In trang này
Thứ sáu, 02 Tháng 12 2022 16:08

Khái quát lịch sử hình thành và phát triển của chủ nghĩa hiến pháp

Chủ nghĩa hiến pháp, về bản chất, mang ý nghĩa là quyền lực của nhà nước phải bị giới hạn. Mặc dù thuật ngữ Constitutionalism chỉ xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ 19 (năm 1832), nhưng tư tưởng chủ nghĩa hiến pháp hay giới hạn quyền lực nhà nước thì đã xuất hiện từ thời cổ đại, ở nhiều khu vực trên thế giới, trong đó đặc biệt rõ ràng ở phương Tây (Hy Lạp và La Mã cổ đại). Tuy nhiên, chủ nghĩa hiến pháp chỉ được phát triển thành một lý thuyết hoàn chỉnh và được vận dụng trong thực tiễn chính trị của nước Anh vào thế kỷ 17. Quá trình này được khởi đầu từ khoảng thế kỷ 12. Sau khi lên ngôi năm 1154, vua Henry II muốn mở rộng sự cai trị ra khắp lãnh thổ bằng cách đưa thẩm phán tới những nơi xa xôi nhất của đất nước để thi hành các sắc lệnh của Hoàng gia. Mục đích được đưa ra là nhằm thống nhất đất nước và xây dựng một hệ thống pháp luật quốc gia thống nhất. Ông đã tước bỏ dần các đặc quyền, đặc lợi của giới quý tộc nhằm tập trung hóa chính trị để thực hiện mục đích này. Ngoài ra, việc theo đuổi các cuộc chiến tranh và gia tăng áp đặt các khoản thuế tài trợ cho chúng của Richard và John (các con của Henry II) đã buộc giới quý tộc nổi lên chống lại, đòi hỏi Nhà vua phải nhượng bộ. Đến năm 1215, vua John đã buộc phải ký văn kiện có tên Magna Carta (the Great Charter).

Magna Carta trở thành văn kiện thành văn đầu tiên có tính chất “giới hạn” đối với quyền lực của Nhà vua với một danh mục liệt kê các đặc ân, đặc quyền giành cho giới quý tộc, tuyên bố bảo vệ quyền tự chủ của nhà thờ, quyền tự trị của các thành phố. Theo thời gian, Magna Carta được các thẩm phán thông luật giải thích rộng hơn và nâng lên tầm hiến pháp để bảo vệ cácquyền và tự do cá nhân. Magna Carta trở thành biểu tượng chống lại sự áp bức, bảo vệ tự do, nền tảng của nhiều văn kiện pháp lý quan trọng khác sau này của Anh Quốc, như: Petition of Right (1628), hay Habeas Corpus Act (1679, trực tiếp thể hiện Điều 39 của Magna Carta). Hiến pháp Liên bang và hiến pháp các bang của Hoa Kỳ cũng thể hiện nhiều ý tưởng hoặc thậm chí lời văn trong Magna Carta (như các Điều 39, Điều 40 của Magna Carta).

Sau Magna Carta, Nghị viện (Parliament) của Anh Quốc được hình thành vào năm 1265 với thành viên ban đầu là các quý tộc phong kiến được bầu, sau đó dần được mở rộng, bao gồm cả các hầu tước và quý tộc giàu có. Ở giai đoạn đầu, Nghị viện không họp đều đặn và phải được Nhà vua triệu tập (chủ yếu liên quan đến vấn đề thuế). Tranh giành quyền lực giữa Nhà vua và Nghị viện dẫn đến nhiều cuộc cách mạng đẫm máu như: War of Rose (1455- 1465), Puritan Revolution (1642-1649, đã dẫn đến việc xét xử và hành quyết Charles I), Glorious Revolution (1688-1689). Cuộc tranh giành quyền lực kết thúc vào năm 1689 với việc Hoàng gia chấp thuận Bộ luật về quyền (Bill of Rights) do Nghị viện soạn thảo, trong đó khẳng định quyền tối cao của Nghị viện và thiết lập một số nguyên tắc lập hiến chính như: Nhà vua không thể đình chỉ luật, không được miễn trừ nghĩa vụ tuân thủ luật, các khoản thuế cần có sự tán thành của Nghị viện. Nền quân chủ chuyên chế có thể nói thực chất đã chấm dứt từ thời điểm này, quyền lực được chuyển giao từ Hoàng gia sang Nghị viện. Quá trình tập trung hoá chính trị được Nghị viện tiếp tục thực hiện, mở rộng quy mô, khả năng và năng lực của bộ máy nhà nước. Đồng thời, tính đa nguyên của hệ thống chính trị là nhân tố quyết định ngăn chặn những nỗ lực tạo ra độc quyền và lạm dụng quyền lực trong Nghị viện (trao quyền cho một liên minh rộng, kiên định phản đối những nỗ lực gia tăng quyền lựccủa nền quân chủ, mọi người đều có thể ảnh hưởng đến Nghị viện thông qua các kiến nghị). Chính thực tiễn đời sống chính trị sôi động đã hình thành nên một trật tự hiến định và truyền thống thông luật (Common Law) đặc trưng, biến Anh Quốc trở thành cái nôi, thành trì của chủ nghĩa hiến pháp hiện đại, là mô hình được nhiều quốc gia theo chính thể cộng hòa ngưỡng mộ và tham khảo, dù là cộng hòa đại nghị, tổng thống, hay lưỡng tính.

Ngay sau Glorious Revolution, John Locke (1632-1704), người trở về Anh cùng William xứ Orange, đã xuất bản tác phẩm Two Treatises of Government (Hai khảo luận về chính quyền, 1821 [1689]) như một giải thích cho thực tiễn chính trị vừa mới diễn ra ở Anh. Chủ nghĩa tự do cổ điển, gắn liền với tư tưởng chính trị của Locke trong tác phẩm, thường được coi là nền tảng của chủ nghĩa hiến pháp, thể hiện những nỗ lực trong việc bảo vệ các giá trị của sự tự do lựa chọn, lý tính và lòng khoan dung trước các thế lực độc tài, chế độ chuyên chế và bất dung tôn giáo. Theo Locke, trong trạng thái tự nhiên có một “luật tự nhiên” (luật đạo đức), giống như ý chí của Đấng Sáng tạo cai trị, tất cả mọi người đều “bình đẳng và độc lập, không ai được làm tổn hại tới sinh mạng, sức khỏe, tự do hoặc tài sản của người khác”. Tuy nhiên, trạng thái tự nhiên lại có những khuyết điểm: Thứ nhất, [và chủ yếu] mọi người đều có thể là người thi hành luật tự nhiên, được huấn thị qua lý trí, nên khó có thể công tâm. Thứ hai, trạng thái tự nhiên về hình thức tỏ ra hoàn hảo, tốt đẹp, nhưng khi quan sát kỹ hơn thì đây lại là một trạng thái đầy bạo lực, tàn nhẫn. Do đó, con người đã rời bỏ trạng thái tự nhiên bằng cách đồng thuận từ bỏ quyền thực thi luật tự nhiên và thành lập nên một chính quyền hoặc cộng đồng, nơi sẽ có một cơ quan lập pháp để làm luật và mọi người đồng ý sẽ tuân thủ bất cứ điều gì mà đa số quyết định, miễn là nó tôn trọng các quyền tự nhiên của con người, bao gồm: quyền sống, quyền tự do, và quyền tài sản.

Lý thuyết chính trị của Locke đã làm sáng tỏ mối quan hệ giữa cá nhân và nhà nước mà ngày nay được chấp nhận như một nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ hiện đại, đó là thừa nhận các quyền tự nhiên thuộc về cá nhân và có trước chính quyền. Trách nhiệm đạo đức hay mục đích chính của nhà nước là bảo vệ quyền của người dân. Nói cách khác, quyền lực nhà nước có nguồn gốc từ nhân dân, được ủy nhiệm nhằm mục đích bảo vệ cuộc sống, tự do, tài sản của người dân, và chính quyền bị giới hạn bởi mục đích này. Một khi chính quyền bỏ mặc hoặc chống lại mục đích thành lập ra mình, sự ủy nhiệm sẽ bị tước bỏ và quyền lực được chuyển giao trở lại những người ủy nhiệm là nhân dân. Ngoài ra, trong việc tổ chức quyền lực, theo Locke, cần có sự phân lập giữa quyền lập pháp và hành pháp, là tư tưởng khởi nguồn của lý thuyết phân quyền hiện đại.

Điểm yếu trong lý thuyết của John Locke là làm sao xác định đâu là quyền tự nhiên, đặc biệt khi không dựa trên sự giả định của các tôn giáo; và “sự đồng thuận ngầm định”, khi mà các thế hệ sau không trực tiếp tham gia vào “khế ước ban đầu” (bất cứ ai hưởng lợi ích từ một nhà nước, ngay cả việc đi trên đường, cũng đã ngầm chấp nhận và bị pháp luật ràng buộc). John Rawls (1921-2002), một nhà chủ nghĩa tự do quân bình, đã góp phần giải quyết điểm yếu trên với giả thuyết về vị thế bình đẳng ban đầu, phía sau “bức màn vô minh” (the veil of ignorance), ngăn không cho chúng ta biết ai là ai, thì những nguyên tắc công lý nào sẽ được chọn. Rawls cho rằng, có hai (2) nguyên tắc sẽ xuất hiện từ khế ước mang tính giả thuyết này: Thứ nhất, bảo đảm quyền tự do cơ bản như nhau cho tất cả công dân, như: tự do ngôn luận, hiệp hội, tôn giáo. Thứ hai, sự bình đẳng về xã hội và kinh tế với “nguyên tắckhác biệt”, nghĩa là chỉ cho phép tồn tại những bất bình đẳng khi chúng phục vụ lợi ích của các thành viên yếu thế nhất trong xã hội.

Ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, tư tưởng chính trị của Locke ảnh hưởng mạnh mẽ đến Hoa Kỳ, được viện dẫn để biện minh cho cuộc cách mạng chống lại chế độ quân chủ Anh Quốc và thể hiện rõ nét trong bản Tuyên ngôn độc lập (quyền bình đẳng của mọi người; những quyền tất yếu, bất khả xâm phạm, bao gồm: quyền sống, quyền tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc; chính quyền dựa trên sự đồng thuận và để bảo vệ quyền lợi của nhân dân; nhân dân có quyền lật đổ chính quyền khi nó không còn phù hợp). Lý thuyết của Locke được các Nhà lập quốc (founding fathers) vận dụng, kết hợp với lý thuyết phân quyền để thiết lập nên chính quyền hợp hiến Hoa Kỳ. Các đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa hiến pháp Hoa Kỳ: chính quyền dân chủ, chế độ liên bang, phân quyền và kiềm chế-đối trọng (checks and balances), tư pháp độc lập và giám sát tư pháp, bảo vệ các quyền và tự do cá nhân (Bill of Rights), trình tự pháp luật công bằng hay pháp quyền (Due Process of Law), và Hiến pháp luôn có hiệu lực trên thực tế (Living Constitution). Nhìn chung, sau hơn hai trăm năm từ khi Hiến pháp năm 1787 được thông qua, mô hình chính quyền hợp hiến Hoa Kỳ vẫn được nhiều quốc gia hiện nay ngưỡng mộ (tin cậy), là nguồn cảm hứng cho việc xây dựng và thực hành chủ nghĩa hiến pháp ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Nếu như ở Anh Quốc, hệ thống chính trị đi theo lộ trình dẫn đến sự ra đời của một thể chế mới dựa trên các nguyên tắc của hiến pháp-chủ nghĩa đa nguyên, thì phần còn lại của châu Âu (chính xác là Tây Âu), thể chế chính trị đã đi theo một con đường khác. Các thiết chế như Cortes ở Tây Ban Nha, hoặc Estates-General và Assembly of Notables ở Pháp (tương đương với Nghị viện Anh) được thành lập, đấu tranh với nền quân chủ và đòi nhiều quyền hơn, nhưng đều thất bại và chỉ tồntại ở trên danh nghĩa. Cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 là nhân tố quan trọng cho sự thay đổi thể chế ở khu vực. Ở Pháp, Cách mạng năm 1789 đã xóa bỏ ngay lập tức chế độ phong kiến, các đẳng cấp trong xã hội cùng với những đặc quyền và đặc lợi, mang đến sự bình đẳng trước pháp luật cho tất cả mọi người. Ở nhiều nước láng giềng khác của Pháp, thay đổi thể chế đã diễn ra bởi sự xâm chiếm và dùng vũ lực để cải cách của Pháp, xóa bỏ tàn dư của chế độ phong kiến- nông nô và áp dụng nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật. Di sản lớn nhất và quan trọng nhất của Napoleon Bonaparte (1769-1821) là nỗ lực hệ thống hóa luật La Mã và các tư tưởng về bình đẳng trước pháp luật vào một hệ thống pháp luật có tên gọi Bộ luật Napoleon (Code Napoleon) vào năm 1804. Bộ luật ngay lập tức được áp dụng ở nhiều vùng lãnh thổ của Tây Âu, một cách tự nguyện hoặc bắt buộc. Cách mạng Pháp cũng dẫn đến sự thành lập các nhà nước hiện đại với bộ máy công chức được đào tạo, qua đó pháp luật được thực thi và củng cố. Hai yếu tố quan trọng là pháp luật và nhà nước đã làm cho chính quyền trong sạch hơn, bớt chuyên quyền, đối xử với người dân bình đẳng hơn, và sau đó chúng được kết hợp theo nhiều cách khác nhau để giới hạn quyền lực công quyền.

Nền tảng tư tưởng dẫn đường cho Cách mạng Pháp năm 1789 là bộ đôi lý thuyết chính trị-pháp lý thời kỳ Khai Sáng mà đã dẫn đến sự thay đổi lớn trong tư duy và cách thức tổ chức xã hội ở châu Âu trong thế kỷ 17 và 18 – lý thuyết phân quyền của Montesquieu (1689-1755) và lý thuyết khế ước xã hội của J. J. Rousseau (1712-1778). Trong tác phẩm The Spirit of Law (Tinh thần pháp luật, 1823 [1748]), Montesquieu nhận thấy rằng: “[…] ai được trao quyền cũng có xu hướng lạm quyền… Để ngăn ngừa sự lạm quyền, phải sử dụng quyền lực để ngăn chặn quyền lực”. Từ đó, lấy cảm hứngtừ mô hình hiến pháp Anh Quốc, Montesquieu đã phát triển hoàn chỉnh lý thuyết phân quyền. Ông cho rằng, quyền lực nhà nước cần được phân chia thành quyền lập pháp-hành pháp-tư pháp để chúng kiểm soát lẫn nhau và để tránh việc tập trung quyền lực mà có thể dẫn đến sự độc tài – chỉ có như vậy tự do chính trị của công dân mới được bảo đảm.

Sự kiểm soát, theo Montesquieu, bao hàm cả sự tự kiểm soát trong mỗi bộ phận quyền lực. Chẳng hạn, quyền lập pháp được giao cho hai cơ cấu: đại biểu quý tộc và đại biểu dân chúng. [Nghị viện] quý tộc chỉ được tham gia lập pháp với chức năng ngăn cản chứ không có chức năng quy định. Như vậy, [Nghị viện] thứ dân có quyền làm luật (đệ trình sáng kiến pháp lý mới), còn quý tộc chỉ có quyền thông qua hoặc phủ quyết dự luật. Nhánh hành pháp ngăn chặn lập pháp bằng việc quy định thời hạn và thời gian các phiên họp của lập pháp, có quyền ngăn cản dự định của cơ quan lập pháp, tham gia lập pháp với chức năng ngăn cản. Ngược lại, nhánh lập pháp có quyền xem xét các đạo luật được hành pháp thực hiện như thế nào (tức chức năng giám sát). Lý thuyết phân quyền có ảnh hưởng sâu sắc đến quan niệm và cách thức tổ chức bộ máy nhà nước hiện đại. Ngày nay, phân quyền là một nguyên tắc cơ bản của việc tổ chức quyền lực nhà nước trong hiến pháp của hầu hết các quốc gia, dù cách vận dụng có thể khác nhau.

Lý thuyết khế ước xã hội của Rousseau được trình bày trong tác phẩm The Social Contract (Khế ước xã hội, 1940 [1762]). Trên thực tế, lý thuyết khế ước xã hội đã được Locke và Hobbes trình bày trước đó. Rousseau chịu ảnh hưởng và gần với tư tưởng của Locke hơn. Ngay ở đầu tác phẩm, Rousseau nhận thấy: “con người sinh ra tự do, nhưng ở đâu họ cũng bị xiềng xích” bởi sự tha hóa của xã hội (xã hội càng hiện đại thì càng tha hóa). Ông đưa ra lời giải đó là sự tham gia của mọi người vào một“khế ước xã hội” bình đẳng. Cái mất đi sẽ là tự do tự nhiên, thể hiện ở quyền hành động vô giới hạn, đổi lại cái nhận được là “tự do trong văn minh và quyền sở hữu những gì mình có”, đặc biệt là “tự do luân lý, mà chỉ có nó mới biến con người thành chủ nhân đích thực của chính mình”.

Bản chất của khế ước xã hội được Rousseau tóm tắt: “Mỗi người chúng ta đặt con người và sức mạnh của mình dưới sự điều khiển tối cao của Ý chí chung (General Will), và trong khả năng tập thể đó, chúng ta đón nhận mỗi thành viên như một phần không thể phân chia của toàn bộ”. Sự khác nhau giữa Ý chí chung và Ý chí của tất cả mọi người nằm giữa một bên là cách đánh giá về lợi ích chung, và bên kia là tập hợp những đam mê và ưa thích nhất thời của cá nhân. Từ khế ước hình thành nên một Chủ quyền tối cao (Sovereign) khi hoạt động, luôn thuộc về những người liên kết, không thể phân chia (indivisible) và không thể chuyển nhượng (inalienable). Chính quyền, hay cơ quan hành chính, chỉ là một cơ cấu trung gian được tạo ra để thi hành Ý chí chung (quyền lập pháp), “nằm giữa người dân và Chủ quyền tối cao để bảo đảm sự liên lạc hai chiều, có nhiệm vụ thi hành pháp luật và giữ gìn tự do, bao gồm tự do dân sự và chính trị”. Quyền lực của chính quyền [nhà nước] do Chủ quyền tối cao ủy nhiệm, giao phó, có thể bị giới hạn, thay đổi hoặc thu hồi tùy thuộc theo ý muốn của Chủ quyền tối cao.

Như vậy, nếu lý thuyết của Locke chủ yếu quan tâm đến phạm vi và giới hạn của quyền lực chính trị, thì lý thuyết của Rousseau lại nhấn mạnh đến chủ quyền nhân dân, tức nguồn gốc hợp pháp của quyền lực chính trị và pháp lý là nằm ở một thực thể gồm toàn bộ công dân (tức Chủ quyền tối cao). Ngày nay, hầu hết các nền dân chủ hiện đại đều thừa nhận rằng chủ quyền nhân dân là nguyên tắc cơ bản của hiến pháp, thiết lập nên chính quyền.

Các cuộc cách mạng tư sản cũng dẫn đến sự ra đời của các văn kiện nhân quyền với ý nghĩa như là giới hạn mà chính quyền không được xâm phạm hoặc vượt qua, nếu không chính quyền sẽ mất đi tính chính danh của mình. Sang thế kỷ 20, nhân quyền trở thành vấn đề trung tâm ở nhiều quốc gia và trong quan hệ quốc tế. Ở phạm vi quốc tế, sự hình thành của Liên hiệp quốc và các tổ chức, thiết chế khu vực cùng với việc thiết lập, xây dựng và ban hành các văn kiện, cơ chế cho mục tiêu bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền rõ ràng đã tác động tích cực đến sự hình thành và phát triển chủ nghĩa hiến pháp ở nhiều quốc gia trên thế giới, thông qua quá trình du nhập-nội luật hóa pháp luật quốc tế, làm cho nền chính trị-pháp lý của các quốc gia theo kịp sự phát triển chung của nhân loại và các quốc gia dân chủ tiến bộ. Ngày nay, những hành động thiếu tôn trọng, lạm dụng nhân quyền vẫn xảy ra thường xuyên ở nhiều nơi trên thế giới. Điều này không hẳn là sự phủ nhận tính phổ quát của nhân quyền, mà là bằng chứng cho thấy khó khăn trong việc duy trì, bảo đảm các tiêu chuẩn nhân quyền cũng như chủ nghĩa hiến pháp.

Dù được hiến định và luật định thành các nguyên tắc, chủ nghĩa hiến pháp cũng sẽ không hiện hữu hoặc tồn tại được lâu ở một xã hội không tạo ra và gìn giữ được một truyền thống có tính chất ủng hộ cho những lý tưởng và thực hành chủ nghĩa hiến pháp mà được lưu giữ thành các “tục lệ” như là “tinh thần” của chủ nghĩa hiến pháp: hiến pháp thật sự và quan trọng của một quốc gia lại chính là “các nguyên tắc đạo đức, tục lệ và nhất là công luận”. Tinh thần đó bắt nguồn từ truyền thống Common Law, nơi các nguyên tắc hoạt động của chính quyền được gìn giữ, bảo vệ bởi thẩm quyền và tính độc lập của tòa án với một hệ thống án lệ đầy đủ và vững chắc. Nghị viện Anh về lý thuyết có quyền lực tối cao, nhưng trên thực tế chỉ hoạt động ở trong giới hạn của một tập hợp các tiêu chuẩn đạo đức độc lập cóthể được thay đổi qua các thế hệ, và cũng không bao giờ tìm cách vi phạm các tiêu chuẩn đó.

Như vậy, khởi đầu với những tư tưởng về giới hạn quyền lực nhà nước, lý thuyết chủ nghĩa hiến pháp đã dần được hình thành và phát triển theo thời gian, xoay quanh nội dung căn bản: Quyền lực hợp pháp của nhà nước có nguồn gốc từ nhân dân (những người bị cai trị), được nhân dân trao cho, có giới hạn và phải bị kiểm soát để bảo vệ các quyền và tự do của người dân. Tư tưởng về chủ nghĩa hiến pháp được thể hiện trong các tác phẩm về nhà nước và pháp luật của nhiều nhà nghiên cứu khác nhau qua các thời kỳ. Tuy nhiên, dù được biểu hiện ở bất cứ hình thức nào, nội dung căn bản (nếu trên) của chủ nghĩa hiến pháp vẫn không thay đổi. Ngày nay, cũng giống như dân chủ, pháp quyền, chủ nghĩa hiến pháp là mục tiêu mà các xã hội muốn hướng đến và xây dựng. Các xã hội hướng đến pháp quyền thường cũng đồng thời có xu hướng thực hành chủ nghĩa hiến pháp. Cùng với những yếu tố/giá trị đạo đức chính trị khác, chủ nghĩa hiến pháp trở thành một tiêu chí đánh giá tính chính danh của chính quyền, tính ổn định và phát triển của các xã hội.

Tài liệu tham khảo:

1. Daron Acemoglu, James Robinson (2013), Tại sao các quốc gia thất bại, (Trần Thị Kim Chi… [và nh.ng. khác] dịch, Vũ Thành Tự An hiệu đính), Nxb. Trẻ, Tp. Hồ ChíMinh

2. Bùi Tiến Đạt (2017), “Học thuyết trình tự công bằng và việc kiểm soát quyền lực nhà nước: kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam”, Hộithảo:Cáccơchếphápkiểmsoátquyềnlựcnhànướctrênthế giới Việt Nam, tổ chức ngày 3/11/2017, Thành phố Huế, tr.1-13.

3. Vũ Công Giao, Bùi Tiến Đạt (2019), “Nguyên tắc trình tự pháp luật công bằng (due process of law): Nhận thức và việc nghiên cứu, áp dụng Việt Nam”, trong: Vũ Công Giao, Đặng Minh Tuấn (đồng chủ biên), Pháp quyền chủ nghĩa hiến pháp: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.310-334.

4. David Held (2013), Các mô hình quản lý nhà nước hiệnđại,(Phạm Nguyên Trường dịch), Nxb. Tri thức, Hà Nội.

5. Charles Montesquieu (2006), Bàn về tinh thần pháp luật, (Hoàng Thanh Đạm dịch), Nxb. Lý luận chính trị, HàNội.

6. Jean J. Rousseau (2006), Bàn về khế ước xã hội, (Hoàng Thanh Đạm dịch), Nxb. Lý luận chính trị, HàNội.

7. Daron Acemoglu, James A. Robinson (2012), Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty, Crown Publishers, NewYork.

8. Beau Breslin (2009), From Words to Worlds: Exploring Constitut-ional Functionality, Johns Hopkins University Press, Baltimore.

9. Andrea Buratti (2019), Western Constitutionalism: History, Insti- tutions, Comparative Law,Springer.

10. Francis Fukuyama (2014), Political Order and Political Decay: from the Industrial Revolution to the Globalization of Democracy, Farrar, Straus and Giroux, NewYork.

11. Tudor Jones (2002), Modern Political Thinkers and Ideas: An Historical Introduction, Routledge, London & NewYork

12. Charles S. Montesquieu (1823), The Spirit of Laws, Vol.I, (translated from the French by Thomas Nugent), T.C. Hansard Printer, London

13. A. R. M. Murray (2010), An Introduction to PoliticalPhilosophy,Routledge Revivals, London

14. Jean J. Rousseau (1940), The Social Contract and Discour-ces by Jean Jacques Rousseau (translated with Introduction by G. D. H. Cole), J. M. Dent & Sons Ltd, London; E. P. Dutton & Co. Inc., NewYork.

15. Michael J. Sandel (2009), Justice: What’s the Right Thing toDo?,Farrar, Straus and Giroux, New York.

16. Fareed Zakaria (2007), The Future of Freedom: Illiberal Democracy at HomeandAbroad,W.W.Norton&Company,NewYork&London