Thứ hai, 25 Tháng 10 2021 08:36

Kinh nghiệm của Singapore trong việc áp dụng biện pháp phi thuế quan đối với hàng nông sản

1. Các phi thuế quan điển hình của Singapore áp dụng đối với nhập khẩu hàng hoá

Nhóm biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS)

Nhóm biện pháp SPS của Singapore được đánh giá là phù hợp với tiêu chuẩn chỉ dẫn quốc tế và hệ thống Codex Alimentarius, Tổ chức Thú y thế giới (The world organisation for animal health - OIE) và Hiệp ước bảo vệ thực vật quốc tế (The international plant protection convention - IPPC). Đối với những tiêu chuẩn chưa được quy ước quốc tế, Singapore đưa ra hệ thống đánh giá rủi ro riêng và đưa ra quy định dựa trên việc quản lý mức độ rủi ro tương ứng, có tính đến tác động của các yếu tố kinh tế, kỹ thuật và các yếu tố liên quan khác. Các biện pháp SPS dự phòng được đưa vào áp dụng khí những căn cứ khoa học thể hiện sự không phủ hợp hoặc rủi ro cao.

Tất cả các loại thực phẩm hoặc liên quan đến thực phẩm được quản lý bởi Cơ quan quản lý thực phẩm vàthú y Singapore (AVA). Khi doanh nghiệp tiến hành nhập khẩu xuất khẩu hoặc quá cảnh các loại thực phẩm thì đều yêu cầu đăng ký và được cấp phép bởi AVA nhằm kiểm soát mục đích thương mại của doanh nghiệp. AVA tiến hành kiểm tra các loại thực phẩm và thiết lập hệ thống cảnh báo rui ro. Tất cả các loại thực phẩm đều là đối tượng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, hoặc cơ sở sản xuất chế biến. Ví dụ, đối với các sản phẩm như sữa, chăn nuôi, thịt tươi sống, thủy hải sản được đánh giá là “có rủi ro cao" sẽ chịu sự kiểm soát chặt chẽ liên quan đến việc công nhận các trang trại và cơ sở sản xuất tại nước xuất khẩu, kiểm tra và thử nghiệm, cũng như báo cáo phân tích thí nghiệm được cấp bởi các cơ quan chức năng có liên quan của nước xuất khẩu (nhưng phải có hệ thống cấp phép và được thừa nhận lẫn nhau). Đồng thời, AVA cấp phép cho các sản phẩm này được đưa vào kinh doanh trong vòng 1 năm với mức phí đăng ký khác nhau theo các loại sản phẩm. Theo Đạo luật kiểm soát thực vật, tất cả việc nhập khẩu thực vật và các sản phẩm thực vật được quy định bởi AVA để ngăn chặn việc đưa dịch hại thực vật kỳ lạ vào Singapore và khu vực; các nhà máy sản xuất trong nước trồng trong các khu công nghệ nông nghiệp của Singapore cũng được giám sát bởi AVA. Nhà máy phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật từ nước xuất xứ. Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật được AVA cung cấp cho các nhà máy và các sản phẩm thực vật được xuất khẩu từ Singapore, để đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu Hằng năm, AVA cũng đưa ra sách hướng dẫn cập nhật các yêu cầu về SPS và TET được quy định theo các ngành.

Singapore cũng luôn cập nhật, sửa đổi các quy định và tiêu chuẩn trong Luật buôn bán thực phẩm cũng như áp dụng tiêu chuẩn và hệ thống đánh giá rủi ro của các tổ chức quốc tế về động thực vật (như OIE - Tổ chức Thú y Thế giới). Cụ thể, các điểm sửa đổi chính trong Luật buôn bán thực phẩm của Singapore đến năm 2016 là: mỡ và dầu ăn được áp dụng mức giới hạn chất béo chuyển hoá là 2g/100g của sản phẩm; ii) yêu cầu dán nhãn mác dinh dưỡng bắt buộc trong đóng gói bán lẻ các sản phẩm mỡ ăn được và dầu ăn (sửa đổi theo Luật quản lý Thực phẩm năm 2012); cấm nhập khẩu, buôn bán và quảng cáo sữa chưa qua tiệt trùng vì những tác động trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, Singapore cũng tiến hành sửa đổi điều kiện nhập khẩu đối với thịt bò và các sản phẩm liên quan. Trước đó, Singapore đã yêu cầu các nước xuất khẩu mới thiết lập quan hệ cần chứng minh 6 năm liên tục không bị phát hiện trường hợp bệnh bò điên (BSE - Bovine Spongiform Encephalopathy). Đến năm 2006, Singapore đã thiết lập quy tắc rủi ro tối thiểu phù hợp với hướng dẫn của OIE và dần mở cửa thị trường với sản phẩm này. Tháng 5 năm 2012, Singapore chính thức rút việc yêu cầu giấy chứng nhận “không xuất hiện bệnh bò điên trong 6 năm” và không giới hạn nhập khẩu đối với các sản phẩm này từ các nước được OIE công nhận là không có rủi ro đáng kể đối với BSE. Đối với các nướcđược OIE ghi nhận là có mức độ rủi ro nhất định đối với BSE sẽ được kiểm soát và đánh giá tình trạng theo hướng dẫn của OIE, đồng thời tiến hành kiểm tra tại chỗ.

Qua nghiên cứu biện pháp SPS của Singapore có thể thấy rõ hệ thống quy định liên quan đến SPS của Singapore được gắn chặt chẽ với hệ thống quy định quốc tế, bên cạnh đó, trong việc thực thi biện pháp SPS thể hiện rõ vai trò của Cơ quan quản lý thực phẩm và thú y (AVA). Quá trình sửa đổi cũng được điều chỉnh hằng năm, cùng với những tài liệu hướng dẫn đối với doanh nghiệp. Đặc biệt, thông qua việc điều chỉnh và thực thi biện pháp SPS, Singapore cũng thể hiện rõ định hướng thị trường nhập khẩu đối với một số loại thực phẩm đặc trưng (theo đánh giá có mức độ rủi ro cao) và việc đưa ra quy định liên quan SPS được quan tâm chủ yếu đến quá trình truy xuất nguồn gốc và kiểm tra kiểm dịch đến tận cơ sở sản xuất tại các nước nhập khẩu. Điều này cho thấy quá trình từ ban hành quy định đến thực thi mang tính chặt chẽ và nhất quán đồng bộ từ nhu cầu thực tế thị trưởng đến các điều lệ quốc tế theo hướng hài hoà hoá và hợp lý hoá các biện pháp SPS trong tổng thể hệ thống biện pháp phi thuế quan.

Nhóm biện pháp tiêu chuẩn kỹ thuật trong thương mại (TBT)

Hiện nay, các tiêu chuẩn kỹ thuật của Singapore được quản lý và kiểm định bởi Ban Tiêu chuẩn. Năng suất và Sáng tạo (SPRING Singapore) thuộc Bộ Thương mại vàCông nghiệp (MTI) của Singapore. SPRING Singapore có nhiệm vụ phát triển, thúc đẩy quá trình thực hiện các tiêu chuẩn và kết cấu hạ tầng để bảo đảm chất lượng, cũng như giám sát sự an toàn của các sản phẩm tiêu dùng cho các hộ gia đình. Bên cạnh đó, các cơ quan khác cũng phổi hợp tham gia xây dựng quy chuẩn kỹ thuật bao gồm: Cơ quan phát triển Inforcomm. Cơ quan quản lý thực phẩm và thú y (AVA), Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và môi trường, Cơ quan môi trường quốc gia và Ban tiện ích công cộng.

Nguyên tắc hướng dẫn tiêu chuẩn hoá của Singapore là điều chỉnh các tiêu chuẩn quốc gia theo các tiêu chuẩn quốc tế. Singapore khuyến khích việc sử dụng trực tiếp các tiêu chuẩn quốc tế. Các tiêu chuẩn quốc gia Singapore chỉ được phát triển khi không có tiêu chuẩn quốc tế tương đương phù hợp hoặc khi có nhu cầu chỉnh các tiêu chuẩn để đáp ứng các yêu cầu trong nước. Đến cuối năm 2015, Singapore đã ban hành 553 tiêu chuẩn quốc gia, chiếm 40% trong tổng số tiêu chuẩn, số còn lại là dẫn chứng từ các tiêu chuẩn quốc tế.

SPRING Singapore, Cơ quan quản lý thực phẩm và thú y, Bộ Công Thương Singapore là ba điểm hỏi đáp quốc gia theo Hiệp định TBT. Trong thời gian xem xét, Singapore không nêu lên bất kỳ mối quan tâm thương mại cụ thể nào (STC) trong Ủy ban TBT.

Chương trình tiêu chuẩn hóa của Singapore dựa trên mô hình hợp tác công - tư theo Hội đồng Tiêu chuẩn Singapore thuộc chuyên ngành (SSC) do SPRINGSingapore chỉ định. Khung thời gian để soạn thảo và phê duyệt phạm vi tiêu chuẩn mới hoặc sửa đổi từ 6-12 tháng đối với “Tham chiếu kỹ thuật", đến 12-18 tháng đối với Tiêu chuẩn Singapore (SS), bao gồm cả quy tắc thực hành. Các bản nháp dự thảo được phát hành trong khoảng thời gian nhận xét công khai 60 ngày. Sau khi được SSC chấp thuận, các tiêu chuẩn được công bố trên công báo. Các tiêu chuẩn được đánh giá lại trung bình 5 năm một lần để xem liệu chúng có nên được xác nhận, sửa đổi, lưu trữ hoặc thu hồi hay không.

Các quy định kỹ thuật được áp dụng chủ yếu trong các máy móc, viễn thông, thiết bị y tế, sản phẩm điện và điện tử, và các lĩnh vực thực phẩm. Là cơ quan an toàn cho hàng tiêu dùng hộ gia đình, SPRING Singapore quản lý Chương trình đăng ký bảo vệ người tiêu dùng (CPS) và Quy định bảo vệ hàng tiêu dùng 2011 (CGSR). Theo đề án CPS, tất cả các hàng hóa trong danh sách kiểm soát phải đáp ứng các yêu cầu an toàn cụ thể thông qua kiểm tra và chứng nhận trước khi ra thị trường, và được gắn nhãn SAFETY Mark trước khi chúng có thể được quảng cáo, giao dịch hoặc trưng bày tại Singapore.

2. Tình hình áp dụng biện pháp phi thuế của Singapore

Singapore áp dụng biện pháp phi thuế quan đối với 100% hàng hoá theo phân loại HS 8 số với tổng số 9.558 dòng sản phẩm. Số lượng biện pháp phi thuế quan ápdụng bao gồm 529 biện pháp. Theo loại hình biện pháp phi thuế quan, 59,2% trong tổng số biện pháp phi thuế quan là nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật trong thương mại (TBT) áp dụng đối với các sản phẩm như thực phẩm, động thực vật, được phẩm, dệt may và máy móc, thiết bị chiếm 59,2%, Loại hình biện pháp thông dụng thứ hai là biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật (SPS) chiếm đến 24%, tập trung vào nhóm mặt hàng thực phẩm. Trong khi, các biện pháp phi kỹ thuật (thuộc chương E và F) áp dụng đối với hàng nhập khẩu vào Singapore chỉ chiếm 7% trong tổng số biện pháp phi thuế quan, bao gồm cấp phép không tự động, hạn ngạch, cấm/hạn chế, các biện pháp kiểm soát định lượng (0,2%) và các biện pháp kiểm soát giá bao gồm thuế và phí (6,8%), các biện pháp liên quan đến xuất khẩu (9,5%). Biện pháp kiểm tra trước khi giao hàng là rất ít, thay vào đó quá trình kiểm tra hàng nhập khẩu được thực hiện bởi Cơ quan nhập cảnh và điểm kiểm tra (Immigration and Checkpoint Authority - ICA) dựa trên hổ sơ lô hàng trong quá khứ và hồ sơ kiểm soát rủi ro. Điểm đáng lưu ý là Singapore không áp dụng quy tắc xuất xứ đối với hàng hoá áp dụng thuế quan tối huệ quốc (MFN) mà chỉ áp dụng quy tắc xuất xứ đối với hàng nhập khẩu được áp dụng thuế quan ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do với Singapore.

Các biện pháp phi thuế quan của Singapore được ban hành bởi 10 bộ hoặc đơn vị quản lý chuyên ngành. Trong đó Cơ quan quản lý thực phẩm và thú y (Agri-food and Veterinary Authority - AVA) là đơn vị ban hành chủ yếu số lượng các quy định/tiêu chuẩn liên quan đến biện pháp phi thuế quan (chiếm gần 60% tổng số biện pháp phi thuế quan được ban hành). Phần lớn các biện pháp phi thuế quan được ban hành bởi AVA nhằm đảm bảo thực hiện an toàn thực phẩm, bảo vệ động thực vật, môi trường. Tất cả các loại thực vật được nhập khẩu vào Singapore đều phải qua bộ phận kiểm tra thực vật của AVA kiểm tra và cùng với những giấy tờ hải quan thông thường, chúng còn phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của nước xuất xứ. Hàng nhập khẩu là sữa, vật nuôi, thịt và cá đều được kiểm soát chặt chẽ và chỉ được nhập từ một số nước nhất định. Tiếp đến là Cơ quan khoa học chăm sóc sức khỏe (Health Sciences Authority) ban hành 38 biện pháp (tỷ trọng 7,1%) đối với các dược phẩm và độc chất. Các sản phẩm công nghiệp (như phương tiện xe máy, điều hoà, máy sấy, tủ lạnh, tivi...) được quản lý bởi Cơ quan quản lý môi trường quốc gia (National environmental agency). Có thể thấy, việc ban hành biện pháp phi thuế quan của Singapore theo nguyên tắc không tập trung, trong đó nhiều đơn vị cơ quan cũng tham gia vào quá trình ban hành thực thi biện pháp phi thuế quan, thay vì tập trung vào các bộ chuyên ngành. Thực tế, cách thức quản lý như trên cũng là một thách thức lớn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này, từ phía cơ quan hải quan của Singapore đã ban hành hướng dẫn online nhằm tạo thuận lợi cho quá trình đăng ký với từng đối tượng doanh nghiệp. Thêm nữa,Singapore cải thiện tính minh bạch cung cấp thông tin về biện pháp phi thuế quan.

3. Đánh giá chung về việc áp dụng biện pháp phi thuế quan của Singapore

Với độ mở thương mại cao, Singapore đã xây dựng hệ thống kiểm soát hải quan hiện đại, hiệu quả và thuận lợi cho doanh nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ thông tin cao, cụ thể như Hệ thống hỗ trợ thương mại và tích hợp dựa trên rủi ro (TradeFIRST), từ đó cơ quan hải quan cung cấp các biện pháp tạo thuận lợi thương mại cho từng loại doanh nghiệp được phân chia theo khung phân loại cấu trúc 5 tầng (từ cơ bản đến cao cấp). Mặc dù, hầu hết tất cả hàng hoá được miễn thuế theo khung thuế quan tối huệ quốc và không đưa ra quy định xuất xứ đối với thuế quan MFN, ngoại trừ các loại thuế quan FTA. Singapore quản lý nhập khẩu bởi các cơ quan của chính phủ về sức khoe, an toàn, an ninh và môi trường, hoặc theo các thoả thuận quốc tế. Các biện pháp phi thuế quan về cấm hạn chế nhập khẩu, cấp phép tự động hoặc không tự động đều gần như không thay đổi và chỉ áp dụng xuất phát từ lý do SPS. Hai biện pháp phi thuế quan cơ bản là biện pháp SPS và TBT được áp dụng căn bản, dựa trên nguyên tắc áp dụng trực tiếp các quy định tiêu chuẩn được quốc tế công nhận, chỉ trừ trường hợp tiêu chuẩn quốc tế chưa ban hành, hoặc không phù hợp với điều kiện nhu cầu trong nước, lúc đó mới áp dụng các tiêu chuẩn và quy định quốc gia. Chính vì thế, Singapore là nước có hệ thông phi thuế quan nhất quán và tương thích cao nhất đối với các quy định tiêu chuẩn trong Hiệp định SPS và TBT được WTO ban hành. Trong những năm gần đây, Singapore chỉ bổ sung và điều chỉnh một số luật liên quan đến quản lý thực phẩm nhưng cũng trên cơ sở hướng dẫn điều chỉnh của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE). Thêm vào đó, cơ chế kiểm soát việc thực thi các biện pháp SPS và TBT của các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung chủ yếu vào một đầu mới là Cơ quan quản lý thực phẩm và thú y (AVA) đối với biện pháp SPS và Ban Tiêu chuẩn, Năng suất và Sáng tạo đối với các biện pháp TBT.

Như vậy, quy trình từ ban hành đến thực thi và kiểm soát các biện pháp phi thuế của Singapore đều rất hiệu quả, và đem lại lợi ích cho cá doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Sửa đổi lần cuối Thứ sáu, 04 Tháng 11 2022 16:04

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành