In trang này
Thứ sáu, 22 Tháng 10 2021 09:27

Phân tích lý thuyết tăng trưởng ngoại sinh và các nguồn lực đầu vào cơ bản trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

1. Tăng trưởng ngoại sinh và các nguồn lực đầu vào cơ bản

Solow và Swan (1956) chỉ ra khác biệt về tốc độ tăng trưởng kinh tế giữa các quốc gia tạo ra bởi năng lực huy động, tích lũy và sử dụng nguồn lực khác nhau[1]. Mô hình tăng trưởng Solow trở thành nền tảng lý thuyết “Tăng trưởng ngoại sinh”: hàm sản xuất có lợi nhuận không đổi theo quy mô. Nếu lao động và công nghệ không đối thì yếu tố quyết định tăng trưởng là vốn tiết kiệm. Nếu đầu tư còn lớn hơn khấu hao thì vốn tiếp tục tích lũy mặc dù lợi nhuận biên giảm dần. Cuối cùng nền kinh tế đạt “điểm dừng cân bằng dài hạn” khi đầu tư đủ bù đắp khấu hao, cũng là mức sản phẩm biên của nguồn lực. Từ số liệu của 113 nước giai đoạn 1960-1989, Solow chứng minh rằng, đầu tư tạo nên khác biệt kinh tế. Một quốc gia tiết kiệm và đầu tư nhiều sẽ tăng trưởng nhanh, tích tụ nhiều tư bản và đạt tới trạng thái dừng ở mức thu nhập cao hơn các nước tăng trưởng chậm, đạt tới điểm dừng ở mức tư bản tích tụ thấp hơn. Sau đây là những khái lược các khía cạnh tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam:

1. Vai trò tài nguyên và tăng trưởng kinh tế

Trần Thọ Đạt nghiên cứu kinh tế Việt Nam giai đoạn 1996- 2003 cho biết, đóng góp của lao động cho tăng trưởng kinh tế giảm, vốn và năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp ngày càng tăng[2]. Lê Xuân Bá, Nguyễn Thị Tuệ Anh[3] kết luận rằng, cải cách giai đoạn 1991-2005 tác động đến tăng trưởng kinh tế theo xu hướng chung các nước đang phát triển, 90% thay đổi sản lượng là nhờ vốn, lao động đóng góp của TFP thấp. Võ Văn Đức[4] cho biết, công nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất với tăng trưởng kinh tế và điều chỉnh tiến bộ công nghệ giai đoạn 1985-2004, vốn và lao động đóng góp 50,41% cho tăng trưởng GDP tiến bộ công nghệ góp vào GDP chỉ 0,891%. Michael Porter hướng dẫn nhóm chuyên gia viết Báo cáo Năng lực cạnh tranh cho biết, mô hình tăng trưởng hiện tại của Việt Nam là mô hình cổ điển, dựa nhiều vào hội nhập và chuyển dịch lao động chế tác[5]. Báo cáo của CIEM[6] mô tả: mô hình tăng trưởng Việt Nam phụ thuộc vào vốn đầu tư liên tục tăng và duy trì ở mức cao trong khi tỷ lệ tiết kiệm thấp, phải dựa vào nguồn vốn bên ngoài và chưa 80 dựa vào khoa học - công nghệ.

Như vậy, nhiều nghiên cứu đã chứng tỏ mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ giai đoạn đổi mới giữa thập kỷ 1980 đến gần đây là mô hình “tăng trưởng ngoại sinh”, dựa nhiều nhất vào vốn, một phần vào lao động, rất ít khoa học - công nghệ, có hiệu suất sử dụng nguồn lực kém và giảm mạnh. Tình hình này đến nay ra sao? Việt Nam vẫn áp dụng mô hình ngoại sinh trong khi vai trò của lao động giảm nhanh, tăng trưởng theo chiều rộng, chủ yếu phụ thuộc vào vốn. Trong giai đoạn 2016-2020, đóng góp của vốn trong tăng trưởng là trên 55% và đạt hiệu quả thấp (tỷ lệ vốn đầu tư/GDP tới 33,5%).

Quy luật "Hiệu suất giảm dần" của mô hình tăng trưởng nội sinh Solow thể hiện rõ với đất đai, lao động. Phần đóng góp lớn còn lại gộp chung các yếu tố khác chưa xác định được gọi là năng suất nhân tố tổng hợp” (TFP) như tác động chính sách, khoa học - công nghệ, các tài nguyên khác... Xét về tốc độ tăng của vốn, lao động và TFP tác động tới tăng trưởng GDP Việt Nam giai đoạn 2008- 2018 thì vốn có tốc độ tăng cao nhất với tốc độ tăng bình quân là 6,1%, lao động chỉ tăng 0,95% và giảm tiếp, tốc độ tăng TFP trung bình là 1,48%, đóng góp khoảng 40% cho tăng trưởng kinh tế nhưng trong đó thực chất đóng góp của khoa học - công nghệ nhỏ. Kết quả là tốc độ tăng trưởng ngày càng chậm lại.

Về hàm ý chính sách, lý thuyết Solow mở ra cơ hội “hội tụ kinh tế cho các quốc gia nghèo. Các nước xuất phát thấp có cơ hội đạt tốc độ tăng trưởng nhanh. Nếu tiết kiệm được cao, đầu tư nhiều hơn thì sẽ bắt kịp các nước giàu đang chững lại ở điểm dừng. Tuy nhiên, chỉ có các quốc gia tích lũy được vốn tư bản, vốn con người ở mức cao mới có năng lực sử dụng hiệu quả các nguồn lực này cho sản xuất[7]. Càng về sau, tỷ suất sinh lợi sẽ giảm dần và một nền kinh tế đã đến trạng thái dừng thì tỷ lệ sản lượng cho mỗi lao động chỉ tăng nhờ vào tiến bộ công nghệ. Vì thế, nếu các nước đi sau có tỷ lệ tiết kiệm hay đầu tư ít thì vẫn đạt mức thu nhập thấp ở trạng thái dừng và thu nhập giữa các quốc gia vẫn sẽ rất khác biệt.

2. Cân đối giữa tiết kiệm và đầu tư

Các nền kinh tế công nghiệp hóa dành được nhiều tiết kiệm cho đầu tư thì mới thành công. Không như các nước công nghiệp trước đây lấy được nguồn tài sản khổng lồ từ thuộc địa, các nền kinh tế mới nổi, nhất là ở châu Á phải dựa vào năng lực tiết kiệm của toàn dân để đầu tư. Tỷ lệ tiết kiệm/GDP trung bình của Hàn Quốc là 30%, Singapore là 40% trong thập kỷ 1970 và tới 40% vào những năm 1990[8]. Các nước vùng Đông Nam Á đang cố vượt khỏi bẫy “thu nhập trung bình" hiện nay cũng có mức tiết kiệm khá cao như Thái Lan (31,7%), Indonesia (31,8%), Philippines (33,8%). Trung Quốc giai đoạn 1978-2008, tiết kiệm gia đình đã tăng từ 28% lên 50% thu nhập khả dụng, nâng tỷ lệ hình thành vốn bình quân lên 40%[9], đóng vai trò chủ đạo cho tăng trưởng kinh tế. Chính sách áp chế tài chính[10] giúp ngân hàng huy động vốn nhàn rỗi trong dân cho sản xuất kinh doanh. Tỷ lệ đầu tư của Trung Quốc tăng từ 30% lên mức kỷ lục 50% GDP năm 2009.

Ở Việt Nam, tổng tiền tiết kiệm tuy tăng nhanh từ 41 nghìn tỷ đồng năm 1995 lên 1.292 nghìn tỷ đồng năm 2019[11] nhưng tỷ lệ tiết kiệm thực tế đã giảm từ 23,6% GDP giai đoạn 2006–2010 xuống còn 19% GDP trong giai đoạn 2016-2019[12], tỷ lệ tiết kiệm năm 2018 là 22,6%, thấp hơn trung bình thế giới (25,1%) và kể từ năm 2015 đã thấp hơn các nước trong khu vực. Năng lực tiết kiệm quốc gia suy giảm vì Nhà nước bội chỉ ngân sách cao kéo dài, cùng với các chu kỳ suy giảm kinh tế. Thu nhập xã hội cách biệt, khoảng 40% hộ nông thôn không có tích lũy, 84% người lao động chưa đủ sức để dành tái sản xuất mở rộng, 57% lao động làm việc phi chính thức trong các lĩnh vực phi nông nghiệp, hệ thống bảo hiểm xã hội chưa bảo đảm để người dân đưa tài sản để dành vào đầu tư. Thị trường tài chính chưa hiệu quả để huy động mọi nguồn vốn trong xã hội.

Giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu các năm 2008, 2009, tiết kiệm giảm nhưng chính sách tăng đầu tư để tăng trưởng kinh tế đã khiến thâm hụt lớn tới 9,5% GDP, dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô. Giai đoạn 2016-2020, mặc dù Việt Nam áp dụng nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư nhưng xu hướng tiết kiệm trong nước vẫn tiếp tục giảm. Hiện nay, kinh tế suy giảm vì dịch Covid-19 đã làm mức thâm hụt tiết kiệm - đầu tư lên tới 8,8% GDP nếu áp dụng chính sách đẩy mạnh đầu tư để tạo tăng trưởng phải đề phòng mất cân đối kinh tế vĩ mô.

3. Hiệu quả sử dụng viện trợ nước ngoài

Nội lực thiếu phải bù bằng ngoại lực, trước tiên là viện trợ sau đó chuyển sang vốn vay và đầu tư nước ngoài. Nguyên tắc là có thể huy động ngoại lực để tăng trưởng trước mắt nhưng chỉ có nội lực mới bảo đảm phát triển lâu dài. Vì thế, thu hút ngoại lực không để triệt tiêu mà phải khởi động và tích lũy cho được nội lực. Dù có nhiều khó khăn nhưng nhìn chung, Việt Nam có lợi thế về ngoại viện, vấn đề là có bảo đảm nguyên tắc trên hay không?

Giai đoạn 1946-1952, các nền kinh tế Đông Á đều dựa vào viện trợ của đồng minh. Nhật Bản nhận từ Mỹ 2,2 tỷ USD hỗ trợ[13], 77,2% là viện trợ không hoàn lại. Thời kỳ 1945-1990, Hàn Quốc nhận hơn 12 tỷ USD viện trợ ODA, chủ yếu từ Mỹ và Nhật Bản. Từ năm 1949 đến năm 1965, Mỹ viện trợ cho Đài Loan trên 3,7 tỷ USD. Đây là tài trợ thiết yếu để hàn gắn vết thương chiến tranh, tái thiết kinh tế và củng cố quốc phòng. Sau chiến tranh năm 1975, Việt Nam cũng nhận được giúp đỡ to lớn của đồng minh để hàn gắn thương tích chiến tranh. Trung Quốc viện trợ khoảng 0,3 tỷ USD/năm, cho đến năm 1978. Từ đó đến giữa thập kỷ 1980, Liên Xô viện trợ 0,7 triệu - 1 tỷ USD/năm cho Việt Nam.

Sau thời kỳ bị cấm vận quốc tế trong thập kỷ 1980, Việt Nam nhận được lượng viện trợ đa phương to lớn. Giai đoạn 1993-2014, tổng vốn ODA ký kết lên tới 73,68 tỷ USD, giải ngân 53,89 tỷ USD. Trong đó, viện trợ không hoàn lại 10-12%, vay ưu đãi[14] 80% và ODA hỗn hợp 8-10%[15]. Năm 2009, Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp (tổng sản phẩm quốc dân/người khoảng 1.100 USD/người). Viện trợ không hoàn lại giảm từ 20% giai đoạn 2000-2005 xuống còn 5,14% vào năm 2014 và chỉ chiếm hơn 1% tổng ODA và vay ưu đãi từ năm 2015. Tuy thế, ở thời điểm đó, Việt Nam vẫn đứng thứ ba thế giới về nhận ODA[16]. Tính đến năm 2019, Việt Nam đã nhận trên 85 tỷ USD vốn ODA và vay ưu đãi, trong đó 7 tỷ USD không hoàn lại, trên 70 tỷ USD vay lãi suất dưới 2% và 1,7 tỷ USD vay kém ưu đãi, thấp hơn lãi suất thương mại.

Những nền kinh tế công nghiệp hóa thành công đều dùng ngoại lực khơi dậy nội lực. Đài Loan từ mức gửi tiết kiệm ít ỏi 9,7% những năm 1950, thiếu hụt 16% so với đầu tư, đã bù bằng viện trợ Mỹ 6,3%, để đến thập kỷ 1960 nâng được tiết kiệm lên 20% và đến đầu năm 1970 đạt mức 31,9%, thừa đủ đáp ứng mức đầu tư trong nước (30,5%). Việt Nam suốt từ thập kỷ 1990 bắt đầu nhận nhiều viện trợ cho đến giai đoạn 2010-2017, dù đã là nước thu nhập trung bình thấp nhưng vẫn nhận nhiều ODA nhất trong ASEAN, chiếm tới 35-40% tổng vốn vào khối. Tỷ trọng ODA từ 4% GDP đầu thập kỷ 1990, xuống 3% GDP những năm 2000-2010 và giữ khoảng 2% GDP giai đoạn 2011– 2019, so với mức chưa đến 1% GDP ở các nước ASEAN khác, ODA và vay ưu đãi đang đóng góp 6,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 34,09% đầu tư từ ngân sách nhà nước. Tình trạng thiếu hụt nguồn tiết kiệm trong nước chưa được cải thiện cơ bản.

Vấn đề là sử dụng viện trợ để khởi phát nội lực. Đài Loan chi 68% viện trợ của Mỹ cho nhu cầu thiết yếu (giai đoạn 1949 - 1965: 1,28 tỷ USD cho kinh tế và 2,16 tỷ USD cho quân sự), còn lại tập trung tạo đột phá kinh tế, xã hội: cải cách ruộng đất, giao thông, viễn thông, công nghiệp chế biến. Hàn Quốc dùng viện trợ của Mỹ tập trung hỗ trợ giáo dục phổ thông, vốn gắn với kiến thức chiến lược, chính sách. Ở Đài Loan, cơ quan Hợp tác Trung - Mỹ “Tái thiết nông thôn” nghiên cứu lợi thế các vùng, đề ra kế hoạch, chính sách và điều hành triển khai cải cách ruộng đất[17]. Thập kỷ 1960, Đại học Stanford Mỹ giúp Đài Loan nghiên cứu lợi thế, xây dựng Viện Khoa học Kỹ thuật Công nghiệp, Công viên Khoa học Tân Trúc... tham mưu chiến lược công nghiệp hóa và phát triển công nghệ cao. Hàn Quốc xây dựng Viện Khoa học - Công nghệ Hàn Quốc với kinh phí 50% từ viện trợ của Mỹ và dựa vào Bartell - viện nghiên cứu hàng đầu của Mỹ để “đặt hàng” nghiên cứu và thu hút các nhà khoa học đang làm việc ở nước ngoài, hình thành cơ quan tham mưu chiến lược cho công nghiệp hóa và phát triển khoa học - công nghệ.

Ở Việt Nam, vốn ODA không hướng vào các khâu đột phá đất đai, giáo dục và khoa học, cũng không đi kèm với tư vấn chính sách, chiến lược kinh tế mà chủ yếu dành cho đầu tư kết cấu hạ tầng. Giai đoạn 1993-2012, vốn phân bổ cho kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, thông tin truyền thông, năng lượng và công nghiệp chiếm 56,3% ODA[18]. Riêng giao thông vận tải chiếm 31,2% tổng ODA giai đoạn 2011-2015 và 35,7% giai đoạn 2016-2020. Lĩnh vực môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển đô thị ưu tiên chiếm đến 27,45% tổng ODA giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020 là 18,65%. Xóa đói, giảm nghèo và phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng là trọng tâm ưu tiên nhưng chỉ chiếm khoảng 10% giai đoạn 2011-2020. Cả trong lĩnh vực môi trường hay nông nghiệp, phần đầu tư xây dựng cơ bản các công trình thủy lợi, đê điều cũng chiếm tỷ lệ lớn. Việt Nam hưởng nhiều viện trợ ODA nhưng nguồn vốn này không thể hiện đóng góp tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng GDP giai đoạn 2005-2019 tương quan âm với lượng vốn ODA giải ngân.

Hiệu quả kinh tế hạn chế của viện trợ một phần do dầu tư vào xây dựng cơ bản - một lĩnh vực rất quan trọng nhưng nhiều yếu kém về định hướng và hiệu quả; ngoài ra, tỷ lệ giải ngân thấp và chậm cũng hạn chế hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA. Giai đoạn 2001-2005, viện trợ được cam kết hơn 411 tỷ USD nhưng chỉ giải ngân được 7,8 tỷ USD[19]. Giai đoạn 2016 - 2020, giải ngân lũy kế chỉ bằng 54,5% kế hoạch, tương dương 36.96% kế hoạch trung hạn điều chỉnh[20]. Tỷ lệ giải ngân của nhóm 6 ngân hàng phát triển[21] đã giảm từ 23,1% trong năm 2014 xuống còn 11,2% trong năm 2018 (tỷ lệ toàn cầu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 21% và Ngân hàng Thế giới năm 2018 là 20,2%). Các quy định, thủ tục rất rườm rà, phức tạp từ xây dựng dự án đến thực hiện khiến cho 52% dự án chậm tiến độ vì thủ tục đấu thầu, 43% dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Từ năm 2010, Việt Nam đã là nước thu nhập trung bình thấp, vốn ODA không hoàn lại giảm từ 20% (giai đoạn 2000 - 2005) xuống còn 1% năm 2015. Tỷ lệ vốn ODA/GDP, ODA/đầu từ phát triển giảm một nửa giai đoạn 2016-2019 so với giai đoạn 2011-2015. Đóng góp của ODA và vay ưu đãi trong tổng đầu tư từ ngân sách nhà nước giảm từ 38,8% (giai đoạn 2011- 2016) xuống 27,3% (giai đoạn 2016-2020). Tuy nhiên, do nội lực của đất nước chậm củng cố, đầu tư của khối tư nhân còn ít, đầu tư công thường xuyên chậm tiến độ và hiệu quả thấp khiến dòng vốn vay thương mại từ nước ngoài tăng mạnh. Từ năm 2015, Việt Nam đã cùng Indonesia, Philippines chiếm tới 0 92% tổng nguồn vốn OOF cho ASEAN. Tỷ lệ vốn OOF[22] cho ASEAN. Tỷ lệ OOF/GDP cho Việt Nam đã tăng gấp 4 lần trong giai đoạn 2009-2017, cũng chủ yếu đầu tư vào các công trình đầu tư xây dựng cơ bản. Loại vốn này, nhất là vay của Trung Quốc đã tạo nên nguy cơ thanh toán cho nhiều quốc gia.

4. Đầu tư công

Keynes và nhiều nhà kinh tế cho rằng, đầu tư của nhà nước đóng vai trò quan trọng giúp nền kinh tế vượt qua các giai đoạn khủng hoảng, nhà nước cần can thiệp bằng tầng tổng cầu và khuyến khích đầu tư tư nhân. Tuy vậy, vai trò thúc đẩy kinh tế của nhà nước trong tình trạng bình thường thì còn nhiều tranh cãi. Việt Nam là quốc gia đầu tư khu vực nhà nước chiếm tỷ trọng lớn tuy đang giảm dần. Giai đoạn 1995-2006 chiếm hơn 52% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, giai đoạn 2006-2010 tỷ lệ đầu tư nhà nước giảm còn 39,1% và 34,4% giai đoạn 2016-2020. Đóng góp của khu vực kinh tế nhà nước trong GDP cũng giảm, từ 37,6% (năm 2005) xuống 27,1% (năm 2019). Tốc độ tăng đầu tư nhà nước giảm nhanh từ 15 năm giai đoạn 2006 - 2010, xuống khoảng 10,5% /năm giai đoạn 2011-2015 và 5,1%/năm giai đoạn 2016-2019.

Trong tổng đầu tư khu vực nhà nước thì đầu tư công từ ngân sách là nguồn chủ yếu, chiếm tỷ trọng 48,3% tổng vốn giai đoạn 2011-2018; 49,9% giai đoạn 2016-2019. Vốn từ trái phiếu cổ phần chiếm tỷ lệ tương ứng 25,3% và 27,6%. Vốn doanh nghiệp nhà nước duy trì tỷ trọng 15,5-15,8%. Tỷ trọng vốn ODA và ưu đãi có xu hướng giảm dần từ mức trung bình 12,6% giai đoạn 2011-2015 xuống còn 6,6% giai đoạn 2016-2019. Đầu tư công luôn được áp dụng trong các chính sách thúc đẩy tăng trưởng mỗi khi kinh tế gặp khó khăn như sau khủng hoảng năm 2008 hay trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hiện nay, mặc dù kết quả nghiên cứu chứng minh rằng, đầu tư công chỉ thể hiện tác động đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Có mối quan hệ rất chặt chẽ giữa đầu tư nhà nước với các nguồn vốn khác, nhất là giữa đầu tư nhà nước các năm trước với đầu tư tư nhân một thời gian sau. Giữa dầu tư nhà nước với đầu tư nước ngoài một thời gian sau cũng có quan hệ lỏng hơn. Nguồn vốn của nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, mở đường thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân thông qua xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển dịch vụ công. Tuy nhiên, đáng chú ý là tác động của đầu tư công sang đầu tư tư nhân thấp hơn vai trò của đầu tư tư nhân với đầu tư công (18,01% so với 22,57%). Ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của đầu tư công cũng thấp nhiều so với đầu tư tư nhân (21,51% so với 51,12%). Phải nhìn nhận rằng, đầu tư tư nhân là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam[23].

Đầu tư công ở các nước OECD tập trung vào cải thiện nhà ở, hệ thống giáo dục; kết cấu hạ tầng giao thông; thông tin và công nghệ thông tin; hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học; đầu tư phát triển nguồn nhân lực; công nghệ xanh và năng lượng tiết kiệm; quỹ hưu trí, hỗ trợ người lao động; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ... Ở Nhật Bản, đầu tư công tập trung vào an sinh xã hội chiếm 40-50%; công nghiệp chiếm khoảng 20%. Singapore tập trung 90% đầu tư công cho phát triển xã hội, an ninh và đối ngoại, 10% cho phát triển kinh tế và quản lý công. Ở Việt Nam, đầu tư công tập trung chủ yếu cho xây dựng cơ bản như mua sắm trang thiết bị, xây dựng công trình kiến trúc mà không đi kèm nâng cấp, bảo trì để phát huy hiệu quả, ít chú trọng đầu tư cho tài nguyên con người, công nghệ, xã hội.

Xây dựng cơ bản là lĩnh vực được ưu tiên ở hầu hết các bộ, ngành, các địa phương, trong tất cả các lĩnh vực từ phát triển sản xuất kinh doanh đến nghiên cứu khoa học, an ninh, quốc phòng, y tế, giáo dục, văn hóa,... Nhiều chính sách xã hội, môi trường, cũng lồng ghép chương trình đầu tư điện, đường, trường, trạm. Trong cơ cấu tổng chi phát triển của các cơ quan trung ương thì chi đầu tư xây dựng cơ bản chiếm 88% năm 2006 và tỷ lệ này đã tăng lên tới 98% năm 2016. Trong tổng chi ngân sách trung ương thì tỷ lệ chi đầu tư phát triển lại tăng lên nhanh, nghĩa là ngày càng có nhiều vốn dành cho đầu tư xây dựng cơ bản trong ngân sách nhà nước.

Lý do chủ yếu là: Thứ nhất chủ đầu tư muốn tranh thủ vốn. Thứ hai, để đánh dấu công tích. Tài sản cố định là chứng tích đóng góp của cá nhân và tập thể dễ được nhìn nhận. Thứ ba, lợi ích cục bộ. Mặc dù văn bản luật lệ, quy trình, chứng từ rất hợp lý, các quy định về đấu thầu, hợp đồng, kiểm tra, kiểm soát chất lượng rất rườm rà, nhưng vẫn có chỗ để hợp thức hóa sự tham gia của các bên A, B, sân sau, tạo ra những lỗ hổng, sử dụng vốn sai mục đích và kém hiệu quả. Có đơn vị, địa phương có cơ sở vật chất khang trang nhưng không có người sử dụng có trang thiết bị hiện đại nhưng không có vật tư, thiết bị đi kèm. Những sai phạm lớn, các vụ án kinh tế lớn thời gian qua thường tập trung vào các công trình đầu tư mua sắm trang thiết bị lớn trong công nghiệp, xây dựng, giao thông…

Đầu tư công của Việt Nam hằng năm rất lớn, khoảng 17 - 20% GDP so với mức dưới 5% của các nước trong khu vực như Trung Quốc 3,5%, Indonesia 1,6%. Nhà nước đầu tư nhiều, thu hẹp dư địa đầu tư tư nhân trong nhiều ngành có khả năng xã hội hóa như đào tạo (78,7%); y tế (67,2%); sản xuất và phân phối điện (74%); thông tin và truyền thông (63,5%); hoạt động chuyên môn và khoa học - công nghệ (61,2%), nghệ thuật vui chơi và giải trí (71,7%). Có rất nhiều văn bản ở các cấp định hướng đầu tư, xây dựng và sàng lọc dự án. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào định hướng và quy hoạch để phê duyệt chủ trương đầu tư từng dự án cụ thể và xếp hàng trong danh mục chuẩn bị chở cân đối ngân sách đầu tư.

Điểm yếu nhất của quy trình đầu tư công là chưa quy định cụ thể về đánh giá độc lập, trừ các dự án quốc gia do Quốc hội phê duyệt với vai trò quyết định và giám sát của các cơ quan dân cử. Một số bộ, ngành chuyên môn như Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính có chức năng nhiệm vụ theo dõi chung hoạt động đầu tư trong phạm vi quản lý, có quyền và trách nhiệm xem xét kết quả thẩm định ngành và địa phương. Trên thực tế, vì không được giao nhiệm vụ cụ thể nên các bộ cũng không có nguồn lực và động cơ để thực hiện. Bộ, ngành, địa phương sẽ tự đánh giá, thẩm định hiệu quả dự án với thời gian thường khá ngắn mà thiếu cơ quan chuyên trách, độc lập đủ năng lực. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến nguồn lực đầu tư công bị phân bổ sai lệch, lãng phí, kém hiệu quả kéo dài.

5. Đầu tư toàn xã hội

Giai đoạn 2016-2020, quy mô đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 8,9%/năm so với mức 4,98% của giai đoạn 2011-2015, trong đó đóng góp của đầu tư công giảm từ 53% giai đoạn 2001–2005 xuống còn 34,4% giai đoạn 2016-2019. FDI duy trì tỷ lệ 22,5 - 24,5% trong cả giai đoạn 2011-2019. Năm 2019, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 2.046,9 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với năm 2005[24]. Tỷ trọng khu vực tư nhân tăng từ 30,9% giai đoạn 2001-2005 lên 36,4% và 42,2% trong giai đoạn 2016 - 2019, đạt mức kỷ lục 46% năm 2019. Đầu tư tư nhân trong nước tăng 12%/năm giai đoạn 2011- 2015 và 15,6%/năm, giai đoạn 2016-2019, gấp 3 lần Nhà nước và 1,5 lần tốc độ tăng đầu tư từ khu vực FDI, đóng góp 42% GDP toàn nền kinh tế.

Kinh tế tư nhân trong nước đã khởi sắc rõ rệt nhưng chưa trở thành lực lượng chủ lực, thêm vào đó, hiệu quả chung của nền kinh tế chưa cao nên từ năm 2015 đến nay, tổng nguồn đầu tư toàn xã hội chững lại ở mức ở mức 33%/GDP. Trong khi doanh nghiệp nhà nước giữ nguyên tỷ trọng vốn, trên thực tế giảm về số lượng nhưng quy mô vốn lại tăng cao 11,2%/năm, thì đầu tư của Nhà nước giảm mạnh, nhất là vốn vay. Để bù lại, khu vực FDI đóng vai trò trong nền kinh tế ngày càng lớn. So với các nước trong khu vực vào thời điểm “tốt nghiệp ODA” (với mức GDP/người khoảng 1.900 USD) như Indonesia và Philippines năm 2008, Lào năm 2015 thì cơ cấu tài trợ cho đầu tư phát triển của Việt Nam[25] có tỷ trọng tài chính công thấp hơn và tài chính tư nhân trong nước lại càng hạn chế hơn. Kết quả là, kinh tế tư nhân trong nước chưa được mở đường để có vị thế phát triển đột phá.

Vốn đầu tư là nguồn lực chính đóng góp tới 55% mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Việt Nam huy động vốn đầu tư từ mọi nguồn: thu ngân sách nhà nước, tư nhân vay trong nước và nước ngoài, kiều hối, nhà nước vay nước ngoài, viện trợ ODA, đầu tư từ nước ngoài... Mặc dù trong kết cấu đầu tư và đóng góp cho tăng trưởng, tư nhân trong nước đóng vai trò quan trọng nhưng trong cơ cấu nguồn đầu tư, thu ngân sách vẫn đóng vai trò lớn nhất. Khả năng thu ngân sách quyết định khả năng đầu tư của Nhà nước, năng lực tiết kiệm quyết định khả năng đầu tư của nhân dân và đầu tư lại đóng vai trò lớn cho tăng trưởng.

Năm 2018, tỷ lệ thu ngân sách trên GDP của Việt Nam là 25,71%, khá cao so với Trung Quốc là 15,88% (2017), Nhật Bản là 13,13% (2018)[26], Thái Lan là 19,45%, Philippines là 15,5% và Indonesia là 13%. Nợ công trên GDP của Việt Nam ở mức 58,2%, so với thế giới chỉ đứng thứ 78/210 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng so với Hàn Quốc là 39,8%, Trung Quốc là 47,8%, Thái Lan là 41,9%, Indonesia là 28,9%, Philippines là 37,8% thì vẫn ở mức cao hơn. Tăng cường hiệu quả đầu tư công, chống tham ô, lãng phí còn quan trọng hơn tăng quy mô đầu tư[27].

6. Hiệu quả vốn đầu tư

Chỉ số ICOR toàn quốc có cải thiện chút ít từ 7,07 năm 2015 xuống 6,92 năm 2018 cho thấy dịch chuyển cơ cấu tác động tích cực đến hiệu quả sử dụng vốn. Khu vực kinh tế nhà nước giảm từ 50,8% năm 2010 xuống còn hơn 30% năm 2018; khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng từ 31,5% năm 2010 lên hơn 46% và khu vực FDI tăng từ 17,7% năm 2010 lên 23,3% năm 2018. Tuy nhiên, hệ số ICOR của Việt Nam cao hơn nhiều so với mức các nước đang phát triển (khoảng 3)[28] và cao hơn các quốc gia, vùng lãnh thổ đang trong giai đoạn chuyển tiếp lên thu nhập cao như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore hay một số quốc gia đang đầu tư phát triển như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia[29].

Hiệu quả sử dụng vốn vẫn thấp, trong đó có lý do quan trọng là nguồn vốn đầu tư từ khu vực kinh tế nhà nước bị sử dụng dàn trai, giải ngân chậm, hiệu quả thấp. Năm 2017, chỉ số ICOR của khu vực kinh tế nhà nước rất cao (12,6), vượt xa khu vực FDI (4,47) và khu vực kinh tế tư nhân trong nước (6,66). Nguồn đầu tư công tập trung vào kết cấu hạ tầng, nguồn vốn hạn chế, cơ chế quản lý còn nhiều bất cập do “tư duy nhiệm kỳ", phát triển “cục bộ”, nhiều yếu kém từ khâu quy hoạch đến phê duyệt, giám sát và thi công nên các dự án đầu tư phân tán, lãng phí, thất thoát, tiến độ chậm, kém hiệu quả.

Kết cấu thành phần kinh tế cũng tạo ra sự khác biệt của chỉ số ICOR giữa các vùng. Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung giảm mạnh từ 9,7 xuống còn 7,7; tiếp theo là vùng đồng bằng sông Cửu Long từ 6,9 xuống còn 5,7. Ngược lại, vùng Đông Nam Bộ là trọng điểm phát triển công nghiệp quan trọng nhất thì hệ số ICOR lại tăng từ 5,2 lên 6,6 và vùng trọng điểm nông nghiệp là Tây Nguyên cũng tăng hệ số ICOR từ 4,9 lên 5,3. So với mức trung bình cả nước thì ba vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long có hệ số ICOR thấp hơn, trong khi ba vùng từ duyên hải miền Trung trở ra phía Bắc đều có hệ số ICOR lớn hơn mức trung bình. Một nguyên nhân là cơ cấu vốn của thành phần kinh tế ngoài nhà nước của ba vùng từ Tây Nguyên trở vào phía Nam chiếm tỷ trọng cao hơn (hơn 49% trong tổng vốn) nên chuyển dịch cơ cấu vốn nhanh hơn và hiệu quả hơn ba vùng còn lại (41%).

So với giai đoạn 2001-2010 ở mức 38%-39%, tỷ lệ vốn/GDP giai đoạn 2016-2020 là 33,5% có giảm chút ít nhưng đã tăng hơn 31,7% mức của giai đoạn 2011-2015. Tỷ lệ này là cao so với mức của các nước ASEAN. Năm 2018, bóng dáng kém hiệu quả của cả hai khu vực kinh tế là nhà nước và FDI vẫn khá rõ nét trong tỷ lệ vốn/GDP ở các vùng: trung du miền núi phía Bắc do ngành dịch vụ và vốn của khu vực FDI, khu vực kinh tế nhà nước, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung do ngành dịch vụ, ngành công nghiệp - xây dựng và vốn của khu vực FDI và khu vực kinh tế nhà nước, vùng đồng bằng sông Hồng do nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và vốn của khu vực kinh tế nhà nước.

Tỷ trọng vốn đầu tư/GDP các vùng năm 2019[30]

Vốn đầu tư/GDPV_2018 Nông nghiệp Công nghiệp – xây dựng Dịch vụ Toàn vùng
Đồng bằng sông Hồng 28,60 70,93 48,12 57,14
Trung du miền núi phía Bắc 17,98 52,30 91,95 60,67
Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung 19,34 65,52 72,12 60,30
Tây Nguyên 24,71 73,44 59,90 48,56
Đồng bằng sông Cửu Long 4,30 12,43 10,30 9,07

Rõ ràng nguồn lực chính còn lại là vốn cũng đang giảm mạnh hiệu quả. So sánh giai đoạn 2011-2015 với giai đoạn 2016-2018, hiệu quả cận biên của vốn đầu tư đã giảm hơn một nửa, từ mức trung bình 0,47 xuống 0,18. Muốn có thêm một đơn vị tăng thêm của GDP thì phải bỏ ra ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư. Theo quy luật “Hiệu suất giảm dần” của mộ hình Solow, tình trạng thu hẹp lợi nhuận biên của vốn đang làm chậm dần tốc độ tăng trưởng kinh tế và sớm muộn sẽ đưa nền kinh tế đến trạng thái dừng tăng trưởng.

Lối thoát hiển nhiên để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng là phải chuyển từ mô hình “ngoại sinh" sang mô hình “nội sinh”. Trong mô hình của Rebelo (1992), biến vốn (K) không bó hẹp trong nhà máy và trang thiết bị mà mở rộng cho tri thức, vốn con người. Tăng trưởng không còn bị hạn chế, phụ thuộc vào biến ngoại sinh của các tài nguyên đầu tư từ bên ngoài mà bản thân các doanh nghiệp có thể tự thúc đẩy phát triển bằng cách huy động khoa học - công nghệ đem lại hiệu quả kinh tế. Các quốc gia có thể sẽ không bị rơi vào “trạng thái dừng" mà có thể tăng trưởng vĩnh viễn trong dài hạn. Sự khác biệt giữa các quốc gia lúc này vẫn là sự khác biệt về năng suất nhưng quyết định bởi mức và hiệu quả đầu tư vào vốn con người, vốn tri thức.

Tài liệu tham khảo

1. Báo cáo "A Contribution to the Theory of Economic Growth", 1956.

2. Tran Tho Dat: "Determinants of TFP Growth in Vietnam in 40 the Period of 1986-2002", 2002.

3. Lê Xuân Bá, Nguyễn Thị Tuệ Anh: Tăng trưởng kinh tế Việt 20 Nam, Nxh. Khoa học kỹ thuật, Hà Nội, 2006

4. Nghiên cứu về "Mô hình tăng trưởng kinh tế của Solow và khi 0 năng áp dụng vào đánh giá tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam"

5. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á: "Báo cáo cạnh tranh 2010", 2010

6. Báo cáo "Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên sàng tạo và đổi mới công nghệ", 2012.

7. Robert E. Hall and Charles I. Jones: "Why Do Some Coun tries Produce So Much More Output per Worker Than Others?", Quarterly Journal of Economics, 114, February 1999.

8. Young, A.: "The Tyranny of Numbers", Quarterly Journal of Economics, 110 (3), 641-680, 1995.

9. Phạm Sỹ Thành: Trung Quốc: Tăng trưởng và chuyển đổi kinh tế (1949-2009), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2011.

10. Ngân hàng Thế giới: "Dữ liệu Quốc gia - Việt Nam", 2004.

11. Chang, D. W.: "U.S. Aid and Economic Progress in Taiwan", Asian Survey, 1965, V(3), pp.152-160.

12. Báo cáo tóm tắt của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2011: "Tỉnh hình tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian qua và định hướng trong thời gian tới".

13. Quyết định số 251/QĐ-TTg ngày 17/02/2016 về Phê duyệt để án “Định hưởng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu dãi của các nhà tài trợ nước ngoài thời kỳ 2016-2020".

14. Đỗ Tất Cường, Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Vai trò của đầu từ công trong kích thích tổng cầu, hỗ tí tăng trưởng kinh tế", Tạp chí Tài Chính, ngày 10/12/2020

 


[1] Xem Báo cáo "A Contribution to the Theory of Economic Growth", 1956.

[2] Xem Trán Tho Dat: "Determinants of TFP Growth in Vietnam in 40 the Period of 1986-2002", 2002.

[3] Xem Lê Xuân Bá, Nguyễn Thị Tuệ Anh: Tăng trưởng kinh tế Việt 20 Nam, Nxh. Khoa học kỹ thuật, Hà Nội, 2006

[4] Xem Nghiên cứu về "Mô hình tăng trưởng kinh tế của Solow và khi 0 năng áp dụng vào đánh giá tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam"

[5] Xem Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á: "Báo cáo cạnh tranh 2010", 2010

[6] Xem Báo cáo "Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên sàng tạo và đổi mới công nghệ", 2012.

[7] Xem Robert E. Hall and Charles I. Jones: "Why Do Some Coun tries Produce So Much More Output per Worker Than Others?", Quarterly Journal of Economics, 114, February 1999.

[8] Xem Young, A.: "The Tyranny of Numbers", Quarterly Journal of Economics, 110 (3), 641-680, 1995.

[9] Xem Phạm Sỹ Thành: Trung Quốc: Tăng trưởng và chuyển đổi kinh tế (1949-2009), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2011.

[10] Lãi suất huy động thấp và bảo đảm bởi tỷ lệ lạm phát kiểm soát.

[11] Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Thế giới.

[12] Tính theo giá so sánh năm 2010. Báo Nhân Dân điện tử chủ nhật ngày 10/01/2021: Tỷ lệ tiết kiệm so với GDP giai đoạn 2011-2020 bình quân đạt khoảng 29%.

[13] Tương đương 20 tỷ USD theo giá hiện hành.

[14] Lãi suất thấp từ 10 đến 40 năm và ân hạn từ 5 đến 10 năm (tỷ lệ không hoàn lại ít nhất 25%).

[15] Theo dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

[16] Ngân hàng Thế giới: "Dữ liệu Quốc gia - Việt Nam", 2004.

[17] Chang, D. W.: "U.S. Aid and Economic Progress in Taiwan", Asian Survey, 1965, V(3), pp.152-160.

[18] Xem Báo cáo tóm tắt của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2011: "Tỉnh hình tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian qua và định hướng trong thời gian tới".

[19] Xem Quyết định số 251/QĐ-TTg ngày 17/02/2016 về Phê duyệt để án “Định hưởng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu dãi của các nhà tài trợ nước ngoài thời kỳ 2016-2020".

[20] Năm 2016, giải ngân đạt 42.552 tỷ đồng, bằng 81,1% dự toán; năm 2017, giải ngân đạt 56.578 tỷ đồng, bằng 76,4% dự toán; năm 2018, giải ngân đạt 32.307 tỷ đồng, bằng 53,6% kế hoạch; 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1.605 tỷ đồng, bằng 2,7% kế hoạch.

[21] Các đối tác lớn của Việt Nam, bao gồm: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Ngân hàng Xuất - nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KIW).

[22] Những khoản vay cho các dự án không nhằm mục đích phát triển và có tỷ lệ không hoàn lại dưới 25% hoặc theo lại suất thị trường.

[23] Xem Đỗ Tất Cường, Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Vai trò của đầu từ công trong kích thích tổng cầu, hỗ tí tăng trưởng kinh tế", Tạp chí Tài Chính, ngày 10/12/2020

[24] Năm 2019, tổng vốn đầu tư phát triển đạt 2.046,9 nghìn tỷ đồng; năm 2016 đạt 1.366,6 nghìn tỷ đồng; năm 2010 đạt 830,3 nghìn tỷ đồng và năm 2006 là 343,2 nghìn tỷ đồng.

[25] Việt Nam chính thức thôi nhận vốn vay ưu đãi từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới tháng 7 năm 2017.

[26] Số liệu của Ngân hàng Thế giới.

[27] Số liệu của Tổng cục Thống kê.

[28] Theo Ngân hàng Thế giới.

[29] Hệ số ICOR của Trung Quốc 2001-2006 là 3,9 với mức tăng GDP bình quân năm là 9,7%. Hàn Quốc với là 3,0 với tốc độ tăng GDP 7,9% thời kỷ 1961–1980. Thái Lan 1981-1995 tốc độ tăng 8,1% với hệ số ICOR là 41. Hệ số ICOR của Malaysia là 4,6 và tốc độ tăng bình quân năm là 7.1% những năm 1981-1995.

[30] Nguồn: tính toán theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê