Thứ tư, 18 Tháng 5 2022 01:03

Khái quát thực trạng pháp luật về đầu tư chứng khoán ở Việt Nam

1. Pháp luật về các chủ thể tham gia vào hoạt động quỹ đầu tư chứng khoán

1.1. Pháp luật về công ty quản lý quỹ

Pháp luật về công ty quản lý quỹ hiện nay được quy định tập chung tại các văn bản: Luật chứng khoán, Nghị định 155/2020/NĐ-CP và Thông tư số 99/2020/NĐ-CP.

Trong đó, Công ty quản lý quỹ được hiểu là doanh nghiệp được Ủy ban Chứng khoán nhà nước cấp giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, thực hiện nghiệp vụ quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán.

Việc cấp phép công ty quản lý quỹ được thực hiện bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và phải đáp ứng các điều kiện sau: Vốn điều lệ (tối thiểu 25 tỷ đồng); Cổ đông, thành viên góp vốn (cá nhân không thuộc trường hợp hạn chế thành lập doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh có lãi trong 02 năm liền trước); Cơ cấu cổ đông, thành viên góp vốn (tối thiểu 02 cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn là tổ chức, tổng tỷ lệ vốn góp của các tổ chức tối thiểu là 65% vốn điều lệ, trong đó các tổ chức là ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán sở hữu tối thiểu là 30% vốn điều lệ); Nhân sự (Tổng giám đốc, 05 nhân viên có chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ và 01 nhân viên kiểm soát tuân thủ); Trụ sở, cơ sở vật chất đảm bảo cho hoạt động kinh doanh chứng khoán.

Các quy định về điều kiện thành lập công ty quản lý quỹ được nâng cao theo từng giai đoạn phát triển của thị trường chứng khoán. Luật chứng khoán 2019 đã nâng cao điều kiện thành lập công ty quản lý quỹ cao hơn so với quy định tại Luật chứng khoán 2006 như: yêu cầu tổ chức phải nắm giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ và phải có tổ chức là tài chính, ngân hàng tham gia góp vốn; có bộ phận kiểm soát tuân thủ. Việc nâng cao điều kiện thành lập công ty quản lý quỹ để nhằm thực hiện công tác tái cấu trúc các công ty quản lý quỹ phù hợp với nhu cầu, đặc điểm và quy mô phát triển thị trường chứng khoán, củng cố hoạt động và năng lực tài chính, nâng cao năng lực quản trị công ty theo hướng hoạt động minh bạch, công khai và theo thông lệ quốc tế. Các công ty quản lý quỹ được thành lập có khả năng huy động vốn thành lập quỹ đầu tư chứng khoán, nâng cao sức cạnh tranh với các công ty quản lý quỹ trong khu vực và trên thế giới.

Về cơ cấu tổ chức: công ty quản lý quỹ có cơ cấu tổ chức tương ứng với hình thức tổ chức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn theo quy định tại Luật doanh nghiệp. Trong đó, để bảo đảm ngăn ngừa xung đột lợi ích, hạn chế rủi ro, pháp luật công ty quản lý quỹ yêu cầu phải thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ, kiểm soát nội bộ và thiết lập hệ thống kiểm soát rủi ro (Điều 5, Điều 6 Thông tư số 99/2020/TT-BTC).

Về hoạt động: công ty quản lý quỹ thực hiện quản lý tài sản cho các quỹ đầu tư chứng khoán. Do vậy, pháp luật yêu cầu công ty quản lý quỹ phải tuân thủ chặt chẽ các quy định khi quản lý tài sản cho quỹ đầu tư chứng khoán, cụ thể:

- Không được sử dụng tài sản của quỹ, công ty đầu tư chứng khoán để đầu tư vào chính quỹ, công ty đầu tư chứng khoán đó;

- Không được sử dụng tài sản của khách hàng ủy thác quản lý danh mục, quỹ, công ty đầu tư chứng khoán do mình quản lý để đầu tư vào quỹ, công ty đầu tư chứng khoán khác do mình quản lý;

- Không được sử dụng tài sản của quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng để đầu tư vào chính công ty quản lý quỹ; không đầu tư vào tổ chức là người có liên quan của công ty quản lý;

- Không được sử dụng tài sản ủy thác để cho vay dưới mọi hình thức, bảo lãnh cho các khoản vay dưới mọi hình thức hoặc thanh toán các nghĩa vụ nợ của công ty quản lý quỹ, người có liên quan của công ty quản lý quỹ, tổ chức, cá nhân khác;

- Không được đưa ra nhận định hoặc bảo đảm với khách hàng ủy thác về mức thu nhập hoặc lợi nhuận đạt được trên khoản đầu tư hoặc bảo đảm khách hàng ủy thác không bị thua lỗ, trừ trường hợp đầu tư vào chứng khoán có thu nhập cố định;

- Không được thực hiện các giao dịch nhằm làm giảm lợi nhuận của một khách hàng ủy thác để làm tăng lợi nhuận của một khách hàng ủy thác khác; không được giao kết hợp đồng, thực hiện giao dịch với các điều khoản bất lợi cho khách hàng ủy thác.

Như vậy, pháp luật về công ty quản lý quỹ quy định về điều kiện thành lập, quy trình, tổ chức và hoạt động công ty quản lý quỹ. Các quy định pháp luật về công ty quản lý quỹ đã thường xuyên sửa đổi, bổ sung để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Về cơ bản, các quy định pháp luật về công ty quản lý quỹ trong thời gian qua đã đáp ứng được hoạt động của các công ty quản lý quỹ, hạn chế được các công ty quản lý quỹ sử dụng vốn của các quỹ đầu tư trái quy định. Các công ty quản lý quỹ đã phát huy vai trò là nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán.

Theo số liệu báo cáo tổng kết năm 2020 của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, tính đến năm 2020, thị trường chứng khoán có 43 công ty quản lý quỹ được thành lập và hoạt động và quản lý tổng số 57 quỹ đầu tư chứng khoán.. Tuy nhiên, công ty quản lý quỹ đang đứng trước những thách thức về sự cạnh tranh khốc liệt, áp lực giảm phí, quy định quản lý chặt chẽ hơn đồng thời phải đáp ứng những đòi hỏi khắt khe hơn của nhà đầu tư trong việc ứng dụng công nghệ tài chính để quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Theo báo cáo của Capergimi (2018) về xu hướng chính trong lĩnh vực quản lý quỹ, công nghệ tài chính được dự kiến sẽ tác động đến hoạt động của công ty quản lý quỹ trong các hoạt động sau: ứng dụng trí tuệ thông minh nhân tạo và máy móc học trong quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; Sử dụng rô bốt tự động hóa (Robotic Process Automated) trong quá trình số hóa trong hoạt động.

Về pháp luật sau thời gian thí điểm thực hiện, tháng 6/2017, Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (Monetary Authority Singapore) đã ban hành quy định về cung cấp dịch vụ tư vấn kỹ thuật số (Provision of Digital Advisory Services) để hướng dẫn hoạt động này cho các công ty quản lý quỹ, công ty tài chính. Quy định yêu cầu: các tổ chức sử dụng rô bốt phải đăng ký trước khi sử dụng với Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore, khi vận hành hệ thống rô bốt tư vấn, tổ chức phải có khả năng quản lý được những thay đổi liên quan đến thuật toán (có nhân sự phù hợp về năng lực và chuyên môn để phát triển và rà soát thường xuyên thuật toán).

1.2. Pháp luật về ngân hàng giám sát

Pháp luật quy định nhiều nghĩa vụ buộc công ty quản lý quỹ phải tuân thủ khi nhận ủy thác quản lý quỹ đầu tư chứng khoán nhưng để bảo đảm tối đa lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, cần có một chủ thể thứ ba giám sát hoạt động công ty quản lý quỹ. Chủ thể thứ ba đó chính là ngân hàng giám sát.

Ngân hàng giám sát là ngân hàng thương mại có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp, thực hiện các dịch vụ lưu ký và giám sát việc quản lý quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán (khoản 1 Điều 116 Luật chứng khoán 2019).

Ngân hàng giám sát thực hiện giám sát các hoạt động của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán trong phạm vi liên quan tới quỹ đầu tư chứng khoán mà ngân hàng cung cấp dịch vụ giám sát. Ngân hàng giám sát có các nghĩa vụ sau đây:

- Thực hiện lưu ký tài sản của quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý tách biệt tài sản của quỹ đầu tư chứng khoán và các tài sản khác của ngân hàng giám sát;

- Giám sát để bảo đảm công ty quản lý quỹ quản lý quỹ đầu tư chứng khoán tuân thủ quy định của Luật chứng khoán, Điều lệ quỹ đầu tư chứng khoán;

- Thực hiện hoạt động thu, chi, thanh toán và chuyển giao tài sản liên quan đến hoạt động của quỹ đầu tư chứng khoán theo yêu cầu hợp pháp của công ty quản lý quỹ;

- Xác nhận báo cáo do công ty quản lý quỹ lập có liên quan đến quỹ đầu tư chứng khoán;

- Giám sát việc tuân thủ chế độ báo cáo và công bố thông tin của công ty quản lý quỹ theo quy định của pháp luật;

- Báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi phát hiện công ty quản lý quỹ và tổ chức, cá nhân có liên quan vi phạm pháp luật, điều lệ quỹ đầu tư chứng khoán;

- Định kỳ cùng công ty quản lý quỹ đối chiếu sổ kế toán, báo cáo tài chính và hoạt động giao dịch của quỹ đầu tư chứng khoán;

- Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và điều lệ quỹ đầu tư chứng khoán. Các quy định pháp luật về ngân hàng giám sát đã bảo vệ tốt nhất tài sản của các quỹ đầu tư. Hoạt động của các quỹ đầu tư được ngân hàng giám sát giám sát chặt chẽ bảo đảm tuân thủ đúng theo quy định pháp luật và điều lệ quỹ. Theo số liệu báo cáo tổng kết năm 2020 của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, tính đến cuối năm 2020, thị trường chứng khoán mới có 7/49 ngân hàng thương mại tham gia cung cấp dịch vụ ngân hàng giám sát cho quỹ đầu tư chứng khoán.

1.3. Pháp luật về đại lý phân phối chứng chỉ quỹ

Pháp luật về đại lý phân phối là những quy định về điều kiện, hoạt động, nguyên tắc trong phân phối chứng chỉ quỹ. Đại lý phân phối chứng chỉ quỹ là các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, ngân hàng lưu ký, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức kinh tế khác đã có giấy chứng nhân đăng ký hoạt đặng phân phối chứng chỉ quỹ đại chúng, cổ phiếu công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, ký hợp đồng phân phối chứng chỉ quỹ đóng, quỹ mở, cổ phiếu công ty đầu tư chứng khoán đại chúng với công ty quản lý quỹ. Để hạn chế rủi ro tránh việc chiếm dụng vốn của nhà đầu tư trong quá trình phân phối chứng chỉ quỹ, pháp luật Việt Nam chỉ cho phép các tổ chức được phép phân phối chứng chỉ quỹ cho quỹ đầu tư chứng khoán. Điều kiện để tổ chức được đăng ký đại ký phân phối chứng chỉ quỹ như sau:

- Là tổ chức có ít nhất một địa điểm kinh doanh được lựa chọn là địa điểm phân phối chứng chỉ quỹ. Việc phân phối chứng chỉ quỹ chỉ được thực hiện tại các địa điểm đã đăng ký;

- Tại mỗi địa điểm có tối thiểu 02 nhân viên có chứng chỉ hành nghề chứng khoán;

- Có cơ sở vật chất, kỹ thuật đảm bảo hoạt động phân phối chứng chỉ quỹ;

- Có quy trình nghiệp vụ phân phối chứng chỉ quỹ và bộ đạo đức nghề nghiệp áp dụng đối với nhân viên phân phối chứng chỉ quỹ.

Để bảo đảm an toàn cho hoạt động phân phối chứng chỉ quỹ và quyền lợi của nhà đầu tư, pháp luật quy định trong hoạt động phân phối chứng chỉ quỹ, đại lý phân phối phải tuân thủ các yêu cầu sau:

- Đại lý phân phối, nhân viên phân phối phải tự nguyện, công bằng, trung thực đối với nhà đầu tư, cung cấp đầy đủ, kịp thời mọi thông tin chính xác để nhà đầu tư tự đưa ra quyết định đầu tư. Các thông tin, dữ liệu, dự báo kinh tế cung cấp cho nhà đầu tư phải dựa trên những sự kiện có thực và kèm theo các tài liệu dẫn chiếu do các tổ chức kinh tế tài chính chuyên nghiệp phát hành và đã được công bố công khai. Nhân viên phân phối chứng chỉ quỹ không được cung cấp các thông tin chưa được kiểm chứng, tin đồn, thông tin sai lệch cho nhà đầu tư.

- Nhân viên phân phối chỉ chào bán chứng chỉ quỹ sau khi nhà đầu tư đã được cung cấp đầy đủ Điều lệ quỹ, Bản cáo bạch, Bản cáo bạch tóm tắt, hoạt động của quỹ. Nhân viên phân phối phải giải thích cho nhà đầu tư hiểu được các nội dung tại Điều lệ quỹ, Bản cáo bạch, đặc biệt là mục tiêu và chính sách đầu tư của quỹ, chiến lược đầu tư của quỹ để đạt được mục tiêu đầu tư, đặc tính về lợi nhuận và rủi ro, chính sách phân phối lợi nhuận, thuế, giá dịch vụ và các chi phí khác; cơ chế giao dịch chứng chỉ quỹ.

- Nhân viên phân phối phải cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời cho nhà đầu tư mọi thông tin về kết quả hoạt động của quỹ với hàm ý các kết quả hoạt động trước đó chỉ mang tính tham khảo và có thể thay đổi tùy vào tình hình thị trường.

- Nhân viên phân phối không được cung cấp thông tin sai sự thật, khuếch đại sự thật, dễ gây hiểu nhầm, cung cấp không đầy đủ thông tin, đưa ra các dự báo để dụ dỗ hay mời chào nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ, không gây hiểu nhầm về các đặc tính lợi nhuận và rủi ro của chứng chỉ quỹ đó. Khi so sánh với các sản phẩm quỹ khác, phải chỉ rõ những khác biệt giữa các quỹ để nhà đầu tư lựa chọn. Không được trực tiếp, gián tiếp thực hiện các hành vi nhằm lôi kéo, xúi giục nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ có mức độ rủi ro cao trong trường hợp nhà đầu tư chưa hiểu hết về các rủi ro tiềm ẩn khi đầu tư vào quỹ, hoặc các quỹ đó không phù hợp với mục tiêu đầu tư và năng lực tài chính của nhà đầu tư.

- Đại lý phân phối, nhân viên phân phối có trách nhiệm bảo mật các thông tin về nhà đầu tư, thông tin về giao dịch của nhà đầu tư, không được sử dụng các thông tin đó với bất kỳ mục đích gì, trừ trường hợp được nhà đầu tư đồng ý hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

- Đại lý phân phối không được chiết khấu, giảm giá giao dịch chứng chỉ quỹ dưới bất kỳ hình thức nào; không được tặng quà, sử dụng lợi ích vật chất hay tài chính dưới mọi hình thức để mời chào, dụ dỗ nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ; không được yêu cầu, đòi hỏi hoặc tiếp nhận dưới danh nghĩa cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, từ công ty quản lý quỹ bất kỳ khoản thù lao, lợi nhuận, lợi ích nào để mời chào nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ, ngoài các mức giá dịch vụ đã được công bố tại các Bản cáo bạch và tại các hợp đồng phân phối ký với công ty quản lý quỹ.

- Đại lý phân phối không được phân phối chứng chỉ quỹ tại các địa điểm phân phối chưa đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Đại lý phân phối phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hoạt động của các địa điểm phân phối chứng chỉ quỹ, nhân viên phân phối chứng chỉ quỹ khi phân phối chứng chỉ quỹ cho nhà đầu tư.

- Công ty quản lý quỹ, đại lý phân phối hằng năm phải tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ, kiến thức cho đội ngũ nhân viên phân phối chứng chỉ quỹ. Thông tin về hoạt động đào tạo trong năm của công ty quản lý quỹ và đại lý phân phối phải được gửi kèm trong báo cáo hoạt động hàng năm của công ty quản lý quỹ.

Các quy định pháp luật về đại lý phân phối trong thời gian qua đã góp phần hình thành hệ thống các đại lý phân phối chứng chỉ quỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho các quỹ đầu tư huy động vốn từ công chúng đầu tư. Các quy định này, về cơ bản tạo hành lang pháp lý cho hoạt động phân phối chứng chỉ quỹ, hoạt động an toàn, hiệu quả. Theo báo cáo hoạt động quản lý quỹ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước năm 2020, tính đến cuối năm 2020, thị trường chứng khoán có 40 đại lý phân phối chứng chỉ quỹ: 25 công ty chứng khoán, 13 công ty quản lý, 01 ngân hàng thương mại, 01 tổ chức kinh tế khác.

Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam còn hạn chế đối tượng tham gia làm đại lý phân phối so với một số nước như: Maylaysia, Singapore, Ấn Độ đã cho phép các cá nhân tham gia phân phối chứng chỉ quỹ và chưa có hướng dẫn đại lý phân phối được sử dụng công nghệ tài chính như blokchain. Ngoài ra, thực tiễn triển khai khi doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại đăng ký làm đại lý phân phối chứng chỉ quỹ cần được chấp thuận của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thì gặp khó khăn.

2. Điều kiện, quy trình thành lập quỹ đầu tư chứng khoán

2.1. Điều kiện thành lập quỹ đầu tư chứng khoán

Theo quy định tại Luật chứng khoán, Nghị định 155/2020/NĐ-CP để thành lập quỹ đầu tư chứng khoán phải đáp ứng các điều kiện sau:

a. Trường hợp thành lập quỹ thành viên: vốn góp tối thiểu la 50 tỷ đồng; có từ 02 đến 99 thành viên góp vốn và chỉ bao gồm thành viên là nhà đầu tư chuyên nghiệp; do một công ty quản lý quỹ quản lý; tài sản của quỹ thành viên được lưu ký tại 01 ngân hàng lưu ký độc lập với công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.

Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là các nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc trình độ chuyên môn về chứng khoán bao gồm:

- Ngân hàng thương mại, công ty tài chính, tổ chức kinh doanh chứng khoán, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán;

- Công ty có vốn điều lệ đã góp trên 100 tỷ đồng hoặc tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch;

- Người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán;

- Cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán tối thiểu 02 tỷ đồng hoặc có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu 01 tỷ đồng.

Các quy định kiện thành lập quỹ thành viên được xây dựng phù hợp với nhu cầu thị trường, phục vụ các nhà đầu tư có mức độ rủi ro cao và theo đúng thông lệ quốc tế. Trước đây, pháp luật chỉ cho phép các tổ chức mới tham gia góp vốn vào quỹ thành viên và bao gồm tối đa 30 tổ chức. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường và kinh nghiệm một số nước, Luật chứng khoán 2019 sửa đổi đã cho phép nhà đầu tư chuyên nghiệp (bao gồm cả cá nhân) tham gia và tối đa đến 99 nhà đầu tư. Điều này, hy vọng góp phần mở rộng quy mô, số lượng các quỹ thành viên trong thời gian tới.

b. Trường hợp thành lập quỹ đại chúng: vốn huy động tối thiểu phải đạt 50

tỷ đồng và phải có trên 100 nhà đầu tư tham gia vào quỹ, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Toàn bộ vốn góp của nhà đầu tư phải được phong tỏa tại một tài khoản riêng đặt dưới sự kiểm soát của ngân hàng giám sát và không được sử dụng cho đến khi hoàn tất đợt huy động vốn. Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kết quả huy động vốn có xác nhận của ngân hàng giám sát trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc việc huy động vốn (khoản 1, 2 Điều 108 Luật chứng khoán).

Trường hợp việc huy động vốn của quỹ đại chúng không đáp ứng quy thì công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán phải hoàn trả cho nhà đầu tư mọi khoản tiền đã đóng góp trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kết thúc việc huy động vốn.

Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán phải chịu mọi chi phí và nghĩa vụ tài chính khác phát sinh từ việc huy động vốn. Các quy định pháp luật về điều kiện thành lập quỹ đại chúng được xây dựng đã đáp ứng được mức đại chúng hóa của quỹ đầu tư, tài sản của quỹ đầu tư được bảo vệ an toàn, lưu ký độc lập, tách biệt tại bên thứ ba là ngân hàng giám sát.

2.2. Quy trình thành lập quỹ đầu tư chứng khoán

a. Đối với quỹ đại chúng

Pháp luật quy định trình tự thủ tục chặt chẽ để thành lập quỹ đầu tư chứng khoán, bao gồm: đăng ký chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng, phân phối chứng chỉ quỹ và thành lập quỹ đầu tư chứng khoán.

Công ty quản lý quỹ chỉ được thực hiện chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng.

Công ty quản lý quỹ thực hiện lập hồ sơ gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để đăng ký chào bán và thành lập quỹ đầu tư chứng khoán đại chúng. Hồ sơ chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng thực hiện theo quy định tại Điều 234 Nghị định 155/2020/NĐ-CP bao gồm: Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng; Điều lệ quỹ đầu tư chứng khoán, Bản cáo bạch, bản cáo bạch tóm tắt;

Hợp đồng nguyên tắc về việc giám sát giữa ngân hàng giám sát và công ty quản lý quỹ; Danh sách, bản thông tin cá nhân của người điều hành quỹ. Trong thời hạn, 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầu đủ và hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng; trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng có hiệu lực, công ty quản lý phải công bố bản thông báo chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng. Công ty quản lý quỹ phải hoàn thành việc phân phối chứng chỉ quỹ trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng có hiệu lực. Trường hợp không thể hoàn thành việc phân phối chứng chỉ quỹ trong thời hạn này, công ty quản lý quỹ được gia hạn thời gian phân phối chứng chỉ quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét gia hạn việc phân phối chứng chỉ quỹ nhưng tối đa không quá 30 ngày.

Trường hợp, kết thúc thời hạn chào bán, công ty quản lý quỹ phải hoàn trả tiền cho nhà đầu tư và chịu mọi chi phí pháp sinh từ việc huy động vốn khi: quỹ không đáp ứng điều kiện thành lập theo quy định hoặc việc phân phối chứng chỉ không hoàn tất trong thời gian dự kiến.

Trong thời hạn 10 ngày sau khi hoàn thành đợt chào bán, công ty quản lý quỹ gửi hồ sơ đăng ký lập quỹ đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Hồ sơ đăng ký lập quỹ đại chúng theo quy định tại Điều 215 Nghị định 155/2020/NĐ-CP bao gồm: Giấy đăng ký lập quỹ; Báo cáo kết quả chào bán; Xác nhận phong tỏa của ngân hàng giám sát về số tiền thu được trong đợt chào bán; Danh sách nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ, trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Các quy định về chào bán quỹ chứng chỉ quỹ đầu tư đã bảo đảm các nhà đầu tư có đầy đủ thời gian để tiếp cận thông tin về đợt chào bán, từ đó đưa ra quyết định đầu tư phù hợp với nhu cầu tài chính và mức độ rủi ro. Tuy nhiên, thời gian xử lý hồ sơ chào bán còn kéo dài (30 ngày), đối khi làm mất cơ hội huy động vốn thành lập quỹ đầu tư chứng khoán.

b. Đối với quỹ thành viên

Quỹ thành viên không phải thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng. Việc lập quỹ thành viên được công ty quản lý quỹ đăng ký thành lập với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Hồ sơ đăng ký lập quỹ thành viên thực hiện theo quy định tại Điều 223 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP bao gồm: Giấy đăng ký lập quỹ; Điều lệ quỹ thành viên; Hợp đồng lưu ký tài sản với ngân hàng lưu ký; Hợp đồng góp vốn của các thành viên góp vốn; Danh sách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia góp vốn; Giấy xác nhận của ngân hàng lưu ký về quy mô vốn góp của quỹ; Danh sách, bản cung cấp thông tin của người điều hành quỹ. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ về việc đăng ký lập quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ; trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Vốn của quỹ chỉ được giải ngân sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ. Theo báo cáo hoạt động quỹ đầu tư chứng khoán năm 2020 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến 2020, thị trường có 57 quỹ đầu tư chứng khoán, trong đó có 44 quỹ đại chúng, chiếm 77% bao gồm 02 quỹ đóng, 34 quỹ mở, 07 quỹ ETF, 01 quỹ đầu tư bất động sản. Trong quá trình triển khai thực hiện thành lập quỹ đầu tư, mặc dù pháp luật về quỹ đầu tư chứng khoán đã giảm bớt danh mục hồ sơ công ty quản lý quỹ phải nộp cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi đăng ký chào bán, thành lập quỹ đầu tư. Tuy nhiên, trường hợp công ty quản lý quỹ đã có hồ sơ chào bán, thành lập quỹ đầu tư trước đó tại tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhưng khi thành lập quỹ mới lại phải nộp lại từ đầu, kể cả đối với những hồ sơ không có thay đổi. Do vậy, pháp luật cần thay đổi theo hướng đối với các hồ sơ đã có trên hệ thống của cơ quan quản lý hoặc đã nộp cho cơ quan quản lý trước đó thì không phải cung cấp thêm khi nộp hồ sơ chào bán, thành lập cho các quỹ tiếp theo.

3. Quản trị đầu tư chứng khoán

3.1. Đại hội nhà đầu tư

Đại hội nhà đầu tư quỹ đầu tư chứng khoán bao gồm tất cả các nhà đầu tư, là cơ quan quyết định cao nhất của quỹ đầu tư chứng khoán. Đại hội nhà đầu tư quỹ đầu tư chứng khoán được triệu tập hằng năm hoặc bất thường. Theo quy định tại Điều 102 Luật chứng khoán 2019, Đại hội nhà đầu tư quỹ đầu tư chứng khoán có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch và thành viên Ban đại diện quỹ đầu tư chứng khoán;

- Quyết định mức thù lao và chi phí hoạt động của Ban đại diện quỹ đầu tư chứng khoán;

- Quyết định các thay đổi cơ bản trong chính sách đầu tư, phương án phân phối lợi nhuận và mục tiêu đầu tư của quỹ đầu tư chứng khoán; quyết định thay đổi công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, ngân hàng giám sát; thay đổi mức phí trả cho công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và ngân hàng giám sát;

- Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ quỹ đầu tư chứng khoán;

- Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể quỹ đầu tư chứng khoán; thay đổi vốn điều lệ, thay đổi thời hạn hoạt động của quỹ đầu tư chứng khoán;

- Yêu cầu công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, ngân hàng giám sát xuất trình sổ sách hoặc giấy tờ giao dịch tại Đại hội nhà đầu tư quỹ đầu tư chứng khoán;

- Thông qua các báo cáo về tình hình tài chính, tài sản và hoạt động hằng năm của quỹ đầu tư chứng khoán; thông qua việc lựa chọn tổ chức kiểm toán được chấp thuận để kiểm toán báo cáo tài chính hằng năm của quỹ đầu tư chứng khoán, tổ chức định giá độc lập (nếu có);

- Xử lý vi phạm của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, ngân hàng giám sát và Ban đại diện quỹ đầu tư chứng khoán gây tổn thất cho quỹ đầu tư chứng khoán;

- Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ quỹ đầu tư chứng khoán.

Các quy định về đại hội nhà đầu tư của quỹ được xây dựng trên cơ sở các quyền và nghĩa vụ của đại hội đồng cổ đông theo pháp luật về doanh nghiệp. Các quy định đã phát huy vai trò của đại hội nhà đầu tư trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đặc biệt là việc tổ chức đại hội nhà đầu tư thường không được các nhà đầu tư quan tâm. Các cuộc họp đại hội nhà đầu tư hàng năm phải tổ chức nhiều lần mới thành công, tốn chi phí cho quỹ đầu tư chứng khoán.

3.2. Ban đại diện quỹ

Ban đại diện quỹ đại chúng đại diện cho quyền lợi của nhà đầu tư, do Đại hội nhà đầu tư quỹ đầu tư chứng khoán bầu. Ban đại diện quỹ đại chúng có từ 03 đến 11 thành viên, trong đó tối thiểu 2/3 số thành viên của ban đại diện quỹ là các thành viên độc lập, không phải là người có liên quan của công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát. Trong ban đại diện quỹ phải có: Tối thiểu 01 thành viên độc lập có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán; Tối thiểu 01 thành viên độc lập có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong hoạt động phân tích đầu tư chứng khoán hoặc quản lý tài sản; Tối thiểu 01 thành viên có trình độ chuyên môn về pháp luật.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Thông tư số 98/2020/TT-BTC: Quyền và nghĩa vụ của ban đại diện quỹ được quy định tại điều lệ quỹ và tối thiểu phải bao gồm các quyền và nghĩa vụ sau đây:

- Đại diện cho quyền lợi của nhà đầu tư; thực hiện các hoạt động phù hợp với quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư;

- Phê duyệt sổ tay định giá giá trị tài sản ròng của quỹ; danh sách các tổ chức báo giá, các tổ chức tín dụng gửi tiền;

- Chấp thuận các giao dịch tài sản của quỹ;

- Quyết định mức lợi tức phân phối theo phương án phân phối lợi nhuận đã được Đại hội nhà đầu tư thông qua; thời điểm thực hiện, cách thức, hình thức phân phối lợi nhuận;

- Quyết định các vấn đề chưa có sự thống nhất giữa công ty quản lý quỹ và ngân hàng giám sát trên cơ sở quy định của pháp luật;

- Yêu cầu công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát kịp thời cung cấp đầy đủ các tài liệu, thông tin về hoạt động quản lý quỹ và hoạt động giám sát;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và các quy định tại Điều lệ quỹ.

Các quy định về ban đại diện quỹ của quỹ đầu tư chứng khoán được xây dựng tương đồng với hội đồng quản trị trong công ty cổ phần. Tuy nhiên, để bảo đảm phát huy vai trò của ban đại diện quỹ, pháp luật về quỹ đầu tư yêu cầu thành viên ban đại diện phải bảo đảm tính độc lập với công ty quản lý quỹ và trình độ chuyên môn cao. Điều này, vô hình chung làm tăng chi phí hoạt động cho các quỹ đầu tư khi tìm kiếm các ứng viên tham gia ban đại diện quỹ.


Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành