Thứ tư, 26 Tháng 2 2014 00:00

Đánh giá thực trạng phát triển dịch vụ xã hội ở nước ta hiện nay

I. THỰC TRẠNG THỂ CHẾ LÃNH ĐẠO VÀ QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ XÃ HỘI Ở NƯỚC TA HIỆN NAY:

1. Thực trạng thể chế lãnh đạo phát triển dịch vụ xã hội ở nước ta:

Chuyển đổi quan niệm từ chỗ xem giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao là những phân hệ thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội có vị trí độc lập với kinh tế sang đặt chúng vận hành trong quan hệ thị trường, chịu điều tiết của thị trường, có quan hệ tương tác với các lĩnh vực khác của kinh tế dịch vụ và tổng thể đời sống đất nước.

Chuyển từ quan niệm xem phát triển dịch vụ xã hội nhằm mở rộng phúc lợi phi thu nhập cho người dân sang quan niệm đầu tư cho phát triển vốn con người - cơ sở trước hết cho việc đưa giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao, khoa học - công nghệ vận hành theo cơ chế dịch vụ. Các quan điểm thường được nhấn mạnh trong văn kiện Đảng là: Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; sức khỏe là vốn quý của nhân dân.

Chuyển từ chủ nghĩa bình quân trong phân phối các sản phầm dịch vụ xã hội sang kết hợp giữa thực hiện công bằng trong thụ hưởng dịch vụ xã hội với việc tôn trọng nhu cầu của một bộ phận nhân dân có thu nhập cao; giữa đáp ứng các nhu cầu dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu mang tính công cộng với nhu cầu dịch vụ xã hội cá nhân tùy theo khả năng chi trả, tuân theo quan hệ thị trường.

Chuyển từ chỗ Nhà nước là chủ thể duy nhất hoạch định chính sách, tổ chức cung ứng và chi trả phí sang đa dạng hóa các chủ thể tham gia. Đây là một nội dụng trọng yếu của xã hội hóa mà các nghị quyết của Đảng thường nhấn mạnh. Việc hoạch định chính sách, từ chỗ Nhà nước áp đặt cách làm cho các đơn vị cung ứng dịch vụ làm sang thu hút sự tham gia của người tiêu dùng dịch vụ khi xây dựng chính sách, giao quyền tự chủ của các đơn vị cung ứng dịch vụ trong việc đưa ra chiến lược, phương hướng hoạt động. Về tổ chức cung ứng, từ chỗ Nhà nước độc quyền cung ứng dịch vụ xã hội sang thu hút sự tham gia của tư nhân, của khu vực xã hội dân sự, tạo sự cạnh tranh trong khu vực công và giữa khu vực công với khu vực tư nhân.

Chuyển tự hệ thống dịch vụ xã hội khép kín sang hệ thống dịch vụ xã hội mở, hội nhập với thế giới, chấp nhận cạnh tranh. Trước khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), quan hệ hợp tác quốc tế về giáo dục - đào tạo, y tế, thể dục - thể thao, khoa học - công nghệ, văn hóa - nghệ thuật đã được mở ra nhưng chưa gắn với quan hệ thị trường.

Các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng luôn nhấn mạnh đến khía cạnh đạo lý, nhân văn của dịch vụ xã hội nên không thuần túy chạy theo thị trường, không đồng nhất giữa xã hội hóa với thương mại hóa dịch vụ xã hội.

2. Thực trạng khung khổ pháp lý cho đổi mới quản lý và phát triển dịch vụ xã hội:

Trên cơ sở quan điểm đổi mới của Đảng, Nhà nước đã thể chế hóa thành các luật và văn bản dưới luật tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất cho quản lý phát triển dịch vụ xã hội. Khuôn khổ pháp lý bao gồm từ Hiến pháp năm 1992, các đạo luật, các nghị định, quyết định, nghị quyết của Chính phủ, thông tư của các bộ hoặc liên bộ. Hiến pháp năm 1992 lần đầu tiên ghi nhận khái niệm quyền con người và chế định các quyền con người cơ bản, trong đó phát triển dịch vụ xã hội suy cho cùng nhằm đáp ứng các quyền học hành, ăn ở, đi lại, chữa bệnh, an sinh… của nhân dân.

Thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công là một công việc trọng tâm của quá trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2006 - 2010, đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với nhu cầu của xã hội, đảm bảo chất lượng và có hiệu quả, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động xã hội của các cơ quan hành chính, góp phần nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên, để cơ chế này đạt hiệu quả hơn, đáp ứng được yêu cầu đổi mới, cải cách hành chính nhà nước trong giai đoạn mới, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế thì việc đổi mới phương thức hoạt động và cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp cần tiếp tục được chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt hơn.

Tuy đã có nhiều đổi mới, nhưng các tổ chức cung ứng dịch vụ sự nghiệp công chủ yếu đang được quản lý gần giống như cơ quan hành chính công quyền. Điều đó làm phát sinh nhiều mâu thuẫn và bất cập:

- Ngân sách nhà nước có hạn, mặc dù đã dành kinh phí ngày càng nhiều hơn cho các dịch vụ xã hội cơ bản nhưng không thể đáp ứng được nhu cầu tăng lên nhanh chóng cả về số lượng lẫn chất lượng.

- Phí dịch vụ khống chế ở mức thấp nên thực tế vẫn còn bao cấp cho cả những người khá giả có khả năng thanh toán, trong khi phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ, số người khá giả có khả năng thanh toán ngày càng đông.

- Các tổ chức cung ứng dịch vụ sự nghiệp công chưa thực sự tự chủ về các mặt tài chính, nhân sự nên không phát huy được tính chủ động, không đề cao được trách nhiệm của các tổ chức này.

- Nhân viên hoạt động trong các tổ chức cung ứng dịch vụ sự nghiệp công làm việc theo chế độ biên chế suốt đời, hưởng cùng một hệ thống tiền lương như công chức cơ quan nhà nước nên không phát huy được tính năng động, sáng tạo của họ.

- Điều chỉnh tác phong, tinh thần lao động của viên chức hoạt động trong các đơn vị cung ứng dịch vụ xã hội chủ yếu vẫn bằng tuyên truyền, thuyết phục và cải thiện lợi ích, thiếu các biện pháp cụ thể để kích hoạt các hệ giá trị nhân văn, đạo lý.

Có thể nói trên các lĩnh vực dịch vụ xã hội hiện nay, Việt Nam đang thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm. Qua tiến hành thử nghiệp và đánh giá kết quả thử nghiệm, chúng ta phát hiện được những vấn đề mới cần tiếp tục giải quyết và hiểu thêm được cách thức giải quyết vấn đề có hiệu quả hơn.

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Sửa đổi lần cuối Thứ tư, 05 Tháng 11 2014 07:54

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành