Thứ sáu, 22 Tháng 4 2022 00:31

Phân tích khái niệm về tài sản tham nhũng

1. Khái niệm về tài sản tham nhũng

Trên thế giới có nhiều quan niệm khác nhau về “tài sản”. Theo điểm d, Điều 2 Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng, tài sản là mọi loại của cải, vật chất hay phi vật chất, động sản hay bất động sản, hữu hình hay trừu tượng và các văn bản pháp lý hay giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.

Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Tài sản bao gồm: bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Về mặt lý luận, tài sản là vấn đề trung tâm, cốt lõi của mọi quan hệ xã hội nói chung và quan hệ pháp luật nói riêng. Khái niệm tài sản đã được đề cập rất nhiều trong thực tiễn cũng như trong khoa học pháp lý. Tài sản trên thực tế tồn tại ở rất nhiều dạng khác nhau, vô cùng phong phú và đa dạng. Chính vì vậy, việc phân loại và đưa ra một khái niệm có thể bao trùm được tất cả các tài sản trên thực tế là một vấn đề hết sức khó khăn đối với các nhà lập pháp. Khái niệm về tài sản đã xác định những loại vật thể và quyền tài sản được coi là tài sản, mang lại một sự tiện lợi khi các loại tài sản này được ghi nhận khá cụ thể và chi tiết nhưng cũng chính nó đã làm hạn chế đi rất nhiều bản chất “tài sản” của một số tài sản thực sự.

Căn cứ vào Điều 163 Bộ luật dân sự năm 2015 thì tài sản theo quy định của pháp luật phải đáp ứng được một trong các nhóm tài sản và mỗi nhóm tài sản cũng có những tiêu chí nhất định để phân loại và đánh giá tính chất tài sản. Hơn nữa, pháp luật Việt Nam đã đưa ra khái niệm “quyền tài sản” mang tính chất bất động sản, thừa nhận rằng, việc phân loại giữa động sản và bất động sản áp dụng đối với tất cả các loại tài sản. Vì vậy, cần làm rõ hơn nội hàm các vật quyền được xác lập đối với bất động sản là một quyền tài sản bất động sản, cụ thể cần xác định rõ vật quyền nào được xem là quyền tài sản, vật quyền nào không được xem là quyền tài sản và quan niệm về tài sản như sau:

Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản.

Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Khoản 1, Điều 2 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định: “Tài sản tham nhũng là tài sản có được từ hành vi tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng”. Khoản 3, Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định: “Tài sản tham nhũng là tài sản có được từ tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng”.

Từ khái niệm trên, có thể xác định tiền và tài sản tham nhũng do tham nhũng mà có (sau đây gọi tắt là tiền, tài sản tham nhũng), bao gồm:

Một là, tiền và tài sản có được từ hành vi tham nhũng như: tài sản có được do tham ô, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, giả mạo trong công tác vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi, không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi...

Hai là, tiền và tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng, bao gồm: tiền và tài sản có được từ hành vi tham nhũng, người tham nhũng đã lấy tiền và tài sản đó để sử dụng vào các mục đích khác nhau.

Nói cách khác, tiền và tài sản trong trường hợp này có được một cách gián tiếp do hành vi tham nhũng. Chẳng hạn, người tham nhũng lấy tiền có được từ thành vi tham nhũng để mua nhà, đất (mang tên mình hoặc mang tên người thân thích như bố, mẹ, con, anh chị em) hoặc đầu tư kinh doanh vào các khách sạn, nhà hàng, khu du lịch, khu vui chơi giải trí… hoặc bán tài sản có được do tham nhũng để lấy tiền gửi ngân hàng, để chuyển ra nước ngoài, để tặng cho người thân, thậm chí để làm từ thiện như xây đình, chùa... Với những cách thức này, tài sản có được từ hành vi tham nhũng đã bị “biến hóa” rất đa dạng, phức tạp, tinh vi và nhiều khi rất khó phát hiện.

2. Khái niệm phát hiện, thu hồi tiền và tài sản tham nhũng

Đối với việc phát hiện tiền và tài sản do tham nhũng mà có, để xử lý được hành vi tham nhũng thì trước tiên phải phát hiện được hành vi tham nhũng. Phát hiện tham nhũng được hiểu là việc Nhà nước thông qua các cách thức, biện pháp cụ thể tìm ra các hành vi tham nhũng nhằm kịp thời hạn chế những thiệt hại xảy ra, xác định mức độ trách nhiệm của người có hành vi vi phạm và áp dụng hình thức xử lý đúng quy định của pháp luật.

Luật phòng, chống tham nhũng đã quy định cụ thể nội dung các cách thức, biện pháp tìm ra hành vi tham nhũng cũng như trách nhiệm của các chủ thể chi liên quan tới hoạt động này.

Phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiếm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị

Luật phòng, chống tham nhũng xác định rõ hai hình thức là kiểm tra và tự kiểm tra. Hình thức tự kiểm tra bao gồm kiểm tra thường xuyên và đột xuất. Thông qua đó, Luật nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong hoạt động này, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị.

Theo đó, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng. Khi phát hiện có hành vi tham nhũng, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc thông báo cho cơ quan thanh tra, điều tra, viện kiểm sát có thẩm quyền.

Mặt khác, khi thực hiện công tác tự kiểm tra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị (sau đây gọi tắt là người đứng đầu) có trách nhiệm chủ động tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân và cán bộ, công chức, viên chức khác do mình quản lý nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng Người đứng đầu có trách nhiệm thường xuyên đôn đốc người đứng đầu đơn vị trực thuộc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý.

Khi phát hiện hành vi tham nhũng, người đứng đầu phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc thông báo cho cơ quan thanh tra, điều tra, viện kiểm sát có thẩm quyền. Để đảm bảo tính khách quan, minh bạch, khoản 3 và 4, Điều 20 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định:

“….3. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước”.

Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị một cách khách quan, phát huy được cao độ trách nhiệm của người đứng đầu trong phát hiện tham nhũng ngay chính trong cơ quan, đơn vị mình, đồng thời giúp cho người đứng đầu ở đó tránh được những hệ lụy không đáng có khi có mối quan hệ gia đình đan xen, ảnh hưởng trực tiếp đến các quyết định, quyết sách của cơ quan, đơn vị được phân công đảm trách.

Việc kiểm tra thường xuyên được tiến hành theo chương trình, kế hoạch, tập trung vào lĩnh vực, hoạt động thường phát sinh hành vi tham nhũng. Việc kiểm tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng. Điều 55 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định về công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu; theo đó, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng. Khi phát hiện có hành vi tham nhũng, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh quy định trách nhiệm người đứng đầu, khoản 1, Điều 20 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 mở rộng quy định về quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn. Theo đó, người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội thì phải thực hiện quy tắc ứng xử, bao gồm các chuẩn mực xử sự là những việc phải làm hoặc không được làm phù hợp với pháp luật và đặc thù nghề nghiệp nhằm bảo đảm liêm chính, trách nhiệm, đạo đức công vụ. Qua đó góp phần ngăn chặn hành vi tham nhũng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

Phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử, giám sát:

Đây là những cơ quan có vai trò chủ yếu trong việc phát hiện hành vi tham nhũng. Hoạt động của các cơ quan này cũng được ghi nhận trong nhiều văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao như: Luật thanh tra, Luật kiểm toán nhà nước, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân...

Thực tiễn những năm qua cho thấy, hoạt động của các cơ quan này đã đem lại hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, Điều 60 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định:

Cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán có trách nhiệm chủ động phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Trong phạm vi, quyền hạn của mình, Thanh tra Chính phủ, thanh tra bộ, thanh tra tỉnh, kiểm toán nhà nước ra quyết định thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng khi có căn cứ theo quy định của Luật thanh tra, Luật kiểm toán nhà nước.

Để đảm bảo tính khách quan, minh bạch và phòng, chống tham nhũng ngay chính trong các cơ quan có chức năng này, tại khoản 1 và 2, Điều 57 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định về việc kiểm tra hoạt động chống tham nhũng trong cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân trong đó quy định rõ:

“Người đứng đầu cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân phải tăng cường quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người có chức vụ, quyền hạn khác; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ nhằm ngăn chặn hành vi lạm quyền, nhũng nhiễu và các hành vi khác vi phạm pháp luật trong hoạt động chống tham nhũng.

Cán bộ, công chức, viên chức và người có chức vụ, quyền hạn khác của cơ quan thanh tra, kiểm toàn nhà nước, cơ quan điều tra, viện kiếm sát nhân dân tòa án nhân dân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động chống tham nhũng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật”.

Việc phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát được quy định tại Điều 59 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018. Theo đó, khoản 1 quy định rõ: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân, thường trực hội đồng nhân dân, ban của hội đồng nhân dân, tổ đại biểu hội đồng nhân dân, đại biểu hội đồng nhân dân thông qua hoạt động giám sát nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì đề nghị cơ quan thanh tra, , kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân xử lý theo quy định của pháp luật.

Tố cáo và giải quyết tố cáo về tham nhũng:

Tố cáo là quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp quy định. Theo quy định của Luật tố cáo 2011, đó là việc công dân theo thủ tục Luật tố cáo quy định, báo cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Các nội dung cụ thể về trình tự, thủ tục, trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể tham gia tố cáo nói chung đã được Luật tố cáo năm 2011 quy định. Luật phòng, chống tham nhũng chỉ quy định một số nội dung cụ thể của tố cáo trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, có tác dụng giúp cho việc phát hiện hành vi tham nhũng, bao gồm:

Thứ nhất, về trách nhiệm của người tố cáo và hình thức tố cáo hành vi tham nhũng: Điều 65 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định: Cá nhân, tổ chức có quyền phản ánh về hành vi tham nhũng, cá nhân có quyền tố cáo về hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật. Người tố cáo phải tố cáo trung thực, nêu rõ họ, tên, địa chỉ, cung cấp thông tin, tài liệu mà mình có và hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Người tố cáo mà cố tình tố cáo sai sự thật phải bị xử lý nghiêm minh, nếu gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Về hình thức tố cáo hành vi tham nhũng: Theo quy định tại Điều 54 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17/6/2013 quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005, công dân có quyền tố cáo hành vi tham nhũng thông qua các hình thức là: tổ cáo trực tiếp; gửi đơn tố cáo; tố cáo qua điện thoại, tố cáo bằng thông điệp dữ liệu.

Đối với những tố cáo nặc danh, mạo tên, nội dung không rõ ràng, thiếu căn cứ hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết và đơn tố cáo không có bằng chứng mới thì về nguyên tắc, cơ quan có thẩm quyền không xem xét giải quyết. Tuy nhiên, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của việc tố cáo, khoản 4, Điều 55 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP quy định đối với những tố cáo không rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nghiên cứu, tham khảo thông tin được cung cấp để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng.

Thứ hai, về trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết tố cáo:

Nhằm tạo cơ chế hữu hiệu cho công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo, Luật phòng, chống tham nhũng nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong giải quyết tố cáo và áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo... Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi nhận được thông tin tố cáo hành vi tham nhũng phải xem xét và xử lý theo thẩm quyền; giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin khác theo yêu cầu của người tố cáo; áp dụng kịp thời các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo khi có biểu hiện đe dọa, trả thù, trù dập người tố cáo hoặc khi người tố cáo yêu cầu; thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo khi có yêu cầu.

Về trách nhiệm xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, Điều 62 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định rõ: Trong quá trình thanh tra, kiểm toán nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán phải chỉ đạo xác minh, làm rõ vụ việc tham nhũng và xử lý như sau:

“Trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc và kiến nghị cơ quan điều tra xem xét, khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo bằng văn bản cho viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Trong trường hợp này, cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước tiếp tục tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán về các nội dung khác theo kế hoạch tiến hành thanh tra, kế hoạch kiểm toán đã phê duyệt và ban hành kết luận thanh tra, báo cáo kiếm toán theo quy định của pháp luật về thanh tra, pháp luật về kiểm toán nhà nước;

Trường hợp vụ việc không có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi vi phạm. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý phải thông báo bằng văn bản về kết quả xử lý cho cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước đã kiến nghị”.

Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tố cáo, Điều 65 Luật phòng, chống tham nhũng quy định rõ về việc phản ánh, tố cáo và xử lý phản ánh, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng như sau:

“Cá nhân, tổ chức có quyền phản ánh về hành vi tham nhũng, cá nhân có quyền tố cáo về hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền khi nhận được phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng phải xem xét, xử lý kịp thời và áp dụng các biện pháp bảo vệ người phản ánh, tố cáo. Việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo. Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh về hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tiếp công dân”.

3. Thu hồi tiền, tài sản tham nhũng và các hình thức thu hồi tiền, tài sản tham nhũng

Vai trò của việc thu hồi tiền và tài sản tham nhũng

Khi xử lý tham nhũng, xã hội không chỉ quan tâm đến hình phạt đối với người có hành vi tham nhũng mà còn rất quan tâm đến vấn đề thu hồi tiền và tài sản tham nhũng. Nếu tài sản tham nhũng không thu hồi được thì việc xử lý tham nhũng chưa triệt để, chưa thể hiện rõ quan điểm và thái độ của Đảng và Nhà nước cũng như phản ứng của xã hội đối với tình trạng tham nhũng

Thu hồi tài sản tham nhũng là hoạt động quan trong và là thước đo hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng trong quá trình phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã có nhiều cố gắng thu hồi tài sản tham nhũng về cho Nhà nước. Số tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng là rất lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại nhiều bất cập.

Trước đây, tham nhũng thường gắn liền với các tội phạm như: buôn lậu, lừa đảo, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; tội phạm trong lĩnh vực xây dựng cơ bản khi phê duyệt, cấp dự án, đấu thầu, hoàn thuế giá trị gia tăng; trong các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết các vụ án để bao che, tiếp tay cho bọn tội phạm đặc biệt nguy hiểm... Ngày nay, tham nhũng diễn ra phức tạp, ở nhiều ngành nhiều cấp, trong đó có những lĩnh vực nổi cộm như trong hoạt động tài chính, tín dụng, ngân hàng, quản lý đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, công tác tổ chức cán bộ, trong việc quản lý, sử dụng vốn tại các doanh nghiệp có vốn của Nhà nước. Thiệt hại do tham nhũng gây ra rất lớn; nếu trước đây tài sản do tham nhũng trị giá hàng tỷ đồng đã bị coi là đặc biệt lớn thì ngày nay, tài sản tham nhũng hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn là vấn đề khó khăn, phức tạp.

Đặc trưng của tội phạm tham nhũng gắn với đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn; tiền và tài sản do tham nhũng mà có thực chất cũng là tiền và tài sản của Nhà nước, của nhân dân; do đó, ngoài việc xử lý nghiêm hành vi phạm tội thì việc thu hồi tài sản tham nhũng rất quan trọng. Đây là hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền gắn liền với quá trình phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng.

Như vậy, ở mức độ chung nhất, có thể hiểu: Thu hồi tiền, tài sản tham nhũng là quá trình mà trong đó tài sản có được do tham nhũng được truy nguyên, thu hồi và trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật. Ở mức độ cụ thể hơn, thu hồi tiền, tài sản tham nhũng là hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để thu hồi tiền, tài sản do người có hành vi tham nhũng chiếm đoạt, tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng. Còn từ phương diện chuyên môn, thu hồi tài sản tham nhũng là một nghiệp vụ phức tạp gồm nhiều khâu như truy tìm, thu giữ, xử lý tài sản tham nhũng.

Bên cạnh đó, nhằm tạo cơ chế pháp lý cho việc thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài, Điều 91 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định, trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, Chính phủ Việt Nam hợp tác với chính phủ nước ngoài trong việc thu hồi tài sản của Việt Nam hoặc của nước ngoài bị tham nhũng và trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu hợp pháp.

Các hình thức thu hồi tài sản tham nhũng Theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết để thu hồi, tịch thu tài sản tham nhũng. Theo khoản 1, Điều 93 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018, tài sản tham nhũng phải được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật. Việc tịch thu, thu hồi tài sản tham nhũng được thực hiện bằng quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Việc xem xét, thu hồi tiền, tài sản tham nhũng có thể tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau. Theo chúng tôi có thể tiếp cận dưới hai góc độ:

Một là, dưới góc độ cách thức tiếp cận tài sản tham nhũng, có thể chia việc thu hồi tài sản tham nhũng thành hai hình thức: thu hồi trực tiếp và thu hồi gián tiếp.

Thu hồi trực tiếp tài sản tham nhũng Là trường hợp các cơ quan chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ phát hiện tài sản tham nhũng và tiến hành thu hồi ngay tài sản đó theo những trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Có nhiều trường hợp cụ thể về thu hồi trực tiếp tài sản tham nhũng, chẳng hạn như các tình huống phạm tội quả tang đối với các hành vi tham nhũng, tài sản trong trường hợp này đồng thời cũng là vật chứng của vụ án, hoặc tài sản được thu giữ trong trường hợp áp dụng biện pháp khám xét để thu thập tài liệu, chứng cứ phạm tội về tham nhũng. Pháp luật Việt Nam quy định khá cụ thể về xử lý vật chứng (kể cả trường hợp vật chứng là tài sản). Theo đó, việc xử lý vật chứng do cơ quan điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra, do viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố do tòa án hoặc hội đồng xét xử quyết định nếu ở giai đoạn xét xử.

Thu hồi gián tiếp tài sản tham nhũng là các trường hợp thu hồi tài sản tham nhũng bằng các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi đã xác định tài sản tham nhũng mà không thuộc trường hợp thu hồi trực tiếp. Chẳng hạn như thu hồi tài sản tham nhũng thông qua cơ quan thi hành án; kê biên tài sản của bị can, bị cáo bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội tham nhũng mà Bộ luật hình sự quy định có thể tịch thu tài sản hoặc phạt tiền cũng như đối với những người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Hai là, dưới góc độ chủ thể, có thể thu hồi tài sản tham nhũng thông qua cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản của đối tượng có hành vi tham nhũng; cơ quan kiểm tra của Đảng, cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan kiểm toán nhà nước; các cơ quan tiến hành tổ tụng; cơ quan thi hành án.

Ý nghĩa của việc phát hiện và thu hồi tiền và tài sản tham nhũng đối với kinh tế, chính trị và xã hội

Thứ nhất, về mặt kinh tế: Hành vi tham nhũng gây ra thiệt hại đối với tài sản, lợi ích của Nhà nước, của tập thể hoặc của cá nhân bị xâm phạm; biến tài sản công cộng thành tài sản riêng của người tham nhũng Nó còn làm đất nước tụt hậu xa hơn về kinh tế, khoa học, công nghệ, làm thất thoát nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước hoặc vốn vay nước ngoài... Do đó, việc thu hồi tài sản tham nhũng sẽ có ý nghĩa quan trọng nhằm khôi phục lại số tiền đã bị chiếm đoạt trái pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể, của cá nhân. Tài sản được thu hồi từ tội phạm tham nhũng nếu tịch thu theo quy định của pháp luật sẽ giúp Nhà nước có tiền để tái đầu tư lợi ích vào các hoạt động xây dựng đất nước, vì lợi ích của xã hội cộng đồng. Trường hợp tài sản tham nhũng trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp sẽ giúp họ phục hồi lợi ích kinh tế đã bị mất, ổn định và phát triển kinh tế. Theo thống kê gần đây của Ngân hàng Thế giới, hằng năm, các quốc gia đang phát triển bị đánh cắp khoảng 20 - 40 tỷ USD bởi tham nhũng, hối lộ, biển thủ công quỹ[1]. Hệ lụy của tham nhũng không chỉ dừng lại ở những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, ổn định chính trị mà còn tước đoạt của những người dân nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội những quyền con người cơ bản nhất. Cũng theo Ngân hàng Thế giới và Chương trình phát triển Liên hợp quốc, chỉ với 1% số tiền bị ăn cắp nếu được thu hồi cũng đủ để tiêm chủng cho 8 triệu trẻ sơ sinh hay nửa triệu người nghèo có nước sạch dùng cả năm, hoặc chữa cho 1,2 triệu người nhiễm HIV. Bên cạnh đó, nếu tham nhũng được kiểm soát sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế quốc gia vì điều đó sẽ tạo được niềm tin của những nhà đầu tư vào tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của nhà nước. Việc phát hiện và thu hồi tài sản được thực hiện có hiệu quả sẽ là đòn giáng mạnh vào tâm lý tội phạm tham nhũng, ngăn chặn động cơ tham nhũng và khôi phục nền công lý ở mỗi quốc gia. Quan trọng hơn cả, tài sản được thu hồi sẽ góp phần khắc phục một phần hoặc toàn bộ thiệt hại mà hành vi tham nhũng đã gây ra cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Xét về mặt hình thức diễn biến của đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý hành vi tham nhũng để thu hồi được tiền, tài sản tham nhũng là khâu cuối cùng trong quá trình đấu tranh với một hành vi, một vụ việc tham nhũng. Thế nhưng, đây lại là khâu rất quan trọng “mở đầu”, quyết định hiệu quả và ý nghĩa thực tế của công tác phòng, chống tham nhũng, bởi lẽ, mục tiêu của tham nhũng suy cho cùng là tiền và tài sản, cho nên, thu lại được tiến và tài sản một cách triệt để sẽ khắc phục tối đa sự thất thoát tài sản do tham nhũng gây ra. Hơn nữa, nếu việc xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tiền và tài sản tham nhũng không nghiêm minh, không đúng pháp luật, Luật phòng, chống tham nhũng sẽ bị “nhờn”, giá trị răn đe, ngăn chặn, trừng phạt và trừng trị tham nhũng áp dụng trên thực tiễn không cao, sẽ vẫn có câu chuyện “hy sinh đời bố, củng cố đời con” được lặp đi, lặp lại ở nhiều vụ án. Việc thu hồi tiền, tài sản từ tham nhũng sẽ gặp rất nhiều hạn chế, kẻ tham nhũng nhởn nhơ; cuộc chiến chống tham nhũng không đạt được mục tiêu làm cho kẻ tham nhũng “không dám” và “không muốn” tham nhũng. Mặt khác, điều này còn làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Thứ hai, về mặt chính trị: Tham nhũng và thu hồi tài sản từ tham nhũng còn hạn chế đã và đang làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, gây ra sự bất bình, bức xúc, thậm chí phản ứng của nhân dân. Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ ba khoá X nhận định: “Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”[2]. Nếu kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng, kịp thời thu hồi được tài sản tham nhũng sẽ góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, đối với Nhà nước, nhân dân yên tâm trong hoạt động kinh tế, sinh hoạt và đời sống, qua đó góp phần ổn định chính trị - xã hội. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng có kết quả còn thể hiện qua việc phát hiện và thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả. Khi đó, Đảng mới thực sự thể hiện được sức mạnh và vai trò lãnh đạo của mình đối với Nhà nước và xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay, kiên trì đấu tranh chống tham nhũng gắn với thu hồi triệt để tiền, tài sản tham nhũng là điều kiện quan trọng để giữ gìn tính tiên tiến, tiền phong của Đảng, tính gương mẫu của đảng viên. Đảng ta là một chính đảng tiên tiến trong lãnh đạo và cầm quyền. Nếu để tham nhũng xảy ra trong Đảng mà không khắc phục kịp thời, không thu hồi được tiền và tài sản tham nhũng triệt để, thì tham nhũng sẽ tràn lan, gây hại nghiêm trọng đối với uy tín và giảm bớt ý chí chiến đấu của Đảng, gây ảnh hưởng xấu đối với sự đoàn kết, thống nhất, năng lực cầm quyền và vì thế chính trị của Đảng. Cho nên, phải luôn kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng gắn với thu hồi triệt để tiền, tài sản tham nhũng; qua đó, làm cho đông đảo cán bộ, đảng viên giữ gìn, cảnh giác cao đối với tệ tham nhũng, xử lý chính xác mối quan hệ hiện thực trong công tác và cuộc sống; giúp cho cán bộ đảng viên giữ được hình ảnh thanh liêm, công chính của cá nhân và hình tượng tốt đẹp, trong sáng của Đảng trong lòng nhân dân và xã hội. Qua việc kiên quyết, quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng và thu hồi tiền, tài sản tham nhũng sẽ rung lên “hồi chuông cảnh báo, cảnh tỉnh” cho toàn Đảng, đối với đông đảo cán bộ, đảng viên, khẳng định sự thanh liêm, công chính của cán bộ, đảng viên là thể hiện tính tiên tiến của một chính đảng cầm quyền. Chống tham nhũng gắn với thu hồi tối đa, triệt để tiền, tài sản từ tham nhũng; làm cho kẻ có ý đồ tham nhũng sẽ không muốn và không dám tham nhũng.

Thứ ba, về mặt xã hội: Tham nhũng làm bóp méo, thay đổi, xâm phạm, thậm chí đảo lộn những chuẩn mực đạo đức xã hội, làm vẩn đục mối quan hệ xã hội và những giá trị đạo đức tốt đẹp có tính truyền thống của dân tộc. Tham nhũng len lỏi vào các mối xã hội, làm méo mó các quan hệ này trong đời sống.

Do đó, nếu chúng ta phát hiện kịp thời và thu hồi có hiệu quả tiền, tài sản tham nhũng sẽ tước đoạt khỏi đối tượng tham nhũng các lợi ích từ các hoạt động tham nhũng; chấm dứt sự tái đầu tư lợi ích và các phương tiện của đối tượng tham nhũng vào các hành vi vi phạm tiếp theo, do đó hạn chế, phòng ngừa tham nhũng tiếp diễn. Đồng thời, cũng có ý nghĩa giáo dục đối với cộng đồng xã hội. Khi phát hiện và thu hồi tiền, tài sản tham nhũng được thực hiện triệt để, sẽ ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, đảm bảo ổn định trật tự, kỷ cương xã hội, góp phần quan trọng giữ gìn các chuẩn mực đạo đức trong xã hội.

Kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng là điều kiện cơ bản để Đảng giữ vị thế cầm quyền. Sở dĩ có thể giữ vị thế cầm quyền lâu dài là nhờ sự ủng hộ toàn tâm toàn ý của nhân dân và của toàn xã hội, là cơ sở vững chắc cho Đảng cầm quyền một cách liên tục, ổn định. Tuy nhiên, sự ủng hộ đó không phải là vô điều kiện và tự nhiên, mà vì Đảng ta kể từ ngay sau khi giành được chính quyền đã thật sự đem lại lợi ích cho quần chúng và giữ được hình tượng tốt đẹp trong lòng người dân và xã hội. Nếu các quy định kỷ luật của Đảng không nghiêm minh, xảy ra vấn đề lớn trong phong cách cầm quyền của Đảng và thiếu kiên quyết trong phòng, chống tham nhũng, thu hồi tiền, tài sản tham nhũng thì Đảng sẽ dần tự đánh mất niềm tin và tư cách cầm quyền trong xã hội. Do vậy, để giữ vùng vị trí cầm quyền của Đảng, việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thu hồi triệt để tiền, tài sản tham nhũng là một trong những nhân tố góp phần khẳng định vị trí của Đảng trong lòng xã hội và sự tin yêu của nhân dân đối với Đảng.

 


[1] Xem World Bank: Toward a global architecture for asset recovery (Hướng tới một kiến trúc toàn cầu cho vấn đề thu hồi tài sản), 2010.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật. Hà Nội, 2018, t.65, tr.520-521.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành