan biến đổi rất đa dạng theo các nhóm ngành, lĩnh vực khác nhau, cũng như giữa các cặp quốc gia khácnhau; tuy nhiên, vẫn phụ thuộc cơ bản vào mức độ co giãn cung - cầu của thị trường hàng hoá đó. Theo Harrigan, (1995), dựa vào đặc điểm sản xuất của ngành, các nhân tố thuộc về nguồn lực được chỉ ra là yếu tố mang tính quyết định đến phía cung (thuộc về nhà xuất khẩu) và phía cầu (thuộc về phía nhà nhập khẩu). Cụ thể:
2.1. Các nhân tố tác động đến cung cầu của quốc gia xuất khẩu hoặc nhập khẩu
Thu nhập bình quân đầu người
Qua nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã chỉ ra rằng, mức thu nhập bình quân đầu người càng cao thì xu hướng nhập khẩu hàng nông sản càng lớn. Thực tế, thu nhập bình quân đầu người gia tăng cho thấy tầng lớp trung lưu càng nhiều và dẫn đến tăng nhu cầu tiêu dùng cũng như tăng khả năng sản xuất của quốc gia đó. Tuy nhiên, lượng cầu nhập khẩu của một quốc gia còn phụ thuộc vào mức thiết yếu của mặt hàng nhập khẩu. Do nông sản thuộc nhóm hàng thiết yếu, đồng thời cũng là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, do đó độ co giãn hay mối tương quan giữa thu nhập bình quân đầu người với nhu cầu nhập khẩu hàng nông sản tại Việt Nam chưa thể xác định.
Từ phía nguồn cung, quy mô kinh tế của nước xuất khẩu thường được thể hiện thông qua tổng giá trị sản phẩm quốc nội và dân số nước xuất khẩu. Quy mô kinh tế của nước xuất khẩu thường tỷ lệ thuận với lượng cùnghàng hoá, điều này tạo ra mức dư thừa đối với hàng hoa đó và gia tăng cơ hội xuất khẩu. Vì vậy, để phản ánh rõ về quy mô kinh tế, các nghiên cứu gần đây thường áp dụng mức thu nhập bình quân đầu người trong việc đo lường mối tương quan giữa quy mô kinh tế và mức cung hàng hoá của một quốc gia.
Lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp xãie Theo nghiên cứu của Morrison (1984), tỷ lệ lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp và tỷ lệ đô thị hoá có tác động đến việc thay đổi mức độ phụ thuộc vào mức cung hàng nông sản (bao gồm lượng sản xuất trong nước và lượng nhập khẩu). Bên cạnh đó, nhóm thu nhập trung bình ở khu vực đô thị thường có xu hướng tiêu dùng các thực phẩm có nguồn gốc nước ngoài hay xu hướng tiêu dùng hàng nhập khẩu thường tập trung tại khu vực đô thị. Hơn nữa, việc giảm lực lượng lao động trong khu vực nông nghiệp sẽ giảm nguồn cung mặt hàng nông sản, thực phẩm ra thị trường, từ đó tăng nhu cầu nhập khẩu hàng nông sản để đáp ứng mức tiêu thụ của thị trường trong nước.
Mức độ tập trung dân cư trên diện tích đất nông nghiệp
Sản lượng của mặt hàng nông sản phụ thuộc chính vào quy mô diện tích đất nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp được mở rộng sẽ giúp sản lượng gia tăng. Bởi lẽ, việc sản xuất các mặt hàng nông sản thực phẩm khác nhau theo nhiều loại sản phẩm, do đó một chỉ số để đánh giá năng lực sản xuất hàng nông sản là tỷ lệ tập trung dân số trên diện tích đất canh tác. Tuy nhiên, tỷ lệ này bỏ qua những yếu tố quan trọng như chất lượng đất đai và công nghệ.
Sản lượng hay giá trị hàng nông sản:
Một trong những nguyên nhân của nhu cầu nhập khẩu hàng nông sản còn xuất phát từ sự bất ổn của sản xuất hàng nông sản trong nước, hay sự thiếu hụt tạm thời (trong thời gian ngắn hạn) của nguồn cung trong nước. Đặc biệt, một số quốc gia đang phát triển nằm trong khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai và hạn hán, do đó thường xuyên gặp tình trạng thiếu hụt sản xuất lương thực hoặc phụ thuộc vào sản xuất theo thời vụ. Vì vậy, để duy trì mức tiêu dùng tăng lên, nhu cầu nhập khẩu đối với các mặt hàng nông sản sẽ tăng theo tỷ lệ thuận. Trong một số nghiên cứu, tổng giá trị hàng nông sản sản xuất trong nước được đưa vào như một nhân tố ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu. Tuy nhiên, đối với hàng nông sản, giá trị hàng nông sản không đủ phản ánh được quy mô sản xuất trong nước của một quốc gia, bởi lẽ giá trị hàng nông sản còn chịu tác động rất lớn bởi giá cả. Hơn nữa, thực tế cho thấy, hiện tượng “được mùa, mất giá” thường xảy ra tại các nước đang phát triển.
Giá tương đối của sản phẩm:
Giá tương đối của sản phẩm được xác định dựa trên tỷ lệ giữa giá nhập khẩu và giá nội địa. Theo lý thuyết chỉ ra rằng, giá nhập khẩu và giá bán tại thị trường trong nước đều là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu sản phẩm. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu hànghoá nhằm đáp ứng một trong hai mục đích tiêu dùng và sản xuất. Đối với cấp độ ngành, giá bán tại thị trường nội địa còn là tổng giá bán của yếu tố đầu vào cho sản xuất (được trả bởi nhà sản xuất nội địa).
2.2. Các nhân tố tác động đến quan hệ thương mại giữa hai quốc gia
Sự khác biệt về địa lý, trình độ kinh tế, lịch sửvàvăn hóa
Sự khác biệt về địa lý có tác động đến việc phát sinh chi phí thương mại giữa các nước. Trong các nghiên cứu về mô hình trọng lực hấp dẫn (Tinbergen (1962); Poyhonen (1963); Anderson và Van Wincoop (2003)) đã chỉ rõ, khoảng cách địa lý là nhân tố cơ bản gây cản trở đến quan hệ thương mại giữa các cặp quốc gia. Bởi lẽ, khoảng cách địa lý càng lớn thì chi phí giao dịch thương mại càng tăng vì nó tác động trực tiếp đến việc gia tăng chi phí vận chuyển. Với lý lẽ tương tự như vậy, các quốc gia thường có xu hướng giao thương với quốc gia có chung đường biên giới.
Sự cách biệt về trình độ kinh tế cũng được chứng minh là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa hai quốc gia và được dụng trong mô hình trọng hấp dẫn căn bản. Trong đó, quy mô kinh tế của các quốc gia hay trình độ kinh tế càng phát triển thì các quốc gia càng có xu hướng gia tăng thương mại quốc tế. Tuy nhiên, nếu trình độ kinh tế giữa hai quốc gia khác biệt lớn có thểdẫn đến sự khác biệt về nhu cầu tiêu dùng, thị hiếu hay chất lượng hàng hoá chênh lệch. Lúc này, nếu nước có trình độ kinh tế thấp (đóng vai trò nước xuất khẩu) sẽ gặp cản trở trong việc đáp ứng các yêu cầu từ nước có trình độ kinh tế cao hơn (đóng vai trò nước nhập khẩu). Hơn nữa, trong hầu hết các nghiên cứu trước đây, trường hợp dịch chuyển dòng thương mại phổ biến là hàng hoá xuất khẩu từ nước kém phát triển sang nước phát triển hơn. Vậy, sự khác biệt trình độ kinh tế giữa hai quốc gia trong trường hợp nghiên cứu là nước kém phát triển nhập khẩu các hàng hoá từ nước phát triển hơn sẽ tác động theo hướng nào đến thương mại là chưa rõ.
Ngoài hai yếu tố căn bản nêu trên, những khác biệt mang tính chất lịch sử, văn hóa cũng được Anderson và Van Wincoop (2003) coi là yếu tố phi kinh tế gây cản trở thương mại. Các nước có cùng đặc điểm lịch sử phát triển, phong tục tập quán và chung ngôn ngữ sẽ có xu hướng dễ dàng tiếp cận thị trường, thúc đẩy trao đổi thương mại với nhau hơn những nước không có những điểm chung này.
Chính sách thương mại quốc tế
Chính sách thương mại quốc tế là nền tảng của việc thiết lập quan hệ thương mại giữa các quốc gia. Những quốc gia thể hiện chính sách thương mại theo xu hướng tự do hoá thương mại sẽ thúc đẩy trao đổi thương mại quốc tế và ngược lại. Chính sách thương mại quốc tế của một quốc gia biểu hiện thông qua ba nhân tố quan trọng:
Thứ nhất, mức độ hội nhập kinh tế quốc tế (hay đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại, tham gia vào các khối liên kết kinh tế khu vực và quốc tế). Việc tăng cường đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại hoặc tham gia các liên kết thể hiện một nền kinh tế mở với cơ chế, chính sách tự do hoá thương mại. Tuy nhiên, việc tham gia sâu vào các liên kết kinh tế quốc tế có thể giúp các quốc gia hưởng lợi từ quá trình giảm thuế quan và các rào cản thương mại khác, nhưng cũng không tránh khỏi những yêu cầu khắt khe đặc biệt các vấn đề liên quan đến quy tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi đó. Vì vậy, đây là nhân tố thúc đẩy hay nhân tố cản trở cần được nghiên cứu thêm trong bối cảnh nghiên cứu cụ thể.
Thứ hai, thuế quan là công cụ cơ bản trong chính sách thương mại quốc tế, có tác động đến thương mại đã được nêu trong lý thuyết thương mại quốc tế. Về cơ bản, việc áp đặt thuế quan cao sẽ gây tổn thất đối với lợi ích người tiêu dùng và tổng lợi ích toàn xã hội; hơn nữa, tác động của thuế quan thể hiện rõ tính chất bảo hộ đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước và tạo sự phân biệt đối xử trong thương mại quốc tế. Do vậy, trong các đàm phán và cam kết của quốc tế, thuế quan là biện pháp chủ chốt đầu tiên mà WTO yêu cầu các quốc gia cắt giảm. Vì vậy, theo lý thuyết và thực tiễn, tác động của thuế quan đối với thương mại là tác động tiêu cực.
Thứ ba, trong chính sách thương mại quốc tế, các biện pháp phi thuế quan đang nổi lên như nhóm biệnpháp chủ chốt trong việc điều tiết các hoạt động trao đổi thương mại quốc tế. Tuy nhiên, tác động của biện pháp phi thuế quan đến thương mại còn gây nhiều tranh cãi trong nghiên cứu. Hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra tác động cản trở thương mại của các biện pháp kiểm soát định lượng tương tự như tác động của thuế quan. Tuy nhiên, trong nhóm các biện pháp phi thuế quan, các biện pháp kỹ thuật (như SPS hay TBT) lại có tác động trái ngược (tức tạo thuận lợi cho thương mại nhờ quá trình giải quyết các thất bại của thị trường) căn cứ theo khung lý thuyết căn bản của Disdier và Marette (2010). Hơn nữa, biện pháp phi thuế quan là các biện pháp thuộc chính sách ngoài thuế quan và đa dạng theo ngành, lĩnh vực, theo cặp quốc gia và các loại hình biện pháp khác nhau. Bởi vậy, tác động của biện pháp phi thuế quan đối với thương mại trong các trường hợp nghiên cứu khác nhau vẫn cần được kiểm định.
Các yếu tố thuộc về chính sách thương mại như thuế quan, mức độ hội nhập kinh tế quốc tế là những yếu tố quan trọng tác động đồng thời đến dòng trao đổi thương mại. Việc xem xét tác động của biện pháp phi thuế quan như một biện pháp thuộc về chính sách mà không đặt trong tổng thể tác động của biện pháp thuế quan sẽ không thể đánh giá được tác động một cách đầy đủ. Theo nghiên cứu của Disdier và cộng sự (2010) đã khẳng định rằng, không thể phân biệt tác động của biện pháp phi thuế quan đối với thương mại ra khỏi tác động của thuế quan. Đặc biệt, trong trường hợp phân tích hàng nông sản là nhóm hàng hóa có tốc độ cắt giảm thuế quan chậm nhất và thách thức nhất trong các cam kết quốc tế. Chính vì vậy, nghiên cứu đánh giá tác động của biện pháp phí thuế quan đối với mặt hàng nông sản cần xét trong tổng thể quan hệ của các biện pháp khác thuộc chính sách như thuế quan và mức độ hội nhập nhằm so sánh tương quan của biện pháp phi thuế quan và thuế quan đối với thương mại trong điều kiện hội nhập, mở cửa thị trường của các quốc gia.
3. Tác động của các biện pháp phi thuế quan đến hàng nông sản nhập khẩu
Cơ sở tiếp cận cơ bản để đánh giá tác động về lượng và giá của các biện pháp phi thuế quan dựa trên mô hình cung - cầu nhập khẩu. Cách tiếp cận này giúp đo lường sự gia tăng về giá cả/chi phí, các tác động hạn chế thương mại tại biên giới cũng như tác động bảo hộ, nhìn chung là các tác động qua chi phí thương mại. Theo Baldwin (1991), Deardorff và Stern (1997), đối với các biện pháp phi thuế quan dưới dạng biện pháp định lượng như hạn ngạch, hạn chế xuất khẩu tự nguyện, trợ cấp thì tác động của chúng được phân tích tương tự như tác động thuế quan thông qua quan sát sự tăng lên của giá hàng hoá nhập khẩu hay khoảng cách giữa giá thế giới và giá trong nước.
Tuy nhiên, đối với các biện pháp phi thuế quan dưới dạng các quy định (như biện pháp SPS, TBT, các biệnpháp hành chính khác) rất khó đo lường tác động dựa trên cơ chế dịch chuyển về khoảng cách giá như nêu trên. Hơn nữa, mục đích áp dụng các biện pháp này không xuất phát từ việc bảo hộ các ngành sản xuất trong nước mà trên cơ sở mục tiêu xã hội để điều chỉnh các quy định trên thị trường, Theo lý thuyết của Robert và cộng sự (1999), các mục đích nêu trên được chứng minh là dẫn đến sự dịch chuyển đường cung - cầu, từ đó dẫn đến sự thay đổi về giá cả do sự thay đổi về chi phí sản xuất hoặc thay đổi hành vi tiêu dùng. Đối với hai biện pháp điển hình là SPS và TBT, lý thuyết của Ganslandt và Markusen (2001) đã giải thích hai tác động đồng thời là tác động thúc đẩy cầu và tác động cản trở thương mại. Để cụ thể hoá khung lý thuyết về tác động của biện pháp SPS và TBT đến giá cả và lượng nhập khẩu, có thể áp dụng cơ sở lý thuyết của Disdier và Marette (2010). Cụ thể như sau:
3.1. Tác động tích cực
Biện pháp phi thuế quan tác động thúc đẩy cầu do sự dịch chuyển đường cầu
Tác động thúc đẩy cầu nhập khẩu của biện pháp phi thuế quan là do sự thay đổi về hành vi người tiêu dùng dựa trên những thông tin về hàng hoá nhập khẩu và sự tin cậy đối với việc kiểm soát chất lượng hàng hoá nhập khẩu bằng các biện pháp phi thuế quan. Hay nói cách khác, tác động tích cực được thể hiện qua việc gia tăng mức độ sẵn sàng chi trả của người tiêu dùng trong nước đối với cáchàng hoá nhập khẩu đáp ứng được các tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật nội địa. Do đó dẫn đến sự dịch chuyển đường cầu sang phải; nói cách khác là tăng nhu cầu đối với hàng hoá nhập khẩu. Tuy nhiên, việc quan sát tác động thúc đẩy cầu thông qua nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề nguy hại của hàng hoá nhập khẩu thường khó đo lường, nhưng đối với hàng nông sản, mức độ nhận thức và thay đổi hành vi của người tiêu dùng nhạy cảm cao hơn so với các mặt hàng khác.
Biện pháp phi thuế quan tác động tích cực đến phúc lợi xã hội
Tác động của biện pháp phi thuế quan đến phúc lợi xã hội phụ thuộc vào sự đánh đổi giữa lợi ích biên của người tiêu dùng và chi phí biên của nhà sản xuất. Từ góc độ của người tiêu dùng, biện pháp phi thuế quan giúp tăng độ tin cậy của người tiêu dùng đối với chất lượng hàng hoá nhập khẩu, giảm chi phí giao dịch và gia tăng nhu cầu tiêu dùng. Việc gia tăng cầu từ người tiêu dùng và chi phí áp dụng biện pháp phi thuế quan sẽ làm tăng giá cân bằng, kết quả là tạo mức chi tiêu dùng. Vì vậy, tác động của biện pháp phi thuế quan đến thặng dư tiêu dùng phụ thuộc vào lợi ích tiêu dùng đạt được (từ độ tin cậy tăng lên) so sánh với tác động tiêu cực của chi tiêu dùng. Trong trường hợp lợi ích tiêu dùng càng cao, người tiêu dùng càng sẵn sàng để chi trả ở mức giá cao hơn cho sản phẩm được áp đặt các quy định tiêu chuẩn thuộc về biện pháp phi thuế quan.
Biện pháp phi thuế quan đối với hàng nông sản nhập khẩu làm gia tăng nhận thức của người tiêu dùng và thay đối hành vi tiêu dùng liên quan đến các thuộc tính chất lượng và an toàn thực phẩm gia tăng.
Thị trường thực phẩm và tiêu dùng hàng nông sản đang dần chuyển phương thức cạnh tranh bằng giá cả sang cạnh tranh dựa trên chất lượng và mức độ an toàn của sản phẩm. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự quan tâm ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với các thuộc tính về chất lượng và an toàn của sản phẩm trong thương mại quốc tế. Hơn nữa, khi mức thu nhập của người tiêu dùng tăng lên đã ảnh hưởng đến chế độ ăn uống và hành vì ăn uống. Trong đó, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng của sản phẩm tiêu dùng cuối cùng, mà ngày càng chú ý hơn đến quy trình sản xuất và nguồn gốc của sản phẩm. Đồng thời những tác động của quá trình sản xuất hàng nông sản đến môi trường, phúc lợi xã hội và các vấn đề toàn cầu khác. Sự thay đổi này đang trở nên rõ rệt tại các nước đang phát triển, bởi tại các thị trường không hoàn hảo còn xảy ra tình trạng bất đối xứng về thông tin sản phẩm hàng hoá lưu thông. Do đó, chính phủ của các nước đang phát triển cần can thiệp vào thị trường nhằm giải quyết những vấn đề thất bại thị trường nói trên bằng việc đưa ra các quy định kiểm dịch an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn kỹ thuật hướng đến kiểm soát quy trình sản xuất và thúc đẩy việc tiêu chuẩn hoá quy trình của khu vực tư nhân.
Biện pháp phi thuế quan không phân biệt đối xử có thể tạo tác động tích cực đến thị trường nội địa, từ đó thay đổi nhận thức và năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy xuất khẩu.
Trong nghiên cứu của Marette và Beghin (2010) đã chỉ ra các biện pháp phi thuế quan áp dụng với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài mà không phân biệt đối xử có thể tạo tác động tích cực đến thị trường trong nước trong dài hạn. Nguyên do, thị trường trong nước sẽ trở nên cạnh tranh hơn hay nguồn cung co giãn hơn sẽ dẫn đến sự thay đổi về mức chênh lệch giá cả trong nước trước và sau khi áp dụng biện pháp phi thuế quan. Nếu chênh lệch giữa giá trong nước trước khi có biện pháp phi thuế quan (p) và giá trong nước sau khi có biện pháp phi thuế quan và cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài (p’’) thấp hơn mức chênh lệch giữa giá trong nước trước khi có biện pháp phi thuế quan (p) và giá trong nước sau khi áp dụng biện pháp phi thuế quan nhưng không có cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài (p’) thì khi đó biện pháp phi thuế quan đã tạo thuận lợi cho thương mại trong nước và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng. Trong dài hạn, môi trường anh tranh bình đẳng trong nước sẽ giúp thay đổi nhận thức và năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, đồng thời nâng cao năng suất để tiến tới thúc đẩy xuất khẩu.
Biện pháp phi thuế quan đối với hàng nông sản nhập khẩu làm gia tăng liên kết trong chuỗi cung ứng thựcphẩm nông nghiệp nhằm bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm
Chuỗi cung ứng phân mảnh phải đối mặt với những thách thức phối hợp và giám sát. Chuỗi cung ứng thực phẩm nông nghiệp có thể liên quan đến nhiều mối quan hệ giữa nhà cung cấp và người mua, qua đó chất lượng và độ an toàn của sản phẩm thực phẩm cuối cùng cần được bảo đảm từ sản xuất đến tiêu dùng. Các nỗ lực điều phối và giám sát làm tăng chi phí giao dịch, phức tạp hơn bởi các mức thông tin khác nhau giữa người mua và nhà cung cấp. Khi các chuỗi thực phẩm nông nghiệp được phân phối trên toàn cầu và liên quan đến các môi trường pháp lý khác nhau, vai trò của các công cụ này trong việc điều phối chuỗi cung ứng và tiêu chuẩn hóa các yêu cầu sản phẩm giữa các nhà cung cấp trở nên quan trọng hơn.
Tầm quan trọng và những thách thức liên quan đến truy xuất nguồn gốc cho phép theo dõi chính xác các sản phẩm thực phẩm dọc theo chuỗi cung ứng. Hệ thống truy xuất nguồn gốc là công cụ quan trọng để bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm trong chuỗi cung ứng thực phẩm nông nghiệp. Mục đích chính của họ là thu thập thông tin cần thiết để nhận dạng và dự báo các sản phẩm gây rủi ro cho người tiêu dùng. Để hoạt động đầy đủ, các hệ thống truy xuất nguồn gốc phải cho phép nhận dạng tất cả các đối tác trong chuỗi cung ứng và truyền thông tin đầy đủ. Xu hướng quốc tế hóa chuỗi cung ứng ngày càng tăng đã đặt ra những thách thức đáng kể đối với việc thựchiện các yêu cầu này, dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng về quy định và hợp tác.
Biện pháp phi thuế quan đối với hàng nông sản nhập khẩu giúp giải quyết các vấn đề toàn cầu liên quan đếnsức khỏe con người, động vật, thực vật và môi trường
Các biện pháp phi thuế quan thể hiện vai trò trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu như khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu và an toàn thực phẩm. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế, các biện pháp khẩn cấp đã được áp đặt ngay lập tức nhằm ngăn chặn sự thiệt hại lây lan mang tính hệ thống. Mặc dù có sự lo ngại của việc gia tăng bảo hộ thương mại để giải quyết khủng hoãng, song điều này lại càng làm gia tăng cơ chế giám sát thực hiện các biện pháp một cách công khai, minh bạch, ngăn chặn những tác động méo mó đến thị trường. Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, các quốc gia đã khuyến khích thực hiện các biện pháp phi thuế quan (đặc biệt là biện pháp kiểm dịch vệ sinh động vật, thực vật và tiêu chuẩn kỹ thuật) nhằm quản lý các thiệt hại gây ra cho mỗi trưởng, hệ sinh thái trong quá trình khai thác và san xuất. Điều này thấy rõ nhất trong việc sản xuất các mặt hàng nông sản, bởi đây là nhóm hàng khai thác lớn yếu tố đầu vào tự nhiên. Trong khi các lý do môi trường có thể thúc đẩy việc sử dụng biện pháp phi thuế quan, nhưng cũng đồng thời giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp do phải đáp ứng các quy định môi trường khắt khe. Cuối cùng, sự tiến bộ về kinh tế, xã hội và khoa học -công nghệ đã dẫn đến nhu cầu của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm cao hơn, đặt ra những thách thức mới trong việc quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó cần có các biện pháp kiểm dịch hoặc sự hài hoà các tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế nhằm đối phó với các thách thức này.
3.2. Tác động tiêu cực
Biện pháp phi thuế quan tác động cản trở thương mại đến việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp xuất khẩu
Từ góc độ của nhà sản xuất, biện pháp phi thuế quancó hai tác động cản trở thương mại bao gồm: cản trở việcgia nhập thị trường của các doanh nghiệp xuất khẩu; tácđộng làm giảm lượng cung hàng nhập khẩu.
Tác động cản trở việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp xuất khẩu: Việc áp đặt các biện pháp phi thuế quan (cụ thể nhóm biện pháp SPS và TBT) làm tăng chi phí thương mại do phải chứng nhận an toàn của sản phẩm, các chi phí trong sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia, chưa kể các chi phí ngầm trong quá trình kiểm dịch và quy trình hải quan tại các quốc gia khác nhau. Trong trường hợp, các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật thuộc biện pháp SPS và TBT của nước nhập khẩu đưa ra quá chênh lệch hoặc khác biệt so với quốc tế hoặc của nước xuất khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặp khó khăn trong việc vượt qua các biện pháp phi thuế quan củanước nhập khẩu (lúc này biện pháp phi thuế quan được hiểu như rào cản phi thuế quan, cản trở khả năng tiếp cận thị trường đối với các doanh nghiệp xuất khẩu). Tác động cản trở khả năng tiếp cận thị trường của nước nhập khẩu có thể ngầm ý thể hiện tính khắt khe và mức độ hài hoà thấp của các biện pháp SPS và TBT của nước này so với quốc tế, nhưng cũng có thể mang chủ ý bảo hộ cho một số ngành sản xuất nội địa của quốc gia đó.
Tác động làm giảm lượng cung hàng nhập khẩu: Biện pháp phi thuế quan có tác động dịch chuyển đường cung khi được áp dụng với mục đích xã hội nhằm bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, động vật, thực vật, môi trường và an ninh quốc gia. Bởi lẽ, các biện pháp này đưa ra những yêu cầu đối với nhà sản xuất nhằm tiêu chuẩn hoá quy trình sản xuất và minh bạch thông tin về sản phẩm. Những yêu cầu này thường làm tăng chi phí đáp ứng bao gồm chi phí cố định như các thủ tục chứng nhận, cải tiến quy trình, thiết bị liên quan đến kỹ thuật sản xuất và chi phí biến đổi như gia tăng thời gian giao hàng do quá trình kiểm dịch và thông quan tại biên giới, hoặc các chi phí rủi ro do khả năng bị từ chối lộ hàng. Tuy nhiên, chi phí thực thi càng thấp thì lợi ích nhà sản xuất thu được càng cao đối với các hàng hoá chịu áp đặt của biện pháp phi thuế quan. Đối với các nhà xuất khẩu, khi mức chênh lệch từ giá nhập khẩu trước và sau khi áp đặt biện pháp phi thuế quan lớn hơn mức chênh lệch giữa giá trong nước trước và sau khi áp đặt biện pháp phi thuế quan thìsẽ dẫn đến việc nhà sản xuất trong nước đạt được lợi nhuận lớn hơn so với nhà xuất khẩu. Điều này cho thấy tác động cản trở thương mại bằng việc giảm lượng nhập khẩu vào thị trường trong nước.
Sự can thiệp của chính phủ bằng các biện pháp phi thuế quan vào các mặt hàng nông sản thường mang tính bảo hộ thương mại
Bên cạnh các mục tiêu xã hội, các biện pháp phi thuế quan thường giúp dễ dàng che giấu động cơ bảo hộ thương mại của một số quốc gia nhờ sự thiếu minh bạch của chi phí và lợi ích thực sự của biện pháp này hoặc sự phức tạp chồng chéo trong các quy định tiêu chuẩn. Những biện pháp phi thuế quan kém hiệu quả (về mặt kinh tế) nhưng lại có thể giúp chính phủ đạt được các mục tiêu bảo hộ. Vì vậy, môi trường kinh doanh và cơ chế thực thi chính sách là những biểu hiện giải thích cho động cơ thực hiện một số biện pháp phi thuế quan của các quốc gia.
Như vậy, động cơ khác nhau của việc áp đặt các biện pháp phi thuế quan cũng dẫn đến các tác động thương mại khác nhau. Trong một số trường hợp, việc áp dụng biện pháp phi thuế quan giúp thúc đẩy thương mại, nhưng cũng có thể cản trở thương mại. Tác động thúc đẩy thương mại thường được nhìn nhận từ tác động về phía cầu. Ngược lại, tác động cản trở thương mại thường xuất phát từ phía cung. Thực tế, một biện pháp phi thuế quan có thể vừa hướng đến mục tiêu xã hội, nhưng cũng có thể ẩn dưới động cơ bảo hộ tinh vi. Vì vậy việc phân biệt động cơ bảohộ hợp pháp và phi hợp pháp của các biện pháp phi thuế quan là vô cùng khó khăn và khó xác định chi phí thương mại mà biện pháp phi thuế quan tạo ra không cần thiết, hoặc gây phiền nhiễu đối với doanh nghiệp.
Tuy vậy, căn cứ theo Hiệp định TBT và SPS của WTO, năm nguyên tắc cơ bản có thể được sử dụng để cân nhắc đến tính bảo hộ của các biện pháp phi thuế quan trọng việc cản trở thương mại, cụ thể như sau:
Thứ nhất, nếu việc thực thi một biện pháp hoàn toàn làm tăng chi phí (ví dụ thông qua sự chậm trễ trong kiểm tra hoặc lệ phí tùy ý) sẽ không hiệu quả và cần được loại bỏ.
Thứ hai, nếu một biện pháp được thực thi ở cấp độ mạnh hơn cần thiết để đạt được mục tiêu chính sách cụ thể, thì nó có thể có ý định bảo hộ nhờ giảm lợi nhuận của doanh nghiệp nước ngoài bằng lợi nhuận của doanh nghiệp trong nước. Một cơ chế để xác định là đặt câu hỏi liệu nó có vượt quá quy định mà chính phủ sẽ chọn nếu tất cả các nhà sản xuất là trong nước.
Thứ ba, nếu một biện pháp (dù là bắt buộc hay tự nguyện) là phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, thì bất kỳ biên độ phân biệt đối xử đều được xem là bảo hộ không cần thiết và cần loại bỏ. Thứ tư, chúng ta có thể đặt câu hỏi liệu một biện pháp được chọn có ít gây gián đoạn nhất trong giao dịch giữa các chính sách có sẵn hay không.
Thứ năm, một biện pháp có thể được coi là chủ nghĩa bảo hộ nếu nó bắt buộc phải thận trọng quá mức liên quan đến các biện pháp rủi ro khoa học và đáng tin cậy.
Căn cứ vào các đặc điểm trên, việc xác định tác động thúc đẩy cầu hay tác động cản trở thương mại của biện pháp phi thuế quan cũng cần được cân nhắc về mục đích hay động cơ thực hiện cũng như mức độ thực thi của những biện pháp này trong thực tiễn.