Thứ tư, 25 Tháng 6 2014 00:00

Các giải pháp về chính sách quản lý môi trường chăn nuôi

I. Thực trạng chăn nuôi và ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi:

1. Một số kết quả đạt được:

  Trong những năm gần đây, phát triển chăn nuôi trang trại liên tục tăng mạnh, đến nay cả nước đã có trên 20.809 trang trại chăn nuôi. Đáng chú ý là chăn nuôi trang trại không chỉ đối với những vật nuôi truyền thống mà còn đang có sự dịch chuyển sang chăn nuôi đối với các loại vật nuôi hoặc động vật quí hiếm. Trong suốt những năm đổi mới, ngành chăn nuôi đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn như thị trường, bão giá đầu vào, dịch bệnh… để vươn lên không ngừng theo định hướng sẽ phát triển thành ngành sản xuất chính của nông nghiệp nước nhà ở tương lai. Hiện nay chăn nuôi lợn của Việt Nam đứng thứ 4 thế giới sau Trung quốc, Hoa Kỳ và Brazil, chăn nuôi vịt đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, số lượng trâu đứng thứ 6 thế giới. Hàng năm đạt trên 4 triệu tấn sản phẩm chăn nuôi, đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Ấn Độ. Bình quân sản phẩm chăn nuôi năm 2010 đạt trên 46kg thịt hơi, 3,5 kg sữa tươi và trên 67 quả trứng/người/năm. Trong thời gian tới, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và phát triển nhanh với thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đã đạt 1200 USD, nên nhu cầu tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi sẽ tiếp tục ngày càng tăng cao và là động lực to lớn thúc đẩy ngành này ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ.

  Thể chế hiện nay đã tạo được khuôn khổ pháp lý cho các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương có điều kiện thực hiện tốt công tác quản lý, thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường ở địa phương. Đảm bảo xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, giúp bảo vệ môi trường trong cả nước đồng thời thực hiện đúng nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa - Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi do chủ yếu là Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành. Mức khuyến khích đã được chú ý đề cao ở các quy mô chăn nuôi trang trại, chăn nuôi hướng công nghiệp. Điều này phù hợp với định hướng của ngành về phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

  Các văn bản về quản lý môi trường bước đầu đã tạo sự chuyển biến tích cực trong phần lớn hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, các chủ trang trại nuôi tập trung cũng như giúp cơ quan quản lý nhà nước có định hướng trong việc thực hiện chính sách môi trường tại địa phương. Hệ thống văn bản trong thể chế quản lý môi trường chăn nuôi hiện có đã phát huy được hiệu quả tích cực, giúp người chăn nuôi định hướng trong sản xuất, ngoài quyền lợi tạo lợi ích kinh tế cho cá nhân, tập thể, còn phải có trách nhiệm với môi trường chăn nuôi, giúp đảm bảo ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Việc ban hành các văn bản, thực hiện việc quản lý về môi trường trong chăn nuôi được thống nhất từ Trung ương đến địa phương, văn bản cấp dưới không mâu thuẫn với văn bản cấp trên đã tạo sự quản lý pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thống nhất quản lý giữa các cơ quan, Bộ, ngành có liên quan. Điều này thể hiện sự tập trung quản lý đồng bộ, phối hợp tốt giữa các Bộ, ngành trong công tác xây dựng thể chế ở lĩnh vực quản lý môi trường chăn nuôi.

  Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành dưới luật khá đầy đủ và phong phú. Lĩnh vực bảo vệ môi trường trong chăn nuôi chỉ là một lĩnh vực mới được quan tâm, chất thải là chất thải hữu cơ dễ phân hủy trong môi trường tự nhiên nên chưa thu hút được sự chú ý cao trong nghiên cứu khoa học và quản lý nhà nước so với các lĩnh vực khác như ô nhiễm trong giao thông, xây dựng,… Song đã có khá nhiều các quy định, hướng dẫn về công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi và lại không chỉ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành và do nhiều Bộ khác ban hành như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội… Về cơ bản, thể chế quản lý môi trường chăn nuôi đã khá đầy đủ. Một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do các cấp có thẩm quyền ban hành đã được xây dựng, ban hành và thường xuyên cập nhật, đổi mới để quản lý kịp thực tiễn sản xuất.

  Những năm gần đây, phong trào sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi đã được thử nghiệm và áp dụng theo các quy mô khác nhau ở nhiều địa phương. Biện pháp này đã góp phần giảm thiểu đáng kể sự ô nhiễm môi trường về mùi do chất thải vật nuôi gây ra, tại một số nơi còn cho giá trị cao về hiệu quả kinh tế và năng suất chăn nuôi. Ngày 9/10/2013, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chính thức công nhận tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới đối với “Chế phẩm sinh học BALASA N01 để làm đệm lót sinh học nuôi lợn và gà do hai tác giả TS. Nguyễn Khắc Tuấn và TS. Nguyễn Thị Tuyết Lê nghiên cứu. Cũng giống như các chương trình biogas, các chương trình dự án sử dụng nguồn kinh phí Trung ương chưa tiến hành hỗ trợ bất cứ mô hình nào cụ thể. Tuy nhiên, nhiều nơi trong cả nước đã chủ động từ nguồn kinh phí địa phương để ứng dụng cho nông hộ chăn nuôi lợn, gà đặc biệt là với chế phẩm BALASA N01. Kết quả cho thấy những tín hiệu tốt từ việc áp dụng và đã có những báo cáo đánh giá thiết thực trong quá trình chăn nuôi sản xuất.

  Hiện nay đã có hàng chục nghìn công trình khí sinh học đang hoạt động với nhiều kiểu thiết bị khí sinh học khác nhau do nhiều tổ chức thiết kế và phổ biến. Các chương trình dự án khuyến nông Trung ương chưa có mô hình hỗ trợ cụ thể đối với ứng dụng công nghệ khí sinh học biogas. Tuy nhiên, trong các hoạt động triển khai của một số dự án đã yêu cầu các hộ tham gia phải áp dụng biogas như một tiêu chí ưu tiên hàng đầu. Một số dự án cụ thể như chăn nuôi lợn an toàn sinh học và áp dụng VietGAHP; Phát triển kỹ thuật chăn nuôi và vỗ béo gia súc lớn… Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai dự án “Tăng cường năng lực cho hệ thống khuyến nông Việt Nam trong chiến lược giảm thiểu khí phát thải: Giảm thiểu khí phát thải nhà kính trong nông nghiệp” do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tài trợ; triển khai 02 mô hình tại Hà Nội và Huế về “Chăn nuôi đại gia súc áp dụng kỹ thuật cân đối khẩu phần thức ăn nhằm giảm phát thải khí nhà kính”. Các hoạt động khuyến nông liên quan đến ứng dụng công nghệ khí sinh học tập trung chủ yếu qua hệ thống khuyến nông địa phương thông qua các hoạt động thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, xây dựng mô hình… Ngoài ra, những lợi ích từ ủ phân sinh học giúp tận dụng được các phế phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi để tạo ra phân bón tốt cho cây trồng, làm giảm chi phí đầu tư trong trồng trọt như chi phí phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật; tiêu hủy các mầm bệnh có trong phân chuồng; phân hủy các hợp chất hữu cơ, khó tiêu thành dễ tiêu; làm tăng độ phì nhiêu của đất và có tác dụng cải tạo đất rất tốt… Từ những lợi ích trên, hệ thống khuyến nông các tỉnh đã có những hướng dẫn nông dân áp dụng công nghệ ủ, công nghệ chuyển giao đơn giản, giá thành thấp đồng thời mang lại hiệu quả cao.

  Phát triển các công nghệ xử lý chất thải trong chăn nuôi là rất cần thiết để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững. Để công tác chuyển giao đạt hiệu quả tới các hộ gia đình đòi hỏi có sự nghiên cứu đánh giá của các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia và chính các hộ sử dụng.....

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

 

Sửa đổi lần cuối Thứ hai, 17 Tháng 11 2014 02:04

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành