Thứ sáu, 25 Tháng 3 2022 00:32

THỰC TRẠNG THỰC THI QUYỀN CÔNG TỐ KIỂM SÁT, ĐIỀU TRA CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ VỀ ĐẤT ĐAI

1. Thực thi quyền công tố, kiểm sát điều tra trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đất đai và kiến nghị khởi tố vụ án hình sự về đất đai

Theo số liệu thống kê từ năm 2007 đến hết năm 2017 có 27.300 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm đất đai được chuyển đến Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Qua phân loại xử lý chỉ có 23.800 tố giác, tin báo được thụ lý giải quyết, số còn lại không được thụ lý giải quyết do đã có quyết định xử lý của cơ quan khác có hiệu lực, không có dấu hiệu tội phạm chỉ đơn thuần là tranh chấp đất đai giữa các cá nhân hoặc giữa cá nhân với tổ chức, pháp nhân và Nhà nước[1]. Tuy nhiên, số vụ án khởi tố trên thực tiễn chiếm tỷ lệ không cao, có khoảng 289 vụ án khởi tố về tội phạm đất đai và 298 bị can bị khởi tố về tội danh này[2], trong đó khởi tố theo Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 1999 là 75 vụ án và 214 vụ án khởi tố theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm[3]. Như vậy, số liệu phản ánh thực trạng tố giác, tin báo về tội phạm đất đai nhiều, nhưng số vụ thực tế khởi tố chiếm tỷ lệ không nhiều, số vụ án về đất đai được khởi tố chiếm tỷ lệ khoảng 1,21% so với số tin báo, tố giác về tội phạm đất đai mà Cơ quan điều tra tiếp nhận, phân loại, thụ lý để xử lý. Số bị can được khởi tố chiếm tỷ lệ 1,25% so với số tố giác, tin báo trên. Qua thống kê cho thấy, tỷ lệ xử lý án về đất đai quá thấp, nhưng sức nóng của loại án này trên thực tiễn rất lớn, bởi nó gắn liền với lợi ích, lợi nhuận. Qua đó cho thấy công tác đấu tranh phòng và chống tội phạm này trên thực tiễn chưa cao. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân dẫn đến án về đất đai rất khó giải quyết, đó là chưa phân định rạch ròi trường hợp nào xử lý hành chính, trường hợp nào phải xử lý hình sự. Ví dụ: nhiều trường hợp Viện kiểm sát cho rằng các đơn thư gửi đến là tố giác, tin báo tội phạm và thuộc đối tượng kiểm sát của Viện kiểm sát, ngược lại phía Cơ quan điều tra chỉ xem đó là những thông tin thuộc lĩnh vực vi phạm hành chính, do đó Viện kiểm sát không có chức năng kiểm sát đối với các quyết định xử phạt hành chính của Cơ quan điều tra đối với những thông tin đó. Sự không thống nhất về quan điểm và đường lối giải quyết sẽ dẫn đến nhiều trường hợp đã bỏ lọt tội phạm.

2. Thực thi quyền công tố, kiểm sát điều tra trong khởi tố vụ án, khởi tố bị can

Đánh giá thực trạng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra trong khởi tố vụ án, khởi tố bị can qua số liệu thống kê sau:

Theo số liệu thống kê về hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm đất đai và kiến nghị khởi tố, cũng như hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra trong khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội phạm đất đai, có thể thấy phân loại tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thì số tố giác, tin báo về tội phạm đất đai được thụ lý để giải quyết là 23.800 tin (chiếm tỷ lệ 87,18%). Trong 23.800 tin báo, tố giác thụ lý giải quyết thì số tố giác, tin báo chuyển sang xử lý hình sự ở những tội danh khác là 9.000 vụ án (chiếm tỷ lệ 37,81%), xử lý hành chính là 10.100 vụ (chiếm tỷ lệ 42,44%), số tin báo tố giác qua kiểm tra, xác minh có dấu hiệu tội phạm về đất đai đã khởi tố vụ án là 289 vụ, chiếm tỷ lệ 1,21%. Số tin báo tố giác chuyển sang xử lý bằng các biện pháp khác (hòa giải, dân sự, kinh doanh thương mại) là 4.557 vụ (chiếm tỷ lệ 19,15%). Cơ quan điều tra và cơ quan có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra đã khởi tố 287 vụ án trên 290 bị can, được Viện kiểm sát chấp nhận 287 vụ án trên 290 bị can (chiếm tỷ lệ 100% ăn đề xuất đều được Viện kiểm sát chấp nhận). Viện kiểm sát cũng đã hủy bỏ 4 vụ việc liên quan đến đất đại mà Cơ quan điều tra, cơ quan có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra đã ra quyết định không khởi tố vụ án và đề nghị khởi tố. Tuy nhiên, sau khi tiến hành rà soát và kiểm tra, xác minh tiếp về vụ việc, phía Cơ quan điều tra, cơ quan có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra đã không chấp nhận yêu cầu khởi tố của Viện kiểm sát. Viện kiểm sát đã tự mình ra quyết định khởi tố hai vụ án và chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật, đưa tổng số vụ án được khởi tốvề tội phạm đất đai là 289 vụ. Viện kiểm sát cũng đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố bị can thêm 10 trường hợp, nhưng Cơ quan điều tra chỉ tiến hành khởi tố thêm 8 bị can, đưa con số bị can bị khởi tố lên đến 298 bị can, trong đó số bị can bị khởi tố theo Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 1999 là 76 bị can (chiếm tỷ lệ 25,5%) và 214 bị can bị khởi tố theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 1999 (chiếm tỷ lệ 74,5%), (bảng 3, phần Phụ lục)[4].

Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Viện kiểm sát đã ra nhiều văn bản yêu cầu liên quan đến việc điều tra mở rộng vụ án, để có căn cứ khởi tố bổ sung vụ án và bị can trong vụ án đó, vì án đất đai thường gắn liền với nhiều tội phạm khác (như tham nhũng, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, tham ô, cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền trong khi thi hành công vụ chiếm tỷ lệ tương đối lớn). Theo thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, về án đất đai duy nhất có hai trường hợp Viện kiểm sát đã khởi tố vụ án và chuyển sang cho Cơ quan điều tra, cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra sau 24 giờ khi Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan điều tra[5]. Thực tế, để tiến hành khởi tố vụ án hình sự về đất đai đòi hỏi phải thu thập được chứng cứ vững chắc và mấu chốt để chứng minh về hành vi phạm tội. Cũng chính vì hoạt động kiểm tra, xác minh ban đầu tố giác, tin báo về tội phạm, khi chưa thể vận dụng đầy đủ các biện pháp điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự nên rất khó, đặc cao hơn loại biệt tính phức tạp trong án đất đai thường án khác, điều đó cũng hạn chế việc phát huy hiệu quả hoạt động thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát trên thực tiễn rất nhiều.

3. Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra trong áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn

Theo quy định tại Điều 79 Bộ luật Tố tụng hình sư năm 2003 các biện pháp ngăn chặn gồm: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, các biện pháp ngăn chặn được quy định tại Điều 109, gồm có: giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lãnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh. Các trường hợp bắt người gồm có: bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ.

Theo số liệu thống kê của C44 Bộ Công an và Cục Thống kê Viện kiểm sát nhân dân tối cao, từ năm 2007 đến hết năm 2017 có 292 trường hợp bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam trên 298 bị can, chiếm tỷ lệ 98% số bị can bị khởi tố áp dụng biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc này, Viện kiểm sát đã phê chuẩn 267 trên 267 bị can do Cơ quan điều tra đề xuất (chiếm tỷ lệ 100%). Có thể nói tội phạm về đất đai tỷ lệ khởi tố rất thấp so với các tội phạm khác trong Bộ luật Hình sự năm 1999, song tỷ lệ áp dụng biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất là biện pháp tạm giam lại chiếm tỷ lệ khá cao. Việc áp dụng biện pháp này là hết sức cần thiết, vì cần đấu tranh và có biện pháp tránh hiện tượng xóa toàn bộ dữ liệu liên quan đến hành vi phạm tội, sổ sách, chứng từ hoặc không cho tội phạm có điều kiện hợp thức hóa chứng cứ cho hành vi sai trái (vì phần lớn liên quan đến tội phạm về đất đai đều liên quan đến chứng từ, sổ sách và sơ đồ địa chính), ví dụ: hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử sụng đất; chứng từ liên quan đến lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; sơ đồ về thửa đất và chứng cứ chứng minh về chủ sở hữu, sổ mục kê từ những năm 1980,... chỉ cần vài thao tác nghiệp vụ là tất cả sẽ xóa sổ, để khôi phục và tìm lại chứng cứ chứng minh vô cùng khó, đặc biệt đối với loại tội phạm đòi hỏi tính chuyên môn nghiệp vụ cao thì càng phức tạp hơn.

Cũng theo số liệu thống kê của Cục Thống kê Viện kiểm sát nhân dân tối cao (theo bảng sau), thì ngoài việc Viện kiểm sát phê chuẩn 100% các trường hợp Cơ quan điều tra đề nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam, thì số trường hợp Cơ quan điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ và gia hạn tạm giữ lần 1, lần 2 đối với án đất đai là 298 trên 298 đối tượng (tức là 100% áp dụng ngay biện pháp ngăn chặn tạm giữ trong các vụ án hình sự về đất đai). Bên cạnh đó, số đối tượng Viện kiểm sát đề nghị Cơ quan điều tra thay đổi biện pháp ngăn chặn từ các biện pháp ngăn chặn khác sang biện pháp tạm giam là 29 trường hợp. Cơ quan điều tra đã chấp nhận 25 trên 29 trường hợp đề nghị từ phía Viện kiểm sát, chiếm tỷ lệ 86,2%. Trong đó có hai trường hợp Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn tạm giam của Cơ quan điều tra, chiếm tỷ lệ 6,9%.

Bảng: Thống kê về hoạt động thực thi quyền công tố và kiểm sát việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ trong điều tra các tội phạm về đất đai

Từ năm 2007 đến năm 2017 Biện pháp ngăn chặn tạm giữ, gia hạn tạm giữ Đơn vị
Cơ quan điều tra áp dụng 298 Đối tượng
Viện Kiểm sát phê chuẩn gia hạn lần 1 298 Đối tượng
Viện Kiểm sát phê chuẩn gia hạn lần 2 298 Đối tượng

(Nguồn: Cục Thống kê Viện kiểm sát nhân dân tối cao)

Tội phạm về đất đai thường rất phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành từ lúc xây dựng hồ sơ, đến khi hồ sơ được phê duyệt, rồi quyết định chính thức hồ sơ đó có đủ điều kiện để giao đất không, có đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không, đất đó là loại đất gì (đất khai hoang, phục hóa; đất thổ cư; đất xen kẹt; đất giãn dân hay đất ao, vườn...). Con đường xác minh làm rõ những vấn đề này phải đi từ tổ dân phố, xã, phường, quận, huyện rồi đến tỉnh, thành phố. Nhiều hồ sơ phải có sự phê duyệt của ba đến bốn bộ ngành liên quan (tùy thuộc dự án được triển khai liên quan đến các ngành quản lý). Mặc dù vậy cũng cần có giải pháp đúng đắn cho việc áp dụng biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc này, theo đó việc quy định trong luật phải chặt chẽ hơn, chỉ rõ những trường hợp nào mới được áp dụng, cũng như cần sàng lọc đối tượng trên thực tế nghiêm túc hơn. Có như vậy việc áp dụng mới đúng người, đúng tội và đúng pháp luật, tránh việc áp dụng tràn lan. Việc vận dụng chính xác các căn cứ, điều kiện để áp dụng biện pháp ngăn chặn sẽ góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác điều tra khám phá vụ án.

4. Thực thi quyền công tố, kiểm sát điều tra trong tiến hành một số hoạt động điều tra khác để thu thập tài liệu, chứng cứ

Thực thi quyền công tố, kiểm sát khám nghiệm hiện trường vụ án hình sự về đất đai

Viện kiểm sát tham gia cuộc khám nghiệm tại hiện trường chỉ để giám sát việc khám nghiệm của Cơ quan điều tra bảo đảm hoạt động này được tiến hành đúng pháp luật, thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh tại hiện trường đầy đủ. Nhiều vụ án kiểm sát viên không cử người đến hiện trường kiểm sát, dẫn đến việc nếu sau này có khiếu kiện liên quan đến công tác hiện trường thì sẽ gây bất lợi cho hoạt động củng cố chứng cứ chứng minh, vì thiếu tính khách quan trong hoạt động thu thập chứng cứ tại hiện trường. Đặc biệt đối với những vụ án hình sự về đất đai thường rất phức tạp, liên quan đến tài sản trên đất, cây cối, hoa màu, công trình trên đất, vị trí hiện trường... nếu sau này làm lại chắc chắn sẽ không thể xác định đầy đủ như ban đầu.

Tại hiện trường vụ án, kiểm sát viên tiến hành hoạt động thực hành quyền công tố thông qua hành vi yêu cầu tại hiện trường vụ án nếu thấy những hoạt động của Cơ quan điều tra chưa đầy đủ, không chính xác hoặc còn sai sót. Qua khảo sát cho thấy kiểm sát viên thực hiện quyền yêu cầu tại hiện trường chỉ có 79 vụ án chiếm tỷ lệ 27,33% và chủ yếu yêu cầu chỉnh sửa lại biên bản hiện trường cho đầy đủ và chính xác[6].

Thực thi quyền công tố, kiểm sát hỏi cung, lấy lời khai trong điều tra các vụ án hình sự về đất đai

Vấn đề hỏi cung, lấy lời khai trong điều tra các vụ án hình sự về đất đai rất khó khăn và phức tạp. Tội phạm liên quan đến đất đai thường là những người có chức vụ, quyền hạn hoặc trực tiếp, hoặc chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ, thực hiện các hoạt động theo dẫn của cấp trên. Ít nhiều những chủ thể này đều có su hướng kiến thức liên quan đến lĩnh vực mà mình chỉ đạo điều hành. Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê Viện kiểm sát tối cao thì số bị can bị khởi tố về tội Vi phạm trong quản lý đất đại là 214 bị can trên tổng số 298 bị can bị khởi tố.

Đối tượng phạm tội thường có thái độ lo sợ bị trừng phạt nặng, do đó họ rất ngoan cố, thiếu hợp tác với Cơ quan điều tra khi tiến hành lấy lời khai hoặc hỏi cung. Những người thực hiện hành vi phạm tội khi bị bắt hoặc bị triệu tập lên lấy lời khai thường rất lì lợm, không chịu khai báo, hoặc đổ lỗi cho người khác, đổ lỗi cho khách quan, đổ lỗi cho cơ chế lãnh đạo điều hành của cơ quan, tổ chức,... Với những lý do đó, rất khó khăn cho Co điều tra khám phá ra những “đường dây lớn” quan về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng, hay những “đường dây” chuyên mua bán dự án liên quan đến đất, hoặc những “đường dây lớn” trong công tác giải phóng mặt bằng đền bù không thỏa đáng...

Mặt khác, liên quan đến đất đai là một vấn đề phức tạp, phức tạp bởi người quản lý, sử dụng đất đai thường là những người có chức vụ, quyền hạn, bản thân họ am hiểu khá rõ về những quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng, trưng dụng, thu hồi đất. Riêng đối với lĩnh vực liên quan đến đất nông nghiệp hiện nay, Luật Đất đai năm 2013 quy định có 6 loại đất khác nhau, mỗi loại đất có những quy định khác nhau về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Cũng chính vì sự phức tạp của các quy định trong lĩnh vực đất đai mà Cơ quan điều tra hầu như “bỏ ngỏ” tội phạm thuộc lĩnh vực này, đẩy trách nhiệm sang khiếu kiện hành chính, sang tranh chấp dân sự với quan điểm cho rằng “không hình sự được. Theo số liệu thống kê tại bảng thống kê của Cục Thống kê Viện kiểm sát tối cao thì số vụ án mà kiểm sát viên trực tiếp tiến hành hoi cung, lấy lời khai là 120 vụ trên 289 vụ án hình sự về đất đai được khởi tố, chiếm tỷ lệ 41,52%. Tuy nhiên thực tiễn đã làm rõ hơn căn cứ để trả lời các câu hỏi như tài liệu thu thập được của Viện kiểm sát có giá trị chứng minh như thế nào và nếu có mâu thuẫn với tài liệu thu thập được của phía Cơ quan điều tra thì tài liệu nào có giá trị chứng minh cao hơn? Tài liệu này được lưu ở đâu, ở hồ sơ vụ án hay ở hồ sơ kiểm sát? Trên cơ sở trả lời các câu hỏi này, các quy định pháp luật sẽ được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tiễn Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định tài liệu này chỉ là tài liệu tham khảo cho Cơ quan Viện kiểm sát và được lưu vào hồ sơ kiểm sát (hoạt động này được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003). Để khắc phục vấn đề này, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định cho phép Viện kiểm sát tiến hành hỏi cung, lấy lời khai trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự và tài liệu này được lưu hồ sơ vụ án.

Thực thi quyền công tố, kiểm sát hoạt động khám xét, thu giữ, kê biên tài sản trong điều tra các vụ án hình sự về đất đai

Qua khảo sát cho thấy 100% vụ án hình sự về đất đai tiến hành hoạt độngkhám xét, thu giữ, kê biên tài sản, kiểm sát viên đều phải kiểm sát gián tiếp qua hồ sơ vụ án, qua tài liệu, chứng cứ mà Cơ quan điều tra đã tiến hành thu thập và chuyển sang cho Viện kiểm sát nghiên cứu. Việc này là do tính khẩn cấp và yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đất đai trên thực tiễn. Mặt khác, cũng do pháp luật quy định việc này chưa chặt chẽ, còn chung chung dẫn đến nhiều vụ án không cần phải tiến hành khám xét khẩn cấp, nhưng Cơ quan điều tra không muốn trình hồ sơ, tài liệu và chờ phê chuẩn của Viện kiểm sát, nên thường biến tấu thành khẩn cấp để tránh thủ tục rườm rà[7].

Cũng do quy định không chặt chẽ, nên hoạt động khám xét, thu giữ tài liệu, vật chứng có thể được tiến hành trước khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cũng có thể được tiến hành sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tùy theo yêu cầu giải quyết vụ án hình sự về đất đai. Điều này cũng đặt ra yêu cầu lớn đối với kiểm sát viên khi kiểm sát gián tiếp hoạt động này thông qua tài liệu, chứng cứ mà Cơ quan điều tra thu thập và chuyển sang phải hết sức nghiêm túc, cẩn trọng, bảo đảm quá trình tiến hành hoạt động phải đúng luật, có căn cứ, hợp pháp, khách quan, từ khâu thu thập, đến khâu bảo quản, niêm phong, bảo đảm giá trị chứng minh cao nhất; tránh việc sơ suất dù nhỏ nhất sẽ dẫn đến thực trạng là chứng cứ rất khó khăn, vất vả mới thu được nhưng lại không có giá trị chứng minh chỉ vì một khâu thu thập bị sai sót.

Thực thi quyền công tố, kiểm sát hoạt động trưng cầu giám định và định giá tài sản trong điều tra các vụ án hình sự về đất đai

Việc giám định để xác định căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với vụ án hình sự về đất đai hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Đây là công việc khó khăn, nằm ngoài chuyên môn của Cơ quan điều tra và điều tra viên, đồng thời, cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc khởi tố vụ án hình sự về đất đai và quá trình giải quyết các vụ án hình sự về đất đai bị kéo dài. Việc xác định mức độ thiệt hại về tài sản là công việc đầu tiên phải chứng minh được trong vụ án hình sự về đất đai, để chứng minh và làm rõ về hậu quả cũng như xác định mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa hành vi phạm tội với thiệt hại thực tế xảy ra. Nếu không xác định được thiệt hại về tài sản thì coi như không có tội phạm xảy ra. Để xác định được thiệt hại về tài sản, Cơ quan điều tra bắt buộc phải tiến hành công tác giám định tài chính kế toán, giám định kỹ thuật, giám định chất lượng. Đây là nguồn chứng cứ quan trọng chứng minh dấu hiệu tội phạm và người có hành vi phạm tội liên quan đến đất đai. Đối với các vụ án liên quan đến lĩnh vực dự án đất đai (như các công trình trên đất, cơ sở hạ tầng, kết cấu kỹ thuật,...), các cơ quan giám định tài chính kế toán thường yêu cầu phải có giám định chất lượng công trình trước rồi mới có cơ sở kết luận về tài chính kế toán, kể cả công trình đã qua kiểm toán. Trong khi đó, các công trình xây dựng cơ bản thi công trongnhiều năm và không biết khi nào mới quyết toán được. Vì vậy, công tác giám định không thực hiện được vì Viện kiểm sát, Tòa án đòi hỏi phải quyết toán công trình thì kết luận giám định mới có giá trị pháp lý. Nếu chưa quyết toán thì mặc dù có việc lập chứng từ giả mạo, tiền đã xuất ra khỏi quỹ, bị chiếm đoạt nhưng các tòa án, Viện kiểm sát vẫn cho rằng đó là khoản tiền tạm ứng, chưa quyết toán thì chưa cấu thành tội phạm liên quan đến lĩnh vực đất đai. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng án về đất đai được khởi tố để điều tra, truy tố, xét xử chiếm tỷ lệ thấp trong thời gian vừa qua. Hoạt động thực hành quyền công tố trong việc trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại, qua khảo sát cho thấy Viện kiểm sát ra quyết định yêu cầu Cơ quan điều tra trưng cầu định giá bổ sung 98 vụ trên 289 vụ án khởi tố, tiến hành hoạt động này khi xét thấy kết quả giám định chưa rõ ràng, hoặc còn thiếu một số nội dung quan trọng chưa được giám định làm rõ; yêu cầu trưng cầu giám định lại là 19 vụ trên 289 vụ án khởi tố. Thực hiện quyền yêu cầu giám định lại trong trường hợp xét thấy có nghi ngờ về kết quả giám định hoặc có chứng cứ cho thấy kết quả giám định không khách quan, không hợp pháp (Theo nguồn từ Cục Thống kê Viện kiểm sát nhân dân tối cao).

Liên quan đến tội phạm về đất đai, việc định giá tài sản thường rất phức tạp và khó khăn. Định giá đất có hai dạng: định giá hàng loạt và định giá cá biệt. Theo đó, khi thực hiện nguyên tắc định giá phải tuân thủ theo các quy trình nghiêm ngặt của nó, như thứ nhất, phương pháp so sánh trực tiếp, là việc phân tích thu thập trên cơ sở đất đã được chuyên quyền sử dụng đất trên thực tế, tại địa bàn và vào thời điểm gần kề thứ hai, phương pháp thu nhập, đó là mức thu nhập thuần túy khai thác nguồn lợi từ đất so với tiền gửi tiết kiệm hàng năm theo chỉ số của ngân hàng nhà nước; thứ ba, phương pháp chiết trừ; thứ tư phương pháp thặng dư. Trên thực tế, nhiều nơi không định giá đất như vậy mà họ làm theo cách riêng của địa phương, áp vào từng hộ gia đình, khiến nhiều gia đình đã chịu rất nhiều thiệt thòi khi bị thu hồi đất. Vậy tiền này và lợi ích từ việc thu hồi đất khi đền bù không đúng này sẽ vào tay ai? Sai phạm sẽ bị xử lý như thế nào? Trong khi, thực tế là chỉ khi nào vụ án hình sự về đất đai bị khởi tố thì lúc đó các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mới được trưng cầu định giá tài sản. Còn nếu không bị khởi tố vụ án thì mạnh nơi nào nơi đó làm theo chủ trương của địa phương đó. Chính vì vậy, những vụ án liên quan đến hoạt động quản lý đất đai thời gian qua ngày một nhiều, tính chất hết sức phức tạp. Trong hoạt động định giá bổ sung, định giá lại tài sản, Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra phải tiến hành trưng cầu giám định lại tài sản là vụ và 98 vụ yêu cầu trưng cầu giám định bổ sung đối với tài sản thiệt hại để xác định hậu quả của tội phạm gây ra[8].

5. Thực thi quyền công tố, kiểm sát điều tra trong việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, phục hồi điều tra, điều tra lại

Qua khảo sát số liệu của Cục Thống kê Viện kiểm sát nhân dân tối cao và nghiên cứu một số vụ án điển hình cho thấy, 100% các vụ án hình sự về đất đai sau khi kết thúc điều tra chuyển sang Viện kiểm sát đề nghị truy tố đều bị trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Thực trạng này cho thấy hai vấn đề liên quan đến công tác trả hồ sơ: thứ nhất, vụ án hình sự về đất đai thường rất phức tạp, Cơ quan điều tra đã sử dụng hết thời hạn điều tra, thậm chí gia hạn điều tra nhưng vẫn chưa thể kết thúc vụ án, chứng cứ thu thập chưa đầy đủ, đòi hỏi cần có thêm thời gian để củng cố chứng cứ chứng minh; thứ hai, cho thấy kết quả của hoạt động kiểm sát điều tra chưa tốt dẫn đến công tác thu thập chứng cứ, tài liệu chứng minh không được đầy đủ.

Khi kiểm sát việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, kiểm sát viên cần kiểm sát chặt chẽ các yêu cầu trong nội dung trả hồ sơ đã được Cơ quan điều tra đáp ứng được đến đâu, hướng điều tra để xác định như thế nào và có khả năng để làm rõ được những nội dung yêu cầu không để báo cáo lãnh đạo có những phương án và đường lối phù hợp. Ngoài ra cần kiểm sát chặt chẽ về thời gian điều tra bổ sung theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt đối với vụ án cần áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam thì giai đoạn này sẽ do cơ quan nàoquyết định biện pháp đó cũng cần bám sát quy định của pháp luật và kiểm sát chặt chẽ về nội dung này. Trong giai đoạn này, nếu Cơ quan điều tra thực hiện yêu cầu giám định bổ sung, hoặc giám định lại, định giá bổ sung hoặc định giá lại mà kết quả của những hoạt động đó kéo dài, trong khi thời gian điều tra bổ sung đã hết, cần khác phục hiện tượng này như thế nào để không bị vi phạm tố tụng, đòi hỏi kiểm sát viên phải nắm chắc kiến thức pháp luật tố tụng để có sự kiểm sát đúng, hợp lý đáp ứng tiêu chí đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Bên cạnh đó, từ năm 2007 đến năm 2019, theo thống kê của Cục Thống kê Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ điều tra 15 vụ án trên 10 bị can, trong đó Viện kiểm sát ra quyết định yêu cầu Cơ quan điều tra hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra là 05 vụ án với 08 bị can; Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra của Cơ quan điều tra là 02 vụ án với 04 bị can. Kết quả trên cho thấy, tỷ lệ án đất đai khởi tố thấp hơn các loại án khác thuộc chương 16 Bộ luật Hình sự năm 1999 (Chương các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế), nhưng số vụ án bị đình chỉ điều tra chiếm tỷ lệ khá cao so với số vụ án được khơi tố. Kết quả này một lần nữa cho thấy tính phức tạp và độ khó của loại án này, đòi hỏi kiểm sát viên cần kiểm sát chặt chẽ các quyết định của Cơ quan điều tra, bảo đảm tính có căn cứ và hợp pháp trong quá trình giải quyết vụ án hình sự về đất đai để có những báo cáo đề xuất lãnh đạo Viện kiểm sát giải quyết kịp thời. Tìnhtrạng đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án theo Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 1999, nay là Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 (tức là đình chỉ khi thấy không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, khi có sự chuyển biến về tình hình...) đang bị lạm dụng. Mặc dù vụ án phải bị đình chi vì không đủ yếu tố cấu thành tội phạm mới xong trên thực tiễn vẫn có tình trạng cố tình “lách” luật để đình chỉ theo điều luật này. Theo đó, vấn đề xử lý vật chứng sẽ khác (vì đình chỉ theo Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 1999 nay là Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì vật chứng vẫn bị tịch thu và xử lý theo quy định của pháp luật) và tránh được việc phải bồi thường oan, sai.

Kiểm sát việc điều tra lại đối với các vụ án hình sự về đất đai được hiểu là vụ án đã được xét xử sơ thẩm, tuy nhiên, bản án bị kháng nghị hoặc kháng cáo theo trình tự phúc thẩm. Tòa án phúc thẩm sau khi nghiên cứu hồ sơ và xét xử tại phiên tòa phát hiện ra: chứng cứ còn thiếu, chưa đủ cơ sở để tuyên án; hoặc có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng... Tòa án phúc thẩm sẽ ban hành quyết định hủy bản án sơ thẩm để tiến hành điều tra lại để xét xử lại. Kiểm sát viên sau khi nhận hồ sơ từ Tòa án chuyển về phải chuyển ngay cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra lại theo quy định chung của pháp luật. Qua đó, đòi hỏi kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ thời hạn điều tra lại, nội dung cần điều tra củng cố theo yêu cầu của Tòa án.

6. Kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án

Khi kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án hình sự, kiểm sát viên cần kiểm sát chặt chẽ về tài liệu đã được thiết lập tài liệu qua xác minh, điều tra ban đầu đã làm rõ và những tài liệu, chứng cứ quan trọng chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng trong vụ án. Lưu ý cơ quan điều tra sắp xếp theo từng vấn đề để dễ nghiên cứu và theo dõi, tránh thất lạc, mất mát hoặc có hành vi tráo đổi tài liệu trong hồ sơ. Thực tiễn kiểm sát hồ sơ cho thấy, nhiều văn bản ban hành không có ngày tháng, không có giờ cụ thể trong các bản cung, bản khai, thậm chí bản ảnh hiện trường không ghi rõ ngày tháng thiết lập, chụp ảnh không có thước đo tỷ lệ... Khi kiểm sát viên phát hiện ra những vấn đề đó kịp thời sẽ giúp cho Cơ quan điều tra cũng như Viện kiểm sát khắc phục và củng cố chứng cứ được chặt chẽ hơn. Những tài liệu được Cơ quan điều tra thiết lập đều phải kiểm sát chặt chẽ về thời gian (ngày tháng) ghi trên từng tài liệu, giờ tiến hành, người tiến hành. Tránh hiện tượng hợp thức hóa sau, rất lộn xộn, có trường hợp hai bản cung lấy của hai đối tượng khác nhau trong cùng vụ lại ghi cùng một giờ và cùng một điều tra viên tiến án hành, sai sót này chính là cơ sở để luật sư đấu tranh và kiến nghị hủy bỏ hai bản cung đó. Nhiều hồ sơ vụ án hình sự về đất đai, đối tượng chính của vụ án chỉ có một lời khai duy nhất là không bảo đảm, trong trường hợp đó nếu kiểm sát việc xây dựng hồ sơ phát hiện sớm sẽ cóđường lối khắc phục, tránh việc sau này hồ sơ bị trả đi trả lại nhiều lần vì những sai sót không đáng có. Đối với những tài liệu khác chỉ có duy nhất 01 bảngốc hoặc những tài liệu liên quan đến biên bản, bản ảnh sơ đồ, bản cung, bản khai... thì kiểm sát viên cần sao chụp lại toàn bộ tài liệu đó để lưu vào hồ sơ kiểm sát đề phòng trường hợp mất, thay đổi, thì sẽ có hồ sơ đổi chứng. Cần có các quy định sao cho tài liệu mà Viện kiểm sát thiết lập cũng phải có giá trị chứng minh như hồ sơ thiết lập ban đầu từ Cơ quan điều tra. Điều này rất có ý nghĩa nếu tài liệu từ hồ sơ gốc bị mất, thất thoát vì nguyên nhân nào đó, thì tài liệu được thiết lập từ phía Viện kiểm sát cũng có giá trị chứng minh.

Hồ sơ vụ án phản ánh kết quả của hoạt động điều tra, phản ánh kết quả của cả chức năng kiểm sát hồ sơ. qua đó, đòi hỏi kiểm sát viên cần hết sức chú trọng đến hoạt động kiểm sát hồ sơ trên thực tiễn công tác.

7. Tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự về đất đai theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 không quy định riêng một chương về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự mà quy định thành từng điều luật riêng về xử lý vi phạm trong điều tra vụ án hình sự và giải quyết khiếu nại trong điều tra vụ án hình sự (tại hai điều luật Điều 113 và Điều 329 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003). Việc quy định này đã dẫn đến một thực tế là giao cho Viện kiểm sát theo dõi, giám sát và giải quyết các khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự. Điều này chưa thực sự hợp lý. Tất nhiên, Viện kiểm sát khi giải quyết đơn thư về việc vi phạm, có quyền kiến nghị với các cơ quan chức năng (như Cơ quan điều tra, cơ quan hữu quankhác liên quan) xem xét và xử lý các trường hợp có vị phạm. Song, vì quy định chung chung nên tính thực quyền và thực chất của vụ việc khó được giải quyết, ít được thực hiện trên thực tiễn. Hoặc Điều 329 Bộ luật Tố tang hình sự năm 2003 quy định việc giải quyết khiếu nại, tố cáo lần đầu thuộc về Viện kiểm sát là chưa thỏa đảng và không hợp lý vì có những khiếu nại, tố cáo không liên quan đến hành vi tố tụng và quyết định tố tung của Viện kiểm sát thì việc xử lý càng khó khăn và không hiệu quả.

Từ thực tế đơn thư khiếu nại, tố cáo đang ngày một tăng đột biến về số lượng, đối với Cơ quan điều tra thì chỉ có đơn liên quan đến vụ án hình sự, còn phía Viện kiểm sát thì đủ các loại đơn từ hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính lao động... trong đó theo thống kê có đến 1.021 đơn thư liên quan đến vụ án hình sự về đất đai trên địa bàn cả nước mà Cơ quan điều tra thụ lý giải quyết, Viện kiểm sát thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra từ năm 2007 đến năm 2017. Khiếu nại, tố cáo trên thực tế thường chia thành hai thể loại: (1) đối với bị can thường khiếu nại, tố cáo nhiều về các quyết định tố tụng (bắt, giữ, giam, khởi tố bị can,... kê biên tài sản, khám xét, thu giữ tài sản, đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án) hoặc khiếu nại về hành vi tố tụng, cụ thể khiếu nại về hành vi gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình giải quyết vụ án, tố cáo về những hành vi vi phạm pháp luật theo nhìn nhận chủ quan của bị can, người nhà bị canhoặc sự kích động xúi giục của người khác (nhiều trường hợp là luật sư); (2) đối với bị hại thì khiếu thường đối với việc thời gian giải quyết vụ việc quá lâu, naj thu giữ tài sản để phục vụ công tác điều tra quá lâu cần trả lại.

Đối với các quyết định tố tụng liên quan đến Cơ quan điều tra và điều tra viên, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra thì việc giải quyết hiện tại là theo quy định tại Chương 33 Bộ luật Tố tung hình năm 2015, theo đó Viện kiểm sát không có chức năng giám sát việc khiếu nại, tố cáo này nếu không thuộc phạm vi cần giải quyết của Viện kiểm sát. Như vậy, chỉ những đơn, thư khiếu nại tố cáo liên quan trực tiếp đến hành vi tố tụng của Viện kiểm sát và quyết định tố tụng do Viện kiểm sát phê chuẩn, hủy bỏ hoặc ban hành thì Viện kiểm sát có trách nhiệm xử lý. Quy định mới này đã phân chia khá rõ về đối tượng, phạm vi thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, song lại không có cơ chế quản lý giám sát chéo, dẫn đến việc không biết thông tin và kết quả giải quyết như thế nào, nếu thực tế hành vi vi phạm pháp luật đó là tội phạm thì việc xử lý tiếp theo ra sao, đòi hỏi cũng cần đặt ra xem xét và giải quyết. Giải quyết tốt hoạt động khiếu nại, tố cáo này cũng góp phần không nhỏ nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự nói chung, các vụ án hình sự về đất đai nói riêng.

8. Quan hệ phối hợp và chế ước giữa Viện kiểm sát nhân dân với Cơ quan cảnh sát điều tra trong điều tra các vụ án hình sự về đất đai

Thực trạng về quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân với Cơ quan Cảnh sát điều tra trong thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự vê dat dai

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Quy chế thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự số 111/QĐ-VKSNDTC trong giai đoạn điều tra, Viện kiểm sát có quyền trực tiếp hỏi cung bị can khi xét thấy cần thiết, lấy lời khai người làm chứng. Trường hợp cần thiết Viện kiểm sát có quyền tiến hành đối chất. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không hạn chế quyền cho kiểm sát viên tiến hành một số hoạt động điều tra nhằm làm sáng tỏ hơn về chứng cứ chứng minh trong vụ án hình sự, nhưng chỉ dừng lại ở chỗ “thấy cần thiết”. Hiện nay nhiều địa bàn đã có quy định bắt kể vụ án nào, đơn giản hay phức tạp, cần thiết hay không cần thiết thì việc Viện kiểm sát phải hỏi cung, lấy lời khai trước khi làm cáo trạng truy tố là bắt buộc. Quy định đóng khung này lại quá "ép" vì trong trường hợpnhững vụ án đã quá rõ ràng, chứng cứ đầy đủ thì việc tiến hành lấy lời khai lại là hoạt động thừa, không cần thiết. Điều đáng nói là tài liệu và chứng cứ do Viện kiểm sát tiến hành trong giai đoạn này có giá trị chứng minh như thế nào và tài liệu đó có được lưu và đánh số bút lục trong hô sơ vụ án của Cơ quan điều tra không hay chỉ lưu vào hồ sơ kiểm sát? Nếu tài liệu do Viện kiểm sát thu thập lại chứng minh trái ngược hoàn toàn với chứng cứ, tài liệu mà Cơ quan điều tra thu thập thì giá trị chứng minh của tài liệu nào cao hơn và có tính quyết định? Đặc biệt những vụ án hình sự về đất đai, quan điểm và ý kiến của Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra có nhiều điểm chưa thống nhất, do đó nhiều vụ án Cơ quan điều tra chuyển sang, Viện kiểm sát không phê chuẩn, nhiều vụ án quá trình điều tra không thu thập được đầy đủ chứng cứ chứng minh về hành vi phạm tội khiến Viện kiểm sát phải đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, tỷ lệ án đình chỉ tương đối cao so với các loại án khác. Do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định hoạt động này có tính chất tùy nghi, không bắt buộc, do đó phần lớn kiểm sát viên rất ít khi trực tiếp tiến hành hoạt động điều tra lấy lời khai, hỏi cung, đối chất. Viện kiểm sát thường chờ Cơ quan điều tra kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang thì sẽ sử dụng quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung để giải quyết mâu thuẫn (nếu có) trong kết quả điều tra vụ án và nếu thực hiện việc điều tra trực tiếp thì chỉ thực hiện trong trườnghợp xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn của Cơ quan dieu tra.

Thực trạng về quan hệ chế ước của Viện kiểm sát nhân dân với Cơ quan Cảnh sát điều tra trong điều tra vụ án hình sự về đất đai

Viện kiểm sát không phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can đối với các vụ án hình sự về đất đai thực tế còn chiếm tỷ lệ tương đối cao. Nhiều vụ án khi Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ sang xin phê chuẩn, nhưng do tài liệu thu thập chưa được đầy đủ, chứng cứ còn thiếu nên Viện kiểm sát chưa thể phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với các đối tượng được đề nghị xin phê chuẩn. Sự thận trọng này có hai chiều hướng, thứ nhất, bảo đảm khi đã phê chuẩn các quyết định tố tụng là phải chính xác, không oan sai; thứ hai, nhằm ngăn chặn không cho đối tượng tẩu tán tài sản nhưng còn non về chứng cứ nên dễ dẫn đến oan, sai. Ví dụ: Ngày 12/4/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận TL thành phố HN đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng Nguyễn Thị H về tội Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai, theo Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 1999, H có hành vi như sau: năm 1998 H có mua 01 (một) mảnh đất (mua bán viết tay) của một đối tượng tên Trần Quốc Tr, nguồn gốc mảnh đất là đất ao, sau đó H đã đổ đất, xây dựng nhà 02 (hai) tầng trên lô đất đó, việc xây dựng thời gian này không có giấy phép. Sau khi mua đất, dựng nhà, tiếp tục thuê người chở đất đếnđổ và lấn tiếp ao của làng, diện tích lấn chiếm khoảng 70m”. H chia ra thành 02 (hai) lô nhỏ, bán cho bà B, trú tại ngõ KT, thành phố HN và bán cho bà C trú tại phường QN, thành phố HN. Hai hộ này sau đã tiến hành xin phép xây nhà ở thì không được sự đồng ý của chính quyền địa phương, đồng thời tổ dânphố đã có đơn gửi Cơ quan điều tra về hành vi vi phạm của đối tượng H. Khi gọi đối tượng H lên làm việc với quan có thẩm quyền, H đã đưa giấy tờ liên quan đến đất mà H mua và bán. Tại giấy viết tay mua bán giữ H và Tr ghi “bán 1 lô đất ao cho bà H, diện tích 100m phía bắc giáp với đường đi liên thôn; phía nam giáp với đường liên xã, phía tây giáp với nhà ông T còn phía đông giáp với ao chung”; nói đến loại đất ao này, ông T được gọi lên và nói: đây là ao của làng, tôi có công cả tạo và trồng rau muống ở ao nhiều đời nay, nay tôi không sử dụng thì bán lại cho bà H. Theo quy định tại Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ và bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thì đất ao mà nằm trong khu dân cư được xác định là đất ở. Dựa vào hướng dẫn này nên ông T đã bán đất cho bà H. Bà H cho rằng, sau khi mua bà có quyền cái tạo tiếp, việc bà lấn ao là việc khai hoang, phục hóa đất và bà có quyền đó, vì thấy nhiều hộ cũng làm thế. Viện kiểm sát cho rằng, chưa thể phê chuẩn quyết định khởi tố bị can nếu không làm rõ những nội dung mà các bên trình bày ở trên. Sự việc trên muốn làm sáng rõ đòi hỏi phải có các cơ quan chuyên môn choý kiến và đặc biệt là chính quyền địa phương xã có biết việc các đối tượng tự ý mua bán, xây nhà, dựng đường nước, đường điện, xin đăng ký tạm trú không... Theo đó, cần phải xem xét kỹ lưỡng trước khi phê chuẩn đồng ý hay không đồng ý với tội danh mà Cơ quan điều tra chuyển sang.

Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra. Nếu thấy các quyết định của Cơ quan điều tra là không có căn cứ, trái pháp luật thì Viện kiểm sát có quyền ra quyết định hủy bỏ quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra. Trong trường hợp bị can bỏ trốn, Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Như vậy, Viện kiểm sát có quyền hủy bỏ bất cứ quyết định nào của Cơ quan điều tra nếu xét thấy được ban hành không có căn cứ và trái với quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế, việc Viện kiểm sát thực hiện quyền năng chế ước này thường bị hạn chế bởi phạm vi (tại các thời điểm cụ thể trong giai đoạn điều tra) và đối tượng tác động (loại quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra). Trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, Viện kiểm sát chỉ thực hiện việc hủy bỏ tại các thời điểm hồ sơ vụ án được chuyển đến Viện kiểm sát để tiến hành các hoạt động nghiệp vụ kiểm sát như phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, việc áp dụng, thay đổi, gia hạn biện pháp ngăn chặn; còn ở giai đoạn trước đó khiCơ quan điều tra đang tiến hành điều tra, xác minh làm rõ thì quyền này dường như không được áp dụng, điều này cũng hợp lý vì giai đoạn này Cơ quan điều tra đang tiến hành những công việc của mình, nếu cần thiết thì Viện kiểm sát có quyền đề ra các yêu cầu điều tra làm rõ, hạn chế tối đa các quyền chế ước can thiệp vào giai đoạn này. Đối với các quyết định tố tụng khác của Cơ quan điều tra như: quyết định phân công điều tra viên thụ lý vụ án; quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn mà không cần Viện kiểm sát phê chuẩn quyết định trưng cầu giám định; quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có) trái pháp luật,... Viện kiểm sát không thể nắm bắt thông tin kịp thời để thực hiện quyền hủy bỏ hay yêu cầu Cơ quan điều tra hủy bỏ, Viện kiểm sát chỉ có thể kiểm tra và bảo đảm tính pháp chế của hoạt động điều tra khi kết thúc điều tra chuyển sang giai đoạn quyết định việc truy tố. Trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, Viện kiểm sát chủ động hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can, quyết định tạm giữ là phổ biến khi phát hiện việc ban hành không có căn cứ và vi phạm pháp luật. Các quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn chỉ bị hủy bỏ trong trường hợp Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can. Các quyết định tố tụng khác, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong việc ban hành, hầu hết trong mọi trường hợp, Viện kiểm sát sẽ không hủy bỏ ngay mà yêu cầu Cơ quan điều tra tự khắc phục và chỉ thực hiện quyền hủy bỏ của mình trong giai đoạn quyết định việc truy tố khi Cơ quan điều tra không thực hiện yêu cầu.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2007 đến hết năm 2017 của Cục Thống kê Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát đã ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án về đất đai là 4 vụ án của Cơ quan điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố, Viện kiểm gát đã trực tiếp khởi tố 2 vụ án và chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật. Số liệu thống kê phản ánh thực trạng Viện kiểm sát có thể thực hiện một cách có hiệu quả hoạt động hủy bỏ quyết định tố tụng không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra chỉ khi Bộ luật Tố tụng hình sự quy định một cách cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn của Viện kiểm sát đối với việc ban hành các quyết định của Cơ quan điều tra như trong lĩnh vực khởi tố vụ án, khởi tố bị can; áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn trong lĩnh vực đất đai.

 


[1] Nguồn: C44 Bộ Công an và Cục Thống kê Viện kiểm sát nhân dân tối cao

[2] Nguồn: C44 Bộ Công an và Cục Thống kê Viện kiểm sát nhân dân tối cao

[3] Nguồn: C44 Bộ Công an và Cục Thống kê Viện kiểm sát nhân dân tối cao

[4] Nguồn: C44 Bộ Công an và Cục Thống kê Viện kiểm sát nhân dân tối cao

[5] Nguồn: C44 Bộ Công an và Cục Thống kê Viện kiểm sát nhân dân tối cao

[6] Nguồn: Cục Thống kê Viện Kiểm sát tối cao

[7] Theo Khảo sát, thống kê của Cục Thống kê Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

[8] Nguồn Cục Thống kê Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành