Thứ tư, 25 Tháng 6 2014 00:00

Định hướng hỗ trợ xúc tiến thương mại thủy sản đến năm 2020

I. Đánh giá thực trạng Xúc tiến thương mại và thể chế chính sách liên quan đến hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại của ngành thủy sản Việt Nam:

1. Một số kết quả ban đầu:

Trong suốt một thời gian dài vừa qua ngành thủy sản Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trở thành một ngành sản xuất định hướng xuất khẩu với nhiều sản phẩm có chất lượng, giá trị cao và hiện đã có mặt tại hơn 160 thị trường trên thế giới. Có thể nói rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn và có nhiều thời điểm thăng trầm nhưng nhìn chung sản lượng và giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn liên tục duy trì được xu hướng tăng trưởng trong những năm qua. Đặc biệt, những năm gần đây, bất chấp tình hình kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái cũng như tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu toàn cầu, ngành thủy sản Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu đáng kể. Đơn cử, năm 2013, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 6,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2012, tiếp tục là nguồn thu ngoại tệ quan trọng góp phần giúp Việt Nam ổn định cán cân kinh tế vĩ mô. Trong đó, giá trị xuất khẩu tôm đạt trên 3 tỷ USD, tăng 39%, cá tra đạt 1,76 tỷ USD, tăng 1%, mực, bạch tuộc đạt 448 triệu USD, giảm 11%. Năm 2013, xuất khẩu thủy sản tăng khả quan chủ yếu nhờ xuất khẩu tôm với tỷ trọng 46% tổng giá trị KNXK. Trong đó, tôm chân trắng chiếm vị thế quan trọng với tổng giá trị gần 1,6 tỷ USD, tăng 113%; tôm sú chỉ tăng 6,2% đạt trên 1,3 tỷ USD. Về thị trường, năm 2013, Mỹ có tổng giá trị nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam là trên 1,5 tỷ USD - tăng 27%, chiếm 22,6% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, vượt xa so với thị trường EU. Thị trường EU chỉ phục hồi từ nửa cuối năm nhờ xuất khẩu tôm tăng, với tổng nhập khẩu cả năm đạt 1,18 tỷ USD, tăng 4%. Xuất khẩu sang Nhật Bản năm 2013 cũng chững lại, với mức tăng khiêm tốn 5% đạt 1,15 tỷ USD. Xuất khẩu sang các thị trường khác ổn định hoặc tăng trưởng nhẹ, trừ Mexico giảm gần 2%.

Để đưa ngành thủy sản đạt được các thành tựu quan trọng đó, công tác xúc tiến thương mại thủy sản đã đóng một vai trò hết sức quan trọng, trước đây được Bộ Thủy sản và nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quan tâm ủng hộ mạnh mẽ. Trong bối cảnh thị trường và nền kinh tế hội nhập quốc tế như hiện nay, các mặt hàng thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức để có thể tiếp tục duy trì được khả năng tồn tại tại các thị trường truyền thống cũng như tìm kiếm các thị trường mới. Các vấn đề như cạnh tranh không lành mạnh, rào cản phi thuế quan cũng như các chính sách bảo hộ khác, thông tin thị trường… đang là những yếu tố có tác động rất lớn đối với sự sống còn và phát triển của sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Trong bối cảnh đó công tác xúc tiến thương mại sẽ càng khẳng định vị trí chủ chốt, giúp khắc phục các khó khăn về thương mại để duy trì sự phát triển bền vững của ngành. Công tác này cần được thực hiện một cách hệ thống và chủ động trong giai đoạn tới, cần có những định hướng chiến lược dài hạn, hợp lí cũng như có sự chủ động về nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại cụ thể.

Thủy sản Việt Nam được chia thành 3 vùng tương đối rõ rệt với các đặc thù sản phẩm cũng có nhiều sự khác biệt. Miền Bắc bên cạnh những sản phẩm có tính chất chung với cả nước như tôm, cá thì với đặc điểm về biển đảo và chiều dài biên giới với Trung Quốc nên có sự phát triển tương đối mạnh về các sản phẩm nuôi biển, tiêu thụ tươi sống như cá song, cá mú, tu hài, hàu… Miền Nam là vựa thủy sản chính của Việt Nam với sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra, đồng thời cũng có một số sản phẩm khác đang bắt đầu có xu hướng gia tăng mạnh như nghêu hay cá rô phi. Đối với thủy sản miền Trung, với lợi thế của 14 tỉnh, thành phố ven biển có tổng chiều dài bờ biển hơn 1.800 km tạo ra những lợi thế không nhỏ về kinh tế biển trong đó có thủy sản. Ngành thủy sản miền Trung trong đà phát triển chung của ngành thủy sản Việt Nam cũng đã tiến triển mạnh trong những năm qua, đưa giá trị sản xuất và xuất khẩu thủy sản của khu vực này lên chiếm khoảng 20% tổng giá trị sản xuất và xuất khẩu thủy sản của cả nước. Mặc dù vậy, thời gian gần đây với những biến động của thị trường thế giới, thời tiết khí hậu cũng như nhiều điều kiện khác, thủy sản miền Trung đang phải đối mặt với ngày càng nhiều khó khăn, thách thức cả trong sản xuất và thương mại thủy sản. Những sản phẩm truyền thống như tôm, mực bạch tuộc… đều có xu hướng tương đối bất ổn trong cả sản xuất và thương mại. Thậm chí, sản phẩm mang tính chất đặc thù và có giá trị cao như cá ngừ vốn rất được ưa chuộng tại những thị trường lớn như Mỹ và Nhật Bản cũng có xu hướng đi xuống. Chính vì vậy, việc rà soát và thúc đẩy xúc tiến thương mại là một trong những định hướng đúng đắn và cần được khẩn trương triển khai để có thể hỗ trợ cho ngành thủy sản miền Trung phát triển trở lại một cách bền vững.

Công tác xúc tiến thương mại thủy sản Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng kể, đóng góp to lớn vào các thành tựu đạt được trong lĩnh vực thương mại thủy sản Việt Nam. Năm 2012, giá trị xuất khẩu thủy sản chính ngạch của cả nước đạt 5,87 tỷ USD, tăng 6,3%. Trong đó, giá trị xuất khẩu thủy sản sang EU và Nga vẫn tiếp tục sụt giảm với mức lần lượt là -11% và -6,2% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với giá trị xuất khẩu 1.085,354 triệu USD và 94,168 triệu USD. Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 3 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam với giá trị đạt lần lượt là 1.149,271 triệu USD, tăng 8,5%; 1.050,811 triệu USD, tăng 17,2% và 487,983 triệu USD, tăng 13,7 triệu USD so với cùng kỳ năm 2011.

  Theo Hải quan Việt Nam năm 2012, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt giá trị 2,1 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2011. Điều này cho thấy để giá trị xuất khẩu tôm năm 2012 đạt được bằng năm 2011 là tương đối khó khăn. Riêng trong tháng 11/2012, xuất khẩu tôm Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều giảm dẫn tới xuất khẩu tôm cả nước trong tháng này đạt 207 triệu USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản giảm 5,3%, Mỹ giảm 10,8%, EU giảm 13,1%. Trung Quốc và Hàn Quốc là 2 thị trường trong 5 thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam tăng trưởng dương trong tháng 11, theo đó Trung Quốc đạt 19,95 triệu USD, tăng 14% và Hàn Quốc đạt 21,75 triệu USD, tăng 19,2%  so với tháng 11/2011.

Tổng giá trị xuất khẩu cá tra năm 2012 đạt 1,667 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ 2011.  EU, Mỹ, khối ASEAN, Mexico và Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cá tra Việt Nam lớn nhất.  EU là thị trường tiêu thụ lớn nhất đạt 407,1 triệu USD, tuy nhiên con số này lại giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2012. Giá trị nhập khẩu cá tra Việt Nam của Mỹ và Trung Quốc tăng mạnh; Mỹ đạt 346,5 triệu USD, tăng 17,7%; ASEAN đạt 106,1 triệu USD, tăng 3,9% và Trung Quốc đạt 69,1 triệu USD, tăng tới 40,4% so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ năm 2012 tăng mạnh, giá trị đạt 544,694 triệu USD, tăng 58,4% so cùng kỳ năm 2011, chiếm gần 8% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Năm qua, trước khó khăn về kinh tế, xu hướng thắt chặt chi tiêu của các nước trên thế giới, trong khi hai mặt hàng chủ lực là tôm giảm và cá tra giữ nguyên mức thì cá ngừ tạo được bứt phá. Cá ngừ của Việt Nam đã có mặt trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới. Dẫn đầu thị trường nhập khẩu cá ngừ Việt Nam, giá trị nhập khẩu của Mỹ đạt hơn 237,9 triệu USD. Nguyên nhân, các nước cung cấp cá ngừ chủ đạo cho Mỹ giảm nên doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt thời cơ này. Đứng thứ hai là EU, với 106,8 triệu USD. Bên cạnh đó, Đức và Italy là hai nước thuộc khối EU đều tăng giá trị nhập khẩu mặt hàng này lần lượt là 74,5% và 78% so cùng kỳ năm 2011, nhất là Tây Ban Nha với mức tăng hơn 127%. Ngoài ra, các thị trường khác như: Hàn Quốc đạt mức tăng trưởng mạnh nhất, tới 1.299% so cùng kỳ năm 2011; tiếp đó là Mexico tăng 407,2%; Tunisia 200,1%; Israel 179%.

Công tác thông tin, dự báo thị trường được cải thiện hơn so với những năm trước, qua đó đã có những tham mưu, đề xuất cơ chế chính sách kịp thời; công tác xúc tiến thương mại nước ngoài được đảm bảo như tham gia gian hàng và tổ chức quảng bá sản phẩm tại thị trường Mỹ và thị trường Nga; đồng thời đã tiến hành khảo sát thị trường tại một số thị trường mới như Trung Đông, Campuchia, Hàn Quốc... Cùng với đó, cục cũng đã phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản giải quyết hiệu quả các rào cản kỹ thuật ở các thị trường nhập khẩu, xử lý nghiêm những lô hàng xuất khẩu của Việt Nam bị cảnh báo tại các thị trường EU, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Trong năm 2014 và những năm tới, tình hình tiêu thụ nông lâm thủy sản Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn do kinh tế thế giới phục hồi chậm sau suy thoái, các thị trường lớn ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Để tháo gỡ khó khăn, Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối sẽ tập trung nguồn lực vào công tác thông tin thị trường bởi đây chính là chỗ dựa cho các doanh nghiệp và nhà sản xuất cũng như nhà quản lý nhằm nắm bắt kịp thời diễn biến thị trường và có chỉ đạo, đề xuất, xử lý phù hợp trước các biến động của thị trường trong và ngoài nước. Ngoài ra, để đảm bảo ổn định sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu, cục đề xuất các cơ quan chức năng cần chủ động theo dõi sát, chủ động đàm phán giải quyết các vụ đưa tin sai sự thật về hàng nông sản Việt Nam và tháo gỡ rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu, đồng thời thực hiện nghiêm việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật vào Việt Nam.

Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết đã lên phương án xây dựng và chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình xúc tiến thương mại năm 2014 theo hướng nông dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng tại nước ngoài tiếp cận được thông tin về thị trường hàng hóa nông lâm thủy sản Việt Nam. Trong năm 2014, ngoài công tác phối hợp chỉ đạo triển khai thực hiện thí điểm Quy chế tạm trữ lúa gạo hỗ trợ trực tiếp cho nông dân trồng lúa tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cục sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đề án 4 triệu tấn kho chứa lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long đồng thời tổ chức thực hiện dự án "điều tra về thực trạng chế biến bảo quản nông lâm thủy sản trong các loại hình tổ chức sản xuất" và dự án "điều tra thực trạng chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè và đề xuất nâng cao giá trị gia tăng ngành chè”.

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Sửa đổi lần cuối Thứ hai, 17 Tháng 11 2014 02:06

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành