1. Sự cần thiết lựa chọn tiêu chí tổng thu nhập quốc dân (GNI/người)
Chỉ số tổng thu nhập quốc dân (GNI/người) là một trong những chỉ số phản ánh sự thịnh vượng của nền kinh tế, bên cạnh các tiêu chí lượng hóa như quy mô GDP, GDP/người. Tiêu chí GNI/người được chọn là tiêu chí đầu tiên trong hệ tiêu chí vì những lý do chính sau:
Thứ nhất, một mình chỉ tiêu quy mô GDP không phản ánh được trình độ phát triển của một quốc gia khi đã đạt nước phát triển hoặc nước công nghiệp. Hiện nay, Trung Quốc và Ấn Độ là những nước có quy mô GDP vào loại đứng đầu thế giới nhưng cả hai nước này vẫn là các nước đang phát triển.
Thứ hai, chỉ tiêu GNI/người phản ánh đúng thực lực của nền kinh tế, trong khi đó, GDP/người không phản ảnh rõ thực lực của nền kinh tế. Hiện nay ở Việt Nam, mặc dù trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia có cả chỉ tiêu GDP/người và chỉ tiêu GNI/người. Mặc dù chỉ tiêu GDP/người được sử dụng một cách phổ biến hơn nhưng GDP không loại được các giá trị được tạo ra từ các doanh nghiệp nước ngoài và không tính được các giá trị do người Việt Nam làm được từ nước ngoài (GNI=GDP + giá trị sản lượng do người Việt Nam làm được ở nước ngoài - giá trị sản lượng do người nước ngoài làm ra tại Việt Nam). Chính vì thế, bản thân chỉ tiêu GDP/ người bộc lộ ngày càng rõ nhiều nhược điểm, mà chủ yếu là không phản ánh được thực lực và nội lực của nền kinh tế quốc gia.
Một đất nước có thể có GDP/người cao nhưng lại dựa trên cơ sở khai thác và xuất khẩu khoáng sản thô (trường hợp các nước xuất khẩu dầu mỏ), hoặc dựa trên cơ sở thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để khai thác lợi thế về nhân công và tài nguyên tự nhiên (trường hợp một số nước đang phát triển), không thể coi là nước phát triển hay nước công nghiệp do nội lực nền kinh tế còn thấp kém. Các nước xuất khẩu dầu mỏ có GDP/người rất cao, thậm chỉ cao hơn cả một số nước công nghiệp phát triển, nhưng không thể được coi là nước công nghiệp phát triển. Với nước đạt trình độ nước công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô thu nhập phải được tạo ra trên cơ sở khai thác có hiệu quả các nguồn nội lực và thu hút các nguồn lực từ nước ngoài gắn với ứng dụng rộng rãi những thành tựu mới của khoa học - công nghệ, đổi mới tổ chức sản xuất và quản lý kinh tế - xã hội. Hơn nữa, việc tính toán và phân tích chỉ tiêu GDP/người theo sức mua tương đương (Purchasing Power Parity - PPP) trong chừng mực nhất định có thể cho thấy mức sống của dân cư, nhưng việc so sánh quốc tế lại bị phụ thuộc vào một số yếu tố chủ quan trong tính toán (sự khác nhau trong chính sách tỷ giá hối đoái, sự khác nhau trong các loại hàng hóa được lựa chọn để tính toán so sánh...). Vì vậy, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra một cách tính GNI/người theo Atlas để loại trừ những hạn chế của cách tính theo PPP và dùng tiêu chỉ này để so sánh giữa các nước trong phân loại xếp hạng nền kinh tế của mình.
Thứ ba, chọn GNI người bảo đảm được tính so sánh với quốc tế và xác định được vị thế của Việt Nam trong quá trình phát triển. Ngân hàng Thế giới đã dựa vào GNI/người để phân loại các nền kinh tế thành bốn nhóm: nhóm có thu nhập thấp, nhóm có thu nhập trung bình thấp, nhóm có thu nhập trung bình, nhóm có thu thập trung bình cao. Vì vậy, chỉ tiêu GNI/người vừa phản ánh sự thịnh vượng của nền kinh tế, vừa phản ánh được vị thế của đất nước khi đạt mục tiêu để ra do có thể so sánh được với các nhóm nước theo phân loại của Ngân hàng Thế giới.
Thứ tư, tiêu chí GNI/người cũng là tiêu chí dễ tính toán, có tỉnh khả thi và sự phù hợp cao nên đã nhận được sự đồng thuận cao của các chuyên gia và được nhiều tác giả đề xuất trong nghiên cứu trước. Tiêu chí này không chỉ phù hợp với thông lệ quốc tế mà còn là chỉ tiêu nằm trong hệ thống các chỉ tiêu thống kê của Việt Nam.
2. Giá trị và dự báo về thời điểm đạt tiêu chí GNI/người
Từ những phân tích trên, tham khảo trình độ của các nền kinh tế công nghiệp hóa mới, đặc biệt là bốn con rồng châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Hongkong và Singapore), ở giai đoạn hoàn thành công nghiệp hóa (thập niên 80 của thế kỷ XX), vì thế mục tiêu phấn đấu GNI/người của Việt Nam được xác định trong những năm đầu khi trở thành nước công nghiệp là ngưỡng thấp nhất của nhóm nước có thu nhập trung bình cao do Ngân hàng Thế giới xác định khoảng từ 12.500 USD Atlas theo cách tính của Ngân hàng Thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. GNI/người có thể dự báo bằng ngoại suy theo mô hình hồi quy phi tuyến sau:
y(t) =a0 + a1 ert+ut
Với phương pháp ước lượng hợp lý cực đại, kết quả dự báo được mô tả như sau[1].
Năm |
GNI/người USD theo Atlas |
Năm |
GNI/người (dự báo) USD theo Atlas |
2008 | 980 | 2025 | 4.645 |
2010 | 1.250 | 2030 | 7.159 |
2012 | 1.540 | 2035 | 10.985 |
2014 | 1.880 | 2037 | 12.957 |
2016 | 2.080 | 2040 | 16.804 |
2018 | 2.400 | 2045 | 25.658 |
2020 | 2.993 | 2050 | 39.129 |
Theo kết quả dự báo trên đến năm 2037, GNI/người của Việt Nam mới đạt mức cận dưới của nhóm nước có thu nhập cao theo phân loại của WB (trên 12.000 USD), với tốc độ tăng trưởng GNI/người hiện nay là 9%. Muốn GNI/người đạt 12.957 USD vào năm 2035 thì cần tăng trưởng thêm 0,9% mỗi năm, tức là phải bảo đảm GNl/người tăng 9,9%. Đây cũng là một thách thức vô cùng lớn đối với Việt Nam. Vì tốc độ tăng dân số của Việt Nam khoảng gần 1%/năm, nên để đạt được mục tiêu tham vọng này, GNI cần có tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm liên tục trong nhiều năm.
Năm 2019, Tổng cục Thống kê đã rà soát GDP và tính lại theo cách tính mới. Với cách tính này, GDP gia tăng 25,4% so với cách cũ. Số liệu của WB theo cách tỉnh Atlas cho thấy GDP/ người bằng khoảng 1.05 lần GNI/người. Vì GNI = GDP + Thu nhập của người Việt Nam từ nước ngoài - Thu nhập của người nước ngoài tại Việt Nam. Điều này có nghĩa là thu nhập được tạo ra từ người Việt Nam ở nước ngoài trừ thu nhập của người nước ngoài tại Việt Nam bằng khoảng gần 5%. Do đó, có thể ngoại suy GNI/người theo cách tính GDP mới của Tổng cục Thống kê theo công thức:
GNI (mới) = GNI (cũ) * (1,254 - 0,05)
Theo đó, ta có kết quả dự báo sau được mô tả như sau[2]:
Năm | GNI/người (theo GDP cũ) | GNI/người (theo GDP đã điều chỉnh) |
2025 | 4.645 | 3.738 |
2030 | 7.159 | 5.802 |
2035 | 10.985 | 8.942 |
2037 | 12.957 | 13.719 |
2040 | 16.804 | 20.988 |
2045 | 25.658 | 32.047 |
2050 | 39.129 | 48.873 |
Đây là kết quả dự báo Việt Nam có thể đạt được mức cận dưới của nhóm nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Ngày 19/02/2019, trong buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phác thảo tầm nhìn quốc gia vào năm 2045 của Việt Nam và nhấn mạnh: “Việt Nam phải trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào dịp tròn 100 năm đất nước độc lập". Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu đã chia triển vọng tổng thể của Việt Nam thành hai bước đi chiến lược: “Bước thử nhất, đến năm 2035, thực hiện mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt 18.000 USD (theo báo cáo Khát vọng Việt Nam 2035 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và WB thì mức này là GDP/người theo sức mua tương đương năm 2011), đưa Việt Nam gia nhập vào hàng ngũ các nước có thu nhập cao. Bước thứ hai, nỗ lực đến năm 2045 - kỷ niệm tròn 100 năm đất nước độc lập, xây dựng Việt Nam thành một quốc gia phát triển giàu mạnh, phồn vinh, ổn định".
Việc có thể đạt được các kết quả về sự thịnh vượng kinh tế trong tương lai còn tùy thuộc nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Để bảo đảm tính so sánh được với các quốc gia khác trên thế giới, phù hợp với cách phân loại mà WB đang áp dụng, Việt Nam có thể lấy tiêu chí GNI/người (theo Atlas - cách tính của WB).
Như vậy, mặc dù cả hai tiêu chí GNI/người và GDP/người đều phản ánh quy mô của nền kinh tế, thể hiện sự giàu có, thịnh vượng của người dân và quốc gia nhưng hai tiêu chí lại có những đặc tính khác nhau. GDP phản ánh quy mô nền kinh tế và thường được dùng để tính tốc độ tăng trưởng hằng năm nhưng GDP không phản ánh thực lực của nền kinh tế do không loại bỏ được những đóng góp vào GDP từ FDI. Vì thế trong dài hạn, một quốc gia có GDP cao nhưng phụ thuộc nhiều vào FDI thì thực lực của nền kinh tế vẫn thấp. Những nước phụ thuộc vào FDI sẽ có GDP cao hơn GNI. Vì vậy, tiêu chí GNI/người sẽ phản ánh đúng thực lực và nội lực của nền kinh tế hơn và bảo đảm sự phù hợp với xu hướng quốc tế hơn, do Ngân hàng Thế giới từ năm 2000 đã sử dụng GNI/người để thay thế GDP.
Ở Việt Nam trong những năm gần đây GNI/người thường bằng 92-95% GDP/người, tốc độ tăng trưởng bình quân GNI của Việt Nam giai đoạn 2000-2017 là 10,1%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP trong giai đoạn này do tỷ trọng FDI đóng góp vào GDP có xu hướng giảm. Chúng tôi đề xuất mục tiêu phấn đấu GNI/người của Việt Nam trong hệ tiêu chỉ bằng ngưỡng cao nhất của các nước có thu nhập trung bình cao và khởi điểm của các nước có thu nhập cao theo cách phân loại của WB Dự báo năm đạt GNI/người ở mức trên 12.000 USD/người của Việt Nam là năm 2035 nếu chúng ta giữ tốc độ tăng trưởng GNI/người trung bình là 10,1% như hiện nay.
3. Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tổng thu nhập bình quân quốc dân trong thời gian tới
Hệ tiêu chí nước công nghiệp là tập hợp các tiêu chí phản ánh thành quả phát triển và đặc điểm, tính chất của một đất nước khi đạt trình độ của nước công nghiệp hay nước phát triển. Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững trong thời kỳ dài, cần có những giải pháp nhằm tăng GNI/người nhanh và vượt trội theo chủ trương phát triển đất nước được nhất quán trong đường lối và chiến lược phát triển qua nhiều kỳ Đại hội Đảng, trong đó từ Đại hội VIII (năm 1996), Đảng ta đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Mục tiêu này tiếp tục được khẳng định và ngày càng được cụ thể hóa qua các Đại hội của Đảng. Để đạt tiêu chí GNI/người ở ngưỡng của các nước có mức thu nhập cao vào năm 2035, Việt Nam cần có sự tăng trưởng cao, liên tục trong giai đoạn 2020-2035 với tốc độ tăng trưởng cao vượt trội để năm 2030 đạt mức thu nhập trung bình cao và năm 2035 bắt đầu chạm ngưỡng thấp nhất của nhóm thu nhập cao, tương dương>12.500 USD Atlas. Để làm được điều này, Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng cao và vượt bậc (tối thiểu 7%/năm) bằng những giải pháp sau:
+ Cần có kế hoạch và lộ trình rõ ràng để định hướng phấn đấu; đồng thời, khai thác những động lực mới, tạo ra đột phá trong tăng trưởng nhanh và chất lượng cao. Các động lực tăng trưởng mới là sự năng động của khu vực tư nhân, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao.
+ Thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của khu vực tư nhân, khuyến khích khu vực tư nhân khởi nghiệp và phát triển. Khu vực kinh tế tư nhân không chỉ được coi là một động lực quan trọng mà cần khẳng định là động lực cơ bản, là trụ cột chính nhằm tạo ra những bứt phá trong phát triển kinh tế phù hợp với xu thế của nền kinh tế thị trường hiện đại trong bối cảnh đẩy nhanh hội nhập kinh tế quốc tế. Các chính sách cụ thể:
- Tạo môi trường cũng như cơ hội tiếp cận bình đẳng tới các nguồn lực phát triển giữa các loại hình doanh nghiệp khác nhau, góp phần thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng;
- Tạo sự đột phá để cải cách thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh hiện nay với quyết tâm chính trị và thực chất trong thực thi, đến được với doanh nghiệp tư nhân;
- Giảm nhanh các chi phi đầu vào cho các doanh nghiệp bằng cách thúc đẩy các thị trường: vốn, lao động, đất đai..., giúp các doanh nghiệp tiếp cận các yếu tố với chi phí chính thức thấp hơn.
+ Thực hiện chuỗi giá trị cung ứng đầu vào - sản xuất - chế biến - tiêu thụ dựa trên các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa lợi thế quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao và công nghệ thân thiện môi trường, ứng phó được với biến đổi khí hậu.
- Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao.
+ Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần, hình thức sở hữu cùng phát triển bình dạng, hiệu quả, nâng cao hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước theo hướng giảm các biện pháp can thiệp trực tiếp mang tính mệnh lệnh vào kinh tế, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.
+ Xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện hệ thống thông tin kinh tế để bảo đảm thông tin khách quan, đáng tin cậy, kịp thời và minh bạch, thí điểm xây dựng một số khu kinh tế tự do, đặc khu kinh tế.
+ Huy động các nguồn vốn cho tăng trưởng kinh tế. Để đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế, cần tăng cường huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán; Đẩy mạnh hoạt động huy động vốn của các trung gian tài chính; Huy động nguồn vốn trong dân cư thông qua phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Tăng cường thu hút các nguồn vốn FDI vào các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, địa bàn ưu tiên thông qua việc cải thiện môi trường và tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư; Tạo các bước đột phá mới để thu hút kiều hối như chính sách sở hữu nhà đất, chính sách đầu tư cổ phần với Việt kiều.
+ Cần kiểm soát lạm phát và duy trì các cán cân vĩ mô ở mức hợp lý bằng cách thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng, chính sách tỷ giá linh hoạt, đồng thời bảo đảm tính bao trùm của tăng trưởng bằng việc làm cho chính sách tài khóa lũy tiến hơn, bao gồm cả giảm dần và đi đến chấm dứt trợ giá cho sử dụng năng lượng than kèm theo các biện pháp phù hợp để bảo vệ người nghèo, tiết kiệm chi thường xuyên, đưa vào áp dụng luật thuế tài sản..
+ Phát triển thị trường vốn dài hạn, thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư mạo hiểm gắn với phát triển công nghệ và sáng tạo. Đặc biệt có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và một số doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ, nhất là công nghệ trung bình và công nghiệp phụ trợ gắn với các chuỗi giá trị toàn cầu.
[1] Nguồn Kết quả dự báo của nhóm tác giả, năm 2019.
[2] Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả, năm 2019