Thứ hai, 24 Tháng 3 2014 00:00

Tổng quan về dịch vụ xã hội

I. KHÁI NIỆM, ĐẶC TRƯNG VÀ BẢN CHẤT CỦA DỊCH VỤ XÃ HỘI:

1. Khái niệm “dịch vụ” và “dịch vụ xã hội”:

  Dịch vụ: Dịch vụ là những hoạt động lao động mang tính xã hội, tạo ra các sản phẩm hàng hóa tồn tại chủ yếu dưới hình thái vô hình, không dẫn đến việc chuyển quyền sở hữu nhằm thỏa mãn kịp thời các nhu cầu sản xuất và đời sống của con người.

  Dịch vụ xã hội: Dịch vụ xã hội là những dịch vụ đáp ứng các nhu cầu cộng đồng và cá nhân nhằm phát triển xã hội, có vai trò đảm bảo phúc lợi và công bằng xã hội, đề cao giá trị đạo lý, nhân văn, vì con người, là hoạt động mang bản chất kinh tế - xã hội, do nhà nước, thị trường hoặc xã hội dân sự cung ứng, tùy theo tính chất thuần công, không thuần công hay tư của từng loại hình dịch vụ, bao gồm các lĩnh vực: giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, văn hóa - thông tin, thể dục - thể thao và các trợ giúp xã hội khác.

2. Đặc trưng, mối quan hệ giữa dịch vụ xã hội với dịch vụ công và dịch vụ kinh tế:

2.1. Dịch vụ xã hội với dịch vụ công

  Dịch vụ công: Là những dịch vụ đáp ứng các nhu cầu cơ bản, thiết yếu của người dân và cộng đồng, đảm bảo ổn định và công bằng xã hội do nhà nước chịu trách nhiệm, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Dịch vụ công gồm ba bộ phận: dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp và dịch vụ công ích.

  Dịch vụ hành chính công: Là các dịch vụ thuộc trách nhiệm của nhà nước, phục vụ trực tiếp cho các tổ chức và công dân theo luật định nhằm đảm bảo xã hội vận hành theo trật tự và quy tắc quản trị xã hội của cơ quan quyền lực nhà nước mà không thể ủy thác cho bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào ngoài cơ quan hành pháp thực hiện, bao gồm: cấp phép; cấp giấy xác nhận; công chứng giấy tờ; giữ gìn trật tự nơi công cộng, phòng chống thiên tai.

  Dịch vụ sự nghiệp công: Chủ yếu cung cấp các hàng hóa công dưới dạng phúc lợi công cộng cho dân cư như: giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học, thể dục, thể thao, nghỉ ngơi, giải trí, bảo hiểm, an sinh xã hội…

  Dịch vụ công ích: Là hoạt động cung cấp các hàng hóa dịch vụ có tính chất kinh tế đáp ứng nhu cầu vật chất thiết yếu cho sinh hoạt của người dân, gắn với việc cung ứng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật cơ bản như: cung cấp nước sinh hoạt, thoát nước, vệ sinh môi trường, cây xanh, chiếu sáng, giao thông, vận tải công cộng, tài chính, ngân hàng, kho bạc nhà nước, bảo hiểm, nhà ở xã hội…

2.2. Dịch vụ xã hội với dịch vụ kinh tế

  Dịch vụ xã hội có quan hệ tương tác cộng sinh với dịch vụ kinh tế. Cộng sinh bởi chúng cùng tham gia vào tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, dịch vụ này tạo khả năng phát triển cho dịch vụ khác. Kết quả tăng trưởng của dịch vụ kinh tế tạo nguồn thu để đầu tư phát triển, mở rộng quy mô, hiện đại hóa khu vực dịch vụ xã hội xét cả trên phạm vi quốc gia, địa phương lẫn mỗi doanh nghiệp.

  Phát triển dịch vụ kinh tế thuần túy còn tạo nên thị trường giải quyết đầu ra của sản phẩm dịch vụ xã hội như: việc làm, sở hữu trí tuệ khi có những con người đủ sức khỏe, tâm lý lành mạnh, đủ sức sáng tạo, phát minh, sáng chế. Ngược lại, dịch vụ xã hội lại tạo yếu tố đầu vào quan trọng góp phần nâng cao sức cạnh tranh của dịch vụ kinh tế thuần túy bằng phát triển nguồn nhân lực có trình độ, văn hóa, được chăm sóc sức khỏe tốt.

  Đồng thời, dịch vụ xã hội có khác biệt với dịch vụ kinh tế. Khác biệt trước hết thể hiện ở chỗ dịch vụ kinh tế thường đặt mục tiêu lợi nhuận là cao nhất, còn dịch vụ xã hội không chỉ vì mục tiêu lợi nhận mà bị điều tiết bởi yếu tố đạo đức, nhân văn; một bên đánh giá chất lượng bằng giá cả trên thị trường còn bên kia lại đánh giá bằng mức độ hài lòng của khách hàng và cộng đồng xã hội trong cả một quá trình lâu dài.

2.3. Đặc trưng của dịch vụ xã hội

  Chất lượng dịch vụ xã hội không thể thuần túy được đánh giá bằng giá cả trên thị trường như các dịch vụ khác mà chủ yếu được xem xét ở mức độ hài lòng của người dân với số lượng, cơ cấu, phương thức, thời gian, không gian, sự thuận tiện, trình độ văn minh, ứng xử văn hóa… trong cung ứng dịch vụ.

  Hiệu quả của hầu hết các dịch vụ xã hội không chỉ được xem xét ở khả năng tác động đến sự phát triển của cá nhân đối tượng thụ hưởng dịch vụ mà còn xem xét các tác động gián tiếp đối với toàn thể xã hội; không chỉ thu được kết quả ngay lập tức khi diễn ra hoạt động dịch vụ mà còn kéo dài cả một quá trình sau đó gắn với chu trình trưởng thành của con người, của lao động cũng như sự phát triển xã hội lành mạnh, hài hòa.

  Dịch vụ xã hội tác động đến con người nên bất luận dịch vụ xã hội thuần công, không thuần công hay cả cá nhân thì yếu tố đạo đức, nhân văn luôn là cốt lõi của kết cấu. Thoát ly yếu tố đạo đức, nhân văn trong phát triển dịch vụ xã hội sẽ làm biến dạng bản chất của dịch vụ xã hội, tức là không hướng tới mục tiêu đích thực phát triển con người lành mạnh, hài hòa.

  Do dịch vụ xã hội bị chế ước mạnh mẽ của yếu tố đạo đức, nhân văn cho nên các nguyên tắc thị trường vận dụng trong phát triển dịch vụ xã hội không hoàn chỉnh, vai trò của nhà nước và xã hội dân sự được đề cao trong cả tổ chức cung ứng và quản lý dịch vụ.

  Dịch vụ xã hội do bị chi phối bởi yếu tố đạo lý, nhân văn - những giá trị phổ quát của nhân loại cho nên phát triển dịch vụ xã hội ngày càng được quan tâm trên cấp độ toàn cầu với sự can dự của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ xuyên quốc gia. Phát triển dịch vụ xã hội cũng vì thế liên quan trực tiếp đến đảm bảo các quyền con người cơ bản về học hành, chữa bệnh, bình đẳng giới, đảm bảo an sinh và an ninh.

3. Bản chất kinh tế - xã hội của dịch vụ xã hội:

  Mang bản chất kinh tế bởi dịch vụ xã hội là đối tượng của kinh tế học dịch vụ, có thể xem xét cả ở khía cạnh kinh tế vĩ mô lẫn khía cạnh kinh tế vi mô. Ở khía cạnh kinh tế vĩ mô, dịch vụ xã hội là một bộ phận hợp thành ngành kinh tế dịch vụ của đất nước mà bất kỳ lựa chọn chiến lược tăng trưởng và phát triển như thế nào đều phải tính đến. Ở khía cạnh kinh tế vi mô, mọi đơn vị cung ứng dịch vụ xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, có cạnh tranh, luôn phải tự đặt ra và tự giải đáp các câu hỏi: Cần tạo ra dịch vụ gì, dịch vụ cho ai và tổ chức cung ứng dịch vụ như thế nào? Chính vì thế, dịch vụ xã hội trở thành một bộ phận cấu thành ngành kinh tế dịch vụ trong việc tạo ra tổng sản phẩm quốc dân hoặc tổng sản phẩm quốc nội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết lao động và việc làm, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

  Mang bản chất xã hội bởi dịch vụ xã hội hướng tới mục tiêu phục vụ cho sự phát triển xã hội, dù với tư cách cộng đồng hay cá nhân, được vận hành có hiệu quả khi có sự tham gia của các chủ thể đa dạng trong xã hội. Bản thân khái niệm “dịch vụ xã hội” tự nó đã nói lên bản chất xã hội của loại hình dịch vụ này.

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Sửa đổi lần cuối Thứ ba, 04 Tháng 11 2014 07:49

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành