Thứ tư, 22 Tháng 6 2022 00:54

Kinh nghiệm một số nước về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và Bài học cho Việt Nam

Không kể một số hình thức kiểm soát mang tính chất sơ khai, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của công chức bắt đầu xuất hiện ở một số nước trên thế giới từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Ở Hoa Kỳ, sự gia tăng các vụ bê bối liên quan đến tham nhũng của chính quyền đã tạo động lực cho những sáng kiến nhằm củng cố liêm chính công. Thông điệp của Tổng thống Harry S.Truman tại kỳ họp Quốc hội năm 1951 là một trong số những tuyên bố chính trị đầu tiên về sự cần thiết phải có sự công khai trước công chúng về các nguồn tài chính cá nhân của một số quan chức cấp liên bang. Tuy nhiên, cũng phải đến năm 1965,Tổng thống Lyndon. B. Johnson mới thành công trong việc yêu cầu các công chức liên bang phải kê khai về tài chính cá nhân của mình trước cơ quan công quyền. Đến năm 1978, Hoa Kỳ mới chính thức ban hành một đạo luật (Luật về đạo đức trong chính quyền của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ), yêu cầu các quan chức ở cả 3 nhánh trong hệ thống chính quyền liên bang phải công khai tài sản, thu nhập ở một mức nhất định nào đó.

Cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, phong trào dân chủ hóa ở nhiều nước Trung và Đông Âu phát triển mạnh. Theo quy tắc XHCN, các công chức nói chung không phải kê khai tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển ngày càng chiếm ưu thế của chương trình nghị sự chống tham nhũng toàn cầu thì các quốc gia này cũng đã đưa ra các quy định về kê khai tài sản, thu nhập của quan chức, theo đó, phạm vi và lĩnh vực phải kê khai ngày càng được mở rộng hơn.

Hình 1. Sự tiến triển của pháp luật trên thế giới về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn

(Nguồn OECD, 2012)

Biểu đồ trên cho thấy, thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất của pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là thập niên 1990-2000. Nguyên nhân là hiệu quả của cơ chế này đã được chứng minh trong thực tiễn cùng sự gia tăng cơ học do sự chuyển đổi hệ thống chính trị ở các quốc gia thuộc Liên Xô và Đông Âu. Tuy nhiên, các công ước quốc tế và khu vực về chống tham nhũng được thông qua vào thời điểm đó cũng đóng một vai trò không thể tranh cãi khi họ khuyến khích và thúc giục các quốc gia thành viên xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia để kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, như là bước đệm để chống tham nhũng.

Một số nước kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyềnhạn thông qua hệ thống pháp luật kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trên cơ sở: Một số quốc gia có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế hoặc điều kiện chính trị, xã hội; một số quốc gia có sự tương đồng về tình trạng tham nhũng; một số quốc gia có sự tương đồng về hệ thống pháp luật; một số quốc gia tuy không có nhiều tương đồng về kinh tế, chính trị, xã hội nhưng là quốc gia có chỉ số minh bạch cao, có quá trình phòng chống tham nhũng thành công hoặc một số quốc gia đang trong quá trình đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.Việc lựa chọn này nhằm so sánh các mô hình kiểm soát tài sản, thu nhập khác nhau (cả đã thành công, đang trong quá trình thực hiện thành công hoặc chưa thành công, điều kiện chính trị, kinhtế-xã hội, văn hóa, tình trạng tham nhũng...) để tìm ra những thực tiễn tốt, phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam. Đồng thời, bài viết cũng tham khảo, kế thừa các đánh giá khảo sát mà WB, UNODC và OECD đã thực hiện ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ.

Quy định của pháp luật các quốc gia về đối tượng chịu sự kiểm soát tài sản, thu nhập

Mỗi quốc gia có cách quy định riêng đối với công chức thuộc đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập. Nhìn chung, kinh nghiệm các nước cho thấy các nhóm công chức sau đây thường là đối tượng được yêu cầu phải kê khaitài sản, thu nhập:

Thành viên của nghị viện và chính phủ: Đây là lựa chọn phạm vi đối tượng phải kê khai hẹp nhất mà một số nước trên thế giới áp dụng. Lý do quy định cho việc quy định đối tượng hẹp như vậy có thể xuất phát từ bảo đảm tính hài hòa giữa quyền riêng tư của cá nhân với sự cần thiết phải thúc đẩy các quy trình thông tin công khai của quan chức và trách nhiệm giải trình (như Đức, Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy).

Các quan chức/chính trị gia cao cấp (bao gồm thành viên của nghị viện, các bộ trưởng và một nhóm công chức cấp cao khác): Đây là cách tiếp cận phổ biến nhất ở nhiều quốc gia, vì các chính trị gia cao cấp là những người có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình hoạch định các chính sách công, xây dựng thể chế và quyền quyết định cho các vị trí công chức khác. Lợi ích của việc áp dụng hệ thống này là nhằm thúc đẩy các nguyên tắc về minh bạch, trách nhiệm giải trình và cũng hạn chế gánh nặng về hành chính, tài chính cho hoạt động của hệ thống (như Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ác-mê-nia, Kô-sô-vô.

Hầu hết công chức: Ở một số quốc gia, nghĩa vụ kê khai được áp dụng đối với hầu hết hoặc toàn bộ công chức. Lý do cho sự lựa chọn này vì công chức là những người trực tiếp sử dụng quyền lực công, nên ở họ thường trước nguy cơ lạm dụng, lợi dụng quyền lực công để vụ lợi, mặt khác, việc lựa chọn này được cho rằng nhằm bảo đảm tính công bằng giữa các công chức làm việc trong bộ máy chính quyền vớinhau.

Nhóm đối tượng khác: Một số nước quy định cả nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập của những người thân trong gia đình quan chức. Những người mà công chức cần cung cấp dữ liệu cá nhân trong bản khai của mình thường là những người có mối liên hệ thân thiết nhất trong cuộc sống riêng tư của một công chức.

Hình 2. Đối tượng của khung pháp lý về công khai tài sản, thu nhập theo phân loại thu nhập quốc gia

(Nguồn: OECD, 2012)

Qua biểu đồ trên cho thấy, hầu hết các quốc gia được lựa chọn để khảo sát mặc dù có sự khác nhau về lựa chọn đối tượng có nghĩa vụ kê khai, nhưng đều hướng đến những người đứng đầu nhà nước, bộ trưởng, thành viên nội các, đại biểu Quốc hội, các cán bộ cao cấp trong cơ quan nhà nước hoặc thành viên cao cấp của các doanh nghiệp nhà nước, công chức cấp cao, thẩm phán là những người có thu nhập cao hoặc thu nhập trung bình cao trong xã hội và làm việc ở những vị trí có nguy cơ tham nhũng cao.

Quy định của pháp luật các quốc gia về thẩm quyền kiểmsoát

Về cơ quan chịu trách nhiệm chính trong kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn

Nhìn chung, trên thế giới có nhiều mô hình cơ quan chịu trách nhiệm chính trong quản lý hệ thống kiểm soát tài sản, thu nhập tùy thuộc vào mục đích của từng hệ thống kiểm soát. Có thể phân chia thành 02 mô hình khác nhau gồm: mô hình kiểm soát từ bên trong và mô hình kiểm soát từ bên ngoài:

Mô hình kiểm soát từ bên trong (kiểm soát nội bộ): Theo đó, pháp luật sẽ giao cho người đứng đầu (hoặc công chức được ủy quyền) của cơ quan, tổ chức đơn vị quản lý cán bộ có nhiệm vụ theo dõi, quản lý và giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập. Lý do của việc lựa chọnmô hình này, bên cạnh việc người đứng đầu có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho cấp dưới, nên họ biết được những công việc có thể dẫn đến xung đột lợi ích hoặc có nguy cơ tham nhũng, thì họ còn là người thường xuyên tiếp xúc, gần gũi để có thể biết nhiều hơn về các mối quan hệ, điều kiện kinh tế cũng như khả năng chi tiêu của cấp dưới. Mô hình này có thể được tìm thấy ở các quốc gia như Lít-va, E-xtô-ni-a, Liên bang Nga, Đức, Ai-len, Tây Ban Nha.

Mô hình kiểm soát từ bên ngoài: Các nước theo mô hình này sẽ giao cho một hoặc một số cơ quan độc lập, có nhiệm vụ kiểm soát tài sản, thu nhập của công chức. Đây mô hình được nhiều quốc gia áp dụng vì tính độc lập, không bị phụ thuộc và khả năng tập trung các nguồn lực cho hoạt động của cơ quan này, qua đó nhằm bảo đảm cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập của công chức được khách quan, minh bạch. Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình một cơ quan chuyên trách hay giao cho một hoặc một số cơ quan đồng thời có chức năng kiểm soát tài sản, thu nhập của công chức thì ở các quốc gia lại quy định khác nhau như: Thành lập cơ quan chuyên trách để xử lý các bản kê khai của công chức như ở Pháp hoặc giao cho cơ quan chuyên trách chống tham nhũng ở Anbani; thành lập các đơn vị đặc biệt trong cơ quan bảo vệ pháp luật (Tòa án, Viện kiểm sát) như ở Ai Cập, Đài Loan. Về thẩm quyền, cơ quan này bên cạnh chức năng chống tham nhũng, thì nó còn có chức năng theo dõi biến động về tài sản, thu nhập và xác minh tài sản, thu nhập khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hoặc khi nghi ngờ công chức có hành vi tham nhũng. Có quốc gia giao cho một số cơ quan có chức năng tiến hành hoạt động chống tham nhũng như Ác-mê-ni-a, Ca- dắc-xtan giao cho cơ quan thuế hay Giooc - đa - ni, Đan Mạch, Bồ Đào Nha giao cho cơ quan quản lý nền công vụ (Bộ Nội vụ) và thậm chí giao cả cho cơ quan quản lý ngành tư pháp (Bộ Tư pháp); Bun-ga-ri lại giao cơ quan kiểm toán tối cao thuộc nghị viện tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập.

Nhìn chung, dù kiểm soát tài sản, thu nhập theo mô hình nào thì cũng có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Ở mô hình kiểm soát nội bộ, khó khăn đặt ra là việc tuân thủ đúng quy chế, quy định đề ra của công chức. Bên cạnh đó, do sự không đồng đềuvềnăng lực giữa các ban, ngành liên quan cũng gây khó khăn trong áp dụng các phương pháp thực thi thống nhất và thường các cơ quan này sẽ chú trọng về mặt hành chính, thủ tục hơn là kiểm tra, giám sát tuân thủ việc kê khai của công chức. Ở mô hình kiểm soát từ bên ngoài, tuy bảo đảm tính khách quan, minh bạch và hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động nghiệp vụ của cơ quan thuế, hệ thống ngân hàng, quản lý bất động sản…, nhưng gặp khó khăn do họ phải kiểm soát lượng đối tượng lớn (nhất là ở các quốc gia yêu cầu hầu hết công chức phải kê khai) nên việc kiểm soát toàn bộ các đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập là rất khó khăn.

Tuy nhiên, có thể thấy một điểm chung cho các mô hình là việc bảo đảm sự minh bạch về nhiệm vụ và quyền hạn, mối quan hệ với các cơ quan khác cũng như cơ chế trách nhiệm giải trình; có vị trí độc lập; có sự phân công nhiệm vụ đặc biệt trong tổ chức; đề cao giá trị tốt trong việc bổ nhiệm, đình chỉ người đứng đầu các cơ quan này cũng như công chức của các cơ quan này; có s bảo đảm về tài chính ổn định và các cơ chế trách nhiệm giải trình hiệu quả.

Sự tham gia của các chủ thể khác trong kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyềnhạn

Thông thường, mỗi quốc gia sẽ giao cho một hoặc một số cơ quan có thẩm quyền chính trong kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.Tuy nhiên, việc một hoặc một vài cơ quan thực hiện nhiệm vụ này là chưa đủ để theo dõi được tính trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập cũng như về nguồn gốc, biến động về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Do đó, các quốc gia thường coi ngân hàng, cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý, đăng ký bất động sản, động sản… là các cơ quan có chức năng quan trọng trong kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vì trong hoạt động nghiệp vụ của mình, các cơ quan này có khả năng theo dõi biến động hoặc nguồn gốc về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Do đó, việc huy động sự tham gia của một số cơ quan này trong kiểm soát tài sản, thu nhập là một tất yếu khách quan.

Quy định của pháp luật các quốc gia về nội dung kiểm soát

Về thu nhập phải kê khai: Thu nhập là một trong những loại thông tin phổ biến nhất cần cung cấp trong bản kê khai của công chức. Có 2 lý do cho vấn đề này:

Thứ nhất, thông tin về thu nhập của công chức thể hiện những lợi ích cá nhân của người đó trong mối liên hệ với bên thứ ba và mức độ của các lợi ích đó; Thứ hai, tỷ lệ tương đối của thu nhập chính so với thu nhập bên ngoài sẽ cho phép đánh giá xem liệu chức vụ của người đó có tương xứng với những gì mà người đó thu nhập được hay không. Nhìn chung, các quốc gia yêu cầu công chức kê khai tài sản, thu nhập thì thông tin về thu nhập là yếu tố bắt buộc và quan trọng phải kê khai.

Về tài sản phải kê khai: Cũng giống như thông tin về thu nhập, thông tin về tài sản thể hiện lợi ích của họ. Lý do cụ thể nhất đằng sau việc yêu cầu kê khai tài sản ở nhiều quốc gia là nhằm mục đích giám sát nguồn gốc thu nhập. Thông tin liên quan đến tài sản có thể được đưa ra đối chiếu để đánh giá xem liệu những thay đổi về tài sản của một công chức có thể lý giải được bằng những thông tin về thu nhập hợp pháp đã kê khai haykhông.

Có nhiều phương án để thực hiện, nhưng phương án được cân nhắc nhiều nhất vẫn là liệu kê khai được giá trị của tài sản (Vương quốc Anh) hay chỉ kê khai loại tài sản (Đức, Pháp). Việc lựa chọn chỉ kê khai loại tài sản tuy không thể cung cấp đủ thông tin phục vụ cho việc kiểm soát một cách toàn diện, nhưng nó cũng có thể được sử dụng cho việc kiểm soát nguồn phát sinh xung đột lợi ích tiềm tàng. Một phương án khác cũng được cân nhắc là kê khai tài sản do mình sở hữu và tài sản được sử dụng lâu dài (thuê, được ủy thác sử dụng…).Việc quản lý tài sản thuộc sở hữu tương đối dễ dàng, nhưng tài sản được giao sử dụng lâu dài thì lại cần cơ chế giám sát toàn diện hơn để kiểm soát xung đột lợich.

Về quà tặng phải kê khai:

Quà tặng có thể được coi là một hình thức thu nhập đặc biệt, tính chất của nó thường là không chính thức và bản chất của nó là không thường xuyên nên việc kê khai chúng thường mang nhiều ý nghĩa về kiểm soát xung đột lợi ích hơn là để phòng chống tham nhũng. Ví dụ: ở Latvia, việc kê khai quà tặng là bắt buộc đối với mọi công chức; thành viên nghị viện Anh phải kê khai bất kỳ quà tặng nào có giá trị lớn hơn 1% sovới lương của mình; ở Pháp, thành viên nghị viện phải kê khai tất cả quà tặng, không căn cứ vào giá trị quà tặng. Các quy tắc điều chỉnh việc nhận quà tặng thường được áp dụng đối với những quà tặng được đưa và nhận trong mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ công của công chức.

Về các khoản chi tiêu phải kê khai:

Về lý thuyết, một công chức có thể dùng thu nhập bất hợp pháp của mình để chi tiêu theo cách mà không dẫn đến sự tăng lên về tài sản trong kỳ kê khai, nên không thể thấy được sự thay đổi về tài sản trong bản kê khai tài sản. Việc giám sát chi tiêu sẽ quản lý được vấn đề trên. Đồng thời, việc yêu cầu công chức kê khai các khoản chi tiêu còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong trường hợp một công chức được giao nhiều trách nhiệm và việc chi tiêu của họ không cân xứng với thu nhập chính thức mà họ đượcnhận.

Quy định của pháp luật các quốc gia về phương thức kiểmsoát

Về tần suất tự kê khai:

Hầu hết các quốc gia lựa chọn thời điểm đầu và thời điểm cuối từ khi nhậm chức đến khi rời khỏi vị trí đối với công chức là thời điểm phải kê khai và nộp bản kê khai; một số công chức nhất định sẽ phải kê khai thường kỳ (thường là 01 năm) và một số công chức phải kê khai đột xuất hoặc khi có thay đổi đáng kể về tài sản, thu nhập.

Hình 3. Tần suất tự kê khai

(Nguồn: OECD, 2012).

Qua hình trên cho thấy, đa số các nước được khảo sát có yêu cầu công chức khi được bổ nhiệm và thôi chức phải kê khai tài sản, thu nhập và sau đó là kê khai bổ sung hàng năm. Việc quy định tần suấtự kê khai hàng năm cho phép cơ quan nhà nước theo dõi được thường xuyên, liên tục và hệ thống hơn, kể cả khi công chức đã chuyển sang công việc khác hoặc đã vềhưu.

Về Công khai bản kê khai: Xác định nội dung công khai và phạm vi công khai có sự khác biệt lớn ở các nước khác nhau trên thế giới. Chẳng hạn ở Đan Mạch, Bô-xni-a Héc-xê-gô-vi-na, Rumani, Montenegro cho phép công khai mọi thông tin có liên quan đến tờ khai (đây là các nước có quy định giới hạn đối tượng kê khai tài sản, thu nhập là công chức cấp cao và mức độ kê khai hạn chế về thông tin cá nhân). Trong khi đó, ở một số quốc gia khác thì việc công khai cho người dân về bản kê khai tài sản, thu nhập lại có sự giới hạn về thông tin mà người dân có quyền cập nhật (thường không công khai các chi tiết liên quan đến thông tin cá nhân của công chức như mã số nhận dạng, địa chỉ nhà riêng, các mối quan hệ trong gia đình…) như ở Lit-va, Croatia, Bungari, Latvia… Tuy nhiên, cũng có một số quốc gia không đặt vấn đề phạm vi các nội dung phải công khai mà lại lựa chọn đối tượng nhất định phải công khai bản kê khai như ở Hoa Kỳ,Ucraina.

Về quản lý các giao dịch giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ và thuế thu nhập cá nhân:

Hầu hết pháp luật các nước được khảo sát đều quy định trách nhiệm của ngân hàng trong việc cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến giao dịch có giá trị lớn hoặc giao dịch đáng ngờ cho cơ quan phòng, chống rửa tiền để theo dõi, xác định nguồn gốc của các khoản tiền thực hiện giao dịch đó. Khảo sát tại Hoa Kỳ cho thấy, Luật Bí mật ngân hàng quy định mọi giao dịch có giá trị từ 10.000 USD trở lên, ngân hàng phải lưu giữ chứng từ và phải báo cáo cơ quan phòng, chống rửa tiền. Sau này Luật sửa đổi cho phép các cơ quan chức năng có thể hạ thấp mức chuẩn trong các cuộc điều tra nếu thấy cần thiết. Trong khi đó, tại Nhật Bản, ngân hàng phải báo cáo tất cả các giao dịch tiền tệ trong nước vượt quá 30 triệu Yên và các giao dịch tiền tệ quốc tế vượt quá 5 triệu Yên….

Về quản lý thuế thu nhập cá nhân: Các dữ liệu thuế thu nhập cá nhân thường sẽ thể hiện các thu nhập hợp pháp của người nộp thuế. Tổng hợp kết quả khảo sát về quản lý thuế thu nhập cá nhân cho thấy, các nước thường có hai cách tiếp cận đối với quản lý thuế là yêu cầu người có nghĩa vụ nộp thuế kê khai toàn bộ hoặc kê khai hạn chế: Trong đó, các nước áp dụng kê khai toàn bộ như Úc, Canada, Xin-ga-po yêu cầu người có nghĩa vụ nộp tờ khai thuế khi có thu nhập vượt quá một mức tối thiểu nhất định. Các nước áp dụng kê khai hạn chế như Đức, Nhật Bản,Hà Lan,Niu Di-Lân,Anh không yêu cầu cá nhân phải nộp tờ khai thuế, nhưng thay vào đó bị đánh thuế qua việc khấu trừ tại nguồn thông qua hệ thống khấu trừ tiền lương.

Về xác minh bản kê khai:

Về cơ bản, các nước thường quy định căn cứ xác minh như lựa chọn ngẫu nhiên (xác định một tỉ lệ nhất định bản kê khai để tiến hành xác minh); xác minh bắt buộc trên cơ sở những rủi ro được xác định trong những thông tin được kê khai, trường hợp có biến động lớn về tài sản hoặc tài sản không được kê khai nguồn gốc rõ ràng hoặc dựa trên những dấu hiệu vi phạm hoặc khi có tố cáo.

Việc lựa chọn hình thức xác minh cũng là một vấn đề các quốc gia cân nhắc. Ở các nước XHCN trước đây thường lựa chọn hình thức đối chiếu những thông tin được kê khai với những thông tin do các cơ quan khác lưu giữ (thông tin về thuế, đăng ký bất động sản, động sản, tài khoản ngân hàng…). Việc đối chiếu này giúp xác định những sự khác biệt rõ ràng và bảo đảm sự thống nhất giữa những nguồn thông tin của cơ quan công quyền có được với bản kê khai. Ở một số nước khác, việc đối chiếu thông tin chỉ là một biện pháp để theo dõi, giám sát tài sản, thu nhập của công chức và khi tài sản, thu nhậpcó sựtăng hoặc giảm bất thường thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra để các minh nguồn gốc của tài sản đó. Đây là một biện pháp được nhiều nước áp dụng để bảo đảm rằng, tài sản của công chức sở hữu là hợp pháp hay bất hợp pháp để có những biện pháp xử lý cho phù hợp.

Về xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhậpkhông trung thực và xử lý tài sản, thu nhập bất minh:

Các hệ thống pháp luật khác nhau có thể có những quy định khác nhau về các loại trách nhiệm pháp lý. Do đó, việc phân loại trách nhiệm (trách nhiệm hình sự, hành chính, kỷ luật, dân sự) chỉ là cách tiếp cận chung được áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia với những tiêu chuẩn khác nhau.

Chế tài hình sự. Việc vi phạm về thời hạn và nội dung kê khai thường không được các nước coi là tội phạm, mà chỉ với hành vi làm giàu bất chính mới bị coi là tội phạm. Tuy nhiên, cũng ghi nhận ở một số nước coi việc vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập là tội phạm như Mỹ, Ba Lan, Anh, Italia... Một số quốc gia khác tuy không hình sự hóa hành vi kê khai tài sản khôn gtrung thực nhưng lại hình sự hóa tội cố tình cung cấp thông tin sai cho cơ quan chức năng. Đối với tài sản bất minh, chế tài hình sự thường được áp dụng để thu hồi và được nhiều nước trên thế giới áp dụng như Trung Quốc, Đức, Mỹ …

Chế tài hành chính, kỷ luật. Loại chế tài này là phổ biến nhất áp dụng trong trường hợp kê khai không trung thực hoặc vi phạm về thời hạn kê khai. Hình thức phổ biến nhất của chế tài này là phạt tiền, khiển trách, hạ bậc lương, cách chức, giáng chức, sa thải.

Trách nhiệm dân sự. Trách nhiệm dân sựtrong trường hợp này thường không được quy định phổ biến.Trong hầu hết các trường hợp khi công chức không thực hiện việc kê khai hoặc không nộp bản kê khai, sự tổn hại đối với lợi ích công không thể xác định rõ ràng, do đó không thể xác định mức đền bù tài sản.

Qua đánh giá việc thực thi UNCAC ở một số quốc gia của Tổ công tác liên chính phủ mở về phòng chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc cho thấy một số thực tiễn tốt cần nghiên cứu như:

+ Về loại tài sản phải khai báo và phạm vi một viên chức nhà nước phải tuân thủ chế độ kê khai: Ma-lai-xi-a yêu cầu tất cả các công chức phải nộp tờ khai tài sản, bao gồm các khoản nợ nần, các lợi ích kinh doanh và lợi ích tài chính và khai báo điện tử, đây là những vấn đề công chức đã cam kết trước khi tuyển dụng. Hoa Kỳ quy định nghĩa vụ nộp tờ khai tài sản chủ yếu áp dụng cho các công chức cao cấp trước khi bổ nhiệm, kê khai hàng năm và lần cuối cùng trước khi rời khỏi vị trí.

+ Về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và giám sát, xác minh tờ khai: Ác-hen-ti-na, Ác-mê-ni-a, Bô-xni-a Héc-xê-gô-vi-na, Chi-lê, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin và Liên bang Nga thành lập một cơ quan ở trung ương sẽ xem xét một số hoặc tất cả các tờ khai. Tại Ác-mê-ni-a, tất cả các công chức cao cấp phải nộp tờ khai tài sản và thu nhập cho Ủy ban Đạo đức để Ủy ban này theo dõi và cân nhắc việc xác minh. Tại Cộng hòa Triều Tiên, việc áp dụng, đánh dấu dưới hình thức Hệ thống thông tin tổng hợp về đạo đức và tài sản, Hệ thống này cho phép đăng ký và xem xét tài sản cùng một lúc, kết nối dữ liệu nhân sự, tài chính và bất động sản với nhau và mức độ chính xác đạt 91% trong thông tin do các công chức chính phủ cung cấp.

+ Về xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực: Pháp luật Hoa Kỳ quy định, phạt 200 USD tự động được kích hoạt khi một cá nhân không nộp tờ khai tài sản đúng thời hạn; khi có thông tin sai lệch, Bộ Tư pháp, sau khi được cơ quan chính phủ liên quan yêu cầu, sẽ tiến hành các thủ tục để truy tố; hệ thống thực thi này của Hoa Kỳ đã dẫn đến mức độ tuân thủ của công chức rất cao. Hay ở Bô-xni-a Héc-xê-gô-vi-na, nếu Ủy ban Bầu cử trung ương nhận thấy rằng thông tin chưa đầy đủ hoặc không chính xác thì có thể chuyển vấn đề này cho Văn phòng Công tố có thẩm quyền xác minh, xử lý,trường hợp có vi phạm thì sẽ bị xử lý kỷ luật đến mức cao nhất là cách chức.

Ở Việt Nam, trước hết để xây dựng cho mình một hệ thống pháp luật kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn minh bạch, hiệu lực, hiệu quả thì các cơ quan nhà nước cần phải vượt qua được các vấn đề rào cản về tâm lý, truyền thống xã hội và các rào cản khác về chính trị. Qua tham khảo pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn một số nước rút ra một số giá trị tham khảo cho Việt Nam là:

Lựa chọn đối tượng kiểm soát tài sản, thu nhập trước hết phải xác định mục tiêu là nhằm phòng chống tham nhũng hay phòng ngừa xung đột lợi ích và khả năng đáp ứng nguồn lực cho việc kiểm soát là những yếu tố rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc giới hạn phạm vi đối tượng kiểm soát, tập trung vào những vị trí có nguy cơ tham nhũng cao hay kiểm soát toàn bộ công chức không phải là yếu tố tác động quan trọng nhất trong phòng chống tham nhũng do không có căn cứ nào cho thấy, việc mở rộng đối tượng chịu sự kiểm soát thì sẽ mang lại hiệu quả chống tham nhũng cao hơn.

Việc xác định thẩm quyền kiểm soát không nên phụ thuộc quá nhiều vào việc giao cho chủ thể nào thực hiện, mà vấn đề quan trọng là bảo đảm tính độc lập, khách quan của chủ thể được giao quyền. Chủ thể được giao quyền nếu không chịu bất kỳ một tác động nào từ phía các cơ quan nhà nước và người có chức vụ, quyền hạn thì sẽ đem lại kết quả cao và bảo đảm khách quan, minh bạch, nâng cao uy tín của hệ thống. Đồng thời, do lĩnh vực chống tham nhũng được nhìn nhận là lĩnh vực đặc biệt thì các chủ thể này cũng phải có những thẩm quyền đặc biệt mới có thể thực hiện được, ví dụ như thẩm quyền trong tạm giữ, phong tỏa tài sản, tài khoản; áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt, quyền truy cập thông tin của hệ thống ngân hàng, kho bạc, dữ liệu của cơ quan thuế, đăng ký bất động sản, động sản…

Bản kê khai được công khai sẽ huy động được sự tham gia của các chủ thể khác ngoài nhà nước trong giám sát việc tuân thủ và tăng cường được ý thức tuân thủ của người kê khai. Tuy nhiên, nội dung và phạm vi công khai cần được cân nhắc thận trọng phù hợp với hoàn cảnh xã hội để vừa phát huy được các yếu tố nêu trên nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền của người có nghĩa vụ kê khai.

Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn không thể đứng độc lập mà cần phải đồng bộ với kiểm soát thu nhập của toàn dân; việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn chỉ là một biện pháp quan trọng trong kiểm soát tài sản, thu nhập và muốn kiểm soát được thì phải bảo đảm các giải pháp đồng bộ cả trong kiểm soát các giao dịch, đăng ký bất động sản, động sản, cơ sở dữ liệu thuế, hải quan…

Nâng cao năng lực của thể chế bằng các biện pháp như tăng cường áp dụng công nghệ thông tin việc kiểm soát tài sản, thu nhập, cho phép người có chức vụ, quyền hạn kê khai và nộp bản kê khai điện tử...

Sửa đổi lần cuối Thứ năm, 22 Tháng 12 2022 01:01

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành