Thứ ba, 25 Tháng 3 2014 00:00

Phương hướng xây dựng và cải cách chính sách thuế đối với kinh tế cá thể, tiểu chủ

     1. Một số quan điểm cần quán triệt trong cải cách chính sách thuế đối với kinh tế cá thể, tiểu chủ ở Việt Nam.

     1.1. Mục đích của cải cách chính sách thuế đối với kinh tế cá thể, tiểu Chủ.

     Muốn tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh cá thể Việt Nam hội nhập với kinh tế thị trường thì cần phải có một hệ thống cơ chế chính sách thông thoáng, đồng bộ, phù hợp. Trong đó hệ thống chính sách thuế phải tạo được tiền đề cho các hộ kinh doanh cá thể tích tụ vốn để góp phần thúc đẩy hộ kinh doanh cá thể chuyển thành DN. Cả nước hiện có gần 3 triệu hộ kinh doanh cá thể, mô hình kinh tế này đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phân phối hàng hóa tới nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Để thúc đẩy phát triển mới DN dân doanh, ngoài việc tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thông thoáng, thuận lợi hơn, thì việc tạo điều kiện chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể thành DN là một giải pháp hết sức thiết thực.

Nghị quyết số 14- NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân xác định, kinh tế tư nhân gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân, hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp của tư nhân. Nghị quyết cũng nêu rõ các hộ kinh doanh cá thể được Nhà nước tạo điều kiện và giúp đỡ để phát triển ở cả nông thôn và thành thị; khuyến khích các hộ liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác tự nguyện, làm vệ tinh cho doanh nghiệp hoặc phát triển lớn hơn.

     Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giai đoạn 2006- 2010 là một bộ phận cấu thành quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006- 2010. Mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2006- 2010 là đẩy nhanh tốc độ phát triển DNNVV, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và cạnh tranh quốc gia, các DNNVV tham gia đáng kể vào việc giải quyết việc làm và góp phần tăng thu nhập. Cụ thể là, phấn đấu để đạt cho được số lượng 500.000 doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả vào năm 2010; Bên cạnh nhiều lợi ích về kinh tế như huy động các nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh, tăng thu NSNN, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, cơ cấu lao động, cái được lớn nhất phải kể đến là 500.000 doanh nghiệp sẽ tham gia đáng kể vào việc giải quyết việc làm. Dự báo giai đoạn 2006- 2010, số DNNVV sẽ giải quyết được 2,7 triệu lao động mới cho xã hội.

     Muốn có 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm ăn có hiệu quả thì cần phải có trên 500.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, ước tính bình quân mỗi năm phải ra đời trên 60.000 doanh nghiệp. Đó là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn. Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, hiện nay cả nước có khoảng 230.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có đến 96% là các doanh nghiệp của tư nhân (bao gồm công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân) và có gần 3 triệu hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, cũng mới chỉ có khoảng 30% số hộ đăng ký kinh doanh, trên 30% số hộ chưa đăng ký kinh doanh, và gần 30% số hộ không đăng ký kinh doanh. Hiện cả nước cũng có khoảng 18.000 hợp tác xã (HTX), trong đó có nhiều HTX dịch vụ, thương mại, công nghiệp, TTCN…hoạt động theo Luật Hợp tác xã, nhưng trong thực tế đã có không ít các HTX chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp. Đồng thời cũng có khoảng 72.000 trang trại đang hoạt động, nhưng còn thiếu cơ chế, chính sách để có thể chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Kể từ khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực đến nay, hầu như chưa có văn bản hướng dẫn nào liên quan đến các trang trại đủ điều kiện thực hiện đăng ký kinh doanh và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

     1.2. Quan điểm xây dựng chính sách thuế đối với kinh tế cá thể, tiểu thủ

    Thực tế cho thấy, các hộ kinh doanh cá thể ở nước ta tồn tại khách quan và có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển chung của đất nước, không những giải quyết việc làm, tăng thu nhập, tăng nguồn thu cho ngân sách,... mà hộ kinh doanh cá thể còn phát triển tự nhiên, phân bổ rộng khắp, có mặt ở hầu hết các vùng, miền trên cả nước. Đặc biệt, hộ kinh doanh cá thể còn là kênh phân phối hàng hoá tới vùng sâu, vùng xa, góp phần ổn định chính trị, trật tự xã hội. Vì thế, cũng không thể áp đặt biện pháp hành chính bắt buộc các hộ kinh doanh cá thể chuyển sang loại hình doanh nghiệp.

     Nguyên nhân các hộ kinh doanh cá thể chưa, hoặc không muốn chuyển sang hoạt động theo các loại hình doanh nghiệp, là do: khung pháp lý cho hộ kinh doanh cá thể hoạt động còn thiếu, đặc biệt là chính sách thuế không rõ ràng minh bạch, thường xuyên có sự thay đổi, đã làm cho khá nhiều hộ kinh doanh cá thể đăng ký hoạt động theo loại hình doanh nghiệp được một thời gian xin quay trở lại kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể; có những quy định không hợp lý, thiếu tính khả thi. Ví dụ, trong Nghị định 109 của Chính phủ quy định những hộ kinh doanh cá thể mà thuê từ 10 lao động trở lên hoặc mở từ 2 địa điểm kinh doanh trở lên thì phải chuyển thành doanh nghiệp, trong khi đó lại có những quy định áp dụng bắt buộc đối với doanh nghiệp nhưng lại không bắt buộc đối với hộ kinh doanh cá thể như vấn đề môi trường, gây tiếng ồn, phòng chống cháy nổ, mua bảo hiểm bắt buộc...; Nhà nước đã có cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, nhưng mới chỉ tập trung vào các loại hình doanh nghiệp, chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể đối với hộ kinh doanh cá thể; Bộ máy quản lý nhà nước ở nhiều địa phương vẫn còn hạn chế, bất cập, nhất là tình trạng nhũng nhiễu của một số cán bộ, công chức nhà nước... Mặt khác, cũng phải kể đến một nguyên nhân khách quan là do sự khác biệt về văn hoá, lịch sử, truyền thống, tập quán, tâm lý giữa các vùng, miền, địa phương cũng có tác động tới việc chuyển hộ kinh doanh cá thể sang loại hình doanh nghiệp.

     1.3. Sự nhất quán trong xây dựng chính sách thuế đối với kinh tế cá thể, tiểu chủ

     Đường lối phát triển và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với kinh tế tư nhân ở Việt Nam là nhất quán. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ các loại hình doanh nghiệp mới có đầy đủ cơ sở pháp lý để mở rộng và phát triển, môi trường kinh doanh thuận lợi, khung khổ pháp lý rõ ràng, minh bạch, ổn định hơn, đặc biệt là chính sách thuế. Các DN dễ dàng tiếp cận với cơ sở hạ tầng như thuê đất để tạo mặt bằng sản xuất, cũng như việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng...Hiện nay khung khổ pháp lý chính thức cho khu vực các hộ kinh doanh cá thể; đặc biệt là chính sách thuế chưa thật  rõ ràng, minh bạch; nhiều khi sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh các văn bản pháp quy không phù hợp với thực tiễn và thiếu tính khả thi. Nhà nước cần luật hoá hệ thống chính sách thuế đối với khu vực kinh tế cá thể một cách chi tiết rõ ràng hơn. Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh cá thể trong việc phát triển thị trường, Nhà nước hỗ trợ để các hộ kinh doanh cá thể có được thông tin về thị trường trong và ngoài nước, đổi mới công nghệ, giảm chi phí một cách thấp nhất khi gia nhập thị trường; phát triển nguồn nhân lực có khả năng quản trị doanh nghiệp và đội ngũ công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu phát triển. Nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể quy mô lớn chuyển sang đăng ký kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp; khuyến khích và tạo điều kiện để các HTX dịch vụ, thương mại, CN-TTCN, hộ kinh doanh cá thể ở các làng nghề chuyển sang hoạt động theo các loại hình doanh nghiệp. Nghiên cứu cơ chế, chính sách, để sớm đưa ra quy định hướng dẫn các trang trại thành lập doanh nghiệp; cần tiến hành đồng thời các biện pháp khuyến khích, hướng dẫn, trợ giúp, thúc đẩy hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp như bắt buộc cấp mã số thuế cho tất cả các hộ kinh doanh cá thể để tạo sự bình đẳng trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước. Tiếp tục hoàn thiện và tăng cường quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân; tạo lập sự thân thiện, gần gũi của các cấp chính quyền địa phương trong việc đối xử đối với hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền, nhất là chính quyền địa phương. 

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Sửa đổi lần cuối Thứ ba, 04 Tháng 11 2014 08:34

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành