Thứ tư, 26 Tháng 10 2022 17:17

Phân tích so sánh quyền được thông tin và yêu cầu về minh bạch hóa của cổ đông thiểu số theo pháp luật một số nước

1. Quyền tiếp cận thông tin của công ty

Một cơ chế quan trọng để bảo vệ cổ đông thiểu số là đảm bảo cho họ có thể tiếp cận với những thông tin trung thực. Từ đó, cổ đông thiểu số sẽ có những quyết định đúng đắn, đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình.

Theo Bộ nguyên tắc quản trị công ty OECD, thông tin phải công bố gồm: các kết quả hoạt động tài chính như báo cáo tài chính; các mục tiêuhoạt động của công ty; sở hữu của các cổ đông chính và quyền bỏ phiếu,chính sách lương thưởng cho Hội đồng quản trị, các nhà điều hành, thông tin về các thành viên Hội đồng quản trị; giao dịch với các bên liên quan; các yếu tố rủi ro có thể lường trước; các vấn đề về người lao động và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan khác; các chính sách và cơ cấu quản trị. Ngoài ra nguyên tắc còn đòi hỏi các thông tin được công bố phù hợp với các chuẩn mực kế toán có chất lượng, báo cáo thường niên được kiểm toán bởi một tổ chức kiểm toán độc lập và đủ năng lực. Các kênh thông tin cần tạo điều kiện cho những người sử dụng tiếp cận thông tin có liên quan một cách bình đẳng, kịp thời và hiệu quả[1].

Ở Việt Nam, điểm b, d khoản 2, Điều 114, Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định quyền tiếp cận và kiểm soát thông tin của công ty về các vấn đề liên quan đến quản lý và điều hành hoạt động của công ty; được xem xét, trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hàng năm, và các báo cáo của Ban kiểm soát, quyền này gọi chung là quyền được thông tin, nhằm cung cấp cho các cổ đông thiểu số có thể kiểm soát và theo dõi được tình hoạt động của công ty. Vì vậy những quy định này, cổ đông thiểu số có thể thể hiện quyền sở hữu của mình đối với công ty qua các hình thức: nắm bắt tình hình hoạt động cụ thể của công ty, cùng với những biện pháp kiểm tra, ngăn ngừa hành vi vi phạm, lạm quyền của bộ máy quản lý công ty.

Luật công ty các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines đều có quy định mọi cổ đông đều có quyền nhận và thu được thông tin nhất định từ công ty. Những quyền này giúp ích cho các cổ đông thiểu số bằng việc tiếp cận thông tin vì các cổ đông lớn đều được tiếp cận thông tin đó thông qua sự kiểm soát đối với Hội đồng quản trị. Quyền quan trọng nhất với thông tin quy định bởi Luật công ty Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines như sau:

Thứ nhất, quyền đối với các báo cáo tài chính đã được kiểm toán hàng năm vànhững báo cáo của thành viên Hội đồng quản trị và những báo cáo của kiểm toán viên: Bảng tổng kết tài sản đã được kiểm toán, bảng kê lợi nhuận và bảng kê thua lỗ; báo cáo của kiểm toán viên; báo cáo của thành viên Hội đồng quản trị về sổ sách kế toán, thực hiện tài chính của công ty, những kế hoạch cho tương lai và công khai hóa cổ phần nắm giữ bởi thành viên Hội đồng quản trị và những lợi tức khác trong việc kinh doanh của công ty;

Thứ hai, quyền đối với báo cáo tài chính bất kỳ lúc nào và quyền của các cổ đông nắm giữ 5% giá trị danh nghĩa vốn cổ phần được phát hành yêu cầu báo cáo đã được kiểm toán về những tiền thù lao của thành viên Hội đồng quản trị và những lợi nhuận ở Singapore;

Thứ ba, quyền thông báo về cổ tức và thay đổi trong vốn đã đóng; vi) quyền sao lại thỏa thuận thành lập và điều lệ công ty[2].

Theo quy định tại khoản 1 Điều 160 LDN 2014, thì công bố thông tin là nghĩa vụ của doanh nghiệp trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đồng thời, người quản lý trong công ty cổ phần còn có nghĩa vụ thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho công ty về các doanh nghiệp mà họ và người có liên quan của họ làm chủ hoặc có phần vốn góp, cổ phần chi phối.

Theo quy định của pháp luật về chứng khoán, cụ thể Thông tư 155/2015/TT- BTC ngày 06/10/2015 hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, thì công ty đại chúng, công ty niêm yết có nghĩa vụ công bố đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin định kỳ và bất thường về tình hình hoạt động, sản xuất, tài chính và tình hình quản trị công ty cho cổ đông và công chúng; công bố thông tin về giao dịch cổ phiếu của cổ đông lớn, giao dịch cổ phiếu quỹ, giao dịch cổ phiếu của cổ đông sáng lập trong thời gian bị hạn chế chuyển nhượng; hay về các giao dịch chào mua công khai. Ngoài ra, công ty niêm yết còn có nghĩa vụ phải công bố kịp thời và đầy đủ các thông tin khác, nếu các thông tin đó có khả năng ảnh hưởng đến giá chứng khoán và ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư. Đặc biệt Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017cũng xem những hành vi trên là tội phạm (Điều 209). Như vậy, pháp luật hiện hành đã quan tâm đến việc minh bạch thị trường chứng khoán và chú trọng thiết lập các chế tài nghiêm khắc để xử lý các hành vi vi phạm, nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư nói chung cũng như những cổ đông thiểu số nói riêng. Bởi trên thực tế, công ty cổ phần có thể ít công bố thông tin hoặc có công bố nhưng chưa thật sự chính xác, việc công bố thông tin của doanh nghiệp còn mang nhiều tính hình thức và đối phó, có thể gây ra những thiệt hại cho các cổ đông thiểu số.

Diễn biến trong thời gian qua, việc công bố thông tin sai sự thật trên thị trường chứng khoán diễn ra không ít Trong năm 2017, đã có hơn 200 quyết định xử phạt từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), trong đó phần lớn là xử phạt vi phạm liên quan đến nghĩa vụ công bố thông tin, bao gồm công bố thông tin sai sự thật[3]. Ngoài ra, Thông tư 155/2015/TT-BTC cũng quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ thể vi phạm nếu có thiệt hại thực tế xảy ra. Như vậy, về mặt quy định, nhà đầu tư nếu bị thiệt hại hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường từ người thực hiện hành vi vi phạm theo thủ tục tố tụng dân sự nhưng trên thực tế, dường như chưa có nhà đầutư nào áp dụng quyền này vì họ không biết phải biết tính thiệt hại như thế nào, bởi lẽ pháp luật Việt Nam hoàn toàn thiếu vắng các quy định về phương thức tính toán và chứng minh thiệt hại thực tế của nhà đầu tư phát sinh từ hành vi công bố thông tin sai sự thật. Trong khi, cơ chế giải quyết tranh chấp theo thủ tục chung buộc nguyên đơn phải chứng minh được thiệt hại thực tế và mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi vi phạm. Đây là trở ngại chủ yếu khiến nhà đầu tư không thể thực hiện quyền trong bối cảnh luậtpháp còn bỏ ngỏ.

Trong những trường hợp này, các nhà đầu tư nói chung và đặc biệt cổ đông thiểu số nói riêng là những người chịu thiệt hại nhiều nhất, bởi lẽ thông tin của công ty cổ phần ảnh hưởng rất lớn đến các quyết định và chiến lược đầu tư vốn của nhàđầu tư, nhất là các thông tin mang tính bất thường cổ đông thiểu số không có khả năng thực thi quyền quản lý công ty, họ chỉ có thể tiếp cận các thông tin về hoạt động kinh doanh của công ty thông qua việc công bố thông tin. Do đó, nếu đảm bảo được nghĩa vụ công bố thông tin trong công ty cổ phần thì đây sẽ là một biện pháp quan trọng góp phần bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số.

2. Quyền xem xét và trích lục sổ sách, tài liệu của cổ đông thiểu số

Về nguyên tắc, cổ đông thiểu số cũng là những người chủ của công ty, nên họ cũng có quyền tiếp cận các thông tin của công ty. Tuy nhiên, mức độ được tiếp cận thông tin của cổ đông lại phụ thuộc vào tỷ lệ sở hữu cổ phần mà họ nắm giữ tuỳ theo pháp luật của từng quốc gia.

Các luật công ty của 4 nước Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines cũng đều quy định quyền quan trọng cho bất cứ cổ đông nào kiểm tra và sao lại những hồ sơ của công ty tại những thời điểm hợp lý như sau:

Thứ nhất, những hồ sơ, sổ sách kế toán của công ty: Luật công ty Philippines và Thái Lan quy định cho phép bất kỳ cổ đông nào cũng có quyền kiểm tra và sao lại những hồ sơ về tất cả hoạt động kinh doanh của công ty sau khi trả một khoản phí hợp lý, còn ở Singapore và Malaysia chỉ có thành viên Hội đồng quản trị mới có quyền kiểm tra những hồ sơ sổ sách kế toán của công ty;

Thứ hai, biên bản cuộc họp cổ đông: Ở Philippines, Singapore và Malaysia cho phép tất cả cổ đông đều có quyền kiểm tra và sao lại biên bản những cuộc họp của cổ đông Quyền này không được tuyên bố rõ ràng tại Luật công ty trách nhiệm hữu hạn công cộng ở Thái Lan. Dù sao đi nữa Luật cho phép các cổ đông có quyền kiện các thành viên Hội đồng quản trị về việc soạn thảo không trung thực biên bản cuộc họp, như vậy nó có thể coi như là các cổ đông có quyền có được hoặc kiểm tra chúng bằng tập quán và thông lệ;

Thứ ba, biên bản cuộc họp các thành viên Hội đồng quản trị: chỉ có Philippines, Singapore (Điều 189) cho phép các cổ đông có quyền kiểm tra và sao lại biên bản của những cuộc họp các thành viên Hội đồng quản trị, Malaysia không cho phép,còn Thái Lan thì không có điều khoản liên quan trong luật công ty trách nhiệm hữu hạn công cộng;

Thứ tư, các sổ đăng ký của công ty: Singapore và Malaysia quy định quyền rất quan trọng cho bất kỳ cổ đông nào được kiểm tra và sao lại những sổ đăng ký của công ty, và mỗi công ty đều có văn phòng phục vụ cho công việc này. Nếu nhân viên quản lý công ty không cho phép cổ đông kiểm tra và sao lại thì có thể bị phạt như một tội phạm hình sự[4].

Riêng việc quy định thành viên công ty có quyền xem xét biên bản cuộc họp ở Singapore quy định cụ thể về chế tài nếu bất kỳ bản sao nào được yêu cầu mà không được cung cấp thì mọi nhân viên của công ty mặc định sẽ phạm tội và phải chịu trách nhiệm hình sự cùng với mức phạt không vượt quá 400 đô la.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam ở khoản 2, Điều 114, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Nghị định 58/2012 của chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật chứng khoán, thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất sáu (06) tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định của Điều lệ công ty có quyền được xem xét và trích lục hai loại văn bản là số biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm, hàng năm và báo cáo của Ban kiểm soát. Đồng thời, pháp luật cũng quy định, nếu cổ đông thiểu số không thể tự mình xem xét sổ sách được, thì họ có quyền yêu cầu Ban kiểm soát thực hiện.

Với quy định của pháp luật được viện dẫn ở trên cho thấy cổđông thiểu số lại được trao quyền chủ động tiếp cận thông tin là góp phần rất lớn trong việc bảo vệ họ. Tuy nhiên trên thực tế, cổ đông thiểu số rất khó tiếp cận thông tin hoạt động của công ty khi Hội đồng quản trị không muốn thì cổ đông thiểu số cũng không có cách nào để thực hiện quyền này. Bởi các thông tin quan trọng đều được Hội đồng quản trị quản lý và pháp luật cũng chưa có quy định về chế độ chịu trách nhiệm của người quản lý trong việc không tạo điều kiện thuận lợi cho cổ đông thiểu số khi họ muốn tiếpcận thông tin. Bên cạnh đó, quyền yêu cầu Ban kiểm soát thực hiện việc trích lục, sao chép biên bản, các nghị quyết của Hội đồng quản trị cần quy định cụ thể hơn về cách thức thực hiện hoặc là do chính bản thân cổ đông có yêu cầu thực hiện hay phải gửi văn bản yêu cầu công ty cung cấp và có phải tất cả các yêu cầu của cổ đông đều được công ty chấp nhận hay không.

Theo thông lệ quốc tế, xét về mặt công bố thông tin, thì công ty Việt Nam chủ yếu chỉ thông tin ở quá khứ, thông tin theo định kỳ (báo cáo tài chính hàng quý), thông tin đột xuất, hoặc những giao dịch nội bộ buộc phải công bố (theo Thông tư số 155/2015/TT-BTC ngày 06/10/2015 của Bộ Tài chính về hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán). Còn những thông tin đánh giá về tương lai như quản trị công ty thì pháp luật chưa điều chỉnh. Theo thông lệ quốc tế, thông tin về tương lai đựơc chia làm hai nhóm: nhóm 1: nhóm thông tin về đánh giá của Hộiđồng quản trị như thay đổi thị trường sản phẩm, thị trường đầu ra của công ty, những tác động của thị trường vốn,…; nhóm 2: nhóm thông tin về Hội đồng quản trị như tỷ lệ sở hữu vốn của thành viên Hội đồng quản trị, năng lực kinh nghiệm của Hội đồng quản trị. Những thông tin này giúp nhà đầu tư nói chung cổ đông thiểu số nói riêng đánh giá được khả năng quản lý của hội đồng quản trị, đánh giá được tính khách quan, minh bạch trong hoạt động kinh doanh của công ty.

3. Quyền kiểm soát những giao dịch có khả năng tư lợi, giao dịch nội gián trong công ty

Giao dịch có khả năng tư lợi được hiểu là những giao dịch có khả năng gây thiệt hại về tài sản, quyền lợi cho công ty do người đại diện công ty tham gia giao dịch lạm dụng vị thế của mình để thực hiện các giao dịch nhằm thu lợi cá nhân. Do đó, chủ thể của giao dịch này không phải là những cổ đông thiểu số mà là những cổ đông lớn hoặc những người tham gia quản lý công ty.

Kiểm soát các giao dịch có khả năng tư lợi là hoạt động nhằm kiểm tra,giám sát, quản lý những giao dịch có khả năng sẽ gây thiệt hại về tài sản, quyền lợi cho công ty do người đại diện cho công ty lạm dụng vị thế của mình để thực hiện các giao dịch thu lợi cho cá nhân nhằm phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý các giao dịch tư lợi trong công ty.

Các giao dịch tư lợi thường thể hiện rất tinh vi, khó phát hiện do đó việc kiểm soát chúng không phải vấn đề đơn giản. Có hai giải pháp có thể giải quyết vấn đề này:

Cách thứ nhất: mang tính cấm đoán, tức là triệt tiêu mọi giao dịch có khả năng làm phát sinh tư lợi Theo đó pháp luật cấm những người có liên quan của công ty thiết lập giao dịch với công ty đồng thời cấm những giao dịch của công ty với những công ty khác mà ở đó người quản lý hoặc cổ đông công ty có lợi trực tiếp hoặc gián tiếp. Theo luật công ty của Pháp, một số khế ước giữa công ty và người quản lý hay các hội viên công ty liên quan đến việc vay mượn, ký khống, bảo lãnh đều bị nghiêm cấm Luật công ty của Thụy Điển cũng quy định hội đồng giám đốc và các đại diện của công ty không được phép tiến hành các giao dịch pháp lý hoặc các biện pháp khác có thể tạo ra lợi thế không chính đáng cho một cổ đông hoặc đương sự thứ ba làm tổn hại đến công ty hoặc cổ đông khác[5].

Cách thứ hai: vẫn cho phép thiết lập và thực hiện các giao dịch có khả năng tư lợi nhưng phải tuân thủ các quy định chặt chẽ hơn các giao dịch thông thường. Các giao dịch thực hiện theo cách thứ hai này khi thực hiện phải công khai, minh bạch và phải có sự giám sát chặt chẽ Pháp luật Việt Nam cũng đang tiếp cận theo hướng này.

Luật của Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines đều quy định các thành viên Hội đồng quản trị và nhân viên quản lý phải công khai hóa giao dịch khả nghi hay những công việc kinh doanh có lợi nhuận của cá nhân với công ty Singapore là nước có những quy định bao quát nhất, tiếp đến là Malaysia[6], cụ thể:

- Đối với những giao dịch quan trọng về tài sản có liên quan đến các thành viên Hội đồng quản trị thì bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết bởi công ty với một thành viên Hội đồng quản trị hoặc bất kỳ người nào, công ty nào có liên quan mua hoặc bán tài sản tài sản trên 100.000 S$ phải được công khai hóa và được cổ đông chuẩn thuận;

- Các thành viên Hội đồng quản trị tự giao dịch với công ty: tại 4 nước, một thành viên Hội đồng quản trị phải khai báo đầy đủ ít nhất là với Hội đồng quản trị về bất kỳ quyền lợi trực tiếp hoặc gián tiếp nào ảnh hưởng đến hợp đồng mà liên quan đến chính họ hoặc gia đình của họ sở hữu hoặc quản lý. Ở Singapore, Malaysia nếu không khai báo thì thành viên Hội đồng quản trị sẽ bị phạt tiền đến 5000 S$ hoặc bị phạt đến 1 năm tù giam;

- Xung đột quyền lợi của các thành viên Hội đồng quản trị: tại 4 nước, một thành viên Hội đồng quản trị phải khai báo đầy đủ về tính chất đặc điểm và phạm vi bất kỳ xung đột nào về quyền lợi trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến quyền và nhiệm vụ của họ hoặc gia đình họ sở hữu. Tại Singapore và Malaysia nếu không khai báo thì bị phạt đến 5000S$ hoặc bị phạt tù đến 1 năm;

- Công khai về các cổ phần, quyền lợi thực tế và các tiềm năng của thành viên Hội đồng quản trị. Thái Lan, Singapore, Malaysia quy định phải báo cáo đầy đủ những vấn đề này trong những cuộc họp hàng năm gửi cho tất cả các cổ đông và cơ quan đăng ký. Còn ở Philippines thì những vấn đề này cũng công khai bằng cách cập nhật hóa thông tin về danh sách các cổ đông cho cơ quan đăng ký.

Tại Việt Nam, khoản 2, Điều 162 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định những trường hợp cụ thể cần có sự chấp thuận của HĐQT công ty, bao gồm các hợp đồng và giao dịch được quy định tại Khoản 1 và “có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính, gần nhất hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty”. Trong trường hợp này, người đại diện công ty ký hợp đồng phải thông báo các thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó; đồng thờikèm theo dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch Hội đồng quản trị quyết định việc chấp thuận hợp đồng hoặc giao dịch trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một thời hạn khác; thành viên có lợi ích liên quan không có quyền biểu quyết. Khoản 3 quy định về các hợp đồng giao dịch phải được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông bao gồm các hợp đồng và giao dịch “khác ngoài các giao dịch quy định tại khoản 2 Điều này”. Như vậy, có thể hiểu các hợp đồng và giao dịch thuộc Khoản 1 và có giá trị lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính, gần nhất hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty. Trong trường hợp này, người đại diện công ty ký hợp đồng phải thông báo Hội đồng quản trị và Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó; đồng thời kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc thông báo nội dung chủ yếu của giao dịch Hội đồng quản trị trình dự thảo hợp đồng hoặc giải trình về nội dung chủ yếu của giao dịch tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Điều này đồng nghĩa với việc cổ đông thiểu số càng có cơ hội thông qua các giao dịch lớn của công ty.

Mặc dù pháp luật Việt Nam nói chung và Luật doanh nghiệp nói riêng đã chú ý nhiều tới kiểm soát những giao dịch có khả năng tư lợi và đã đạt dược những điểm tích cực nhất định, song về hiệu quả của những vấn đề này còn những vấn đề cần phải xem xét: về căn cứ xác định giao dịch có khả năng tư lợi và việc xác định các giao dịch là đối tượng cần kiểm soát. Pháp luật Việt Nam dường như bỏ quên những giao dịch đơn phương của công ty có khả năng tư lợi như: từ bỏ quyền đòi nợ, xóa nợ, … Chẳng hạn, giám đốc/Tổng giám đốc sử dụng tài sản của công ty để cho tặng khách hàng, đối tác để phục vụ hoặc mang lại lợi ích cho giám đốc/Tổng giám đốc và yêu cầu hạch toán vào “chi phí ngoại giao”. Hoặc người có thẩm quyền trong công ty thực hiện giao dịch nhằm xóa nợ, giảm nợ cho bên thứ 3, đổi lại họ nhận được lợi ích từ giao dịch này, mà việc phát hiện những giaodịch trên là vô cùng khó khăn khi người quản lý lợi dụng quyền lực và vị trí của mình để đưa những khoản nợ và khoản nợ xấu khó đòi[7].

Một bất cập khác cho thấy trong giao dịch giữa công ty với những người liên quan.Theo khoản 17, Điều 4, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về người có thẩm quyền bổ nhiệm hiện nay vẫn chưa được quy định rõ ràng, hơn nữa trong cơ chế tập thể lãnh đạo thì người có thẩm quyền bổ nhiệm rất khó xác định đó là người trực tiếp ký quyết định bổ nhiệm hay bao gồm tất cả những người trong tập thể đó.

4. Kiểm toán bắt buộc và cáo bạch thông tin

Pháp luật của Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines quy định khá chặt chẽ về kiểm toán bắt buộc và minh bạch hóa thông tin. Cụ thể: việc công khai và báo các tài chính với cổ đông là phải luôn luôn có một kiểm toán viên được bổ nhiệm bởi cuộc họp hàng năm của Đại hội đồng cổ đông ở Thái Lan, Singapore và Malaysia và có các sổ sách kế toán được kiểm toán hàng năm của Phippines; quy định cho kiểm toán viên được xem xét các sổ sách kế toán và các sổ sách khác của công ty vào mọi thời điểm và cho phép kiểm toán viên khai thác thông tin và những lời giải thích từ nhân viên quản lý của công ty khi kiểm toán viên hành động vì mục đích của một cuộc kiểm toán; Singapore và Malaysia quy định kiểm toán viên phải báo cáo cho giám đốc hoặc thành viên Hội đồng quản trị, các cổ đông của công ty về bất kỳ sự bất bình thường nào được phát hiện hoặc sự nghi ngờ nào có lừa dối hoặc gian lận; kiểm toán viên phải tham dự và phát biểu tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực kiểm toán và được nhận tất cả mọi tài liệu gửi cho các cổ đông; đồng thời luật của Singapore và Malaysia bảo vệ kiểm toán viên khỏi trách nhiệm gây mang tiếng cho thành viên Hội đồng quản trị và những người khác do việc cung cấp cho họ những báo cáo mà sau này bị phát hiện sai khi báo cáo tài chính được làm[8].

Tuy nhiên theo quy định của Singapore, chế tài được đặt ra cho kiểmtoán viên rất cụ thể: nếu trong công việc kiểm toán có bất kỳ hành vi nào liên quan đến gian lận, không trung thực thì bị phạt tù với thời hạn không dưới 2 năm và phạt tiền không dưới 100 000 đô la. Còn nếu cán bộ công ty có hành vi cản trở kiểm toán viên hoạt động công việc của mình thì phải chịu trách nhiệm hình sự cùng với phạt tiền không vượt quá 4000 đô la (Điều 207 Luật công ty Singapore). Đây cũng là vấn đề pháp luật Việt Nam cần xem xét nên chăng quy định chế tài đối với kiểm toán viên trong những trường hợp cụ thể vì như thế vừa tạo điều kiện cho kiểm toán viên hoạt động hiệu quả cùng với nâng cao trách nhiệm trong hoạt động chuyên môn.

Ở Việt Nam về vấn đề kiểm toán cũng có một số văn bản pháp luật quy định như Luật kế toán 2015 (Điều 31), LDN 2014 (Điều 170, 171), Luật kiểm toán độc lập 2011 (Điều 31). Tuy nhiên, trong thực tiễn khi áp dụng những quy định trên thì có rất nhiều vướng mắc và bất cập như vai trò của kiểm toán viên rất mờ nhạt, chưa thật sự thu hút những người có chuyên môn cao, đi kèm với đó là nguồn nhân lực chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu, ... do vậy rất khó đánh giá kiểm soát được chất lượng.

Theo Nghị định 71/2017/NĐ-CP ngày 6/6/2017 của Chính phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng, Hội đồng quản trị chỉ bắt buộc phải mời kiểm toán viên tham gia họp Đại hội cổ đông khi báo cáo kiểm toán có các khoản ngoại trừ trọng yếu. Còn trong các trường hợp khác, Hội đồng quản trị được quyền lựa chọn mời hay không mời kiểm toán viên tham gia họp Đại hội đồng cổ đông. Hiện tại, chưa có quy định nào bắt buộc hay hướng dẫn kiểm toán viên khi tham dự và trả lời các câu hỏi của cổ đông tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông. Do vậy, kiểm toán viên thông thường sẽ không trả lời trực tiếp câu hỏi của cổ đông khi kiểm toán viên tham gia Đại hội đồng cổ đông, do một phần là kiểm toán viên bị ràng buộc về tính bảo mật thông tin và một phần là báo cáo tài chính thuộc trách nhiệm của Ban giám đốc và đảm bảo tính trung thực, nên Ban giám đốc có nghĩa vụ trực tiếp giảitrình cho các cổ đông. Bên cạnh đó, theo luật kiểm toán thì kiểm toán viên không chịu trách nhiệm trong việc tìm ra những gian lận.

Trong các báo cáo kiểm toán có cả báo cáo của Ban giám đốc, nói lên trách nhiệm của Ban giám đốc trong việc cam kết những số liệu cung cấp kiểm toán là đúng Kiểm toán viên không có trách nhiệm tìm ra các gian lận. Đây là “lá chắn” khá an toàn cho các công ty kiểm toán khi xảy ra gian lận tại khách hàng mà họ bị "qua mặt" không phát hiện ra “Lá chắn” về Luật có thể giúp họ không dính vào lao lý nhưng không thể cứu vãn được nhà đầu tư cũng như sẽ khiến khách hàng không còn tin tưởng họ Đơn cử trường hợp của công ty Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành đã nhờ DFK là công ty đã kiểm toán vào năm 2015, nhưng 6 tháng sau một công ty kiểm toán khác là E&Y đã phát hiện ra một vấn đề rất nghiêm trọng tại Gỗ Trường Thành (mã TTF), Cổ phiếu TTF đã giảm sàn 13 phiên liên tiếp. Theo công bố báo cáo tài chính quý 2/2016 với khoản lỗ bất ngờ lên đến cả nghìn tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến kết quả này mới là điều khiến cho cổ đông bức xúc là do trong thuyết minh giá vốn 6 tháng đầu năm 2016 của công ty đột ngột xuất hiện khoản mục “Hàng tồn kho phát hiện thiếu khi kiểm kê” lên tới 980 tỷ đồng. Con số này được xác định trên cơ sở kết quả kiểm toán của Công ty kiểm toán E&Y 6 tháng đầu năm 2016 tại TTF[9](trong khi đó kết quả kiểm toán năm 2015 của công ty kiểm toán DFK thì không phát hiện vấn đề này). Do đó vấn đề cần đặt ra tại sao báo cáo tài chính có các sai sót trọng yếu như vậy mà kiểm toán viên không phát hiện được các sai sót này. Vấn đề trên cho thấy việc kiểm toán độc lập là vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi cho cổ đông.

Kiểm toán viên bắt buộc phải tham gia cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và phải trả lời câu hỏi có liên quan đến công tác kiểm toán, nghĩa vụ này đã được một số nước như Hồng Kông, Australia quy định[10]. Tại Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp chưa có sự phân biệt giữa chức năng quản trị và điều hành nênchưa có sự phân biệt rõ ràng về tính độc lập của Hội đồng quản trị và Ban giám đốc. Do đó, khi có sự mâu thuẫn, bất đồng quan điểm với kiểm toán viên trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thì sự trao đổi giữa họ nếu có cũng rất ít. Vì vậy, để nâng cao tính minh bạch của doanh nghiệp, cũng như nâng cao công tác kiểm toán để đảm bảo thông tin chính xác trong báo cáo tài chính thì pháp luật Việt Nam nên quy định theo hướng kiểm toán viên phải tham gia cuộc họp Đại hội đồng cổ đông giống như một số nước trong khu vực.

Nhìn chung: Theo Nguyên tắc và tiêu chí quản trị công ty tốt do OECD đưa ra thì cổ đông có các quyền cơ bản mà mỗi công ty phải cân nhắc bảo đảm, bao gồm: Quyền được sở hữu, đăng ký, chuyển nhượng cổ phiếu; quyền được công ty cung cấp các thông tin phù hợp, đặc biệt là những giao dịch lớn có ảnh hưởng đến công ty; quyền được tham gia, bỏ phiếu tại các đại hội đồng cổ đông; quyền được bầu chọn, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị; quyền được chia lợi nhuận từ công ty Pháp luật Việt Nam nhìn chung đã có những điểm thể hiện sự tương đồng với các thông lệ quốc tế trong việc quy định bảo đảm quyền của cổ đông công ty và cổ đông thiểu số nói riêng.

Việc bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư ở Việt Nam theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014 đã có nhiều tiến bộ, cũng có một số nét tương đồng với Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines trong các vấn đề bảo vệ các quyền của cổ đông, cổ đông thiểu số, đặc biệt là có quy định sửa đổi, bổ sung về trách nhiệm, nghĩa vụ của người quản lý công ty; về nghĩa vụ công bố thông tin của công ty; về khởi kiện người quản lý công ty; về kiểm soát các giao dịch có khả năng tư lợi trong công ty cổ phần.

Từ những phân tích so sánh trên đây, quyền được thông tin và yêu cầu về minh bạch hóa của cổ đông thiểu số cần tập trung vào những vấnđề chủ yếu sau:

Thứ nhất, quyền tiếp cận thông tin của công ty: Luật công ty các nước đều có quy định mọi cổ đông đều có quyền nhận và thu được thông tin nhất định từ công ty. Theo bộ nguyên tắc quản trị OECD quy định cụ thể thông tin phải công bố gồm những nội dung rất cụ thể. Tuy nhiên, ở Việt Nam trong thời gian qua việc công bố thông tin sai sự thật diễn ra trên thị trường chứng khoán đã diễn ra không ít .

Thứ hai, quyền xem xét và trích lục sổ sách, tài liệu của cổ đông thiểu số: Luật công ty các nước cũng đều có quy định bất cứ cổ đông nào cũng được quyền kiểm tra và sao lại những giấy tờ của công ty tại những thời điểm hợp lý và quy định cả chế tài nếu không cung cấp tài liệu khi cổ đông yêu cầu. So với thông lệ thì ở Việt Nam phần lớn chú ý đến thông tin quá khứ, không chú trọng đến thông tin tương lai như về quản trị công ty và hiện tại pháp luật chưa yêu cầu.

Thứ ba, quyền kiểm soát những giao dịch có khả năng tư lợi, giao dịch nội gián trong công ty: Luật các nước đều quy định hộiđồng quản trị và nhân viên quản lý phải công khai hóa giao dịch khả nghi hay những công việc kinh doanh có lợi cho cá nhân với công ty. Ở Việt Nam hiện nay chưa quy định giao dịch đơn phương có khả năng tư lợi (quyền đòi nợ, xóa nợ, …).

Thứ tư, kiểm toán bắt buộc và cáo bạch thông tin: Pháp luật các nước đề có quy định chặt chẽ về kiểm toán và minh bạch hóa thông tin, chặt chẽ hơn là pháp luật của Singapore còn quy định chế tài phạt tiền và phạt tù áp dụng cho kiềm toán viên nếu có hành vi gian lận, không trung thực. Ở Việt Nam mặc dù có văn bản quy định về vấn đề này nhưng có nhiều vướng mắc như vai trò của kiểm toán viên rất mờ nhạt, chưa thu hút được người có chuyên môn cao, rất khó đánh giá kiểm soát được chất lượng.

 


[1]Cowansville, Butterworths, Paul Martel (2009), Protection Minority shareholders,https://www.droitcivil.uottawa.ca/index.php?option=com_docman&task=doc_download&gid=1795. (access 22/8/2018), p51-60

[2]Viện nghiên cứu quản lý trung ương (1999), Báo cáo nghiên cứu so sánh luật công ty ở bốn quốc gia Đông Nam á: Thái Lan, Singapore, Malaysia và Philippines, Dự án UNDPVIE/97/016, tr.55-56.

[3]Lưu Minh Sang, Liên Đăng Phước Hải (2018), Công bố thông tin sai sự thật: Cổ đông có quyền kiện đòi bồi thường,https://vietstock.vn/2018/01/cong-bo-thong-tin-sai-su-that-co-dong-co-quyenkien-doi-boi-thuong-145-576597.htm, (truy cập22/7/2018)

[4]Viện nghiên cứu quản lý trung ương (1999), Báo cáo nghiên cứu so sánh luật công ty ở bốn quốc gia Đông Nam á: Thái Lan, Singapore, Malaysia và Philippines, Dự án UNDPVIE/97/016, tr.56-57

[5]Nguyễn Thị Thu Hương (2015), Pháp luật về bảo vệ CĐTS trong công ty cổ phần ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ luật học, Học Viện Khoa học Xã hội, HàNội, tr.85

[6]Viện nghiên cứu quản lý trung ương (1999), Báo cáo nghiên cứu so sánh luật công ty ở bốn quốc gia Đông Nam á: Thái Lan, Singapore, Malaysia và Philippines, Dự án UNDPVIE/97/016, tr.55-56

[7]Nguyễn Thanh Lý (2014), Kiểm soát các giao dịch có khả năng tư lợi trong công ty cổ phần theo pháp luật việt Nam, Luận văn thạc sĩ luật học, Khoa luật, Đại học Quốc gia HàNội, tr.93.

[8]Viện nghiên cứu quản lý trung ương (1999), Báo cáo nghiên cứu so sánh luật công ty ở bốn quốc gia Đông Nam á: Thái Lan, Singapore, Malaysia và Philippines, Dự án UNDPVIE/97/016, tr.75-86.

[9]HằngPhương(2017),Cổđôngphảitiếngnóicaohơntrongchọnngười, http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/co-dong-phai-co-tieng-noi- cao-hon-trong-chon-nguoi-bao-ve-178985.html, (truy cập26/6/2018)

[10]HằngPhương(2017),Cổđôngphảitiếngnóicaohơntrongchọnngười, http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/co-dong-phai-co-tieng-noi- cao-hon-trong-chon-nguoi-bao-ve-178985.html, (truy cập26/6/2018)

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành