Thứ sáu, 25 Tháng 3 2022 00:30

Giới thiệu các nguyên tắc bảo hộ phần mềm theo quy định của một số điều ước quốc tế

1. Nguyên tắc đối xử quốc gia

Nguyên tắc đối xử quốc gia (national treatment) được khái quát là nếu chính quyền của quốc gia thừa nhận và bảo vệ một quyền lợi nhất định cho công dân của họ, tương tự chính quyền đó cũng phải thực hiện điều này với công dân của quốc gia khác mà không đuợc có sự thiên vị nào.

Như đã giải thích, WCT[1] chủ yếu dẫn chiếu lại nội dung của Công ước Berne. Vì vậy, quy định của WCT về nguyên tắc này sẽ được phân tích dựa trên Công ước Berne bởi cơ bản nó không có gì thay đổi. Công ước Berne tuy không chỉ ra đâu là nguyên tắc đối xử quốc gia nhưng với câu từ thể hiện tại điều 5, ta cũng thấy linh hồn của nguyên tắc này. Nội dung toàn bộ điều 5 quy định về bảo đảm quyền tác giả đối với phần mềm tại quốc gia gốc và bên ngoài quốc gia gốc. Thuật ngữ “quốc gia gốc” không được Công ước định nghĩa nhưng theo khoản 4 điều này có liệt kê từng trường hợp xác định quốc gia được coi là quốc gia gốc. Thứ nhất, là quốc gia thuộc liên hiệp nơi phần mềm được công bố lần đầu tiên hoặc quốc gia có thời hạn bảo hộ quyền tác giả ngắn nhất nếu phần mềm đồng thời được công bố tại nhiều nước thành viên. Thứ hai, nếu phần mềm máy tính (PMMT) đó được công bố cùng lúc tại quốc gia thành viên Công ước và quốc gia ngoài Công ước thì quốc gia gốc là quốc gia thành viên.

Thứ ba, phần mềm chưa công bố hoặc chỉ công bố duy nhất tại quốc gia ngoài liên hiệp thì quốc gia gốc là nơi tác giả phần mềm là công dân (điều kiện tiên quyết: nước này đã tham gia Công ước Berne) Về bảo đảm quyền theo nguyên tắc đối xử quốc gia, Công ước lưu ý “tác giả được hưởng quyền tác giả ở các nước Liên hiệp không phải là Quốc gia gốc của tác phẩm, những quyền do luật của nước đó dành cho công dân của mình trong hiện tại và trong tương lai cũng như những quyền mà Công ước này đặc biệt quy định

Công ước còn dự liệu tính bình đẳng về hưởng quyền tác giả đối với phần mềm không chỉ có công dân của các quốc gia trong liên hiệp mà công dân của quốc gia ngoài liên hiệp nếu công bố phần mềm lần đầu tiên (hoặc đồng thời) tại một quốc gia trong liên hiệp hay người có thời gian cư trú thường xuyên tại quốc gia thành viên thì đều hưởng ngang nhau quyền tác giả. Ở đây, phạm vi chủ thể được bảo vệ quyền tác giả cho PMMT được mở rộng hơn. Giả định với một lập trình viên là người không quốc tịch hoặc là công dân của quốc gia không ký Công ước nhưng có thời gian cư trú lâu dài, thường xuyên tại quốc gia thành viên hoặc xác lập quyền tác giả đối với phần mềm tại một trong các nước thành viên, suy ra phần mềm của người này đương nhiên sở hữu sự bảo hộ theo quy định pháp luật của nước thành viên đó và quốc gia khác thuộc liên hiệp. Điều này tạo nên yếu tố nhân đạo của công ước khi dự đoán trước những bất lợi có thể xảy ra với người không có quốc tịch hoặc công dân nước ngoài liên hiệp trong việc bảo đảm quyền tác giả của họ với phần mềm tại các quốc gia chịu sự điều chỉnh của Công ước Berne.

Tương tự, hiệp định TRIPS và CPTPP cũng nhắc tới nguyên tắc đối xử quốc gia trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) với phần mềm. Nhưng hình thức của chúng giúp người đọc, nghiên cứu tìm kiếm nhanh hơn bởi nguyên tắc này được cụ thể hóa tại khoản 1, điều 3 (TRIPS) và điều 18.8, Chương 18 (CPTPP).

Hiệp định TRIPS: “Mỗi Thành viên phải chấp nhận cho các công dân của các Thành viên khác sự đối xử không kém thiện chí hơn so với sự đối xử của Thành viên đó đối với công dân của mình trong việc bảo hộ sở hữu trí tuệ”.Hiệp định CPTPP: “Đối với tất cả các loại hình sở hữu trí tuệ thuộc Chương này, mỗi Bên phải dành cho công dân của Bên khác sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho công dân của mình liên quan đến việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ”

Như vậy, qua các quy định trên, nếu tác giả phần mềm là người nước ngoài hiện đang làm việc tại quốc gia khác (hai quốc gia cùng là thành viên Công ước, Hiệp ước, Hiệp định) thì những biện pháp bảo hộ phần mềm theo quyền tác giả mà công dân nước sở tại đang có, cũng phải được quốc gia bảo đảm thực hiện đầy đủ với tác giả người nước ngoài. Ví dụ: Phần mềm được lập trình bởi công dân Việt Nam cũng sẽ được pháp luật Đức bảo hộ quyền tác giả giống như phần mềm được tạo ra bởi công dân Đức và ngược lại, do cả hai nước đều là thành viên Liên hiệp. Trường hợp xảy ra xâm phạm, phát sinh mâu thuẫn quyền tác giả với một bên chủ thể là cá nhân, pháp nhân tạo lập phần mềm là người nước ngoài, sau khi các bên thỏa thuận, thương lượng trên tinh thần thiện chí nhưng vẫn không giải quyết được dẫn tới việc cần có sự can thiệp của tòa án. Lúc này, tòa án sở tại cần xét xử đúng quy định pháp luật quốc gia và quốc tế, không được có hành động hay quyết định theo hướng có lợi cho công dân nước mình mà xử ép, gây khó dễ cản trở người thuộc quốc gia thành viên khác được hưởng sự bảo vệ của quyền tác giả.

Tuy nhiên, một vài băn khoăn của các nhà luật học đã đặt ra với nguyên tắc này, liệu rằng nó chỉ ngăn cản sự đối đãi được cho là mất cân bằng giữa những người cùng và khác quốc tịch, người có quốc tịch và không có quốc tịch hay bao quát đến cả tình thế phân biệt đối xử nếu quy định bảo hộ phần mềm của quốc gia đã dành một vài ưu đãi giữa người cư trú với người không cư trú khi có thể người cư trú lâu dài, thường xuyên tại quốc gia sở tại là chủ thể không có quốc tịch và người không cư trú lại có quốc tịch (công dân của quốc gia thành viên). Không chỉ vậy, vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia có nên được tính với trường hợp pháp luậtSHTT trong nước ưu ái hơn cho đối tượng được công bố lần đầu trên lãnh thổ quốc gia. Ví dụ, hai nhà tạo lập phần mềm cùng quốc tịch nhưng một người yêu cầu và hưởng sự bảo hộ quyền tác giả cao hơn do đã công bố phần mềm lần đầu trong nước so với người còn lại công bố phần mềm tại nước ngoài (hai quốc gia là thành viên Liên hiệp). Hoặc theo cách giống vậy nhưng tác giả của phần mềm được công bố tại quốc gia sở tại là người không quốc tịch và công dân nước đó lại công bố phần mềm tại một quốc gia khác thuộc Liên hiệp. Đây là vấn đề đòi hỏi sự linh động, cập nhật kịp thời của pháp luật quốc tế để giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan tới nền tảng của nguyên tắc đối xử quốc gia – một trong ba nguyên tắc quan trọng của các điều ước quốc tế.

2. Nguyên tắc bảo hộ tự động

Hiệp định TRIPS và CPTPP đều không đề cập nguyên tắc này trong nội dung, còn WCT trích dẫn nguyên văn Công ước Berne. Dẫu vậy, TRIPS và CPTPP cũng khẳng định các quốc gia tuân thủ chặt chẽ bảo hộ phần mềm theo quy định của Công ước Berne, nên ngầm hiểu rằng hai hiệp định này cũng đồng quan điểm với Công ước.

Nguyên tắc bảo hộ tự động được coi như điểm sáng của Công ước Berne. Theo đó, quyền của chủ thể tạo nên phần mềm phát sinh tự nhiên sau khi phần mềm được hình thành dưới một định dạng nhất định. Cơ chế bảo hộ tự động của quyền tác giả theo Công ước Berne vốn dĩ đã thể hiện sự tri ân đối với cá nhân, tổ chức có đóng góp trong công cuộc kiến thiết sự sáng tạo của thế giới. Không lấy làm lạ khi pháp luật quyền tác giả bảo hộ tự động cho những chủ thể này, có lẽ lý do đến từ thực tiễn, đa số họ xuất phát điểm là người làm trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, hiểu biết về pháp luật SHTT không thể sâu sắc như chuyên gia pháp lý hay các cá nhân, tổ chức thường xuyên có hoạt động liên quan tới lĩnh vực pháp luật để thực hiện các thủ tục xác lập quyền SHTT phức tạp. Nhìn thấu được khó khăn của nhà văn, nhà soạn nhạc, đạo diễn, biên kịch v.v các quốc gia quyết định cấp cho các tác phẩm của họ sự bảo hộ tự động. Cho tới khi quốc tế đồng lòng đưa phần mềm trở thành đối tượng chịu điều chỉnh của quyền tác giả, nghiễm nhiên PMMT cũng được thừa hưởng cơ chế bảo hộ này. Theo Công ước này, người lập trình nên phần mềm không cần trải qua các bước nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, họ vẫn được pháp luật quốc gia, quốc tế bảo đảm, công nhận quyền “không lệ thuộc vào một thể thức, thủ tục nào”. Khi đã tham gia công ước, đồng nghĩa các quốc gia không được làm trái với nguyên tắc bảo hộ tự động, công dân nước thành viên này sẽ không bị nước thành viên khác gây khó dễ, ép buộc phải nộp đơn đăng ký hay thông qua bất cứ thủ tục nào để được hưởng quyền SHTT về bảo hộ phần mềm, mà quyền tác giả đối với phần mềm mặc định tự động phát sinh theo sự xuất hiện của PMMT.

3. Nguyên tắc bảo hộ độc lập

Hầu hết các điều ước quốc tế về quyền SHTT đối với phần mềm quyết định lấy Công ước Berne làm chuẩn, tại đây Công ước nhấn mạnh “việc hưởng và thực hiện này hoàn toàn độc lập không tùy thuộc vào việc tác phẩm có được bảo hộ hay không ở Quốc gia gốc của tác phẩm”. Nghĩa là một phần mềm có thể không được quốc gia - nơi nó được hình thành bảo hộ quyền tác giả, nhưng nếu đủ điều kiện tại quốc gia thành viên khác thì nó vẫn được hưởng các quyền được cấp bởi quốc gia thành viên đó và Công ước Berne mà không bị từ chối bảo hộ dưới lý do nào. Ví dụ, phần mềm của công dân Nigeria không được luật pháp Nigeria bảo hộ, nhưng nếu nó đủ điều kiện theo luật New Zealand thì quốc gia này phải bảo hộ cho phần mềm đó giống như các phần mềm khác của công dân nước họ. Hoặc trường hợp phạm vi quyền tác giả Nigeria quy định hẹp hơn New Zealand, thì chủ thể tạo lập phần mềm là công dân Nigeria vẫn phải có đầy đủ quyền theo luật bản quyền của New Zealand.

4. Nguyên tắc tối huệ quốc

Công ước Berne không quy định về chế độ tối huệ quốc, nhưng nguyên tắc này đã có trong các điều ước quốc tế thế hệ sau về SHTT, tại điều 4, Hiệp định TRIPS có nêu “Đối với việc bảo hộ sở hữu trí tuệ, bất kỳ một sự ưu tiên, chiếu cố, đặc quyền hoặc sự miễn trừ nào được một Thành viên dành cho công dân của bất kỳ nước nào khác cũng phải được lập tức và vô điều kiện dành cho công dân của tất cả các Thành viên khác”. Theo quy định này, nếu một quốc gia thành viên đã cấp sự ưu đãi trong việc hưởng và bảo vệ quyền SHTT với phần mềm cho chủ thể đến từ một vùng lãnh thổ khác (ngoài liên hiệp hoặc trong liên hiệp) thì ngay lập tức sự ưu đãi này cũng có hiệu lực với tất cả các quốc gia thành viên trong liên hiệp.

Cần nói thêm, nguyên tắc tối huệ quốc đã xuất hiện từ rất lâu, nó tồn tại ở các điều ước quốc tế song phương giữa hai quốc gia, với ý nghĩa tạo sự bình đẳng, chủ yếu trong lĩnh vực thương mại. Hai quốc gia sẽ đồng thời dành cho nhau những ưu tiên nhất định đã được thoả thuận về một lĩnh vực nào đó nhằm mục đích cùng nhau có lợi, phát triển. Về sau hình thức như vậy được mở rộng ra áp dụng tại các khối liên minh kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên điều gì cũng có hai mặt, tình trạng xuất hiện quá nhiều liên minh kinh tế thương mại và chia sẻ cục bộ chế độ tối huệ quốc đã gián tiếp làm tăng sự mâu thuẫn giữa các quốc gia ngoài liên minh. Cho tới GATT nguyên tắc tối huệ quốc được đưa vào như một sự xoa dịu bất bình của các quốc gia và tạo ra trạng thái ổn định hơn cho nền kinh tế quốc tế [42] TRIPS được hình thành. Do hiệp định TRIPS có liên kết với GATT, nó lại là hiệp định khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT, không bất ngờ nếu nội dung của TRIPS có quy định nguyên tắc tối huệ quốc. Cần phân biệt, nếu nguyên tắc đối xử quốc gia hướng tới đảm bảo tính công bằng giữa công dân trong nước và công dân nước ngoài thì nguyên tắc tối huệ quốc ngăn trở sự chênh lệch về đối xử mà một quốc gia dành cho quốc gia này nhưng không dành cho quốc gia khác.

5. Nguyên tắc minh bạch

Công ước Berne và Hiệp ước WCT không đề cập tới nguyên tắc này, trong khi tính minh bạch được CPTPP và TRIPS lần lượt nêu tại điều 18.9 và điều 63. Điều đáng nói là cả hai hiệp định này đều liên quan tới khía cạnh thương mại của quyền SHTT mà trong thương mại quốc tế, để đảm bảo cạnh tranh công bằng và tăng hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường quốc gia sở tại, sự minh bạch về quy định pháp luật là vô cùng cần thiết. Bởi nó giúp cá nhân, tổ chức có kiến thức thấu đáo về sân chơi và luật chơi khi quyết định tham gia vào nền kinh tế của quốc gia khác. Đòi hỏi về tính minh bạch trong bảo hộ phần mềm cũng là một thử thách năng lực đặt ra với các quốc gia khi đã chấp nhận tham gia vào một cộng đồng kinh tế chung. Như vậy, mọi vấn đề liên quan tới pháp luật bảo hộ phần mềm được pháp luật trong nước quy định, quốc gia cần có thiện chí công khai bằng mọi hình thức theo quy định của pháp luật quốc tế. Hiệp định TRIPS, CPTPP đưa ra các phương thức để quốc gia thực hiện tính minh bạch về thực thi bảo hộ phần mềm, nó cũng giúp các bên liên quan đánh giá được thực trạng mức độ minh bạch về pháp luật SHTT của mỗi quốc gia thành viên. Với hiệp định TRIPS, quốc gia báo cáo tính minh bạch về pháp luật bảo hộ phần mềm qua ba kênh chính. Một là quốc gia thành viên chủ động ban bố “Các luật và các quy định, các quyết định xét xử và các quyết định hành chính cuối cùng để áp dụng chung” của nước mình để chủ thể khác có thể tiếp cận bằng mọi cách thức. Hai là trực tiếp báo cáo cho Hội đồng TRIPS về các đối tượng được quy định tại khoản 1 điều này “Các Thành viên phải thông tin về các luật và các quy định nêu tại khoản 1 trên đây cho Hội đồng TRIPS để giúp Hội đồng đánh giá việc thi hành Hiệp định này”. Cuối cùng là phối hợp đáp ứng đầy đủ tài liệu, thông tin về pháp luật của quốc gia liên quan tới bảo hộ phần mềm nếu quốc gia thành viên khác có yêu cầu. TRIPS loại trừ tất cả mối nguy hại có thể ảnh hưởng tới bí mật quốc gia, doanh nghiệp, hoạt động thương mại hay xã hội của nội bộ một đất nước đối với nguyên tắc minh bạch (khoản 4 điều 63). Nội dung về nguyên tắc minh bạch của hiệp định CPTPP không mấy khác biệt TRIPS, nhưng hiệp định đã chỉ đích danh internet là cách mà các quốc gia có thể công bố thông tin về pháp luật bảo hộ phần mềm cho quốc tế.

 


[1] WIPO Copyright Treaty 

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành